Phổ Đà Sơn Dị Truyện

05. Cô Gái Thành Tâm Hướng Phật; Đại Sĩ Hiển Hóa Đưa Cơm



Tương truyền có một cụ già với con gái và con dâu vượt qua ngàn dặm sông nước hành hương thắng tích Phổ Đà, thực hiện chí nguyện thành tâm trong mấy năm trời, khi thuyền vừa đến Phổ Đà, đoàn người đang chuẩn bị rời thuyền lên bờ để lên núi dâng hương, bỗng cô con gái hành kinh, vì thân không thanh tịnh, nên không thể cùng đi với cha và chị dâu lên núi lễ Phật được. Cô nhờ chị dâu lên núi đứng trước Bồ tát khấn giúp, thắp hộ vài nén hương để nói rõ tâm nguyện của mình. Người chị dâu nghe thấy nói vậy bỗng bật cười và chê cô là quá ư cố chấp, cô gái càng xấu hổ và chỉ tự trách bản thân không có duyên được thấy Bồ tát, đành phải ngồi lại một mình trong khoang thuyền chờ cha và chị dâu lên núi dâng hương trở về. Nào ngờ lúc đó nước thủy triều đang lên, càng dâng càng cao, làm ngập cả con đường lên bờ vừa rồi. Đường đi bị mất, không có lối lên bờ, trong bụng lại đói, mà chẳng có thứ gì ăn được. Bỗng thấy một bà già tay xách giỏ cơm đi đến, luôn tay lấy đá sỏi ném xuống nước, vén áo lên thuyền nói rằng: “Già đem cơm đến cho cô nương ăn đây!” Nói xong liền bỏ giỏ cơm đấy đi ngay. Cô gái rất lấy làm lạ, cho rằng có lẽ cha sai bà già đem cơm đến cho mình ăn, cho đến tận chiều tối, cha cô và chị dâu mới từ trên núi xuống, lúc đó nước triều rút, đường đi lại hiện ra, quả thực khi cha con lên núi lễ Phật cũng quên khuấy cơm trưa cho cô gái ở lại dưới thuyền, đến khi về thuyền mới nhớ ra là cô chưa được ăn cơm trưa, do đó chị dâu vội hỏi: “Khổ quá! quên khuấy mất, làm cô bị đói trưa nay phải không?” Cô gái bèn nói: “Trưa nay đã có một cụ già mang cơm đến cho em ăn rồi, em tưởng cha và chị sai bà cụ đưa cơm xuống cho em đấy chứ. Thế không phải như vậy ư?” Cha và chị dâu nghe nói vậy, rất lấy làm lạ mà nói rằng: “Không hề bảo ai mang cơm cả!” Cô gái bèn đưa chỗ cơm ăn còn thừa ra cho hai người xem, để làm minh chứng. Lúc đó người chị dâu mới ngộ ra, nhất định là Quán Thế Âm Bồ tát hiển thánh, biến hiện thành một bà cụ già đưa cơm đến, để giúp một cô gái có lòng thành từ xa đến núi dâng hương lễ Phật, nhân vì trên mình không thanh tịnh, chỉ biết hổ thẹn và ân hận không có duyên được thấy mặt Phật mà buồn tủi, cho nên Bồ tát hiện thân biến hóa để cô gái được gặp và tăng thêm lòng tin, người chị dâu với cha vội vàng quay lại nơi điện thờ khấn bái để tạ ơn, thì thấy vạt áo của Đại Sĩ vẫn còn ướt. Bởi vậy sau này, ở nơi thuyền ghé bến lên bờ được đặt tên là “Đầu đường cô gái bị cười” (Đoản cô đạo đầu). Đó là câu chuyện về cô gái thành tâm, cảm ứng thấy Bồ tát hiển thánh đưa cơm để kỷ niệm nơi cô gái bị chị dâu chế diễu. Nơi đó bây giờ trở thành bến đò cho các khách hành hương cho thuyền cặp bến lên bờ, ngôi điện Bồ tát hiển thánh tức là am Từ Vân ngày nay, am đó nằm ngay cạnh bến đò chỉ cách vài bước, phía sau điện của am này, người đời sau có tạc một bức tượng cô gái để kỷ niệm, và khách hành hương cũng thường đến dó thắp hương lễ bái.

Ở đoạn đầu đường vào núi, có một cổng lớn trên đề bốn chữ “Đạo đầu bài phường” (cổng đầu đường), do cư sĩ Trần Tích Chu ở Vô Tích quyên tiền xây dựng vào năm Dân Quốc thứ 8, cổng được xây bằng bê tông cốt thép, công trình kiên cố, thế hình hùng tráng, kỳ vĩ hơn nhiều so với “Tử Dương Môn” ở núi Sư Tử, một danh thắng Phật giáo Trúc Nam trong tỉnh ta (chỉ Đài Loan). Tấm hoành trên cổng có nhiều danh nhân đề tự, như “Nam Hải Thánh Cảnh” của Điền Nam Vương Nhân Văn (tỉnh Vân Nam), “Đồng Đăng Bỉ Ngạn” (cùng lên bờ giác) của Đông Hải Từ Thế Xương, “Bảo Phiệt Mê Tân” (bè báu bến mê) của Hà Nam Phùng Quốc Chương, “Kim Thằng Giác Lộ” (đường giác dây vàng) của Hoàng Pha Lê Nguyên Hồng. “Hồi Đầu Thị Ngạn” (quay đầu là bến giác) của Giang Triều Tông; ngoài ra còn nhiều câu đối như:

– Hữu cảm tức thông, thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt,
Vô cơ bất bị, vạn lý vô vân, vạn lý thiên.

(Có cảm ắt thông, ngàn sông có nước, ngàn sông nguyệt,
Không cơ chẳng khắp, muôn dặm không mây, muôn dặm trời).
của Đại Hưng Phùng Thứ;

– Nhất nhật lưỡng độ triều, khả thính kỳ tự lai tự khứ,
Thiên sơn vạn trùng thạch, mạc tiếu tha vô giác vô tri.

(Ngày hai đợt triều lên, khá nghe sóng tự dâng tự rút,
Thiên sơn muôn trùng đá, chớ cười ai vô giác vô tri).
của Tứ Minh Vương Vũ Tương;

– Đáo giá sơn lai vị yết phổ môn, đương tiên tịnh chí,
Độ na hải khứ dục đăng bỉ ngạn, tu tảo hồi đầu.

(Đến núi này, chưa bái phổ môn, trước nên sạch chí,
Vượt biển nọ, muốn lên bờ giác hãy sớm quay đầu).
của Giảng Nam Chiếu.

Nhiều câu đề từ và đối liễn đại loại như vậy, lời hay ý đẹp, không thể kể xiết được.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.