Thông tin sách

Trích giảng và Đối chiếu Trường A Hàm với Trường Bộ Kinh

Trích giảng và Đối chiếu Trường A Hàm với Trường Bộ Kinh

 Thể loại:

Kinh

 Tình trạng:

Hoàn thành 3 Chương
Đánh giá: 10 /10 từ 0 lượt

MỞ ĐẦU

Thông thường người học Phật, khi mới vào Sơ đẳng đã được học các kinh như Tứ Thập Nhị Chương, Di Giáo, Bát Đại Nhân Giác v.v… là những bài kinh được trích trong các bộ A-hàm. Hôm nay tôi trích giảng đối chiếu ba bài kinh Phạm Động, Đại Duyên Phương Tiện, Bố-tra-bà-lâu của Trường A-hàm do hòa thượng Trí Đức dịch; Phạm Võng (Brahmajāla), Đại Duyên (Mahānidāna), Potthapāda của Trường Bộ kinh do hòa thượng Minh Châu dịch, để thấy sự sai biệt, ưu khuyết cùng tầm vóc quan trọng của hai tạng kinh cho người học nắm rõ.

Bốn bộ A-hàm gồm Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm. Bốn bộ A-hàm thuộc hệ Sanskrit được chư tổ dịch sang tiếng Hán, rồi từ Hán dịch sang tiếng Việt.

Bốn bộ kinh là Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng Bộ kinh và Tăng Chi Bộ kinh. Bốn bộ kinh này thuộc hệ Pāli do hòa thượng Thích Minh Châu dịch sang tiếng Việt, từ năm 1965 đến năm 1972)

Về ý nghĩa của mỗi bộ kinh, Agama (tiếng Phạn) đọc trại là A-hàm, nghĩa là Pháp quy. Quy là gom, tức là gom tất cả các pháp của Phật dạy thành bốn bộ. Thế nên nói đến A-hàm, tức chỉ cho giáo pháp đức Phật đã nói, được kết tập lại thành bốn bộ.

Những bài pháp dài gom chung một bộ gọi là Trường A-hàm (Dirgha-āgama), do hai ngài Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm dịch năm 413 TL. Trường Bộ kinh tiếng Pāli là Digha-nikāya, nghĩa là dài, cũng có nghĩa là gom.

Trung A-hàm là gom chung những bài kinh vừa phải không dài không ngắn. Hệ Pali gọi là Trung Bộ kinh

Tạp A-hàm, tạp là lẫn lộn. Vì các bài kinh này có bài dài, bài ngắn, bài vừa chừng… được kết tập lẫn lộn, nên gọi Tạp A-hàm. Pāli dịch là Tương Ưng Bộ kinh. Tên kinh này hai bên dịch khác nhau. Bởi vì bên Pāli dịch tên kinh là nhắm thẳng vào từng phẩm, có phần hợp nhau thì gọi là Tương Ưng. Như phẩm Nghiệp, phẩm Nhân Quả, phẩm Tứ Đế v.v… những bài kinh nói về nghiệp gom chung một phẩm, nói về Tứ đế gom chung một phẩm, nói về nhân quả gom chung một phẩm… Gồm hết những bài kinh đó lại một phẩm cùng loại thì gọi là Tương Ưng. Tạp A-hàm là đứng về số lượng các bài kinh dài ngắn lẫn lộn mà đặt tên. Tên gọi có khác nhưng về ý nghĩa thì hai bên không khác.

Tăng Nhất A-hàm, tăng là thêm, nhất là một. Những bài kinh đức Phật nói, thuộc một pháp thì gom chung một loại, hai pháp gom chung một loại, cứ như vậy cho đến mười lăm, mười sáu pháp… Những kinh này gọi là Tăng Nhất A-hàm. Hệ Pāli gọi là Tăng Chi Bộ kinh. Chi là phần, tăng chi là thêm từng phần.

Tạng kinh hệ Pāli rất đơn giản, gồm hết kinh Phật chỉ có năm bộ: Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng Bộ kinh, Tăng Chi Bộ kinh và Tiểu Bộ kinh. Tiểu Bộ kinh gồm các kinh Bổn Sanh, Bổn Sự và những sự tích của chư tăng ni. Hán tạng thì chỉ nói bốn bộ A-hàm, phần Bổn sanh, Bổn sự thuộc về lịch sử nên ghi riêng. Ngoài bốn bộ A-hàm ra, còn có những bộ kinh khác như: Bát-nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết-bàn v.v… rất nhiều. Do hai lối phiên dịch, nên về cách kết cấu và phần diễn đạt rộng hẹp có khác nhau chút ít. Khi chúng ta học sẽ thấy rõ ý nghĩa từng bài kinh, việc kết tập hoặc dài hoặc ngắn, những chỗ ưu khuyết, đủ thiếu, đơn giản hay phức tạp… của hai bên, để chúng ta đủ lòng tin trong sự tu học.

Thích Thanh Từ


Bình luận