Muôn Kiếp Nhân Sinh

Tập 3 Phần Kết Tôi Và Thomas Tất Cả Chúng Ta Đều Gặp Lại Nhau



Sau nhiều tháng trời đi lại giữa Pennsylvania và New York, đôi khi cũng có ghé qua Colorado, phần ghi chép của tôi về câu chuyện của Thomas có thể coi là tạm hoàn tất. Trong suốt quá trình đó, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện sâu sắc về xã hội, con người và thế giới trong thời cuộc nhiều biến động. Tình bạn giữa chúng tôi cũng từ đó đã sâu sắc và bền chặt hơn. Tôi coi cơ duyên được quen biết và trò chuyện cùng Thomas là vô cùng quý giá, bởi con người khoa học của tôi đã từng bước gỡ bỏ những ranh giới cứng nhắc của logic đúng sai, dần bước vào một thế giới mà khoa học và tâm linh gắn bó không thể tách rời. Buổi trò chuyện cuối cùng của chúng tôi trước khi khép lại quá trình ghi chép diễn ra tại căn nhà nghỉ dưỡng của Thomas ở Colorado. Khi đó chúng tôi cũng đã trao đổi chi tiết về cách thức triển khai câu chuyện và thông điệp chúng tôi muốn truyền tải. Thomas mong mỏi và cũng tin tưởng rằng động lực mà câu chuyện của ông tạo ra có thể mang đến những thay đổi vi tế trong tâm thức và hành động của con người, hướng đến một đời sống bác ái và tốt đẹp hơn.

Khép quyển sổ ghi chép trên tay, tôi hỏi Thomas:

– Qua những câu chuyện ông đã chia sẻ với tôi, vẫn có một ẩn số mà tôi chưa rõ. Ông nghĩ sao về ông Kris, một con người có một kiến thức sâu rộng, cao thâm, biết được những việc quá khứ lẫn tương lai? Ngoài ra, nhân duyên giữa ông và ông Kris chắc hẳn cũng không phải tầm thường?

Thomas mỉm cười:

– Ông Kris là một người rất đặc biệt, một vị tu sĩ có trình độ rất cao. Những hiểu biết sâu rộng của ông không đơn giản đến từ việc học tập trong một kiếp sống mà là kết quả từ quá trình tu tập kiên định qua nhiều kiếp. Giữa tôi và người này đã có liên hệ với nhau từ lâu lắm rồi. Mặc dù ông Kris tránh không bao giờ nói gì về mình và cũng không nhắc nhở gì đến những việc trong quá khứ nhưng nhờ các trải nghiệm về tiền kiếp, tôi đã hiểu được mối liên hệ giữa chúng tôi. Tôi tin rằng ông Kris chính là cha của tôi tại kiếp sống ở Atlantis, người đứng đầu trường khoa học của Arya, chuyên sử dụng cây gậy ngọc để chữa bệnh. Ông chính là Timotheus trong kiếp sống của tôi tại Hy Lạp, và ở kiếp sống La Mã, ông chính là vị tu sĩ có đôi mắt xanh đã hướng dẫn tôi trong việc thực hành thiền tại Bactria. Ông cũng chính là vị giám mục già đã cứu mạng tôi trong kiếp sống ở Pháp. Ở những kiếp sống khác, ông cũng đều xuất hiện và trở thành một người đồng hành quý giá vào một đoạn đời nào đó. Chúng tôi đã quen nhau từ rất lâu và có mối thâm giao rất đặc biệt. Tuy nhiên, ông ấy rất kiên định và thành tâm với con đường tu tập của mình, đã có thành tựu hơn tôi rất nhiều. Ông ấy là bạn nhưng hơn hết vẫn là người hướng dẫn của tôi. Tôi rất biết ơn.

Những suy đoán của tôi về ông Kris như vậy là chính xác. Tôi gật đầu, ngẫm nghĩ rồi hỏi thêm:

– Ông nói rằng ông còn trải nghiệm qua nhiều kiếp sống khác nữa nhưng ông không kể hết. Phải chăng những kiếp đó có điều gì đặc biệt hoặc không tiện nói ra?

Thomas lắc đầu:

– Không có gì đặc biệt đâu. Mặc dù tôi có thể nhớ được nhiều kiếp sống nhưng tôi nghĩ chỉ cần kể lại một vài kiếp sống giúp tôi đúc kết những kinh nghiệm và kiến thức mà tôi tin rằng có thể giúp mọi người hiểu biết thêm về các định luật của vũ trụ, đặc biệt là luật Nhân quả và Luân hồi. Còn những kiếp sống khác của tôi tại Ấn Độ, Tây Tạng và Đức thì chỉ là đời sống của một tu sĩ trên con đường tu tập, không có chi tiết gì đáng kể. Nó chỉ là kinh nghiệm tu tập có tính cá nhân của riêng tôi mà thôi…

Tôi lại hỏi thêm:

– Đã nhớ được nhiều kiếp sống, vậy từ Atlantis đến nay ông đã học được những gì?

Thomas trầm ngâm rồi nói:

– Trôi nổi qua nhiều kiếp sống trong vòng sinh tử luân hồi, điều quan trọng mà tôi đã học được là tình thương. Tôi tin rằng tình thương là bài học mà bất cứ ai cũng phải học, không lúc này thì lúc khác, không kiếp này thì kiếp khác. Tuy nhiên điều đáng nói là khi rời bỏ thế gian, do sự xếp đặt của nghiệp (Karma), đa số người đều không nhớ gì về những việc xảy ra khi trước, có khi quên cả bài học đã học được nên lại phải học đi học lại. Vì ngộ ra được điều này nên trong kiếp sống tại Ấn Độ tôi phải yêu cầu ông Kris, khi đó là người hướng dẫn tu tập cho tôi, giúp tôi trong kiếp sống này nhớ lại chuyện xưa, để tôi có thể tiếp tục con đường đã chọn. Nhân quả, Luân hồi là điều nói suông thì dễ, nhưng thật ra rất khó giải thích cho thấu đáo. Không ai biết sự xếp đặt của nghiệp như thế nào, vì trải qua hàng triệu kiếp sống, khi làm người, khi làm thú vật, khi làm ma quỷ, nhân quả phức tạp chằng chịt, không thể giải thích hay lý luận được.

Thomas im lặng một lúc rồi nói tiếp:

– Trong đời, chúng ta có quan hệ với một số người, và do sự xếp đặt nào đó của nhân quả mà chúng ta gặp lại nhau trong kiếp sống này hay kiếp sống khác. Tôi có thể quả quyết rằng hầu như tất cả những người mình gặp trong đời đều đã có quan hệ với mình từ trước. Có thể đó là những quan hệ tình cảm như vợ chồng, con cái, cha mẹ, họ hàng hay cũng có thể là những mối quan hệ quen biết như nhân viên trong công ty, bạn học hoặc những đối tác giao dịch và sau hết là những người sinh ra trong cùng một thành phố, cùng quốc gia hay cùng hoàn cảnh.

Tôi gật đầu:

– Thật vậy, trong thế giới mấy tỷ người, ta gặp người này mà không phải người kia cũng chính nhờ nhân duyên, nói cách khác là vì nghiệp quả.

Thomas cũng gật đầu, rồi nói thêm:

– Chúng ta gặp rất nhiều người trong đời, có người đối xử tốt, trân trọng chúng ta và cũng có người đối xử không tốt. Dù thế nào cũng đều là những bài học nhân quả mà chúng ta phải học. Suy nghĩ rộng ra một chút, chúng ta sẽ thấy quan hệ liên quan đến cuộc đời ta thật ra không chỉ giới hạn ở bản thân ta và những người thân của mình mà còn cả với những người khác nữa. Ví dụ, trước khi chúng ta được sinh ra, đã có những người gián tiếp giúp đỡ chúng ta rồi, đó có thể là người từng giúp đỡ mẹ ta khi bà đang mang thai, là các vị bác sĩ, y tá săn sóc cho bà và giúp ta ra đời được mạnh khỏe. Những mối quan hệ gián tiếp như thế này có rất nhiều và ít ai để ý hay biết ơn. Mối quan hệ tiếp tục với các bạn đồng lứa tuổi, thầy cô dạy dỗ chúng ta hay các đối tác, đồng nghiệp trong sự nghiệp của ta. Nếu quán xét, ta sẽ thấy có rất nhiều quan hệ, trực tiếp và gián tiếp giữa ta và những người ta gặp. Điều này cho thấy một sự thật rằng chúng ta có mối quan hệ với nhiều người hay nói rộng ra là tất cả mọi sinh vật. Thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay là một môi trường mà trong đó tất cả mỗi cá nhân, xã hội, quốc gia đều liên quan với nhau trong một mạng lưới vô hình. Do đó hạnh phúc hay khổ đau của một người, một quốc gia không thể tách rời ra khỏi hạnh phúc hay khổ đau của toàn thể nhân loại. Dĩ nhiên mỗi cá nhân có biệt nghiệp riêng đến từ quan niệm và hành động của họ. Tuy nhiên, mọi người cũng có những niềm tin nào đó giống nhau, quan niệm nào đó tương đồng và hành động nào đó như nhau, nên đã tạo ra cộng nghiệp. Vì cộng nghiệp ấy mà nhiều người phải cùng nhau trải qua những thứ như thiên tai, lũ lụt, động đất, chiến tranh và dịch bệnh.

Thomas nhấn mạnh:

– Theo tôi, đời sống là một ngôi trường lớn mà trong đó những người có liên hệ với chúng ta sẽ dẫn dắt ta đến những hoàn cảnh hay bài học nào đó. Mọi quyết định, mọi lựa chọn của chúng ta đều là những điều mà ta phải học. Từ những hành động này mà mục đích đời sống của ta trong kiếp này sẽ dần dần hiển bày ra, vì chúng ta sinh ra với mục đích cụ thể chứ chẳng phải ngẫu nhiên. Hiểu được như vậy, mỗi người sẽ nghiêm túc với từng suy nghĩ và hành động của mình, tránh hành xử tùy tiện, chiều chuộng bản năng, họ cũng sẽ biết cảnh giác với lòng tham và mầm mống bạo lực của mình. Cũng từ đó, chúng ta sẽ ý thức rằng đời sống là một lớp học mà trong đó mọi sinh vật có liên hệ với nhau sẽ cùng đến một nơi, một hoàn cảnh để học hỏi, để giúp đỡ, để thương yêu, để trả nợ hay đòi nợ, để hoàn tất những tâm nguyện khi xưa mà hiện nay chúng ta không biết rõ. Tất cả mọi sự xảy ra đều là những bài học về nhân quả mà trong đó có hai yếu tố quan trọng. Yếu tố đau khổ thúc giục ta phải học và yếu tố yêu thương giúp ta giải quyết bài học kia. Nếu chúng ta có thể hiểu rõ về tình thương thì gần như việc gì cũng có thể giải quyết được.

Tôi hỏi:

– Chỉ tình thương thôi là đủ sao? Ông tin rằng tình thương có thể giải quyết mọi sự?

Thomas gật đầu:

– Tình thương cũng là một định luật của vũ trụ. Đáng tiếc, không mấy ai hiểu được điều này. Đa số đều hiểu lầm về tình thương, vì họ đã để cho lòng ích kỷ hay bản ngã lèo lái mình. Ngày nay, người ta hiểu về tình thương một cách giới hạn như một sự trao đổi, có cho đi thì phải có nhận lại, và đôi khi, nếu không được đáp ứng, tình thương có thể chuyển biến thành ghen ghét, giận dữ hay hận thù ngay. Đó là thứ tình thương có điều kiện.

Thomas trầm ngâm rồi nói:

– Tôi biết về tình thương yêu từ kiếp sống tại Ai Cập qua sự gặp gỡ với Cihone. Lúc đó tôi chỉ có một khái niệm mơ hồ về sự thương yêu. Tâm hồn cao thượng của Cihone đã cảm hóa và khiến một Pharaoh đầy uy quyền như tôi phải kính nể, không dám xâm phạm đến cô. Trong kiếp sống đó, đối với tôi, tình yêu được đồng hóa với quyền lực và dục vọng, chỉ đến khi gặp cô tôi mới mơ hồ nhận ra sự tồn tại của tình yêu vô điều kiện. Ngay như tại Atlantis, tình cảm cuối cùng của tôi với cô thánh nữ Kor cũng chỉ là lòng thương hại, là cảm giác hối hận chứ chưa phải là tình yêu thật sự. Vì không biết gì về tình yêu thật sự nên tôi đã làm điều sai quấy với cô, đó là một nhân đã được gieo xuống mà khi đủ duyên sẽ trổ quả. Chính cái nhân đó đã khiến tôi phải trả giá trong vai trò một nô lệ bị đối xử tàn tệ, nhục nhã và cuối cùng bị giết. Khi xưa tôi đã gây ra cái chết của thánh nữ Kor thì đến lúc tôi cũng phải trả lại món nợ đó cho cô.

Tôi mơ hồ nhận ra sự liên kết mà Thomas đang đề cập nên vội hỏi:

– Nói thế, phải chăng Isidora tại Hy Lạp chính là thánh nữ Kor?

Thomas mỉm cười:

– Đúng thế, cô ấy cũng trải qua nhiều kiếp sống khác và cũng có những bài học cần học của riêng cô ấy. Tại Hy Lạp, cô ấy sinh ra là người quyền quý, xinh đẹp nhưng phải học bài học cay đắng khi bị Cassander từ hôn, bị bạn bè chê bai nhục nhã rồi cuối cùng phải lập gia đình với Deasius, một kẻ góa vợ, hung ác và tham lam… Trong kiếp sống này, tôi đã trả cho cô những đau khổ, tủi hờn mà tôi từng gây ra cho cô ở kiếp trước, nhưng cô cũng đã nối dài vòng nhân quả giữa chúng tôi bằng việc đối xử với tôi một cách tàn tệ, cũng vì vậy mà chúng tôi còn gặp lại nhau ở những kiếp sống khác để giải quyết những ân nợ còn lại.

Tôi gật đầu:

– Tôi hiểu, duyên nợ từ nhân quả giữa người với người quả là rất chằng chịt, khó lòng trả hết trong một kiếp, vì khi trả quả ta cũng vô tình gieo nhân mới. Nếu thế nhân duyên của ông với Melissa là như thế nào?


Bất cứ việc gì có ích lợi cho mọi người đều là việc lành. Nếu ta giúp người vì lòng thương yêu chứ không phải để được nổi tiếng, được báo đáp thì đó là việc lành. Khi làm việc một cách thành tâm, không ích kỷ, không tư lợi, không nghĩ đến mình mà chỉ lo cho người khác, thì đó là việc lành. Trái lại, nếu ta làm bất cứ việc gì có tính hại người, lợi mình thì đều là việc ác. Tiêu chuẩn để phân biệt lành, dữ là tự quán xét xem hành động đó có lợi cho ai? Nếu làm vì người thì đó là việc lành, nếu làm lợi cho mình mà hại người khác, thì đó là việc không lành.


Thomas nói ngay:

– Melissa là một người phụ nữ cao thượng, sẵn sàng hy sinh tất cả cho chồng. Anh không cảm thấy điều đó rất quen sao? Cô chính là hoàng hậu Nedjem khi xưa. Là vợ một Pharaoh uy quyền nhưng không được sủng ái, yêu thương mà phải sống cô đơn trong cung điện nhưng cô âm thầm chấp nhận, chịu đựng vì chỉ mong cho Ai Cập được ổn định, phồn vinh. Cũng như thế, tại Hy Lạp, Melissa là người vợ chung thủy với Leonidas, đối xử tử tế với Yasamin, người đã cướp chồng mình và vẫn yêu thương, chăm sóc cho đứa con riêng của chồng.

Tôi nghi hoặc:

– Nhưng Nedjem là một phụ nữ bao dung, kiên cường và nhân hậu, tôi nghĩ cô sẽ không phải lần nữa trải qua hôn nhân không trọn vẹn như thế chứ. Vì sao Nedjem đã vậy, Melissa cũng không được hạnh phúc?

Thomas khẽ lắc đầu:

– Không đơn giản như thế. Như chúng ta đã nói, nhân quả là một hệ thống chằng chịt và phức tạp, mỗi kiếp sống của chúng ta không chỉ là cơ hội để lần lượt trả những món nợ đã gây ra mà còn là nơi chúng ta học hỏi. Những bài học cần học thì rất nhiều, đôi khi ta phải học trong những hoàn cảnh khác nhau, để đảm bảo rằng mình đã thật sự học được bài học ấy. Hơn nữa, Melissa lựa chọn sống lương thiện và bao dung, chính khi đó cô cũng đã gieo những nhân lành và rồi sẽ được quả ngọt. Luật vũ trụ là không sai, là bất biến, chỉ là chúng ta chưa đủ tầm mắt để nhìn thông thấu mà thôi.

Tôi gật đầu, càng thêm hứng thú với những mối liên kết qua các kiếp sống. Tôi hỏi:

– Vậy còn Leonidas, nhân duyên của ông với Leonidas là như thế nào?

Thomas mỉm cười:

– Như đã nói, những người có mối liên hệ thường trở lại gặp nhau vì duyên nợ phức tạp nào đó. Tôi và Leonidas đã có những liên hệ với nhau từ lâu. Hẳn anh còn nhớ, trong kiếp sống tại Assyria, tôi có người anh trai là Nimurta, một người anh say mê âm nhạc và phụ nữ. Tại Hy Lạp, anh đã gặp lại tôi với thân phận Leonidas. Tôi và Leonidas thân nhau cho đến khi qua Ba Tư thì tình bạn đã ít nhiều thay đổi. Về sau, chúng tôi lại gặp nhau trong kiếp sống tại Đức. Khi đó anh là anh họ của tôi, một người nhạc sĩ tài ba nhưng vẫn say mê cờ bạc và phụ nữ, thường vay tiền của tôi và không bao giờ trả. Do đó trong kiếp này, Wilson G đã bỏ ra nhiều tiền đầu tư vào công ty của tôi…

Tôi giật mình:

– Thì ra là thế. Tôi không ngờ ông và Wilson lại có mối quan hệ sâu xa như thế. Vậy còn Cihone thì sao? Phải chăng giữa ông và cô ấy cũng có duyên nợ gì?

Thomas gật đầu:

– Trong đời sẽ có những sự gặp gỡ mà ta cứ ngỡ chỉ là tình cờ nhưng thật ra đều có những liên hệ từ trước. Tôi không biết gì về Cihone, người phụ nữ đã dùng tình thương để chữa bệnh tại Ai Cập nhưng nhờ sự giúp đỡ của ông Kris, tôi mới biết khi xưa Cihone từng là một thánh nữ trong đền thờ nữ thần Isis và có nhiều quyền năng. Tuy sự gặp gỡ với cô trong kiếp sống tại Ai Cập rất ngắn ngủi nhưng không hiểu sao cô biết tôi cần học về tình thương yêu nên trong kiếp sống tại La Mã, dưới thân phận Valeria, cô đã gián tiếp tạo ra bài học mà tôi cần phải học.

Tôi ngạc nhiên:

– Tôi không ngờ Cihone lại là Valeria…

Thomas mỉm cười, từ tốn nói thêm:

– Nhờ Valeria mà tôi biết đến tình thương của Thiên Chúa, một tình thương yêu vô điều kiện, bao la vô hạn. Đây là bài học quan trọng, vì đối với đa số mọi người tình thương nào cũng có điều kiện và bị giới hạn bởi lòng ích kỷ và tham lam. Do nhân duyên với Valeria mà tôi được ông Beria cho phép theo đoàn thương buôn qua Bactria và tiếp tục việc tu tập đang còn dang dở khi xưa. Tiếc thay, lúc đó tôi vẫn còn bị chi phối bởi nhiều mặc cảm thua kém vì sự đối xử của gia đình nên trong tâm vẫn có ý muốn chứng minh khả năng của mình, muốn trở thành một người hùng nên sau một thời gian tu tập, tôi lại bỏ dở để trở về Syria giúp Beria tái lập trật tự tại La Mã. Đây là một lỗi lầm lớn trên con đường học hỏi của tôi. Do đó, nhân quả đã sắp đặt cho tôi phải trải qua một kiếp sống khác, học lại những bài học của mình.

Tôi hỏi thêm:

– Lúc nãy ông có nói ông còn gặp lại Kor, tức Isidora, vậy hai người gặp lại nhau khi nào?

Thomas bỗng có chút trầm tư:

– Chính là Ella trong kiếp sống ở Pháp. Trong kiếp này, tôi không có cảm tình và thường ruồng rẫy Ella vì trong tâm tôi vẫn coi thường người Gitan là giai cấp thấp kém. Đó cũng là sự thiếu hiểu biết đến từ việc khi xưa bị đối xử tàn tệ, nhưng may thay trong khoảnh khắc ngắn ngủi sống tại tu viện, trải qua sự cầu nguyện chân thành hằng ngày cùng các linh mục, tôi ý thức được bài học về tình thương yêu của Thiên Chúa, một tình thương bao la vô hạn và không điều kiện. Đó là lý do thúc giục tôi phải đi tìm Ella để nối lại chuyện xưa, dùng tình thương để giải quyết một nhân đã gây ra và từ đó cả hai chúng tôi quyết định sẽ đi cùng nhau…

Bị lôi cuốn vào câu chuyện, tôi nôn nóng ngắt lời:

– Sau đó ông còn gặp lại Ella nữa không?

Thomas vẫn tiếp tục mạch kể:

– Vì nhân duyên đặc biệt với vị thầy người Ấn và Timotheus, hay chính là ông Kris, nên sau đó, tôi tái sinh trở lại Bactria, Ấn Độ và Tây Tạng để tiếp tục con đường tu tập. Trong ba kiếp này, tôi và ông Kris đều là tăng sĩ Phật giáo và đã đạt được nhiều tiến bộ. Điều khác biệt là ông Kris từ lâu đã ý thức rất rõ con đường của mình trong khi tôi vẫn vướng víu một số nhân quả phải giải quyết. Vì biết thế nên trong kiếp sống ở Ấn Độ, tôi đã yêu cầu ông giúp tôi nhớ lại tiền kiếp và những bài học cần phải học…

Tôi lại hỏi:

– Rồi ông có gặp lại Ella không?

Thomas nhìn tôi mỉm cười:

– Dĩ nhiên! Chúng tôi đã có giao ước sẽ ở bên nhau nên chúng tôi lại gặp nhau trong kiếp này…

Tôi giật mình:

– Ông muốn nói đến Angie?

Thomas gật đầu:

– Angie không biết gì về việc này cả. Trải qua nhiều kiếp sống, mỗi người đều có các nhân đã gieo cũng như các bài học cần phải học riêng. Hiện nay vì nhớ lại chuyện xưa, nên tôi đang chờ khi đủ duyên sẽ cố gắng dẫn dắt Angie trở lại con đường tinh thần.

Tôi nói:

– Những điều ông chia sẻ hôm nay đem lại cho tôi quá nhiều bất ngờ…

Thomas khẳng định:

– Do đó, tôi muốn nói rõ rằng hầu như tất cả những người chúng ta gặp đều đã có những quan hệ từ xưa. Điều này cho thấy rõ sự mầu nhiệm của luật Nhân quả. Không một nhân nào gây ra mà không trổ quả. Đó là một sự kiện rất tự nhiên, không sai sót chút gì và không bao giờ thay đổi. Hễ làm lành thì gặp lành và làm ác thì phải trả quả báo ác. Đây là luật vũ trụ chứ không phải mê tín. Dĩ nhiên người không tin thì hành động bừa bãi và sẽ phải lãnh hậu quả, rồi cứ tiếp tục như thế. Càng không tin, càng gây nên tội, đến khi nhân trổ quả thì lại không chịu tin đó là tội do chính mình gây ra, nghĩ rằng đó là việc ngẫu nhiên, như vậy họ không học được bài học nên tiếp tục trôi nổi trong đau khổ triền miên, từ kiếp này qua kiếp khác. Người hiểu biết, tin nhân quả thì biết cảnh giác, làm gì cũng suy nghĩ cẩn thận đến hậu quả. Nếu đã tin tình thương có thể giải quyết mọi sự thì phải biết áp dụng quy tắc này vào đời sống. Bất cứ việc gì xảy ra đều là bài học, nghiệp quả phải trả, nhưng hãy sử dụng tình thương để giải quyết chứ đừng gây thêm nhân nữa. Mỗi lựa chọn, mỗi quyết định không nên chỉ dựa trên cảm xúc nhất thời mà phải sáng suốt dựa trên sự hiểu biết về các định luật của vũ trụ.

Thomas đột nhiên nhìn thẳng vào tôi rồi nói:

– Giữa tôi và anh cũng đã từng gặp nhau khi xưa, do đó vừa gặp chúng ta đã có thiện cảm và thân nhau ngay. Ông Kris cũng biết rõ về anh, nhưng ông nói đây là điều anh sẽ phải tự tìm hiểu ra.

Đây là điều bản thân tôi cũng đã lờ mờ nhận ra nên tôi không ngạc nhiên mà chỉ khẽ gật đầu, xúc động không nói nên lời. Tôi bắt tay Thomas, chúng tôi siết chặt tay nhau, lòng đầy tin tưởng và thấu hiểu. Căn phòng im ắng, chỉ còn tiếng tích tắc của đồng hồ, bất chợt, tiếng Angie vang lên từ phòng ăn bên ngoài:

– Anh hãy tạm gác buổi trò chuyện lại và mời John ra dùng bữa đi, em đã sửa soạn xong rồi.

Nghe thấy tiếng Angie gọi, Thomas và tôi liền đứng lên. Trước khi bước ra, cả hai chúng tôi không hẹn mà cùng nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh mặt trời rọi xuyên qua những cành thông đang rung rinh trong gió tạo thành những tia nắng lấp lánh, nhảy múa như những cánh bướm nhỏ đang rung động chập chờn. Sâu thẳm bên trong, linh hồn tôi dường như cũng đang bừng tỉnh trên hành trình giác ngộ của riêng mình…

Chân ngã hiện diện khắp nơi, trong tất cả mọi vật, nhưng vì mê lầm nên chúng ta cứ tìm kiếm tận đâu. Chân ngã đã có sẵn thì việc gì phải tìm, ta chỉ cần quay vào trong để chuyển hóa bản ngã, chuyển tâm thức thành trí tuệ, chứ không phải tìm cái gì khác. Khi ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh thì ta sẽ biết được con người thật của mình.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.