Thiện Tài Cầu Đạo

11. Tham Vấn Tỳ Kheo Thiện Kiến



Thiện Tài đến nước Tam Nhẫn gặp Tỳ-Kheo Thiện Kiến, thấy thầy đang đi kinh hành trong rừng.

Rừng thiền nhẹ bước kinh hành

Nghi dung cốt cách, tóc xanh, môi hồng.

Vị thầy còn rất trẻ, “Xuất trần đầu vị bạch”, một câu thơ của Giả Đảo nói về người xuất gia đầu chưa chớm bạc, ở mãi trong rừng không không biết tin tức thế gian. Những người tuổi trẻ như vậy, có uổng phí cuộc đời không? Như người ta có thói quen, thấy một thầy Sa-môn tuổi nhỏ, mặt mày tươi tắn mà đã chịu quen khung cảnh buồn của chùa chiền, tu viện. Họ chắc lưỡi “Uổng quá!” Có thể hiểu rằng với dung nghi đó, nếu đánh xe rong chơi giữa phố, chắc là không uổng! Để cho phố đời mất đi một thiếu niên hăng hái, quậy hết cỡ, mới là rất uổng. Trong kinh kể rằng, có vị chư thiên vào buổi khuya, bay xuống rừng Kỳ Hoàn, gặp các vị Tỳ-kheo đang ngồi thiền. Chư thiên vốn trang sức lộng lẫy, hào quang chói lọi, nhưng họ bỗng cảm thấy thua sút khi nhìn gương mặt sáng tỏ bình an của các thầy. Đến bạch hỏi đức Phật, các thầy sao mặt mày đẹp quá? (Chúng ta có thể hiểu thêm ý là có xài mỹ phẩm gì không? Chúng cõi trời vốn ưa chuộng sắc đẹp). Phật dạy, đó là vì các vị “Quá khứ không truy cầu, tương lai không vọng ước, hiện tại tỉnh thức trên tâm niệm”. Bài kinh như một thông điệp truyền đến các đệ tử của Phật, đang nỗ lực kiểm soát tâm tánh, đang hết lòng đưa tâm về trú xứ hiện tại. Không có một ống kem trang điểm nào ở đây. Nhưng khu rừng Kỳ Hoàn luôn chói sáng rạng ngời vì sự tỉnh thức của chư vị Sa-môn. Và Thiện Tài, sau những lần tiếp xúc với các bậc thầy, trải qua nhiều kinh nghiệm, đến bây giờ bỗng thấy tâm mình nhẹ nhàng an tỉnh. Ở lại với vị Sa-môn trong rừng, học bài học nhiếp tâm, qua từng cử chỉ, tịnh tu tâm niệm. Không quan tâm tới thời gian, trong lắng yên cảm nhận tâm niệm trùm cả mười phương thế giới. Thật ra, khi chúng ta lăng xăng nghĩ nhớ, sẽ thấy thời gian có lâu mau, ngắn dài, có nơi này có nơi khác. Tạm thời dứt hết suy nghĩ, chỉ có một niệm hiện tại, những vướng mắc được buông xuống, từ đó không phân biệt ta và người, không khơi lên tính toán. Tính toán suy nghĩ nhiều làm đầu óc nóng lên, và khi ta tập ngồi tu, một giây phút mát mẻ an lành xuất hiện. Tỳ-Kheo Thiện Kiến nói: “Ta tuổi còn trẻ, tu chưa bao lâu, nhưng nhờ sức tịnh tu công hạnh, trong một đời kiếp này, có thể cúng dường lãnh thọ giáo pháp và phụng sự vô số chư Phật”. Ý nghĩa của việc ngồi tịnh tu, quên thân tâm, cảm giác an lạc nhẹ nhàng, từ đó có thể phát khởi năng lực gánh vác tất cả việc mà không thấy mỏi nhọc. Đơn giản và thực tế là ngay chính nơi thân chúng ta, nếu thấy khỏe và vui, chúng ta sẵn sàng làm tất cả việc. Bồ tát đi vào đời, giúp đỡ chúng sanh không nề cực nhọc, trước tiên là phải tịnh tu, thâu nhiếp vọng tưởng, sau đó mới phát huy lòng yêu thương thế giới, làm việc không tính lâu mau. Thiện Tài ở lại với vị Sa-môn, cũng không kể thời gian lâu mau, luôn thực tập bài học nhiếp tâm. Rừng núi xung quanh thanh tịnh lắng yên giúp cho hành giả dễ dàng an định. Càng lúc càng thấy rõ giá trị việc thực hành thiền tọa, kinh hành sâu vào nội tâm, lại là động cơ quan trọng để hành đạo giúp đời. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.