Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa

29. Tổ Huệ Khả (Tổ thứ 2 Trung Hoa)



Sư họ Cơ, quê ở Võ Lao, dòng tôn thất nhà Chu. Cha mẹ Sư lớn tuổi không con, lắm phen đến chùa cầu con, sau mẹ có thai sanh ra Sư. Khi Sư lọt lòng mẹ, có hào quang lạ chiếu sáng trong nhà, nên cha mẹ đặt tên là Quang.

Thuở bé, Sư học hết sách đời, rất thông Lão Trang. Năm 30 tuổi, Sư tự cảm than: “Lão, Dịch là sách thế gian, chẳng tột được đạo lý.” Sư bắt đầu xem kinh Phật.

Sư viễn du tìm thầy học đạo, đến Lạc Dương, lên núi Hương Sơn, chùa Long Môn, gặp Thiền sư Bảo Tịnh bèn xin xuất gia. Sau đó, Sư đến chùa Vĩnh Mục, thọ giới ở tại Phù Du, Giảng Tứ. Sư chuyên học Kinh Luận, chưa bao lâu thảy được tinh thông.

Năm 32 tuổi, Sư trở về Bổn sư nơi Hương Sơn. Ở đây trọn ngày Sư thiền quán trên núi. Trải 8 năm như thế, một hôm, khi Sư đang thiền định, bỗng có vị thần hiện ra thưa:,

– Ngài không nên ở đây lâu, muốn được đạo quả hãy đi về phương Nam.

Hôm sau, trên đầu Sư đau như kim châm, không thể chịu được. Sư định đi tìm thuốc trị, chợt nghe trong hư không có tiếng nói: “Ðây là đổi xương, chẳng phải bệnh thường.” Sư đem việc này thuật lại Thiền sư Bảo Tịnh. Bảo Tịnh ngăn không cho trị thuốc. Sáng hôm sau, Bảo Tịnh xem trên đầu Sư, quả thấy đầu xương nổi cao như năm ngọn núi.

Ngài Bảo Tịnh bảo:

– Lạ thay! Ngươi có tướng tốt này ắt sẽ đắc đạo. Thần lại dạy ngươi sang miền Nam, ta nghe Ðại sĩ Bồ-đề-đạt-ma đến ở chùa Thiếu Lâm, chắc đó là thầy của ngươi.

Nhân có thần mách bảo, nên Bổn sư Bảo Tịnh đổi hiệu Sư là Thần Quang.

Sư tìm đến chùa Thiếu Lâm yết kiến Tổ Bồ-đề-đạt-ma và được truyền tâm ấn. Sư ở đây cho đến lúc Tổ quy tịch. Sau đó, sang Bắc Tề hoằng truyền chánh pháp.

Một hôm, Sư gặp một người cư sĩ trạc 40 tuổi, chẳng nói tên họ, đến đảnh lễ thưa:

– Ðệ tử mang bệnh ghẻ lở đầy mình, xin Thầy từ bi vì đệ tử sám tội.

Sư bảo:

– Ðem tội ra, ta sẽ vì ngươi sám hối.

Cư sĩ đứng sững giây lâu thưa:

– Ðệ tử tìm tội không thể được.

– Ta đã vì ngươi sám hối rồi. Nhưng ngươi nên nương tựa Phật Pháp Tăng.

– Hiện giờ đệ tử thấy Thầy đã biết được Tăng. Chẳng biết thế nào là Phật và Pháp?

– Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp. Phật Pháp không hai, ngươi có biết chăng?

– Nay đệ tử mới biết tánh tội không ở trong, ngoài, chặng giữa; như tội, tâm cũng vậy, thật Phật Pháp không hai.

Sư nghe nói rất hoan hỉ, cho cạo tóc xuất gia, bảo:

– Ngươi là vật báu của ta, nên đặt tên là Tăng Xán.

Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Thiên Bình năm thứ 2 (536 TL), Tăng Xán được thọ giới Cụ túc tại chùa Quang Phước. Từ đó, bệnh lần lần thuyên giảm, Ngài theo hầu thầy được 2 năm.

Một hôm, Sư Huệ Khả gọi Ngài đến bảo:

– Tổ Bồ-đề-đạt-ma chẳng ngại xa xôi từ Ấn Ðộ sang, đem Chánh pháp nhãn tạng truyền cho ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát, ngươi khéo giữ gìn, chớ để đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ:

Bản lai duyên hữu địa,

Nhân địa chủng hoa sanh.

Bản lai vô hữu chủng,

Hoa diệc bất tằng sanh.

Dịch:

Xưa nay nhân có đất,

Bởi đất giống hoa sanh.

Xưa nay không có giống,

Hoa cũng chẳng từng sanh.

Ðọc bài kệ xong, Sư lại tiếp:

– Ngươi phải tìm nơi núi sâu ở ẩn, không nên đi giáo hóa sớm, trong nước sẽ có nạn.

Tăng Xán thưa:

– Thầy đã biết trước mọi việc, cúi xin từ bi dạy con rành rẽ.

– Ðây không phải tự ta nói, mà là lời huyền ký của Tổ Bát-nhã-đa-la do Tổ Bồ-đề-đạt-ma thuật lại cho ta nghe: Sau khi Tổ nhập Niết-bàn 150 năm sẽ có những việc xảy ra như bài kệ này:

Tâm trung tuy kiết ngoại đầu hung,

Xuyên hạ tăng phòng danh bất trung.

Vi ngộ độc long sanh Võ tử,

Hốt phùng tiểu thử tịch vô cùng.

Dịch:

Trong tâm tuy kiết ngoài đầu hung,

Ðất Xuyên phòng tăng tên chẳng trúng.

Vì gặp độc long sanh con Võ,

Chợt nghe chuột nhỏ lặng vô cùng.

Xét về niên số nhằm đời của ngươi, ngươi cố gắng gìn giữ. Ta cũng có chút nợ ngày trước, nay cần phải trả.

Sư sang xứ Nghiệp Ðô tùy nghi giáo hóa, thuyết pháp độ sanh ngót 34 năm.

Lúc đó, có một văn sĩ nổi tiếng là thần đồng tên Mã Tăng Na. Năm 21 tuổi, ông đã giảng được sách Lễ, kinh Dịch tại miền Ðông Hải, thính giả đến nghe đông như chợ. Một phen gặp Sư, Mã Tăng Na liền xin xuất gia đầu Phật. Từ đây về sau, ông tay chẳng cầm đến cây viết, bỏ hết sách thế gian, chỉ một y, một bát, một tọa cụ, ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một lần, chuyên tu hạnh đầu-đà.

Lại, có ông cư sĩ Hướng là nhà văn uyên bác, chẳng màng đến bả công danh, tánh thích rừng sâu quê vắng, đói ăn lá cây, khát uống nước giếng, làm bạn với nước biếc non xanh để di dưỡng tinh thần. Nghe Sư hoằng hóa ở Bắc Tề, ông biên thư đến hỏi. Thư viết:

“Bạch Thầy,

Theo thiển ý của tôi, người đời cảnh tạm, công danh phú quí như lùm mây nổi, lạch biển cồn dâu, đài các phong lưu như hòn bọt nước. Có cái gì là chân thật đáng để ta quý trọng.

Vì bởi bóng do hình mà có, vang theo tiếng mà sanh, đuổi bóng nhọc hình, chẳng biết hình là gốc của bóng, to tiếng để ngăn vang, đâu biết tiếng là cội của vang. Trừ phiền não mà thú hướng Niết-bàn, dụ bỏ hình mà tìm bóng, lìa chúng sanh mà cầu Phật quả, dụ im tiếng mà tìm vang.

Cho nên biết, mê ngộ một đường, ngu trí chẳng khác, không tên mà đặt tên, nhân tên đó mà có thị phi. Không lý mà tạo thành lý, nhân lý đó mà khởi tranh luận. Huyễn hóa chẳng phải chân, thì cái gì phải, cái gì quấy? Hư vọng chẳng thật, thì cái gì không, cái gì có?

Muốn đem cái biết “được mà không chỗ được, mất mà không chỗ mất” trình với Thầy mà chưa có dịp gặp. Nay thổ lộ ý này, mong Thầy từ bi đáp cho.”

Sư đáp thư:

Bị quán lai ý giai như thật,

Chân u chi lý cảnh bất thù.

Bản mê ma-ni vị ngõa lịch,

Hoát nhiên tự giác thị chân châu.

Vô minh trí tuệ đẳng vô dị,

Ðương tri vạn pháp tất giai như.

Mẫn thị nhị kiến chi đồ bối,

Thân từ tá bút tác tư thơ.

Quán thân dữ Phật bất sai biệt,

Hà tu cánh mích bỉ vô dư?

Dịch:

Xem rõ ý ông gửi đến đây,

Ðối lý chân u có khác gì.

Mê bảo ma-ni là ngói gạch,

Bỗng nhiên giác ngộ biết chân châu.

Vô minh trí tuệ đồng chẳng khác,

Muôn pháp đều như, phải liễu tri.

Thương kẻ chấp thường và chấp đoạn,

Bày lời mượn bút viết thơ này.

Quán thân với Phật không sai khác,

Nhọc gì tìm kiếm Niết-bàn chi?

Ông cư sĩ Hướng được thư Sư, đọc xong, ông tìm đến đảnh lễ và thọ nhận ấn ký.

Sau này, Sư đổi đạo phục, giả dạng thế gian, có khi vào quán rượu, hoặc lúc đến hàng thịt, hoặc ở giữa đám đông thuyết pháp, hoặc làm người khuân vác v.v…

Có người biết hỏi Sư:

– Thầy là nhà tu, tại sao làm như thế?

Sư đáp:

– Ta tự điều phục tâm, đâu có quan hệ gì đến việc của ngươi.

Sư đến huyện Quản Thành, ở trước tam quan chùa Khuôn Cứu diễn nói đạo Vô thượng. Nhằm lúc thầy trụ trì là pháp sư Biện Hòa đang giảng kinh Niết-bàn, thính giả bên trong từ từ rút lần ra nghe Sư diễn hóa. Biện Hòa bực tức mới đi cáo gian với quan Ấp tể tên Ðịch Trọng Khản rằng: “Sư giảng tà thuyết, làm việc phi pháp.”

Ðịch Trọng Khản không biết nhận xét, cứ nghe bướng liền bắt Sư gia hình. Sư không đối khán, vẫn mặc nhiên thừa nhận để trả nợ trước cho xong. Ngay lúc gia hình, Sư thị tịch, nhằm niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 13 nhà Tùy (601 TL). Sư hưởng thọ 107 tuổi.

Thiện tín thương xót đem di thể của Sư về chôn ở Từ Châu, phía đông bắc huyện Phú Dương.

Ðến đời vua Ðức Tông nhà Ðường truy phong Ðại Tổ Thiền Sư.

∗ PHẦN PHỤ:

1) Sư Mã Tăng Na, sau có đệ tử hiệu là Huệ Mãn. Sư bảo Huệ Mãn:

– Tâm ấn của Tổ sư chẳng phải chuyện khổ hạnh, khổ hạnh chỉ là giúp đạo mà thôi. Nếu người khế hội bản tâm, phát cái dụng tùy ý chân quang, thì khổ hạnh như nắm đất thành vàng. Nếu người chỉ chú trọng khổ hạnh mà không rõ bản tâm, lại yêu ghét trói buộc thì khổ hạnh như đêm 30 tăm tối đi trong đường hiểm.

Ngươi muốn rõ được bản tâm, phải suy cùng xét cạn, khi gặp sắc gặp thanh mà chưa khởi suy nghĩ, tâm ở chỗ nào? Là không chăng? Là có chăng? Ðã chẳng rơi vào chỗ có không, thì tâm chân tự sáng thường chiếu thế gian, chưa có một mảy bụi làm gián cách, chưa từng có tướng khoảng sát-na đứt nối.

Huệ Mãn sau cũng hành hạnh đầu-đà.

2) Thiền sư Hạo Nguyệt hỏi Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm:

– Cổ đức nói: “Liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái.” (Hai câu này trích trong Chứng Đạo Ca của Thiền Sư Huyền Giác). Như Tổ Sư Tử và Tổ Huệ Khả vì sao lại đền nợ trước?

Trường Sa bảo:

– Ðại đức chẳng biết bản lai không.

Hạo Nguyệt hỏi:

– Thế nào là bản lai không?

– Nghiệp chướng.

– Thế nào là nghiệp chướng?

– Bản lai không.

Hạo Nguyệt lặng thinh.

Trường Sa dùng kệ chỉ bày:

Giả hữu nguyên phi hữu,

Giả diệt diệc phi vô.

Niết-bàn thường trái nghĩa,

Nhất tánh cánh phi thù.

Dịch:

Giả có vốn chẳng có,

Giả diệt cũng chẳng không.

Nghĩa Niết-bàn, đền nợ,

Một tánh lại nào hai.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.