Thiện Tài Cầu Đạo

01. Tham Vấn Tỳ Kheo Đức Vân



Nhân thầy đang đọc một cuốn sách nói về chuyến đi cầu đạo của Thiện Tài (Sudhana) đồng tử, thầy muốn chia sẻ, như một lời nhắc nhở tinh thần. Đây là câu chuyện rất nổi tiếng trong kinh. Đồng tử là chỉ cho người trẻ tuổi, cũng không hẳn phải là trẻ tuổi, người già nhưng có tâm hồn rất trẻ, luôn hướng về học hỏi tìm cầu, và không bị đè nặng bởi thời gian, tuổi tác. Trong kinh chọn người trẻ tuổi để nói lên tính cách hăng hái, không sợ hãi hoặc chưa biết sợ hãi.

Thiện Tài là nhân vật chính, cuộc đời đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn có một thứ mà không phải có tiền, có quyền lực hay có kỹ thuật thì mua được. Đó là câu hỏi chính: Đâu là lẽ thực của cuộc sống? Rốt cuộc đời sống này là gì? Theo danh từ nhà Phật thì có thể nói: Thế nào là chân lý? Hoặc, dễ hiểu hơn: Đạo là gì?

Thiện Tài là đại diện lớp thanh niên trẻ, tâm hồn tha thiết muốn khám phá bên trong tận cùng chiều sâu thẳm của cuộc sống này là gì. Được lời khuyên của Bồ Tát Văn Thù, anh lên đường tìm kiếm. Không phải là xuất gia vô chùa tu, mà tự thân trải nghiệm qua từng bài học, qua những nhân vật được giới thiệu.

Đầu tiên, Thiện Tài được khuyên đến gặp Tỳ kheo Đức Vân đang ở trên núi Diệu Phong cao vút. Trải qua bao nhiêu lặn lội gian nan, Thiện Tài thấy thầy đi kinh hành giữa mây núi muôn trùng. Thiện Tài xin thầy chỉ dạy, thầy không nói gì, chỉ gọi mấy con thú rừng đến, con lớn có con nhỏ có, dữ có hiền có, Thiện Tài sợ mất hồn, nhưng thầy thản nhiên đón nhận chúng, ăn trái cây mà chúng mang tới, cho một vài con vào hang trú ngụ. Thầy bảo Thiện Tài, hãy tập sống giữa muôn loài, hãy tập mở mắt nhìn thật kỹ núi, mây, đồng bằng, muôn vật. Trên đời, tất cả đều linh thiêng, tất cả đều phô bày chân lý, và đều là thầy dạy chân lý.

Có vị thiền sư, gặp ông quan cỡ lớn như Thống đốc Bang, đến hỏi đạo: Thế nào là đạo? Sư không trả lời, chỉ tay lên trời, chỉ tay xuống dưới đất. Vậy mà ông quan hiểu ý – thiệt là thông minh phải không? Chuyện này thích hợp với bài học của Thiện Tài, bài học đầu tiên, chỉ nhìn ngắm thật im lặng, thật kỹ, người dễ chịu người khó ưa, cảnh đẹp cảnh xấu… Như trong bài thơ của Trần Nhân Tông – Sơ Tổ Trúc Lâm: Lúc trẻ chưa hiểu đạo, xuân về hoa nở thấy lòng vui. Khi học đạo rồi, hiểu lý đời và đạo, thì cứ ngồi yên nhìn ngắm hoa rụng. Hoa nở và hoa rụng tượng trưng hai mặt đối nghịch, tâm lý chúng ta luôn thay đổi ưa và chán, thích và không thích. Cho nên bài học đầu tiên là tập nhìn, nhìn kỹ mọi việc mà không phê bình. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.