Nội dung:
Ai chinh phục được Địa giới, Diêm-ma giới, Thiên giới và ai khéo giảng nói Pháp cú như tay thợ khéo nhặt tràng hoa?
Địa giới là chỉ cho tự thân của mình. Diêm-ma giới là chỉ cho những cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la. Thiên giới là chỉ cho các cõi trời. Như vậy người nào chinh phục được Địa giới, Diêm-ma giới, Thiên giới, và người hay khéo giảng được Pháp cú như tay thợ khéo nhặt hoa làm tràng. Đây chỉ là câu hỏi đến câu thứ 45 mới là câu đáp.
Bậc hữu học chinh phục Địa giới, Diêm-ma giới, Thiên giới và khéo giảng nói Pháp cú như tay thợ khéo nhặt hoa làm tràng.
Trong nhà Phật có chia ra bậc hữu học và vô học. Căn cứ vào bốn quả Thanh văn là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán, ba quả đầu gọi là hàng hữu học, đến quả thứ tư gọi là vô học. Cho nên những người mới chứng Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm thì gọi là hàng hữu học. Như vậy chỉ có những bậc hữu học mới chinh phục được Địa giới, Diêm-ma giới, Thiên giới và khéo giảng nói Pháp cú như anh thợ khéo tay nhặt hoa làm tràng.
Hãy biết thân này như bọt nổi rõ ràng là pháp huyễn hóa, để bẻ gãy mũi tên cám dỗ của bọn ma quân mà thoát ngoài vòng dòm ngó của tử thần.
Chúng ta ra sông, ra biển thấy có những chùm bọt nổi phập phều trôi trên mặt nước, chúng có bền chắc không? Rõ ràng là huyễn hóa không bền chắc. Một trận gió thổi đến hay một cơn sóng tạt qua liền tan rã. Cũng thế, nếu người nào biết được thân này huyễn hóa như bọt nổi, thì người đó đã bẻ gãy mũi tên cám dỗ của bọn ma quân, không bị năm dục cám dỗ và thoát khỏi sự dòm ngó của tử thần.
Trong kinh A-hàm đức Phật dùng thí dụ, có một bầy khỉ ở trên cây bần ngoài mé sông. Một hôm sóng gió nhiều, một đống bọt thật to gần bằng cái nhà lầu trôi ngang qua. Trên cây nhìn xuống, bầy khỉ lầm tưởng là nhà lầu đẹp. Con thứ nhất buông tay rơi xuống bị chìm. Con thứ hai cho rằng con khỉ kia an ổn nên buông tay theo. Một hồi thì cả bầy khỉ bị chết chìm. Hòn bọt mà tưởng nhà lầu, cho nên cả bầy khỉ đều phải chết đuối. Cũng vậy, thân này chẳng khác nào như bọt nổi, mà chúng ta tưởng là thật, cứ sống quay cuồng trong thế gian rồi chết, liên miên trong vòng sanh tử, tử sanh không bao giờ hết. Nếu thức tỉnh biết thân này là giả, tu hạnh giải thoát thì không còn tạo nghiệp và thoát ngoài vòng dòm ngó của tử thần.
Tóm lại, Phật dạy người nào hiểu được thân này là huyễn hóa như bọt, như bóng thì người đó giải thoát. Người nào thấy thân này thật thì dễ bị tử thần lôi kéo hết đời này tới đời khác.
Như nước lũ cuốn phăng những xóm làng say ngủ giữa đêm trường. Tử thần sẽ lôi phăng đi những người mê muội sanh tâm ái trước những bông hoa mình vừa góp nhặt được.
Như nước lũ cuốn phăng những xóm làng say ngủ trong đêm trường, không còn sót lại cái gì. Cũng vậy tử thần sẽ lôi đi những người mê muội sanh tâm ái trước những bông hoa mình vừa góp nhặt được. Câu này đánh thức mạnh mẽ những người đang đắm nhiễm trong những sở hữu của mình, luôn nghĩ về của cải vật chất do mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, họ sẽ bị tử thần lôi đi. Những bông hoa là chỉ cảnh dục lạc ở thế gian. Thí dụ chiếc xe hơi mình vừa sắm được là một bông hoa. Nhà lầu xây được là một bông hoa v.v… những vật sắm được thì cố giữ và luôn lo sợ mất mát. Một ngày nào đó sự nghiệp để lại hết thế gian, còn mình thì bị tử thần lôi đi như những làng xóm bị một cơn nước lũ cuốn. Hình ảnh này ở miền Trung thì dễ thấy lắm. Những xóm làng nơi vùng trũng thấp, khi có cơn mưa lớn, nước trên núi đổ dồn xuống thành lũ to, cuốn phăng làng xóm đi mà người ta không kịp hay. Sức mạnh của tử thần lôi chúng ta đi, tất cả những sở hữu sẽ không mang theo được cũng như thế. Cho nên đừng sanh tâm ái trước mà phải tu để giải thoát.
Cứ sanh tâm ái trước và tham luyến mãi không chán những bông hoa mà mình vừa góp nhặt được. Đó chính là cơ hội tốt cho tử thần lôi đi.
Nếu thái tử Tất-đạt-đa yêu mến ngai vàng, những cung điện sang quý, yêu mến vợ đẹp con xinh v.v… thì ngài đã bị tử thần lôi đi từ kiếp này đến kiếp khác. Sở dĩ ngài thành Phật, giải thoát cho mình đồng thời cứu khổ cho chúng sanh, là bởi ngài không đắm mến những của cải vật chất mà mình có được, mới xả hết tất cả những nghiệp xấu đang ràng buộc, lôi cuốn mình trong lục đạo sanh tử luân hồi. Người nào bớt tâm ái trước thì biết cuộc sống tạm bợ, thân này nay còn mai mất, sự nghiệp không có gì bền chắc lâu dài, cố gắng dứt lòng tham luyến ái trước những sở hữu của mình, thì người ấy tu hành tiến bộ một cách dễ dàng.
Hàng Sa-môn đi trong xóm làng để khất thực ví như con ong đi kiếm hoa, chỉ lấy mật rồi đi chứ không làm tổn thương về hương sắc.
Sa-môn là chỉ cho những người xuất gia, hằng ngày đi vào xóm làng khất thực, thí như ong hút nhụy hoa một tí rồi bay đi, chứ không làm cho bông hoa khô héo. Người tu hành thọ nhận sự cúng dường của Phật tử một cách nhẹ nhàng, đừng đòi hỏi quá đáng làm mất niềm tin của họ, chỉ vay mượn một ít tạm sống qua ngày để tu, đừng làm cho họ bị tổn thương. Như vậy mới xứng đáng là người tu, đúng với tinh thần của người khất thực. Thấy Phật tử hoan hỷ cúng dường rồi tới xin hoài, xin riết rồi làm cho họ chán sợ, đó không phải tinh thần của người xuất gia. Phải biết đủ, người giúp mình một chút ít đã thấy quý trọng, đừng đòi hỏi quá đáng làm mất tín tâm của Phật tử.
Chớ nên dòm ngó lỗi người, chớ nên dòm coi họ đã làm gì hay không làm gì? Chỉ nên ngó lại hành động của mình, thử đã làm được gì và chưa làm được gì?
Phật dạy chỉ thấy lỗi và xem lại hành động của mình, không nên dòm ngó lỗi lầm và những hành động của người khác. Lâu nay chúng ta có cái bệnh là thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình. Người nào làm sai mình thấy dễ lắm, còn mình làm sai thì không thấy. Cho nên phiền người này, trách người kia, giận người nọ, sanh ra ngã mạn hoặc hiểu lầm. Thấy người xấu dở, quên rằng chúng ta còn dở xấu hơn họ gấp nhiều lần mà không biết, rồi lại khinh khi hoặc kiếm chuyện gây gổ với người ta và sanh tâm phiền não.
Muốn dứt trừ phiền não thì chúng ta đừng dòm ngó lỗi người, đừng xem họ làm gì hay không làm gì, mà phải nhìn lại mình xem đã làm được gì hay chưa làm được gì. Tự biết tất cả những tâm niệm hành động của mình, đó là tinh thần tự giác tự tỉnh. Nếu chúng ta không biết đã làm gì, nghĩ gì thì không bao giờ biết tu. Làm quấy không biết, làm phải không hay thì không bao giờ sửa đổi và tiến bộ. Phải nhìn lại tâm niệm, hành động của mình tốt hay xấu, biết kiểm soát tâm niệm hành động của mình, là người tự giác đúng với tinh thần của đạo Phật.
Điều này mới nghe qua tưởng như đức Phật dạy mình ích kỷ. Cả ngày chỉ biết nhìn lại mình, còn ai làm gì thì mặc họ. Nếu trong xã hội, người nào cũng chỉ nhìn lại mình thì không ai dạy bảo, xây dựng cho ai. Nhưng thử hỏi, nếu mỗi người trong gia đình đều biết xét tâm niệm, hành động của mình tốt hay xấu, biết xấu thì bỏ, tốt thì làm, vậy có cần ai nhắc nhở ai hay không? Nếu biết phản tỉnh thì không cần người khác nhắc nhở mình. Mỗi người đều biết tự giác tự tỉnh thì đó là một cảnh thiên đường. Từ cha mẹ đến con cái, sống đúng với tinh thần đạo Phật, chắc chắn gia đình đó trong ngoài đều êm ấm vui vẻ.
Đến phạm vi xã hội. Xã hội tốt đẹp là do nhiều cá nhân hợp lại thành. Nếu mỗi cá nhân đều biết tự tỉnh, tự giác thì xã hội đó rất tốt đẹp. Như vậy có cần giáo dục người trong xã hội đó hay không? Chắc là không. Người ta tưởng rằng nói dạy, la rầy, nhắc nhở thì gọi đó là giáo dục. Nếu làm thinh không nói, không dạy thì cho là không giáo dục. Nhưng không phải vậy, Phật dạy giáo dục có hai phương diện, một là khẩu giáo là dùng miệng nhắc nhở răn dạy, hai là thân giáo là giáo dục bằng hành động, bằng cách sống chứ không phải bằng ngôn ngữ. Tuy không dạy người, mà chỉ đem cái gương tốt để người thấy bắt chước, đó gọi là giáo dục.
Giáo dục ngày nay sử dụng phần ngôn ngữ quá nhiều. Như thầy giáo dạy học trò đừng hút thuốc mà ông thầy lại hút thuốc gấp hai. Dạy một đàng mà làm một ngả, bị học trò khinh khi, rồi trách học trò vô phép, nhưng tại dạy người mà mình làm không đúng, nên bị xem thường. Cho nên giáo dục bằng lời nói mà không làm thì không có tác dụng. Ngược lại, những người có tinh thần siêu thoát, thì giáo dục bằng nếp sống, hành động hằng ngày, biết làm điều tốt lành, luôn tránh những điều xấu ác thì người xung quanh sẽ theo gương đó. Thành ra thấy như không dạy câu nào hết, mà dạy rất nhiều.
Cho nên chủ trương của đạo Phật là phải có khẩu giáo và thân giáo. Đối với những người còn thấp thỏi cần nên dùng lời nói để dạy thì cũng nên dạy. Có những trường hợp không cần dùng lời, mà mình sống đúng đạo lý để người khác nương theo trở thành người tốt, tuy thấy như ích kỷ mà không phải ích kỷ.
Phật dạy tự lợi lợi tha, tuy chia hai nhưng sự thật trong tự lợi đã có lợi tha. Trong lợi tha đã có tự lợi. Như cả ngày chỉ nhìn lại tâm niệm và hành động của mình coi như là tự lợi. Nhưng khi sống đúng đạo lý, những người xung quanh thấy gương tốt họ bắt chước, đó là lợi tha. Hơn nữa tránh những tâm niệm xấu và những hành động gây đau khổ cho người cũng là lợi tha. Chúng ta mang bệnh trầm kha lâu đời khó trị, là bệnh thấy lỗi người mà quên lỗi mình. Cho nên, đức Phật phải dùng phương thuốc mạnh, ngài bảo phải nhìn lại mình đừng nhìn người ta làm chi. Đó là một phương pháp tu hành đúng với tinh thần tự giác, tự ngộ của đạo Phật.
Như thứ hoa tươi đẹp chỉ phô trương màu sắc mà chẳng có hương thơm. Những người chỉ biết nói điều lành mà không làm điều lành, chẳng đem lại ích lợi.
Người nào miệng chỉ nói điều lành, điều tốt mà không làm, người đó chẳng khác nào như hoa có sắc mà không hương. Người chỉ nói điều lành mà không làm thì tốt hay xấu? Nếu nói xấu thì quá khắt khe. Tuy họ không làm lành mà miệng nói dữ thì mới thật là xấu, miệng biết nói lành thì cũng tốt. Chẳng khác nào bông hoa tuy không hương nhưng có sắc, như hoa giấy nhìn cũng đẹp mắt, chứ đâu đến nỗi nào. Tóm lại, người chưa làm điều lành mà biết nói điều lành, tuy chưa phải là toàn vẹn nhưng cũng đáng khen. Vì vậy cho nên đến câu thứ 52 Phật dạy thêm.
Như thứ hoa tươi đẹp vừa có màu sắc lại có hương thơm, những người nói điều lành và làm được điều lành sẽ đem lại kết quả tốt.
Qua câu này đức Phật mới chỉ cho chúng ta chỗ toàn vẹn. Nghĩa là vừa nói và thực hành những điều lành. Chẳng khác nào như thứ hoa đẹp vừa có sắc lại vừa có hương, thì ai cũng quý. Người biết nói điều lành, làm điều lành thì sẽ được mọi người quý trọng,
Như từ đống hoa có thể làm nên nhiều tràng hoa. Từ nơi thân người có thể tạo nên nhiều việc thiện.
Chúng ta ra chợ mua một rổ hoa lài về đổ đống, rồi xâu lại thành năm mười tràng để cúng Phật. Như vậy một đống hoa có đủ khả năng để làm nhiều tràng hoa. Cũng thế, thân này có đủ khả năng làm nhiều việc thiện. Nhưng có người không hiểu, khi bi quan đem hủy hoại thân mình, chẳng khác nào người được của báu mà bỏ đi rất đáng tiếc.
Phật nói chính thân này làm được nhiều việc thiện. Nhiều người thắc mắc, người giàu có nhiều tiền bạc và thế lực thì mới làm được. Người nghèo thân trơ trọi, không tiền bạc, sáng lo buổi sáng, chiều lo buổi chiều, thì giờ, tiền bạc đâu mà làm việc thiện?
Chúng ta đừng quan niệm việc thiện là phải xuất bạc triệu, làm những việc to tát. Thí dụ như có người sắp chết mình cứu họ sống lại mới gọi là việc thiện, còn thấy con kiến rớt xuống nước thì mặc kệ, vì nó nhỏ xíu không đáng kể. Những việc nhỏ không bao giờ nghĩ tới, không bao giờ làm, rồi than phiền tôi đâu có khả năng làm việc thiện!
Nhưng làm việc thiện thì bất cứ việc lớn nhỏ đều làm được. Như thấy người ta khổ mình không có tiền cho, không có gì giúp đỡ, mà khởi lòng thương là một tâm niệm lành. Hoặc là vớt một con kiến rơi xuống nước, gửi một tâm niệm lành cho người đang đau khổ, an ủi người hoạn nạn neo đơn, đem sức mạnh giúp người yếu đuối, dẫn đứa bé lạc đường đưa về nhà v.v… Đó là những việc thiện, không tốn hao tiền của, chỉ có chút công thôi, người nào cũng làm được, việc đó có tốn hao gì đâu. Chỉ ngại chúng ta sợ nhọc muốn từ chối. Cho tới một việc rất gần, như đi nghe kinh mà người khác chưa hiểu biết đạo lý, chúng ta khuyên họ đi nghe kinh, đó cũng là một việc thiện. Như vậy tất cả những việc làm xuất phát từ lòng thương chân thật đem an vui đến cho mọi người đều là việc thiện.
Mùi hương của các thứ hoa, dù là hoa chiên đàn, hoa đa-già-la, hay hoa mạt-lợi, đều không thể bay ngược gió, chỉ có mùi hương đức hạnh của người chân chính, tuy ngược gió vẫn bay khắp cả muôn phương.
Các loài hoa quý cũng chỉ tỏa hương theo chiều gió, chứ không có khả năng bay ngược gió. Chỉ mùi hương đạo đức chân thật mới bay ngược gió và tỏa khắp cả muôn phương. Cho nên trong nhà Phật luôn luôn chú trọng tới đức hạnh. Đến giờ tụng kinh, chư tăng ni hoặc chủ lễ cầu nguyện thì thắp ba cây hương nguyện rằng: Giới hương, định hương dữ tuệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương v.v… đó là những thứ hương mà nhà Phật chú trọng. Còn hương thơm từ cây nhang tỏa ra là tầm thường không quan trọng. Cho nên Phật tử chú trọng trau giồi đức hạnh, huân tu giới định tuệ và hướng đến giải thoát, đó mới thật là người tu chân chánh. Ở đây, đức Phật chỉ cho chúng ta thấy các loài hoa quý, như hoa chiên-đàn, hoa đa-già-la, hoa mạt-lợi là những thứ hoa thơm nhất ở Ấn Độ, mà mùi thơm của chúng không thể bay ngược gió, chỉ có mùi hương đức hạnh mới bay khắp muôn phương. Cho nên chúng ta cố gắng tu hành, để thành tựu đức hạnh và giới định tuệ mới gọi là cao quý.
Ngày xưa, có một vị Sa-di mặc y phấn tảo mà đức hạnh thật thanh tịnh. Mỗi khi ngài giặt y, chư thiên và các vị sơn thần đến múc nước uống. Nước giặt y đó sạch hay dơ? Nước mồ hôi! Nhưng sở dĩ người ta quý là tại đức hạnh của ngài quá cao. Y chúng ta bây giờ có ướp dầu thơm phức để giặt, chắc gì thiên thần đến múc nước uống. Vì đối với mình thì thơm, nhưng thiên thần thấy hôi. Các ngài quý mùi hương đức hạnh, chứ không phải quý mùi dầu thơm của trần tục. Cho nên người tu có đức hạnh thì dù ở nơi nào người ta cũng đều biết đến và chư thiên chư thần đều quý kính.
Hương chiên đàn, hương đa-già-la, hương bạt-tất-kỳ, hương thanh liên. Trong tất cả thứ hương chỉ thứ hương đức hạnh là hơn cả.
Hương chiên-đàn, hương đa-già-la đều là thứ hương vi diệu, nhưng không sánh bằng hương người đức hạnh xông ngát tận chư thiên.
Như trên đã nói, vì chư thiên quý kính người đức hạnh, còn tất cả những mùi thơm trong thế gian này đối với chư thiên, thiên thần đều không quý.
Người nào thành tựu các giới hạnh, hằng ngày chẳng buông lung, an trụ trong chánh trí và giải thoát, thì ác ma không thể dòm ngó được.
Người nào có đủ bốn điều kiện, một là giới hạnh, hai là không buông lung, ba là chánh trí, bốn là giải thoát thì ác ma không thể dòm ngó được.
Người có đủ bốn điều kiện như vậy ác ma không thể nào dòm ngó được.
“Vào thế kỷ thứ mười đời Tống, thiền sư Tự Bảo ở núi Vân Cư, từ khi xuất gia tu hành, giữ giới luật thật là thanh tịnh và tu theo hạnh đầu-đà. Một hôm có duyên sự ngài chống gậy xuống núi, dọc đường gặp mấy chú lính đi dẹp đường để dân chúng tránh qua hai bên cho xe quan huyện đi. Thấy ngài, họ nạt lớn, bắt tránh qua một bên, ngài cũng tránh qua. Ngựa kéo xe quan huyện vừa đi ngang ngài, nó liền mọp xuống đất không dám đi nữa. Lúc đó ngài nói:
– Súc sanh mà cũng biết lễ phép.
Nghe ngài nói vậy, quan huyện biết ngài là một hòa thượng đức hạnh, nên ông bước xuống xe đảnh lễ ngài, sau đó ngựa mới chịu đi. Súc sanh mà thấy người đức hạnh còn biết kính trọng.
Một hôm ngài đang ở sân chùa, có một số sơn thần tới làm kiệu, kiệu ngài đi quanh chùa một vòng. Ngài nói: – Thôi các ngươi trở về chỗ cũ.
Các sơn thần để ngài xuống rồi biến mất. Đức hạnh của ngài khiến cho chư thiên, sơn thần kính trọng như thế, mà các vị này kính trọng thì ác ma làm gì dám dòm ngó. Chúng ta sở dĩ bị ma dòm ngó rồi xâm chiếm, xúi chuyện này, giục chuyện kia, làm cho mình điêu đứng, là tại thiếu bốn điều kiện này: Không giới hạnh, buông lung, không ở trong chánh trí, và không tập tu giải thoát. Nếu đủ những điều kiện trên thì nó không bao giờ làm hại được mình. Đó là những điều hết sức rõ ràng”.
Tôi dẫn thêm chuyện. “Một vị thiền sư đời Đường, hiệu là Đả Lung Trụy (hay là Phá Táo Đọa). Đả là đánh, Lung là cái khám thờ, Trụy tức là ngã, bể. Một hôm ngài đi qua một miếu trong làng, miếu thờ một vị thần rất linh, cho nên người ta làm heo, gà cúng tế liên miên. Ngài đi thẳng vô trong miếu, cầm gậy gõ lên khám thờ nói:
– Vị này là do đất nước gió lửa hợp thành, nó không thật mà bám vào đây để nhiễu hại dân chúng.
Nói xong ngài đập một cái bể nát khám thờ. Thử tưởng tượng vị thần đó sẽ xử sự với ngài ra sao? Chắc sẽ làm ngài hộc máu mà chết?
Nhưng ngược lại mấy hôm sau, ngài dạo núi thình lình thấy một người mặc đồ xanh, đội mũ đàng hoàng đến quỳ trước mặt. Thấy lạ ngài hỏi:
– Ông là người gì mà quỳ ở đây?
– Bạch Hòa thượng con là người thọ ơn của Hòa thượng, đến đây xin bái tạ Hòa thượng để đền ơn.
– Ta làm ơn gì cho ngươi?
– Con là vị thần ở miếu, hôm đó nhờ Hòa thượng khai thị, nên con tỉnh ngộ liền bỏ được thân, sanh lên cõi trời, cho nên về đây đảnh lễ đền ơn Hòa thượng”.
Chúng ta tưởng ngài sẽ bị thần quở, bị bắt bớ, trái lại vị thần mang ơn ngài. Tại sao? Vì đức hạnh của ngài. Ngài nói một câu vị thần tỉnh ngộ, do đó không còn bám vào khám thờ, mà được sanh lên cõi trời. Đức hạnh vượt lên trên cả quỷ thần cho nên quỷ thần không bao giờ dám làm hại người có đức hạnh. Vì vậy người biết tu hành chỉ trọng giới hạnh và sự tu hành chân chánh, tức là không buông lung, biết cố gắng vun bồi chánh trí, quyết tâm tu cho được giải thoát.
Như từ trong đống bùn nhơ vất bỏ, mới sanh ra hoa sen thanh khiết ngào ngạt làm đẹp ý mọi người, cũng thế chỉ từ nơi chốn phàm phu manh muội mới sản xuất những vị đệ tử bậc Chánh giác, đem trí tuệ soi sáng thế gian.
Không có hoa sen nào mọc ở trên đá cẩm thạch, nếu có đó là hoa sen giả. Còn hoa sen thật thì lúc nào cũng mọc ở trong bùn. Cho nên Phật nói từ trong đống bùn nhơ vất bỏ, mới sanh ra hoa sen thanh khiết ngào ngạt làm đẹp ý mọi người. Cũng thế ở trong chỗ phàm phu manh muội hay chính trong con người xấu xa mà biết tu, biết chuyển thì trở thành người trí tuệ, đem trí tuệ soi sáng thế gian. Như vậy người biết tỉnh giác thoát ra ngay trong thế gian đầy ô nhiễm.
Theo lịch sử, khi thành đạo Phật ngồi dưới cội Bồ-đề trên tòa cỏ. Tại sao bây giờ chùa không thờ ngài ngồi trên tòa cỏ mà lại ngồi trên tòa sen?
Kinh Di-đà nói, cõi này là ngũ trược ác thế, là kiếp trược, kiến trược, chúng sanh trược, mạng trược, phiền não trược… chính vì năm trược này cho nên đức Phật Thích-ca mới xuất hiện ở đời. Nếu ở đây mà thanh tịnh như cõi Cực Lạc thì Phật không ra đời làm chi. Chúng sanh đang chìm đắm ở trong chỗ tối tăm ô trược, nên Phật mới ra đời để độ chúng sanh. Ngài sanh ra trong cõi đời ô trược mà không bị nhiễm nhơ, cũng như hoa sen mọc trong bùn mà tinh khiết. Chùa thờ đức Phật ngồi trên tòa sen chứ không ngồi tòa cỏ như trong lịch sử là theo ý này.
Tòa sen có hai ý nghĩa: Một là để diễn tả tinh thần cao quý của đức Phật, ở trong cõi ô trược nhưng không nhiễm, ở trong chỗ tối tăm mà ngài sáng suốt, như hoa sen trong bùn lầy mà không nhơ nhớp và luôn luôn tinh khiết. Hai là để khuyến khích chúng ta đừng mặc cảm, “Ôi! Thân này ô uế xấu xa quá, phiền não nhiều quá làm sao tu hành thành Phật!”. Đừng mặc cảm như vậy, chính vì xấu xa cho nên mới tu. Nghĩa là người nào ý thức được mình đang xấu dở, thì phải nỗ lực vươn lên, đó là chuyển hướng từ vũng bùn phiền não mà nở ra hoa sen chánh giác, nếu hết phiền não rồi thì cần gì phải tu. Cho nên đức Phật nói, chỉ trong những chúng sanh mê muội mới có được những vị đệ tử bậc Chánh giác, đem trí tuệ soi sáng thế gian. Như vậy chính chúng ta là những hoa sen. Nhưng hoa sen này mới có cái ngó thôi chưa vươn lên khỏi bùn, huống nữa là khỏi mặt nước. Có cái ngó tí tẹo ở dưới nước, thủng thẳng biết nuôi dưỡng, đừng ai ngắt nhổ, thì từ từ nó sẽ lần ra khỏi bùn, ra khỏi mặt nước, chừng đó sẽ nở tròn trịa tinh khiết.
Đức Phật đã giác ngộ trước cho nên ngài thành Phật, chúng ta sẽ tiến sau, rồi cũng sẽ thành Phật. Chúng ta đều là những hoa sen thanh khiết ở trong đống bùn nhơ, đừng tưởng mình là bùn nhơ, đừng tự ti mặc cảm rồi không cố gắng tu. Như vậy câu kinh này chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa, người tu không phải người thuần tốt mới tu, mà chính thấy mình xấu mới tu. Nếu nói rằng người tốt mới tu còn những người xấu tu không được, là sai lầm.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |