Kinh Thắng Man giảng giải

Lược khảo



Kinh Thắng Man có tên đầy đủ là Thắng Man Sư Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng Kinh, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào đời Lưu Tống. Một bản nữa trong kinh Đại Bửu Tích, hội số 48 tên là Thắng Man Phu Nhân Hội, do ngài Bồ-đề-lưu-chí (Bodhiruci) dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào đời Đường. Theo truyền thuyết, có một bản dịch nữa của ngài Đàm Vô Sấm vào thời vua An Đế nhà Đông Tấn với tên Thắng Man Kinh hoặc Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Phương Tiện Kinh nhưng đã thất truyền.

Bản kinh chúng ta học là bản Thắng Man do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch.

Về sớ giải, ở Ấn Độ có ngài Thế Thân làm Thích Luận Kinh Thắng Man. Ở Trung Hoa, ngài Đạo Du làm Pháp từ yếu giải, ngài Tuệ Siêu chú giải, ngài Tăng Cư làm Văn chỉ, ngài Pháp Chân làm Nghĩa sớ, ngài Pháp Viện chú giải, ngài Ấn Thuận chú giải v.v… Tại Nhật Bản có Thánh Đức Thế Tử làm Nghĩa sớ, ngài Ngưng Nhiên Tường làm Huyền ký, ngài Phổ Tịnh làm Hiển tông tức Thắng Man Hiển tông. Như vậy kinh Thắng Man từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Nhật Bản có rất nhiều nhà chú giải. Chỉ riêng tại Việt Nam chúng ta rất ít được biết tới. Điều này cho thấy kinh Thắng Man có tầm vóc quan trọng đối với kinh tạng Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản…

Giá trị kinh Thắng Man chủ yếu ở chỗ nào? Thứ nhất, Kinh nói lên tinh thần bình đẳng của đạo Phật. Trước tiên là bình đẳng về thân năm uẩn và nghiệp báo. Đức Phật khi còn tại thế, ngài không chấp nhận các giáo phái Bà-la-môn trong việc phân biệt giai cấp, có dòng cao dòng thấp, người hạ tiện đi tới đâu cũng bị khinh miệt. Đức Phật từng nói: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ như nhau.” Đó là bình đẳng về thân năm uẩn. Kế đến là bình đẳng về nghiệp báo. Trong các kinh A-hàm, đức Phật thường nói, dù Bà-la-môn hay Chiên-đà-la mà tạo nghiệp thập ác vẫn có tội như nhau. Ngược lại dù Chiên-đà-la hay Bà-la-môn mà tu thập thiện cũng có phước như nhau. Trên nghiệp báo không sai biệt, tại sao đặt ra dòng này cao dòng kia thấp? Cho nên đức Phật chủ trương bình đẳng trên thân năm uẩn, trên nghiệp báo.

Lại nữa, thuở xưa người ta quan niệm trọng nam khinh nữ, người nữ thấp kém, người nam cao thượng siêu xuất hơn, đạo Phật không chấp nhận phân biệt như thế. Thế nhưng tại sao bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề xin xuất gia, đức Phật không cho? Chúng ta nhớ lại, thời Phật chưa có chùa chiền, nếu chư ni nhập vào Tăng đoàn rồi cứ đi lang thang, nay chỗ này mai chỗ kia, tối ngủ dưới gốc cây hoặc có khi ngủ ở đình miếu không cố định… Bản chất người nữ yếu đuối, sinh hoạt phiền toái bất tiện hơn nam giới, nhất là trong hoàn cảnh sống lang thang nơi rừng rú, ban đêm ban hôm hết sức chướng ngại. Đức Phật không cho người nữ xuất gia là vì những lý do trên, chứ không phải tu chứng không được. Nếu tu chứng không được thì đâu có các vị Thánh đệ tử nữ kiệt xuất như Ma-ha Ba-xà-ba-đề, Khema…

Lịch sử ghi lại, trước khi đức Phật sắp nhập Niết-bàn, Ma-ha Ba-xà-ba-đề dẫn năm trăm Tỳ-kheo-ni tới bạch với Phật: “Chúng con không kham thấy đức Phật nhập Niết-bàn trước. Xin Thế Tôn cho chúng con nhập Niết-bàn trước.” Phật hoan hỷ, năm trăm vị trở về ngồi kiết-già thị tịch. Cho tới hai cô Sa-di-ni chưa về kịp, khi đến nơi thấy thầy mình đã nhập Niết-bàn, hai cô cũng nhập Niết-bàn luôn. Như vậy thành quả tu chứng của chư ni đâu phải thường, thua gì nam giới. Qua đó cho thấy trên phương diện tu chứng, nam nữ bình đẳng.

Ở Ấn Độ sau khi Phật nhập Niết-bàn 300 năm, giáo đoàn bắt đầu phân chia bộ phái. Bấy giờ người ta cho rằng giới xuất gia mới tu giải thoát, còn giới tại gia chỉ tu phước bố thí cúng dường, nhiều lắm thì chứng Tu-đà-hoàn thôi, chứ không tiến lên cao hơn như Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán. Cho nên ai muốn tu giải thoát phải xuất gia. Nếu như thế thiên hạ rủ nhau xuất gia hết, ai là người hộ đạo? Do đó Phật giáo Phát triển đưa ra thuyết người cư sĩ tại gia tu cũng đắc đạo, hiện thân qua trưởng giả Duy-ma-cật. Ông tuy có vợ có con nhưng các ngài Tỳ-kheo như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v.. tới thăm, nghị luận giáo lý thượng thừa đều bị ông bẻ gãy. Điều này cho thấy cư sĩ tại gia tu tập đúng như lời Phật dạy vẫn có khả năng chứng đạo, không thua hàng tu sĩ xuất gia. Đó là điều bình đẳng thứ ba, giới tại gia và xuất gia đều có thể tu đắc đạo.

Ở Việt Nam có ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, ở Trung Hoa có ông Bàng Uẩn v.v… là hàng Phật tử tại gia tu đắc đạo, đến các thầy Tỳ-kheo cũng phải nể nang vô cùng. Kinh Duy-ma-cật nói người nam tại gia tu có thể giải thoát, đến kinh Thắng Man nói người nữ tại gia tu cũng được giải thoát. Phu nhân Thắng Man ngay trong đời này tu được Phật thọ ký sau sẽ thành Phật v.v… Như vậy là bình đẳng giữa nam và nữ tại gia đều có thể tu giải thoát như người xuất gia. Đó là ý nghĩa bình đẳng của nhà Phật, chuyển hướng từ thấp lên cao như vậy.

Kinh Thắng Man ra đời vào thời kỳ sau kinh Duy-ma-cật. Gần đây đa số người cho rằng phải chuyển nữ thành nam mới thành Phật, nên nguyện chuyển thân nữ thành thân nam tu cho thành Phật. Quan niệm như vậy có hợp lý không? Tuy một số kinh có nói như thế nhưng đó chỉ là luận trên nghiệp tướng, chứ Phật tánh không có nam nữ. Kinh Phật cũng nói, tất cả chúng sanh bình đẳng trên tánh giác. Cho đến các loài trâu chó heo gà… cũng có tánh giác. Tánh giác bình đẳng, ai sống trở về tánh giác thì gọi là Phật.

Như vậy ngộ được tánh giác thì thành Phật, chứ không phải người nam mới thành Phật. Thiếu gì người nam tạo nghiệp địa ngục, đâu phải nói nam là thành Phật. Phải hiểu rõ khi thành Phật thì không còn nghiệp nam nữ nữa. Chuyển nam để thành Phật là lối nói tùy duyên để hóa độ của Phật và các bậc hiền thánh. Trên lẽ thực, không phải chuyển nữ thành nam mới thành Phật, đó là quan niệm không hợp lý. Trên tánh giác, nam nữ đều bình đẳng như nhau thì không đợi người này chuyển thành người kia mới thành Phật. Ý nghĩa rõ ràng như vậy. Kinh Thắng Man ra đời thuyết minh về nghĩa này, khỏi chuyển nữ thành nam chi hết, ai tu đúng và nhận ra ngay thân này có tánh Phật thì dù nam hay nữ cũng được Phật thọ ký.

Nói đến thời kỳ ra đời của kinh Thắng Man, trước tiên tôi nhắc sơ lược sự phân chia trong giáo lý hệ A-hàm. Sau khi Phật diệt độ, hệ A-hàm chia ra hai nhóm, nhóm thuộc về Không, nhóm thuộc về Hữu. Như tứ pháp ấn là giáo lý thuộc về Không: vô thường, khổ, không, vô ngã. Vô thường là sự vật luôn luôn chuyển biến đổi dời và đi đến hoại diệt. Hoại diệt rồi trở thành không. Như vậy chữ Không này diễn đạt sau khi sự vật bị vô thường hoại diệt trở thành không. Cái không ở đây là do hoại diệt thành không, chứ không phải tánh Không của Bát-nhã. Hiểu như vậy là hiểu cái Không của Nhị thừa.

Tuy nhiên Nhị thừa lại có Hữu nữa. Phái Nhất Thế Hữu của Thượng tọa bộ nói thời gian vô thường là Không, nhưng sát-na lại là Hữu. Sự vật là Không nhưng vị trần là Hữu. Thí dụ cây kim đồng hồ dời đổi từ số một lần lần tới số mười hai, không dừng lúc nào cả nên nói không cố định, nhưng cái tích tắc tích tắc có đổi không? Đổi cũng là tích tắc thôi. Những tiếng tích tắc ấy dù một giờ hai giờ, cũng nghe tích tắc tích tắc vậy thôi. Như vậy dòng thời gian đổi thay không thật nhưng tiếng tích tắc là thật. Vì thế nói thời gian không thật nhưng sát-na hiện hữu là thật. Đến tất cả sự vật do duyên hợp nên biến hoại không thật, nhưng vi trần nhỏ nhất để tụ hợp lại thành sự vật phải có. Chẳng lẽ hư không lại thành vật chất, phải có những hạt bụi hết sức nhỏ tụ lại thành sự vật lớn, chẳng lẽ từ không ngơ lại thành ra có?

Đó là hai phái Không và Hữu của Nhị thừa. Đến Đại thừa cũng chia ra Đại thừa Không tông và Đại thừa Hữu tông. Đại thừa Không tông là gì? Là hệ Bát-nhã. Đại thừa Hữu tông là gì? Là ngay trong cái Không lại có cái Có. Thí dụ như chân không diệu hữu hoặc pháp thân, Như Lai tạng… Tất cả pháp tướng đều không thật nhưng có một cái thật nằm ở trong, đó là pháp thân, là Như Lai tạng. Đại thừa Không tông thuộc thời kỳ Bát-nhã; Đại thừa Hữu tông thuộc thời kỳ Pháp Hoa, Niết-bàn, Hoa Nghiêm, Lăng-nghiêm, Lăng-già v.v…

Giáo lý nhà Phật được chia ra ba thời kỳ:

1) Sơ kỳ Phật giáo chỉ cho thời kỳ A-hàm.

2) Trung kỳ Phật giáo chỉ cho thời kỳ Bát-nhã.

3) Hậu kỳ Phật giáo chỉ cho thời kỳ Pháp Hoa, Niết-bàn, Hoa Nghiêm v.v…

Kinh Thắng Man đứng vào thời hậu kỳ Phật giáo, gần giống như kinh Pháp Hoa. Tại sao? Vì kinh Pháp Hoa thành lập tri kiến Phật hay Phật tánh, Long nữ hiện đời tu hành thành Phật. Kinh Thắng Man cũng thành lập Như Lai tạng, đồng thời phu nhân Thắng Man cũng được đức Phật thọ ký trong hiện đời. Do đó tinh thần kinh này giống như kinh Pháp Hoa.

Chúng ta hiểu đại cương thành lập bộ kinh để biết nó thuộc vào thời kỳ nào, thuyết minh giáo nghĩa gì của đức Phật, như vậy sẽ dễ lãnh hội ý kinh hơn.

Kinh Thắng Man này dựa theo bản dịch Hán Việt của cư sĩ Nguyên Hồng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.