Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Giải

Phần Lưu Thông



Này A-nan, nếu lại có người đem bảy báu đầy dẫy hư không khắp cả mười phương dâng cúng lên chư Phật nhiều như số vi trần, thừa sự cúng dường tâm không xao nhãng.

Thừa sự là vâng làm. Đây nêu hai hành động: một là công quả, hai là cúng dường. Tâm vô hư độ là tâm không chểnh mảng, có bao nhiêu chư Phật đều cúng dường, thừa sự, không xao lãng, không để sót một vị nào.

Ý ông nghĩ sao? Người ấy do nhân duyên cúng Phật, được phước nhiều chăng?

A-nan đáp rằng:

– Hư không không tận, trân bảo không cùng. Xưa có một người cúng Phật bảy tiền, khi bỏ thân mạng còn được làm Chuyển luân thánh vương; huống là hiện nay đem trân bảo đầy cả hư không, cúng dường khắp các cõi Phật. Nếu suy nghĩ cùng kiếp còn không thể thấu, phước ấy làm sao lại có ngằn mé.

Phật bảo A-nan:

– Chư Phật Như Lai nói lời không hư dối. Nếu lại có người, thân làm đủ bốn trọng tội, mười Ba-la-di, chỉ trong chớp mắt hoặc trong hơi thở liền trải qua những địa ngục A-tỳ của phương này phương khác, cho đến cùng tận các địa ngục Vô gián trong mười phương thảy đều trải qua. Nếu người đó hay dùng một niệm, đem pháp môn này ở trong đời mạt pháp chỉ dạy cho người chưa học, tội chướng người đó liền được tiêu diệt, biến nhân đau khổ phải chịu ở địa ngục thành quả cõi nước an lạc. Người đó được phước vượt hơn người cúng thí trước gấp trăm lần, ngàn muôn ức lần, như thế cho đến tính toán ví dụ cũng không thể nào nói hết được.

Đó là Phật so sánh để thấy phước vô lậu bố thí pháp hơn hẳn phước hữu lậu bố thí tài. Người xuất gia gọi là bần tăng bần ni, tiền của đâu mà bố thí, thì chỉ còn một việc là bố thí pháp. Nếu Pháp mà còn không chịu bố thí thì nghèo suốt kiếp. Sở dĩ có câu “của vua thua của Phật” cũng là nhờ bố thí Pháp. Nếu không bố thí pháp được cho nhiều người thì bố thí cho một hai người, gặp duyên đâu dạy đó, để bù lại những chỗ thiếu của mình.

Này A-nan, nếu có chúng sanh hay tụng kinh này, hay trì chú này, như ta đã nói rộng ra, thì cùng kiếp cũng không hết phước đức ấy. Y theo lời ta dạy, như lời dạy mà tu hành, thẳng đến thành đạo Bồ-đề, không còn bị các ma nghiệp.

Phật nói kinh này rồi, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả trời, người, a-tu-la trong thế gian, và những vị Bồ-tát, Nhị thừa, thánh tiên đồng tử ở các phương khác, cùng những đại lực quỷ thần mới phát tâm đều rất hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Đến đây kết thúc bộ Kinh Lăng-nghiêm.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.