Nội dung:
Ngộ theo nghĩa thông thường là Lý giải, Mở bày, Tỉnh giác, Đối nhau. ‘Lý giải’ là trước không biết, bây giờ biết. Có thể các vị đều có kinh nghiệm lúc nhỏ bị chọc ghẹo. Như có người ở sau lưng bịt mắt bạn lại rồi kêu bạn đoán, bạn đoán không ra, đến khi đối phương buông tay, bạn xoay đầu lại, chợt phát hiện: “Ồ, té ra là cậu!” Đây chính là khai ngộ. ‘Mở bày’ là cách gõ bên cạnh, đánh bên hông làm cho bạn hiểu. Đối với việc bạn không biết mà giải thích thế nào bạn cũng không hiểu, lúc đó dùng một loại ví dụ hoặc một phương pháp khác khiến bạn từ một phương diện khác tưởng ra được đó là cái gì. ‘Tỉnh giác’ là trước đó mình mờ mờ mịt mịt, hồ đồ lạng quạng, nhưng chợt có ai đó nhắc nhở, mình chợt hiểu ra: “À! Té ra là như vậy! Trước tôi không biết, bây giờ biết rồi.” ‘Đối nhau’ là mặt đối mặt. Có người gặp nhau mà không quen nhau, thấy nhau mà không nhận nhau. Các vị chắc cũng có kinh nghiệm tương tợ như vậy? Bốn tháng trước tôi gặp một việc khá lý thú: Ông Dương Kim Tùng, thị trưởng Đài Bắc nhiệm kỳ trước, muốn quy y Tam Bảo, bạn thân của vợ ông là đệ tử ngũ giới của tôi, ông Dương cũng quyết định đến Bắc Đầu quy y. Sau khi nghi thức quy y kết thúc, tôi mời ông đến nhà khách. Ông nhìn thấy bức liễn treo trong nhà khách có đề “Pháp Sư Thánh Nghiêm”, mới kinh ngạc kêu lên: “A! Ngài là Pháp sư Thánh Nghiêm.”
Ngộ trong Phật giáo, theo Kinh điển Đại Thừa, như Kinh Lăng Nghiêm nói: Người mê đi trên đường mê, còn người ngộ là từ trong mê được ngộ, mà phải nhờ người khác chỉ cho làm thế nào chuyển mê thành ngộ. Kinh Pháp Hoa phẩm Phương Tiện nói: Chư Phật Thế Tôn thị hiện nơi đời là có nguyên nhân. Nguyên nhân đó là mở bày Tri kiến Phật cho chúng sanh, khiến chúng sanh đạt được cứu cánh thanh tịnh, làm cho chúng sanh biết được tri kiến Phật là gì, giúp chúng sanh nhập vào Tri kiến Phật. Do đó Tông Thiên Thai nói: Chư Phật thị hiện ở thế gian là vì 4 chữ “Khai, Thị, Ngộ, Nhập”. Mở bày (Khai) tri kiến Phật của chúng sanh, chỉ ra (thị) tri kiến Phật nơi chúng sanh, khiến chúng sanh ngộ được (Ngộ) tri kiến Phật, sau đó nhập vào (Nhập) tri kiến Phật. Cho nên Phật giáo gọi Pháp sư thuyết pháp là Khai thị, là lấy từ ý này. Tôi giảng pháp ở đây cũng có thể nói là khai thị, khai thị tri kiến Phật của chư vị, khiến chư vị ngộ nhập tri kiến Phật. Theo định nghĩa trong Kinh Pháp Hoa, tất cả Phật pháp đều làm cho chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật. Vậy Tri kiến Phật là gì? Là không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả. Không tướng chính là thực tướng, đây là nghĩa vô ngã, cũng là nghĩa không chấp trước.
Còn theo các vị Tổ sư Thiền Tông, như Thiền sư Pháp Nhãn từng nói: “Người mê mê cái ngộ, người ngộ ngộ cái mê; người ngộ biết phương hướng, người mê cho hướng Nam là hướng Bắc.” Kỳ thực mê ngộ chỉ là một thứ. Nhưng người mê buông không được, bỏ không nỡ, lìa chẳng đành, còn người ngộ biết tất cả đều rất bình thường. Tham không tốt, tâm tham là một loại phiền não, đặc biệt là tham tài, còn các thứ khác như tham ngủ, tham lợi, tham danh, tham sắc, tham địa vị v.v…, chỉ cần tham bất cứ thứ gì đều là không tốt. Có người hỏi tôi, nếu kiếm tiền là tham, vậy tôi lẽ nào không thể làm ăn? Và Phật giáo chẳng phải cũng khích lệ người hành bố thí, làm các công đức đó sao, đây lẽ nào cũng là tham? Tôi nói, nếu tiền của tự viện để vào túi riêng của tôi, tôi tự ý chi xài, đây là tham. Nếu dùng tiền này duy trì các hoạt động trong tự viện, và các hoạt động đều là vì hoằng pháp, vì làm lợi ích chúng sanh, thì không gọi là tham. Lại có người hỏi: Công ty chúng tôi kiếm được tiền đem tặng cho xã hội, sự nghiệp kinh doanh của chúng tôi cũng là vì lợi ích của đại chúng, đây cũng gọi là tham sao? Tôi nói: Đương nhiên không phải. Do đó, phàm tất cả những tìm cầu lấy tự ngã làm trung tâm đều gọi là tham, còn bất cứ việc gì không vì cá nhân, không vì tự ngã mà làm đều không phải là tham. Các Tổ sư Thiền tông nói ngộ là không còn chấp trước cho tự ngã là trung tâm, cho nên có thể buông bỏ tất cả. Người buông bỏ được mới có thể gánh vác được. Cũng có nghĩa là người càng buông bỏ tâm lượng càng rộng lớn, ngộ cảnh cũng càng cao thâm.
Ngộ phân ra ngộ của thế gian và ngộ trong Phật giáo. Ngộ của thế gian chia làm hai loại: Sự khai mở của linh cảm, và trời thần cho chỉ thị. Linh cảm là những cảm xúc chợt đến mà các nhà thơ, họa sĩ, văn sĩ nhờ nó sáng tạo ra các tác phẩm. Có lần ở Mỹ tôi gặp một họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia, anh đang ngắm nhìn một cái lá khô rơi trên mặt đất, mặt lá hiện dấu vết côn trùng gậm nhấm. Sau đó anh chụp hình cái lá này. Tôi hỏi anh lá cây có gì đẹp? Anh nói: “Ở trong đó tôi nhìn thấy nguyên lý tổng thể của vũ trụ, tôi nhìn thấy thượng đế xuống nói chuyện với tôi, cũng nhìn thấy Phật thuyết pháp cho tôi. Ở trong nó có cái đẹp toàn diện, cũng có cái đẹp không toàn diện. Tôi nhìn thấy cả một lịch sử phát triển của thiên nhiên, thậm chí tôi có thể viết một quyển sách rất dày về sự phát hiện của ngày hôm nay.” Các vị có trải qua loại kinh nghiệm này chưa? Có lần tôi nhìn thấy một nhà thơ đang quan sát các con kiến leo lên cây, ánh mắt anh ta không ngừng dõi theo đàn kiến trèo lên trèo xuống. Tôi hỏi anh rốt cuộc anh đang theo dõi con kiến nào? Anh nói anh đang nhìn tổng tư lịnh của chúng. Tôi nghe xong ngẩn ngơ. Đây chỉ là sự quan sát và liên tưởng của các nhà nghệ thuật, thực tế không nhất định giống như vậy. Chúng ta thử xem tranh của Hồng Thông (người Đài Loan), trong tranh Hồng Thông trên đầu người có thể mọc hoa, trên mặt hoa cũng có thể hiện hình người, giống như trên cây có chim, trên đầu chim cũng có thể mọc ra cây, đây là linh cảm của ông ta. Tôi có gặp qua một bé trai đang trốn dưới gầm bàn, tôi hỏi nó làm gì, nó nói dưới bàn có nhiều người lắm, nhưng tôi chẳng thấy ai. Nó chỉ chân bàn, chân ghế và những lằn vân của gỗ nói đây là người này, kia là người nọ, còn nói: “Ba con giống cái này nè.”
Còn trời thần cho chỉ thị, có thể nói đây là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian. Các vị có thấy người bị quỷ thần nhập không? Rất nhiều người từng thấy. Như sự kiện Lưu Hòa Mục ở Đài Loan, và một vị hiện ngụ ở Mỗ-hoạt-phật (Tây-nhã-đồ), trước kia ở Đài Trung, đều thuộc hạng người này. Họ làm hiện ra những thanh âm, quang ảnh lạ thường khiến bạn cảm tưởng họ là người đã khai ngộ, họ cũng tự nói đã đại triệt đại ngộ. Hiện nay rất nhiều nhân sĩ ngoại đạo dùng loại phương thức này để tỏ ra mình là người đã ngộ. Hoặc dùng tình cảm, hoặc dùng những hình thức nghệ thuật lãng mạn để đánh động vào lòng người, những cái này đều không phải là ngộ chân chính. Nếu dựa vào sức của quỷ thần tự nhận mình khai ngộ, đây là đang nói lời của quỷ thần, hạng người này chưa khai ngộ. Có điều, không khai ngộ không có nghĩa là vô dụng, không phải nghệ thuật, học thuật không tốt, hay tín ngưỡng dân gian không có giá trị.
Ngộ trong Phật giáo chia làm ba loại: Tín ngộ, giải ngộ và chứng ngộ. Tín ngộ là do chân thành tin tưởng Phật Bồ-tát, Tam bảo mà nhận được sự cảm ứng của Phật Bồ-tát, sự gia trì của hộ pháp long thiên, khiến tín tâm càng kiên cố. Lúc tôi còn là một chú tiểu sa di mới xuất gia, học giáo lý không thuộc, sau đó Sư phụ tôi bắt tôi sáng sớm mỗi ngày trước khi mọi người thức dậy phải đến lễ Bồ-tát Quán Thế Âm 500 lạy, Ngài nói làm như vậy sẽ được thông minh, học bài mau thuộc. Tôi theo lời Sư phụ dạy lễ lạy ba tháng, đột nhiên tôi thông minh lên, học thuộc bài rất nhanh. Các vị nói xem tôi đã khai ngộ chưa? Đương nhiên là chưa, nhưng cũng có thể nói khai ngộ rồi. Đây là sự gia trì của Đức Quán Âm dành cho tôi, khiến nghiệp chướng của tôi được tiêu trừ, không còn ngu đần nữa. Thuyết này dường như rất huyền bí, như trong đạo Nhất Quán, họ điểm điểm vào chân mày của bạn và cho bạn 5 chữ “Vô Thái Phật Di Lặc”, thế là bạn trở nên thông minh. Không thể nói đây là lừa gạt, dường như họ thật sự có phương cách.
Nhưng Phật giáo khác với trời thần chỉ thị của tín ngưỡng tôn giáo dân gian, vì Phật giáo có Phật pháp làm tiêu chuẩn, cho chỉ thị. Chúng ta tuy có nói đến cảm ứng và sự gia trì, nhưng không nói tự mình là Phật, là Đại Bồ-tát hay nói mình đã đại triệt đại ngộ. Còn ngoại đạo thì hay nói như vậy.
Giải ngộ là nhân xem kinh sách Phật, hay nghe pháp Phật mà đối với Phật pháp phát sinh tín tâm và lý giải, cho rằng Phật pháp không thể nghĩ bàn, là pháp tốt nhất ở thế gian, cũng nhân đây có sự liễu ngộ. Kinh Phật nói giải ngộ giống như đếm của báu, đếm của báu cho người khác, như nhân viên làm việc trong ngân hàng đếm tiền của người khác. Do đó dưới con mắt của người có tu có chứng, Pháp sư giảng kinh thuyết pháp chỉ là đang đếm của báu cho người, chỉ có giải ngộ mà không có chứng ngộ. Bởi vậy lúc tôi bảo đệ tử tôi thay tôi thuyết pháp, đệ tử tôi khiêm tốn thưa rằng: “Bạch Sư Phụ, chúng con chưa khai ngộ, nếu bảo chúng con thuyết pháp thì chính là đi đếm của báu cho người!” Tôi nói ngân hàng không phải cũng cần nhân viên sao, cho nên tụi con tạm thời đếm của báu cho người đi! Cũng có người hỏi tôi đã khai ngộ chưa, tôi thường trả lời không biết. Người đó lại hỏi nếu đã không biết mình khai ngộ hay chưa, tại sao lại đi thuyết pháp chứ? Tôi chỉ cần khiến người khác khai ngộ là được rồi. Cho nên, giải ngộ cũng là ngộ, cũng cần nói cho người khác nghe, rồi tiến thêm một bước là tu hành.
Chứng ngộ là tự mình thể nghiệm được nguyên lý căn bản của Phật pháp, và như pháp tu trì. Tu giới, tu định, tu huệ, từng bước phá trừ tham, sân, vô minh, cho đến đại triệt đại ngộ. Chứng ngộ chia làm hai loại: Tiểu thừa và đại thừa. Ngộ của tiểu thừa là ngộ được chính mình không tồn tại, vì sinh mạng của chúng ta là vô thường, thân thể cũng vô thường, hiểu được mình vốn là vô ngã, nên cũng không còn mọi chấp trước, tức là không còn tham, sân, si. Ngộ của tiểu thừa chỉ là ngộ được sự vô thường của sinh mạng mình mà chưa ngộ được bản thân các pháp cũng không tồn tại. Do đó ngộ của tiểu thừa xem sanh tử là việc rất đáng sợ, cho nên phải thoát ly sanh tử, nhập vào Niết bàn. Ngộ của Đại thừa sâu hơn một tầng, ngộ được cảnh tượng sanh tử cũng là không, cho nên họ không chấp sanh tử cũng không lìa sanh tử, mà dùng tâm đại từ bi qua lại tự do trong sanh tử. Thoát ly sanh tử không phải là trốn khỏi nhân gian, tránh né ba cõi, mà là không chịu sự trói buộc của ba cõi và sự quấy nhiễu của sanh tử. Ví dụ trên đời này không có nước nào không có ngục tù, người phạm pháp sau khi bị giam vào ngục thì không còn tự do nữa, cho nên phạm nhân mong mỏi ra khỏi ngục tù, và sau khi ra khỏi rồi thì không muốn trở lại nữa. Ví dụ này giống như phàm phu chúng ta cần phải tu hành, sau khi tu xong thì lìa khỏi ba cõi, ba cõi như lao ngục, ra khỏi ba cõi rồi thì không muốn trở lại nữa. Đây là cái ngộ của Tiểu thừa. Còn Bồ-tát đại thừa không sợ vào ngục tù, Bồ-tát đại thừa đương nhiên cũng không phải vì phạm pháp mà phải vào ngục, mà là cần vào để hoằng pháp, nên đến đi tự tại.
Thời Đường, Thiền sư Khuê Phong Tông Mật nói tu Thiền có 5 loại.
họ chấp thường chấp đoạn, thích thiên đường ghét địa ngục. Chấp thường là chấp mình từ cõi thần sanh xuống, phải trở về cõi thần, hơn nữa còn cho rằng tương lai mình sẽ là thần tối cao (Chấp thường chỉ các tôn giáo phi Phật giáo như đa thần giáo, nhất thần giáo v.v…, họ tin vào linh hồn vĩnh hằng hoặc thượng đế thường còn). Chấp đoạn chỉ cho thuyết không nhân không quả. Những người phản đối tôn giáo hay không có tín ngưỡng tôn giáo hay chấp đoạn. Nhưng người không tín ngưỡng tôn giáo vẫn có thể tu Thiền định không. Hiện nay rất nhiều người luyện khí công, thái cực, tĩnh tọa v.v…, họ không nhất định có liên hệ với tôn giáo, mà chỉ muốn luyện cho thân thể khỏe mạnh, tâm tình bình ổn mà thôi. Những người này gần với ngoại đạo đoạn kiến (chấp đoạn). Tổ Sư thuở xưa từng nói: Thà chấp thường như núi Tu Di, không nên chấp đoạn bằng hạt cải. Tuy Phật pháp cho rằng chấp thường chấp đoạn đều là ngoại đạo, nhưng xét theo lẽ thông thường, những người chấp thường có tín ngưỡng tôn giáo tương đối chú trọng đạo đức hơn những người chấp đoạn theo chủ nghĩa duy vật.
Tuy chánh tín nhân quả nhưng vẫn còn chấp trước. Họ chấp vào sự khoái lạc và an định của Thiền định, cho nên đặc biệt coi trọng Thiền định, cho rằng Thiền định là giải thoát. Thật ra, chấp vào Thiền định chính là tham chấp nơi Thiền định, không thể ra khỏi ba cõi.
Đã đạt đến cảnh giới giải thoát, không cho định cảnh là chỗ mình chấp trước, phải từ bỏ được niệm tham chấp nơi định mới có thể ra khỏi ba cõi.
Năm là đốn ngộ tự tánh, nhận ra tâm mình và Phật không hai không khác, đây chính là Tối thượng thừa.
Có vị Thiền sư từng nói Ngài đã đại ngộ 36 lần, tiểu ngộ không kể xiết. Có thể thấy cái ngộ trong Thiền tông không phải một lần là có thể giải quyết mọi vấn đề. Cho nên có câu nói rằng “Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, không nghi không ngộ”. Nghi là theo đuổi, suy xét, tức là tham Thiền. Thiền Tông có một công án, một đệ tử của Thiền sư Triệu Châu hỏi Ngài: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, con chó có Phật tánh không? Thiền sư nói ‘không’. Mục đích của Ngài là phá trừ chấp trước cho đệ tử. Ngài biết đệ tử rõ ràng biết chúng sanh đều có Phật tánh, mà cố ý hỏi con chó có Phật tánh hay không, sau khi Ngài nói ‘không’ sẽ khiến cho đệ tử băn khoăn, vì trong Thiền tông, đệ tử phải nghe lời Sư phụ. Lúc này đệ tử sẽ tận lực suy nghĩ xem tại sao Sư phụ nói con chó không có Phật tánh.
Đến đời Tống, Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo bắt các đệ tử phải tham câu “Tại sao con chó không có Phật tánh?” Kết quả chỉ trong một đêm 36 người được khai ngộ. Mời chư vị làm thử cách này xem có bao nhiêu người khai ngộ. (Lúc này, trong hội trường có người hỏi: Tại sao con chó không có Phật tánh? Pháp sư Thánh Nghiêm đáp: Bạn hỏi rồi sẽ khai ngộ chăng? Nhưng có khi cứ hỏi mãi sẽ thành bệnh thần kinh đấy! Đại chúng đều cười.) Đã nói đại nghi có đại ngộ, tiểu nghi có tiểu ngộ, cho nên ngộ đương nhiên có thứ bậc. Phàm phu thấy tánh là ngộ lý. Nhiều người cho rằng sau khi ngộ có thể giải quyết được nhiều việc, điều này không nhất định.
Chúng tôi nói theo ba điểm: Một là Tự thân thấy được tự tánh và Phật tánh không phân biệt, đây là Thấy tánh, Thiền tông gọi là phá tham. Như tham ‘con chó tại sao không có Phật tánh?’, đột nhiên hiểu được vì sao Thầy nói như vậy. Nhưng thấy tánh mình là Phật tánh không có nghĩa là đã thành Phật, như chúng ta thấy núi, nhưng chưa leo núi.
Hai là sau khi ngộ khởi tu, như thấy núi rồi bắt đầu leo núi, vì sau khi thấy tánh thì lìa được hai kiến chấp đoạn thường, đối với Phật pháp chánh tín không lui sụt, nỗ lực tu hành. Nhưng phiền não vẫn còn nên bắt buộc phải tu hành.
Ba là ngộ của bậc Thánh, là thể nghiệm được thật tướng chính là vô tướng. Thiền tông có thuyết tam quan: Một là Sơ quan, là phá được khối nghi thấy Phật tánh. Hai là Trùng quan, là liên tục đại ngộ tiểu ngộ. Ba là Lao quan, phá được lao quan mới thật sự ra khỏi ba cõi, chứng đạo, đắc vô sanh pháp nhẫn, và có thể sanh tử tự tại.
Có hai loại: Hiện tượng thông thường và hiện tượng đặc biệt. Hiện tượng thông thường chỉ cần tu hành là có thể đạt được. Hiện tượng này cũng chia làm hai loại, một là giác thọ, tức là cảm giác được mình đang thọ dụng, như cảnh giới khinh an. Tôi từng có một giới huynh lúc đang niệm danh hiệu và lễ bái Bồ-tát Quán Âm, đột nhiên cảm thấy toàn thân thanh thoát tự tại, huynh ấy vừa lễ vừa đi, càng đi càng nhanh, đi hơn 20 km, lúc đó mới cảm thấy mệt và phát giác ra mình không phải đang lễ Bồ-tát Quán Âm mà đang đi. Cảnh này chính là cảnh khinh an. Nhưng lúc huynh ấy cảm giác mệt thì cũng phát hiện thế giới khác trước, tâm huynh ấy trong sự thanh thoát còn có cảm giác an định, mắt thấy mọi vật trên thế gian đều thanh tịnh, huynh ấy cho là mình đã khai ngộ. Nếu không có người chỉ cho, huynh ấy sẽ cho rằng mình đã thật sự khai ngộ. Tiếp theo là cảnh thông minh. Có vị Thiền sư tọa Thiền, sau vài ngày đột nhiên thi hứng đại phát, chỉ trong một đêm viết ra hơn 400 bài thơ, và mỗi câu đều đẹp tuyệt vời. Vị này cho rằng mình đã khai ngộ, nếu không làm sao có thể trong một đêm viết ra hơn 400 bài thơ chứ? Nhưng đây không phải thật sự khai ngộ. Còn có một loại gọi là cảnh giới linh mẫn, có người nói rằng lúc anh ta tọa Thiền có thể nghe được tiếng các con kiến đánh nhau. Lúc tôi ở Mỹ có gặp một người Miến Điện, anh là một tiến sĩ hóa học, xin học tọa thiền với tôi, sau hai tuần anh không đến nữa. Trải qua ba tháng sau anh lại đến. Tôi hỏi anh tại sao lâu quá không đến, anh nói: “Tôi không cần đến nữa. Vì lúc tôi ngồi thiền ở nhà có thể nhìn thấy Ngài. Tôi hỏi Ngài cái gì Ngài trả lời tôi cái đó, cho nên tôi không cần đi đến đây cũng có thể học tọa thiền với Ngài.” Trong lòng tôi cảm thấy kỳ quái, rốt cuộc là anh đến chỗ tôi hay tôi đến chỗ anh? Nếu người khác gặp phải cảnh này ắt sẽ đắc ý vui mừng, cho là mình thành Phật rồi. Nhưng tôi nói với anh: “Anh nhập cảnh ma rồi, anh bị phiền phức rồi.” Thật ra những thứ này đều không phải khai ngộ, nếu bạn cho là ngộ thì bạn bị lầm rồi vậy!
Hai hiện tượng ngộ thông thường này giống như “Thấy núi là núi, thấy nước là nước; thấy núi không phải núi, thấy nước không phải nước; thấy núi vẫn là núi, thấy nước vẫn là nước”, đây cũng không phải là khai ngộ thật sự. Tình huống đầu thấy núi là núi, thấy nước là nước là tình huống lúc chưa tu hành. Tình huống thứ hai là do quá dụng công, quên đi mọi hoàn cảnh xung quanh. Tình huống thứ ba hoặc là người này không tiếp tục dụng công nữa nên ý thức trở lại hoàn cảnh bên ngoài, hoặc là người này đã thật sự khai ngộ, không còn chấp vào núi và nước nữa, không giống như trước khi khai ngộ còn chấp trước vào núi và nước, không xả bỏ được.
Hiện tượng ngộ đặc biệt là trước khi khai ngộ như đưa ma mẹ, sau khi khai ngộ vẫn như đưa ma mẹ. Trước khi khai ngộ do tự mình chưa minh bạch đại đạo lý, trong lòng buồn bã vô cùng, cảm thấy cần phải hết sức cố gắng dụng công. Sau khi khai ngộ lại cảm thấy trách nhiệm nặng nề, chúng sanh quá khổ, cho nên càng cần phải tích cực nỗ lực phổ độ quần sanh. Hoặc là lúc chưa ngộ chỉ dừng ở việc tu hành, sau khi ngộ thì không có việc gì đáng làm, cũng không có việc gì không thể làm. Như lão Hòa thượng Quảng Khâm (vừa qua đời 3 năm) từng nói: “Không đến cũng không đi, cũng không có việc gì làm.” Nghĩa là sau khi ngộ, việc gì cũng không có. Sau khi Ngài khai ngộ, thân xác thịt không khác phàm phu, nhưng lòng từ bi và trí tuệ của Ngài thì rõ ràng khác hẳn phàm phu. Không có việc gì đáng làm, nhưng chỉ cần là việc độ sanh thì việc gì cũng có thể làm.
Phương pháp ngộ có ba loại. Một là pháp tiệm, là phương pháp từ từ tu hành. Hai là pháp đốn, là phương pháp ngay lập tức khai ngộ. Pháp tiệm lại chia làm ba giai đoạn, đầu tiên là từ tâm tán loạn tu đến tâm chuyên nhất, kế là từ tâm chuyên nhất đến tâm định, cuối cùng là từ tâm định đạt đến tâm tuệ, cũng là khai ngộ. Không nhất định cần phải tọa thiền hay tham thiền, chỉ cần lúc niệm Phật, lễ Phật có thể chuyên chú thì cũng có thể thông qua ba giai đoạn này đạt đến cảnh giới khai ngộ. Pháp đốn thì không cần dùng bất cứ phương pháp nào, chỉ là ngồi mãi hoặc tham mãi một câu. Cách thứ ba là niệm Phật. Thật ra niệm Phật là phương pháp tốt nhất, ai cũng có thể niệm Phật, bạn chỉ cần niệm Nam Mô A Di Đà Phật, là có thể từ tán tâm niệm Phật đến nhất tâm niệm Phật, cuối cùng đạt đến niệm Phật tam muội, chắc chắn khai ngộ. Nếu niệm Phật mà không khai ngộ, chúng ta cầu Phật A Di Đà tiếp dẫn, phát nguyện sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Do đó niệm Phật là dễ nhất, đáng nương tựa nhất. Nếu chúng ta niệm Phật mà có thể khai ngộ thì tốt nhất, còn nếu không khai ngộ, lúc chúng ta mạng chung, đức Phật A Di Đà cũng sẽ đến tiếp dẫn chúng ta, sau khi đến Tây phương tiếp tục tinh tấn tu hành để được khai ngộ.
Sau cùng điều tôi muốn nói với các vị là, ngộ là phải dựa vào bản thân mỗi người tự tu hành, không nên mong chờ vào sự khéo léo của phương pháp, hoặc là nhờ người khác cho mình một câu chú, một sự gia trì liền được khai ngộ, đây là những điều không thể được. Nếu có việc như thế phát sinh, thì đó chỉ thuộc về tầng ngộ của thế gian, chẳng phải thật sự ngộ. Chúng ta cần có chánh tri kiến như thế này, nếu không dễ bị lầm, không thể đạt được ngộ thật sự.