Thiền Sư Việt Nam

Thiền sư Cảm Thành (? - 860) (Đời thứ 1, dòng Vô Ngôn Thông)



Sư quê ở Tiên Du, không rõ họ gì, chỉ biết mới xuất gia đạo hiệu là Lập Đức, ở tại quận nhà chuyên lấy việc trì tụng làm sự nghiệp. Có Hương hào họ Nguyễn ở làng Phù Đổng mến đức hạnh cao cả của Sư, tình nguyện đem gia trạch cúng cho Sư làm ngôi chùa. Sư một mực từ chối. Ban đêm Sư mộng thấy thần nhân mách: “Nếu theo ý họ Nguyễn, thời gian chẳng lâu sẽ được điều lành lớn.” Nhân đó, Sư mới nhận lời, nay chính là ngôi chùa Kiến Sơ ở làng Phù Đổng ấy vậy.

Quả như lời thần nhân mách, Sư về trụ trì chưa bao lâu, Thiền sư Vô Ngôn Thông đến. Biết Thiền sư chẳng phải là hạng thường, Sư hôm sớm hết lòng thờ kính, không hề biếng trễ. Vì thế Thiền sư Vô Ngôn Thông đổi hiệu Sư là Cảm Thành.

Một hôm, Thiền sư Vô Ngôn Thông gọi Sư vào dạy:

– Xưa đức Thế Tôn vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời, hóa duyên viên mãn Ngài vào Niết-bàn. Diệu tâm này tên Chánh pháp Nhãn tạng, Thật tướng không tướng, pháp môn chánh định, chính Ngài trao cho đệ tử là Tôn giả Ma-ha Ca-diếp làm Sơ tổ. Đời đời truyền nhau đến Tổ Đạt-ma, từ Ấn Độ sang Trung Hoa trải bao nguy hiểm, vì truyền pháp này. Cứ thế đến Lục tổ Tào Khê được nơi Ngũ Tổ, vẫn dòng phái Đạt-ma. Tổ Đạt-ma lúc mới đến, vì người chưa tin hiểu nên lấy việc truyền y bát để rõ chỗ đắc pháp. Nay niềm tin đã thuần thục, thì y là đầu mối của sự tranh giành. Thế nên, Ngũ Tổ dặn: “Phải dừng ngay nơi ông, không nên truyền nữa.” Do đó, đến nay chỉ dùng tâm truyền tâm mà chẳng trao y bát.

Khi ấy, Tổ sư Nam Nhạc Hoài Nhượng nhận được chân truyền này, bèn trao cho Mã Tổ Đạo Nhất, Mã Tổ trao cho Bá Trượng Hoài Hải. Ta ở chỗ Tiên sư Bá Trượng nhận được tâm pháp ấy đã lâu, nghe ở phương này (Việt Nam) có nhiều người hâm mộ Đại thừa, vì thế mà đến phương Nam để tìm thiện tri thức. Nay ta gặp ngươi đây, ấy bởi túc duyên đã sẵn. Nghe ta nói kệ:

Các nơi đồn đại
Dối tự huyên truyền
Rằng thủy tổ ta
Gốc từ Tây Thiên.
Truyền pháp Nhãn tạng
Gọi đó là Thiền
Một hoa năm cánh
Hạt giống liên miên.
Thầm hợp lời mật
Muôn ngàn có duyên
Đều gọi Tâm tông
Thanh tịnh bản nhiên.
Tây Thiên cõi này
Cõi này Tây Thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay sơn xuyên.
Chạm đến thành trệ
Phật Tổ thành oan
Sai đó hào ly
Mất đó trăm ngàn.
Ngươi khéo quán sát
Chớ lừa cháu con
Ngay như hỏi ta
Ta vốn không lời.

(Chư phương hạo hạo
Vọng tự huyên truyền
Vị ngô thủy tổ
Thân tự Tây Thiên.
Truyền pháp nhãn tạng
Mục vị chi thiền
Nhất hoa ngũ diệp
Chủng tử miên miên.
Tiềm phù mật ngữ
Thiên vạn hữu duyên
Hàm vị Tâm tông
Thanh tịnh bản nhiên.
Tây Thiên thử độ
Thử độ Tây Thiên
Cổ kim nhật nguyệt
Cổ kim sơn xuyên.
Xúc đồ thành trệ
Phật Tổ thành oan
Sai chi hào ly
Thất chi bách thiên.
Nhữ thiện quán sát
Mạc trám nhi tôn
Trực nhiêu vấn ngã
Ngã bổn vô ngôn.)

Nghe xong bài kệ, Sư liền lãnh ngộ.

Có vị Tăng đến hỏi:

– Thế nào là Phật?

Sư đáp:

– Khắp tất cả chỗ.

– Thế nào là Phật tâm?

– Chẳng từng che dấu.

– Học nhân chẳng hội.

– Đã lầm qua rồi.

Về sau, Sư không bệnh mà tịch vào năm Canh Thìn, nhằm năm đầu niên hiệu Hàm Thông (860) nhà Đường.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.