Quy Sơn Cảnh Sách Văn

Bài văn Cảnh sách của Ngài Quy Sơn



1. Bởi do nghiệp trói buộc mà có thân, tức chưa khỏi khổ lụy về thân. Bẩm thụ tinh cha huyết mẹ, tạm mượn các duyên hợp thành. Tuy nhờ tứ đại giữ gìn, nhưng chúng thường trái nghịch.

2. Vô thường, già, bịnh chẳng hẹn cùng người. Sáng còn tối mất, chỉ trong khoảng sát-na đã qua đời khác. Ví như sương mùa xuân, móc sáng sớm, phút chốc liền tan. Cây bên bờ vực, dây trong miệng giếng, há được lâu bền. Niệm niệm qua nhanh, chỉ trong khoảng sát-na, chuyển hơi thở đã là đời sau. Sao lại an nhiên để ngày tháng trôi suông vô ích?

3. Đối với cha mẹ chẳng dâng ngon ngọt, với lục thân chí quyết bỏ lìa. Không thể an nước trị dân, nghiệp nhà trọn không nối dõi. Xa làng biệt xóm, cắt tóc theo thầy học đạo. Trong thường nhớ nghĩ công phu, ngoài rộng mở hạnh hòa kính. Thoát hẳn thế trần, mong cầu giải thoát.

4. Sao lại vừa mới lên giới phẩm, liền xưng: Ta là Tỳ-kheo. Dùng của thí chủ, ăn của Thường trụ, không biết xét nghĩ của ấy tự đâu đem đến, lại nói càn: lẽ đương nhiên phải hiến cúng. Ăn rồi dụm đầu ồn náo, chỉ nói toàn chuyện tạp thế gian. Song, một thuở đua vui, không biết vui ấy là nhân của khổ. Nhiều kiếp theo trần, chưa từng tỉnh lại. Thời giờ mất mát, năm tháng dần dà. Thọ dụng càng nhiều, thí chủ càng được lợi. Hết năm này sang năm khác chẳng chịu trừ bỏ. Chất chứa càng nhiều chỉ để giữ gìn thân huyễn. Đấng Đạo sư có lời dạy răn nhắc Tỳ-kheo: “Tiến đạo nghiêm thân, ba việc thường chớ đủ”. Người nay phần nhiều mê đắm không thôi, ngày lại tháng qua, thoạt nhiên đầu bạc. Kẻ hậu học chưa nghe chỉ thú, phải nên rộng hỏi bậc tiên tri. Chớ nói xuất gia trọng cầu ăn mặc.

5. Đức Phật trước tiên chế luật để mở mang hạng sơ cơ. Phép tắc oai nghi sạch như băng tuyết. “Chỉ trì tác phạm” để kiềm thúc kẻ sơ tâm, điều luật chi li để cải sửa những điều dở tệ. Trường giới luật chưa từng học hỏi thì liễu nghĩa thượng thừa làm sao lãnh hội? Đáng tiếc, một đời luống qua, sau rồi ăn năn đâu kịp. Giáo lí chưa từng để lòng, đạo huyền nhân đâu khế ngộ?

6. Đến lúc tuổi đời đã cao, tuổi hạ cũng lớn mà bụng rỗng, tâm cao, chẳng chịu nương gần bạn lành, chỉ biết một bề kiêu ngạo. Chưa thông kinh luật, sự thúc liễm trọn không, hoặc lớn tiếng to lời, nói năng vô độ. Chẳng kính thượng, trung, hạ tọa, khi tụ họp giống Bà-la-môn không khác. Khua bát ồn ào, ăn rồi dậy trước. Đi đứng ngang càn, Tăng thể trọn không, ngồi đứng lăng xăng, khiến người động niệm. Chẳng gìn mảy may phép tắc, chút ít oai nghi. Lấy gì thúc liễm hậu sanh, tân học nương đâu bắt chước?

7. Vừa mới được người cảnh giác liền xưng: “Ta là sơn tăng”. Chưa nghe lời Phật dạy để hành trì, cứ một bề giữ tánh thô tháo. Sở dĩ thấy biết như vậy, chỉ vì tâm ban đầu biếng nhác và theo thói ham ăn mê ngủ. Dần dà theo đời hóa thành thô kệch. Thế rồi bất giác mà lóng cóng yếu già, gặp việc xây mặt vào vách. Hậu học thưa hỏi không biết lời chi hướng dẫn. Dẫu có giảng nói cũng không hợp với kinh điển. Nếu bị khinh chê liền trách hậu sanh vô lễ. Tâm sân nổi dậy, lớn tiếng nạt người.

8. Một mai bệnh nằm trên giường, mọi thứ đau đớn vây quanh bức bách. Sớm tối lo nghĩ, trong lòng lo sợ bồi hồi. Đường trước mịt mờ chưa biết về đâu. Bấy giờ mới biết hối hận ăn năn, đợi khát đào giếng sao kịp? Hận mình sớm chẳng lo tu, đến lúc tuổi già nhiều điều tội lỗi. Khi sắp rời bỏ cuộc đời, sự sống tan rã nhanh chóng, trong lòng khiếp sợ kinh hoàng. Giống như lụa thủng chim bay, cũng vậy, tâm thức theo nghiệp. Như kẻ mắc nợ, ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu sa đó. Vô thường sát hại, niệm niệm không dừng. Mạng sống không thể kéo dài, thời gian không thể chờ đợi. Ba cõi trời người chưa thoát khỏi thì cứ như vậy, thọ thân số kiếp không thể tính bàn.

9. Cảm thương than thở, đau xót cực lòng, đâu thể im lời nên cùng nhau nhắc nhở. Tủi vì sanh vào thời mạt pháp, cách Hiền Thánh đã xa. Phật pháp lôi thôi, người tu đa số biếng nhác. Thế nên, lược bày chỗ thấy cạn hẹp của mình để khuyên bảo người sau. Nếu không bỏ tánh kiêu căng, thì thật khó mong chuyển đổi.

10. Phàm người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục. Nối thạnh giòng Thánh, hàng phục quân ma, nhằm đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi. Nếu chẳng như thế, xen lẫn trong chúng tăng, ngôn hạnh hoang sơ, luống hao của tín thí. Chỗ đi năm trước, tấc bước không rời, lơ láo một đời, lấy chi nương tựa. Huống chi đường đường tăng tướng, sáu căn đầy đủ, dung mạo dễ xem. Sở dĩ được như thế là do đời trước đã gieo trồng căn lành nên đời này mới cảm quả báo thế ấy. Lại chỉ biết ngồi sửng khoanh tay, chẳng tiếc thời giờ. Đạo nghiệp không nỗ lực chuyên cần thì công quả do đâu thành tựu? Chẳng những đời nay luống qua, đời sau cũng sẽ vô ích.

11. Từ giã thân quyến, quyết chí mặc áo nhuộm là ý muốn vượt đến chỗ nào? Sớm tối lo nghĩ, đâu thể dần dà để thời giờ qua mất. Lòng tự hẹn làm rường cột cho Phật pháp, gương mẫu cho đời sau. Thường xét nghĩ như thế mà còn chưa được chút phần tương ưng.

12. Nói ra phải hợp với kinh điển, luận bàn phải noi theo gương mẫu người xưa, hình dung đĩnh đạc, ý chí cao nhàn.

13. Đi xa cần nương bạn lành để thường gạn lọc tai mắt. Trú ở cần nên chọn bạn hiền, thường được nghe điều chưa nghe. Nên nói: sanh ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè. Gần gũi người lành như đi trong sương móc, tuy không thấy ướt áo mà dần dần thấm nhuần. Gần gũi kẻ ác, thêm ác tri kiến, sớm tối tạo ác, trước mắt chịu quả báo, chết rồi phải trầm luân. Một phen mất thân người, muôn kiếp khó tìm lại.

14. Lời thẳng trái tai, há chẳng ghi lòng đó sao? Có thế mới hay rửa lòng nuôi đức, ẩn tích mai danh, chứa nhóm tinh thần, xa lánh ồn náo.

15. Nếu muốn tham thiền học đạo, là môn vượt ngoài phương tiện, thì trong phải hợp với mé huyền và nghiên cứu tường tận cái tinh yếu của đạo. Chọn lựa được chỗ thâm sâu rồi mới có thể khai ngộ được nguồn chơn. Rộng hỏi tiên tri, thân gần thiện hữu. Tông này khó đạt được chỗ nhiệm mầu, cần phải dụng tâm chín chắn. Nếu trong ấy đạt được chánh nhân, đó chính là thềm bực giải thoát. Đây là phá ba cõi hai mươi lăm loài. Chẳng cần đem tâm nương gá, chỉ lòng không gá vật thì vật đâu chướng ngại được người. Mặc tình pháp tánh trùm khắp, chẳng phải đoạn dứt cũng chẳng cần tiếp nối. Nghe tiếng thấy sắc là việc tầm thường. Bên này bên kia ứng dụng không thiếu.

16. Nếu làm được như thế, mới thật không uổng mặc áo pháp, cũng là đền đáp bốn ân, cứu giúp ba cõi. Đời đời nếu không thối chuyển thì quả Phật quyết chắc được nên. Làm người khách qua lại trong ba cõi, ra vào làm phép tắc cho người.

17. Môn thiền này rất diệu, rất huyền. Chỉ cần có đủ quyết tâm, mới biết Phật Tổ không dối.

18. Nếu có kẻ bậc trung, chưa thể vượt qua được phương tiện, thì phải đối với giáo pháp lưu tâm, ôn tầm kinh luận. Tinh thông nghĩa lý, truyền bá mở mang, tiếp dẫn hậu lai, báo ân đức Phật. Thời giờ chớ nên luống bỏ, phải dùng giáo pháp để phò trì. Đi đứng oai nghi, mới là pháp khí Tăng bảo. Há chẳng thấy, dây sắn nương cây tùng mà vượt cao lên ngàn trượng. Nương gá nhân lành thù thắng thì mới được lợi ích rộng nhiều. Phải nên thiết tha tu hành trai giới cho thanh tịnh, chớ nên khinh dối bỏ qua. Như thế đời đời kiếp kiếp sẽ được nhân quả tốt đẹp.

19. Chẳng nên thong thả qua ngày, ngẩn ngơ hết buổi. Thời giờ đáng tiếc, sao chẳng cầu tu tiến? Như thế, thật là luống hao của tín thí, cũng là cô phụ bốn ân. Tích chứa càng nhiều, tâm trần dễ lấp, gặp việc ngăn bít, bị người chê cười.

20. Người xưa nói: Kia là trượng phu, ta đây cũng thế, chớ tự khinh mình mà lui sụt. Nếu chẳng như thế, luống ở trong cửa đạo dần dà hết một đời, trọn không lợi ích.

21. Trông mong các ông phát chí dũng mãnh, mở lòng rộng xa. Việc làm phải noi gương hàng Thượng đức, chớ học kẻ tầm thường. Đời này tự mình quyết đoán, chẳng do người khác liệu giùm. Dứt ý quên duyên, đừng cùng các trần làm bạn. Tâm không, cảnh lặng, chỉ vì hằng lâu ngăn trệ chẳng thông.

22. Hãy đọc kỹ văn này, thường tự nhắc nhở. Cố gắng làm chủ, chớ theo tình người. Nghiệp quả kéo lôi thật khó trốn tránh. Tiếng hòa thì vang thuận, hình thẳng thì bóng ngay. Nhân quả rõ ràng, há không lo sợ? Cho nên kinh nói: “Giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo không bao giờ mất. Khi nhân duyên gặp gỡ, quả báo lại phải chịu.” Nên biết, ba cõi hình phạt trói buộc hại người. Gắng sức lo tu, chớ luống qua ngày tháng.

24. Biết rõ lỗi lầm nên mới khuyên nhau tu tập. Nguyện trăm kiếp ngàn đời, chỗ chỗ cùng nhau làm bạn pháp, bèn làm Bài Minh rằng:

Thân huyễn nhà mộng,

Vật sắc trong không,

Mé trước không cùng,

Mé sau đâu biết?

Thoát đây chìm kia,

Lên xuống cực nhọc,

Chưa khỏi ba đường,

Bao giờ thôi dứt?

Tham luyến cõi đời,

Ấm duyên thành chất,

Từ sanh đến già,

Trọn không gì được.

Căn bản vô minh,

Nhân đây mê hoặc,

Thời giờ đáng tiếc,

Khoảnh khắc khó lường.

Đời nay luống qua,

Đời sau ngăn lấp,

Từ mê đến mê,

Đều do sáu giặc.

Qua lại sáu đường,

Lăn lóc ba cõi.

Sớm tìm minh sư,

Thân gần cao đức.

Gạn lọc thân tâm,

Bỏ điều gai góc.

Đời tự giả hư,

Duyên nào ép ngặt?

Xét tột pháp lí,

Chứng ngộ mới thôi.

Tâm cảnh đều quên,

Chẳng ghi chẳng nhớ.

Sáu căn an nhiên,

Đứng, đi lặng lẽ.

Một tâm không sanh,

Muôn pháp đều dứt. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.