Kinh Pháp Cú giảng giải

XIII. Phẩm Thế Gian



Pháp Cú 167.

Chớ nên theo điều ty liệt, chớ nên đem thân buông lung, chớ nên theo tà thuyết, chớ làm tăng trưởng tục trần. 

Sau khi đức Phật thành đạo, ngài trở về hoàng cung để độ hoàng tộc và phụ vương. Đúng giờ ngài ôm bát đi khất thực, phụ hoàng trông thấy không bằng lòng, không chấp nhận một hoàng tử mà đi xin ăn từng nhà như vậy. Ngài đón Phật và nói rằng, con làm thế này nhục nhã cho hoàng tộc biết bao. Đức Phật trả lời Như Lai chỉ làm theo quy tắc của ba đời chư Phật, đây là việc làm cao thượng. Như vậy việc đi khất thực của Phật không phải ty liệt hèn kém mà để hạ thấp bản ngã của chính mình và để chúng sanh gieo duyên vào ruộng phước.

Ở đây, Phật dạy chớ nên làm theo điều ty liệt, là không nên làm những điều hèn kém như vì mưu sinh mà gian dối với mọi người. Đừng buông lung theo những tà thuyết không chân chánh để không tăng trưởng những điều ô nhiễm của trần tục.

Pháp Cú 168.

Hăng hái đừng buông lung, làm theo chánh pháp. Người thực hành chánh pháp đời này vui, đời sau vui.

Pháp Cú 169.

Khéo thực hành chánh pháp, chớ làm điều ác hạnh. Người thực hành chánh pháp đời này vui, đời sau vui. 

Khi tâm không buông lung, thực hành đúng chánh pháp thì đời này vui đời sau cũng vui. Từ khi quy y Tam bảo gìn giữ năm giới cấm, thực hành hoàn toàn đúng theo lời Phật dạy thì tâm hồn an ổn và có hạnh phúc ngay trong đời hiện tại, sau khi nhắm mắt cũng sẽ tiếp tục an vui. Cho nên nói người biết sống đúng chánh pháp đời này vui, đời sau vui.

Pháp Cú 170.

Như bọt nước trôi sông, như lầu sò chợ bể. Nếu xem đời bằng cặp mắt ấy chẳng còn sợ thần chết kéo lôi. 

Lầu sò chợ bể giải thích từ câu “thận lâu hải thị” mà ở trong kinh Phật thường gọi là thành Càn-thát-bà. Buổi sáng người đi biển nhìn ngoài khơi thấy có những thành phố ở trên mặt nước, người vật lao xao, nhưng khi tới gần không thấy gì hết, chỉ thấy mây khói, những cái đó ngày xưa người ta tưởng tượng là những lầu đài của chư thần, gọi là thành Càn-thát-bà. Phật đưa ra hình ảnh này là để thí dụ cho sự huyễn hóa không thật, ở xa thì trông thấy như có, nhưng đến gần thì không còn, cho nên có mà như huyễn hóa không thật, cũng như bọt nước trôi sông, nhìn thì thấy như một khối bọt lớn, nhưng khi vớt lên liền tan ngay.

Tại sao đức Phật nói xem người vật ở thế gian như bọt nước trôi sông, như lầu sò chợ bể, thì thần chết không làm hại được? Lâu nay chúng ta thấy thân thật, cảnh thật, cho nên khi sắp chết thì rất lo sợ. Cái thật mà mất đi thì hoảng hốt kinh hoàng. Như vậy, thần chết rất có giá trị với người thấy thân và cảnh thật. Nếu người nào thấy thân và cảnh như bọt nước, không bền chắc lâu dài thì chết là chuyện dĩ nhiên. Cũng như bọt nước tan là chuyện bình thường, vì vậy sẵn sàng đón nhận thần chết không sợ hãi.

Nhưng với người chưa biết tu, cho cái chết là quan trọng thì phải làm sao? Khi có thân quyến hấp hối, chúng ta tới chùa thỉnh chư tăng ni hay những đạo hữu đến hộ niệm cho người sắp chết. Nhưng tụng kinh niệm Phật để Phật tới rước vong hồn người chết đi theo hay làm cái gì cho người chết? Trong kinh thường nói khi người sắp chết, nghiệp nào nặng thì hiện trước dẫn đi. Vì vậy giây phút hấp hối là quan trọng. Nếu người nào sức huân tu vững, tâm tỉnh táo, biết niệm Phật hay tưởng nhớ Phật, tâm an nhiên thanh tịnh, không lo sợ thì không bị nghiệp xấu lôi. Nếu lúc đó lo sợ quá thì việc quá khứ trồi lên. Thí dụ mình có thù oán với ai, liền thấy người ấy tới đòi và dẫn mình đi tới chỗ đền nợ trước.

Cho nên giờ phút hấp hối hết sức quan trọng, phải thật bình tĩnh, sự bình tĩnh làm cho mình vượt qua những nghiệp xấu, những chủng tử chứa trong tâm thức lâu đời. Khi mất quyền làm chủ và không có sức mạnh tinh thần, thì bao nhiêu chủng tử xấu hiện hành. Nếu không huân chủng tử trong sạch cao thượng thì những chủng tử hạ liệt trỗi dậy lôi mình đi tới chỗ thấp kém. Cho nên lúc đó phải cố gắng làm chủ, yếu thì nhờ những người khác hộ niệm để tăng thêm sức mạnh mới có thể ra đi an ổn. Vì vậy sự trợ niệm là giúp thêm sức mạnh cho người sắp chết.

Ở đây đức Phật nói rằng nếu xem tất cả sự nghiệp thế gian như bọt nổi thì khi sắp chết không lo sợ, tâm bình tĩnh an nhiên, bao nhiêu nghiệp xấu không làm chủ được mình, nên không sợ thần chết. Tóm lại, nếu tinh thần yếu đuối thì nhờ sức mạnh của người khác trợ giúp, nếu tu khá thì tỉnh táo vui vẻ ra đi, nghiệp xấu không lôi kéo mình được.

Pháp Cú 171.

Giả sử thế gian này có được trang hoàng lộng lẫy như chiếc xe vua, thì trong số người xem thấy, chỉ kẻ ngu mới tham đắm, chứ người trí chẳng hề bận tâm. 

Giả sử tất cả thế gian này cái gì cũng đẹp đẽ đáng yêu. Như xe vua hay xe tổng thống, người ngu mới tham chứ người trí thì không bận tâm. Tại sao? Vì người ngu thì tham những cái tạm bợ giả dối, còn người trí biết là tạm bợ giả dối nên không tham. Người sống đến sáu bảy mươi tuổi mới thấy sự sống là tạm bợ, cuộc đời như giấc mộng, ngày mai tắt thở đất nước gió lửa tan đi, mang thân này như mượn thuyền qua sông, đến bờ bỏ thuyền đâu có gì luyến tiếc khổ sở. Hiểu như vậy mới thật là người trí. Cho nên Phật khuyên đã được thân người thì nên lo tu, chớ đắm mê những cái vui cái đẹp của thế gian.

Pháp Cú 172.

Người nào trước buông lung sau lại tinh tấn, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian, như vầng trăng ra khỏi mây mù. 

Đa số chúng ta khi chưa biết đạo thì ai cũng lo chạy theo danh lợi thế gian, không lo tu hành. Nhưng đức Phật nói giả sử trước buông lung không sao, miễn bây giờ chợt tỉnh lo tu thì tốt. Ngày xưa không biết tu, có nhiều tật xấu, có nhiều lỗi lầm, bây giờ biết đạo tinh tấn tu hành sẽ thành người tốt. Đừng mặc cảm ngày xưa tôi xấu quá, bây giờ làm sao tu. Chuyện ngày xưa là chuyện đã qua không nên hồi tưởng lại rồi thối chí. Như vậy mới thấy lòng từ bi của đức Phật. Ngài nói trước buông lung bây giờ tinh tấn, như vầng trăng ra khỏi mây mù chiếu sáng cả thế gian, để khuyến khích cho chúng ta tiến tu.

Pháp Cú 173.

Người nào trước làm ác sau lại làm lành, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian như vầng trăng ra khỏi mây ám.

Ngày xưa không biết đạo cho nên làm điều ác. Bây giờ biết đạo, từ đây về sau nguyện làm lành. Như vậy là người đáng khen. Chỉ những người nào nhỏ nhặt ích kỷ mới chê những người trước xấu bây giờ tốt. Nếu người lòng từ bi rộng rãi, thì thấy người nào ngày xưa hung dữ bây giờ biết tu, đều khen ngợi tán thán. Vì đó là một vầng trăng đã ra khỏi mây mù, cho nên đáng quý đáng khen ngợi.

Pháp Cú 174.

Như chim thoát khỏi lưới, chẳng mấy con bay thẳng lên trời cao, trong thế gian này chẳng mấy người sáng suốt trông thấy cao xa. 

Khi chim thoát khỏi lưới nó chỉ bay loanh quanh lẩn quẩn rồi đáp ở dưới thấp chứ không bay lên cao. Cũng vậy trong thế gian này chẳng có mấy người sáng suốt trông thấy cao xa. Hiện tại có người thấy tới cung trăng, hay thấy được nhiều thế giới khác, nhưng cái thấy đó cũng chỉ là cái thấy trong vòng tam giới.

Ở đây đức Phật nói thấy biết cao xa, là chỉ những người có cái thấy biết siêu xuất thế gian, không bị trầm luân trong tam giới. Ý đức Phật dạy, ở thế gian này không có mấy người quyết chí tu hành cho được giải thoát, cũng như các loài chim khi thoát khỏi lưới, không mấy con bay thẳng lên trời cao, mà chỉ bay là đà trong khu rừng rậm, hoặc những lùm cây ở chỗ thấp mà thôi.

Pháp Cú 175.

Con thiên nga chỉ bay được giữa không trung, người có thần thông chỉ bay được khỏi mặt đất, duy bậc đại trí trừ dẹp ma quân mới bay được khỏi thế gian này. 

Thiên nga là ngỗng trời bay thật cao, nhưng cũng không khỏi mặt đất này. Người có thần thông thì bay khỏi mặt đất ai cũng kính phục, vì siêu xuất hơn người thường. Nhưng dưới mắt của Phật dù có thần thông thì cũng bay từ xứ này đến xứ kia, chỉ lẩn quẩn trong thế gian.

Lâu nay chúng ta lầm, nghe nói ai có thần thông thì cho đó là Thánh rồi hâm mộ. Nhưng các ông tiên cũng có thần thông, mà nghe ai nói khích một câu hay gặp chuyện không vừa ý thì nổi giận, rốt cuộc cũng là phàm phu. Chỉ có người tu hành sáng suốt giác ngộ, mới trừ hết được ma quân. Chúng ta học Phật phải xét lại điểm này, phải trọng trí tuệ đừng trọng thần thông, thần thông chẳng qua do công phu luyện tập một thời gian mà được, chỉ biến hóa thế này thế kia, không khéo có thể mất.

Cho nên người đại trí học đạo, nghe pháp rồi tư duy chân chánh, huân tu đạo giải thoát, dẹp sạch quân ma, mới ra khỏi thế gian này. Nếu chú trọng thần thông phép lạ mà không dùng tự lực, sẽ lạc vào đường tà không có ngày ra khỏi.

Pháp Cú 176.

Những ai vi phạm đạo nhất thừa, những ai ưa nói lời vọng ngữ, những ai không tin có đời sau, thì chẳng có điều ác nào mà không làm được. 

Kinh Pháp Cú nằm trong hệ thống A-hàm, cho nên nói nhất thừa ở đây là chỉ lẽ thật, chứ không phải như chân lý hay chân đế nói trong kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa. Lẽ thật mà vi phạm là không tôn trọng. Lại, ưa nói vọng ngữ việc có nói không, việc không nói có và không tin tưởng có đời sau tức là không tin nhân quả. Người như thế cứ làm điều sái quấy không sợ tội lỗi. Nên nói không điều ác nào họ không làm.

Vì vậy người hiểu đạo lý trước hết phải tôn trọng lẽ thật, kế nữa không nói dối, sau đó phải biết tin tưởng nhân quả nghiệp báo. Đó là những điều cần thiết đối với người Phật tử, phải ráng ghi nhớ mà thực hành.

Pháp Cú 177.

Người xan tham không thể sanh lên cõi trời, người ngu si không ưa tán dương việc cúng dường, nhưng người trí thấy bố thí lại tùy hỷ công đức và tương lai họ sẽ dự hưởng phần an lạc. 

Người xan tham không biết làm phước, nên không sanh lên cõi trời. Người ngu si không ưa tán dương việc bố thí cúng dường, thấy người khác làm thì chống đối hoặc chế giễu. Còn người trí thấy ai bố thí cúng dường thì phát tâm tùy hỷ công đức và tương lai họ sẽ dự hưởng phần an lạc. Như có bốn Phật tử đi chùa, trong số đó có ba người khá giả và một người nghèo. Sau khi lễ Phật, ba người đến cúng dường năm ba trăm. Còn người không có tiền cúng thì khởi tâm tùy hỷ, vừa phát tâm tùy hỷ là hưởng được một phần phước.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có nói về công đức tùy hỷ bố thí. Đức Phật nói rằng người biết phát tâm tùy hỷ với người bố thí thì được phước ngang nhau. Có vị Tỳ-kheo hỏi Phật, phước đức của người bố thí có bị giảm bớt hay không? Đức Phật đưa ra thí dụ để trả lời, như người cầm cây đuốc đang cháy, có một người đem đuốc đến mồi và đem đi chỗ khác. Vậy cây đuốc trước có giảm ánh sáng hay không? Tuy cây đuốc sau sáng, nhưng ánh sáng cây đuốc trước không bị tổn giảm. Cũng vậy, người bố thí công đức một trăm phần vẫn đủ một trăm phần, người phát tâm tùy hỷ công đức cũng được như vậy, nhưng không phải của người trước chia ra.

Tại sao công đức tùy hỷ lại nhiều như vậy? Vì thường chúng ta thấy người khác có điều tốt hơn thì mình không được vui, đó là trong tâm có chứa con ma đố kỵ. Người bố thí bỏ được lòng tham, người phát tâm tùy hỷ bỏ được lòng đố kỵ. Hai người đều có phước ngang nhau, phước nầy không ai ban cho, mà chính khi phát tâm tùy hỷ là có phước.

Pháp Cú 178.

Người thống suất cõi đất, người làm chủ chư thiên, hết thảy vị thế chúa ấy chẳng sánh kịp một vị đã chứng quả Tu-đà hoàn. 

Quả Tu-đà-hoàn là quả thứ nhất trong bốn quả Thanh văn. Ở đây đức Phật nói giả sử người thống trị cả cõi đất, làm vua khắp thiên hạ và làm vua các cõi trời, so sánh với người tu chứng quả Tu-đà-hoàn thì hai vị đó còn thua xa. Nói như vậy có chủ quan không? Người làm vua một cõi thì còn cái gì hơn, mà đức Phật nói còn thua một vị tu chứng quả Tu-đà-hoàn? Dù làm vua ở cõi người thì hưởng dục lạc thời gian chỉ có tám chín mươi năm cũng phải chết. Nếu làm vua cõi trời như cõi trời Đao-lợi, thì thọ mạng rất lâu, nhưng khi hết tuổi thọ rồi cũng bị đọa.

Làm vua là quyền quý cao sang, nhưng cũng không lâu bền, còn chứng quả Tu-đà-hoàn thì dự vào dòng Thánh, chỉ còn bảy phen sanh tử là được giải thoát, chứ không còn trở lại thế gian. Cho nên nói người đó là hơn các vị thế chủ kia.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.