Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 31



Chánh văn:

Có vị Tỳ-kheo lo lòng dâm dục không dứt, nên muốn tự cắt đứt âm bộ mình. Phật dạy vị ấy rằng: “Cắt bỏ âm bộ đâu bằng đoạn tâm dâm dục. Tâm như quan công, quan nếu nghỉ việc, tùy tùng cũng đều nghỉ. Tà tâm chẳng dứt, cắt âm bộ có ích gì?”

Phật vì đó nói kệ:

Dục sanh từ ý ông,

Ý do tư tưởng sanh.

Ý, tâm đều vắng lặng,

Chẳng sắc cũng chẳng hành.

Phật nói: “Bài kệ này là do Đức Phật Ca Diếp nói.”

Giảng:

Có  vị Tỳ-kheo lo sợ lòng dâm quá mạnh, ham muốn không vượt qua được, nên có ý định tự thiến. Đức Phật biết, đã ngăn cản và dạy rằng: Nếu tâm dâm không hết thì có thiến vẫn vậy.

Thời phong kiến, các hoạn quan đã bị thiến, nhưng vẫn làm chuyện nam nữ, vẫn sống như vợ chồng với cung nữ. Không làm được chuyện đó theo cách bình thường thì họ làm cách khác, đại khái là vẫn làm chuyện dâm dục.

Cho nên, Đức Phật nói đoạn âm bộ, tức cắt bỏ cái đó đi, nhưng nếu tâm dâm còn vẫn sẽ tìm cách để thỏa mãn, nên đâu có ích gì! Chỉ cần bỏ tâm dâm, không để nó chi phối, dù gặp người khác phái cũng không sao, vì bản thân bộ phận sinh dục không có lỗi, lỗi do tâm thôi. Nếu tâm không còn dâm, có âm bộ cũng đâu thành vấn đề. Như câu chuyện Ngài Liễu Hạ Huệ ôm cô gái trong lòng, do không tâm nhiễm nhơ nên chẳng hề làm bậy.

 Nên ở chương này, Đức Phật dạy quan trọng là ở tâm. Tâm ở đây cũng chính là ý, mà ý là từ tư tưởng sanh. Vì khởi tưởng nên mới sanh tâm. Nếu không khởi tưởng tà thì tâm không sanh, tâm không sanh thì thân không làm.

Thế nên, Thanh quy không cho người tu đọc những sách về tà dâm, về tình ái, hoặc những chuyện thế gian. Vì nếu đọc, tư tưởng sẽ bị nhiễm, do đó dễ dàng phạm lỗi. Nhiều khi mình nghĩ, tôi chỉ đọc sách thôi, đâu có làm nên đâu có tội. Chưa có tội thật, nhưng nó gieo mầm mống vào tư tưởng mình, khi gặp duyên sẽ phạm.

Tại sao hiện giờ nhiều bé còn nhỏ mà đã biết làm chuyện đó? Bởi chúng đã xem những điều đó trên các hệ thống mạng xã hội, nên khi gặp là bộc phát. Nam nữ có xu hướng hút nhau, như điện âm và dương, gần gũi quá rất dễ xảy ra chuyện.

Thời đại bây giờ, tìm một người nam hay nữ còn giữ được trinh trắng trước khi cưới là rất hiếm, đa phần họ đã sống trước với nhau. Có những bé chưa đủ 16 tuổi mà đã sống như vợ chồng với nhau. Do chúng tiếp xúc nhiều với những thứ ấy, nên gặp duyên sẽ sống như vậy.

Đức Phật dạy mình phải cẩn thận giữ tâm. Thay vì đọc những sách tà, hãy đọc những sách làm thanh tịnh tâm mình, nó giúp mình vượt qua được ham muốn này.

Đức Phật dẫn bài kệ dạy chúng của Đức Phật Ca Diếp:

Dục sanh từ ý ông,

Ý do tư tưởng sanh.

Ý, tâm đều vắng lặng,

Chẳng sắc cũng chẳng hành.

Hai câu cuối hơi cao. Nếu ngộ được ý hay tâm cũng đều là bản thể của mình, thì chẳng có cái gọi là sắc, cũng chẳng có cái gọi là hành, cả hai đều là pháp bên ngoài, chỉ là diệu dụng của tự tâm, thấy như có đó mà không có thật, không có chủ. Giả như không có tự thể tâm, mấy thứ đó cũng không tồn tại.

Trong kinh Duy Ma Cật, có hai vị Tỳ-kheo phạm giới dâm. Ngài Ưu-ba-ly theo luật kết tội diệt tẩn, không cho ở trong chúng. Hai vị rất buồn, và rất hối hận. Ngài Duy Ma Cật nghe chuyện bèn quở Tôn giả Ưu-ba-ly, làm vậy là chặn đường tu của người, vì tuy thân phạm tội mà tự tánh vẫn thanh tịnh, lúc đó vì bất giác nên phạm lỗi, khi đã biết lỗi quay đầu thì hãy để người ta có cơ hội sửa sai.

Đây là cái nhìn của Đại thừa, chỉ đánh giá trên tâm. Lỡ phạm lỗi, thành tâm sám hối, sau đó tự thanh tịnh trở lại, nên mới nói “tánh tội vốn không, do tâm tạo”. Tâm đây là tâm tưởng, không phải bản tâm. Tánh tội không thật, chỉ do tư tưởng tạo nên, thân miệng tạo tội, chứ bản thân cái tội không có tánh, tức nó không có thật, do mình khởi tưởng rồi nói hay làm, mới thành tội.

“Tâm nếu diệt rồi, tội sạch trong”, nếu tâm không còn những ý tưởng xấu nữa, tội tự nhiên dứt. Trước đó mình lỡ làm, sau biết lỗi và buông tâm ấy đi, tội sẽ sạch trong, vì tánh tội vốn không thật.

“Tội trong, tâm diệt thảy đều không; Thế ấy mới là chân sám hối.” Khi nhận được tự tánh, sống trở lại được với tự tánh, biết các pháp bên ngoài chỉ là tướng huyễn. Tạo nhân ác phải chịu quả ác, nhưng nhân ác quả ác cũng chỉ là hình tướng bên ngoài, không ảnh hưởng đến tự tâm thực sự của mình. Cho nên, không vì mình lỡ tạo ác mà bị đoạn dứt tâm.

Có vị hỏi: Con trước khi biết đạo, phạm lỗi sát sanh rất nhiều, giờ có thể tu được không? Đương nhiên là được, Đức Phật từng nói: “Đồ tể buông đao liền thành Phật”. Đồ tể giết chết biết bao nhiêu người, vật, nhưng chỉ cần buông đao liền thành Phật, tức liền có thể tu chứng được. Người đã buông, đã quay trở lại, chắc chắn sẽ tu chứng được. Tuy nhiên như thế, quả ác vẫn phải chịu, vì nhân đã gieo thì quả phải trổ, luật nhân quả không chừa một ai.

Tôn giả Angulimala, trước khi xuất gia đã giết 999 người, nếu không có Phật độ, có lẽ ông đã giết cả mẹ mình cho đủ số 1.000 người. Nhờ Phật hóa độ, Ngài xuất gia và đắc Thánh quả A-la-hán. Mỗi ngày đi khất thực đều bị người hành hạ đánh đập, thức ăn bữa có bữa không, lúc nào cũng trong tình trạng bị thương và ăn không đủ no. Đó là quả báo Ngài phải trả do lỗi giết người, dù đã đắc A-la-hán. Một hôm, trên đường, Ngài gặp một phụ nữ đang nguy kịch vì sinh khó; không biết làm sao, Ngài về Tinh xá thỉnh Phật trợ giúp, Đức Phật dạy Ngài đến nói với người phụ nữ rằng: “Từ ngày ta sanh ra đến nay, tâm luôn thanh tịnh, nguyện đem công đức này hồi hướng cho bà, mong bà được mẹ tròn con vuông.” Ngài vội thưa: “Bạch Thế Tôn! Trước khi xuất gia, con là kẻ sát nhân, giết người vô số, đâu có thanh tịnh ạ.” Đức Phật bảo: “Ta nói sanh đây là sanh trong Phật pháp. Từ lúc tu đạo, ông luôn tinh cần tu tập, giữ tâm thanh tịnh, đã thành tựu được đạo quả giác ngộ. Đem công đức này hồi hướng cho họ, họ tự nhiên sẽ được bình yên.” Ngài vâng lời Phật chỉ dạy, đem công đức tu hành của mình hồi hướng cho người phụ nữ ấy, lập tức bà sanh nở suôn sẻ, mẹ con đều bình an.

Ngài Angulimala tạo nhiều tội ác như vậy, mà thức tỉnh tu hành còn có thể thành tựu được tâm thanh tịnh, chứng được Thánh quả. Dù bị chửi mắng, đánh đập thường xuyên, nhưng đó chỉ là quả báo rất nhẹ so với nghiệp nhân mà Ngài đã tạo. Nghiệp của Ngài, lý ra phải đọa địa ngục chịu cực hình, sau còn phải lãnh dư báo khổ sở ở cõi quỷ, cõi súc sanh, cõi người nữa. Nhưng nay Ngài đã đắc A-la-hán, là thân cuối cùng chịu sanh tử, chỉ bị một chút quả đánh mắng, không được cúng dường khiến phải chịu đói lạnh mà thôi.

Thế nên, quan trọng là chúng ta có chịu tu, chịu chuyển nghiệp hay không, chớ không sợ không chuyển được nghiệp. Vì tất cả tội đều từ ý sanh, muốn dứt tội chỉ cần thanh tịnh ý, muốn thanh tịnh ý thì đừng huân tập tư tưởng nhiễm tạp, xấu ác. Ở đây gọi ý là tâm là chỉ tâm vọng, không phải tâm chân. Tâm chân thì lúc nào cũng thanh tịnh, chưa từng nhiễm ô.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.