Nguồn Thiền Giảng Giải

Cương Yếu Thiền Tông



1. HỎI: Thế nào là đạo? Lấy cái gì để tu? Phải do tu mới thành hay chẳng cần dụng công?

ÐÁP: Không ngại là đạo, biết vọng là tu, đạo tuy vốn tròn, vọng khởi phiền lụy, vọng niệm hết sạch tức là tu thành công.

2. HỎI: Ðạo nếu nhơn tu mà thành tức là tạo tác, tạo tác thì đồng pháp hư ngụy không thật ở thế gian, thành rồi lại hoại, sao gọi là xuất thế?

ÐÁP: Tạo tác thì kết nghiệp gọi pháp thế gian hư ngụy, không tác (làm) là tu hành tức pháp xuất thế chơn thật.

3. HỎI: Kia tu là đốn hay tiệm? Tiệm thì quên trước mất sau, lấy cái gì tập hợp mà thành? Ðốn thì muôn hạnh nhiều môn, đâu thể một thời đầy đủ?

ÐÁP: Chợt ngộ chơn lý là viên đốn, dứt vọng cần phải tiệm tu (tu dần dần) mới hết. Viên đốn ví như trẻ con sơ sanh trong một ngày các cơ thể đầy đủ. Tiệm tu ví như nuôi dưỡng đến thành nhân, phải nhiều năm mới lập chí khí.

4. HỎI: Phàm tu phát tâm địa khi ngộ tâm là xong, hay riêng có hạnh môn? Nếu riêng có hạnh môn thì sao gọi là đốn chỉ Nam tông (đốn tu)? Nếu ngộ liền đồng chư Phật, sao không phóng quang hiện thần thông?

ÐÁP: Biết băng trên mặt hồ nguyên là nước, nhờ ánh nắng mặt trời dần dần tan, ngộ phàm phu tức chơn, nhờ sức pháp để tu tập. Băng tiêu thì nước trôi chảy, công phương trình tẩy rửa vọng hết thì tâm linh thông, mới có ứng hiện phát quang. Ngoài việc tu tâm không có hạnh môn riêng.

5. HỎI: Nếu chỉ tu tâm mà được thành Phật, cớ sao các Kinh lại nói: “Cần phải trang nghiêm Phật độ, giáo hóa chúng sanh mới gọi thành đạo”.

ÐÁP: Gương sáng thì hiện muôn ngàn hình bóng sai khác, tâm tịnh thì ứng hiện muôn ngàn thần thông. Hình bóng ví trang nghiêm Phật độ, thần thông ví giáo hóa chúng sanh, trang nghiêm tức phi trang nghiêm, hình bóng là sắc mà phi sắc.

6. HỎI: Các Kinh đều nói độ thoát chúng sanh, chúng sanh tức phi chúng sanh, tại sao lại nhọc nhằn độ thoát?

ÐÁP: Chúng sanh nếu thật độ được tức là nhọc nhằn, đã nói “tức phi chúng sanh”, sao không so sánh độ mà không độ?

7. HỎI: Các Kinh nói “Phật thường trụ” hoặc nói “Phật diệt độ”. Thường tức không diệt, diệt tức không phải thường, như vậy là mâu thuẫn nhau.

ÐÁP: Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật thì đâu có thật ra đời hay nhập diệt? Thấy ra đời hay nhập là tại cơ duyên. Cơ duyên ứng hợp thì xuất hiện dưới cội Bồ đề. Cơ duyên hết thì nhập Niết bàn giữa hai cây Sa La. Cũng như nước trong, không tâm không hình tượng, không hiện hình tượng không phải có ngã. Bởi vì tướng ngoại chất có đến đi, không phải thân Phật. Ðâu thể nói Như Lai có xuất nhập.

8. HỎI: Thế nào là Phật hóa sanh như chúng sanh kia sanh? Phật đã vô sanh thì là nghĩa gì? Nếu nói tâm sanh pháp sanh, tâm diệt pháp diệt, thì do đâu được Vô sanh pháp nhẫn?

ÐÁP: Ðã nói như hóa, hóa tức là không, không tức là không sanh, sao lại hỏi nghĩa sanh? Sanh diệt diệt rồi thì tịch diệt là chơn, nhận được pháp vô sanh này gọi là Vô sanh pháp nhẫn.

9. HỎI: Chư Phật thành đạo thuyết pháp chỉ vì độ chúng sanh giải thoát, chúng sanh thì có lục đạo, tại sao Phật chỉ hóa hiện ở trong nhơn đạo? Lại Phật sắp diệt độ, trao pháp cho Tổ Ca Diếp dùng tâm truyền tâm cho đến phương này (Trung Hoa), bảy vị Tổ mỗi đời chỉ truyền một người, đã nói rằng đối tất cả chúng sanh coi như con một, tại sao truyền dạy không khắp?

ÐÁP: Mặt trời, mặt trăng lên cao đều soi sáng khắp sáu phương mà người mù không thấy, chậu úp không biết, không phải mặt trời, mặt trăng soi chẳng khắp, tại lỗi che đậy ngăn cách. Ðộ cùng không độ nghĩa giống như vậy, không phải hạn cuộc nơi người trời bỏ các loài quỷ súc. Chỉ vì nhơn đạo hay kiết tập truyền trao không dứt, nên biết Phật hiện trong nhơn đạo. Sắp diệt độ Phật trao pháp cho Tổ Ca Diếp, lần luợt truyền nhau một người, chính vì nhằm vào vị chủ Thiền tông trong một đời. Như trong nước không có hai vua, không phải người được độ chỉ có số dường ấy.

10. HỎI: Hoà Thượng nhơn đâu phải phát tâm? Mộ pháp gì mà xuất gia? Nay tu hành pháp gì? Ðược pháp vị gì? Chỗ tu hành đến địa vị nào? Là trụ tâm tu tâm? Nếu trụ tâm thì ngại tu tâm, nếu tu tâm thì động niệm không an làm sao được gọi là học đạo? Nếu tâm an nhất định thì đâu khác gì môn đồ của định tánh (định tánh Thanh văn)? Cúi mong Ðại Ðức vận dụng đại từ bi theo thứ lớp nói đúng lý như như.

ÐÁP: Biết tứ đại như mộng huyễn, hiểu lục trần như không hoa, ngộ tâm mình là tâm Phật, thấy bản tánh tức pháp tánh là nguyên nhơn phát tâm. Biết tâm không trụ tức là tu hành; không trụ mà “biết” tức là pháp vị. Trụ trước nơi pháp đây là động niệm, như người vào tối thì không thấy vật; nay không có chỗ trụ, không nhiễm không trước, như người có mắt và có ánh sáng mặt trời thấy rõ các vật. Thế thì đâu thể đồng môn đồ của định tánh, đã không có chỗ trụ trước thì đâu luận xứ sở?

11. HỎI: Người ngộ lý dứt vọng thì không kết nghiệp, sau khi mạng chung linh tánh sẽ nương vào đâu?

ÐÁP: Tất cả chúng sanh đều có tánh giác linh minh không tịch, không khác với Phật, chỉ do từ vô thủy kiếp đến nay chưa từng liễu ngộ, vọng chấp thân là tướng của ta, cho nên sanh tình yêu ghét. Theo tình tạo nghiệp, theo nghiệp thọ báo sanh, già, bệnh, chết luân hồi nhiều kiếp. Nhưng, giác tánh trong thân chưa từng sanh tử. Như mộng thấy bị xua đuổi mà thân vẫn nằm yên trên giường. Vốn tự vô sanh thì đâu có chỗ nương gá, tinh lanh không mờ mịt, rõ ràng thường biết, không từ đâu đến cũng không đi đâu. Song, vọng chấp nhiều đời huân tập thành tánh mừng, giận, vui, buồn, trôi chảy nhỏ nhiệm, tuy đã đốn ngộ chơn lý mà tình này không thể dứt liền, cần phải hằng xét nét dần dần tổn giảm. Như gió dừng thì sóng dần dần lặng. Ðâu thể tu hành một đời mà đồng lực dụng của chư Phật, chỉ nên lấy không tịch làm thể của mình, chớ nhận sắc thân này, lấy linh tri là thân của mình, đừng nhận vọng niệm, vọng niệm nếu khởi không nên theo nó, tức là khi sắp mạng chung tự nhiên nghiệp không thể ràng buộc. Tuy có thân trung ấm mà đi đâu tự do, tùy ý đến cõi người, cõi trời thọ sanh. Nếu niệm yêu ghét đã hết sức không thọ nhận thân phần đoạn (thân còn ăn uống thô) tự hay đổi dở thành hay, đổi thô thành diệu. Nếu phần trôi chảy nhỏ nhiệm lắng sạch tất cả, chỉ riêng còn Viên giác Ðại trí sáng suốt, tùy cơ ứng hiện trăm ngàn ức thân độ chúng sanh hữu duyên, gọi đó là Phật.

Ngài có làm tám câu kệ hiển bày ý nghĩa này:

Tác hữu nghĩa sự,

Thị tỉnh ngộ tâm.

Tác vô nghĩa sự,

Thị cuồng loạn tâm.

Cuồng loạn tùy tình niệm,

Lâm chung bị nghiệp khiên.

Tỉnh ngộ bất do tình.

Lâm chung năng chuyển nghiệp.

Dịch:

Làm việc có nghĩa,

Là tâm tỉnh ngộ.

Làm việc vô nghĩa,

Là tâm cuồng loạn.

Cuồng loạn theo tình niệm,

Lâm chung bị nghiệp lôi.

Tỉnh ngộ không theo tình,

Lâm chung hay chuyển nghiệp.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.