Nguồn Thiền Giảng Giải

Thay Lời Kết



– HỎI: Từ trước đến đây trình bày ba thứ giáo, ba tông Thiền, mười nguyên do, mười luân hồi sai khác và tu chứng, lại mỗi thứ có mười lớp, lý đã cùng tột, sự đã đầy đủ, nghiên cứu tường tận đủ để tu tâm, đâu cần phải đọc tụng kinh và tập kệ các thiền gia hơn trăm quyển?

– ÐÁP: Chúng sanh bịnh mê lầm mỗi mỗi không đồng, số bằng cát bụi, đâu chỉ tám muôn phương tiện của chư Thánh, mà có vô lượng môn, một tâm mà tánh tướng có vô lượng nghĩa. Từ trước lại đây nói ra chỉ nêu cương yếu, tuy chung lại không ngoài đã trình bày, mà dùng có thiên biến vạn nghệ. Huống là, tiên triết hậu tuấn mỗi vị đều có sở trường; Thánh xưa, Hiền nay mỗi vị đều có đặc biệt khác. Cho nên chép ghi kệ các thiền gia, có chỗ không hợp cũng không dám sửa đổi, chỉ có thiếu sót ý nghĩa thì chú thích cho đầy đủ, văn tự trùng lập chú cho rành rõ. Nhưng ở đoạn đầu của mỗi nhà, chú bình đại ý, nắm giềng ý mới banh lưới, không thể bỏ lưới còn giềng, nắm bâu y mới mặc áo, không thể bỏ áo lấy bâu. Nếu chỉ biên tập mà không lời tựa như có lưới không giềng, nếu chỉ lời tựa mà không biên tập như có giềng mà không lưới. Nên suy nghĩ kỹ, khỏi phiền vấn nạn.

Nhưng, bọn khắc kỷ độc thiện không ắt tìm khắp, nếu muốn vì người làm thầy chỉ cần thông suốt gốc ngọn. Kẻ hiếu học khi dở xem ắt cần mỗi mỗi rành rõ ấy là nghĩa của tông nào, giáo nào? Dùng nó không lầm đều thành diệu dược, dùng nó sai lạc đều thành phản ác. Song, thứ lớp kiết tập không dễ gì sắp đặt, cứ theo phương tiện vào đạo tức hợp. Trước mở bày bổn tâm, kế thông lý sự, khen pháp thắng diệu, quở lỗi lầm thế gian, kế khuyên răn tu tập, sau chỉ bày phương tiện tiến dần vào cửa. Nay muốn y theo đó để biên tập, bèn thấy thầy trò chiêu mục (ngôi thờ trong Thái miếu) điên đảo, văn không ổn tiện. Vả như sau sáu đời, phần nhiều nói nhất chơn. Ðạt Ma đại sư lại dạy bốn hạnh; không thể cháu để ở trước, Tổ để rốt sau. Trong mấy ngày suy nghĩ việc này, muốn đem ngoài tông chỉ Ðạt Ma lại trước, lại do các nhà kia dạy thiền, nói lý không thể làm thầy đời đời, chỉ là đạo thường phổ thông, hoặc nhơn kia công tu luyện đến chứng đắc nên lấy đó dạy người (Ngài Cầu Na…), hoặc nhơn đọc thánh giáo sanh hiểu biết liền dùng đó nhiếp chúng (như ngài Huệ Văn…), hoặc hóa hiện một thời để đánh thức quần mê (như Hòa thượng Chí Công…), hoặc chí tiết thanh cao giữ pháp làm mô phạm cho Tăng lữ trong nước (như Huệ Viễn…), hoặc ca ngâm chí đạo, hoặc kêu than kẻ phàm mê, hoặc chỉ giải thích nghĩa, hoặc chỉ khuyên tu hành, hoặc bao trùm các giáo mà không chỉ nam, hoặc riêng khen một môn, sự không thông suốt, tuy đều ảnh hưởng trong Thiền môn, tiếng sáo êm đềm của Phật pháp. Nếu trước sau y đó làm pháp của Phật Thích Ca thì chưa có thể được.

Dùng tâm truyền nối chỉ có tông Ðạt Ma. Tâm là nguồn pháp, pháp nào chẳng đủ. Chuyên tu hạnh Thiền in tuồng cuộc một môn, tông truyền tâm thật là thông cả tam học. Huống lại, phăng tận gốc (Tổ Ca Diếp, A Nan) là bẩm thụ đức Thích Ca, đời đời truyền nhau mỗi mỗi đích thân lãnh thọ hai mươi bảy đời đến thầy tôi.

Nay biên tập theo thứ lớp, trước chép một tông Tổ Ðạt Ma, kế biên lời thuật các thiền gia, sau viết Thánh giáo ấn định một tông. Thánh giáo để sau, như thế gian trong tòa án trước các luật sư cãi lẽ, sau cùng chánh án phán định. Trong tông chính này do sự tôn ti trật tự lần lượt làm thứ lớp, trong đó đốn tiệm lẫn nhau, lý sự chen nhau, thay nhau để mở trói, tự nhiên tâm không có chỗ trụ. Ðạo ngộ tu đã đủ, giải hạnh nơi đây viên thông. Kế nhìn quanh các nhà để chỗ thấy nghe được rộng. Sau rồi, kính đọc Thánh giáo (kinh) để ấn định trước sau. Ðâu chẳng nhơn đây chánh pháp còn lâu dài.

Ðoạn này ngài tóm tắt hết ý nghĩa của bộ THIỀN NGUYÊN CHƯ THUYÊN TẬP. Bộ sách này đã bị thất lạc, chúng tôi không được đọc bộ sách ấy nên không giải thích đoạn này.

– Chí tuy không mong cầu, nhưng tâm hộ pháp lý thần không thể quên tôi. Công nối tiếp của tôi, Tổ trước không thể bỏ. Người hậu học không nên phụ tôi. Nếu không phụ, không quên, không bỏ thì nguyện cùng những người đồng duyên chóng hợp nơi hội chư Phật.

Ðoạn kết: Ngài làm ra bộ sách một trăm quyển, ý không mong cầu điều gì. Chỉ mong chánh pháp được truyền bá lâu dài, mong cho người học đạo biết được ngọn nguồn của Phật pháp. Với tâm nguyện ấy chắc Hộ pháp không quên ngài. Ngài ghi ngữ lục các thiền gia rành rẽ, ấy là công nối tiếp Phật pháp của ngài. Chư Tổ trước không thể bỏ ngài. Người hậu học là chúng ta, hiện giờ được học luận này biết rõ gốc ngọn của sự tu, xả bỏ những kiến chấp mê lầm từ lâu, thực hành đúng chánh pháp của Phật cho đến ngày viên mãn đạo quả Vô Thượng Bồ Ðề, ấy là chúng ta không phụ ơn ngài, và chúng ta sẽ cùng ngài gặp nhau nơi hội chư Phật.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.