Kinh Pháp Cú giảng giải

V. Phẩm Ngu



Pháp Cú 60.

Đêm rất dài đối với kẻ mất ngủ; đường rất xa đối với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng như thế vòng luân hồi sẽ tiếp nối vô tận đối với kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp. 

Khi nào bị bệnh đau đầu ngủ không được, thì sẽ thấy đêm rất dài, mắt cứ mở trao tráo để chờ đồng hồ reo và trông cho trời sáng. Như vậy cái khổ của người mất ngủ là họ thấy đêm dài vô tận. Kế nữa là người bộ hành mỏi mệt. Thí dụ như đi bộ từ Núi Lớn – Vũng Tàu qua Bà Rịa, tới Rạch Dừa chân đã mỏi rã rời, nếu phải đi đến Bà Rịa thì thấy đường thật dài. Vì bước thêm một bước đã khổ sở, huống chi còn mười mấy cây số. Đó là hai trạng thái đau khổ của người mất ngủ và kẻ bộ hành mỏi mệt. Cũng vậy, người ngu si không minh đạt chánh pháp, sẽ nối tiếp sự luân hồi đến vô tận,

Thế gian cho người dốt nát khờ dại không biết chuyện này chuyện kia là người ngu si, Phật nói dù cho kẻ khôn ngoan lanh lợi, mà không hiểu chánh pháp tức là không biết đâu là nhân luân hồi, đâu là nhân giải thoát, việc nào chân chánh, việc nào tà vạy thì gọi là người ngu si. Cho nên người Phật tử chân chánh, sau khi quy y Tam bảo thì phải học hỏi chánh pháp ứng dụng tu hành, để tiến trên con đường giác ngộ. Muốn giác ngộ thì phải minh đạt chánh pháp. Nếu không thì cam chịu một đời ngu si để nối tiếp vòng luân hồi không cùng tận.

Pháp Cú 61.

Không kết bạn được với kẻ hơn mình, không kết bạn được với kẻ ngang mình, thà quyết chí ở một mình tốt hơn kết bạn với người ngu muội. 

Đức Phật dạy, kết bạn với kẻ hơn và bằng mình, còn kẻ thấp hơn thì không nên kết bạn, như vậy có thiếu tâm bình đẳng không? Tại sao kết bạn với người hơn, với kẻ bằng? Người mới tập tu, nếu gần người bạn biết đạo khá hơn thì sẽ tiến bộ. Vì người hơn mình, mỗi khi nói chuyện họ giải thích thêm về giáo lý hoặc cách tu hành, làm cho kiến giải của chúng ta rõ hơn và khi mình chán nản, họ nhắc cho mình tiến hơn về phần thực hành. Cả hai hành và giải đều tiến nhờ người bạn hơn mình. Nhưng nếu người đó không chịu chơi với mình, thì chúng ta kiếm những người bằng mình để sách tấn nhau, họ dở mình nhắc, mình dở họ nhắc, như vậy thì cùng tiến tu.

Tại sao không kết bạn với người kém? Người Phật pháp chưa thông, đạo lực chưa vững, mới chập chững trên đường tu hành mà gặp những người mê muội thì làm sao tiến! Như vừa sửa soạn tụng kinh, họ nói tụng làm chi, đi đánh Pháp Cú hoặc nghe nhạc vui hơn. Vốn là người làm biếng mà nghe họ xúi như vậy thì mở ti vi. Chà! Chương trình hay quá, rồi bỏ tụng kinh, thôi để bữa khác. Cứ như vậy ngày qua ngày, rốt cuộc họ rị kéo mình trở xuống, kéo mình chìm luôn, sự tu không đi tới đâu hết.

Vì vậy phải biết mình, khéo chọn bạn để gần gũi, người nào gần họ mà có thể tiến bộ trong sự tu hành thì được, nếu người làm mình thối lui thì nên tránh. Coi như ích kỷ, lựa người nào hơn mới chơi, còn người nào thua thì không chơi. Nhưng sự thật vì biết mình còn yếu, mà gần người yếu hơn thì cả hai chìm luôn ở trong luân hồi sanh tử chứ không ra nổi. Như chim mới biết bay chút chút, mà có chim mẹ hoặc chim anh chim chị bay kha khá kèm theo giúp đỡ, thì nó bay được khá hơn. Nếu kết bạn với người dở hơn mình, như chim mới biết bay, cột thêm một miếng cây nhỏ, nó sẽ bay không nổi, nhất định bị rớt. Vì thế lúc yếu thì cần phải gần những người mạnh, họ thúc đẩy sách tấn mình tiến, khi mạnh mẽ rồi thì khác.

Nhưng học qua kinh Đại thừa chúng ta sẽ thấy Phật dạy khi tâm mình sáng, sức tu hành vững vàng thì khỏi cần chọn lựa. Nếu biết còn yếu thì phải tự lo giải quyết chuyện của mình cho xong, rồi mới giúp người khác sau. Thí dụ có một học trò nghèo, cha mẹ làm ăn vất vả mới có đủ cơm áo tiền bạc lo cho ăn học. Nếu là con khôn ngoan chí hiếu, biết thương cha mẹ thì phải nỗ lực học cho thành tài, cho có nghề nghiệp để đền đáp công ơn cha mẹ. Nếu mới mười ba mười bốn tuổi làm công chuyện chưa nổi, mà nói thương cha mẹ rồi bỏ học hành, lo đi làm thuê làm mướn, rốt cuộc không nghề nghiệp làm sao nuôi nổi cha mẹ, không có lợi gì hết.

Tóm lại, khi còn yếu cần phải có những người bạn tốt để gần gũi, như vậy sự tu mới càng ngày càng tiến. Nếu dở quá mà gần những người dở hơn thì sẽ đi xuống. Phật dạy rất thực tế, chứ không phải dạy chúng ta ích kỷ.

Pháp Cú 62.

Đây là con ta, đây là tài sản ta. Kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng biết chính ta còn không thật có, huống là con ta hay tài sản ta.

Tất cả phàm phu chúng ta ai cũng nhận đây là con ta, tài sản của ta. Nhưng ta là gì? Nếu chia chẻ ra thì thấy thân ta có hai phần, vật chất và tinh thần.

Phần vật chất gồm có đất, nước, gió, lửa. Tóc, gần, xương, da, thịt v.v… đó là đất; mồ hôi, máu mủ, nước mắt, đàm, nước miếng, nước tiểu v.v… là nước; hơi thở ra vô làm cho tim đập phổi nở, các mạch máu chạy là gió; nhiệt độ trong người là lửa. Nếu thiếu một món thì sống không được. Cho nên đức Phật dạy, dùng mắt trí tuệ quan sát thấy thân do tứ đại giả hợp, không thật, nếu thấy thật là sai lầm.

Phần tinh thần gồm có thọ, tưởng, hành, thức. Những cảm giác nhận chịu ở nơi thân gọi là xúc thọ, nơi mắt là nhãn thọ, nơi tai là nhĩ thọ v.v… là năm giác quan xúc chạm với ngoại cảnh có cảm giác nóng lạnh, vui buồn. Những cảm xúc đối với ngoại cảnh thì sanh ra sự nhận chịu để thích hay không thích, đó là thọ. Nhớ lại những chuyện quá khứ, suy nghĩ những chuyện vị lai, gọi là tưởng. Tâm niệm sanh diệt từng phút giây, vừa nghĩ cái này chợt nghĩ cái khác, liên miên trong tâm gọi là hành. Thức là phân biệt, như mắt thấy hình sắc biết đó là xanh, vàng, đỏ, trắng v.v… nghe tiếng biết tiếng ca hát, tiếng khen chê v.v…

Thân này chỉ là một mớ vật chất và tinh thần hợp lại giả có và giả có những cái suy tưởng xét nghĩ, mà cho đó là mình. Vì vậy ở đây đức Phật nói, chính ta còn không thật có huống là con ta hay tài sản của ta. Hiểu được như vậy là người có trí tuệ, nếu không hiểu gọi là ngu si. Phật dạy như thế là để tâm bớt dính mắc và lo tu hành, chứ không phải bỏ hết con cái tài sản không nhìn tới.

Tôi dẫn thêm câu chuyện. “Có một cô công chúa, vào một sáng trời mưa ra đứng trước thềm, thấy những hạt mưa rơi lóng lánh, cô thấy chúng đẹp hơn những hạt kim cương, thích quá nhưng không biết nói với ai, liền vào trùm chăn không nói năng gì hết. Hoàng hậu cưng con, thấy con nằm buồn xa, mới hỏi lý do. Công chúa bèn nói:

– Con thích những hạt chuỗi ngọc rơi ở trước thềm. Nếu không được những viên ngọc đó thì con sẽ chết.

Nghe xong, hoàng hậu bèn tâu vua cha, vua ra lệnh nếu người nào xâu được những hạt mưa cho công chúa đeo thì trọng thưởng.

Một ông già đứng ra lãnh trách nhiệm xâu chuỗi cho công chúa. Cụ đưa ra điều kiện:

– Vì già cả lớn tuổi mắt kém không lựa được những hạt vừa ý cô, vậy khi trời mưa xuống, công chúa chịu khó lựa hạt nào đẹp nhất, vừa ý nhất đưa tôi xâu cho.

Công chúa ngây thơ không biết gì, cứ mỗi hạt mưa rơi xuống, thì lượm lên, lượm mãi mỏi tay mà không được hạt nào. Ông cụ nói:

– Cô lượm không được hạt nào thì làm sao tôi xâu?

Mệt và chán quá công chúa nói:

– Thôi tôi không thích chuỗi ngọc nước nữa.

Vua nghe nói vậy mừng quá:

– Con không muốn chuỗi nước, ta sẽ cho con xâu chuỗi ngọc thật, bằng kim cương con đeo không bao giờ bể”.

Công chúa ngây thơ đó chính là chúng ta bây giờ. Cụ già chỉ cho giáo pháp của Phật, là phương tiện giúp chúng ta không lầm cái giả là thật, để không tham nữa. Vua cha chỉ cho đức Phật, dạy chúng ta tu hành đạt được cái bất sanh bất diệt, đó là pháp giải thoát.

Tóm lại tất cả cái gì mình sở hữu, tưởng là đẹp là quý, chỉ là những cái ảo ảnh, Phật nói đó là cái bóng, là mộng mị mà tưởng là thật. Đến ngày đầu bạc răng long cũng chưa chán, khi sắp chết mới giật mình. À! Tại sao từ trước tới giờ không lo tu, bây giờ không có công đức gì mới lo sợ.

Phật dạy phải thấy nó không thật, không có nghĩa là bảo chúng ta bỏ của cải, con cái, thân bằng quyến thuộc. Cũng biết đây là con, là của cải, nhưng mà con, của cải và mình, cả ba đều là duyên hợp như huyễn, tạm có rồi mất. Hiểu được như vậy thì không có lỗi gì hết, nếu cho cái gì cũng thật, đó là gốc của si mê thì trầm luân muôn kiếp.

Pháp Cú 63.

Ngu mà tự biết ngu tức là có trí, ngu mà tự xưng rằng trí chính đó mới thật là ngu. 

Người biết hành động nào tà, hành động nào chánh; tâm niệm nào thiện, tâm niệm nào ác. Thiện ác tà chánh biết rành rõ là người trí; còn người không biết phải quấy, không biết những sai lầm mà xưng là người trí thì đó là người ngu. Cho nên phải lo tu để phát huy trí tuệ, nhận định đúng sai, chứ Phật không ban cho chúng ta trí tuệ. Như người có lỗi, biết hối hận xin chừa, đó là người trí. Còn làm cái gì hay dở sai quấy đều không biết, vì không biết những sái quấy của mình thì không bao giờ sửa đổi, cho nên ngu hoài.

Pháp Cú 64.

Người ngu suốt đời gần gũi người trí, vẫn chẳng hiểu gì chánh pháp, ví như cái muỗng múc thuốc thang luôn, mà chẳng bao giờ biết được mùi vị của thuốc. 

Muỗng dùng để múc thức ăn hằng ngày, nhưng không bao giờ nó hưởng được mùi vị của thức ăn. Cũng như người ngu suốt đời gần gũi người trí mà không hiểu chánh pháp của Phật. Những người không có trí, tuy ở bên cạnh chùa chiền, hoặc đến những nơi giảng kinh nói pháp, nhưng không hiểu được lời Phật dạy để ứng dụng tu hành nên không có lợi ích. Chẳng khác gì cái muỗng múc thức ăn không hưởng được mùi vị.

Pháp Cú 65.

Người trí dù chỉ gần gũi người trí trong khoảnh khắc cũng hiểu ngay được chánh pháp, chẳng khác gì cái lưỡi mới tiếp xúc với thuốc thang đã biết ngay được mùi vị của thuốc. 

Qua câu kinh này quý vị thấy rõ tầm quan trọng của trí tuệ và ngu si. Kẻ ngu, tuy gần người trí, dù được chỉ dạy hết lời mà nghe bao nhiêu cũng không thấm, không hiểu, nên không có lợi ích thiết thực. Người trí gặp người trí chỉ trong năm mười phút, hay qua một vài câu chuyện thì cảm thông nhau hết sức dễ dàng. Chỉ cần nghe qua một vài lời giảng, là hiểu được chánh pháp, nhận được lợi ích. Ở đây đức Phật thí dụ như cái lưỡi, vừa để thức ăn vào miệng liền biết được mùi vị. Người trí và kẻ ngu thật là cách biệt xa vời. Một bên thì rất nhanh chóng, vừa nghe một lời nói phải, hay một câu đạo lý liền được thấm nhuần, còn một bên thì nghe bao nhiêu cũng không thấm, như gió thổi ngoài tai không ăn thua gì hết. Qua những thí dụ này chúng ta cũng có thể biết mình là trí hay ngu.

Pháp Cú 66.

Kẻ phàm phu không giác ngộ nên đi chung với cừu địch một đường. Cũng thế, những người tạo ác nghiệp nhất định phải cùng ác nghiệp đi đến khổ báo. 

Chúng ta nếu chưa giác ngộ, thì dễ tạo ác nghiệp rồi phải chịu khổ báo. Ác nghiệp chính là kẻ thù nhưng chúng ta luôn đi chung đường với chúng, vì mình chưa giác ngộ.

Thí dụ hôm nào nhà có đông khách, kẻ trộm lẫn trong đó. Nếu chúng ta không biết mặt nó thì có thể bị mất đồ. Nếu biết thì mỗi hành động, cử chỉ của nó, mình đều theo dõi. Nó không thể lấy đồ của chúng ta được. Mất đồ hay không là do biết hay không biết kẻ trộm. Như vậy cái biết là tối quan trọng. Muốn gìn giữ của cải trong nhà an ổn thì phải khéo biết rõ người lương thiện và kẻ gian tà. Cái biết đó Phật giáo gọi là giác ngộ.

Khi tai họa đến chúng ta lo sợ và muốn tránh, nhưng sợ tai họa là sợ quả mà không biết tránh nhân. Nếu sợ tai họa và không muốn bị quả khổ thì lo tạo nhân lành, không đi chung với nghiệp ác, đó là giác ngộ của người phàm phu.

Kinh Phật thường nói thân này là gốc của muôn điều khổ. Cho nên người giác ngộ biết cội gốc của sanh tử là tham sân si. Muốn giải thoát khỏi đau khổ thì phải đoạn nhân tham sân si. Đó là giác ngộ của bậc Thánh.

Nhiều người gặp những hoàn cảnh đau khổ, họ muốn chết đi cho hết khổ. Như vậy có thật hết khổ không? Chắc hẳn là không. Bởi vì hủy hoại thân là chỉ biết đoạn quả, mà không biết đoạn nhân. Đức Phật dạy, nếu muốn tránh khổ thì không tạo nhân, không nhân thì không quả. Như trồng cây mà thấy cây xấu, ra trái không ngon, mình bèn chặt bỏ. Nhưng cây không chết vì còn gốc thì còn nảy mầm, đâm tược. Muốn cây không còn hiện hữu, thì đào tận gốc, nhổ quăng đi là xong. Cho nên người Phật tử muốn tránh cái khổ của nghiệp ác thì phải biết về nhân quả.

Người đã ý thức được cuộc sống là đau khổ thì phải biết nhân của sanh tử là tham sân si. Dứt tham sân si là dứt mầm sanh tử. Hủy hoại thân để hết khổ là rất sai lầm. Như con trâu biết khi mang ách lên cổ thì phải kéo cày cực khổ, nên nó ghét cái ách đó lắm. Một hôm ông chủ máng cái ách lên, nó dùng sừng quật gãy ách, tưởng rằng ách gãy là khỏi kéo cày. Nhưng bữa nay nó làm gãy ách bằng cây tràm, ngày mai ông chủ làm ách bằng cây gỗ thật chắc, nếu nó làm gãy nữa thì ông phải làm cái ách bằng sắt. Nghĩa là còn làm trâu thì phải kéo cày, đó là một lẽ thật không chối cãi được. Tưởng phá ách thì khỏi kéo cày, là chỉ sợ quả mà không sợ nhân.

Phật dạy chúng ta phải trừ nhân, nhân đã không có thì quả cũng không. Còn chỉ sợ quả mà không tránh nhân, đó là kẻ phàm phu vô minh. Do đó đức Phật dạy, người tạo ác nghiệp nhất định phải cùng với ác nghiệp đi đến khổ báo. Muốn tránh khổ báo mà cứ gây nhân xấu ác thì không bao giờ tránh khổ được, cho nên người biết tu thì phải tránh nhân xấu ác không làm.

Pháp Cú 67.

Những người gây điều bất thiện, làm xong ăn năn khóc lóc, nhỏ lệ dầm dề, vì biết rằng mình sẽ phải thọ lấy quả báo tương lai. 

Pháp Cú 68.

Những người tạo các thiện nghiệp, làm xong chẳng chút ăn năn, còn vui mừng hớn hở, vì biết mình sẽ thọ lấy quả báo tương lai. 

Thứ nhất là người làm những điều ác, rồi ăn năn khóc lóc, vì biết rằng thế nào cũng phải chịu quả khổ ở tương lai. Thứ hai người làm việc lành xong, họ không ăn năn mà còn vui mừng hớn hở vì biết rằng, sẽ thọ quả báo tốt ở tương lai. Cả hai đều biết sẽ thọ quả báo, mà một người vui mừng, một người đau khổ. Như vậy người vui mừng vì biết rằng mình đã tạo nghiệp thiện, người đau khổ vì biết rằng mình đã tạo nghiệp ác. Ai sợ khổ muốn vui thì cứ như vậy mà tu, vì khổ vui là do mình tạo nghiệp lành hay nghiệp chẳng lành.

Pháp Cú 69.

Khi ác nghiệp chưa thành thục, người ngu tưởng như đường mật, nhưng khi ác nghiệp đã thành thục, họ nhất định phải chịu khổ đắng cay. 

Làm việc ác mà chưa có kết quả thì người ngu tưởng như đường mật. Nhưng khi nghiệp ác đã chín mùi thì nhất định phải chịu quả đắng cay, chừng đó mới than thở kêu ca. Chúng ta thấy kẻ ngu lầm tưởng làm ác là được an vui, sung sướng, nhưng khi quả báo đến mới lo sợ khổ sở.

Hiện tại đa số người học Phật còn nghi về nghiệp báo. Như thấy trên thế gian cũng có những người làm ác, rồi ít năm thì thấy tai họa dồn dập tới, kẻ bàng quan nói đó là nhân quả. Nhưng cũng lắm người từ nhỏ tới lớn làm ác, mà sao họ giàu có sang trọng, đi xe hơi, ở nhà lầu, hưởng sung sướng cả đời, tới khi chết sao cũng chưa bị quả báo. Lại có người ăn hiền ở lành thì bị tai nạn dồn dập, ít tháng con đau, ít tháng mất của, họ tự hỏi, lẽ ra mình làm lành thì phải được phước, gia đình vui sống an ổn, tại sao lại có tai nạn và mất của, rồi nghi có lẽ lý nhân quả chưa đúng, hay không có nhân quả.

Trong kinh Phật giải thích lý nhân quả thế này, khi người làm ác mà quả khổ chưa đến, vì người đó kiếp trước làm một ngàn điều phước, qua đời này làm năm trăm điều tội, kiếp này họ hưởng chưa hết một ngàn điều phước ở thuở xưa, thì ngã ra chết. Chúng ta chỉ thấy họ tạo năm trăm điều tội trong kiếp này, cho là không có quả báo. Nhưng sự thật họ đang hưởng quả báo lành của kiếp trước, năm trăm điều tội đời này mới tạo, quả báo chưa chín, chưa đến thời kỳ trả, đời sau họ sẽ trả. Rất tiếc chúng ta chưa chứng thiên nhãn, cho nên sau khi họ chết sanh ở đâu mình không biết và không thấy kiếp sống kế của họ chịu đau khổ như thế nào, rồi cho rằng họ không trả quả.

Sự thật nhân quả không phải chỉ hạn cuộc trong một đời, mà trải qua ba đời. Hiện tại chưa trả thì vị lai phải đền, chứ không phải hiện tại không trả là hết. Cho nên lý nghiệp báo của đạo Phật xét tới ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, tương quan với nhau, nếu căn cứ ở hiện tại, chỉ nhìn một chặng mà đoán, không bao giờ đúng.

Tóm lại nghiệp ác hay nghiệp lành đều không mất, chỉ có quả đến sớm hay muộn mà thôi. Đến sớm thì ngay đời này, mà muộn thì qua đời sau, Vì thế người biết lý nghiệp báo không dám sống buông lung.

Pháp Cú 70.

Từ tháng này qua tháng khác, với món ăn bằng đầu ngọn cỏ cô-sa, người ngu có thể lấy để nuôi sống, nhưng việc làm ấy không có giá trị bằng một phần mười sáu của người tư duy chánh pháp. 

Phật cho người tu khổ hạnh như thế tuy khó làm, nhưng không có giá trị bằng một phần mười sáu của người biết tư duy chánh pháp. Vậy người chỉ dùng món ăn nhỏ xíu để sống qua ngày là việc khó làm, nhưng đối với người biết Phật pháp, thấy không quan trọng bằng người biết tư duy chánh pháp.

Pháp Cú 71.

Người cất sữa bò không chỉ sáng chiều đã thành vị đề hồ được. Cũng thế, kẻ phàm phu tạo nghiệp ác tuy chẳng cảm thọ ác quả liền, nhưng nghiệp lực vẫn âm thầm theo họ như lửa ngún giữa tro than. 

Muốn chưng cất sữa để thành vị đề hồ, không phải một giờ hoặc nửa giờ thành được, mà phải nhiều công phu luyện lọc năm phen mười lượt mới thành. Cũng thế, kẻ phàm phu tạo ác nghiệp tuy chẳng cảm thọ quả báo liền, nhưng nghiệp lực vẫn âm thầm theo họ, cũng như lửa ngún giữa tro than.

Khi chúng ta nấu bằng than đước, là thứ than rất chắc, tuy lửa ngọn không còn nhưng than vẫn âm ỉ cháy. Mới nhìn qua chúng ta tưởng đã nguội, nhưng để tay vào thì bị phỏng, đó là vì lửa còn cháy ngầm ngầm chưa hết. Cũng vậy khi tạo nghiệp ác, hiện chưa thấy quả báo, chúng ta tưởng không có, nhưng khi đủ duyên thì thọ nhận quả báo. Thí dụ như có người ăn trộm của người ta ở Sài Gòn, trốn ra Vũng Tàu tưởng không ai biết, nhưng sau đó bị công an truy nã rồi bị bắt ở tù. Cho nên Phật dạy dù làm việc thiện hay ác, quả báo không bao giờ mất, khi đủ duyên thì sẽ thọ quả báo.

Pháp Cú 72.

Kẻ phàm phu lòng muốn được tri thức, mà hành động lại dẫn tới diệt vong, nên hạnh phúc bị tổn hại mà trí tuệ cũng tiêu tan. 

Kẻ phàm phu muốn thành một người trí thức, khôn ngoan nhưng mà lại hành động đi tới chỗ diệt vong. Đó là mâu thuẫn, lòng muốn một đàng hành động một ngả, vì vậy cho nên hạnh phúc bị tổn hại, trí tuệ cũng tiêu tan. Thí dụ người sáng suốt trí tuệ mà cứ rượu chè be bét, uống rượu vào tâm trí tối tăm rồi dẫn tới hành động sai lầm, thì trí tuệ mất mà hạnh phúc cũng tiêu tan. Cho nên nếu người trí thì phải hành động khác hơn.

Pháp Cú 73.

Kẻ ngu thường muốn hư danh: chỗ ngồi cao trong tăng chúng, viện chủ trong tăng viện, mọi người xin đến cúng dường. 

Người ngu xuẩn thì thích danh tiếng, nghe người ta khen ngợi thì phấn chí, tự cao ngã mạn nhưng khả năng không xứng. Thí dụ vì thích được khen, được hoan nghênh, không khả năng mà muốn làm nghị sĩ. Cho nên phải lo vận động hao tiền tốn của, rốt cuộc không đắc cử, phải nợ nần khổ sở. Cũng vậy ở trong tăng chúng, những người chỉ có khả năng trụ trì một ngôi chùa nhỏ, mà cứ tưởng mình làm được những chuyện lớn lao, rồi lãnh những trách nhiệm to tát, mà không làm tròn, bị người ta chê cười thì khổ sở.

Thế gian người ta nói biết mình biết người là người trí, còn kẻ không biết mình, không biết người là người đại ngu. Ở đây Phật nói hễ người ngu thì ham danh tiếng mà không biết khả năng của mình, mong mỏi những hư danh quá đáng, cho nên phải chuốc đau khổ. Đó là cái si mê của người ngu.

Pháp Cú 74.

Hãy để cho người tăng kẻ tục nghĩ rằng: sự này do ta làm, mọi việc lớn hay nhỏ đều theo lệnh của ta. Kẻ ngu cứ tưởng lầm như thế nên lòng tham lam ngạo mạn tăng hoài. 

Người ngu mong mọi người nghĩ rằng sự này do ta làm, mọi việc lớn hay nhỏ đều theo lệnh ta. Phật cho người tưởng lầm như thế là kẻ ngu, tăng thêm tham lam ngạo mạn, trái với thuyết vô ngã của đạo Phật.

Do chấp ngã cho nên đại đa số đều nghĩ rằng thân này là của mình và làm chủ được thân, đó là sai lầm. Nếu mình làm chủ thì thân phải tuân theo ý muốn của mình, như ông chủ nhà sai kẻ tớ làm cái này cái kia, nó phải làm theo ý ông, nếu làm trái thì bị rầy. Ngược lại chúng ta muốn thân không đau nhưng nó vẫn đau như nóng lạnh, nhức đầu, đau tim. Muốn khoẻ mạnh sống lâu đến tám chín mươi tuổi, nhưng đau lên đau xuống rồi chết yểu. Như vậy là chúng ta không làm chủ cơ thể.

Về tinh thần thì lúc bình thường biết nổi giận là xấu dở. Nhưng nếu có người nói câu gì trái ý thì giận đùng đùng miệng nói bậy, mặt đỏ lên v.v… đều là những trạng thái không bình thường, đó là người mất quyền tự chủ. Do đó người biết tu mới thấy làm chủ thân tâm rất là khó, không dám vỗ ngực xưng ta đây thế này thế nọ. Còn người không biết tu cứ tưởng ta làm việc này, làm việc kia vì thế sanh lòng tham lam ngạo mạn.

Có người muốn giàu có, mà vì hoàn cảnh hay thiếu phước nên vẫn nghèo, mọi việc sắp xếp lo toan không có gì như ý, làm sao nói mọi việc lớn nhỏ đều do ta làm chủ. Vậy chúng ta nên hiểu đúng để được lợi ích an vui.

Pháp Cú 75.

Một đàng đưa tới thế gian, một đàng đưa tới Niết-bàn, hàng Tỳ-kheo đệ tử Phật hãy biết rõ như thế, chớ nên tham đắm thế lợi, để chuyên chú vào đạo giải thoát. 

Đức Phật chỉ rõ hai lối đi, một là lăn lộn trong thế gian, hai là giải thoát đạt đến Niết-bàn. Người xuất gia phải biết rõ như thế, không nên tham đắm những cái lợi của thế gian, để tâm chuyên chú vào đạo giải thoát. Điều này đức Phật chỉ rất rõ ràng, mọi người tu phải thấy. Nếu chúng ta tu hành mà theo danh lợi tài sắc, là đi theo con đường thế gian. Nếu buông bỏ tài sắc danh lợi thì đi trên con đường giải thoát Niết-bàn.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.