Thiền Và Ngộ

Bài 05. Tình Và Lý



∗ Lời Dẫn

Tình và lý – Làm cách nào để xử lý những quan hệ giao tế phức tạp?

Người ta hay nói: “Người đó nhân phẩm không tệ, tâm địa rất tốt, nhưng quan hệ với người không được tốt!” Xin hỏi quý vị người như vậy có kể là người tốt không? Đứng trên mặt cá nhân, anh ta là người tốt; nhưng đứng trên mặt xã hội, anh ta chỉ là phân nửa người tốt. Đặc biệt là tín đồ Phật giáo, nếu cư xử với người không tốt thì không thể phát huy công năng làm thanh tịnh xã hội. Do đó hôm nay tôi muốn trao đổi với các vị về vấn đề “tình và lý”, thảo luận xem quan hệ giữa người với người phải nên kiến lập như thế nào mới là hòa hợp.

I/ Định nghĩa về tình và lý

Thế nào là tình và lý? Thái độ chủ quan là tình, thái độ khách quan là lý. Quan điểm tự tư là tình, quan điểm công bình là lý. Mong cầu cho mình, mong cầu cái lợi trước mắt là tình, mong cầu cho đại chúng, mong cầu cho thiên cổ là lý. Có chỗ làm mà làm là tình, không chỗ làm mà làm là lý.

Tình duy trì sự hoạt động và tồn tại của nhân gian, nó giống như một thứ thuốc làm cho trơn nhuận, khiến người sống có ý nghĩa hơn. Nhưng đứng trên quan điểm Phật giáo, đệ tử Phật bắt buộc phải hóa giải từng lớp từng lớp của tình để nhập vào trạng thái của lý. “Thái độ chủ quan” là không quản gì đến suy nghĩ của người, không đặt mình vào vị trí của đương sự để suy xét, chỉ quan tâm đến suy nghĩ của mình, cách nhìn của mình, đó gọi là “tình”. Ngược lại, việc gì cũng nghĩ cho người, đòi hỏi chính mình phải dần dần giảm thiểu những tâm lý và hành vi tự tư tự lợi, đây là lý. Khi nghĩ làm lợi cho mình, cũng nghĩ phải trợ lực người khác có được lợi ích, có được sự giúp đỡ. Giống như cùng đi trên một con thuyền, chúng ta phải cùng nhau cải sửa, bảo quản tốt tính năng của con thuyền, khiến cho tất cả mọi người trên thuyền đều có thể sớm đến nơi an toàn, và bản thân chúng ta đang ở trên thuyền cũng đương nhiên đến bờ kia an toàn. Tâm lượng chúng ta càng rộng thì người được giúp đỡ càng nhiều, sự tiến bộ và thành tựu mà bản thân đạt được cũng càng lớn. Cho nên tuy không vì mình mà rốt cuộc người có được nhiều lợi ích nhất lại chính là mình. Phương thức này gọi là “vô sở vi” (không chỗ làm), nhưng lại là có làm (hữu vi) nhiều nhất.

II/ Các loại tình và lý

Tình có thể chia làm 5 hình thái: Tình yêu giữa nam nữ, thân tình giữa quyến thuộc, tình bạn giữa bạn bè, ân tình giữa người cho và kẻ nhận, đạo tình giữa những người tu hành. Trong 5 loại này, 4 loại đầu là tình thế tục, loại thứ 5 là pháp tình. Do đó, Phật giáo gọi chúng sanh bằng một tên chung “hữu tình”.

Đầu tiên chúng ta thảo luận về tình yêu nam nữ. Nhưng giữa nam nữ có tình bạn và ân tình không? Đương nhiên có. Có thể thấy giữa nam nữ không nhất định chỉ có tình yêu. Đối với người học Phật, giữa nam nữ, vợ chồng cũng có đủ đạo tình. Ngoài ra, trong quan niệm của người Trung quốc xưa nay, cho rằng giữa cha mẹ và con cái chỉ có tình thân và ân tình. Nhưng trong xã hội ở các quốc gia phương Tây thời nay, người ta cũng xem cha mẹ là bạn bè. Đồng thời, giữa cha mẹ và con cái cũng có tình yêu: Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, kính và yêu của con cái dành cho cha mẹ. Đương nhiên giữa bạn bè, ngoài tình bạn ra còn có ân tình và đạo tình. Còn giữa người cho và kẻ nhận, có một số người đơn thuần vì bố thí mà làm bố thí, hoàn toàn không có ý thi ân cho người. Hạng người này là hạng bố thí “vô ngã”.

Lúc tôi du học ở Nhật bản rất ít người giúp đỡ, cúng dường tôi. Nhưng tại Thụy Sĩ, có một thí chủ tôi không quen, thường theo định kỳ gửi tiền cho tôi. Tôi hỏi ông: “Ông muốn tôi làm gì cho ông? Ông muốn tôi làm sao báo đáp ông?” Ông trả lời: “Tôi không hy vọng, không chờ đợi gì nơi Thầy, cũng không mong cầu Thầy báo đáp tôi. Chỉ mong sau này lúc Thầy có đủ năng lực có thể giúp đỡ người.” Như thế này chính là đạo tình. Cho nên, dùng Phật pháp, tài lực, sức lực giúp đỡ bất cứ ai khiến họ có thể nhận được ích lợi nơi Phật pháp đều là đạo tình.

Sau đây chúng ta bàn đến các loại “lý”. Theo quan điểm thông thường hay trên quan điểm Phật pháp, lý có thể chia làm 6 loại: Định lý của vật chất gọi là “vật lý”, cấu tạo của thân thể gọi là “sinh lý”, quỹ đạo của tâm niệm gọi là “tâm lý”, phạm trù giao tế gọi là “luân lý”, “chân lý” của triết học và tôn giáo, và “chân như” hay “lý tính”, tức “bản địa phong quang” của Phật giáo.

1. Vật lý:

Tối qua may mắn bão không thổi đến, sớm nay có chút gió nhẹ, mưa lất phất. Có người nói: “Sư phụ! Ngày đầu tiên Thầy giảng kinh, bão liền thổi đến, thật là đáng ghét!” Tôi nói: “Nó thổi có đạo lý, gió thổi nhất định có nguyên nhân. Đã là việc có đạo lý, có nguyên nhân thì chúng ta không nên oán trách nó.”

Cách đây hai năm, một hôm tôi ngồi xe của một cư sĩ đến thăm hỏi một nơi. Lúc đó mưa rất lớn. Cư sĩ nói: “Hy vọng lúc chúng ta xuống xe thì mưa tạnh, đừng để Sư phụ mắc mưa thì không tốt.” Tôi nói: “Chú tự tư quá! Vì cá nhân tôi mà chú bảo trời đừng mưa.” Nhưng thật kỳ lạ, lúc chúng tôi đến nơi, mưa đột nhiên tạnh hẳn. Cư sĩ vui mừng nói: “Đây là phúc báo của Thầy, không mưa nữa rồi.” Tôi nói: “A Di Đà Phật! Đây không phải phúc báo của tôi, bảo trời không mưa liền không mưa. Nếu lúc này thời tiết hạn hán đang cần mưa xuống, tôi đến thì không mưa nữa, không phải là làm hại rất nhiều người sao? Cho nên, đây là lúc “phải” không mưa nữa, chớ không phải vì tôi đến.” Ví dụ này cho ta thấy, bất cứ hiện tượng nào xảy ra trên thế gian đều có nguyên nhân của nó. Là một Phật tử, nếu chúng ta nói vị Đại đức nào đó đến một nơi nào đó thì trời không mưa nữa, sau khi đi rồi trời mưa lại, đây là ngoại đạo, không phải Phật pháp, vì Phật pháp dạy nhân duyên quả báo.

2. Sinh lý:

Thân thể chúng ta và máy móc giống nhau, đừng dùng nó thái quá, cũng đừng bỏ bê nó thái quá. Máy móc nếu mỗi ngày đều sử dụng thì có thể sẽ nhanh chóng tiêu tùng, cho nên nhất định phải cho nó nghỉ ngơi, bôi trơn và sửa chữa đúng lúc, như vậy mới sử dụng được lâu dài. Thân thể tôi trước nay chưa từng khỏe mạnh, luôn luôn có bệnh, nhưng mỗi ngày tôi đều vận động. Rất nhiều người khuyên tôi nghỉ ngơi, tôi nói cái máy này của tôi không thể nghỉ, hễ nghỉ là bị rỉ sét liền. Có lúc cực kỳ bận rộn lại có người muốn gặp, muốn nói chuyện với tôi, tôi vẫn gặp, vẫn nói chuyện và sử dụng như chính thời gian nghỉ ngơi. Ví dụ có người hỏi tôi: “Đau đầu phải làm sao?” Tôi nói: “Không sao cả! Ngoài việc đi bác sĩ ra, anh niệm thêm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm là được.” Anh ta nói cả buổi, tôi chỉ nói một câu, anh ta liền vui vẻ tiếp nhận, vấn đề của anh giải quyết xong.

3. Tâm lý

Niệm trong tâm chúng ta thường giống như khỉ rừng, ngựa hoang, nên gọi là “tâm viên ý mã”. Nhưng nếu có thể tìm được con đường của lý, hiểu được nguyên nhân khởi diệt của tâm niệm thì sẽ không bị các thứ tâm viên ý mã này làm phiền não.

Hiện nay có rất nhiều bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp có thể giúp người phân tích nguyên nhân phát sinh của tâm niệm và tìm ra phương pháp giải quyết, khiến cho người tâm lý có vấn đề nhận được sự an ủi và trị liệu nhất thời. Nhưng phương thức này chỉ trị được ngọn mà không trị được gốc, sau khi “lý” trong sạch rồi, tâm vẫn còn loạn.

Phật pháp có thể chữa được tận gốc, làm sạch được tận nguồn. Trước tiên, Phật pháp dạy chúng ta phải biết rõ phiền não trong tâm từ đâu sinh (hơi giống phương pháp của tâm lý học). Kế đến, bất kể là vấn đề gì cũng đều “ma đến giết ma, Phật đến giết Phật”. Niệm xấu đương nhiên phải dứt bỏ, mà niệm tốt cũng quăng đi, buông hết tất cả mọi tư tưởng, theo thời mà buông. Đến trình độ này, dấu vết của tâm niệm đã không còn tồn tại, thì tâm lý còn có vấn đề không? Đương nhiên là không. Đây chính là nghĩa “khai ngộ”, “trừ phiền não”, “chứng bồ đề”. Cho nên, bác sĩ tâm lý có thể giúp cho nhiều người, còn Phật pháp thì hay giúp cho bác sĩ tâm lý.

Trong số những đệ tử, học trò của tôi có mười mấy người là bác sĩ tâm lý, bao gồm cả người phương đông lẫn người phương tây, người phương tây hơi nhiều hơn. Tôi hỏi họ: “Các chú không phải bác sĩ sao?” Họ thưa: “Thưa Sư phụ! Thầy là bác sĩ của bác sĩ.” Tôi nói: “Tôi đâu có bản lãnh lớn như vậy, tôi cũng bị bệnh, cũng đang trị bệnh, có điều tôi là bệnh nhân cũ giúp đỡ bệnh nhân mới. Chỉ có Đức Phật đại từ bi mới là bác sĩ của bác sĩ.” Một danh hiệu khác của đức Phật là “Đại Y Vương”, Y sư chân chính chính là Đức Phật.

4. Luân lý

Người Trung quốc khi nói đến luân lý thường nhấn mạnh ngũ luân, chỉ rõ trách nhiệm và nghĩa vụ về luân lý, tức là ở thân phận và lập trường như thế nào thì phải cố gắng làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ như thế đó. Nếu không tận sức làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thì không phải là người tốt. Ví dụ trong quan hệ vợ chồng, nếu chồng và vợ đều tận lực với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thì quan hệ giữa vợ chồng nhất định sẽ rất hòa mục. Ngược lại thì chắc chắn sẽ có cãi nhau. Thường người ta hay yêu cầu người khác làm tròn trách nhiệm, còn chính mình thì không hết lòng với bổn phận của mình.

5. Chân lý

Đây là loại tư tưởng, lý luận, quan niệm Hình nhi thượng. Là từ trong xã hội hiện thực mà nghĩ rộng đến chân lý lý tưởng, bất biến. Hiện tượng thì biến động còn chân lý thì bất biến. Cho nên các nhà triết học, các nhà tôn giáo đều tin rằng có chân lý tối sơ và chân lý tối hậu. Có thể tin có chân lý thì tâm lý sẽ được an ủi, có được cảm giác có chỗ nương tựa. Do đó, người có triết học tu dưỡng thường không phải người xấu, cũng không phải người có tâm lý nóng nảy bộp chộp, nhân cách nhất định tốt. Tại sao? Vì họ tin rằng hiện thực tuy không công bình, nhưng chân lý chắc chắn là công bình.

6. Bản địa phong quang

Còn có tên là Chân như, Niết bàn, Phật tánh, Pháp thân Phật… Rất nhiều người lầm cho rằng chết là Niết Bàn, thật ra Niết Bàn nghĩa là tâm như nước lặng, không bị các thứ cảnh thuận nghịch như thị phi, thiện ác v.v… quấy nhiễu, được tự do tự tại.

Cách đây hơn 10 năm, lúc tôi mới đến Mỹ không lâu, có một người Mỹ đến cầu tôi cho pháp môn giải thoát. Anh nói: “Bây giờ tôi không được tự do, muốn ly hôn mà không được vì người vợ yêu cầu tôi đưa tiền. Thưa Sư phụ! Nghe nói trong Phật pháp có pháp môn giải thoát, có phải không?” Tôi nói: “Vô dụng thôi, sau khi tôi giúp anh ly hôn với vợ, anh sẽ lại kết hôn với một phụ nữ khác, bỏ một cái bắt một cái, anh vĩnh viễn không thể giải thoát.” Anh nói: “Từ nay tôi không kết hôn nữa, tôi đã chịu đủ các tật của phụ nữ rồi, lẽ nào còn muốn kết hôn nữa?” Tôi bảo anh: “Anh sợ nữ nhân cũng không giải thoát được vì không được tự tại. Nếu anh gặp phụ nữ mà trong tâm không sợ, cô ấy quấn quít anh, anh cũng chẳng ngại cô ấy quấn quít, đó chính là giải thoát. Ngược lại, không nữ nhân, không vợ cũng không cảm thấy đau khổ, đây là giải thoát.” Tức là nói khi chúng ta gặp bất cứ vấn đề gì đều có thể dùng tâm vui vẻ, hoan hỷ, bình tĩnh mà đối diện nó, giải quyết nó, ngay chính khi đó là được giải thoát.

III/ Khéo dùng tình và lý

Từ bi và trí tuệ trong Phật pháp trên thực tế chính là tình và lý của thế gian đã được tịnh hóa. Tịnh hóa nghĩa là không làm cho chính mình và người khác phải rơi vào trong vòng phiền não, lo lắng.

Làm sao để cho quan hệ giao tế giữa người và người không phức tạp? Đáp án chỉ có 4 chữ “dùng tình dùng lý”. Nghĩa là dùng từ bi và trí tuệ để xử lý những quan hệ giao tế của chúng ta.

Chúng ta đối đãi với người, thêm một chút lòng quan tâm là thêm được một phần tình nghĩa. Có một số người ngang ngược không kể gì đạo lý, nói đạo lý với họ là không xong. Nhưng dùng tình (tình thân, tình yêu)  hoặc dùng quan hệ bạn bè thì lại giải quyết được vấn đề. Người Trung quốc ưa dùng tình khiến người cảm thấy ấm áp, thân thiết. Nhưng nếu chỉ dùng “tình” mà xem nhẹ “lý” lại có thể làm chúng ta điên đảo thị phi, trắng đen không phân. Do đó, đối với quan hệ gia đình hay bạn bè, thân thích của mình thì có thể dùng tình, nhưng đối với quan hệ xã hội thì phải dùng lý để xử lý. Tức là giải quyết việc tư có thể dùng tình, giải quyết việc công phải dùng lý. Dùng tình giúp cho hoàn cảnh xung quanh chúng ta hòa mục, dùng lý khiến cho xã hội công bình, hai cái này chấp một không được, bỏ một cũng không xong.

Tôi có một đệ tử rất lý tính, làm việc gì cũng xét xem có hợp lý không, cho nên chú thường bực bội. Chú nói: “Sao kỳ cục vậy! Trên thế gian này việc không công bình, không hợp lý sao nhiều thế!” Tôi bảo: “Chú không từ bi! Lúc tiếp người không thể hoàn toàn dùng lý tính, người không thể bị xử lý như vật, chú phải tăng thêm từ bi, như vậy chú mới cảm thấy an tâm đạt lý, đồng thời những người quan hệ với chú cũng cảm giác vui vẻ.”

Nghĩa của từ bi gần giống như thông cảm, nhưng thanh tịnh trong sạch hơn. Dùng tình hay đem theo cảm tình cá nhân, nhưng dùng từ bi thì không bị như vậy. Khi xung quanh chúng ta xuất hiện hiện tượng không hợp lý hay người nào đó làm ra hành động không hợp lý, theo lý thì những người này có thể phải ngồi tù. Nếu đứng trên lập trường từ bi mà xét thì hành vi của họ có lẽ do hoàn cảnh gia đình, xã hội hay nhân tố thân tâm dẫn khởi. Có thể đứng trên nhiều góc độ khác nhau để thông cảm và tha thứ cho họ, và dùng các phương pháp khác nhau để giúp đỡ họ, đây là lòng từ bi.

Đối với việc của người khác phải từ bi, nhưng không phải lúc nào cũng nói “được, được, được”. Còn đối với việc của mình thì phải dùng trí tuệ để hóa giải, chỉ đạo và sửa chữa, đây gọi là tu hành. Chúng ta thường hay gặp phải một số việc quấy nhiễu mình, những việc này thường là tự mình tạo ra, cũng có thể là do hoàn cảnh đem lại. Trong tình huống này, bạn oán hận mình hay trách cứ người khác đều vô dụng, dùng quan điểm nhân quả trong Phật pháp để hóa giải mới là cách tốt nhất. Nếu không chúng ta sẽ bực bội bất an.

Theo quan niệm nhân quả trong Phật pháp, tất cả những rắc rối hay phiền não đều do nhân quá khứ cho ra kết quả hiện tại. Sau khi có được quan niệm này, phiền não tự nhiên sẽ giảm bớt, hoặc hoàn toàn không cần phải phiền não. Nhưng ý nghĩa của nhân quả không phải là bảo chúng ta đừng thay đổi hoàn cảnh, đừng giải quyết vấn đề, mà là phải cộng thêm nhân duyên để thúc đẩy việc thay đổi hoàn cảnh và giải quyết vấn đề, đây mới là cách xử sự của trí tuệ.

Phật pháp coi trọng từ bi và trí tuệ, thúc đẩy sự tu hành trong Phật pháp chính là mở rộng sự vận hành của từ bi và trí tuệ. Nếu người người đều có tâm từ bi và trí tuệ thì xã hội chắc chắn sẽ được tịnh hóa, cuộc sống của chúng ta nhất định sẽ hạnh phúc. Do đó chúng ta phải làm sao cho càng có nhiều người hoằng dương Phật pháp, khuyên dạy mọi người tiếp nhận Phật pháp và tu hành theo Phật pháp.

Ước mong quý vị đều sẽ là những bậc tu hành, những nhà hoằng pháp có đủ lòng từ bi và trí tuệ. Xin chúc phúc cho chư vị.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.