Chánh văn:
Phật dạy: “Người tu đạo như một người chiến đấu với muôn người, mặc áo giáp ra ngoài thành, hoặc có ý khiếp nhược, hoặc nửa đường thoái lui, hoặc đánh nhau đến chết, hoặc đắc thắng mà về. Bậc Sa-môn học đạo phải giữ vững tâm mình, mạnh mẽ tiến tới, chẳng sợ cảnh trước, đánh tan tất cả chúng ma, đắc thành đạo quả.”
Giảng:
Đức Phật ví người tu giống như người mặc giáp ra trận. Áo giáp của tu sĩ Phật giáo là giới, định, tuệ. Chiến đấu với muôn người là chiến đấu với những cảnh thuận nghịch có thể ảnh hưởng tới đạo tâm mình.
Khi mặc giáp ra ngoài thành chiến đấu hoặc sanh tâm khiếp nhược, sợ hãi. Nghĩa là gặp cảnh liền dính, bị cảnh chuyển, bị cảnh dẫn đi. Như ưu ái người khen mình, không thích người phê bình mình…, đó là đã sanh tâm phân biệt, đã khiếp nhược, đã thua. Người tu phải thương yêu bình đẳng, không có thương nhiều thương ít, càng không được ghét thù. Ngoài ra, khi mới xuất gia, bắt đầu học giới định tuệ, liền nói “chắc con giữ không được, thôi con hoàn tục, không tu nữa”, đó cũng là có ý khiếp nhược, vừa thấy khó là thoái tâm.
“Hoặc nửa đường thoái lui”, tu một thời gian thấy khó quá, không thấy tiến mà cứ bị cảnh chuyển, nên bỏ tu, trở ra đời.
“Hoặc đánh nhau đến chết”, nghe đánh nhau đến chết cũng hay, sao Đức Phật lại chê? Chết đây không phải là chết thân, mà là tu một thời gian rồi chết đạo tâm. Không phải ra đời, mà là không còn tâm đạo, không còn tha thiết tu hành, chỉ lửng thửng qua ngày, tu cầm chừng qua bữa.
“Hoặc đắc thắng mà về”, chỉ cho người cuối cùng đắc thắng khải hoàn, tức là người giữ được trọn vẹn đạo tâm, thắng tất cả nội chướng ngoại ma, viên mãn công hạnh tu tập, thành tựu đạo quả cứu cánh.
Đức Phật hợp pháp lại: “Bậc Sa-môn học đạo phải giữ vững tâm mình, mạnh mẽ tiến tới, chẳng sợ cảnh trước, đánh tan tất cả chúng ma, đắc thành đạo quả.” Là người xuất gia học đạo phải giữ vững tâm đạo, giữ vững chí nguyện xuất gia ban đầu, mạnh mẽ tiến tới, không để thoái lui.
Có một Ni cô nhỏ tuổi, xuất gia một thời gian đã nói: “Khi chưa tu một lu nước mắt, tu rồi ba lu nước mắt”. Nghĩa là theo cô thì vô chùa còn phiền não nhiều hơn lúc ngoài đời, vì ở chùa phạm lỗi, bị quý sư lớn rầy dạy, chạm vào bản ngã nên khóc, ở ngoài đời được cha mẹ cưng chiều, đâu có rầy la, nên em mới nói như vậy. Nhưng thực ra, nghĩ như vậy, nói như vậy là không ổn. Người xuất gia tu hành chân chánh, khi được rầy dạy không hờn trách, vì biết các vị lớn do thương nên rầy, sợ những sai lầm đó sẽ ảnh hưởng đến việc tu tập của mình nên cản ngăn, la rầy, không để mình tạo nghiệp chẳng lành. Nếu hiểu những lời rầy dạy là giúp mình tiến thân trên đường đạo, thì dù những lời đó có trái tai đến đâu, mình cũng thấy vui. Vì mình còn ngã nên ai đụng tới là chịu không nổi, tâm sanh phiền não, nếu vượt qua được sẽ tiến bộ nhanh chóng, sau này không còn dễ khóc nữa. Cho nên, phiền não lúc mới tu cũng là chuyện bình thường. Người nào bị rầy không khóc là công phu đã khá lắm rồi.
Về vấn đề rầy la thì cũng tùy quan điểm của người Thầy, mà có sự nặng nhẹ khác nhau, nhưng đều là xuất phát từ tâm từ bi của người Thầy đối với đệ tử. Bản thân là người tu, dù gặp cảnh thuận hay nghịch đều phải mạnh mẽ tiến tới. Nếu gặp cảnh thuận, cũng phải luôn nhắc mình tu tiến; còn gặp cảnh nghịch, cũng phải ở trong đó mà tiến đạo, chứ không phải gặp cảnh nghịch thì thoái lui, gặp cảnh thuận thì buông lung. Có những vị gặp cảnh thuận tu rất tốt, nhưng gặp cảnh nghịch tu không tốt và ngược lại.
Thế nên, nếu là người chân chánh tu đạo, gặp cảnh nào cũng tạo cho mình một đường tu tốt nhất. Gặp cảnh thuận thì nương sự thuận này để tu tốt hơn; còn gặp cảnh nghịch cũng cố gắng vượt lên, không để thối lui.
“Chẳng sợ cảnh trước”, tức cảnh thuận hay nghịch đều không sợ mới có thể vượt qua não phiền mà đạt thành đạo quả.
Đây là những bài kinh dành cho người xuất gia. Trong 42 bài, phần lớn là dành cho người xuất gia. Có vài bài dành cho người tại gia, có những bài dành cho cả người xuất gia lẫn tại gia. Những bài Đức Phật gọi là “sa môn” thì chỉ dành cho người xuất gia, đòi hỏi cao hơn nhiều, mình cũng phải theo lời Phật dạy mà tu dõng mãnh hơn, tinh tấn hơn.