Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 4



Chánh văn:

Phật nói: Chúng sanh lấy mười việc làm lành, cũng lấy mười việc làm ác. Những gì là mười? Thân có ba, miệng có bốn, ý có ba. Thân có ba là sát, đạo, dâm. Miệng có bốn là nói hai lưỡi, nói hung ác, nói dối, nói thêu dệt. Ý có ba là tật đố, nóng giận, si mê. Mười việc này không hợp đạo Thánh, gọi là mười hạnh ác. Những việc ác này nếu dừng, gọi là mười hạnh lành. 

Giảng:

Chúng sanh lấy mười việc làm lành, cũng lấy mười việc làm ác. Những gì là mười? Thân có ba, miệng bốn, ý ba. Thân có ba là sát, đạo, dâm, tức là sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Miệng có bốn là nói hai lưỡi tức là nói đâm thọc; nói hung ác tức là mắng chửi người; nói dối là việc có nói không, việc không nói có; nói thêu dệt là dùng lời khéo léo, khôn ngoan lừa bịp người, đó là bốn lỗi ở miệng. Ý có ba là tật đố, nóng giận, si mê, tức là tham, sân, si. Nếu làm mười điều này thì gọi là Thập ác, còn dừng lại thì gọi là Thập thiện. Thập ác là tội đọa địa ngục. Thập thiện là phước sanh lên cõi trời. Hai việc phân biệt rõ ràng. Giáo lý sanh cõi trời là giáo lý thập thiện, thập thiện không gì khác hơn là dừng thập ác. Đây là nói tiêu cực. Nếu nói tích cực, thập thiện có mười điều khác.

Thân có ba là không sát sanh mà phóng sanh; không trộm cướp còn hành bố thí; không tà dâm còn dạy người giữ trinh tiết. Miệng có bốn là không nói hai lưỡi, đâm thọc cho hai bên thù hiềm nhau mà nói cho mọi người hòa hợp; không nói hung ác mà nói những lời hòa nhã, dịu ngọt; không nói dối mà nói lời chân thật; không nói thêu dệt, trau chuốt để lừa bịp người, mà nói những lời chất trực, tức là những lời chân thật, ngay thẳng.

Đó là bốn hạnh thiện của miệng. Ý có ba là không tham lam, lại thêm lòng từ bi bố thí, cứu giúp mọi người; không nóng giận lại còn tập tánh nhẫn nhục; không si mê lại vận dụng trí tuệ sáng suốt.

Người tu muốn cầu thành Phật phải lấy mười điều lành này làm gốc. Giả sử có người tu thiền, nhập định mỗi ngày mười giờ hay mười hai giờ, khi xả thiền ra vẫn còn giận, còn si… thì không bao giờ giải thoát được. Chúng ta tu phải đi từ thấp rồi mới tới cao.

Mười điều lành này tuy thấy thường nhưng sự thực không phải thường. Muốn lên trên thì phải đi qua cái thấp, cũng như khi muốn leo thang tới tột nấc chót phải bước qua nấc thứ hai, thứ ba… Không bước qua những nấc đó mà nói tôi đến nấc chót thì không thể tin được.

Cũng vậy, muốn tu thiền hay muốn giải thoát thì phải đủ những điều căn bản đó. Cho nên người trí, qua những lời Phật dạy căn bản này mà phân biệt được người tu thật hay tu giả. Thí dụ có người khoe tu chứng được pháp này, pháp kia, nhưng khi bị chọc tức liền nổi sân thì người đó nói khoác chứ không có tu chứng thật. Hoặc nếu có người, tuy không nói gì hết, nhưng tám gió thổi không bị lung lay thì vị đó đã hiểu đạo, chứng đạo rồi. Nên muốn biết người tu cao thấp phải nhận xét qua những hành động của họ khi có nghịch duyên xảy đến, chứ không thể căn cứ trên lời nói của họ được.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.