Nguồn Thiền Giảng Giải

Lược Sử Tác Giả



Thiền sư Tông Mật khi chưa xuất gia họ Hà, nguyên quán ở Quả Châu Tây Sung, gia đình giàu có, lúc nhỏ tinh thông Nho học, đến hai mươi tuổi mới nghiên cứu kinh Phật. Ðời Ðường hiệu Nguyên Hòa năm thứ hai (807 TL.) sắp được tiến cử đi làm quan, chợt gặp thiền sư Ðạo Viên, ngài phát tâm xuất gia. Nơi đây, ngài được truyền tâm ấn cũng năm ấy thọ giới Cụ Túc.

Một hôm, nhơn theo chúng thọ trai Tăng ở nhà Phủ sứ Nhâm Quán, ngài ngồi sau chót. Kế nhận được mười hai chương kinh Viên Giác, ngài xem chưa hết mà cảm ngộ rơi nước mắt. Về chùa, ngài đem sở ngộ trình lên thầy. Ðạo Viên bảo:

– Ông sẽ chẳng truyền giáo viên đốn, đây là chư Phật trao cho ông, nên du phương đừng tự ràng buộc một góc.

Ngài rơi nước mắt, vâng lệnh thầy từ tạ ra đi, đến yết kiến thiền sư Kinh Nam Trương (người Nam Ấn). Kinh bảo:

– Người truyền giáo nên giảng dạy ở đế đô.

Ngài lại đến yết kiến thiền sư Thần Chiếu. Chiếu bảo:

– Người Bồ Tát, ai có thể biết được.

Ngài tìm đến Nhượng Hán. Ở đây, nhơn vị Tăng bệnh trao cho bộ kinh Hoa Nghiêm Cú Nghĩa do đại sư Trừng Quán tuyển, ngài chưa từng học tập, một phen xem qua là giảng được, tự mừng duyên gặp gỡ của mình, ngài nói:

– Các thầy thuật tạo ít có cùng tột chỉ yếu, chưa bộ nào bằng bộ này, bộ này văn chương lưu loát, nghĩa lý rõ ràng. Ta tu Thiền thì gặp Nam tông (đốn ngộ), kinh điển thì gặp Viên Giác. Chỉ một câu nói tâm địa khai thông, trong một quyển kinh nghĩa sáng khắp trời. Nay lại gặp bộ tuyệt bút này biết sạch trong lòng.

Giảng xong, ngài nghĩ nên tìm đến Ðại sư Trừng Quán. Khi ấy, trong môn đồ có Thái Cung chặt tay để cúng dường công ơn giảng dạy. Ngài gởi thư đến Ðại sư Trừng Quán trước, đợi săn sóc Thái Cung lành mạnh, thầy trò đồng đến Thượng Ðô. Ngài đối với Ðại sư Trừng Quán giữ lễ đệ tử, Quán bảo:

– Người hay theo ta dạo Hoa Tạng Tỳ Lô là ông vậy.

Ngài ở đây đức hạnh càng ngày càng cao, những bịnh chấp tướng lần lần dứt sạch.

Ði dạo miền bắc đến núi Thanh Lương, ngài dừng lại ở chùa Thảo Ðường, huyện Hộ. Không bao lâu, ngài lại trụ trì Lan Nhã Khuê Phong ở núi Nam Chung.

Ðến niên hiệu Thái Hòa năm thứ hai (828), vua thỉnh ngài về triều ban tử y (y tía) và thư hỏi pháp yếu, bá quan trong triều đều quy kính ngài, duy tướng quốc Bùi Hưu là thân cận hơn cả. Ngài dùng Thiền và Giáo để giáo hóa môn đồ. Về Thiền, ngài có biên tập lời nói, kệ tụng của các thiền gia làm một bộ lấy tên là Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập và viết một quyển cương yếu lấy tên là Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Ðô Tự. Về Giáo, ngài có sớ giải các bộ kinh Viên Giác, Hoa Nghiêm, Niết Bàn…

Niên hiệu Hội Xương năm đầu (841 TL.) ngày mùng sáu tháng giêng, ngài ngồi kiết già thị tịch, tại tháp viện Hưng Phước, dáng mạo nghiêm trang, vui vẻ hơn ngày thường. Ðến bảy ngày mới để vào quan tài và sau này thiêu được xá lợi rất nhiều. Ngài thọ sáu mươi hai tuổi, được ba mươi bốn tuổi hạ.

Sau đây Ngài trả lời mười một câu hỏi quan trọng:


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.