Phổ Đà Sơn Dị Truyện

23. Năm Bộ Long Tạng Hoàng Thượng Ban, Hộ Trấn Phổ Đà Thành Vật Báu



Đối với nhà Phật, cái quan trọng nhất và cần thiết nhất là “Tam Tạng Thập Nhị Bộ Kinh Điển”, bởi vì đạo Phật khác với các đạo khác là ở chỗ, đạo Phật là một tôn giáo học vấn, có tới hơn chín ngàn quyển Đại Tạng Kinh để cung cấp cho tín đồ nghiên cứu.

Trong xã hội, dù là ở giới nào, tầng lớp nào, tin theo đạo Phật hay không tin theo đạo Phật, nhưng ai cũng hiểu rằng kinh điển của đạo Phật thật là phong phú, nghĩa lý cao siêu, đó là điều mà các đạo khác không thể sánh kịp.

Kinh điển của Phật giáo không những được tín đồ của mình coi trọng, mà cũng được nhà nước quan tâm. Kinh Phật vốn nổi tiếng là kho tàng văn hóa phương Đông rất quý giá, bởi vì, Kinh Tạng quả là một kho văn hóa thực sự, bao gồm đủ mọi mặt, như một bộ bách khoa toàn thư, trong đó bao gồm cả học thuyết vũ trụ, đồng thời nó cũng còn là những cái vượt lên trên các học thuyết. Vì nó quan trọng như vậy, cho nên toàn bộ kinh điển Đại Tạng của Phật giáo đều do nhà nước bỏ tiền ra in ấn, trang trí công phu, chế bản tuyệt đẹp, các sách hiện đại của Âu Tây ngày nay cũng không thể sánh kịp.

Các Kinh Tạng do nhà nước xuất bản gọi là Long Tạng. Chùa nào mà có được một bộ “Long Tạng ngự ban” của Hoàng đế, thì coi như là một vinh dự vô thượng, cho nên các chùa lớn ở trong nước đều cố thỉnh được một bộ Long Tạng để gọi là “Trấn Sơn Chi Bảo” (vật báu hộ trấn sơn môn).

Núi Phổ Đà được gọi là đất Thánh, một trong bốn danh sơn. Tạng Kinh đương nhiên là không thể thiếu được, núi Phổ Đà có tới năm bộ “Long Tạng ngự ban”. Chùa Trước có hai bộ, một bộ Nam Tạng, một bộ Bắc Tạng. Chùa Sau cũng có hai bộ, Phật Đỉnh Sơn một bộ. Năm bộ Kinh Tạng đó là “Trấn Sơn Chi Bảo” của núi Phổ Đà. Ngoài ra, các am điện khác còn có bộ Tục Tạng của Nhật Bản, rồi Đại Chánh Tạng, Am Song Tuyền có một bộ Tần Già Tạng, Duyệt Nghiêm Am có một bộ Tích Sa Tạng v.v… bởi vì Kinh Tạng là món ăn tinh thần của người xuất gia, đại phàm là một Tăng già học vấn quảng bác, đạo hạnh cao siêu, thì việc tu dưỡng nhân cách, trau dồi trí tuệ của họ đều do đọc Đại Tạng rồi tu hành theo pháp, và thể chứng cả. Ở núi Phổ Đà, số Tăng già do đọc nhiều Kinh Tạng mà trở nên các bậc Cao Tăng Đại đức, có thể nói là rất nhiều. Không nói gì đâu xa, chỉ riêng trong những nhân vật có quyền uy trong cửa Phật ngày nay, như các Đại đức Đế Nhàn, Ấn Quang, Thái Hư, đều chuyên tâm vào Đại Tạng, đi vào Bát Nhã Tam Muội, mà trở thành những bậc Đại sư một thời. Đế Nhàn do đọc Tạng, trung hưng Thiên Thai, đại hoằng Pháp Hoa. Ấn Quang ba mươi năm ở Chùa Pháp Vũ, chưa từng bước chân xuống núi, một bộ Tạng Kinh, giở đọc ba lần, sau trở thành đại Tổ sư thứ mười ba của Tông Tịnh Độ. Thái Hư đại sư đóng cửa tĩnh tâm trong núi ba năm, đọc hết sáu trăm cuốn kinh Bát Nhã mà giải ngộ Viên Thông, thể ngộ Tam muội, biện tài vô ngại, cuối cùng tiếng vang khắp chốn hoàn cầu, học vấn thông quán Đông Tây kim cổ, phát huy văn hóa Đông phương, trở thành lãnh tụ của phong trào Phật giáo, là một bậc đại sư một thời vĩ đại nhất trong giới Phật giáo đời nay.

Lại như Ân Thuận Pháp sư (nay sống ở Đài Loan) ngài tịnh tâm ở Tạng Lầu trên núi Phật Đỉnh, thâm nhập Kinh Tạng, nên mới trở thành một bậc siêu nhiên tuệ giải “có trí tuệ bao la như biển cả” như ngày nay.

Ngày nay ở núi Phổ Đà trầm luân đại nạn, không biết cái kho báu của nền văn hóa Đông phương kia, năm bộ Long Tạng “Trấn Sơn Chi Bảo” kia có còn được nguyên vẹn yên ổn hay không, đến nay tôi chưa được rõ!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.