Xét bởi, tình trần từ bao thuở, biển ái trong nhiều đời. Giống hệt hoa rêu bám vào kiếm, tựa bùn nhơ nuốt hòn ngọc; không có đá mài thì chẳng nhả ra, trừ bỏ bợn nhơ thì mới sáng soi. Muốn được tâm thanh tịnh, không gì hơn là sạch hết cấu uế. Người ngộ cần luôn giác quán, kẻ mê siêng gia công chiết phục. Còn như đối với gông cùm tham ái, cũng phải hết lòng miên mật suốt cả năm tháng. Nên Khổng Tử nói: “Khốn cùng mà chẳng chịu học, đây là hạng thấp kém vậy.” Tất cả bậc Hiền Thánh đều xứng với tâm mà làm. Pháp tánh không bờ mé, biển hạnh khó đo lường. Vì vậy, hoặc trong một sát-na hành đủ vô số kiếp, hoặc hằng hà sa kiếp chưa hết một niệm. Đều bởi người có hiền ngu, căn cơ có lợi độn, mà ngộ có chậm mau vậy. Hoặc đã ngộ nhập thôi dứt quá sớm, trí chẳng vào tới đạo vi diệu, thì khó thắng nổi tập khí. Nếu một niệm chẳng hết sạch, tức là cội gốc sanh tử, sẽ bị gió nghiệp lôi đi, trở lại vào trong bào thai thân sau. Như Tô Đông Pha là thân sau của Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh trở lại làm Lỗ Công. Sau khi đã tạo nên cái nhân thì theo duyên mà lưu chuyển. Nên nói: Đạo có tiêu mà không có lớn, nghiệp có thêm mà không có bớt. Hoặc kẻ có duyên sâu với Bát-nhã chẳng rơi vào ba đường dữ mà ra thai vào thai cũng rất khổ nhọc. Huống chi người thời mạt pháp hiện nay, căn khí phần nhiều thấp kém, nhân vì khó khổ mà đi xuất gia, phát tâm đã không chân chánh, công phu lại chẳng tinh thuần. Một phen tình cờ ở nơi cơ phong của Phật Tổ hiểu biết được ngôn ngữ, hoặc ngộ được chỗ xưa nay thành Phật, chỗ ngay đó tức phải, chỗ ý thức nghĩ chẳng đến, ngôn ngữ nói chẳng kịp, chỗ tất cả chẳng thể được, tức cái chẳng thể được cũng chẳng thể được, đem hòa hội với câu nói của người xưa thảy đều tương tợ. Đã được cái hiểu tương tợ, liền tỏ vẻ lạ lùng nói: Rong ruổi tìm kiếm đã thôi dứt, ta là đạo nhân vô sự. Biết được phiền não là huyễn, thì cứ buông tình để cho phiền não tự do. Biết được tu hành vốn không, liền thả ý để làm hư hỏng việc tu hành. Bảo rằng bố thí vốn không, trái lại bỏ bố thí mà giữ lấy keo kiết. Bảo rằng nhẫn nhục vốn không, trái lại thuận theo tình mà bỏ nhẫn. Hoặc nói đến giới thì nói: Vốn không trì phạm, cần gì trọng trì mà khinh phạm. Hoặc nói đến thiền thì nói: Vốn không định loạn, cần gì bỏ loạn mà giữ lấy định. Thuận theo tình ý, bàn luận có không. Hãy nói, lửa yêu ghét, khen chê vừa chạm đến liền bốc cao, gió sanh già bệnh chết thổi nhẹ qua đã động, tranh nhân tranh ngã, nói phải nói quấy. Đến nỗi lấy tánh nóng làm khí phách, lấy ngã mạn làm thừa đương, lấy xảo quyệt làm cơ dụng, lấy vọng ngữ làm phương tiện, lấy buông lung làm du hí, lấy lời thô làm gỡ dính, ca ngợi kẻ phá giới luật không có công hạnh gì, khinh lờn bậc mẫu mực có thực hành. Chỉ nghiêng về một bên lý, nên đối với chỗ cùng huyền cực diệu (chỗ tột của đạo), không có dấu vết gì. Dứt bỏ sạch bên cửa thực hành, nên buông thả tâm ý, không còn qui củ. Miệng nói niệm Phật, tụng kinh, lễ lạy là Tiểu thừa chấp tướng; dạy người tu tập, còn chính mình thì ngồi chơi. Hoặc suốt năm chẳng lạy một vị Phật, chẳng một lần lễ sám hối, chẳng tụng một bộ kinh. Trái lại, những sách vở thế gian không cần thiết thì ghi chép, hạnh người tu không nên làm việc thế tục mà làm, xưng là bác học. Khinh rẻ quả Phật chẳng chịu tu, cũng không cần làm một chút điều lành. Khiến cho trẻ nhỏ hậu sanh ra vẻ thông minh, chỉ tìm kiến giải, vừa có chỗ hiểu biết liền cho là một nhảy thẳng vào, còn gì phải nói. Rồi ngông cuồng ngạo mạn, cống cao trừng trợn, miệng nói bừa bãi, thân không chọn bạn. Chẳng nghĩ đến tình dục thế gian vẫn đầy tràn không ngằn mé, thế nào lại dùng lời hoạt bát mà phá vỡ cửa nhân quả! Tự lầm làm lầm mọi người, đâu tránh khỏi bị chìm đắm. Nếu chẳng bị ma thâu nhiếp, nhất định phải đọa mãi nơi tam đồ, chịu cảnh núi đao rừng kiếm để đền lại cái nhân trước kia, và mang lông đội sừng để đáp trả cái quả sau đó.
Chớ nói “ta là người đã giác xong, giải ngộ rồi, nghiệp không thể trói buộc”. Nói nghiệp không thể trói buộc, chẳng phải nói có mà thành không, chính do không mà tự không. Sống đã theo cảnh liền động, khi chết làm sao chẳng theo nghiệp thọ sanh? Nên nói: Trước mắt một niệm hiện tướng sân, chính là hình ảnh con rắn dữ. Trước mắt một niệm hiện tướng tham, chính là giống nòi ngạ quỉ. Cái nhân niệm không hình tướng thì rất nhỏ, mà quả báo có hình tướng lại rất lớn. Sự nhỏ nhiệm của một niệm được giữ gìn trong ruộng thức, dù trải qua ngàn muôn kiếp vẫn không mất. Nên Cổ đức nói: “Bậc hiền triết ngày trước chí to tát, tâm tinh thuần, xét lý miên mật không quên một thời khắc nào, ngầm thực hành thần linh cũng khó lường; sớm tối như đi vào vực sâu, đạp trên băng mỏng, hẹn kỳ chứng ngộ, thì tự nhiên đủ cứu được mình; trọng thật chẳng trọng rỗng, quí làm mà chẳng quí nói, đi qua có mà chẳng trụ có, thực hành không mà chẳng kẹt không; từ điều thiện nhỏ mà chứa thành công đức thù thắng nương cái nhân tí xíu mà được thành cái quả to lớn.” Huống lại, người hiện nay vô minh phiền não hừng mạnh còn nguyên, mà muốn đem cái kiến giải tương tợ để làm tiêu hết nghiệp dữ kia, mong ra khỏi tam đồ, thật không có lẽ đó. Nhằm giúp cho hạng người này, chẳng thể lấy chút ít cho là đủ, thường theo như lời nói mà tu hành, trọn chẳng đuổi theo hạng thiền trên đầu môi.
Nếu đem chỗ thấy hiểu tương tợ mà lo nói cho sướng miệng, thì như trùng đục cây ngẫu nhiên thành chữ, hay tợ con chim học nói rỗng, hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Phiền não đã chẳng bớt, ngã mạn lại thêm cao. Đó là chấp bậy tà không, chẳng phải khéo đạt pháp thể. Huống một mạch sống nơi cửa ngộ hiện nay, tuy nói là chẳng dứt, mà bậc Thiền học ở Trung Quốc như lúa, mè, tre, lau nhưng người được diệu ngộ có mấy người? Như nói từ đời Đường, Tống trước kia đến nay có vài ba vị cư sĩ tại gia, lối đi ngay thẳng đáng dùng để lưu thông pháp này. Song đã là cư sĩ thì chẳng đồng với hàng Sa-môn Thích tử, còn có giới luật giữ chặt mình, mới đem thân vào trong nhà lửa, đưa tâm vào biển phiền não. Còn họ tuy thông thạo việc đời, hoặc có kẻ bên trong loáng thoáng được một cửa vào, nhưng đạo lực rất cạn. Hoặc có kẻ giỏi tài văn chương, rất mực phong lưu như Hoàng Lỗ Trực, Bạch Lạc Thiên, Tô Tử Chiêm; học đạo như Hồ Khang Hầu, Trương Tử Thiều… đều được xếp vào Truyền Đăng. Nói chung nhóm người trên đây, chưa nói là được tất cả vô ngại. Huống nữa, với kẻ cuồng giải thời nay, kẹt danh chấp tướng, chính là phàm phu hữu lậu, nếu bài bác nhân quả, thì đúng là hạng ngoại đạo chấp không.
Hoặc có kẻ, tự mình chướng sâu tuệ cạn, thầy truyền dạy cho mà chẳng sáng, bị tà nhập đến tận xương tủy, bỏ mất chân thật.
Hoặc có kẻ, giới pháp sơ sài, cương thường lộn xộn, phạm đến những điều ngăn cấm.
Hoặc có kẻ, giáo lý chưa sáng tỏ, bàn bậy nghĩa sai lầm, rơi vào ngoại đạo.
Hoặc có kẻ, hạnh nguyện đều chẳng tu, mê mờ vào nẻo tà, đọa nơi chấp trước của ma.
Than ôi! Muốn cho người không mê lầm thật khó! Tôi tuy không phải người mẫn tiệp mà thật tình thương xót họ lắm! Song tôi cũng đành chịu vậy thôi! Người xưa nói: “Nắm tay kéo người đi chẳng được, chỉ người tự chịu đi mới tương ưng.” Nên Tổ Qui Sơn mở ý cho rằng: “Kính mong hãy dấy chí quyết liệt, mở lòng thông suốt, động dụng cần nhìn lên bậc trên, chớ chuyên theo hạng tầm thường. Đời nay phải quyết đoán ngay, toan tính chẳng do người khác.” Hoặc chỗ phồn hoa, huyên náo phải tránh xa; hoặc chỗ quán rượu, lầu ca, chỗ ân nghĩa quen thuộc dạo chơi, chỗ thi đàn, văn xã, hơn thua chữ nghĩa, chỉ trích xưa nay, so sánh hay dở; hoặc chỗ đạo học giảng nói đâu đâu không ý nghĩa gì, chỗ nhà nghĩa giải đua tranh danh tướng, khoe khoang tiểu trí, chỗ cuồng giải về tông thừa, vọng bàn đốn ngộ mà xem thường giới luật, mỗi mỗi đều phải tránh xa. Vì sao? Vì những nơi đó làm cho rối đạo, cùng với ma khác gì. Tránh xa những chỗ như trên thì tất cả đạo nghiệp sẽ thành tựu xong.
Lại người xưa cũng nói: “Tất cả cơ ngộ, chẳng phải bạn lành thì chẳng phát được. Tất cả pháp ác, chẳng phải bạn lành thì chẳng ngăn dừng được.” Như nhà Nho nói: “do văn mà gặp bạn, do bạn mà giúp cho lòng nhân”, là ý đó. Ví như tánh gió tuy rỗng, từ rừng chiên-đàn thổi mùi hương tới, thì gió có mùi thơm lạ; hoặc do thổi qua đám phân nhơ mà bay tới, thì gió liền hôi thúi. Với bạn thì cũng như vậy. Do đó người tu hành tìm bạn, phải phân biệt thật kỹ giữa nhơ và sạch: Một là bạn bè ở chốn rừng núi thảnh thơi, vì hay ngăn được tâm nóng bức. Hai là bạn bè giữ kỹ giới luật, vì hay lợt lạt về ngũ dục. Ba là bạn bè trí tuệ rộng lớn, vì hay ra khỏi bến mê. Bốn là bạn bè nhớ giỏi hiểu rộng, vì hay giải quyết những nghi ngờ nạn vấn. Năm là bạn bè sống yên vắng khắc khổ, vì hay nương nhờ để tiến thủ. Sáu là bạn bè khiêm hạ nhẫn nhục, vì hay làm tiêu mòn ngã mạn. Bảy là bạn bè lòng thẳng nói ngay, vì hay đè bẹp các lỗi. Tám là bạn bè dõng mãnh tinh tấn, vì hay thành tựu đạo quả. Chín là bạn bè xem nhẹ của cải ưa bố thí, vì hay phá lòng keo kiệt to. Mười là bạn bè nhân từ che trùm các vật, vì hay xô dẹp những chấp ngã nhân.
Nếu không có bạn trong sạch như thế, tức phải lui về ở một mình, tự lo cho xong đạo nghiệp. Dùng tượng Phật làm thầy, dùng kinh luận làm bạn, ngoài ra những kẻ đùa chơi khác, thà dứt tuyệt chớ kết giao. Như vào trong vườn, dù không có hoa đẹp, cũng chẳng trồng thứ cỏ hôi, không ích gì cho tâm thưởng ngoạn, chỉ luống thêm sự chán ghét thôi. Nên Hòa thượng Vĩnh Minh nói: “Thân ở trong biển khổ, cậy có Thiết La-hán. Đã ra khỏi biển khổ, thì bỏ bè lên bờ kia.” Nên nói: “Nếu người bên trong mang Thánh thai thì nói ra lời quả cảm, khác thường, lời nói không do dự.”
Hoặc giả có người xem qua luận này, cho lời tôi nói là xác đáng, thì chóng nên ăn năn sửa đổi, sanh lòng rất hổ thẹn, phát đại dõng mãnh, tự nhận gánh vác lấy. Đời nay chẳng rõ xong, còn đợi đến bao giờ? Nên nói: “Từ phàm vào Thánh chưa có ai chẳng tu mà được.” Nếu muốn sáng được việc trên bổn phận, đời nay chẳng nhận lấy xong xuôi, thì hãy xem văn dưới đây, giải thẳng mười bài tụng rành rẽ cả đầu đuôi.