Sám Pháp Từ Bi Đạo Tràng (Lương Hoàng Sám)

Phần Tựa



SÁM PHÁP TỪ BI ĐẠO TRÀNG

Từ Bi Đạo Tràng, bốn chữ ấy là danh hiệu của pháp sám hối này.

Nhân vì cảm thấy Đức Phật Di Lặc, dũ lòng từ bi, thương đời hiện tại và đời vị lai, ứng mộng dạy bảo, đặt tên như thế, đúng như sự thật, không dám đổi thay.

Nay vâng lời dạy bảo của Đấng Từ Bi ấy là vì muốn hộ trì Tam bảo, làm cho ma quân ẩn hình; khiến người tự cao tự đại và người tăng thượng mạn phải tự chiết phục; khiến người chưa trồng căn lành phải trồng căn lành; người đã trồng rồi thì làm cho căn lành thêm lớn; khiến người hay chấp lấy chỗ sở đắc, đắm trước tà kiến, phải phát tâm xả bỏ chấp trước; khiến người ưa Tiểu thừa không nghi Đại thừa; người ưa Đại thừa sanh tâm hoan hỷ Tiểu thừa.

Vả lại, Pháp Sám Từ Bi này lớn hơn tất cả các việc lành khác. Pháp này là chỗ quy y của hết thảy chúng sanh, như mặt trời sáng ban ngày, như mặt trăng chiếu ban đêm. Pháp này là tròng con mắt, là đạo sư, là cha mẹ, là anh em, là chơn Thiện tri thức của người tu hành, đồng đi đến đạo tràng.

Pháp sám này thân thích hơn huyết nhục, đời đời theo nhau, dầu đến chết cũng không rời nhau. Vì thế nên gọi Pháp sám này là Từ Bi Đạo Tràng.

Hôm nay đại chúng ẩn thân hay hiện hình trong đạo tràng, lập ra Pháp sám này đều phát đại tâm, vì có mười hai nhơn duyên lớn.

Những gì là mười hai?

Một là nguyện hóa độ sáu đường chúng sanh không có hạn lượng.

Hai là nguyện báo đáp tứ ân không có hạn lượng.

Ba là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến chúng sanh thọ cấm giới của Phật, không sanh tâm hủy phạm.

Bốn là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến các chúng sanh, đối với các bậc tôn trưởng, không sanh tâm kiêu mạn.

Năm là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến các chúng sanh, sanh ra nơi nào cũng không khởi tâm giận hờn.

Sáu là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến các chúng sanh đối với sắc thân người khác, không khởi tâm ghen ghét.

Bảy là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến các chúng sanh, đối với các pháp trong thân, ngoài thân, không sanh tâm keo rít, mến tiếc.

Tám là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến các chúng sanh, hễ làm được phước thiện gì, đều không phải vì mình mà làm, chỉ vì những người không có ai ủng hộ, không có ai giúp đỡ mà làm.

Chín là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến các chúng sanh không vì mình mà tu pháp tứ nhiếp, mà chỉ vì hết thảy chúng sanh.

Mười là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến các chúng sanh, thấy người cô độc, tù tội, tật bệnh thì sanh tâm cứu giúp, cho họ an vui.

Mười một là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến người tu hành, thấy có chúng sanh nào đáng chiết phục thì chiết phục, đáng nhiếp thọ thì nhiếp thọ.

Mười hai là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám này, khiến các chúng sanh, sanh ra nơi nào, cũng tự nghĩ nhớ đến sự phát tâm Bồ-đề hôm nay, làm cho tâm Bồ-đề tương tục mãi mãi, không bị gián đoạn.

Ngưỡng mong đại chúng hoặc phàm hoặc thánh, hoặc ẩn thân hay hiện hình trong đạo tràng này, đồng gia tâm phù hộ, đồng gia tâm nhiếp thọ, khiến đệ tử chúng con sám hối được thanh tịnh, thệ nguyện được thành tựu, tâm đồng tâm chư Phật, nguyện đồng nguyện chư Phật. Chúng sanh trong bốn loài sáu đường, do đó mà được mãn Bồ-đề nguyện.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.