Kinh Pháp Cú giảng giải

XIV. Phẩm Phật Đà



Pháp Cú 179.

Chẳng ai hơn nổi người đã thắng phục dục tình. Người đã thắng phục dục tình không còn bị thất bại trở lại, huống Phật trí mênh mông không dấu tích, các ngươi lấy gì mà hòng cám dỗ được? 

Pháp Cú 180.

Người dứt hết trói buộc, ái dục còn khó cám dỗ được họ, huống Phật trí mênh mông không dấu tích, các ngươi lấy gì mà hòng cám dỗ được? 

Sau khi Phật thành đạo, ma nữ đến quấy nhiễu, ngài dùng hai câu này để răn dạy. Ngài nói, chẳng ai hơn nổi người đã thắng phục dục tình, không còn bị thất bại trở lại. Người thường khi đã thắng được lòng dục họ không còn bị thất bại, huống chi đức Phật đã đạt được trí tuệ rộng lớn, thì chúng ma không tới cám dỗ và quấy nhiễu được.

Người dứt được những trói buộc của thế gian, ái dục còn không cám dỗ được họ, Huống Phật trí mênh mông không dấu tích, các ngươi lấy gì mà cám dỗ được ư. Cho nên người tu hành khi được trí tuệ rộng lớn, thì mới tự thắng được mình và thắng được những chướng ngại bên ngoài, nếu tu mà không phát huy trí tuệ, chỉ mong cho có thần thông thì dễ bị đọa. Vì thế, người tu hành cần khổ năm này tháng nọ mà không phát huy trí tuệ cho sáng suốt, thì sự khổ hạnh ấy chưa chắc đến nơi đến chốn. Vì nếu công phu khổ hạnh mà không có trí tuệ thì tài sắc quyến rũ họ dễ sa ngã, hoặc vì tu lâu, khổ hạnh nhiều mà chưa thấy kết quả, lâu ngày mỏi mệt gặp chướng ngại là thối chí. Chỉ có người trí tuệ sáng suốt, nhận chân được lẽ thật của thế gian và thấy được đạo lý một cách chắc chắn, thì không có gì quyến rũ được họ.

Pháp Cú 181.

Người trí thường ưa tu thiền định, ưa xuất gia và ở chỗ thanh vắng, người có chánh niệm và chánh giác bao giờ cũng có được sự ái kính của thiên nhân. 

Những người xuất gia thật sự tu hành, phải thường tu thiền định và ưa ở chỗ vắng vẻ. Vì tu thiền định cần chỗ vắng để cho tâm dễ lắng dịu. Người có chánh niệm và chánh giác, là có suy nghĩ chân chánh và giác ngộ chân chánh, bao giờ cũng được sự ái kính của trời người.

Chánh niệm là nghĩ chân chánh, như tư duy lời Phật dạy, hoặc nhớ câu kinh, nhớ danh hiệu Phật, cũng thuộc về chánh niệm. Chánh giác là giác ngộ chân chánh, thí dụ khi thấy các sự vật có hình tướng ở thế gian, biết rõ là do nhân duyên hợp, vô thường không thật, đó là giác ngộ chân chánh. Người có chánh niệm và chánh giác thì bao giờ cũng được sự ái kính của người trời.

Pháp Cú 182.

Được sanh làm người là khó, được sống còn là khó, được nghe chánh pháp là khó, được gặp Phật ra đời là khó.

Đây là bốn cái khó của người thế gian. Chúng ta đã vượt qua cái khó thứ nhất là được sanh làm người, cái khó thứ hai là được sống còn, cái khó thứ ba được nghe chánh pháp, chỉ có cái khó thứ tư là gặp Phật ra đời thì chúng ta không ai được cả, vì mình sanh vào thời kỳ không có Phật.

Bốn cái khó mà đã vượt qua ba cái cũng hạnh phúc lắm rồi, phải ráng nương đó để tiến tu. Nhưng tại sao được sanh làm người là khó? Đang được làm người thì chúng ta thấy làm người không khó, nhưng so với các loài vật như trâu, bò, heo, chó v.v… ngu si bị đánh đập khổ sở, thì mới thấy làm người rất quý. Do đó được làm thân người là khó.

Hơn nữa trong kinh Phật nói, chúng sanh trong lục đạo luân hồi, cõi người tuy có khổ vui nhưng tu hành dễ tiến. Cho nên được làm người là một điều rất là vinh hạnh, nhưng nếu vinh hạnh rồi cứ lo ăn chơi thì vô ích.

Kế đến làm người được sống còn là khó. Nếu làm người mà từ một tuổi đến đôi ba mươi tuổi chết, thì rất yểu mạng, người sống đến năm sáu mươi hay bảy tám mươi là ít có.

Khi sống còn được nghe chánh pháp là khó. Như khi giảng kinh, người có duyên được nghe rất khó, hoặc ở những nơi xa xôi muốn được nghe chánh pháp cũng không có dịp để nghe. Như vậy tuy chánh pháp không có ngăn rào đón ngõ, nhưng người được nghe thật ít có, nên nói là khó.

Đến cái khó sau cùng là điều khó chung, chúng ta kém duyên nên không gặp Phật ra đời. Vì vậy cho nên ở trong bốn điều khó nếu nghiệm xét thì chúng ta rất hạnh phúc vì đã được làm người, được sống còn, được nghe hiểu Phật pháp. Đã qua được ba cái khó phải cố gắng tu hành đừng để cuộc đời trôi suông vô ích. Đó là người biết lợi dụng thân này để tu.

Pháp Cú 183.

Chớ làm các điều ác, gắng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Ấy lời chư Phật dạy. 

Ba điều này thật là hệ trọng đối với người tu theo đạo Phật. Nguyên văn bài kinh chữ Hán:

Chư ác mạc tác, 

Chúng thiện phụng hành, 

Tự tịnh kỳ ý, 

Thị chư Phật giáo. 

Chẳng những đức Phật Thích-ca mà tất cả chư Phật đều dạy như vậy, cho nên ba điều này là then chốt của đạo Phật. Chớ làm các điều ác, gắng làm tất cả các việc lành, nếu người nào biết chừa tất cả điều ác và làm tất cả điều lành thì người đó mới thật là biết tu.

Nhưng hai điều đó chỉ là hành động bên ngoài, đến điều thứ ba là luôn giữ tâm ý mình cho trong sạch. Thí dụ đang ngồi đây mà nhớ lại sớm mai có người nói một câu dễ tức quá, nghĩ như vậy là niệm sân, mà sân là tâm không trong sạch. Tất cả niệm xấu là ô uế, cho nên tâm vừa nghĩ xấu buông ngay là giữ tâm ý thanh tịnh, suốt ngày tâm chỉ nghĩ những điều lành và luôn luôn biết thương yêu mọi người, nhưng không bị dao động như vậy là người biết tu.

Có người nói tôi không bao giờ làm điều hung dữ, đó là tôi tu rồi, cần đi chùa làm chi mất công. Như vậy, họ đã làm được gì trong ba điều chư Phật dạy? Chỉ ngừa được điều ác, đâu có làm được tất cả điều lành và giữ tâm ý trong sạch, mới tu một phần ba chứ chưa trọn vẹn. Chúng ta phải cố gắng tu hết ba điều, không làm tất cả điều ác, gắng làm tất cả điều lành, giữ tâm ý trong sạch, như vậy mới thật là tu đầy đủ cả thân và tâm.

Pháp Cú 184.

Chư Phật thường dạy Niết-bàn là quả vị tối thượng, nhẫn nhục là khổ hạnh tối cao, xuất gia mà não hại người khác không gọi là Sa-môn. 

Niết-bàn là quả vị tối thượng, vì chứng được Niết-bàn thì không còn cái gì hơn nữa. Nhẫn nhục là khổ hạnh tối cao. Ngày xưa ở Ấn Độ nhiều người tu khổ hạnh hoặc là đứng một chân ở ngoài trời, hoặc cởi trần phơi nắng suốt ngày, hoặc vùi mình trong tro đất, hay nằm trên gai góc v.v… những khổ hạnh đó thật là khó làm. Nhưng ở đây đức Phật nói nhẫn nhục là khổ hạnh tối cao, vì người biết nhẫn nhục là người tu khổ hạnh.

Còn tất cả những khổ hạnh của ngoại đạo vừa kể ở trên, chưa phải khổ hạnh tối cao. Vì những người tu khổ hạnh thường thiếu tinh thần khiêm hạ, nghĩa là còn ẩn cái tự ngã ở trong. Thí dụ như họ nằm trên gai chịu đau đớn, nhưng thấy người khác không nằm được trên gai thì cho rằng người đó thua mình. Như vậy, tu khổ hạnh nhưng ngầm có ngã mạn cho mình là hơn, trong tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh vì chưa bỏ được ngã chấp. Còn người biết nhẫn nhục thì tất cả chướng ngại khen chê, khổ vui, bệnh hoạn, nắng gió v.v… đều vui vẻ chấp nhận, tâm luôn luôn an lạc vì không còn thấy hơn thua, không tự cao ngã mạn nên gọi là tối cao. Vì vậy, Phật dạy người xuất gia mà não hại người khác, làm cho người phiền muộn khổ sở thì không phải là người xuất gia.

Pháp Cú 185.

Chớ nên phỉ báng, đừng làm não hại, giữ giới luật tinh nghiêm, uống ăn có chừng mực, riêng ở chỗ tịch tịnh, siêng tu tập thiền định, ấy lời chư Phật dạy. 

Người xuất gia không nên chê bai hay làm khổ người khác, giữ giới luật cho trong sạch, ăn uống tiết độ chừng mực, riêng ở một mình nơi vắng vẻ, siêng tu tập thiền định. Người làm đúng như vậy gọi là người xuất gia chân chánh, ngược lại thì không xứng đáng là người xuất gia.

Pháp Cú 186-187.

Giả sử mưa xuống bạc vàng cũng chẳng làm thỏa mãn lòng tham dục. Người trí đã biết rõ ái dục vui ít mà khổ nhiều. Thế nên, dù sự dục lạc ở cõi trời, người ấy cũng chẳng sanh tâm mong cầu. Đệ tử đấng Chánh giác chỉ mong cầu diệt trừ ái dục mà thôi. 

Giả sử mưa xuống vàng bạc dù hốt về chứa đầy kho, cũng chưa thỏa mãn lòng tham dục của con người. Hôm nay được đám mưa nhiều vàng bạc, thì mong ngày mai có đám mưa như vậy nữa. Lòng mong mỏi cứ còn hoài, cho nên gọi là không thỏa mãn. Như có người mua vé số trúng hai ba triệu, mai mốt vẫn tiếp tục mua vé số, vì muốn trúng nữa.

Đức Phật thấy rõ tâm niệm tham lam của chúng sanh, nên nói giả sử mưa xuống vàng bạc cũng chưa thỏa mãn lòng tham của con người. Người có trí, dù dục lạc ở cõi người, cõi trời cũng chẳng sanh tâm mong cầu.

Nhiều người tu nghe nói hành Thập thiện được sanh lên cõi trời, hưởng đầy đủ năm món dục lạc nên ham, ráng tu để đời sau sanh lên cõi trời. Biết rõ như vậy nên đức Phật dạy đừng ham lên cõi trời, chúng ta là đệ tử đấng Giác ngộ chỉ mong cầu diệt trừ ái dục mà thôi. Nếu mong lên cõi trời cũng còn lòng tham dục thì hưởng hết phước cũng bị đọa.

Pháp Cú 188-192.

Vì sợ hãi bất an mà đến quy y thần núi, quy y rừng cây, quy y miếu thờ thọ thần, nhưng đó chẳng phải là chỗ nương tựa yên ổn, là chỗ quy y tối thượng. Ai quy y như thế khổ não vẫn còn nguyên. Trái lại quy y Phật Pháp Tăng, phát trí tuệ chân chánh, hiểu thấu bốn lẽ mầu: biết khổ, biết khổ nhân, biết khổ diệt và biết tám chi Thánh đạo, diệt trừ hết khổ não. Đó là chỗ quy y tối thượng. Ai quy y được như vậy, giải thoát hết khổ đau. 

Ở nhà quê có nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bệnh hoạn trị thuốc lâu lành, nghĩ rằng có lẽ con mình bị tà ma phá. Lúc đó nghe trong rừng có miếu thờ thọ thần hay thấy cây đa có thờ thổ địa, thờ ông táo thì tới quy y. Nhưng đức Phật nói nương tựa những chỗ đó không an ổn, khổ não vẫn còn nguyên. Trái lại người biết quy y Phật Pháp Tăng, phát huy trí tuệ biết rõ pháp Tứ đế, Bát thánh đạo thì sẽ hết khổ não. Đó là chỗ quy y an ổn, là chỗ quy y tối thượng. Ai quy y như vậy mới giải thoát khổ đau.

Nhiều Phật tử khi quy y Tam bảo, lãnh phái về nhà, có an ổn chưa? Ở đây đức Phật nói quy y Tam bảo rồi phải phát huy trí tuệ chân chánh, để hiểu thấu Tứ đế, mới diệt trừ khổ não, nếu cho rằng quy y rồi thì hết khổ não, đó là sai lầm. Người mê tín quy y với các vị thần núi, thần cây v.v… là vì sợ hãi, không bao giờ tìm được chỗ nương tựa an ổn. Nếu muốn an ổn thì phải quy y Tam bảo, có trí tuệ chân chánh, biết đạo lý đúng như thật, mới thoát khỏi sự đau khổ.

Pháp Cú 193.

Rất khó gặp được bậc Thánh nhân vì chẳng phải thường có. Phàm ở đâu có vị Thánh nhân ra đời thì gia tộc đó được an lành. 

Người có duyên phúc lớn thì mới gặp Thánh nhân, vì lâu lắm các ngài mới ra đời. Phàm chỗ nào có vị Thánh nhân ra đời thì gia tộc đó được an lành. Như đức Phật ra đời ở thành Ca-tỳ-la-vệ, sau khi thành đạo về độ vua cha và hoàng tộc. Các hoàng tử như A-nan, Nan-đà….. đều nương Phật mà xuất gia tu hành, vua Tịnh Phạn ở tại gia giữ năm giới chân chánh, tất cả đều được an vui. Cho nên nói rằng Thánh nhân ra đời thì trong gia tộc được an lành.

Pháp Cú 194.

Hạnh phúc thay đức Phật ra đời! Hạnh phúc thay diễn nói chánh pháp! Hạnh phúc thay Tăng-già hòa hợp! Hạnh phúc thay dũng tiến đồng tu! 

Đức Phật ra đời là hạnh phúc lớn nhất của thế gian, dù gặp trực tiếp hay gián tiếp. Như chúng ta bây giờ, tuy không được đức Phật khuyên dạy trực tiếp, thì cũng được Phật dạy qua giáo pháp ngài để lại, như vậy cũng hạnh phúc lắm rồi. Kế đến đem chánh pháp diễn nói cho mọi người biết để tu hành, đó là một hạnh phúc lớn.

Hạnh phúc thay Tăng-già hòa hợp, hòa hợp mới gọi là Tăng-già. Nếu không hòa hợp thì hạnh phúc này không toàn vẹn. Hạnh phúc thay dũng tiến đồng tu. Đúng ra thì mỗi Phật tử đều dũng mãnh tinh tấn, nhưng có người siêng tu, có người thờ Phật mà tu hành lơ là. Vì vậy cho nên sự dũng tiến đồng tu không đồng bộ. Nếu mọi người đều dũng tiến đồng tu, thì tất cả đều được an lạc, không còn người khổ đau.

Như trong một gia đình cha mẹ con cái đều tu như nhau đồng tụng kinh, ăn chay, niệm Phật v.v… thì gia đình đó rất hạnh phúc. Nếu trong một gia đình, đến ngày rằm người ăn chay người ăn mặn thì có điều không vui. Cho nên không dũng tiến đồng tu thì hạnh phúc không toàn vẹn. Người nào được bốn điều hạnh phúc này thì thật là may mắn.

Pháp Cú 195-196.

Cúng dường những vị đáng cúng dường, chư Phật hay đệ tử, vị thoát ly hư vọng, vượt khỏi mọi lo âu. Công đức của người cúng dường bậc tịch tịnh vô úy như vậy, không thể kể lường. 

Những vị đáng cho chúng ta cúng dường là đức Phật hoặc đệ tử chân chánh của ngài, hoặc những người không phải đệ tử Phật, nhưng đã thoát ly hư vọng, vượt khỏi hối hận lo âu, đó là bậc Thánh, những vị này có công đức lớn, nếu biết cúng dường thì có công đức vô lượng.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.