Muôn Kiếp Nhân Sinh

Tập 3 Phần 9 Kinh Tế Quà Tặng Hạt Giống Thiện Tâm



Mới đây, trong một chuyến công tác đến Chicago, tôi có gọi điện cho người bạn cũ mà gần đây mới có dịp gặp lại là tỷ phú Farnum, đề nghị đến thăm ông. Vị tỷ phú vui vẻ mời tôi đi ăn. Thay vì đến các tiệm ăn sang trọng, hợp với địa vị của mình, Farnum đưa tôi đến một quán ăn bình dân, có đông người xếp hàng trước cửa để chờ đến lượt vào dùng bữa.

Nhìn cách trưng bày giản dị cộng với tên quán là Karma Kitchen, tôi thầm nghĩ có lẽ đây là quán ăn Ấn Độ với những món đặc biệt mà Farnum ưa thích. Khi thực đơn được đưa ra, tôi ngạc nhiên vì toàn là những món ăn phổ thông, không có gì đặc biệt hay mới lạ. Farnum chọn món rồi nhìn tôi mỉm cười. Tôi giữ ý không để lộ sự ngạc nhiên của mình và cũng chọn món. Chúng tôi trò chuyện với nhau về các đề tài thời sự nóng hổi gần đây cho đến khi các món ăn được mang đến. Món ăn không có gì đặc biệt nếu không muốn nói là tầm thường. Tôi vừa ăn vừa thắc mắc, không hiểu tại sao một tỷ phú giàu có như Farnum lại chọn ăn ở một quán ăn bình dân như thế này. Ăn xong, đến lúc thanh toán thì tôi thấy trên phiếu tính tiền là con số không, kèm theo hàng chữ: “Món ăn của bạn là quà tặng của người đến ăn trước. Để tiếp tục sợi dây thân ái, chúng tôi mong bạn cũng vui lòng tặng quà cho người ăn sau”. Tôi ngạc nhiên đọc đi đọc lại phiếu tính tiền rồi ngước lên nhìn Farnum với vẻ thắc mắc. Farnum nãy giờ vẫn đang quan sát thái độ của tôi. Hài lòng với vẻ ngạc nhiên trên mặt tôi, ông giải thích:

– Phần ăn của chúng ta đã được người dùng trước thanh toán rồi. Chicago có hàng ngàn quán ăn nhưng đây lại là một quán đặc biệt vì nó cho mọi người cơ hội để chia sẻ lòng tử tế, tình thân ái đến người khác. Quán ăn này là ý tưởng của một số người muốn tạo ra sự thay đổi trong đời sống vội vã, tham lam, ích kỷ, vô cảm hiện nay.

Họ phát động việc trao gửi tình thân ái, sự tử tế, lòng sẻ chia đến người khác bằng cách trả tiền cho người ăn sau như gửi đến một món quà tặng, tạo một dây thân ái từ người này qua người khác. Ý tưởng này được khởi đầu từ vài năm trước nhưng đến nay đã lan rộng khắp nơi, khiến các chuyên gia kinh tế đã đặt cho nó cái tên: “Kinh tế quà tặng” (Gift Economy) hay sự trao đổi các giá trị nhưng không phải mua bán mà cho đi vô điều kiện.

Lời giải thích của Farnum khiến tôi nhớ lại một việc xảy ra cách đây không lâu. Hôm đó tôi lái xe đi New Jersey, có đi qua một trạm thu phí. Khi tôi dừng xe để trả tiền thì người thu phí nói rằng xe trước đã trả phí cho tôi rồi. Thấy vậy Angie nói ngay: “Nếu thế chúng tôi cũng muốn trả phí cho xe sau”. Tiếp tục cho đi khi nhận được điều gì tốt đẹp đã có truyền thống lâu đời, có cả một thành ngữ cho hành động này (Pay it forward). Tôi nghĩ quán ăn này hoạt động với sứ mệnh lan tỏa tinh thần này.

Farnum giải thích thêm:

– Karma Kitchen là quán ăn không có giá biểu, thực khách đến dùng bữa muốn trả bao nhiêu cũng được, và số tiền đó là để làm quà tặng cho người ăn sau. Quán hoạt động với tinh thần phục vụ, mục đích là cho đi, không mong đợi gì hết. Việc nhận quà tặng từ người ăn trước rồi lại tặng quà cho người ăn sau, dù không ai quen biết ai, cũng là một niềm vui nhẹ nhàng, thầm lặng mà ai cũng có thể trải nghiệm. Hành động cao đẹp này trở thành phong trào lan tỏa tình thân ái đến mọi người. Nguyên lý của nó là khuyến khích các hành động tử tế để chuyển hóa sự ích kỷ thành lòng vị tha và lan tỏa tình thân ái đến những người khác.

Tình thương giống như nguồn nước, tuôn chảy khắp nơi. Tình thương của Thượng Đế giống như biển cả mênh mông vô tận trong khi tình thương của con người thì như dòng suối nhỏ len lỏi qua mặt đất mà thôi. Khi con người biết thương yêu là khi họ quay về với Thượng Đế và khi họ thương yêu chân thành, không đòi hỏi là khi dòng suối bắt đầu hòa nhập vào biển cả.

Tôi mỉm cười, tán thưởng:

– Hay thật. Quả là một hình thức cho đi ý nghĩa. Cá nhân tôi cho rằng nó mang ý nghĩa hơn các quán ăn từ thiện.

Farnum gật đầu:

– Các quán ăn từ thiện dành cho người nghèo được điều hành bởi các hội từ thiện. Người đến ăn tuy không phải trả tiền nhưng chỉ là người tiêu thụ chứ không có dịp lan tỏa lòng thân ái đến người khác. Hiện nay, tiền bạc là yếu tố chi phối mọi sự, bất cứ việc gì cũng phải có tiền. Người ta nhìn ngắm nhau qua tiền bạc, so sánh nhau qua tiền bạc và đối xử với nhau cũng qua tiền bạc. Karma Kitchen đem lại cơ hội để mọi người đối xử tử tế với nhau một cách âm thầm qua việc trả tiền cho người đến sau như một món quà.

Tôi gật gù tỏ ý đồng tình rồi chợt thắc mắc:

– Nhưng liệu không có giá biểu mà chỉ trông cậy vào sự tử tế của mọi người thì quán có đủ kinh phí duy trì không?

Farnum bật cười:

– Anh nghĩ quán ăn như thế chắc phải lỗ vốn, đúng không? Không đâu, điều bất ngờ là số tiền thu vào thường nhiều hơn số chi ra. Hầu như ai đến ăn cũng muốn trả nhiều hơn để giữ cho quán hoạt động. Tôn chỉ của quán là “Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế rồi họ sẽ lan tỏa điều này khắp nơi”. Hiện nay, đã có vài chục quán Karma Kitchen mở ra tại Mỹ, nó cũng lan ra Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Anh, Nhật Bản, Ba Lan, Pháp và Dubai. Đây là quan niệm kinh tế mới lạ về sự hào phóng cho đi mà không đòi hỏi thu lại cái gì. Mục đích của nó là làm khơi dậy những tiềm năng thân ái, tử tế sẵn có của mọi người, để họ lan tỏa sự thương yêu đến tất cả nhằm chuyển hóa chính mình cũng như người khác. Đó là lý do tôi mời anh đến đây, tôi muốn anh để ý đến phong trào này.

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, vài người phục vụ trong quán đi ngang qua bàn ăn thân mật chào Farnum. Tôi hỏi:

– Hình như anh rất thường xuyên đến đây và rất quen thuộc với nơi này?

Farnum mỉm cười, giải thích:

– Karma Kitchen là quán ăn mà từ người nấu đến người phục vụ đều làm việc hoàn toàn tự nguyện, không công. Có người làm vài ngày, có người làm nhiều tuần hay lâu hơn. Đa số đều là sinh viên, học sinh hăng say với lý tưởng phụng sự, lan tỏa lòng vị tha, thân ái. Khi nghe nói về việc này, chính tôi đã tự nguyện đến rửa bát và đổ rác tại đây trong hai tuần lễ để xem cách thức họ làm việc ra sao. Cũng vì vậy nên tôi quen biết với hầu hết mọi người ở đây.

Farnum nói thêm:

– Tôi là người của hành động. Muốn biết rõ việc gì, tôi đều đích thân đến tận nơi xem xét và nghiên cứu. Nếu cần, tôi sẵn sàng bắt tay vào làm để biết rõ cách thức hoạt động của họ. Quy tắc của Karma Kitchen là phát triển lòng tử tế, tạo một dây chuyền thân ái từ người này qua người khác. Nếu những doanh nhân như chúng ta hay đầu tư vào chứng khoán thì người làm việc tại đây cũng như khách tới ăn lại đầu tư vào lòng nhân ái và sự tử tế.

Farnum là tỷ phú chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nhưng có cuộc sống kín đáo, không hề xuất hiện trước công chúng nên không mấy người biết về ông. Tuy nhiên, việc ông tự nguyện đến làm việc trong quán ăn bình dân để tìm hiểu thêm khiến tôi rất thán phục. Farnum kể tiếp:

– Sau khi ghi tên tự nguyện, chúng tôi sẽ ngồi quây lại thành một vòng tròn để tự giới thiệu mình với những người làm việc tại đó. Mọi người chỉ biết tên nhau, không ai biết tôi là ai và tôi cũng không biết họ là ai. Công việc này là phụng sự, hoàn toàn tự nguyện, không phân biệt tuổi tác, danh vọng, địa vị mà chỉ có một mục đích là hoàn tất công việc được giao. Dù ai đó có khiếm khuyết thì cũng không quan trọng. Trong tinh thần phụng sự, mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau chứ không có sự phê bình, chỉ trích. Dù giàu hay nghèo, dù bằng cấp hay địa vị có cao đến đâu cũng không thành vấn đề. Trong việc phụng sự, chân thành là yếu tố duy nhất. Do đó khi làm việc này, không thể có bản ngã chen vào được. Không ai làm việc tự nguyện mà lại tự tôn, tự đại. Nếu còn đề cao bản thân thì công việc phụng sự đối với người đó cũng chỉ là phương tiện để họ đạt mục đích khác thôi.

Tôi gật đầu đồng tình, rồi hỏi thêm:

– Vậy thì anh đã làm những gì ở đây? Mọi người ở đây làm việc ra sao? Tôi thật sự rất tò mò. Tôi thấy mọi người đều có vẻ rất nhiệt huyết và năng nổ, không giống như đang làm việc không công gì cả.

Farnum cười:

– Đúng vậy, mọi người ở đây đều ôm một bầu nhiệt huyết đối với sự tốt đẹp. Sáng sớm, khi mọi người tề tựu đông đủ, người điều hành quán ăn sẽ nói về thực đơn hôm đó, hướng dẫn các món phải nấu nướng ra sao rồi tiến hành phân công cho mọi người. Khi mới đến đây, vì chưa quen việc nên tôi được giao những việc đơn giản như quét dọn, lau chùi và đổ rác. Sau khi làm được vài hôm, có người tình nguyện mới đến, tôi được giao việc dọn bàn và đem các món ăn ra cho khách. Sau một tuần, vì đã có kinh nghiệm, tôi được phân công phụ giúp cho người nấu ăn. Hằng ngày, khi quán đóng cửa, mọi người cùng nhau quét dọn, thu xếp bàn ghế rồi ngồi lại thành vòng tròn cùng chia sẻ với nhau về ngày làm việc hôm đó để rút tỉa kinh nghiệm. Những buổi chia sẻ này đều là những trải nghiệm khó quên. Mọi người bắt đầu kể cho nhau nghe về cảm tưởng của họ khi làm những công việc này. Đó là những mẩu chuyện tuy ngắn thôi nhưng chứa đầy ý nghĩa. Ví dụ, khi khách có nặng lời hay tỏ ra bất lịch sự thì họ làm sao để giữ thái độ hòa nhã. Nguyên tắc tự nguyện làm việc tại đây là phát triển lòng nhân ái để thay đổi chính mình và lan tỏa đến người khác. Đôi khi phản ứng và cách ứng xử của chúng ta cũng giúp khách hàng chuyển hóa thái độ của họ nữa. Những chia sẻ của họ là những điều quý giá giúp tôi hiểu rõ tinh thần phục vụ bất vụ lợi là thế nào. Trong hai tuần tại đây, tôi đã học được nhiều điều: Cho đi, nói lời nhã nhặn, lan tỏa lòng thân ái và cùng làm việc trong tinh thần phụng sự. Hay nói như ngôn ngữ của Phật giáo là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Nhờ thế, tôi hiểu rõ hơn về nền kinh tế quà tặng hay hệ thống trao đổi mọi thứ bằng tình người. Điều này hoàn toàn trái ngược với nền kinh tế thị trường, nơi mọi thứ chỉ trao đổi bằng tiền bạc.

Đúng lúc đó, một thanh niên đi ngang qua chào Farnum hết sức nhiệt tình. Ông giới thiệu anh bạn trẻ này với tôi:

– Đây là Roger, người đã làm việc tại đây lâu nhất. Hình như sáu tháng thì phải?

Người thanh niên gật đầu cười:

– Vâng, tôi làm việc mỗi tuần ba ngày, và đã làm thế hơn sáu tháng nay rồi.

Tôi hỏi:

– Anh hiện đang làm gì mà có thể dành thời gian đến đây làm tình nguyện được lâu như thế?

Roger vui vẻ trả lời:

– Tôi đang là sinh viên Đại học ..

Farnum nói ngay:

– Này Roger, anh hãy kể cho bạn tôi nghe tại sao anh lại tình nguyện làm việc tại đây nhé.

Roger gật đầu cười:

– Tôi học về điện toán. Hầu hết các bạn của tôi trong trường đều ấp ủ giấc mộng khởi nghiệp để làm giàu. Ai cũng muốn trở thành Bill Gates hay Steve Jobs thứ hai. Gần như mọi câu chuyện, mọi chủ đề hằng ngày của họ đều liên quan đến tiền bạc chứ không để tâm đến vấn đề nào khác nữa. Dĩ nhiên, tiền bạc không xấu nhưng sự khao khát tiền bạc đến ám ảnh của họ đã làm cho tôi thất vọng. Tôi muốn có một đời sống cao cả, tốt đẹp hơn. Tôi có đọc sách về Phật giáo, điều hấp dẫn tôi nhất chính là khái niệm “nghiệp” (Karma), được hiểu là nếu làm việc tốt thì điều tốt lành sẽ đến với bạn. Tôi không mong nhận lại gì ngoài việc cố gắng trở thành người tốt. Do đó ngoài giờ học, tôi tình nguyện làm việc tại đây và cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Sau khi Roger rời đi, Farnum tiếp tục cuộc trò chuyện vừa bị gián đoạn của chúng tôi:

– Anh thấy đó, chúng ta thường mời bạn bè đi ăn uống, nhưng dù có là bạn thân đến đâu đi chăng nữa thì đôi khi vẫn có sự kỳ vọng đền đáp. Hôm nay tôi trả cho anh thì lần sau anh sẽ trả cho tôi. Đâu có mấy khi ta nghĩ đến việc trả tiền cho người không quen biết mà không mong đáp trả lại điều gì. Đa số mọi người sẽ nghĩ làm vậy là ngu xuẩn. Tuy nhiên trên đời này, không có ai là người xa lạ cả. Và mọi người chúng ta có duyên gặp gỡ trên đời đều có mối liên hệ với ta từ trước. Trong thế giới hơn bảy tỷ người này, cả cuộc đời chúng ta ước lượng chỉ gặp được vài ngàn người là nhiều. Trong số đó, ta chỉ quen biết vài trăm người là cùng. Có bao giờ anh tự hỏi vì lý do gì chúng ta lại gặp nhau không? Tại sao chúng ta lại thân nhau mà không phải là ai khác? Phải chăng tất cả đều đã có liên hệ từ trước? Chúng ta đến với nhau là để học hỏi, giúp đỡ, cũng là để sẻ chia, lan tỏa yêu thương.

Farnum nhấn mạnh:

– Vấn đề là ít ai thật sự suy nghĩ về điều này. Trong vô vàn mối quan hệ, đa số mọi người chỉ thân cận với người nào đó khi thấy điều gì có lợi cho họ mà thôi. Đôi khi bạn bè cũng là đối tượng để lợi dụng chứ không hẳn là tình bạn chân chính. Những người giàu có, nổi danh thường có rất đông bạn bè xúm lại ca tụng, tâng bốc. Anh có thấy người nào nghèo khổ, đói rách mà có đông bạn như thế không?

Farnum đột nhiên trầm ngâm:

– Từ khi đi qua trải nghiệm cận tử, tôi đã suy nghĩ nhiều về việc làm sao có thể giúp mọi người chuyển đổi tâm thức lên những điều cao thượng, giàu ý nghĩa hơn? Hiện nay nhiều người quen lối sống ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân chứ không hề nghĩ đến ai khác. Dù biết khi chết không mang theo của cải vật chất nhưng họ vẫn chiếm giữ càng nhiều càng tốt, mấy ai đã biết cho đi. Tôi nhớ lại người lạ mặt đi cùng với cha tôi từng khuyên rằng chỉ khi nào biết quên mình thì mọi sự tốt đẹp mới có thể biểu hiện, khi nào bản ngã tiêu tan thì tình thương bên trong mới tỏa sáng. Từ đó tôi cố gắng sống như thế.

Tôi nhìn Farnum, người bạn học năm xưa, một trong những tỷ phú thành công, giàu có nhất Chicago. Đi qua trải nghiệm cận tử, ông đã trở thành một người rất khác. Người mà hiện giờ sự thoải mái, thanh thản luôn tỏa sáng trên khuôn mặt đã hằn những vết nhăn của năm tháng. Ông âm thầm giao cho tôi toàn bộ khối tài sản của mình để làm những việc có ý nghĩa. Tôi nghĩ đến những người giàu có như ông, mặc dù tuổi đời đã cao nhưng vẫn loay hoay từng ngày ngắn ngủi còn lại trong cuộc đời để lo toan, tính toán từng con số trong trương mục ngân hàng.

Farnum nói tiếp:

– Tôi từng thấy một người hành khất nghèo đói vừa xin được một miếng bánh pizza đã vội chia sẻ ngay với một con chó hoang gầy ốm đang lang thang kiếm ăn gần đó. Việc cho đi mà không mong đợi sự đáp trả nào như thế còn cao đẹp hơn cả những triệu phú sẵn sàng bỏ số tiền lớn làm từ thiện nhưng mục đích là để tên tuổi, công lao của họ được tung hô trên báo chí. Là người theo Thiên Chúa giáo, tôi rất thích câu hỏi của thánh Francis thành Assisi: “Có ai muốn phụng sự Thượng Đế không công không?”. Không công nghĩa là không mong đợi gì hết, chỉ dốc lòng phụng sự mà thôi.

Tôi gật đầu:

– Anh nói đúng. Đa số mọi người làm việc đều mong đợi kết quả nào đó, dù là phần thưởng vật chất hay chỉ là một lời khen tặng.

Farnum tiếp tục:

– Có lẽ anh cũng thấy, hầu hết những người giàu đều có xu hướng thu vào và không nỡ cho ra. Quá nửa những người có quyền thế, gia sản khổng lồ đều chỉ biết tích lũy chứ không biết bố thí, cho đi hay giúp đỡ người khác. Đối với họ, nghe nói đến chữ “bố thí” là đã thấy e dè, vì bản tính của họ là nắm giữ khư khư thật chắc, còn cho đi là mất mát, là đau khổ, là xót xa. Một xã hội mà có quá nhiều người giàu keo kiệt như thế thì không thể là một xã hội lành mạnh được, nó thối rữa từ bên trong đấy.

Chỉ khi nào biết quên mình thì mọi sự tốt đẹp mới có thể biểu hiện. Khi nào bản ngã tiêu tan thì tình thương bên trong mới tỏa sáng.

Farnum im lặng như suy nghĩ rồi nói tiếp:

– Chúng ta đều là những người làm trong lĩnh vực về tài chính nên biết rõ các dữ liệu kinh tế. Trước đây, hầu hết các công ty lớn nhỏ đều phân phối lợi nhuận một cách công bằng, rộng rãi. Qua báo cáo tài chính, chúng ta biết rõ họ đã trả lương cho nhân viên bao nhiêu, quyền lợi thế nào, đóng thuế cho chính phủ ra sao. Chính sách phân phối công bằng này đã tạo ra sự thịnh vượng cho xã hội trong thời gian rất lâu. Tuy nhiên bắt đầu từ thập niên 70, đã có sự thay đổi lớn bởi quan niệm của nhà kinh tế học Milton Friedman, khi ông khẳng định rằng: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tận dụng mọi nguồn lực của mình và tham gia vào các hoạt động được thiết kế để gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp”. Lúc đó, những người đầu tư như chúng ta đều hết lòng ca tụng Milton, nhất là khi ông đoạt giải Nobel Kinh tế nhờ những đóng góp vào chủ nghĩa tiền tệ (Monetarism) mà đến nay vẫn được coi là khuôn vàng thước ngọc.

Tôi đồng tình:

– Nhiều lãnh đạo cũng áp dụng chính sách này cho quốc gia của họ, không mấy ai ngờ được hậu quả về sau.

Farnum gật đầu:

– Quan niệm này đã thúc đẩy lòng tham của một số giám đốc điều hành, họ lợi dụng lý thuyết này để áp dụng một cách sai lạc nhằm vơ vét tất cả những gì họ có thể lấy được. Anh cũng như tôi đều nhìn thấy rõ, trong khi mức lương của công nhân làm trong các doanh nghiệp vẫn đứng yên tại chỗ thì lương các giám đốc điều hành đã gia tăng theo cấp số nhân. Sự bất bình đẳng này vẫn còn tiếp tục kéo dài cho đến nay. Khi xưa, đa số những người lãnh đạo doanh nghiệp đều bắt đầu từ vị trí thấp rồi mới lên cao, họ đều là những chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động. Bắt đầu từ thập niên 70, với quan niệm phải gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, hầu hết các giám đốc điều hành này đều bị thay thế bởi những người tốt nghiệp về tài chính, xuất thân từ các trường đại học hàng đầu như Harvard, Chicago, Pennsylvania, Stanford… Bằng Quản trị kinh doanh (MBA) là chìa khóa mở cánh cửa để bước vào vị trí giám đốc điều hành. Những người này chỉ có một mục đích duy nhất là làm gia tăng lợi nhuận tối đa để cho giá cổ phiếu lên cao. Họ tiến hành sa thải một số lượng lớn công nhân nhằm cắt giảm chi phí, đóng cửa nhiều nhà máy, chuyển việc sản xuất qua những quốc gia khác có mức lương nhân công thấp nhằm tăng lợi nhuận. Họ thêu dệt các danh từ như “toàn cầu hóa”, “mang việc làm đến cho những quốc gia kém mở mang, thúc đẩy phát triển kinh tế tại những nơi đó”. Thật ra, mục đích duy nhất chỉ là giảm chi, tăng thu, nhằm kiếm lợi nhuận tối đa. Từ đó, giá trị công ty không còn được đánh giá bằng sản phẩm hay chất lượng cao mà bằng mức lợi nhuận, bằng việc giá cổ phiếu lên bao nhiêu điểm. Đây là chính sách ngắn hạn nhưng vô cùng tai hại. Tuy đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, thu nhập giám đốc điều hành và thân chủ cổ phiếu nhưng lại gây ra bất ổn cho xã hội, tăng tỷ lệ thất nghiệp, thu hẹp giai cấp trung lưu, tạo ra bất bình đẳng giàu nghèo. Một doanh nghiệp mà không có phát kiến mới, chỉ sản xuất các sản phẩm với chi phí thấp nhưng lại muốn thu được lợi nhuận cao thì làm sao có thể vượt lên và tiến bộ được trong thế giới cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay?

Vấn đề Farnum vừa đề cập khiến tôi nghĩ đến việc phá sản hàng loạt của các công ty lớn trong thời gian vừa qua. Hầu hết những công ty có được sự thành công vẻ vang từ đầu thế kỷ 20 thì hiện nay đều suy sụp hay đã biến mất trên thị trường. Phải chăng chỉ vì lòng tham của một thiểu số lãnh đạo đã mang lại hậu quả tai hại như thế?

Farnum nói thêm:

– Từ khi các doanh nghiệp trên thế giới áp dụng chính sách này, thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu đã gia tăng hơn bao giờ hết. Tôi thấy nhiều giám đốc điều hành ngày nay trở nên tàn nhẫn chưa từng thấy. Mọi công ty đều đua nhau sa thải công nhân, đóng cửa xưởng máy, chuyển việc làm ra ngoại quốc, cắt giảm ngân sách nghiên cứu, chỉ để đạt được mục tiêu là gia tăng lợi nhuận, bất kể mọi hiểm họa gây ra cho tương lai. Khi giá cổ phiếu lên cao, người đầu tư vào cổ phiếu gia tăng, doanh nghiệp càng có nhiều tiền thì các vị giám đốc này sẽ làm gì? Họ thẳng tay thanh toán các công ty đối thủ để giảm cạnh tranh. Có lẽ anh cũng biết, hiện nay nền kinh tế thế giới đã thu hẹp vào trong tay của vài chục tập đoàn cực lớn, chi phối hầu hết mọi sự. Ảnh hưởng và quyền lực của những gã khổng lồ này có thể khuynh đảo toàn bộ nền kinh tế thế giới trong tương lai. Tôi cũng rất bận tâm về chính sách toàn cầu hóa mà hiện nay chính phủ nhiều quốc gia đang ca tụng. Họ chỉ nhìn thấy các nguồn lợi ngắn hạn, giúp họ giải quyết nạn thất nghiệp mà không nhận thức được những hậu quả tai hại có thể kéo đến về sau. Hầu hết các công nghệ được chuyển giao cho những quốc gia có nhân công giá rẻ đều đã lỗi thời, máy móc đều đã cũ kỹ, hậu quả là chúng gây ra ô nhiễm trầm trọng, các chất phế thải hóa học bị đổ xuống sông biển đã hủy diệt môi trường, gây ra nhiều bệnh nan y không thể cứu chữa. Việc phá rừng, xẻ núi, khai thác tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu đã đem đến nhiều hậu quả trong tương lai mà không ai ngờ. Tất cả phải chăng chỉ vì lòng tham muốn có thật nhiều tiền và làm giàu mau chóng?

Farnum tiếp tục:

– Thập niên 70 cũng là lúc công nghệ thông tin phát triển, các công ty khởi nghiệp như Apple, Microsoft, Google đều trở thành những “tay chơi” lớn trong thị trường chứng khoán. Khi cổ phiếu của họ gia tăng hàng trăm lần thì những người rất trẻ, chưa trưởng thành đã trở thành những ông chủ lớn với tài sản lên đến con số hàng tỷ. Sự thành công của họ là động năng thúc đẩy thế hệ trẻ hiện nay có nhiều tham vọng và cũng tham lam hơn. Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp, khi phỏng vấn xin việc đều nói mục đích duy nhất của họ là kiếm thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt.

Tôi đồng ý với Farnum:

– Anh nói đúng, tôi đã gặp những người như thế. Chưa nghe họ nói gì về khả năng đóng góp cho công ty và đất nước thì đã nghe họ nói làm sao có thể kiếm thật nhiều tiền.

Farnum thở dài:

– Trong xã hội, khi một thiểu số trở nên vô cùng giàu có, còn đa số phải làm đủ mọi việc để sống còn, thì xã hội ấy không thể tiến bộ hay phát triển được, trước sau cũng tan rã. Muốn tạo sự quân bình trong xã hội, trước hết phải bắt đầu bằng việc giáo dục về bổn phận, trách nhiệm của con người trong xã hội và trên trái đất này, nhằm thay đổi các thói tham lam, ích kỷ và tư lợi.

Tôi nói ngay:

– Việc này nói thì dễ nhưng khó có thể áp dụng. Hiện nay, tiền bạc đã chi phối hầu hết mọi sự nên đầu óc con người đã bị ảnh hưởng, ít nhiều bị hư hoại, khó mà bỏ được thói tham lam hay ích kỷ…

Farnum trầm ngâm:

– Chúng ta đều là những người đầu tư chứng khoán, mua bán cổ phiếu nên cũng có trách nhiệm phần nào đối với tình trạng này. Do đó, tôi muốn sử dụng tất cả tài sản của mình để hỗ trợ cho những hành động có thể đánh thức, tạo ra sự chuyển hóa tâm thức cho mọi người. Chúng ta cần phải khuyến khích những việc làm cao thượng nhằm nâng cao tâm thức của nhân loại lên mức cao đẹp hơn. Một khi tâm thức đã thấm nhuần những tư tưởng thanh cao thì các thói xấu hiển nhiên sẽ bị loại trừ.

Tôi hỏi:

– Vậy chúng ta có thể làm gì đây?

Farnum im lặng suy nghĩ rồi nói:

– Hiện nay, công nghệ phát triển đã làm thay đổi nền tảng của gia đình, hậu quả là con cái không còn gần gũi hay có mối quan hệ chặt chẽ với cha mẹ như xưa nữa. Thế hệ trẻ đã rơi vào trạng thái mất kết nối và trở nên lạc lõng, cô đơn, phải tìm sự an ủi qua sản phẩm công nghệ như trò chơi, mạng xã hội ảo, rồi giao du với những người xa lạ trên mạng xã hội. Người trẻ ngày nay đang dần mất kết nối trực tiếp giữa người với người mà phải qua trung gian của công nghệ. Việc này khiến họ không những mất kết nối với gia đình và các thế hệ trước mà còn mất kết nối với chính mình. Họ bơ vơ, lạc lõng, cô đơn, khổ sở trong một thế giới máy móc, vô cảm. Đa số đều mất niềm tin vào mọi thứ, kể cả gia đình và tôn giáo. Trong mấy chục năm qua, áp lực đời sống xã hội đã đẩy nhiều gia đình đến chỗ ly tán và tan vỡ. Tỷ lệ ly hôn lên cao, vợ chồng, con cái trở nên xa lạ với nhau, đôi khi còn biến thành hận thù nữa. Gia đình là nền tảng của xã hội, khi mọi người trong đó không còn kết nối với nhau thì làm sao xã hội có thể duy trì được nữa?

Tôi hỏi:

– Theo anh, làm sao để xây dựng một xã hội vững chắc hơn?

Farnum tiếp tục:

– Để xây dựng một xã hội lành mạnh, chúng ta cần bắt đầu từ căn bản, từ gốc rễ là gia đình. Một cái cây cần phải có rễ bám sâu xuống lòng đất thì mới phát triển được. Tại sao những người trẻ hiện nay lại không vững vàng được như xưa? Vấn đề không hoàn toàn nằm ở họ mà nằm ở gia đình. Bổn phận của cha mẹ là dạy dỗ con cái biết hiếu thảo, trở thành công dân lương thiện, yêu thương gia đình, hướng về tổ quốc, bảo vệ quốc gia, xây dựng và làm những điều có ích cho đất nước. Khi gia đình đổ vỡ, khi vợ chồng không hòa thuận, những cuộc cãi vã liên tục nổ ra thì làm sao con cái có thể noi theo và ngoan ngoãn được? Các bậc làm cha mẹ phải ý thức rõ trách nhiệm giáo dục, định hướng con cái chứ không thể giao cho bất kỳ ai khác được. Nếu con cái được dạy từ nhỏ để phát triển nhân cách theo đúng hướng thì khi lớn lên chúng có thể vượt qua thử thách, không bị lung lay bởi tiền bạc, địa vị, sắc đẹp hay danh vọng. Ngày nay, một số chuyên gia tâm lý kêu gọi phải cho con trẻ tự do phát triển theo bản tính của chúng. Tôi không phản đối điều này, nhưng tự do đâu phải là tùy ý muốn làm gì thì làm. Trẻ con mà không được dạy dỗ từ nhỏ, phó mặc chúng phát triển theo ý thích thì chỉ khiến chúng trở nên vô cảm rồi hư hỏng mà thôi.

Tôi góp ý:

– Vẫn biết thế, nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, ít gia đình nào có thể sống thoải mái với một nguồn thu nhập. Cả chồng lẫn vợ đều phải làm việc mới đủ sống, vì vậy việc đòi hỏi họ dành nhiều thời giờ dạy dỗ con cái là cả một vấn đề lớn.

Farnum phản đối:

– Nhưng không nhất thiết ai cũng phải bỏ hết thời gian để kiếm tiền. Dù bận rộn thế nào, nếu muốn, cha mẹ vẫn có thể dành thời giờ để tìm hiểu và thông cảm với con cái. Khi sinh con, đâu cha mẹ nào muốn con mình trở nên hư hỏng nhưng nhiều người đã “khoán” việc giáo dục quan trọng này cho trường học. Trường học chỉ có thể dạy kiến thức phổ thông, còn căn bản đạo đức làm người thì chỉ cha mẹ mới có thể dạy dỗ và định hướng được. Con trẻ đều học từ cha mẹ, cha mẹ hành động ra sao, con trẻ học theo như thế. Nếu không dành thời gian dạy dỗ, lắng nghe, để hiểu biết và cảm thông với con cái từ khi còn nhỏ, thì làm sao cha mẹ biết khi con cái lớn lên cần những gì? Tại sao thanh niên ngày nay thường có khuynh hướng độc lập, nổi loạn và không vâng theo lời cha mẹ? Tại vì cha mẹ đâu biết gì về con cái, đâu biết chúng nghĩ gì, làm gì, hay có vấn đề gì. Vì cha mẹ không dạy gì cho con nên con chỉ học qua bạn bè và các trang mạng xã hội. Đám trẻ học rằng người thành công là người có thể kiếm nhiều tiền, do đó họ sẵn sàng làm mọi chuyện chỉ để có tiền, bất chấp tốt xấu. Họ học rằng nếu muốn nổi tiếng thì phải làm theo các ngôi sao điện ảnh hay những người đang tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội. Do đó họ mua sắm, chưng diện, nói năng bừa bãi như những người này. Thay vì đọc các sách vở có giá trị, họ chỉ đọc những bình luận, tin nhắn trên mạng xã hội và “chat” với những người xa lạ vì họ đâu có thể trò chuyện, đối thoại thân tình với cha mẹ mình được nữa. Đó chính là tình trạng mất kết nối nghiêm trọng trong giáo dục các gia đình hiện nay trên thế giới.

Tôi tán thành và nói thêm:

– Anh nói đúng, tôi thấy ngày nay đại đa số người trẻ ít để ý đến các biến cố trên thế giới, nếu so với những người thuộc thế hệ trước. Bạn tôi, một giáo sư đại học, đã phải than rằng phần lớn sinh viên chỉ xem tin tức qua Facebook, Twitter, TikTok, YouTube hay WeChat… Họ chỉ quan tâm tới cái mà những người trẻ như họ đang làm trên mạng xã hội. Họ ngày càng trở nên vô cảm, không còn ham tìm tòi để gia tăng hiểu biết và chỉ chạy theo vật chất hay các xu thế nhất thời. Người ta vẫn tin rằng nhờ Internet mà người trẻ kết nối với nhau nhiều hơn nhưng thật ra đa số kết nối qua các ứng dụng công nghệ chỉ mang tính hào nhoáng bề ngoài và thiếu chân thật.

Farnum lộ vẻ ưu tư:

– Tại sao tiêu chuẩn đạo đức của thế giới lại xuống cấp như thế? Phải chăng vì mọi người chỉ biết chạy theo tiếng gọi của tiền bạc, danh vọng chứ không hề để tâm đến nền giáo dục? Ngay như các trường học cũng cạnh tranh với nhau để có càng nhiều học sinh ghi danh càng tốt, mục đích là để kiếm được nhiều tiền còn chất lượng giáo dục tốt xấu ra sao thì ít ai quan tâm. Đó là chưa kể đến việc trường học đua nhau tăng học phí mỗi năm, rồi còn phát sinh bao nhiêu loại phí khác khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, chẳng còn hơi sức quan tâm đến chất lượng của giáo dục. Một khi giáo dục đã thoái hóa thì làm sao có thể đào tạo ra được nhân tài cho đất nước? Làm sao đào tạo được những tâm hồn cao thượng hay những anh hùng chân chính bảo vệ quê hương? Ngày nay, nhiều người trẻ không biết gì về đạo đức, về tình người, về công bình hay tình bác ái, mà chỉ sống đua đòi theo những thú vui trước mắt, sống với những thói quen buông thả, hưởng thụ bằng đủ mọi cách. Nếu chúng ta không khuyến khích phục hồi những giá trị cao thượng khi xưa thông qua hành động thì rất khó có thể cứu vãn được tình trạng xuống dốc trầm trọng hiện nay.

Tôi trả lời:

– Đã có nhiều người lên tiếng về việc cải thiện tình trạng giáo dục cũng như trách nhiệm làm cha mẹ trong thời đại này, nhưng đến giờ vẫn chỉ là những tiếng kêu vô vọng.

Farnum mỉm cười:

– Trong nhiều năm, chính phủ nào cũng đề xướng nhiều chương trình quy mô lớn với ngân quỹ khổng lồ để làm chuyện đó. Họ thuê những chuyên viên có bằng cấp cao, tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu để thực hiện nhưng kết quả không đi đến đâu. Anh có biết tại sao không? Vì đa số những người này, dù có khả năng và kiến thức, nhưng chỉ làm việc để được trả lương chứ không xuất phát từ trong tâm.

Farnum kết luận:

– Theo tôi, mọi sự thay đổi đều phải xảy ra từ bên trong thì mới có thể tạo ảnh hưởng đến bên ngoài. Sự chuyển hóa chỉ xảy ra từ những trải nghiệm và hành động với những gì chúng ta tin tưởng. Đó là lý do tôi không muốn làm những việc lớn lao, nhưng cũng sẵn sàng hỗ trợ cho những việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Vì vậy tôi mới mời anh đến quán ăn này để giới thiệu với anh tôn chỉ hoạt động của nơi này, đó là: “Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế rồi họ sẽ lan tỏa điều này đi khắp nơi”. Biết đâu những việc nhỏ lại có thể đánh thức tiềm năng tốt đẹp của mọi người, đem lại sự chuyển hóa cho tương lai…

Sau buổi gặp gỡ với Farnum tại Karma Kitchen, tôi trở về New York và không ngừng suy nghĩ về buổi trò chuyện của chúng tôi. Tôi bàn với Angie rằng đã đến lúc tôi phải dành nhiều thời giờ hơn để làm những việc có ý nghĩa này. Sau khi bàn luận kỹ lưỡng, cả hai vợ chồng tôi quyết định giao việc điều hành công ty cho những cộng sự mà chúng tôi tin tưởng để chú tâm vào việc sử dụng ngân quỹ hỗ trợ cho các chương trình có thể mang lại những đổi thay tốt đẹp hơn. Chúng tôi cũng nhất trí đem toàn bộ tài sản của mình sáp nhập vào ngân quỹ của Farnum để hỗ trợ cho những dự án tương lai.

Theo đề nghị của Farnum, tôi đã yêu cầu Andrew tìm hiểu và nghiên cứu thêm về dự án Karma Kitchen hay những hoạt động tương tự. Không lâu sau, Andrew mang đến cho tôi một hồ sơ về chủ nghĩa trao tặng (Giftivism) mà anh thu thập được. Anh nói:

– Theo nghiên cứu của tôi, Karma Kitchen là một chuỗi nhà hàng hoạt động độc lập, thành lập từ năm 2007, hiện đã có mặt tại 23 quốc gia, với con số hơn nửa triệu người đến ăn mỗi năm để trải nghiệm về lòng tử tế. Nền kinh tế quà tặng hiện đã lan rộng khắp nơi. Chi tiết và các dữ kiện về quá trình vận hành của những nhà hàng này đều được ghi nhận trong bản báo cáo này.

Nhìn tập hồ sơ dày hàng trăm trang, tôi khá ngạc nhiên vì không nghĩ dự án này lại có quy mô và thời gian hoạt động lâu dài như vậy. Phần vì, tôi không nghĩ với một việc nghiên cứu nằm ngoài dữ liệu đầu tư, Andrew lại bỏ nhiều tâm huyết như vậy. Andrew là chuyên viên nghiên cứu thị trường có khả năng nhạy bén, cẩn thận từng chi tiết. Từ nhiều năm, anh là nhân viên mà tôi tin tưởng nhất. Một khi giao cho Andrew việc gì, anh sẽ không bao giờ khiến tôi thất vọng. Và với công việc “ngoài lề” lần này, Andrew vẫn tận tâm như mọi khi. Tôi đưa tay đón tập hồ sơ, vừa mở ra thì Andrew nói ngay:

– Có lẽ ông cần biết rằng Karma Kitchen chỉ là một chương trình nằm trong một phong trào lớn hơn gọi là “Không gian phụng sự” (Service Space). Đây là một tổ chức được khởi xướng trong thập niên vừa qua, hoạt động như một hệ sinh thái có tầm ảnh hưởng lớn đến rất nhiều người trẻ.

Tôi ngạc nhiên:

– Còn có phong trào khác lớn và ý nghĩa hơn sao? Tôi chưa nghe nói đến.

Andrew xác nhận:

– Đúng thế, “Không gian phụng sự” là tổ chức gồm rất nhiều người trẻ cùng chung mục đích là góp phần xây dựng và thay đổi xã hội. Điều đặc biệt là tất cả chương trình đều được thực hiện trong tinh thần tự nguyện nhằm lan tỏa sự tử tế và lòng yêu thương đi khắp mọi nơi.

Tôi ngạc nhiên hơn:

– Tổ chức này hoạt động ra sao? Tại sao tôi lại không nghe ai nói đến bao giờ?

Andrew bật cười:

– Sở dĩ chúng ta không biết là vì trong việc nghiên cứu đầu tư thương mại của công ty thì tổ chức này sẽ không bao giờ nằm trong tầm ngắm, bởi nó chỉ là tổ chức phi lợi nhuận, việc xây dựng và điều hành hoàn toàn được thực hiện bởi các tình nguyện viên. Tổ chức này không có nhân viên, không có văn phòng hay trụ sở vật chất mà chỉ sử dụng công nghệ để khuyến khích, kêu gọi mọi người thực hiện những hành động nhỏ để lan tỏa lòng thân ái, cảm thông đi khắp mọi nơi.

Tôi ngạc nhiên thích thú:

– Một tổ chức mà không có nhân viên, không có trụ sở thì hoạt động thế nào?

Andrew giải thích:

– Tổ chức này chỉ là một website giúp mọi người tương tác và hoạt động với nhau theo các quy trình đã được soạn sẵn. Tất cả mọi việc và dự án trong tổ chức đều mang mục đích chung là làm khơi dậy lòng thương yêu, sự tử tế qua các dịch vụ để giúp mọi người chuyển hóa. Người tự nguyện sẽ hưởng nhiều niềm vui qua các hành động bất vụ lợi. Người nhận sự giúp đỡ đó cũng nối tiếp tham gia vào những dịch vụ khác để lòng tốt được lan tỏa đi khắp mọi nơi. Trong hệ sinh thái này, mọi người đều kết nối với nhau trong tinh thần phụng sự – chỉ cho đi, không mong đáp lại. Trong hệ sinh thái này, mọi hành động đều đưa đến sự kết nối giữa người với người chứ không phải để đáp ứng nhu cầu nào. Từ các hành động tự nguyện, bất vụ lợi đó mà người ta trải nghiệm được những sự chuyển hóa mầu nhiệm từ bên trong, đồng thời thiết lập mối quan hệ bên ngoài giữa những người có cùng lý tưởng, chí hướng với nhau. Vì thế, ngoài các dữ kiện nghiên cứu về Karma Kitchen, tôi cũng ghi nhận thêm các chi tiết về tổ chức Service Space và chương trình hoạt động của họ trong bản báo cáo này.

Tôi không ngờ những điều Farnum nói với tôi mấy tháng trước về nền kinh tế quà tặng này đã có người thực hiện từ nhiều năm trước.

Khi tôi dự định góp phần sức mình vào quá trình chuyển hóa tâm thức nhân loại thì mọi nền tảng hầu như đã sẵn sàng. Quả là có sự trùng hợp lạ lùng, tôi thầm nghĩ. Tôi nhớ đến câu nói của ông Kris: “Một khi đủ duyên thì mọi sự xảy ra nhanh hơn anh nghĩ”.

Andrew tiếp tục:

– Theo thông tin trên trang mạng của tổ chức này, với địa chỉ truy cập org, bất cứ ai cũng có thể đề xuất dự án và sử dụng công cụ của riêng họ để lập kế hoạch theo quy trình được soạn sẵn. Ai cũng có thể tự nguyện tham gia các chương trình được công bố. Đa số những người tham gia đều là sinh viên, học sinh với quan niệm “Thay đổi bản thân, thay đổi thế giới”. Phần lớn chương trình đều là những dự án với quy mô nhỏ, chỉ khoảng vài ba người đến mười người là nhiều. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả, giúp truyền cảm hứng đến người khác. Khi tìm hiểu về tổ chức này, tôi đã bàn với Connie và cuối cùng hai vợ chồng tôi cũng đã quyết định tham gia vào các hoạt động ý nghĩa trong tổ chức này để có thể học hỏi thêm.

Tôi nhớ ông Kris từng nói: “Để thay đổi thế giới, trước hết phải thay đổi chính mình. Khi tâm không còn ích kỷ, tham lam, sân hận hay giận dữ nữa thì thế giới mới chuyển hóa, trở nên thanh bình được”. Đúng là mọi thay đổi cần bắt đầu từ chính mình rồi lan tỏa dần sang những người xung quanh. Tôi hỏi Andrew:

– Vậy anh và Connie đã tham gia vào dự án gì?

Andrew hào hứng kể:

– Tạm thời chúng tôi chỉ mới tham gia được một dự án nhỏ trên KarmaTube. Đây là một trang web chuyên sản xuất và chiếu các phim ngắn, nội dung chủ yếu là chuyển tải những câu chuyện về lòng tử tế, khuyến khích mọi người làm điều tốt để truyền cảm hứng hướng thiện cho người xem. Chúng tôi đã viết một kịch bản rồi gửi lên đó. Một thanh niên dựa trên kịch bản đó quay thành phim tải lên KarmaTube và chỉ vài hôm sau đã có đến hơn hai ngàn người.

Nhiều người khác cũng dựa trên ý tưởng đó để làm thêm những thước phim tương tự và cứ thế lan rộng ra…

Andrew sung sướng chia sẻ thêm:

– Chỉ nhờ tham gia vào việc nhỏ này thôi mà chúng tôi cảm thấy bản thân thay đổi rất nhiều. Khi cùng viết kịch bản, vợ chồng chúng tôi học hỏi lẫn nhau, khuyến khích nhau, động viên và truyền cảm hứng cho nhau. Chúng tôi đã hưởng một thứ hạnh phúc bất ngờ khi chia sẻ với nhau những giây phút tốt đẹp đó. Đây là một trải nghiệm có ý nghĩa không thể diễn tả. Hiện nay Connie vẫn đang soạn một kịch bản mới, cô ấy còn học quay phim bằng iPhone để tự mình có thể thực hiện những bộ phim ngắn cho KarmaTube.

Andrew nói thêm:

– Khi tham gia vào việc nhỏ nhưng chứa đầy ý nghĩa này, vợ chồng tôi ngoài việc có thể chia sẻ với nhau niềm hạnh phúc, thì còn học được về sự chuyển hóa bản thân. Cũng như việc ném một hòn sỏi nhỏ xuống hồ sẽ tạo thành những làn sóng từ từ lan tỏa rộng hơn. Chúng tôi tin rằng khi nhiều người cùng nhau làm những điều lành, dù bé nhỏ, chúng cũng sẽ lan tỏa khắp nơi và có thể thay đổi thế giới.

Sau khi Andrew rời khỏi phòng, tôi cầm bản báo cáo chi tiết về tổ chức Service Space rồi cho gọi người chuẩn bị phi cơ đến để bay đi Chicago. Tôi muốn gặp Farnum ngay ngày hôm đó để chia sẻ và báo cho ông biết quyết định của chúng tôi trong việc sáp nhập tài sản của chúng tôi vào ngân quỹ của ông. Tôi cũng muốn trao đổi với ông về tổ chức Service Space này và những dự định sắp tới để bắt đầu từ nhiều việc nhỏ nhưng thiết thực, có ý nghĩa lớn và góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng, đánh thức lương tri và tình yêu thương trong mỗi con người.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.