Ngay từ khi Hành trình về phương Đông xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1974, cuốn sách đã giúp nhiều người thay đổi tâm thức bằng những thông điệp sâu sắc, mầu nhiệm, được dẫn dắt thông qua một hành trình tầm đạo hấp dẫn. Suốt mấy thập niên tiếp theo, cuốn sách vẫn âm thầm lan tỏa, lay động và thức tỉnh tâm linh rất nhiều người. Điều thú vị nhất là khi đó, hầu như không một ai biết người phóng tác cuốn sách, người có cái tên bình dị Nguyên Phong, lại là một giáo sư tầm cỡ thế giới hiện ở Mỹ – Giáo sư John Vu. John Vu từng nhiều năm là kỹ sư trưởng của hãng Boeing, ông cũng là Giáo sư ưu tú ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, nơi ông là Giám đốc chương trình Đổi mới Công nghệ Sinh học và Tính toán.
Trong lần liên hệ bản quyền để First News – Trí Việt có thể in cuốn sách Hành trình về phương Đông cùng những cuốn mà Nguyên Phong đã phóng tác nhiều năm trước, tôi đã được trò chuyện với Giáo sư John Vu và lần trò chuyện đó đã trở thành cơ duyên may mắn bắt đầu một tình bạn tâm giao mà tôi vô cùng trân trọng. Tôi và Giáo sư John Vu đã có nhiều cuộc trò chuyện về những đề tài khác nhau, liên quan tới tri thức và xã hội. Trong một lần giáo sư tình cờ chia sẻ về câu chuyện của Thomas, tôi đã linh cảm rằng đó là một câu chuyện cần được kể, cần được lan tỏa, bởi những giá trị hướng thiện và thức tỉnh của nó. Tôi khẩn khoản đề nghị giáo sư viết một cuốn sách kể lại câu chuyện này, để lan tỏa những điều tốt đẹp và thức tỉnh con người thoát khỏi những u mê, xung đột, tham lam và ích kỷ – những thứ đang phá hủy tinh thần, đời sống, văn minh con người và đồng thời cũng khiến trái đất của muôn loài đang oằn mình kêu cứu.
Khi nhận được bản thảo tác phẩm Muôn kiếp nhân sinh, tôi đã thức nhiều đêm để đọc hết cuốn sách. Bằng trực giác của một người làm sách nhiều năm cùng tinh thần hướng đạo, tôi nhận ra Muôn kiếp nhân sinh là một cuốn sách có sứ mệnh đặc biệt với cộng đồng.
Ngay lập tức, tôi đã cùng tập thể First News ngày đêm thực hiện cuốn sách quý giá này để có thể sớm đưa đến tay bạn đọc. Ngay từ khi tập đầu xuất hiện, cuốn sách đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và tạo nên một kỷ lục xuất bản ở Việt Nam. Điều này tiếp thêm niềm tin mãnh liệt cho tôi rằng nếu chúng ta kinh sợ khi thấy những năng lượng tiêu cực của tham lam, xung đột, phá hủy, những thứ đang lan nhanh trên toàn cầu như một thứ virus độc hại, thì cũng hãy tin rằng điều tốt đẹp có thể tạo nên một cơn sóng thần thay đổi tâm thức con người.
Điều đặc biệt nhất là cuốn sách có nội dung về Nhân quả, Luân hồi này được viết bởi một nhà khoa học uy tín nên biên độ mở rộng, sự giao thoa của tâm linh và khoa học dường như không có giới hạn. Chính cuốn sách đặc biệt này đã làm thay đổi tâm thức của tôi và anh em First News cũng như nhiều bạn đọc Việt Nam. Thông điệp từ Muôn kiếp nhân sinh đã mở toang cánh cửa dẫn người đọc vào thế giới tinh thần thanh khiết, thênh thang, nơi không có sự phân biệt thiển cận giữa tâm linh và khoa học, mà chỉ có sự hiểu biết sâu sắc về các quy luật vũ trụ, giúp con người hướng thiện, vị tha, bác ái để xây dựng lại một thế giới mới tốt đẹp và giàu tình thương hơn.
Trong Muôn kiếp nhân sinh tập 3, Nguyên Phong cùng nhân vật chính Thomas và bậc thầy giác ngộ Kris đã đưa ra những thông điệp hướng về “tình thương lớn” và gợi mở, hướng dẫn cho bạn đọc về hành trình thức tỉnh mà ai cũng có thể hướng đến.
Qua Muôn kiếp nhân sinh, tôi hiểu được rằng mong muốn to lớn nhất của giáo sư chính là góp phần đưa con người về nẻo thiện, mong sao toàn thể nhân loại có thể sống trong hòa bình, bác ái, vị tha, bất kể màu da, quốc tịch và tôn giáo. Tôi tin rằng Muôn kiếp nhân sinh đã, đang và sẽ tiếp tục hành trình thực hiện sứ mệnh hướng thiện của nó, sứ mệnh trở thành một chiếc cầu nối để mỗi con người nhỏ bé được hợp nhất với những điều lớn lao. Cá nhân tôi biết ơn Giáo sư John Vu đã cho tôi có cơ hội cùng ông lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuốn sách này đến với độc giả Việt Nam. Đồng thời, tôi muốn thay mặt các độc giả Việt Nam đã có cơ duyên tiếp cận và yêu mến cuốn sách này gửi đến Giáo sư John Vu những tình cảm chân thành và lòng tri ân sâu sắc vì tâm huyết, tình yêu thương và nỗ lực mà ông đã dành cho tác phẩm đặc biệt ý nghĩa này cũng như cho sứ mệnh đưa con người tìm về thiện lương.
Nguyễn Văn Phước
Sáng lập First News – Trí Việt
Một khi tiêu trừ hết mọi ý niệm, để tâm tĩnh lặng thì sẽ trải nghiệm được trạng thái bình an, gọi là định (Samadhi). Khi đạt đến trạng thái này thì mọi vấn đề đều trở nên rõ ràng, sáng suốt vì không còn thiên kiến xen vào, nên việc gì cũng có thể giải quyết dễ dàng.
Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng bằng việc chuyển đổi tâm thức, lan tỏa yêu thương và hiểu biết trong hiện tại, chúng ta có thể thay đổi được tương lai.
God is love. (Thượng Đế là tình thương.)
Everything in life is vibration. (Mọi thứ trong cuộc sống đều rung động.) – Albert Einstein (1879 -1955) – Nhà bác học thiên tài – Cha đẻ của thuyết tương đối.
If you want to find the secrets of the universe, think in terms of energy, frequency and vibration. (Nếu muốn hiểu những bí mật của vũ trụ, hãy suy nghĩ về năng lượng, tần số và sự rung động.) – Nikola Tesla (1856 -1943) – Nhà phát minh, kỹ sư điện, kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia.
Constant kindness can accomplish much. As the sun makes ice melt, kindness causes misunderstanding, mistrust, and hostility to evaporate. (Lòng tốt kiên định có thể làm được nhiều điều. Tựa như mặt trời làm tan băng, lòng tốt có thể khiến sự hiểu lầm, lòng ngờ vực và sự thù địch dần tan biến.) – Albert Schweitzer (1875 – 1965) – Triết gia, nhà tâm thần học người Đức.
All you need is love. (Tất cả những gì ta cần là tình yêu.) – John Lennon (1940 – 1980) – Ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ.
Every age, every culture, every custom and tradition has its own character, its own weakness and its own strength, it beauties and ugliness; accepts certain sufferings as matters of course, puts up patiently with certain evils. Human life is reduced to real suffering, to hell, only when two ages, two cultures and religions overlap. (Mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa, mỗi phong tục và truyền thống đều có đặc tính riêng, điểm mạnh và điểm yếu riêng, cái đẹp và sự xấu xí riêng, nó chấp nhận một số đau khổ nhất định theo lẽ tự nhiên, nó kiên nhẫn chịu đựng những cái ác nhất định. Cuộc sống con người thật sự khốn khổ, thật sự sa vào địa ngục chỉ khi hai thời đại, hai nền văn hóa và tôn giáo giao thoa.) – Hermann Hesse (1877 – 1962) – Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ người Thụy Sĩ, đoạt giải Nobel Văn học năm 1946.
A loving heart is the beginning of all knowledge. (Một trái tim yêu thương là khởi đầu của mọi hiểu biết.) -Thomas Carlyle (1795 – 1881) – Triết gia, sử gia, nhà tiểu luận người Scotland.
Who looks outside, dreams; who looks inside, awakes. (Kẻ tìm kiếm bên ngoài, mơ tưởng; người tìm kiếm bên trong, thức tỉnh.) -Carl Jung (1875 – 1961) – Bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ.
Someone’s sitting in the shade today because someone planted a tree a long time ago. (Người ngồi trong bóng râm ngày hôm nay là nhờ ai đó đã trồng cây từ rất lâu về trước.) – Les Brown (1945) –Cựu chính trị gia người Mỹ.
He whose ears are stopped at the cry of the poor, will himself get no answer to his cry for help. (Kẻ bịt tai trước tiếng kêu cứu của người cô thế, đến lúc kẻ đó kêu cứu, sẽ chẳng được đáp lời.) – Sách Châm Ngôn, Kinh Cựu Ước.
Spread love everywhere you go. . . Let no one ever come to you without leaving better and happier. Be the living expression of God’s kindness; kindness in your face, kindness in your eyes, kindness in your smile, kindness in your warm greeting. (Hãy lan tỏa yêu thương bất cứ nơi nào bạn đi tới… Đừng để ai đến với bạn mà không tốt đẹp và hạnh phúc hơn khi rời đi. Hãy là hiện thân sống động cho lòng nhân ái của Chúa, hãy thể hiện nhân ái trên gương mặt, trong đôi mắt, trong nụ cười và trong những lời chào ấm áp.) – Mẹ Teresa (1910 – 1997) – Nữ tu, nhà truyền giáo Công giáo Roma người Ấn Độ, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1979.
The future depends on what we do in the present. (Tương lai phụ thuộc vào những gì chúng ta làm trong hiện tại.) – Mahatma Gandhi (1869 – 1948) – Nhà lãnh đạo, anh hùng dân tộc, lãnh tụ tinh thần Ấn Độ.
Compassion is not just an emotional response but a firm commitment founded on reason. Therefore, a truly compassionate attitude towards others does not change even if they behave negatively. (Từ bi không phải là một phản ứng cảm xúc mà là sự cam kết chắc chắn, được xây dựng trên lý trí. Do vậy, thái độ từ bi thật sự đối với người khác sẽ không thay đổi ngay cả khi họ cư xử tiêu cực.) – Tenzin Gyatso, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (1935).
Trang trước | Mục lục |