Là bậc một nhảy thẳng vào thì không phải nhọc roi vọt, lôi kéo về, mà trâu trắng vẫn sờ sờ sẵn vậy, chẳng rơi vào giai cấp, trong sát-na dứt bặt cả năng và sở. Vậy thì tranh vẽ trở thành món hàng ế, bài tụng thành là lời thừa, huống chi nói thẳng, bàn thẳng đấy ư! Nếu khiến nhóm người này xem qua, ắt phải một phen tức cười.
Trên lẽ thật mà luận thì, nói cũng chẳng được, nín cũng chẳng được, dù nói nín cả hai đều quên cũng không dính dáng gì. Tại sao? Vì quang minh của cổ Phật, phong thái của Tiên đức, mỗi mỗi đều từ trong không ham muốn không nương tựa mà phát hiện ra. Hoặc vòi vọi cao vót trọn không thể bám víu. Hoặc bao trùm lẫn hợp trọn không thể nhìn thấy. Cuối cùng chẳng đóng cứng một chỗ, chẳng ràng buộc ở hai đầu, không phải mà không gì chẳng phải, không quấy mà không gì chẳng quấy. Được cũng không chỗ được, mất cũng không chỗ mất. Chẳng từng cách ra một mảy lông, chẳng từng dời đổi một sợi tóc. Sáng ngời lối xưa chẳng thuộc nơi sâu mầu. Ngay mặt đem lại, nhưng thoáng đó liền qua mất. Ở vị chẳng chánh, đâu rơi vào đường tà. Chẳng đi giữa trời thênh thang, nào rơi vào lối nhỏ. Xoay đầu mà chẳng gặp, chạm mắt mà không đối diện, một niệm xem khắp, thênh thang rỗng lặng. Tông yếu này ngàn Thánh chẳng truyền, chính ngay đó rõ biết, ngay đây vượt lên. Cần biết Pháp thân không có hình tướng, chẳng thể đem âm thanh cầu. Diệu đạo không lời nói, chẳng thể đem danh tự hội. Dẫu cho vượt lên trên Phật Tổ, vẫn còn rơi thềm bực, dù là nói diệu bàn huyền, trọn dính trên môi lưỡi vậy thôi.
Tướng tròn này, chính là Diệu đạo nhất thừa tối thượng, bậc trí có thể đem thực hành, khi công đức đầy đủ liền vượt lên viên đốn, ánh sáng thanh tịnh soi khắp, cùng Phật không khác. Song tự tánh thanh tịnh liền là Phật Vô Cấu, tự tánh như như liền là Phật Tự Tại, tự tánh chẳng mê mờ liền là Phật Quang Minh, tự tánh kiên cố liền là Phật Bất Hoại, tất cả Pháp thân chư Phật đều chẳng thể nói năng tột đến được, chỉ một Chân tánh thôi. Tánh tức là Tâm, Tâm tức là Phật, như Phật xưa khi mới thành cũng không có hai thể. Chư Phật như tượng Phật đúc bằng vàng đã thành, chúng sanh như quặng vàng chưa thành tượng. Như đã thành và chưa thành đều chia ra có trước sau, nhưng thể vàng thì thủy chung trọn không có sai khác. Nên kinh Viên Giác nói: “Đã thành vàng ròng rồi thì không trở lại làm quặng. Dù trải qua thời gian không cùng tận, tánh vàng vẫn chẳng hoại.” Nguyên tánh vàng này người người cũng có, ai ai cũng đủ, cho đến chúng sanh trong cả mười phương đều có Phật tánh kim cang, trời đất vạn vật thì đều gồm đủ Pháp thân Như Lai của chúng ta vậy. Nếu như người học tu hành thành tựu, đến địa vị này, mới rõ biết trời đất cùng ta đồng cội nguồn, muôn vật cùng ta đồng một thể, khắp pháp giới là Như Lai tạng, tột quả đất là thân Pháp vương. Nơi mé chân thật vốn không sai khác, thành đạo cùng một lúc với chư Phật trong ba đời. Chân không vốn bình đẳng, mười sáu loài sanh đồng một ngày vào Niết-bàn. Phải biết Pháp thân rất to lớn, hư không dù rộng cũng khó bao hết thể của nó. Nên Chân tâm thật là vi diệu vậy. Quỉ thần cũng không ai lường được cơ của nó. Cùng tột mé vị lai là một ngày đêm, tận biển vi trần là một sát-na. Từ trước đến giờ không cái gì mà nó chẳng gom giữ hết. Nên Nhị Tổ nói: “Nguyên vẹn lành lặn thành cái ấy, đời đời kiếp kiếp chẳng đổi dời. Trời đất có hoại mà cái ấy chẳng hoại. Cái ấy vừa là Chân ngã, vừa là Chân như, vừa là Chân thể, vừa là Chân không, vừa là Thật tướng, vừa là đạo tràng Bồ-đề, vừa là chân tịnh Niết-bàn, vừa là chẳng nhơ chẳng sạch, vừa là chẳng phải sắc chẳng phải không, vừa là tự giác Thánh trí, vừa là pháp luân vô thượng, vừa là diệu dụng của Phật, vui thích vô lượng. Cái ấy cũng vừa là nghiệp phiền não thanh tịnh, xưa nay rỗng lặng, vừa là tất cả nhân quả đều như mộng huyễn, vừa là sanh diệt đã diệt tịch diệt là vui, vừa là Chân thể kim cang chẳng biến đổi chẳng hư hoại, vừa là Nguyên thần từ vô thủy chẳng sanh chẳng diệt, vừa là chẳng thể đo lường, chẳng thể ca ngợi, chẳng thể nghĩ bàn, công đức không ngằn mé, vừa là Pháp thân thanh tịnh, Báo thân viên mãn, Hóa thân thiên bá ức, Phật Tỳ-lô-giá-na.”
Những người học đạo, nếu như hiện hành chưa đoạn, tập khí phiền não lại sâu đậm, ghé mắt sanh tình, chạm trần thành trệ, dù rõ xong ý nghĩa sanh tử, mà sức kia chưa đủ, chẳng thể chấp rằng: “Ta đã ngộ xong, phiền não tánh là không, nếu khởi tâm tu lại là điên đảo.” Thế nhưng, tánh phiền não dù không, mà hay khiến thọ nghiệp. Nghiệp quả không tánh, mà cũng tạo nhân khổ. Khổ đau tuy hư dối, vậy mà khó nhẫn là sao? Nếu như bị chứng bệnh không thì thể bệnh toàn là không, đâu cần tới thầy thuốc và uống các thứ thuốc men? Nên biết là nói và làm trái nhau, hư thật có thể nghiệm thấy rõ. Chỉ lượng căn cơ, lực dụng, chẳng thể tự dối gạt mình. Xét niệm ngừa lỗi quấy, cần phải chín chắn. Nên nói: Muôn pháp do nơi tâm, tất cả ở tại ta. Trong rỗng, ngoài trọn chẳng thật. Trong tinh tế, ngoài trọn chẳng thô suất. Tâm phàm thì ba độc quấn chặt. Tâm Thánh thì sáu thông tự tại. Tâm không thì một đạo thanh tịnh. Tâm có thì muôn cảnh dọc ngang. Như hang trống đáp tiếng vang, nói to thì vang lớn. Tợ gương soi hình tượng, hình cong thì bóng nghiêng. Nên nói: Muốn ngoài được an hòa, chỉ bên trong cần yên tĩnh. Tâm rỗng rang thì cảnh vắng lặng, niệm dấy lên thì pháp sanh khởi. Nước đục thì sóng mờ, đầm trong thì trăng hiện. Yếu chỉ tu hành chẳng ra ngoài điểm này. Có thể nói: Chỉ nắm được tâm, lo gì chẳng xong vậy!