Từ đây, Thiện Tài lần lượt tham học với nhiều vị thần ban đêm, theo lời giới thiệu của thần Bà-diễn-đề. Đi vào đêm là đi vào tầng tâm thức sâu kín, chỗ ẩn nấp của những suy tư mông lung, ban ngày do sự kiểm soát ý thức, chúng ta không phát hiện. Có khi vì giận hờn ghét ghen với một người nào, tư cách lịch sự nên chúng ta không biểu lộ, ghìm nó bên trong lòng. Và đêm ngủ, chúng ta mộng thấy mình la mắng, chửi bới tan nát, rất hả hê.
Càng học Phật càng thấu tỏ mình, rọi ánh sáng vào vùng tâm thức ẩn giấu, đưa nó ra hiện diện và nhận ra mình vẫn còn bao nhiêu là giận hờn ganh tị. Đó là khả năng của thần ban đêm.
Phóng quang minh phá tan si ám
Làm lái thuyền dứt gió, ngăn mưa
Từ tâm nói pháp Phật thừa
Đưa người cập bến, qua bờ như không.
Như vậy,chữ thần ở đây không ngụ ý huyền bí thần thông, mà chỉ là khả năng tốt hơn, rộng lớn hơn. Các thiền sư tu học giỏi thường ngồi thiền vào ban đêm, giữ sự tỉnh thức nhiều hơn, để kiểm soát vùng mờ tối. Chúng ta đi dự khóa tu, thường tham dự giờ thiền buổi tối buổi khuya. Đó là tập cho tỉnh táo, đừng than thở, nên cố gắng.
Thiện Tài được chỉ dẫn về Bồ Đề Đạo Tràng để gặp các vị thần đêm. Toàn bộ khu rừng có rất nhiều thần tiên, vì hình như các vị muốn ở lại nơi này, đất Giác ngộ, cũng như chúng ta đi hành hương đều đổ về nơi đây. Khi cả vũ trụ thiên nhiên đang ngủ, các thần đêm tự do đi lại, tu tập về đây, không sợ con người khám phá. Tại Bồ Đề Đạo Tràng, Thiện Tài được gặp thần đêm Phổ Đức Tịnh Quang. Thần tuyên bố: “Ta là thần của bóng tối và đêm, bằng bóng tối và đêm, ta xóa tan sự khác biệt cao và thấp, quý và tiện, giàu và nghèo…” Vị Bồ tát thực sự là rất bình đẳng giữa muôn vàn chúng sanh, không trụ trước nơi địa vị Bồ tát, không thấy mình là Bồ tát cứu khổ chúng sanh, không thấy mình có nhiều năng lực đặc biệt. Đó là tinh thần không chấp, không trụ – Bài học này rất cần thiết.
Thần đêm Phổ Đức Tịnh Quang dạy cho Thiện Tài mười cách thực hiện.
Tôi đã gửi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa, cho tơ liễu ở gần.
(Bùi Giáng)
Đây là 10 bước thực hiện để chúng ta đi vào cảnh giới Bồ tát. Chúng ta dùng con mắt của Bồ tát để thấy quanh ta là thương yêu thông cảm. Nếu dùng con mắt chúng sanh hạn hẹp thì sẽ bị giới hạn, sẽ chỉ thấy có mình ta cô đơn giữa vũ trụ. Đi tìm vị Bồ tát sống trong đời, không ai ngoài chính ta mở rộng tầm mắt, lúc đó ở đâu và làm gì cũng rất vui.
Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, những ngày gần viên tịch, xuống núi Yên Tử về thăm kinh thành lần cuối. Trải qua thế sự thăng trầm, Ngài ghé ngôi chùa cổ (chùa Dâu), đề trên vách bài thơ, người sau tạm dịch:
Số đời một hơi thở
Tình người hai biển trăng
Cung ma dường khóa kỹ
Cõi Phật vui vô cùng.
Một bài thơ nói về cuộc đời đã trải qua rất nhiều biến cố của một triều Trần lừng lẫy. Dù sao, nó cũng chỉ trong một hơi thở, lòng người cũng trong khoảng ngắn ấy mà có hai bên đối nghịch, vui buồn khen chê, vô hạn. Với con mắt bậc đại sĩ Bồ tát thì dù là cung ma hay nước Phật, dù được hạnh phúc hay khổ đau, cũng chỉ như ở chốn tịnh lạc. Một lời nhắn nhủ đầy tính cách minh triết và hoan hỷ của một vị vua ngộ đạo.