Nguồn Thiền Giảng Giải

Hội Thông Đốn Tiệm



– HỎI: Ở trước Phật nói Ðốn giáo, Tiệm giáo; Thiền mở bày Ðốn môn, Tiệm môn. Chưa biết trong ba thứ giáo, thứ nào đốn, thứ nào tiệm.

– ÐÁP: Pháp nghĩa sâu cạn đã trình bày đầy đủ trong ba thứ, chỉ vì Thế Tôn nói nghi thức chẳng đồng, có khi xứng lý nói đốn, có khi tùy cơ nói tiệm, nên gọi đốn giáo, tiệm giáo. Chẳng phải ngoài ba giáo riêng có đốn tiệm.

– Tiệm là kẻ trung hạ căn tức thời gian chưa tín ngộ được diệu lý Viên giác, nên Phật vì nói nhân quả người, trời và Tiểu thừa cho đến pháp tướng, phá tướng, đợi căn khí họ thuần thục, Phật mới vì nói liễu nghĩa tức là kinh Pháp Hoa, Niết Bàn.

Ðốn là chỉ thẳng về lý tánh. Tiệm là tùy theo căn cơ thấp dạy tu từ từ. Ví dụ: thiền viện Chơn Không, chủ yếu dạy tu thiền, thiền sinh phải nhận ra nơi mình có cái bất sanh bất diệt, rồi khởi tu bằng cách loại ra hay thu vào. Nhưng có người trình độ thấp chưa từng học Phật pháp đến xin tôi học tu. Lúc đó tôi phải dạy họ y nơi nhân quả nghiệp báo mà tu: làm lành gặp quả báo tốt, làm ác gặp quả báo xấu v.v… Nếu có người thông suốt kinh điển đến xin tu học để được giải thoát. Với người này tôi phải giảng cho họ biết nơi mình có cái nào là vọng, cái nào là chơn, rồi y theo chơn không theo vọng, ấy là khởi diệu dụng tu hành, đến khi hoàn toàn sống với cái chơn, đó là giải thoát. Tùy theo căn cơ người thấp nói thấp vừa trình độ để họ tu từ từ, người căn cơ cao thì nói cao. Nói thấp là tùy phương tiện, nói cao là hợp lý tánh. Ðức Phật cũng vậy, vì trình độ người học đạo không đồng, nên kinh điển Phật nói cũng sai biệt.

– Ðốn lại có hai thứ: Theo cơ đốn và Hóa nghi đốn.

1.- Theo cơ đốn:

Gặp kẻ phàm phu thượng căn lợi trí, Phật chỉ thẳng chơn pháp, kia nghe liền đốn ngộ toàn đồng chư Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm “Khi mới phát tâm liền được A Nậu Bồ Ðề”, kinh Viên Giác “Khi quán hạnh thành liền thành Phật đạo”. Nhưng mới đồng hạnh môn, trong hai giáo trước, dần dần trừ diệt phàm tập, dần dần (tiệm) hiển bày Thánh đức. Như gió kích động biển cả nổi sóng không thấy hình bóng vạn tượng, nếu gió dừng nhanh (đốn) thì sóng dần dần (tiệm) lặng, hình bóng hiển bày. Loại này là một phần trong kinh Hoa Nghiêm, Phật Ðảnh, Mật Nghiêm, Thắng Man, Như Lai Tạng cả thảy hơn hai mươi bộ kinh. Gặp cơ liền nói, không định trước sau, cùng Thiền môn “Tông chỉ thẳng tâm tánh” thứ ba hoàn toàn đồng.

Nếu gặp người thượng căn, Phật bèn chỉ thẳng cơn tánh, người ấy nghe liền nhận ra mình cùng chư Phật đồng một chơn tánh không khác. Kinh Hoa Nghiêm gọi là “Khi mới phát tâm liền được A Nậu Bồ đề”. Tuy nhiên, ngộ được bản tánh đồng với Phật, nhưng tập khí phàm tục còn dầy, phải dần dần loại hết mới chứng ngộ như Phật (hiển bày Thánh đức). Dụ như gió dừng nhanh trong khi sóng từ từ lặng. Ý nói đốn ngộ nhưng phải tiệm tu (tu dần dần). Hơn hai mươi bộ kinh Ðại thừa nói về ý này, hoàn toàn phù hợp vói tông chỉ thẳng tâm tánh của thiền môn.

2.- Hóa nghi đốn:

Phật mới thành đạo vì nhóm người thượng căn, duyên đời trước đã thành thục, một lúc liền nói tánh tướng, lý sự chúng sanh có muôn hoặc (mê lầm), Bồ tát có muôn hạnh địa vị hiền thánh, muôn đức chư Phật, nhơn gồm biển quả, mới phát tâm liền được Bồ đề, quả suốt nguồn nhơn, địa vị viên mãn vẫn gọi là Bồ tát.

“Nhơn gồm biển quả, mới phát tâm liền được Bồ đề, quả suốt nguồn nhơn, địa vị viên mãn vẫn gọi là Bồ tát”. Nghĩa là đức Phật vì hạng người căn cơ thuần thục, một lúc đồng nói tánh tướng, lý sự v.v… Người nghe liền nhận được nơi mình có bản thể chơn tâm, thấy mình với Phật đồng một bản thể ấy. Nhưng tu thành Phật rồi trở lại nhơn ban đầu là hành Bồ tát hạnh độ chúng sanh. Trong kinh có nói ngài Văn Thù và Phổ Hiền là hai vị Cổ Phật hóa thân làm Bồ tát để phụ hóa với đức Phật Thích Ca. Chỗ này có người nghi vấn:

– Tu thành Phật rồi làm Phật độ chúng sanh, tại sao phải làm Bồ tát mới độ chúng sanh?

– Ða số người phát tâm tu, thấy làm chúng sanh khổ quá, mong tu để thành Phật hưởng Niết bàn an vui, như vậy là niệm hưởng lạc vẫn còn. Ðể phá quan niệm ích kỷ hẹp hòi đó, trong các kinh Ðại thừa, Phật dạy: “Chúng sanh phát tâm tu, khi thành Phật rồi, trở lại làm Bồ tát để độ chúng sanh”, để cho chúng ta thấy rằng mục tiêu cứu cánh của chư Phật là vì chúng sanh mê muội khổ sở, các ngài mong tu thành Phật để hóa độ họ hết khổ, chớ không phải tu thành Phật để thụ hưởng an lạc riêng mình. Phàm phu chúng ta thường có quan niệm ích kỷ, thấy tượng Phật thờ trên bàn được người ta cúng lạy… nên khi phát tâm tu cũng mong muốn mau đắc quả Phật để được sung sướng như ngài. Nhưng còn niệm thụ hưởng sung sướng là còn ích kỷ thì biết bao giờ thành Phật để cho người tôn kính? Ví dụ có một người nghèo khổ, dốt nát bị người khinh khi. Người ấy bèn kiếm tiền đi học, chuyên cần học tập với ý niệm học cho giỏi để lấy bằng cấp cao, danh vọng tiền tài cho sướng thân và không bị người khinh rẻ. Ðó là quan niệm ích kỷ, khác với lòng vị tha của Phật. Cũng có người khác thấy mình và người chung quanh cùng dốt, bèn kiếm tiền đi học. Chăm chỉ học tập với ý niệm học cho giỏi, để đem sự hiểu biết của mình hướng dẫn mọi người chung quanh họ hết dốt hết khổ như mình. Khi học xong, người ấy mau ra làm lợi ích cho người, chớ không nghĩ đến sự sung sướng riêng bản thân. Như vậy, sự học ấy không phải vì mình mà vì người khác. Ðó là quan niệm vị tha chân chính.

Cũng vậy, nếu tu còn mong thành Phật để được người khác cung kính, vái lạy thì ích kỷ quá! Vì vậy chúng ta nên hiểu thâm ý trong kinh Phật dạy: “Thành Phật rồi hiện thân Bồ tát để độ chúng sanh” là vì thương mê muội trầm luân nên lăn lộn vào sanh tử để cứu độ họ, chớ không chấp ở địa vị an hưởng vui sướng. Ðó là quan niệm cao siêu chân chính của người tu.

– Loại này chỉ một bộ kinh Hoa Nghiêm và bộ Luận Thập Ðịa, gọi là giáo viên đốn. Ngoài ra đều không đầy đủ. Trong đó (Hoa Nghiêm) nói: “Các pháp toàn là pháp nhất tâm, nhất tâm là toàn nhất tâm của các pháp, tánh tướng viên dung, một nhiều tự tại”. Thế nên, chư Phật cùng chúng sanh giao triệt, Tịnh độ cùng uế độ dung thông, mỗi pháp kia đây đều thâu nhau, mỗi hạt bụi đều bao hàm thế giới, nhập nhau tức nhau, không ngại dung hợp, đủ mười huyền môn lớp lớp không cùng, gọi là pháp giới không chướng ngại.

Chủ yếu của kinh Hoa Nghiêm là chỉ thẳng trí huệ Như Lai sẵn có nơi mỗi người, nên tuy mới phát tâm tu mà ngộ được Phật tánh thì đồng với chư Phật, tức là đồng có trí huệ Phật (nhơn gồm biển quả). Nhưng khi thành Phật rồi vẫn làm Bồ tát để độ chúng sanh (quả suốt nguồn nhơn).

– Trên đây đốn tiệm đều y cứ Phật, thể theo giáo nói. Nếu đến căn cơ, thể theo ngộ tu mà nói thì ý lại sai biệt. Như trước trình bày, chư gia có nói: “Trước nhơn tiệm tu, thành công mới hoát nhiên đốn ngộ”, hoặc nói: “Nhơn đốn tu mà tiệm ngộ”, hoặc nói: “Nhơn tiệm tu mà tiệm ngộ”… đều nói về chứng ngộ. Có chỗ nói: “Trước phải đốn ngộ mới có thể tiệm tu”, đây là nhằm vào giải ngộ mà nói, kinh Hoa Nghiêm nói: “Khi mới phát tâm liền thành chánh giác, nhiên hậu Tam hiền, Thập thánh thứ lớp tu chứng”. Nếu chưa ngộ mà tu khôngphải là chơn tu.

Ðoạn này lập lại ý nghĩa giải ngộ và chứng ngộ đã nói ở trước. Giải ngô là nhơn nghe nói một câu của thiền sư, hoặc tự xem kinh bỗng nhiên ngộ được lý, nhưng chưa sạch phiền não. Chứng ngộ là trường hợp đức Phật và các vị A La Hán sạch hết phiền não, có đầy đủ thần thông diệu dụng. Chủ yếu của các kinh Ðại thừa là chỉ thẳng nơi mỗi người có chơn tánh bất sanh bất diệt, phải tự nhận ra rồi ý nơi đó khởi tu thì khỏi lầm lạc.

– Có chỗ nói: “Ðốn ngộ đốn tu”, đây là bậc thượng thượng trí, căn tánh lạc dục đều thắng, một nghe ngàn ngộ, được đại tổng trì, một niệm không sanh, trước sau đều đoạn. Người này ba nghiệp riêng tư sáng suốt, người khác không thể thấy. Dẫn sự tích mà nói, như Pháp Dung đại sư ở núi Ngưu Ðầu… Môn này có hai ý: nếu nhơn ngộ mà tu là giải ngộ, nếu nhơn tu mà ngộ là chứng ngộ. Nhưng trên đây đều nhằm vào đời này mà luận. Nếu xét xa về đời trước thì chỉ “tiệm” không có “đốn”. Ðời nay thấy đốn là do tiệm huân nhiều đời mới phát hiện.

Ðốn ngộ đốn tu là hành giả nghe một lời nói của thiền sư liền ngộ và sạch phiền não. Trường hợp này rất hiếm, chỉ có bậc thượng thượng trí, căn tánh lạc dục đều thắng (lạc: vui, dục: muốn), nghĩa là ý chí quá mạnh mẽ, khi muốn buông là hết phiền não, như ngài Pháp Dung ở núi Ngưu Ðầu. Tuy nhiên, thấy đốn ngộ đốn tu là căn cứ vào hiện đời, nếu xét về đời trước đều là tiệm. Như người hiện đời nghe một câu Phật pháp, nhận được diệu lý tu hành, coi như họ đốn ngộ nhưng thật sự đời trước họ đã có tu nhiều, hiện đời họ mới được như vậy.

Ví dụ người học Anh văn vài ba năm, vì bận công việc làm ăn nên nghỉ không học nữa. Khoảng mười năm sau họ quên hết. Lúc đó cần đến ngoại ngữ, họ đi học lại cùng lớp với những người chưa biết một tiếng Anh nào, tuy cùng học nhưng người đã học trước, bây giờ học mau hiểu hơn. Mau đối với hiện tại, nhưng so với thời gian trước kia thì họ chậm rồi. Chúng ta học Phật cũng vậy, không nên so sánh hơn thua, Vì người hơn là vị họ huân tu Phật pháp nhiều đời, người thua là do mới huân tu. Căn cứ trên bản thể thì mọi người như nhau, không ai hơn ai.

– Hoặc có chỗ nói: “Pháp không có đốn tiệm, đốn tiệm tại cơ”. Ðúng thay lý này, vốn không phải ở lời nói, chính bàn về căn cơ. Nói pháp thể có đốn tiệm nghĩa ý có nhiều môn này, mỗi môn đều có ý, không phải cố gắng để xuyên tạc. Huống là kinh Lăng Già bốn quyển tiệm, bốn quyển đốn, ở đây không phiền dẫn ra. So thấy nhóm luận giả thời nay, chỉ nói đốn tiệm mà không phân tích.

Pháp không có đốn tiệm, đốn tiệm tại căn cơ. Nhưng căn cơ không phải tự nhiên có mà do sự huân tập ít hay nhiều đời của mỗi người.

– Giáo có hóa nghi đốn tiệm, ứng cơ đốn tiệm. Người có phương tiện dạy bảo đốn tiệm, căn tính ngộ nhập đốn tiệm, phát ý tu hành đốn tiệm. Ở trong đó chỉ nói: “Trước đốn ngộ sau tiệm tu”, in tuồng trái nhau. Muốn dứt nghi này thử xét, mặt trời mọc nhanh nhưng sương mù dần dần tiêu diệt. Trẻ con sanh nhanh nhưng ý chí dần dần dựng lập. Gió lớn dừng mau, nhưng sóng mòi dần dần lặng. Con quí chóng thành, nhưng lễ nhạc dần dần học. Thế là biết nghĩa đốn và tiệm rất rõ ràng.

Ngài đưa ra bốn ví dụ để rõ nghĩa “Trước đốn ngộ sau tiệm tu”. Ðốn ngộ thì chưa sạch phiền não, cần phải tu từ từ loại hết phiền não, chơn tánh hiển bày. Như đứa trẻ con dòng sang quý bị thất lạc lâu năm, gặp lại cha mẹ thì rất nhanh (đốn), nhưng tập tư cách sang quý thì phải từ từ.

– Nhưng, bản ý văn này chỉ trình bày lời thiền gia, một tông Tổ Ðạt Ma làm thể chung của Phật pháp. Các nhà khác nói mỗi mỗi không đồng, nay hợp lại thành một bộ lý sự đều đủ. Ðến như cửa vào ngộ giải tu chứng cũng trước sau viên mãn. Cho nên, trình bày đốn tiệm phải đầy đủ ý đó, khiến huyết mạch liên tục, gốc ngọn có mối. Người muốn thấy manh mối gốc ngọn thì trước phải xét cho cùng ba thứ nói đốn tiệm, pháp trong kinh đã nói ở trên đây, gốc từ đâu lại, thấy ở chỗ nào? Lại phải ngước xem chư Phật nói kinh này gốc vì việc gì? Tức là một Ðại Tạng kinh một lúc thấu suốt rõ ràng.

Bản ý văn này (chỉ bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập gồm một trăm quyển đã thất lạc), lấy tông chỉ của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma làm chính. Người sau muốn thông suốt phải xét cho cùng ba thứ nói đốn tiệm gốc từ đâu mà ra?

– Xét tột giáo pháp từ đâu lại? Vốn từ tâm thể nhất chơn của Thế Tôn lưu xuất, lần lượt đến tai người đương thời, đến mắt người thời nay. Nghĩa của Phật nói cũng chỉ là chỗ nương của phàm thánh, tâm thể nhất chơn tùy duyên lưu xuất, lần lượt khắp tất cả chỗ, khắp trong thân tâm của mỗi chúng sanh, chỉ mỗi người nơi tâm mình tịnh niệm suy nghĩ đúng lý tức sẽ hiển nhiên như thế, như thế!

Xét cho cùng tột giáo pháp của Phật nói ra để cho người nương theo tu học, vốn từ nơi tâm thể nhất chơn của đức Phật lưu xuất, giáo pháp ấy thấm nhuần các hội chứng đương thời, và sau khi Phật nhập Niết Bàn được kết tập lại thành Tam Tạng. Ngày nay chúng ta được học kinh nghe pháp cốt yếu phải tịnh tâm để cho tất cả suy tư, vọng niệm lóng lặng thì tâm thể nhất chơn nơi mỗi người mới hiện bày và y nơi đó tiến tu cho đến ngày viên mãn.

– Xem Phật nói kinh bản ý, Thế Tôn tự nói: “Bản ý của ta vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện nơi đời”. Một đại sự muốn khiến chúng sanh mở tri kiến, cho đến vào tri kiến Phật. Làm các việc khác cũng thường vì một việc, lấy tri kiến Phật chỉ bày cho chúng sanh ngộ, không có thừa khác hoặc hai hoặc ba. Pháp của mười phương chư Phật cũng như thế, tuy dùng phương tiện vô lượng vô số, các thứ nhân duyên, thí dụ, lời lẽ vì chúng sanh diễn nói các pháp, pháp ấy đều là một Phật thừa.

Bản ý nói kinh của đức Phật là chỉ cho chúng sanh nhận ra nơi mình có Tri kiến Phật, đó là mục tiêu chính yếu. Dù Phật có nói pháp gì đi nữa, cũng đưa người đến chỗ cứu cánh đó, khi nhận ra nơi mình có Phật tánh, mới tin mình có khả năng thành Phật, nỗ lực tiến tu. Vả lại, với tâm từ bi rộng lớn, muốn cho tất cả chúng sanh cũng thành Phật như ngài, trước hết ngài chỉ chính nhân thành Phật là chơn tâm, Phật tánh v.v… sẵn có nơi mỗi người.

– Cho nên, ta ở dưới cội Bồ đề khi mới thành chánh giác, khắp thấy tất cả chúng sanh đều thành chánh giác, cho đến thấy tất cả chúng sanh đều vào Niết bàn, khắp thấy tất cả chúng sanh ở trong tham, sân, si, các thứ phiền não, có thân trí Như Lai thường không ô nhiễm, đức tướng đầy đủ. Không một chúng sanh nào mà không có đầy đủ trí huệ Như Lai, vì do vọng tưởng chấp trước nên không chứng được. Ta muốn dạy dùng thánh đạo khiến họ hằng lìa vọng tưởng, ở trong thân mình thấy được trí huệ rộng lớn Như Lai, như ta không khác. Bèn vì những chúng sanh này nơi Bồ đề đạo tràng xứng với pháp giới rộng lớn diễn nói vạn hạnh nhơn hoa để trang nghiêm bản tánh khiến thành vạn đức Phật quả. Kia có người kiếp xưa cùng ta đồng gieo căn lành, từng được ta ở trong kiếp hải dùng pháp tứ nhiếp để nhiếp thọ mới thấy được thân ta, liền đều tin nhận vào huệ Như Lai, cho đến trong rừng Thệ Ða ta nhập Tần thân Tam muội, đại chúng đều chứng pháp giới, trừ những người trước tu tập Tiểu thừa và đắm chìm trong nước tham ái… Chúng sanh như thế các căn ám độn, si mê làm mù khó thể độ thoát.

Sau khi đức Phật thành đạo, ngài thấy tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật như ngài, nhưng do vọng tưởng che lấp nên không chứng được. Vì lòng từ bi rộng lớn, ngài bèn mở phương tiện dạy chúng sanh lìa vọng chấp trước, sống với trí huệ Như Lai. Những người trồng sâu căn lành có duyên với Phật đều chứng được, trừ những người trước tu tập Tiểu thừa và đắm chìm trong tham ái… Sở dĩ người tu theo Tiểu thừa không chứng được quả Phật vì quả cao nhất của Tiểu thừa là A La Hán, sạch vọng tưởng nhưng chưa ngộ được pháp thân. Nên nói hàng nhị thừa không tin có Phật quả, tức không tin rằng mình có khả năng thành Phật. Ngài giải thích chữ Hoa Nghiêm: Hoa là vạn hạnh Bồ tát là nhơn; quả là vạn đức của chư Phật. Nhơn Bồ tát tu vạn hạnh chứng được quả vạn đức của chư Phật. Lấy muôn hạnh của Bồ Tát để trang nghiêm Phật quả. Như vậy, muốn thành Phật phải tu hạnh Bồ tát. Tu theo nhị thừa thì chỉ chứng A La Hán.

– Ta hai mươi mốt ngày suy nghĩ việc này, nếu chỉ khen ngợi Phật thừa, kia ắt chìm trong biển khổ; chê bai không tin, chóng vào đường ác. Nếu dùng Tiểu thừa giáo hóa, cho đến một người, ta liền sa vào xan tham, việc này không nên, tiến thối khó tính. Bèn nhớ lại dùng sức phương tiện đã làm của chư Phật đời quá khứ, biết chư Phật quá khứ đều dùng Tiểu thừa dẫn dụ, nhiên hậu khiến vào Nhất thừa cứu cánh. Ta nay đắc đạo cũng nên nói ba thừa. Khi ta suy nghĩ như thế, mười phương chư Phật đều hiện lời trong nhã an ủi ta: “Lành thay! Thích Ca Văn, vị đạo sư bậc nhất được pháp vô thượng, theo tất cả chư Phật dùng sức phương tiện”. Ta nghe an ủi rồi, tùy thuận ý chư Phật đến nước Ba La Nại, chuyển bánh xe pháp Tứ Ðế độ năm người Kiều Trần Như… dần dần các chỗ cho đến ngàn muôn, vì người cầu Duyên giác nói mười hai nhân duyên, vì người cầu Ðại thừa nói sáu pháp Ba La Mật, khoảng giữa lại vì nói Bát Nhã Ba La Mật rất sâu, gạn lọc hạng Thanh văn như trên tiến đến Bồ tát nhỏ. Dần dần ta thấy căn cơ họ thuần thục, bèn ở trên núi Linh Thứu mở bày tri kiến Như Lai, khắp cả đều được thọ ký Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác, hiển bày pháp thân tam thừa, bình đẳng vào đạo Nhất thừa.

Ðoạn này trích trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện: Sau khi đức Phật thành đạo, ngài thấy tất cả chúng sanh đều có tánh giác và có thể tu thành Phật như ngài. Nhưng vì vọng tưởng che lấp, nên ám độn ngu si, chạy theo hư vọng bên ngoài, quên mất tánh giác của mình. Nếu ngài đem chỗ chứng đắc sâu xa khó thấy, khó hiểu của ngài nói ra thì chúng sanh không tin. Nếu ngài dạy họ tu theo Tiểu thừa chỉ chứng quả Thanh văn thì ngài rơi vào lỗi bỏn xẻn. Ngài đang phân vân do dự, chợt nhớ lại chư Phật quá khứ, cũng dùng phương tiện trước dạy tu theo Tiểu thừa, rồi dần dần dẫn họ đến Phật thừa. Ðồng thời cũng có mười phương chư Phật hiện lời khuyến khích, nên ngài mở phương tiện nói ba thừa để giáo hóa chúng sanh. Khi thấy căn cơ họ thuần thục, ở núi Linh Thứu ngài chỉ họ nhận ra Tri kiến Phật để tiến tới Phật thừa.

– Cho đến khi sắp diệt độ, tại thành Câu Thi Na giữa hai cây Sa La, ta làm đại sư tử rống hiển bày phương pháp thường trụ, quyết định nói rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, phàm là có tâm nhất định sẽ làm Phật”. Niết bàn cứu cánh thường, lạc, ngã, tịnh đều khiến an trụ trong tạng bí mật. Tức cùng hải hội Hoa Nghiêm trong tam muội sư tử tần giáp đại chúng được đốn chứng không có sai biệt.

Ðoạn này trích trong kinh Ðại Niết bàn. Khi đức Phật sắp nhập diệt ở giữa hai cây Sa La, ngài quyết định nói rằng: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và nhất định sẽ thành Phật nếu họ tu hành viên mãn như ngài thì được Niết bàn có đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Lời nói này với lời nói đốn chứng trong kinh Hoa Nghiêm không khác.

– Ta đã đối với người đáng độ đều độ xong, người chưa được độ đã làm nhân duyên được độ, cho nên ở giữa hai cây vào đại định tịch diệt, phản bổn hoàn nguyên cùng tất cả chư Phật mười phương ba đời trụ pháp giới, thường tịch, thường chiếu vậy.

Ðoạn này cũng trích trong kinh Niết bàn: ngài nhập Niết bàn như phản bổn hoàn nguyên, còn gọi là “Lá rụng về cội” hay “Nước chảy về nguồn”. Nghĩa là thân Phật Thích Ca ở Ấn Ðộ là Hóa thân, khi duyên độ sanh đã mãn, ngài thị tịch và trở về pháp thân thường tịch thường chiếu, ấy là chỗ chung của chư Phật mười phương ba đời.

(Ðoạn văn trên đây ở trong các kinh chép lời Phật tự nói, sao lục lại muốn liên tục phù hợp, nên có thay đổi và thêm bớt ít chữ. Chỉ vài hàng trên lấy lời tựa kinh Hoa Nghiêm là dùng kinh này để hiển bày ý Phật, không phải lời Phật nói).

Những đoạn văn nói về bản ý của Phật trên đây, ngài Khuê Phong trích trong ba bộ kinh Pháp Hoa, Niết Bàn và Hoa nghiêm nói lại thành một đoạn văn dài, đọc cho dễ hiểu và biết được mục đích duy nhất của đức Phật ra đời. Do đó ngài có thêm bớt và sửa đổi một vài chữ cho mạch văn liên tục.

– Xin đem bản ý Phật tự nói này phán định ba thứ giáo và tông ở trước. Ðâu thể nói quyền thật một loại. Ðâu thể nói trước sau là hai pháp. Thiền tông so với kinh điển, ai bảo là chẳng đúng, thầm muốn hòa hội dứt nghi. Nếu cứ chấp nê thì tôi không thể nói lại được.

Ngài lập lại các ý trước để so sánh Thiền tông và kinh điển có ba chỗ hòa hợp.

– Nhưng ở trên đã dẫn, Phật tự bảo: “Ta thấy chúng sanh đều thành Chánh giác”. Lại nói: “Căn độn si mù”. Lời nói in tuồng trái nhau, tôi muốn giải thích ngay trong đó, sợ e lẫn lộn với Phật, câu văn xen lộn. Nay ở sau đây mới hoàn toàn y cứ Thượng đại Tổ sư Bồ Tát Mã Minh nói đủ chúng sanh một tâm mê ngộ gốc ngọn trước sau đều hiện rõ. Tự nhiên thấy tức Phật là chúng sanh lăn lộn trong sanh tử, tức chúng sanh là Phật lặng lẽ trong Niết Bàn; tức đốn ngộ là tập khí niệm niệm lăng xăng, tức tập khí là đốn ngộ tâm tâm tịch chiếu, chính chỗ nói trái nhau của Phật, tự thấy không trái vậy.

Ðoạn văn trước có hai câu dường như mâu thuẫn: “Ta thấy chúng sanh đều thành chánh giác” và “Căn độn si mù”, lẽ ra ngài Khuê Phong giải thích ngay, nhưng sợ lẫn lộn với lời Phật nói, nên đoạn này ngài dẫn chứng lời của Bồ tát Mã Minh để giải thích: đứng về mặt thể thì “tức Phật là chúng sanh lăn lộn trong sanh tử”. Bởi vì chúng sanh ai cũng có Phật tánh, nhưng vì vọng tưởng che lấp mê mờ bị nghiệp lôi kéo Phật tánh đi trong sanh tử. Về mặt dụng thì Phật cũng là một chúng sanh như chúng ta, nhưng ngài dẹp hết vọng tưởng chấp trước nên ngài được Niết bàn. “Tức đốn ngộ là tập khí niệm niệm lăng xăng”, nghĩa là khi đốn ngộ tự tâm mà tập khí vẫn còn. “Tức tập khí là đốn ngộ tâm tâm tịch chiếu”, nghĩa là khi dẹp hết vọng tưởng thì tâm lặng lẽ mà thường chiếu soi. Khi nhìn trên bản thể thì Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”. Ðứng về mặt dụng Phật nói: “Chúng sanh căn độn si mù” do đó chúng ta thấy không trái nhau vậy.

– Bởi vì phàm phu trong lục đạo, Hiền thánh nơi tam thừa căn bản thảy là linh minh thanh tịnh, nhất pháp giới tâm, tánh giác bảo quan mỗi mỗi đều viên mãn. Vốn chẳng gọi chư Phật, cũng chẳng gọi chúng sanh, chỉ do tâm linh diệu này tự tại không giữ tự tánh, nên tùy duyên mê ngộ, tạo nghiệp thọ báo bèn gọi là chúng sanh; tu thánh đạo chứng chơn như bèn gọi là chư Phật.

Chư Phật, hiền thánh và chúng sanh đều có tánh giác. Nhưng, quên tánh giác mê vọng tạo nghiệp nên làm chúng sanh. Nếu y theo thánh đạo tu hành sống với tánh giác thì làm Phật. Vậy, chỉ đổi quên thành nhớ là từ phàm phu trở thành thánh giả. Vì gốc của phàm phu sanh tử là vô minh, hết vô minh thì giác ngộ thành Phật. Tuy chúng ta còn nhiều mê lầm, nhưng cũng có niềm vui là chắc chắn mình sẽ thành Phật. Vì Phật đã chỉ rõ nhân thành Phật nếu chúng ta tiến tu thì không còn mặc cảm là mình vô phần.

– Lại, tùy duyên mà không mất tự tánh, nên thường không hư vọng, thường không biến đổi, không thể phá hoại, chỉ là nhất tâm, bèn gọi là chơn như. Nhất tâm này thường đủ hai môn <“Chơn như, Sanh diệt” chưa từng tạm thiếu, nhưng trong môn tùy duyên phàm thánh không nhất định. Nghĩa là xưa nay chưa từng giác ngộ, nên nói phiền não vô thủy. Nếu ngộ tu chứng thì phiền não dứt hết nên gọi phiền não hữu chung. Song, thật không riêng thủy giác cũng không bất giác, rốt ráo bình đẳng. Cho nên nhất tâm này sẵn có hai nghĩa chơn và vọng, hai nghĩa mỗi cái lại có hai nghĩa nữa, vì thế thường đủ hai môn chơn như và sanh diệt.

Tùy duyên mà bất biến, nên gọi là không mất tự tánh, vì tự tánh không biến đổi, không cái gì phá hoại được nên còn gọi là nhất tâm. Nhất tâm có đủ hai môn: chơn như và sanh diệt. Chơn như thì bất biến, sanh diệt thì tùy duyên thành phàm thánh không nhất định. Nghĩa là từ xưa do quên tánh giác phiền não nổi lên, nên nói phiền não vô thủy. Hiện tại chúng ta nhận ra tánh giác y nơi đó khởi tu thì chắc chắn phiền não sẽ hết, nên nói phiền não hữu chung.

– Mỗi cái có hai nghĩa, “Chơn” có hai nghĩa bất biến và tùy duyên. “Vọng” có hai nghĩa thể không và thành sự. Nghĩa là do Chơn bất biến nên Vọng thể không là môn chơn như; do Chơn tùy duyên nên Vọng thành sự là môn sanh diệt. Bởi sanh diệt tức chơn như nên các kinh nói: “Không Phật, không chúng sanh, xưa nay tướng Niết bàn thường tịch diệt”. Lại do chơn như tức sanh diệt nên kinh nói: “Pháp thân trôi lăn trong năm đường gọi là chúng sanh”.

Ví dụ hiện tại quý vị tỉnh táo là đang sống với chơn như, nhưng một lát ra đường gặp việc không vừa lòng, nổi sân la lối là vọng. Cái vọng thể nó không, do cái chơn tùy duyên nên vọng mới thành sự.

Sanh diệt là tướng, chơn như là thể, ngay nơi tướng thấy được thể nên nói: “Không Phật, không chúng sanh, xưa nay tướng Niết bàn tường tịch diệt”. Lại do chơn như tùy duyên nên nói: “Pháp thân trôi lăn trong năm đường gọi là chúng sanh”. Căn cứ trên hình tướng sai biệt mà nói, chứ pháp thân không biến dịch đổi thay. Tu là dẹp hết vọng niệm, diệt mê lầm, sống với cái tỉnh giác hằng có nơi mình, tức là sống với ông Phật của chính mình; nếu mê lầm mãi thì Phật ấy ẩn đi. Vậy chúng ta có nên vào rừng, lên non để tìm Phật không? Càng tìm càng xa, chỉ một phen tỉnh giác quay đầu là ông Phật hiện tiền.

– Ðã biết mê ngộ phàm thánh ở trong môn sanh diệt. Nay ở trong môn này bày đủ hai tướng phàm, thánh, chơn vọng hòa hiệp không phải một, không phải khác, gọi là thức A Lại Da. Thức này tại phàm xưa nay thường có hai nghĩa: giác và bất giác. Giác là gốc của Hiền thánh trong tam thừa. Bất giác là gốc của phàm phu trong lục đạo. Nay chỉ bày phàm phu gốc ngọn tổng hợp có mười lớp:

Luận Ðại thừa Khởi Tín nói: mê ngộ, phàm thánh đều ở trong môn sanh diệt. Duy Thức học thì A Lại Da thức chứa cả chủng tử nhiễm và tịnh gồm có chơn và vọng, nên A Lại Da thức còn gọi là Hàm Tàng thức. Thức này có hai nghĩa: giác gốc của hiền thánh, bất giác gốc của phàm phu. Ngài nêu lên mười lớp gốc ngọn của phàm phu.

1.- Tất cả chúng sanh thảy đều có chơn tâm bản giác.

Thừa nhận mỗi người đều có chơn tâm bản giác.

2.- Chưa gặp thiện hữu chỉ bày, xưa nay sẵn có bất giác.

Mọi người đều có chơn tâm bản giác, nhưng chưa gặp Phật hay thiện tri thức chỉ nên không biết, sống với cái bất giác (mê muội).

3.- Bất giác nên sẵn có niệm khởi.

Do mê muội nên vọng niệm dấy khởi phân biệt theo tình chấp đối đãi.

4.- Niệm khởi nên có tướng hay thấy.

Vì niệm khởi nên có tướng hay thấy gọi là năng.

5.- Do có thấy nên căn thân thế giới vọng hiện.

Có tướng hay thấy là năng, có tướng bị thấy là cảnh (sở). Tướng hay thấy là chủ thể, tướng bị thấy là khách thể. Nên năng, sở, chủ, khách phân chia vọng động.

6.- Không biết những tướng này từ niệm của mình sinh khởi, chấp là thật có, gọi là chấp pháp.

Cảnh do tâm mà có, nhưng không biết bèn cho là thật có, nên gọi là chấp pháp.

7.- Bởi chấp pháp thật nên thấy mình, người sai khác, gọi là chấp ngã.

Vì chấp pháp thật nên có pháp ngã.

8.- Chấp thân tứ đại này là thân ta nên sẵn có tham ái, khi gặp cảnh hợp tình muốn lấy tô đắp cho ngã, khi gặp cảnh trái ý, lo sợ làm tổn hại ngã nên giận hờn, tình chấp ngu si, so tính các thứ.

Tới giai đoạn thứ tám là giai đoạn tạo nghiệp.

9.- Do đây nên tạo các nghiệp thiện ác…

Bởi chấp thân tứ đại thật là mình, nên vì nó mà tạo tất cả nghiệp thiện, ác.

10.- Nghiệp thành thì khó trốn, như bóng theo hình, vang theo tiếng, nên chịu tướng khổ vui do nghiệp dẫn trong lục đạo.

Khi nghiệp thành thì thọ quả báo khổ hay vui trong sáu nẻo, như bóng theo hình khó bề trốn tránh.

Gốc ngọn của phàm phu qua mười lớp trên đây, nguyên nhân chính khiến chúng sanh lưu chuyển trong sáu đường là mê tánh giác (bất giác).

– Mười lớp trên đây sanh khởi theo thứ bậc, huyết mạch liên tiếp, hành tướng rất rõ, chỉ nhằm lý quán tâm mà xét thì thấy được rõ ràng.

Dùng lý quán tâm tức là quán sát tướng trạng của tâm mình thì thấy nó vận hành rất rõ ràng.

– Kế, biện sau khi ngộ tu chứng lại có mười lớp, vì trái vọng tức chơn nên không có pháp riêng. Song, mê ngộ nghĩa khác, thuận nghịch thứ lớp sai thù. Trước là mê chơn theo vọng, từ vi tế thứ lớp sanh khởi lần lượt đến thô. Sau ngộ vọng về chơn, từ lớp thô ngược thứ bậc đoạn trừ lần luợt đến tế. Do trí hay lật lại từ cạn đến sâu, chướng thô dễ dẹp thì dùng trí cạn hay trừ; hoặc tế khó trừ thì dùng trí sâu mới đoạn được. Cho nên mười lớp sau là từ ngọn phăng ngược lại, lật ngược để phá mười lớp trước, chỉ lớp một ở sau và lớp hai ở trước có chút ít sai khác.

Khi mê thì mê từ tế lần đến thô, khi ngộ thì từ thô lần đến tế. Nhưng chướng thô thì dễ dẹp mà hoặc tế thì khó trừ. Ví dụ: bịnh sân, với người chưa tu, khi nghe nói một câu trái tai liền nổi sân, miệng la lối, tay chân cử động, đó là bịnh sân quá thô, lộ ra ngoài hành động. Với người biết tu, khi nghe nói trái tai thì rán nhẫn nhịn, tuy bịnh sân không lộ ra ngoài, nhưng trong lòng vẫn bực bội, và khi gặp người nói câu ấy trong lòng cũng không vui. Người biết tu bịnh sân tế hơn người không biết tu, tiến lên một nấc nữa là việc oan ức thì quán sát rằng việc đó là giả dối chợt khởi rồi chợt mất, không bận tâm. Tuy nghĩ như vậy, nhưng lát sau bản ngã trồi lên biện hộ: mình đối với người quá tử tế, người đối với mình quá ư tệ bạc. Tuy trong lòng không bực bội lắm, nhưng cũng phải dùng trí thật nhanh mới dẹp những vọng niệm lăng xăng ấy, tâm mới trở lại trạng thái bình thường an ổn. Chướng càng tế thì càng khó dẹp, phải dùng trí huệ mạnh mẽ mới dẹp được.

Sau đây, ngài nêu lên mười lớp khi ngộ từ thô trở về tế.

1.- Có chúng sanh gặp thiện tri thức chỉ bày bản giác chơn tâm, đời trước đã từng nghe, nay được giải ngộ, tứ đại không phải ngã, ngũ uẩn đều không, tin chơn như của mình và đức của Tam Bảo.

Có người gặp được thầy bạn tốt, chỉ cho họ nhận ra mình có bản giác chơn tâm, liền được giải ngộ, biết rõ thân tứ đại chẳng phải ngã, năm uẩn đều không tin chắc mình có chơn tâm và đầy đủ niềm tin đối với Tam Bảo, tâm không lui sụt.

2.- Phát bi, trí, nguyện, thệ chứng Bồ đề.

Biết chắc mình sẵn có chơn tâm, liền phát nguyện bi trí tu chứng đạo giác ngộ.

3.- Tùy phần tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và chỉ quán… để tăng trưởng gốc tin.

Ðây là áp dụng pháp tiệm tu, từ từ gốc tin càng ngày càng vững, càng sâu.

4.- Tâm đại Bồ đề từ đây hiển phát.

Do đó tâm Bồ đề càng ngày càng phát triển.

5.- Do biết tánh, tâm không keo xẻn.

Biết rõ tự tánh các pháp, tâm không lẫn tiếc, sẵn sàng làm lợi ích cho mọi người.

6.- Tùy thuận lực dụng tu hành sáu pháp Ba la mật, ngã, pháp cả hai đều mất, không mình, không người, không thường, không huyễn.

Ðồng thời áp dụng tu sáu pháp Ba la mật của Bồ tát, phá được ngã chấp và pháp chấp, luôn thấy tất cả đều như huyễn hóa.

7.- Ðối sắc (hình sắc) tự tại tất cả được dung thông.

Ðối với mọi hình sắc tướng mạo không dính mắc, nên đối với tất cả đều được dung thông tự tại.

8.- Ðối tâm tự tại không đâu chẳng chiếu.

Khi hết vọng tưởng, tâm được an nhiên tự tại, không có gì chướng ngại, tâm trùm klhắp tất cả chỗ.

9.- Phương tiện đầy đủ, một niệm tương ưng biết tâm mới khởi, tâm không có tướng mới, lìa niệm vi tế, tâm liền thường trụ, giác tột nguồn mê, gọi là giác cứu cánh.

Tất cả những niệm vi tế dấy khởi nơi tâm đều biết tường tận, do đó lìa được tất cả niệm vi tế, tâm thường trụ, ấy là giác tột nguồn mê hay còn gọi là giác cứu cánh.

10.- Tâm đã không niệm thì không có thủy giác (mới giác) riêng khác, xưa nay bình đẳng đồng một cái giác, thầm hợp với nguồn tâm căn bản thanh tịnh, ứng dụng như cát bụi, tột đời vị lai, thường trụ nơi pháp giới, có cảm liền thông gọi là Ðại giác tôn. Phật không có Phật khác, chỉ là Phật xưa, vì không có mới thành, thấy khắp tất cả chúng sanh đồng thành Ðẳng Chánh giác.

Lớp thứ mười nói hành giả tâm sạch hết vọng tưởng, thủy giác hợp cùng bản giác bình đẳng không hai. Mỗi chúng ta có sẵn tánh giác gọi là bản giác, nhưng vì quên, nhờ thiện hữu tri thức chỉ mới nhận ra nơi mình có tánh giác, khi nhận ra được mới gọi là thủy giác. Nhờ thủy giác chiếu soi, phá trừ vọng tưởng chấp trước trở về với bản giác. Nhưng khi đến chỗ cứu cánh thì niệm chiếu soi vi tế cũng phải buông luôn, để thủy giác hợp cùng bản giác không hai. Lúc đó gọi là thành Phật Ðại Giác Tôn, đầy đủ thần thông diệu dụng. Tạm nói thành Phật, thật ra là trở về với cái sẵn có nơi mỗi người, cho nên nói thành ông Phật xưa, chứ không có ông Phật mới thành. Ðó là mười lớp ngộ từ thô đến tế.

– Mê cùng ngộ mỗi thứ có mười lớp thuận nghịch ngược nhau, hành tướng rất rõ. Lớp thứ nhất sau đối với lớp thứ nhất và hai ở trước, lớp thứ mười sau hợp với lớp thứ nhất trước. Ngoài ra tám lớp sau thứ tự ngược lại để phá tám lớp trước. Phần trước ngộ bản giác của lớp thứ nhất là ngược lại bất giác thứ hai. Trước do bất giác trái với bản giác, chơn vọng ngược nhau nên khai thành hai lớp. Nay do ngộ nên thầm hợp, thầm hợp nên thuận nhau không có mới ngộ riêng, vì vậy hợp làm “một”. Nếu y cứ thứ lớp thuận nghịch thì “một” này lật ngược mười lớp trước.

Lớp thứ nhất sau nói mỗi người đều sẵn có chơn tâm bản giác, nhưng quên, nay nhờ thiện tri thức chỉ bày nên nhận ra gọi là giải ngộ… Lớp thứ nhất và lớp thứ hai trước nói: Tất cả chúng sanh đều có chơn tâm bản giác, chưa gặp thiện tri thức chỉ bày nên bất giác. Do đó nói lớp thứ nhất sau và lớp thứ hai trước đối nhau, tức là nghĩa ngược nhau. Lớp thứ mười sau nói tất cả chúng sanh đều chành chánh giác. Lớp thứ nhất trước nói tất cả chúng sanh đều có chơn tâm bản giác. Hai lớp này rất phù hợp nhau. Nếu y cứ thứ lớp thuận nghịch. Lớp thứ nhất sau lật ngược mười lớp trước, như lớp thứ nhất sau nói: “Khi chúng ta ngộ được chơn tâm thì biết thân mình không thật, thấy ngũ uẩn đều không, đó là phá được chấp ngã. Gốc của sự tu là phá ngã, có phá ngã mới hết mê lầm. Do đó nên nói nếu người đạt được mười lớp sau là phá được mười lớp mê lầm trước”.

– Trong môn đốn ngộ, lẽ phải trực nhận bản thể, lật ngược lại bản mê của lớp một và hai ở trước. Trong lớp hai sau, do sợ khổ sanh tử, phát ba tâm tự độ độ tha đối sanh tử trong lục đạo lớp mười trước. Lớp thứ ba sau, tu năm hạnh trái với tạo nghiệp thứ chín trước. Lớp thứ tư sau, ba tâm khai phát trái với tam độc thứ tám trước. Lớp thứ năm sau, chứng ngã không trái với chấp ngã thứ bảy trước. Lớp thứ sáu sau, chứng pháp không trái với chấp pháp thứ sáu trước. Lớp thứ bảy sau, sắc tự tại trái với cảnh giới thứ năm trước. Lớp thứ tám sau, tâm tự tại trái với hay thấy thứ tư trước. Lớp thứ chín sau, lìa niệm trái với niệm khởi thứ ba trước. Lớp thứ mười sau, thành Phật, Phật không có thể riêng, chỉ là thủy giác, trái với bất giác thứ hai trước, hợp với bản giác thứ nhất trước. Thủy giác, bản giác không hai, chỉ là chơn như hiển hiện, gọi là pháp giới thân đại giác, cùng mới ngộ không có hai thể. Thứ lớp thuận nghịch sai khác là do đây vậy.

Ðoạn này ngài tuần tự đối chiếu cho thấy mười lớp mê ngộ thuận nghịch nhau. Ðọc lại mười lớp mê trước và mười lớp ngộ sau thì hiểu không cần giảng.

– Một nhơn tức gồm biển quả. mười tức quả suốt nguồn nhơn. Kinh Niết bàn nói: “Phát tâm và cứu cánh hai thứ không khác”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Khi mới phát tâm được A Nậu Bồ Ðề”, chính là ý này vậy.

Lớp thứ nhất sau nói: “Ngộ được nơi mình có chơn như bản giác”, tức là nhận ra nhơn để thành quả Phật sau này, nên nói “Một nhơn gồm biển quả”. Khi thành Phật chỉ nhận ra cái sẵn có của mình gọi là “Quả suốt nguồn nhơn”.

– Nghiên cứu kỹ văn trước đối chiếu khám phá xem mình, người, hiền thánh là đồng hay khác, là chơn hay vọng, ta ở tại môn nào, Phật ở tại vị nào, là thể riêng biệt, là cùng đồng nguồn, liền tự nhiên không chấp nơi phàm phu, không tiếm lạm vị thánh, không mê đắm ái kiến, không suy nhượng Phật tâm.

Ðọc kỹ đoạn văn trước (mười lớp mê và mười lớp ngộ) rồi tự kiểm lại xem mình ở lớp nào, còn trong mười lớp mê hay qua mười lớp ngộ, đã nhận ra mình có chơn tâm bản giác hay đã phát bi, trí thệ chứng Bồ đề v.v… Tôi xin nhắc quý vị, tu là phải trung thực với chính mình, mình còn dỡ thì nhận dỡ để nỗ lực tiến tu, nếu biết mình có chút tiến bộ cũng phải nỗ lực tiến thêm nữa. Có tinh thần tự giác, chúng ta tu để tiến và khỏi rơi vào hai cái bịnh tự khinh và khẩu đầu thiền. Người tự khinh thì chấp mình là phàm phu thì kiếp kiếp làm phàm phu, thánh đạo không có phần. Người mắc bịnh khẩu đầu thiền thì ngoài miệng nói giọng thánh mà tự thân tâm còn nhiều tham sân phiền não phàm phu như mọi người.

– Nhưng, mười lớp trước là trong tạng kinh để đối trị bịnh phiền não trong pháp thân và nguyên do sanh khởi, dần dần tăng thêm cho đến trạng thái thô dụng.

Mười lớp trước trong kinh là để đối trị phiền não trong pháp thân. Pháp thân là chỉ cho bản giác, do mê bản giác nên khởi ra phiền não từ tế đến thô, cho đến giai đoạn thô tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử.

– Mười lớp sau là pháp thân, tin thầy uống thuốc, ra mồ hôi bịnh lành, dùng thuốc trị đúng bịnh dần dần thuyên giảm cho đến trạng thái bình phục. Như có người thân thể lành lặn, tài giỏi, chợt mắc bịnh, dần dần gia tăng cho đến gần tắt thở, chỉ tim, đầu còn ấm; bỗng gặp thầy thuốc hay, biết bịnh kia có thể cứu, gắn đổ thần dược, kia liền tỉnh lại, lúc đầu chưa nói năng, đến nói năng được, dần dần bước đi cho đến bình phục, những tài nghệ đã biết đều đem thi thố. Dùng pháp mỗi mỗi đối hợp thì có nghi nào chẳng hết. Thế là, biết tất cả chúng sanh không thể có tác dụng thần biến, chỉ do bịnh mê lầm của nghiệp thức trói cột, không phải pháp thân của ta không đủ diệu đức. Có người ngu hỏi rằng: “Ông đã đốn ngộ tức là Phật, tại sao không phóng quang?”. Hỏi thế, có khác gì bảo người bịnh chưa bình phục thi thố những tài năng của mình. Song, thế y cho thuốc trước phải bắt mạch, nếu không nhận bịnh trạng nặng nhẹ thì đâu rành bài thuốc nào đúng, nếu không nhằm giảm bớt ít nhiều thì đâu luận được pháp tắc bịnh lý. Pháp ý cũng vậy.

Mười lớp sau chỉ cho người ngộ được pháp thân, rồi tuần tự tiến tu cho đến khi viên mãn thành Phật. Cũng như người bịnh nặng tin thầy thuốc, dùng thuốc trúng bịnh, dần dần bịnh thuyên giảm, cho đến trạng thái bình phục. Ví dụ: có người võ sĩ, võ nghệ cao cường. Một hôm bị bịnh trầm trọng, gần tắt thở, chỉ còn hơi ấm ở ngực và đầu. Bỗng gặp thầy thuốc hay, xem mạch cho uống thuốc. Thuốc thấm dần bịnh thuyên giảm, người ấy cử động tay chân, rồi ăn uống cho đến lành mạnh. Khi bình phục hẳn, ông liền biểu diễn những võ nghệ mà ông đã biết. Trong lúc mới bớt bịnh, không thể biểu diễn tài nghệ được vì chưa đủ sức khỏe. Cũng vậy, mỗi người chúng ta đều có tánh giác, vì quên nên phiền não dấy khởi, tạo nghiệp thọ khổ sanh tử luân hồi trong sáu đường. Bây giờ nhơn nơi kinh điển Phật dạy, nhơn nơi thầy bạn nhắc nhở chúng ta tỉnh giác và cải sửa tất cả những hành vi mê lầm, từ từ chuyển mê thành giác. Mới vừa tỉnh giác, vừa biết pháp tu thì không thể phóng quang hiện thần thông như Phật được. Hiểu được ý này, quý vị sẽ an ổn trong khi tiến tu, không cầu mong mình tu cho mau đắc quả hoặc có thần thông diệu dụng… Vì có lắm người trong khi tu, cứ mong thấy những tướng lạ, hoặc biết quá khứ, vị lai… Họ không biết rằng mình là kẻ bịnh nặng, khi thực hành pháp tu của Phật dạy giống như người bịnh dùng thuốc, họ không mong dẹp hết bịnh phiền não, nghiệp chướng, cứ mong thấy những tướng lạ linh nghiệm. Tu như thế bịnh càng tăng, vì còn mong ước là còn tham, là còn tạo nghiệp sanh tử luân hồi. Hơn nữa, tu như thế e lạc vào đường tà! Vì vậy, tôi thường nhắc nhở Tăng Ni và Phật tử trong khi tu đừng ham có thần thông, tướng lạ, mà cốt dẹp cho hết phiền não. Phiền não sạch thì từ nơi tâm thanh tịnh sẽ lưu xuất ra muôn ngàn diệu dụng.

Hiện giờ Phật tử có bịnh là nghe người quảng cáo tu ba tháng, bảy tháng xuất hồn ngao du các thế giới, gặp Phật Bồ tát giáo hóa, tu như vậy mau và dễ quá, ham lắm. Tuy nhiên chúng phải xét cho thật kỹ, khi người chưa hết phiền não, dù có ngao du ở đâu rồi cũng phải trở lại cõi trần gian này để thọ báo đau khổ như thường. Còn một điều lầm lẫn của Phật tử nữa là nghe nói chỗ này có Phật hiện, chỗ kia Phật ra đời là tin ngay. Quý vị không rõ trong kinh Phật đã dạy rõ ràng: Mỗi vị Phật ra đời giáo hóa có ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Khi nào ở thế gian không còn tượng Phật, không còn pháp Phật (kinh, luật, luận), không còn hình bóng Tăng Ni thì giáo pháp của đức Phật trước diệt mất và đức Phật sau sẽ ra đời. Chư Phật không có làm việc trùng nhau, tức là không có vị này ra đời truyền bá giáo pháp trong khi đức Phật trước còn để lại giáo lý. Hiện tại Phật giáo đang truyền bá khắp thế giới, Tam tạng kinh điển còn đó, tượng Phật Thích Ca còn thờ trong các chùa chiền, Tăng Ni còn đang tu theo chánh pháp, thì Phật tử nên nương theo giáo pháp của đức Phật mà nỗ lực tiến tu. Chưa có một vị Phật nào ra đời khi giáo pháp của Phật Thích Ca còn lưu hành ở thế gian. Nếu có thì chỉ có Bồ Tát hoặc La Hán thị hiện làm lợi ích cho chúng sanh, nhưng các ngài không bao giờ tự xưng mình là Bồ tát, La Hán. Nếu các ngài tự xưng mình là Thánh thì không phù hợp với chánh pháp và quý vị không nên tin theo.

– Vì vậy, nay thuật đủ mê ngộ mỗi cái gốc ngọn có mười lớp, đem chỗ sâu cạn của kinh luận trước chung lại làm ba thứ, đối chiếu nhau như chỉ vật trong bàn tay. Khuyên các học giả khéo tự an tâm tu hành, mặc dù theo hiểu một môn, cần phải thông đạt không ngại.

Ngài khuyên người sau, khi thấu suốt ba tông không trái nhau, mười lớp mê, mười lớp ngộ rõ ràng, nên an tâm tu hành. Trong ba tông, ba giáo, tu theo tông nào, giáo nào cũng được nhưng phải thông suốt đừng để cho mắc kẹt.

– Lại không nên nghĩ theo thiên cuộc kia e phải mênh mang không chỗ trở về. Cần phải xét thấu đáy nguồn, nghĩa là phân biệt đậu, bắp ắt khiến trong đồng thấy dị, chỗ dị mà đồng. Ảnh tượng trong gương sai khác trăm ngàn, chớ chấp đẹp xấu. Một tấm gương sáng đâu kỵ sắc xanh, vàng. Ngàn món đồ một chất vàng đều không cách trở. Một hạt châu ngàn thứ bóng vẫn không lẫn lộn. Lập chí vận tâm đồng với hư không, ngừa lỗi xét niệm trong khoảng trước mắt. Thấy sắc, nghe tiếng tự nghĩ như bóng như vang chăng? Ðộng thân khởi ý, tự xét là Phật pháp chăng? Thức ăn ngon dỡ, tự tưởng không ưa chán chăng? Mát mẻ, lạnh nóng tự xem khỏi tránh tìm chăng? Cho đến lợi, suy, hủy, nhục, đề cao, khen, chê, khổ vui mỗi mỗi biết rõ tự phản chiếu được tình ý như một chăng? Nếu hẳn tự xét chưa được như vậy, tức là thấy sắc chưa như bóng, nghe tiếng chưa như âm vang vậy.

Ngài dạy không nên cố chấp theo chỗ thấy riêng tư mà không nhận ra yếu chỉ của sự tu hành. Phải xét cho tột nguồn cội để thấy rõ lời Phật dạy, chỗ nào là đồng, chỗ nào là dị, trong cái đồng có dị, trong cái có đồng. Như ảnh trong gương có trăm ngàn thứ sai biệt, nhưng biết rõ nó là bóng không thật thì không thấy bóng đẹp bóng xấu.

Ngài lại khuyên chúng ta phải lập chí cho vững kiên cố như hư không vì hư không chẳng có gì phá hoại được. Người lập chí vững chắc thì trên đường tu không thối chuyển, trong bốn oai nghi thường kiểm soát tâm mình thật kỹ, niệm dấy lên liền biết không theo, ấy là ngừa lỗi xét niệm trong khoảng trước mắt. Và tự xét mình, thấy sắc như thấy bóng, nghe tiếng như nghe âm vang trong hư không chăng? Thân làm, miệng nói, ý suy nghĩ của mình có hợp với Phật pháp chăng? Gặp thức ăn ngon có thấy thích khẩu, gặp thức ăn dỡ, lòng không vui chăng? Có gan dạ chịu đựng lạnh nóng, muỗi mòng, gió nắng chăng? Có cố tìm chỗ mát mẻ ấm cúng chăng? Cho đến tám gió thổi chẳng động chăng? Tám gió là:

1.- Khi có nhiều tiền của, hoặc do mình làm ra, hoặc được biếu tặng tâm có vui mừng chăng?

2.- Ðang có tiền của mà làm ăn lỗ lã, hay bị trộm cướp, vua quan đoạt, hoặc oan gia phá tán tâm có buồn chăng?

3.- Người vô cớ làm nhục, tâm có buồn tức chăng?

4.- Ðược danh tiếng tốt đồn khắp gần xa có thấy hài lòng chăng?

5.- Ðược khen tâm có vui chăng?

6.- Bị chê trước mặt hay sau lưng, lòng có buồn chăng?

7.- Gặp cảnh khổ thiếu ăn thiếu mặc, nhà cửa hư hoại có thấy nao lòng chăng?

8.- Gặp cảnh thật vui, thật sung sướng, lòng có tham đắm chăng?

Kiểm lại khi nào tám gió ấy thổi đến mà tâm chúng ta như như bất động, đó là đạt đạo. Người tu theo Phật, không cần phép mầu cao siêu huyền bí, chỉ cần tám gió thổi không động (bát phong xuy bất động) là đã đắc đạo. Quý vị phải tự xét mình cho thật kỹ, nếu chưa được như vậy thì nỗ lực tiến tu, chớ có lơ là ngày qua ngày, mất đi sự lợi ích của chính mình.

– Dù thật đốn ngộ, trọn phải tiệm tu, chớ để như người nghèo trọn ngày đếm của báu cho người khác, chính mình không được nửa tiền. Lục tổ đại sư nói: “Phật nói tất cả pháp, vì độ tất cả tâm; ta không có tất cả tâm thì đâu cần tất cả pháp”.

Ngườicó thiện chí tu học phải lưu ý: nghiên cứu kinh luận nhiều, kiến giải Phật pháp sâu rộng, và cũng biết mình có chơn tâm bản giác, nhưng không chịu tu tập, gạn lọc phiền não cho sạch. Mở miệng thì nói đạo lý rất hay, rất phù hợp với kinh điển, nhưng tự thân tâm còn đầy ấp tham, sân, si, chẳng khác nào nhân viên ngân hàng trọn ngày đếm tiền cho người mà trong túi không có đồng xu. Cũng vậy, chúng ta học đạo mà không chịu áp dụng sở học để tu hành, cứ lý thuyết thao thao bất tuyệt, dù suốt kiếp vẫn không lợi ích. Lục Tổ nói: Ðức Phật nói pháp nhiều vô lượng là vì độ tất cả tâm phiền não của chúng sanh, còn ngài không có tâm phiền não nên không cần tất cả pháp. Sở dĩ ngài nói như vậy là vì ngài đã sạch phiền não nên không cần pháp, như người hết bịnh không cần thuốc.

– Người thời nay chỉ đem lời nói này mà khinh học kinh điển, sao không tự xem mình không tâm chăng? Nếu không tâm thì bát phong (tám thứ gió: Lợi, suy… ở trên) thổi không động.

Nhiều người nghe Lục Tổ nói: “Ta không tất cả tâm thì đâu cần tất cả pháp”, liền dẫn chứng câu nói ấy và xem thường sự học (kinh, luật, luận). Nhưng xét lại mình đã không tâm phiền não chưa? Nếu còn nhiều tâm phiền não thì phải ráng học và nhớ học kỹ để áp dụng tu hành thì không có lỗi. Nếu Không tâm thì tám gió thổi không động, an nhiên. Như Lục Tổ, khi vua Ðường sai sứ đến thỉnh ngài về kinh, ngài cáo bịnh từ chối không đi. Lần thứ hai vua bảo sứ: “Nếu ngài không đi thì đọc chiếu chỉ ra lệnh lấy thủ cấp đem về”. Sứ thần y lệnh vua đọc chiếu xong, ngài ngửa cổ bảo: Cắt đầu đi”. Ngài nói được, làm được, người sau nói thì giỏi mà chẳng hay vì chưa được Không tâm như ngài.

– Giả sử tập khí chưa hết, khi niệm sân thầm thầm khởi thì không có tâm đánh đập, chửi mắng, giết hại; khi niệm tham thầm thầm khởi thì không có tâm kinh doanh mong cầu muốn mình được; khi thấy người khác được vinh thạnh thì không có tâm tật đố mong hơn họ; trong tất cả thời đối với thân mình không có tâm lo đói lạnh, không có tâm sợ người khinh chê, nếu như vậy… cũng được gọi là không tất cả tâm; đây gọi là tu đạo. Nếu được đối với cảnh trái thuận, trong không tham, sân, yêu, ghét, đây gọi là đắc đạo. Mỗi mỗi nên phản chiếu có bịnh liền trị, không bịnh chớ dùng thuốc.

Người tập khí chưa hết thì vẫn còn niệm tham, sân, si nhưng không thô lắm, thầm thầm bên trong chớ không lộ ra việc làm, lời nói, ấy cũng gọi tạm là không tất cả tâm. Nhưng không tâm trên phương tiện tu đạo, chớ không phải trên phương tiện chứng đạo. Người nào đối với tất cả cảnh thuận nghịch mà không khởi tâm tham, sân, yêu, ghét ấy gọi là người đắc đạo. Chúng ta nên tự xét cho thật kỹ, nếu thấy mình còn bịnh thì dùng thuốc để trị, nếu hết bịnh thì thuốc cũng không cần.

– HỎI: Tham, sân… tức “không” bèn gọi là không tất cả, cần gì phải đối trị?

– ÐÁP: Nếu vậy, ông nay chợt mắc bịnh nặng đau đớn, đau đớn tức “Không” bèn gọi là không bịnh, cần gì phải uống thuốc? Nên biết tham sân…”Không” mà hay phát nghiệp, nghiệp cũng “Không” mà hay chiêu khổ, khổ cũng “Không” thì cái gì đau đớn khó chịu? Cho nên trước nói “Thể không thành sự” Nếu cho nghiệp tức không, không thì cái gì tạo nghiệp? Tức phải biết sự thiêu đốt khổ sở trong địa ngục cũng không, không thì cái gì đau đớn? Nếu bảo mặc tình đau đớn, thì hiện nay giả sử có người lấy lửa đốt, dao chặt, sao ông không để mặc tình? Nay xem người học đạo nghe một câu trái ý vẫn không thể chịu được, huống là mặc tình đốt chặt.

Có người hỏi:

– Nếu tham, sân tánh là không tức là không tất cả tâm, đâu cần phải đối trị?

Ngài đáp:

– Giả sử như ông mắc bịnh nặng đau đớn, cái đau đớn tánh là không, gọi là không bịnh đâu cần uống thuốc.

Theo tinh thần Bát nhã, Phật dạy các pháp tự tánh là không, do duyên hợp giả có hình tướng. Tham, sân… tánh là không, nhưng khi duyên hợp thì liền thành nghiệp nên nói “thể không mà thành sự”. Ví dụ tự tánh tham là không, nhưng khi mắt thấy cái đồng hồ đắt giá niệm tham khởi lên, không dừng được, khiến tay lấy cắp không đợi người cho, ấy là đã tạo nghiệp ăn trộm. Khi nghiệp thành tức là chịu quả khổ, bị người bắt bớ đánh đập v.v… Nghiệp tánh không, nghĩa là tánh nó không cố định, có thể chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện v.v… Nhưng khi đã tạo nghiệp xấu rồi phải chịu quả báo xấu. Khi ngộ được lý không của các pháp thì phải hằng dùng trí huệ quán chiếu, để xúc duyên đối cảnh không bị duyên cảnh làm phiền lụy. Nếu ngộ lý mà không dùng trí huệ quán chiếu thường xuyên thì gặp cảnh liền sanh tâm tham, sân, si v.v… Và phiền não dấy khởi, không thể nào “Không” được. Cho nên ngài mới than:

– Người học đạo đời nay, nghe một câu trái tai không chịu được, huống là dao chặt, lửa đốt…

Ngài khuyên nếu chưa thấy các pháp không thật, thì chúng ta phải cố gắng chuyển nghiệp, nếu không chuyển để nghiệp thành thì quả báo khó trốn. Biết thì phải biết cho rõ ràng, đừng nghe nói không rồi lầm chấp không, chẳng chịu bỏ ác tùng thiện, mặc tình tạo nghiệp xấu thì quả khổ không sao tránh khỏi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.