Kinh Duy Ma Cật giảng giải

13. Phẩm Cúng Dường Pháp



Phẩm này nói về cúng dường pháp. Chủ yếu là so sánh phước cúng dường tháp báu thờ xá-lợi Phật, hoặc cúng dường tứ sự cho chúng tăng, hay những vị A-la-hán, Bồ-tát, Phật, không bằng cúng dường pháp. Cúng dường pháp mới là trên hết. Cúng dường pháp tức là thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói… Tuy bố thí tài làm lợi ích chúng sanh, nhưng không bằng bố thí pháp. Chủ yếu của đạo Phật, bố thí pháp mới là trên hết, nên phẩm này có tên là Cúng Dường Pháp.

Chánh văn: 

Khi ấy Thích-đề-hoàn-nhân từ trong đại chúng bạch Phật: 

– Bạch Thế Tôn, con tuy theo Phật và ngài Văn-thù-sư-lợi nghe trăm ngàn quyển kinh, chưa từng nghe kinh điển bất khả tư nghì, tự tại thần thông, quyết định thật tướng như thế. Như con hiểu nghĩa thú lời Phật nói, nếu có chúng sanh nghe kinh pháp này, người tin hiểu thọ trì đọc tụng, ắt được pháp ấy không nghi, huống là như lời nói tu hành! Người ấy ắt là đóng các nẻo ác mở các cửa lành, thường được chư Phật hộ niệm; hàng phục ngoại đạo, dẹp trừ ma oán; tu đạo Bồ-đề, ở yên nơi đạo tràng; giẫm lên dấu chân của Như Lai đã đi. Bạch Thế Tôn, nếu có người thọ trì đọc tụng như lời nói tu hành, con sẽ cùng với các quyến thuộc cúng dường chu cấp phụng sự. Ở tại tụ lạc hay thành ấp, núi rừng đồng trống, chỗ có kinh này, con cũng cùng với các quyến thuộc đồng đến nơi đó nghe thọ pháp. Những người chưa tin, sẽ khiến sanh lòng tin; người đã tin rồi, sẽ vì họ bảo hộ. 

Phật nói: 

– Lành thay, lành thay, Đế-thích! Như lời ông nói, ta sẽ giúp ông được vui vẻ. Kinh này nói rộng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bất khả tư nghì của chư Phật quá khứ hiện tại vị lai. Thế nên, Đế thích! Nếu người thiện nam người thiện nữ thọ trì đọc tụng, cúng dường kinh này, ắt là cúng dường chư Phật quá khứ hiện tại vị lai. 

Này Đế thích! Giả sử Như Lai đầy dẫy trong tam thiên đại thiên thế giới, ví như mía, tre, lau sậy, lúa, mè, cây rừng. Nếu có người thiện nam thiện nữ hoặc một kiếp hoặc ít hơn một kiếp cung kính tôn trọng, tán thán cúng dường, phụng sự mọi thứ để chư Phật được an ổn, đến sau khi chư Phật diệt độ, đem xá-lợi toàn thân của mỗi vị Phật an trí trong tháp bảy báu, rộng một tứ thiên hạ, cao đến trời Phạm thiên, bên ngoài tháp trang nghiêm đẹp đẽ; dùng tất cả hoa hương, anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc vi diệu bậc nhất, để cúng dường hoặc một kiếp hoặc ít hơn một kiếp. Này Đế-thích, ý ông nghĩ sao, người kia gieo trồng phước há là nhiều chăng? 

Đế-thích thưa: 

– Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Phước đức của người kia, nếu dùng trăm ngàn ức kiếp nói không thể hết. 

Phật bảo thiên Đế-thích: 

– Nên biết người thiện nam thiện nữ nghe kinh điển Bất khả tư nghì giải thoát này, tin hiểu thọ trì, đọc tụng tu hành, phước nhiều hơn người kia. Vì cớ sao? Vì Bồ-đề của chư Phật đều từ đấy mà sanh; tướng của Bồ-đề không thể hạn lượng, do nhân duyên ấy mà được phước đức không thể lường. 

Phật bảo Thiên Đế: 

– Thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, thời ấy có Phật hiệu là Dược Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế giới tên Đại Trang Nghiêm, kiếp là Trang Nghiêm, đức Phật thọ hai mươi tiểu kiếp, hàng Thanh văn tăng của ngài là ba mươi sáu ức na-do-tha vị, hàng Bồ-tát tăng có mười hai ức vị. 

Thiên Đế! Bấy giờ có vị Chuyển luân thánh vương tên là Bảo Cái, đầy đủ bảy báu, là chủ bốn thiên hạ. Vua có một ngàn người con đoan chánh dũng kiện, có thể hàng phục kẻ oán thù. 

Khi ấy Bảo Cái cùng với quyến thuộc cúng dường đức Dược Vương Như Lai, dâng cúng các thứ được an ổn, đến trọn năm kiếp. Qua năm kiếp rồi, mới bảo một ngàn người con của ông: “Các ngươi cũng phải như ta, dùng thâm tâm cúng dường đối với đức Phật.” 

Lúc ấy một ngàn người con vâng lệnh vua cha, cúng dường Dược Vương Như Lai trọn năm kiếp nữa, dâng cúng các thứ được an ổn. Một người con vua tên là Nguyệt Cái, ngồi riêng một mình suy nghĩ: “Thật có cúng dường nào thù thắng hơn cúng dường này chăng?” 

Do thần lực của Phật nên trong hư không có vị trời nói: “Lành thay thiện nam tử, cúng dường pháp thù thắng hơn các thứ cúng dường.” Nguyệt Cái liền hỏi: “Sao gọi là cúng dường pháp?” Vị trời đáp: “Ông hãy đến hỏi đức Dược Vương Như Lai, ngài sẽ rộng vì ông mà nói việc cúng dường pháp.” 

Liền khi ấy vương tử Nguyệt Cái đi đến Dược Vương Như Lai, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui đứng một bên, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, trong các thứ cúng dường, cúng dường pháp là thù thắng hơn hết. Thế nào gọi là cúng dường pháp?” 

Phật bảo: “Thiện nam tử, cúng dường pháp là kinh điển thâm sâu chư Phật đã nói, tất cả thế gian khó tin khó nhận, vi diệu khó thấy, thanh tịnh không nhiễm, chẳng phải chỗ suy nghĩ phân biệt có thể được. Thâu nhiếp pháp tạng Bồ-tát, dấu ấn của ấn đà-la-ni; đến không thối chuyển, thành tựu lục độ, khéo phân biệt nghĩa, thuận theo pháp Bồ-đề, trên hết các kinh. Nhập đại từ bi, lìa các ma sự và các tà kiến. Thuận theo pháp nhân duyên, vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ mạng, Không vô tướng vô tác vô khởi. Hay khiến chúng sanh ngồi nơi đạo tràng mà chuyển pháp luân, chư thiên, long thần, càn-thát-bà… cúng dường khen ngợi. Hay khiến chúng sanh nhập kho pháp của Phật, nhiếp tất cả các trí tuệ của chư hiền thánh. Nói đạo của các vị Bồ-tát đang hành, nương nơi nghĩa thật tướng của các pháp. Nói rõ pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt; hay cứu tất cả chúng sanh phạm giới cấm; hay khiến cho chư ma ngoại đạo và những người tham trước sợ sệt; chỗ chư Phật hiền thánh đều ngợi khen. Trái ngược với khổ sanh tử, chỉ bày sự vui Niết-bàn mười phương ba đời chư Phật đã nói. Nếu nghe những kinh điển như thế, tin hiểu thọ trì đọc tụng, dùng sức phương tiện vì các chúng sanh phân biệt giải nói, chỉ bày rành rõ, gìn giữ giáo pháp, ấy gọi là cúng dường pháp. Lại nơi các pháp như lời nói mà tu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên, lìa các tà kiến, được vô sanh nhẫn; quyết định không có ngã không có chúng sanh, mà đối với nhân duyên quả báo không trái không tranh tụng, lìa các ngã sở. Y nơi nghĩa, không y ngữ; y nơi trí, không y nơi thức; y kinh liễu nghĩa, không y kinh chẳng liễu nghĩa; y nơi pháp, không y nhân. Tùy thuận pháp tướng, không chỗ vào, không chỗ trở về. Vô minh cứu cánh diệt nên các hành cũng cứu cánh diệt; cho đến sanh cứu cánh diệt nên lão tử cũng cứu cánh diệt. Khởi quán như thế, mười hai nhân duyên không có tướng hết, chẳng lại khởi thấy, ấy gọi là cúng dường pháp tối thượng” 

Phật bảo Thiên Đế: 

– Vương tử Nguyệt Cái theo đức Phật Dược Vương nghe pháp như thế, được nhẫn nhu thuận. Liền cởi y báu, đồ dùng trang nghiêm thân để cúng dường Phật, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai diệt độ, con sẽ thực hành cúng dường pháp, bảo hộ chánh pháp. Nguyện nhờ sức oai thần thương xót dựng lập, khiến con hàng phục được ma oán, tu hạnh Bồ-tát.” Phật biết suy nghĩ trong thâm tâm của vương tử, mà thọ ký rằng: “Ông ở đời sau là người bảo vệ thành trì chánh pháp. Này Đế thích, khi ấy vương tử Nguyệt Cái thấy pháp thanh tịnh, nghe Phật thọ ký, do lòng tin xuất gia, tu tập pháp lành; tinh tấn không bao lâu, được năm pháp thần thông, đủ đạo Bồ-tát, được đà-la-ni, biện tài không đoạn dứt. Sau khi Phật diệt độ, do được sức thần thông, tổng trì, biện tài của ông, mãn mười tiểu kiếp chuyển pháp luân của đức Dược Vương Như Lai, tùy đó mà phân bố. Tỳ-kheo Nguyệt Cái do thủ hộ pháp, siêng hành tinh tấn, tức ngay nơi thân này giáo hóa trăm muôn ức người đối với pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lập chí không thối chuyển; mười bốn na-do-tha người sâu phát tâm Thanh văn, Bích-chi Phật; vô lượng chúng sanh được sanh lên cõi trời. Này Thiên Đế, khi ấy vua Bảo Cái há là người nào khác ư? Hiện nay được thành Phật hiệu Bảo Diệm Như Lai. Một ngàn vị vương tử đó, tức ở trong Hiền kiếp là một ngàn đức Phật. Từ Ca-la Câu-tôn-đà là vị Phật thứ nhất, đức Phật sau rốt hiệu là Lâu Chí. Tỳ-kheo Nguyệt Cái ắt là thân ta vậy. Như thế, Thiên Đế! Phải biết chỗ thiết yếu này, đối với các pháp cúng dường dùng cúng dường pháp là trên, là tối thắng, là đệ nhất không gì so sánh được. Thế nên Thiên Đế, phải lấy cúng dường pháp để cúng dường chư Phật vậy. 

Giảng: 

Khi ấy Thích-đề-hoàn-nhân trong đại chúng bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con tuy theo Phật và ngài Văn-thù- sư-lợi nghe trăm ngàn quyển kinh, chưa từng nghe kinh điển bất khả tư nghì, tự tại thần thông, quyết định thật tướng như thế. Như con hiểu nghĩa thú lời Phật nói, nếu có chúng sanh nghe kinh pháp này, người tin hiểu thọ trì đọc tụng, ắt được pháp ấy không nghi, huống là như lời nói tu hành! Người ấy ắt là đóng các nẻo ác mở các cửa lành, thường được chư Phật hộ niệm; hàng phục ngoại đạo, dẹp trừ ma oán; tu đạo Bồ-đề, ở yên nơi đạo tràng; giẫm lên dấu chân của Như Lai đã đi. 

Trời Đế-thích nói, ông đã từng theo Phật và Bồ-tát Văn-thù nghe rất nhiều kinh, nhưng chưa được nghe kinh bất khả tư nghì, tự tại, thần thông, quyết định thật tướng. Ông rất tán thán, thật là hy hữu. Theo ông hiểu nghĩa Phật nói, nếu chúng sanh nào tin hiểu, thọ trì đọc tụng kinh này, ắt là được pháp không nghi. Huống như lời nói tu hành, tức là đóng các cửa ác, mở các cửa lành, dẹp hết ma oán, tu đạo Bồ-đề, ở yên nơi đạo tràng và đi đúng theo đường Phật đã đi.

Bạch Thế Tôn, nếu có người thọ trì đọc tụng như lời nói tu hành, con sẽ cùng với các quyến thuộc củng dường chu cấp phụng sự. Ở tại tụ lạc hay thành ấp, núi rừng đồng trống, chỗ có kinh này, con cũng cùng với các quyến thuộc đồng đến nơi đó nghe thọ pháp. Những người chưa tin, sẽ khiến sanh lòng tin; người đã tin rồi, sẽ vì họ bảo hộ. 

Người chưa tin sẽ khiến họ được đầy đủ lòng tin, người đã tin làm tăng trưởng lòng tin. Ông nguyện bảo hộ kinh và người tu hành sống đúng theo kinh.

Phật nói: Lành thay, lành thay, Đế-thích! Như lời ông nói, ta sẽ giúp ông được vui vẻ. Kinh này nói rộng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bất khả tư nghì của chư Phật quá khứ hiện tại vị lai. Thế nên, Đế-thích! Nếu người thiện nam người thiện nữ thọ trì đọc tụng, cúng dường kinh này, ắt là cúng dường chư Phật quá khứ hiện tại vị lai. 

Vì sao ở đây lại tán thán, ai cúng dường kinh này tức là cúng dường ba đời chư Phật? Kinh này nói về công hạnh của Bồ-tát, mà tất cả chư Bồ-tát đều phải nương theo đây tu hành, đến khi viên mãn công hạnh mới thành tựu quả Phật. Như vậy kinh này là nhân để thành quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của ba đời chư Phật. Thế nên nói, cúng dường kinh này là cúng dường ba đời chư Phật.

Này Đế-thích! Giả sử Như Lai đầy dẫy trong tam thiên đại thiên thế giới, ví như mía, tre, lau sậy, lúa, mè, cây rừng. Nếu có người thiện nam thiện nữ hoặc một kiếp hoặc ít hơn một kiếp cung kính tôn trọng, tán thán cúng dường, phụng sự mọi thứ để chư Phật được an ổn, đến sau khi chư Phật diệt độ, đem xá-lợi toàn thân của mỗi vị Phật an trí trong tháp bảy báu, rộng một tử thiên hạ, cao đến trời Phạm thiên, bên ngoài tháp trang nghiêm đẹp đẽ; dùng tất cả hoa hương, anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc vi diệu bậc nhất, để cúng dường hoặc một kiếp hoặc ít hơn một kiếp. Này Đế-thích, ý ông nghĩ sao, người kia gieo trồng phước há là nhiều chăng? 

Đế-thích thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Phước đức của người kia, nếu dùng trăm ngàn ức kiếp nói không thể hết. 

Đoạn này đức Phật dùng thí dụ quá sức tưởng tượng. Chỉ riêng thế giới của chúng ta, số mía, tre, lau sậy, lúa, mè, cây rừng….. còn không thể tính kể hết. Huống là chư Phật nhiều như số mía, mè, tre, lau, cây rừng… trong tam thiên đại thiên thế giới. Một cây tre là một ông Phật, một cây lúa là một ông Phật.. tổng cộng bao nhiêu Phật đều cúng dường đầy đủ suốt một kiếp hoặc ít hơn một kiếp. Kiếp gồm có đại kiếp, trung kiếp và tiểu kiếp. Kiếp dài vô hạn không phải chỉ một đời. Cúng dường một vài đức Phật còn có thể tưởng tượng nổi, cúng dường Phật nhiều như vậy, cho đến sau khi chư Phật diệt độ. Xá-lợi mỗi vị Phật đều an trí trong tháp xây bằng bảy báu để thờ. Tháp rộng bằng tứ thiên hạ, cao tới trời Phạm thiên, trang nghiêm đẹp đẽ, dùng các thứ hương hoa, anh lạc, kỹ nhạc vi diệu bậc nhất, trang trí tràng phan, bảo cái… để cúng dường. Đó là hai thứ cúng dường, cúng dường Phật và xây bảo tháp thờ xá-lợi Phật, như vậy phước đức rất nhiều. Thế nên Đế-thích nói, phước đức đó trăm ngàn muôn kiếp nói không thể hết.

Đức Phật đã dùng hình ảnh thí dụ cho chúng ta thấy, cúng dường tài thí dù nhiều bao nhiêu, sánh với pháp thí cũng không thể lường được, nên Phật mới nói pháp thí là trên hết.

Phật bảo thiên Đế-thích: Nên biết người thiện nam thiện nữ nghe kinh điển Bất khả tư nghì giải thoát này, tin hiểu thọ trì, đọc tụng tu hành, phước nhiều hơn người kia. Vì cớ sao? Vì Bồ-đề của chư Phật đều từ đấy mà sanh; tướng của Bồ-đề không thể hạn lượng, do nhân duyên ấy mà được phước đức không thể lường. 

Người thế gian dù giàu đến đâu cũng không thể cúng dường trăm ngàn đời chư Phật nhiều như thế. Lại xây vô lượng tháp báu, cúng dường hương hoa, tràng phan bảo cái hoặc một kiếp hoặc ít hơn một kiếp… Tất cả những phước đó chung lại cũng không bằng phước của người nghe kinh này tin hiểu, đọc tụng thọ trì đúng như pháp mà tu hành. Vì sao? Vì Bồ-đề của chư Phật từ đây mà sanh, tướng Bồ-đề không giới hạn, do nhân duyên đó nên phước đức cũng không giới hạn. Còn bố thí tài dù nhiều bao nhiêu cũng có chừng mực hạn lượng.

Giả sử có trăm ngàn muôn ức hạt sương lóng lánh như kim cương, cũng không thể đổi với một hạt kim cương thật dù nhỏ. Tại sao? Vì cái giả không sánh với cái thật được. Cũng vậy, cúng dường tài vật thì được phước, nhưng chỉ là phước hữu hạn, bằng hình thức sự tướng, là pháp vô thường, dù nhiều bao nhiêu cũng phải hoại diệt. Còn tánh Bồ-đề không hoại nên nói trở về với Bồ-đề là tối thượng. Do đó đức Phật nói pháp thí là trên hết. Cúng dường tài thí như trên chúng ta không thể thực hiện nổi, nhưng cúng dường pháp là việc làm to tát, người tu ắt có thể làm được.

Như thấy một gia đình nghèo đói, vì thương nên mỗi ngày mình đều đem gạo đến cho, nhưng họ cứ than đói khổ hoài. Tìm hiểu ra mới biết, hai vợ chồng này không chịu khó làm ăn, có tiền ít mà xài nhiều, tất nhiên phải túng thiếu. Như vậy dù cả đời mình đem vật chất giúp họ cũng không hết khổ. Chỉ cần khéo léo giải thích khuyên bảo họ, phải siêng năng và cần kiệm mới mong thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thiếu hụt này. Dùng lời khuyên bảo tuy tốn công, nhưng khi hiểu rồi, họ sửa đổi cách sống, biết tiết kiệm, chăm chỉ làm ăn chứ không như trước nữa. Như vậy mình nhịn ăn bớt mặc chưa cứu người hết khổ, mà chính lời nói nhẹ nhàng khéo léo giúp họ thức tỉnh. Việc làm này thấy như tầm thường, nhưng lại cứu người thoát khổ, đó là điều quan trọng.

Thế nên giác ngộ rồi mới thoát khổ sanh tử trong tam giới. Việc cúng dường tuy được phước nhiều, mà không giác ngộ, khi hưởng hết phước vẫn bị đọa. Có nhiều người cho rằng tu sĩ Phật giáo chỉ lo tu cho riêng mình mà không xả thân làm việc từ thiện xã hội, đó là họ chưa hiểu mục đích cứu cánh của đạo Phật. Nếu đọc sử thì thấy vào thời đức Phật tại thế, ngài chỉ khuyên dạy Phật tử làm việc phước thiện, còn chư Tỳ-kheo phải lấy việc tu học giác ngộ giải thoát làm gốc. Như vậy để thấy rõ tinh thần của đạo Phật, người tu phải thấu hiểu đạo lý và chỉ dạy lại cho người được tỉnh thức. Do đó nói phước pháp thí là trên hết. Vì vậy tôi chủ trương, tuy làm việc từ thiện xã hội như Tuệ Tĩnh đường. nhưng không được bỏ việc tu học. Chúng ta giúp dân được bao nhiêu mừng bấy nhiêu, còn việc tu học là chính yếu của người tu giác ngộ giải thoát, nên không thể thiếu.

Trên đây đức Phật nêu lên dẫn dụ so sánh giữa hai pháp cúng dường, để cho thấy cúng dường pháp là cao tột.

Phật bảo Thiên Đế: Thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ hiếp, thời ấy có Phật hiệu là Dược Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế giới tên Đại Trang Nghiêm, kiếp là Trang Nghiêm, đức Phật thọ hai mươi tiểu kiếp, hàng Thanh văn tăng của ngài là ba mươi sáu ức na-do-tha vị, hàng Bồ-tát tăng có mười hai ức vị. 

Thiên Đế! Bấy giờ có vị Chuyển luân thánh vương, tên là Bảo Cái, đầy đủ bảy báu, là chủ bốn thiên hạ. Vua có một ngàn người con đoan chánh dũng kiện, có thể hàng phục kẻ oán thù. 

Khi ấy Bảo Cái cùng với quyến thuộc cúng dường đức Dược Vương Như Lai, dâng cúng các thứ được an ổn, đến trọn năm kiếp. Qua năm kiếp rồi, mới bảo một ngàn người con của ông: “Các ngươi cũng phải như ta, dùng thâm tâm cúng dường đối với đức Phật.” 

Lúc ấy một ngàn người con vâng lệnh vua cha cúng dường Dược Vương Như Lai trọn năm kiếp nữa, dâng cúng các thứ được an ổn. Một người con vua tên là Nguyệt Cái, ngồi riêng một mình suy nghĩ: “Thật có cúng dường nào thù thắng hơn cúng dường này chăng?” 

Do thần lực của Phật nên trong hư không có vị trời nói: “Lành thay thiện nam tử, cúng dường pháp thù thắng hơn các thứ cúng dường.” Nguyệt Cái liền hỏi: “Sao gọi là cúng dường pháp?” Vị trời đáp: “Ông hãy đến hỏi đức Dược Vương Như Lai, ngài sẽ rộng vì ông mà nói việc cúng dường pháp.” 

Liền khi ấy vương tử Nguyệt Cái đi đến Dược Vương Như Lai, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui đứng một bên, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, trong các thứ cúng dường, cúng dường pháp là thù thắng hơn hết. Thế nào gọi là cúng dường pháp?” 

Phật bảo: “Thiện nam tử, cúng dường pháp là kinh điển thâm sâu chư Phật đã nói, tất cả thế gian khó tin khó nhận, vi diệu khó thấy, thanh tịnh không nhiễm, chẳng phải chỗ suy nghĩ phân biệt có thể được. Thâu nhiếp pháp tạng Bồ-tát, dấu ấn của ấn đà-la-ni; đến không thối chuyển, thành tựu lục độ, khéo phân biệt nghĩa, thuận theo pháp Bồ-đề, trên hết các kinh…”

Đà-la-ni (Dhāranī) là tiếng Phạn, dịch là tổng trì, là gom nhớ hết.

Đức Phật Dược Vương giải thích cúng dường pháp là cúng dường kinh điển thâm sâu của Phật đã nói, tất cả thế gian khó tin khó nhận, vi diệu khó thấy, thanh tịnh không nhiễm, chẳng phải do suy nghĩ phân biệt mà được. Pháp ấy nhiếp thuộc pháp tạng của Bồ-tát, là dấu in của ấn đà-la-ni. Như vậy pháp tạng của Bồ-tát là kho pháp giúp chúng ta tu tiến đến chỗ được tổng trì, bất thối chuyển, thành tựu lục độ, khéo phân biệt nghĩa, tùy thuận pháp Bồ-đề, vượt trội hơn các kinh.

Nhập đại từ bi, lìa các ma sự và các tà kiến. Thuận theo pháp nhân duyên, vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ mạng, Không vô tướng vô tác vô khởi. Hay khiến chúng sanh ngồi nơi đạo tràng mà chuyển pháp luân, chư thiên, long thần, càn-thát-bà… cúng dường khen ngợi. Hay khiến chúng sanh nhập kho pháp của Phật, nhiếp tất cả các trí tuệ của chư hiền thánh. 

Vị nào thể nhập kho pháp này, sẽ phát tâm đại từ bi, lìa hết các ma sự, tà kiến. Tùy thuận theo lý nhân duyên, lý vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ mạng và bốn môn giải thoát: Không, vô tướng, vô tác, vô khởi. Hay vì chúng sanh ngồi đạo tràng nói pháp khiến tất cả thiên long, chư thần… đều cúng dường khen ngợi. Hay khiến chúng sanh thâm nhập pháp Phật, nhiếp tất cả trí tuệ của các bậc hiền thánh.

Nói đạo của các vị Bồ-tát đang hành, nương nơi nghĩa thật tướng của các pháp. Nói rõ pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt; hay cứu tất cả chúng sanh phạm giới cấm; hay khiến cho chư ma ngoại đạo và những người tham trước sợ sệt; chỗ chư Phật hiền thánh đều ngợi khen. 

Giảng nói đạo của các vị Bồ-tát đang thực hành. Nương nơi nghĩa tướng chân thật, nói cho tất cả chúng sanh biết rõ các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết-bàn là tịch diệt. Hay cứu giúp người khỏi các tội hủy phá cấm giới. Khiến cho chúng ma, ngoại đạo đều phải sợ sệt kinh hãi. Còn những vị hiền thánh đều vui mừng khen ngợi cúng dường.

Trái ngược với khổ sanh tử, chỉ bày sự vui Niết-bàn mười phương ba đời chư Phật đã nói. Nếu nghe những kinh điển như thế, tin hiểu thọ trì đọc tụng, dùng sức phương tiện vì các chúng sanh phân biệt giải nói, chỉ bày rành rõ, gìn giữ giáo pháp, ấy gọi là cúng dường pháp. 

Trên đây đã giải thích về nghĩa cúng dường pháp, chúng ta có thể tóm gọn lại như sau: Cúng dường pháp là nương theo pháp của Phật dạy ứng dụng tu hành, tự mình được an ổn thanh tịnh, rồi chỉ dạy lại cho mọi người cùng tu, tiến lần đến chỗ an lạc thanh tịnh. Người thực hành như thế gọi là cúng dường pháp.

Lại nơi các pháp như lời nói mà tu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên, lìa các tà kiến, được vô sanh nhẫn; quyết định không có ngã không có chúng sanh, mà đối với nhân duyên quả báo không trái không tranh tụng, lìa các ngã sở. Y nơi nghĩa, không y ngữ; y nơi trí, không y nơi thức; y kinh liễu nghĩa, không y kinh chẳng liễu nghĩa; y nơi pháp, không y nhân. 

Kinh Đại Bát-niết-bàn có giảng về tứ y. Ở đây cũng nói tứ y:

1) Y pháp bất y nhân: là nương nơi pháp không nên nương người nói pháp. Điều này rất hệ trọng. Người thế gian thường chấp, lời nói việc làm phải đi đôi, nhưng thầy thuyết pháp hay mà làm chưa được nên không muốn nghe thầy giảng. Nói thế cũng phải, thầy giảng pháp, phải có ứng dụng tu thì lời nói mới có giá trị đủ niềm tin cho người nghe. Như bác sĩ khuyên bệnh nhân hút thuốc nhiều sẽ có hại cho sức khỏe, nhưng chính ông lại hút, nên lời ông nói không có tác dụng. Tuy bác sĩ biết tác hại của hút thuốc nhưng thói quen chưa bỏ được, bệnh nhân đừng nên cố chấp khuyết điểm của ông mà không đến trị thì làm sao hết bệnh.

Cũng vậy, Phật biết trong đời mạt pháp người đạt đạo thì ít, hiểu đạo tương đối nhiều. Nếu hiểu đạo mà chưa đạt đạo, thì hành động chưa đúng, do đó Phật pháp suy vi. Thế nên Phật dạy y pháp bất y nhân, là phải nương pháp mà tu. Thầy còn là phàm tăng, không sao tránh khỏi những sai sót. Vì vậy không nên chấp vào khuyết điểm của thầy rồi không chịu học Phật pháp là thiệt thòi cho mình. Đó là bổn phận của Phật tử. Còn thầy là người hướng dẫn phải có tư cách mẫu mực, để làm gương cho người noi theo. Nếu thầy vừa rời pháp tòa lại làm những điều không hợp đạo lý, bị người phê phán liền nói Phật dạy y pháp bất y nhân, đó là tai họa. Chúng ta phải có cái nhìn thấu đáo, học hiểu giáo lý để làm tư lương tu hành, đừng đòi hỏi người giảng làm đúng những gì đã nói. Nhưng ít ra cũng được năm mươi phần trăm, dưới thì trái với tư cách của vị đạo sư. Thế nên, người nghe pháp phải có tâm niệm cởi mở và người giảng pháp đừng vì thế mà buông lung.

2) Y nghĩa bất y ngữ: là nương nơi nghĩa không nương lời nói. Muốn chỉ bày nghĩa lý phải dùng phương tiện ngôn ngữ, tuy lời nói diễn đạt không khéo léo nhưng ý nghĩa trình bày thâm sâu. Như vậy không nên chấp lời nói bỏ nghĩa thâm sâu, mà phải nương nơi nghĩa kinh để ứng dụng tu.

3) Y trí bất y thức: là nương nơi trí mà không nương nơi thức. Căn cứ trong kinh Lăng-già, trí là cái biết không sanh diệt, còn thức là cái biết phân biệt sanh diệt. Nếu nương cái biết phân biệt sanh diệt là đi trong sanh tử, còn nương nơi cái biết không sanh diệt, là giải thoát sanh tử.

4) Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh: liễu nghĩa là nghĩa lý được giải bày đầy đủ trọn vẹn; bất liễu nghĩa là nghĩa chưa tròn đủ, chưa hết nghĩa. Liễu nghĩa và bất liễu nghĩa còn có tên khác là cứu cánh và phương tiện. Như trong kinh Thi-ca-la-việt dạy lễ bái lục phương. Có người ngoại đạo dạy con, cha chết rồi con hãy y lời cha dạy, đêm nào cũng hướng về sáu phương mà lễ lạy. Khi ông trưởng giả chết rồi, người con thực hành như lời cha dặn. Một hôm vị ấy đang lễ lạy, đức Phật hỏi nguyên do và giảng dạy cho hiểu ý nghĩa lễ lạy sáu phương:

1) Phương đông là hiếu thuận với cha mẹ.

2) Phương nam là hiếu kính sư trưởng.

3) Phương tây đối đãi tốt với vợ chồng.

4) Phương bắc đối đãi tốt với thân tộc.

5) Phương trên kính phụng Sa-môn.

6) Phương dưới đối xử tốt với tôi tớ.

Những kinh Phật tùy thuận theo sự hiểu biết của ngoại đạo, linh động khiến họ trở về với chánh pháp, gọi là kinh không liễu nghĩa. Như kinh Thi-ca-la-việt, Phật phương tiện vì người giảng nói ý nghĩa lễ lạy sáu phương. Còn những kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết-bàn… là kinh liễu nghĩa.

Tùy thuận pháp tướng, không chỗ vào, không chỗ trở về. Khi đã đạt được pháp cứu cánh thanh tịnh, thể tròn đầy trùm khắp nhưng vì tùy thuận pháp tướng để diễn đạt cho mọi người hiểu chứ không kẹt trong pháp tướng, nên nói không chỗ vào, không chỗ trở về.

Vô minh cứu cánh diệt nên các hành cũng cứu cảnh diệt; cho đến sanh cứu cánh diệt nên lão tử cũng cứu cánh diệt. Khởi quán như thế, mười hai nhân duyên không có tướng hết, chẳng lại khởi thấy, ấy gọi là cúng dường pháp tối thượng. Như vậy căn cứ trong mười hai nhân duyên, vì vô minh diệt sạch hoàn toàn nên các hành nghiệp cũng hoàn toàn sạch hết. Cho đến cuối cùng sanh diệt nên lão tử cũng diệt. Do đó tuy tu theo các pháp Nhị thừa nhưng không nên chấp vào tướng, cũng đừng kẹt trong đối đãi. Đó là cúng dường pháp tối thượng.

Phật bảo Thiên Đế: Vương tử Nguyệt Cái theo đức Phật Dược Vương nghe pháp như thế, được nhẫn nhu thuận. Liền cởi y báu, đồ dùng trang nghiêm thân để cúng dường Phật, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai diệt độ, con sẽ thực hành cúng dường pháp, bảo hộ chánh pháp. Nguyện nhờ sức oai thần thương xót dựng lập, khiến con hàng phục được ma oán, tu hạnh Bồ-tát.” Sau khi nghe Phật giải thích về cúng dường pháp, vương tử Nguyệt Cái liền phát tâm cởi y báu cúng dường Như Lai, đồng thời nguyện oai thần Phật gia hộ cho ngài hàng phục được các ma oán, tu hạnh Bồ-tát.

Phật biết suy nghĩ trong thâm tâm của vương tử, mà thọ ký rằng: “Ông ở đời sau là người bảo vệ thành trì chánh pháp.” Này Đế-thích, khi ấy vương tử Nguyệt Cái thấy pháp thanh tịnh, nghe Phật thọ ký, do lòng tin xuất gia, tu tập pháp lành; tinh tấn không bao lâu, được năm pháp thần thông, đủ đạo Bồ-tát, được đà-la-ni, biện tài không đoạn dứt. Sau khi Phật diệt độ, do được sức thần thông, tổng trì, biện tài của ông, mãn mười tiểu kiếp chuyển pháp luân của đức Dược Vương Như Lai, tùy đó mà phân bố. Tỳ-kheo Nguyệt Cái do thủ hộ pháp, siêng hành tinh tấn, tức ngay nơi thân này giáo hóa trăm muôn ức người đối với pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lập chí không thối chuyển; mười bốn na-do-tha người sâu phát tâm Thanh văn, Bích-chi Phật, vô lượng chúng sanh được sanh lên cõi trời. 

Sau khi vương tử Nguyệt Cái xuất gia, chuyên cần tu tập thành tựu đạo Bồ-tát, đem giáo pháp của đức Như Lai Dược Vương đã dạy, truyền bá rộng khắp. Khi Phật diệt độ, Tỳ-kheo Nguyệt Cái với tâm thọ trì, bảo hộ chánh pháp, ngài tinh tấn giáo hóa được trăm muôn ức người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không thối chuyển, mười bốn na-do-tha người phát tâm cầu Thanh văn, Bích-chi Phật, và vô lượng chúng sanh tu thập thiện được sanh lên cõi trời. Như vậy tuy tu hạnh Bồ-tát nhưng với người phát tâm tu theo Nhị thừa, ngài nói pháp Nhị thừa, người thích sanh lên cõi trời thì nói pháp thập thiện. Tùy duyên, tùy căn cơ của chúng sanh mà giáo hóa, chứ không phải chỉ y cứ vào một pháp chỉ dạy người. Đó là phương tiện độ sanh của chư Bồ-tát.

Này Thiên Đế, khi ấy vua Bảo Cải há là người nào khác ư? Hiện nay được thành Phật hiệu Bảo Diệm Như Lai. Một ngàn vị vương tử đó, tức ở trong Hiền kiếp là một ngàn đức Phật. Vua Bảo Cái không phải người nào khác, hiện đang thành Phật hiệu là Bảo Diệm Như Lai. Kiếp trước là kiếp Trang Nghiêm, đức Phật Dược Vương giáo hóa trong thời này. Một ngàn vị vương tử là một ngàn đức Phật trong Hiền kiếp. Chúng ta hiện nay đang ở trong Hiền kiếp.

Từ Ca-la Câu-tôn-đà là vị Phật thứ nhất, đức Phật sau rốt hiệu là Lâu Chí. Tỳ-kheo Nguyệt Cái ắt là thân ta vậy. Như vậy Tỳ-kheo Nguyệt Cái từ thuở kiếp Trang Nghiêm thời đức Phật Dược Vương, chính là đức Phật Thích-ca hiện nay. Từ kiếp xa xưa ngài đã phát tâm tu hành, giáo hóa chúng sanh vô lượng, mãi đến nay mới được thành Phật. Đâu có vị nào chỉ một đời tu liền đắc Vô thượng Bồ-đề, phải có chủng duyên nhiều đời nhiều kiếp, viên mãn công hạnh Bồ-tát mới thành tựu đạo quả.

Như thế, Thiên Đế! Phải biết chỗ thiết yếu này, đối với các pháp cúng dường dùng cúng dường pháp là trên, là tối thắng, là đệ nhất không gì so sánh được. Thế nên Thiên Đế, phải lấy cúng dường pháp để cúng dường chư Phật vậy. 

Trong nhà thiền thường nói Truyền đăng tục diệm, nghĩa là mồi đèn tiếp lửa. Pháp Phật là ngọn đèn đã thắp sáng, bổn phận con cháu sau này phải mồi cho ánh sáng đó tiếp nối mãi không dừng. Còn những Phật sự khác, tùy duyên làm bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Trọng trách tối thượng của chúng ta là phải đem ánh sáng pháp của Phật tổ truyền bá cho mọi người. Điều thiết yếu Phật tổ đã chỉ dạy, cúng dường pháp là tối thắng, là trên hết, thực hành như thế ắt là cúng dường chư Phật cao tột không gì sánh bằng.

Kết thúc phẩm này, đức Phật nêu rõ hai phần cụ thể để chúng ta thấy cúng dường pháp là trên hết:

Cúng dường chư Phật nhiều vô số, được phước đức không thể nghĩ lường, nhưng không thể sánh với người nghe kinh điển này, hiểu ứng dụng tu hành, đem ra chỉ dạy cho người.

Đức Phật kể lại việc quá khứ, ngài và những vị huynh đệ cùng tu để chứng minh việc này.

Trong một ngàn vị thiên tử, chỉ có ngài suy nghĩ không biết cúng dường như thế nào là trên hết. Nhờ oai thần của đức Dược Vương Như Lai nên ngài biết cúng dường pháp là trên hết. Từ đó ngài phát tâm thọ trì pháp, ứng dụng tu và đem pháp đó giáo hóa chúng sanh cho đến khi thành Phật hiệu Thích-ca-mâu-ni. Như trên nói đức Phật Dược Vương thọ ký, trong thời Hiền kiếp này có một ngàn đức Phật ra đời. Hiện đã có bảy vị và đức Thích-ca là vị thứ bảy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.