Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Phần 1 - Nói Thẳng Về Mới Điều Phục (chánh văn)



Một phép mới điều phục này, chính là bổn phận trong hàng tăng sĩ, chẳng can hệ gì đến việc thế tục. Theo Vĩnh Gia Tập nói: “Như muốn tu đạo, trước cần phải lập chí.” Lại nói rõ về cách lập chí mộ đạo, phép thờ thầy, trình bày việc dạy dỗ theo khuôn phép, kế đến là trừ bỏ ý kiêu xa, để dừng vọng tâm quấy động. Rồi tiếp là làm sạch ba nghiệp, kiểm trách kỹ càng, răn giữ thân khẩu ý, khiến cho lỗi thô chẳng sanh, mới hay điều phục được thân tâm vậy.

Nguyên bởi, Chân tâm không vọng, Trí tánh sẵn sáng ngời, trong lặng nhiệm mầu không xen tạp; nhưng do vọng chợt khởi, thoạt đó liền mê mờ đánh mất tánh tinh nguyên, cái trong lặng bị dính khằn mà phát ra cái biết, nên chuyển trí thành thức. Vọng tâm ở trong thân gọi đó là thức. Tâm vốn không biết, do thức nên biết. Tánh vốn không sanh, do thức nên sanh. Hạt giống sanh thân nảy mầm từ đó, rồi nở hoa hữu lậu, kết trái sanh tử. Người hiện nay vọng nhận trong tấc vuông (tâm) có vật sáng rỡ linh thông (chiêu chiêu linh linh), hồn nhiên cùng các vật đồng một thể, liền cho là nguyên thần ở đấy. Đâu chẳng biết, đây tức là thức thần tử tử sanh sanh, là chủng tử luân hồi kiếp kiếp. Nên Hòa thượng Cảnh Sầm nói:

Người nay học đạo chẳng tỏ chân,
Chỉ vì từ trước nhận thức thần.
Vô lượng kiếp rồi gốc sanh tử,
Kẻ si gọi đó bản lai nhân.

Than ôi! Người đời đem kẻ tớ cho là chủ mà không hay biết, nhận giặc làm con mà chẳng thức tỉnh. Do đó Thế Tôn dạy người, trước đoạn dứt cội gốc vô thủy luân hồi. Cội gốc này đã đoạn dứt, thì các thức không chỗ nương, trả lại Bản thể thường sáng tỏ từ thuở ban đầu của ta. Thế nhưng, đạo lớn thì mênh mông, phải tùy theo chỗ mà ra tay. Mới biết, muốn sửa vạt áo cho ngay bằng, hẳn phải kéo cổ áo lên. Muốn sửa lưới cho thẳng, cần lôi giềng lưới lên.

Trước kia, dưới cửa Tổ sư chỉ ra một con đường chánh tu hành, dạy người từ ngay đầu nguồn mà khởi công. Nếu đầu nguồn đã trong sạch, thì lý thật luôn luôn hiện tiền, thức và niệm tự nhiên ô nhiễm chẳng được. Ví như mặt trời đã lên cao giữa hư không, thì ma quái đều bặt dấu. Một pháp môn tâm địa này, chính là đạo của ngàn Thánh xưa nay chẳng đổi. Cho nên, trái với nó thì phàm, thuận với nó thì Thánh, mê nó thì sanh tử bắt đầu, ngộ nó thì luân hồi ngừng dứt. Vậy muốn dừng luân hồi không gì bằng thể nhận “chí đạo”. Muốn thể nhận chí đạo, không gì bằng quán chiếu Bản tâm. Muốn quán chiếu Bản tâm, cần mở rộng mắt rỗng soi xét. Luôn khiến cho trăng tỏ rọi sáng ngời, thường ở trong định mà trí tuệ chiếu soi. Luôn luôn giữ được trong chỗ thất tình chưa phát này. Luôn luôn bảo toàn được thể bát thức chưa nhiễm này. Thì, ngoài dừng các duyên, trong bặt các vọng. Gồm thu ánh sáng nơi mắt, lắng đọng âm vận nơi tai, điều hòa hơi thở nơi mũi, bịt kín khí vị nơi lưỡi, tay chân chẳng động. Khiến cho năm thức: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, mỗi thứ trở lại căn của nó, thì năm thứ linh: tinh, thần, hồn, phách và ý, mỗi thứ yên nơi vị của nó. Trong hai mươi bốn giờ thường xem kỹ bên trong sự chạy rong của con trâu này, lẫn với thường lắng nghe ngược lại sự thuần thục hay buông lung của nó. Cả đến mọi cử chỉ hành động, niệm niệm chẳng rời nó. Cũng như, đi đứng nằm ngồi, tâm tâm luôn ở ngay con trâu này. Không thể một sát-na quên mất chiếu soi hay thoáng chốc trái nhau. Thần quang vừa phóng ra liền thu lại. Trong lúc vội vàng vẫn không tách rời. Thường ở ngay đây mà luôn để ý chiếu soi. Như ông Tử Tư nói: “chẳng thể rời trong giây lát”, là đấy.

Lại, trước còn giữ nó để cho trống hết tâm kia. Kế quên nó để mở rộng cái lượng kia. Tùy chỗ, tùy thời đều tự tại vô ngại.

Song, người học chỉ cốt lo dẹp trừ sáu thức, thì càng nên rõ biết chỗ trước sau. Ý tuy là chủ soái của sáu thức, mà mắt chính là tiên phong của năm giặc. Nên bậc Tiên đức nói: “Tâm là then chốt, mắt là giặc trộm.” Muốn hàng phục tâm kia, trước phải thu nhiếp mắt kia. Bởi cây nỏ thì sự phát động ở tại bộ phận máy, tâm thì sự duyên dẫn ở tại mắt. Bộ phận máy chẳng động thì nỏ đứng yên. Mắt chẳng động thì tâm đứng yên. Phải biết, vọng niệm dấy lên từ thức căn, đối với cảnh mà thành vọng, chẳng phải có thật thể. Khi ở chúng sanh, thì trí yếu thức mạnh nên chỉ gọi là thức. Ngay khi ở Phật địa, thì trí mạnh thức yếu nên chỉ gọi là trí. Chỉ chuyển tên kia mà chẳng chuyển thể kia. Ban đầu thì một nguồn tâm rỗng rang trong lặng, rồi do “tri kiến lập tri”, vọng trần sanh khởi, nên có vọng niệm. Nếu “tri kiến vô kiến, tư tức Niết-bàn”, thì Trí tánh chân thật thanh tịnh sẽ trở lại trong lặng nhiệm mầu, rỗng suốt trọn vẹn, ý niệm liền tiêu. Ý niệm đã tiêu, thì từ thức thứ sáu trở xuống, không thức nào chẳng đều tiêu hết. Tức là chỗ ngài Văn-thù bảo: “Một căn đã trở về nguồn, sáu căn trở thành giải thoát.” Đã không sáu căn thì không sáu trần, đã không sáu trần thì không sáu thức. Đã không sáu thức thì không chủng tử luân hồi. Đã không chủng tử luân hồi, thì một điểm Chân tâm của ta, đứng riêng không chỗ nương, rỗng rang, mênh mông, sáng rỡ, lặng trong, muôn kiếp thường còn, hằng không sanh diệt.

Đây là pháp chỉ thẳng tâm người, rất rõ ràng xác thật, chặt thẳng làm sao! giản dị làm sao! Chỉ hay chăm lo cội nguồn quán chiếu con trâu này, lâu rồi thì tự nhiên tâm không, mênh mông lóng đứng, lặng lẽ chẳng động, vắng bặt chẳng nghĩ, rỗng toang tâm mở, tỏ suốt thấy tánh. Đây là chỗ nói: da mỏng da dày đều rớt sạch, một Thể chân thật hiện tiền.

Công phu đến đây thì tự nhiên tinh thần sáng tỏ, trí tuệ thông suốt, tâm tánh linh thông, khắp được đại tự tại. Mới biết, tất cả chư Thánh đều từ pháp môn tâm địa này, phương tiện mà vào, sẽ được thành Phật, làm Tổ, làm thầy trời người, phàm phu không thể chứng đến. Do người chẳng nhận biết Tự tâm, nên kinh Phật nói: “Tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mê muội điên đảo Bản tâm chẳng tự giác ngộ, vọng nhận bốn đại làm thân, duyên lự làm tâm. Ví như bỏ đi trăm ngàn biển cả chỉ nhận lấy một hòn bọt nhỏ.” Do đây trên mê thêm một lớp mê, trong vọng thêm một lớp vọng, theo cảnh mà lưu chuyển, để mắt sanh tình, muôn điều lấy bỏ, không lúc nào tạm rảnh. Đến nỗi khiến cho dấy lên mê lầm tạo nghiệp, lẩn quẩn trong sáu đường, chẳng ra khỏi được. Rốt cùng cái mờ mịt ban đầu (minh sơ) đều do cái lỗi một thoáng vọng mê chân vậy. Nên biết, ba cõi chỉ có tâm, kẻ mê thì ngoài tâm chạy tìm pháp, người trí thì thấy cảnh chính là tâm. Cảnh tức là cảnh của tâm, tâm tức là tâm của cảnh. Đối cảnh chẳng mê, gặp duyên chẳng động, năng sở làm thành lẫn nhau, một thể không khác. Nếu hay đạt cảnh chỉ là tâm, liền đó ngộ tâm thành đạo. Giác tột vọng niệm từ vô thủy, nhiếp thu cảnh trở về tâm, Chân như ra khỏi trói cột (xuất triền), lìa cấu nhiễm được giải thoát. Hằng hợp với thanh tịnh bản nhiên, thì chẳng còn sanh trở lại. Và núi sông, quả đất, mọi tướng hữu vi, như vàng ra khỏi quặng, trọn chẳng còn dính bụi đất. Dường như cây đã cháy thành tro, đâu có mọc cành lá lại nữa. Một phen được là được mãi, tột đến mé vị lai thoát hẳn cảnh giam giữ, ở mãi nơi cõi Thánh vậy.

Song đại đạo Nhất thừa tối thượng này, nếu người căn khí lanh lợi, một nhảy liền thẳng vào đất Như Lai. Nếu người căn khí chậm lụt thì phải làm thế nào? Hẳn phải do công phu học từ dưới lên trên, thứ lớp dẫn vào pháp môn, mới có thể được. Khiến cho họ đi một bước tự có hiệu nghiệm một bước, lên một cấp tự có khuôn khổ một cấp. Đó cũng chính là ý đi xa thì từ gần, lên cao thì từ thấp. Nếu chẳng biết ra tay thực hành công phu vào cửa thì đâu hay chóng đến địa vị xong xuôi tột bậc. Nếu chưa thể tận tâm, thì đâu hay rõ tánh. Chưa thể minh tâm, thì đâu hay kiến tánh.

Nên biết, minh tâm chính là mái chèo trí tuệ trong biển sanh tử, kiến tánh chính là thuốc hay trong bệnh phiền não. Nếu như sau khi được minh tâm kiến tánh rồi, lúc đó mới dùng cảnh giới trị sạch tự tâm, dùng tinh tấn làm cho tự tâm kiên cố, dùng nhẫn nhục làm cho tự tâm phẳng lặng, dùng giác chiếu làm cho tự tâm trong sạch, dùng trí tuệ làm cho tự tâm bén nhạy sáng suốt, dùng Tri kiến Phật làm cho tự tâm mở bày, dùng bình đẳng Phật làm cho tự tâm rộng lớn. Nếu sáng tỏ được tâm này, thì chóng vượt khỏi sanh tử, viên chứng Niết-bàn. Nếu mê mờ tâm này thì luân hồi mãi mãi, bỏ mất tánh chân, cho nên trọn chẳng ra ngoài tâm này. Nếu lìa tâm này thì không riêng có huyền diệu vậy. Về sau, dù có công phu thứ lớp, chẳng qua chính là thành tựu “cái ấy” mà thôi.

Những lời trên đây chính là phương pháp tu hành, là yếu thuật thành tiên chứng Thánh, là cửa tròn đủ vào đạo, vào đức. Xưa ngài A-nan nhớ giỏi không sót điều gì (đa văn tổng trì) nhưng trải nhiều năm mà chẳng lên được Thánh quả. Khi dừng duyên chiếu soi trở lại, liền chứng vô sanh. Bởi tâm phàm phu trọn ngày cứ chạy ra ngoài, thì mỗi lúc càng xa, càng trái đó thôi.

Là bậc học đạo, chẳng lo gì không thành tựu, chỉ lo chẳng siêng năng. Nếu hay ròng rặc và siêng năng, thì chưa có ai tham thiền mà chẳng ngộ. Giả sử lập chí chẳng vững, niềm tin đạo chẳng mạnh, sớm làm chiều lại đổi thay, mới đầu siêng năng đến giữa chừng thì buông nghỉ, thích trong chốc lát, lại chán với thời gian lâu dài. Như thế mà mong mỏi được cùng làm bạn với chư Tổ, thật là ngông cuồng thay!

Một pháp mới điều phục này, tạm trình bày ít lời, để lại cho người đồng chí hướng soi rọi. Được vậy, mới mong chẳng rơi vào không, kẹt theo tà kiến, thì pháp môn rất là may lắm! Mà tôi cũng may lắm! Chỉ một bài điều phục trâu này, đại khái là như vậy, học giả cần biết rõ. Nói xong!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.