A-súc (Aksobhya) là dịch âm tiếng Phạn, Trung Hoa dịch nghĩa là Vô Động. Đức Phật A-súc còn gọi là Phật Vô Động, do nhân tu hạnh vô động viên mãn, được thành Phật ở cõi nước rất hoan hỷ đẹp đẽ, nên có tên là Diệu Hỷ. Tên nước và tên Phật đã nói lên mấu chốt của sự tu hành. Nếu trước những cảnh thuận nghịch, tâm thanh tịnh không xao xuyến loạn động thì luôn được an vui, không phiền cấu. Tâm bất động, ở đâu cũng an. Tâm loạn động, dù ở chỗ nào cũng đáng buồn, đáng giận, đáng trách. Đó là ý nghĩa của phẩm này.
Chánh văn:
Khi ấy Thế Tôn hỏi ông Duy-ma-cật:
– Ông muốn thấy Như Lai, dùng những gì để quán Như Lai?
Ông Duy-ma-cật thưa:
– Như tự quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy. Con quán Như Lai mé trước không đến, mé sau chẳng đi, hiện tại không trụ. Chẳng quán sắc, chẳng quán sắc như, chẳng quán sắc tánh. Chẳng quán thọ tưởng hành thức, chẳng quán thức như, chẳng quán thức tánh, chẳng phải tứ đại khởi, đồng với hư không. Sáu nhập không tích tụ, mắt tai mũi lưỡi thân tâm đã qua; chẳng ở tam giới, đã lìa ba cấu. Thuận theo ba môn giải thoát, đầy đủ ba minh cùng với vô minh đồng. Chẳng phải tướng một chẳng phải tướng khác, chẳng phải tự tướng chẳng phải tha tướng, chẳng phải không tướng chẳng phải thủ tướng. Chẳng phải bờ này, chẳng phải bờ kia, chẳng phải ở chặng giữa mà giáo hóa chúng sanh. Quán tịch diệt cũng chẳng hằng diệt. Chẳng đây chẳng kia, chẳng phải do đây chẳng phải do kia. Không thể dùng trí biết cũng không thể dùng thức hiểu. Không tối không sáng, không danh không tướng, không mạnh không yếu, chẳng phải sạch chẳng phải nhơ. Không ở phương sở, không lìa phương sở; chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. Không chỉ bày không nói năng. Không bố thí không xan tham, không trì giới không phạm giới, không nhẫn nhục không sân nhuế, không tinh tấn không giải đãi, không định không loạn, không trí không ngu, không thật không dối, không đến không đi, không ra không vào, tất cả đường ngôn ngữ đoạn dứt. Chẳng phải phước điền chẳng phải không phước điền, chẳng phải nên cúng dường chẳng phải không nên cúng dường, chẳng phải thủ chẳng phải xả. Chẳng phải có tướng chẳng phải không tướng. Đồng với mé chân, bình đẳng pháp tánh. Không thể cân không thể lường, vượt qua các cân lường. Chẳng phải lớn chẳng phải nhỏ, chẳng phải thấy chẳng phải nghe, chẳng phải hiểu chẳng phải biết, lìa các kiết phược. Bình đẳng các trí, đồng với chúng sanh, đối với các pháp không phân biệt. Tất cả không mất, không nhơ nhớp không phiền não, không tạo tác không khởi, không sanh không diệt. Không sợ không lo, không mừng không chán không dính mắc. Không đã có, không sẽ có, không nay có. Không thể dùng tất cả ngôn thuyết phân biệt hiển bày. Bạch Thế Tôn, thân Như Lai là thế đấy, khởi quán như thế. Dùng quán này gọi là chánh quán, nếu quán khác gọi là tà quán.
Khi ấy ngài Xá-lợi-phất hỏi ông Duy-ma-cật:
– Ông chết ở đâu mà đến sanh ở đây?
Ông Duy-ma-cật nói:
– Pháp của Ngài đã được, có chết có sanh chăng?
Xá-lợi-phất nói: – Không chết không sanh.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Nếu các pháp không có tướng chết tướng sanh, vì sao Ngài hỏi ở chỗ nào chết mà đến sanh ở đây? Ý Ngài nghĩ sao? Ví như có ông thầy huyễn, hóa ra người huyễn nam nữ, lẽ nào có chết có sanh chăng?
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Không có chết không có sanh. Ông há chẳng nghe Phật nói các pháp như tướng huyễn sao?
Đáp:
– Đúng thế, nếu tất cả pháp như tướng huyễn, tại sao Ngài hỏi chết ở chỗ nào mà đến sanh ở đây? Thưa ngài Xá-lợi-phất, chết là pháp hư dối, tướng bại hoại; sanh là pháp hư dối, tướng tương tục. Bồ-tát tuy chết, chẳng dứt gốc lành; tuy sanh, chẳng tăng trưởng các ác.
Khi ấy Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:
– Có nước tên Diệu Hỷ, đức Phật hiệu Vô Động. Ông Duy-ma-cật ở cõi nước kia chết, rồi đến sanh ở cõi này.
Ngài Xá-lợi-phất thưa:
– Thật là chưa từng có. Bạch đức Thế Tôn! Người này mới hay xả bỏ cõi nước thanh tịnh, mà thích đến chỗ nhiều oán hại này.
Ông Duy-ma-cật nói với ngài Xá-lợi-phất:
– Ý Ngài nghĩ sao? Khi ánh sáng mặt trời xuất hiện cùng với tối có hợp chăng?
Ngài Xá-lợi-phất đáp:
– Không vậy! Khi ánh mặt trời xuất hiện tức không có các tối.
Ông Duy-ma-cật hỏi:
– Mặt trời vì sao xoay quanh cõi Diêm-phù-đề?
Đáp: – Vì muốn soi sáng để trừ tối.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Bồ-tát cũng như thế. Tuy sanh ở cõi nhớp nhúa, vì giáo hóa chúng sanh, không cùng ngu tối mà chung hợp vậy, chỉ diệt phiền não ngu tối cho chúng sanh thôi.
Khi ấy cả đại chúng đều khao khát muốn thấy thế giới Diệu Hỷ của đức Vô Động Như Lai, cùng với chúng Bồ-tát, Thanh văn ở cõi ấy. Phật biết suy nghĩ của chúng hội, liền bảo ông Duy-ma-cật:
– Này thiện nam tử! Vì chúng hội đây hãy hiện ra cõi Diệu Hỷ của đức Vô Động, và chúng ở đây đều muốn thấy chư Bồ-tát, chúng Thanh văn ở cõi nước kia.
Bấy giờ ông Duy-ma-cật thầm nghĩ: “Ta sẽ không rời tòa này, tiếp nhận cõi nước Diệu Hỷ, núi Thiết Vi, núi sông, khe núi sông ngòi, biển cả suối nguồn, các núi Tu-di và mặt trăng mặt trời, các vì sao, cung điện của chư thiên, long vương, quỷ thần, Phạm thiên, cùng với những chúng Bồ-tát, Thanh văn, thành ấp xóm làng, nam nữ lớn nhỏ, cho đến đức Vô Động Như Lai, cùng với cây bồ-đề, các hoa sen đẹp, hay ở nơi mười phương mà làm Phật sự. Ba con đường báu cấp bậc từ cõi Diêm phù đề đến cõi trời Đao-lợi, do thềm báu này chư thiên đi xuống, thảy đều lễ kính đức Vô Động Như Lai và nghe nhận kinh pháp. Những người ở cõi Diêm-phù- đề cũng lên thềm báu đó đi đến cung trời Đao-lợi, thấy được các chư thiên kia. Thế giới Diệu Hỷ thành tựu công đức vô lượng như thế, trên đến cõi trời Sắc Cứu Cánh, dưới đến mé thủy. Dùng bàn tay mặt nắm bứt, như bàn quay của ông thợ gốm, để vào thế giới này giống như cầm vòng hoa đẹp, chỉ bày cho tất cả chúng.”
Khởi nghĩ như thế rồi, nhập chánh định, hiện sức thần thông dùng tay phải kia nắm lấy thế giới Diệu Hỷ để trên cõi này.
Các vị Bồ-tát được thần thông và chúng Thanh văn cùng chúng thiên nhân ở cõi kia đều cất tiếng nói rằng:
– Cúi xin Thế Tôn, ai nắm đem chúng con đi? Mong Ngài cứu cho.
Đức Phật Vô Động nói:
– Chẳng phải ta làm, đấy là sức thần thông của cư sĩ Duy-ma-cật làm.
Ngoài ra, những vị chưa được thần thông không hay không biết mình bị đem đi. Thế giới Diệu Hỷ tuy vào cõi này mà không tăng giảm, khi ấy trong thế giới này cũng không thấy chật hẹp, vẫn như xưa không khác.
Lúc ấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni bảo chư đại chúng:
– Các ông hãy xem thế giới Diệu Hỷ của đức Vô Động Như Lai, cõi nước kia trang nghiêm đẹp đẽ, những vị Bồ-tát hạnh thanh tịnh, chúng đệ tử thanh bạch.
Cả chúng đều bạch:
– Thưa vâng đã thấy.
Phật bảo:
– Nếu Bồ-tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như thế, phải học đạo của đức Vô Động Như Lai đã hành.
Khi hiện cõi nước Diệu Hỷ, mười bốn na-do-tha người ở thế giới Ta-bà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều nguyện sanh về cõi Phật Diệu Hỷ. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni liền thọ ký cho họ sẽ sanh về nước kia. Khi thế giới Diệu Hỷ đến cõi này làm những việc lợi ích kia rồi, liền trở lại chỗ cũ, cả chúng đều thấy.
Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:
– Ông thấy thế giới Diệu Hỷ này và đức Phật Vô Động chăng?
Xá-lợi-phất thưa:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con đã thấy! Mong cho tất cả chúng sanh được cõi thanh tịnh như đức Phật Vô Động, được sức thần thông như ông Duy-ma-cật. Bạch Thế Tôn, chúng con rất thích được thiện lợi, được gặp người này thân cận cúng dường. Các chúng sanh kia, hoặc là hiện tại hoặc là sau khi Phật diệt độ, nghe kinh này cũng được thiện lợi. Huống lại nghe rồi tin hiểu, thọ trì đọc tụng giải nói, như pháp tu hành. Nếu tay được quyển kinh điển này, liền đã được kho pháp báu. Nếu có người đọc tụng giải thích các nghĩa này, như lời nói tu hành, ắt là được chư Phật hộ niệm. Nếu có người cúng dường vị này, nên biết là đang cúng dường Phật. Nếu có người biên chép thọ trì quyển kinh này, nên biết trong thất người đó có Như Lai. Nếu người nghe kinh này hay tùy hỷ, người đó ắt sẽ được Nhất thiết trí. Nếu hay tin hiểu kinh này, cho đến một bài kệ bốn câu, vì người khác nói, nên biết người ấy được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Giảng:
Khi ấy Thế Tôn hỏi ông Duy-ma-cật:
– Ông muốn thấy Như Lai, dùng những gì để quán Như Lai?
Ông Duy-ma-cật thưa:
– Như tự quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy.
Cư sĩ Duy-ma-cật không nhìn Phật trên thân ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, mà nhìn bằng thật tướng của thân, tức là tánh giác. Người tu biết trở về với tánh giác, khi được viên mãn gọi là thành Phật. Thật tướng của thân là tánh giác của mỗi người. Ngay thân mình có tánh giác mà bỏ quên không biết xoay trở lại, nên gọi là chúng sanh mê lầm. Muốn thấy Phật, không gì hơn là nhận ra tánh giác của mình, Phật cũng như thế, không có khác. Trên giả tướng, Phật ở Ấn Độ, có dáng vóc người Ấn Độ, Phật thờ ở Trung Hoa giống người Trung Hoa, ở Việt Nam giống người Việt Nam. Hình dáng đó là giả tướng có đổi thay sai biệt, nhưng tánh giác thì không khác. Thế nên, quán Phật với tinh thần Đại thừa là quán ngay tánh giác. Thấy được tánh giác của mình là thấy được tánh giác của Phật. Vì vậy nói quán Phật cũng như tự quán thật tướng của thân.
Như vậy câu này đầy đủ ý nghĩa toàn phẩm, nhưng vì muốn phá lầm chấp cho mọi người nên phần sau cư sĩ Duy-ma-cật mới giải thích chi tiết.
Con quán Như Lai mé trước không đến, mê sau chẳng đi, hiện tại không trụ. Mé trước chỉ cho quá khứ không đến, mé sau chỉ cho vị lai chẳng đi, hiện tại không dừng trụ. Trong ba thời Phật không đến không đi không dừng trụ. Vì thời gian là tướng hư giả, chuyển biến vô thường; còn Phật là tánh giác, không chuyển biến, không vô thường, làm sao có đến có đi, hay có dừng trụ. Như vậy đức Phật hay tánh giác không lệ thuộc vào thời gian.
Chẳng quán sắc, chẳng quán sắc như, chẳng quán sắc tánh. Chẳng quán thọ tưởng hành thức, chẳng quán thức như, chẳng quán thức tánh, chẳng phải tứ đại khởi, đồng với hư không. Ở đây, quán Phật là nhìn thẳng vào tánh giác, chứ không phải trên thân ngũ uẩn hay thân tứ đại, vì ngũ uẩn là tướng chia chẻ, tứ đại là tướng hòa hợp hư dối, không cố định. Tánh giác không tướng mạo, không hình trạng nên đồng với hư không.
Chỗ này nếu nói suông thì khó hiểu. Chúng ta ai cũng thừa nhận mình có tánh giác, nhưng tánh giác ra sao thì không thể chỉ ra được. Tánh giác là cái giác tri không biến động, không đổi dời, mỗi người đều sẵn có. Thí dụ ngọn đèn, chúng ta đều thấy hình dáng và tướng mạo của nó, nhưng do niệm phân biệt của mỗi người nên có sai khác. Như vậy ngay nơi chúng ta có cái biết khác mà cũng có cái biết không khác. Cái biết khác là cái biết khi khởi phân biệt, tùy theo niệm của mỗi người, có khen chê đẹp xấu, hay phân tích cách này cách nọ. Nếu nhìn bằng tánh giác, dù trăm người đều thấy, nhưng cái thấy đó không sai biệt, không khác nên nói không hai. Ngọn đèn có tướng mạo chứ cái thấy hay tánh giác không có tướng mạo, vì không tướng mạo nên nói đồng với hư không.
Sáu nhập không tích tụ, mắt tại mũi lưỡi thân tâm đã qua; chẳng ở tam giới, đã lìa ba cấu. Thuận theo ba môn giải thoát, đầy đủ ba minh cùng với vô minh đồng. Tánh giác không sanh diệt, không lệ thuộc vào sáu nhập. Mắt tại mũi lưỡi thân tâm là tướng sanh diệt, vì vậy khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần gọi là sáu nhập, chợt có chợt không, chợt còn chợt mất, nên nói đã qua. Ba cấu còn gọi là ba độc. Vì tánh giác thích hợp với ba môn giải thoát không lệ thuộc tam giới, đã lìa ba độc.
Đầy đủ ba minh thì không có vô minh, tại sao lại nói đồng với vô minh? Vì thật tánh vô minh tức Phật tánh. Như vậy đồng là đồng chỗ thật tánh, nên nói ba minh cùng với vô minh không khác.
Chẳng phải tướng một chẳng phải tướng khác, chẳng phải tự tướng chẳng phải tha tướng, chẳng phải không tướng chẳng phải thủ tướng, chẳng phải bờ này chẳng phải bờ kia, chẳng phải ở chặng giữa mà giáo hóa chúng sanh. Phật hay tánh giác không thuộc về tướng một hay tướng khác, tự tướng hay tha tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải thủ tướng, chẳng phải bờ này, chẳng phải bờ kia. Trong giáo lý Nhị thừa, bờ bên này tượng trưng cho trầm luân sanh tử, bờ bên kia là giải thoát Niết-bàn. Nhưng Phật không lệ thuộc vào hai bên cũng không thuộc khoảng giữa. Thí dụ cái nhà này hai bên là vách, không gian giữa hai tấm vách gọi là giữa. Như vậy khoảng giữa là đối đãi với hai bên vách mà có. Phật không thuộc tướng đối đãi, nên nói lìa tất cả ba chỗ, bên này bên kia và ở giữa, mà hay giáo hóa chúng sanh.
Quán tịch diệt cũng chẳng hằng diệt. Trong bài kệ tán Phật có câu Năng lễ, sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì. Năng lễ là mình lễ, sở lễ là Phật được lễ, cả hai đều là tánh không tịch. Không tịch là lặng lẽ tịch diệt, nhưng không hằng diệt. Tại sao? Thể tánh là tịch diệt, nhưng vì chư Phật nguyện độ tận chúng sanh nên không an trụ trong chỗ hằng diệt. Cũng vậy, nhìn thấu đáo thân chúng ta bản tánh là không tịch, song trên phương diện tu hành, nếu chí thành thì sẽ có sự cảm ứng giữa mình và Phật không thể nghĩ bàn. Đó là ý nghĩa bài kệ tán Phật chúng ta tụng hằng đêm.
Chẳng đây chẳng kia, chẳng phải do đây chẳng phải do kia. Không thể dùng trí biết cũng không thể dùng thức hiểu. Phật không lệ thuộc bên này bên kia, cũng không lệ thuộc bất cứ điều gì. Do đó không thể dùng trí của phàm phu mà biết được, cũng không thể dùng thức phân biệt mà hiểu được.
Không tối không sáng, không danh không tướng, không mạnh không yếu, chẳng phải sạch chẳng phải nhơ. Không ở phương sở, không lìa phương sở; chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. Không chỉ bày không nói năng. Không bố thí không xan tham, không trì giới không phạm giới, không nhẫn nhục không sân nhuế, không tinh tấn không giải đãi, không định không loạn, không trí không ngu, không thật không dối, không đến không đi, không ra không vào, tất cả đường ngôn ngữ đoạn dứt.
Phật không lệ thuộc vào hai tướng, hoặc hữu hoặc vô, hoặc mạnh hoặc yếu, hoặc nhơ hoặc sạch… Tất cả những phần đối đãi về tâm đều không phải hết. Tất cả bàn luận, nói năng đều không đến được thật tướng hay Phật tánh. Vì nói năng là dùng ngôn ngữ, mà ngôn ngữ thì lập trên đối đãi. Nói thật là đối với dối, đến đối với đi, ra đối với vào, có đối với không, phải đối với quấy… Đến chỗ này nếu dùng tướng đối đãi phân biệt để hiểu biết là sai lầm. Thế nên nói đường ngôn ngữ đoạn dứt. Tên cb Jb d 9
Chẳng phải phước điền chẳng phải không phước điền, chẳng phải nên cúng dường chẳng phải không nên cúng dường, chẳng phải thủ chẳng phải xả. Chẳng phải có tướng chẳng phải không tướng. Đồng với mé chân, bình đẳng pháp tánh. Không thể cân không thể lường, vượt qua các cân lường. Chẳng phải lớn chẳng phải nhỏ.
Chúng ta thường nói, Phật là phước điền của chúng sanh. Nhưng đây lại nói chẳng phải phước điền, cũng chẳng phải không phước điền, nghĩa là không nhìn Phật với tính cách đối đãi. Trong mười hiệu Phật, Ứng Cúng là nên cúng dường, nhưng không chấp nên hay không nên cúng dường, vì còn đối đãi hai bên. Lìa thủ xả, lìa có tướng không tướng. Trên mé chân thật là bình đẳng nên không nặng, nhẹ, lớn, nhỏ, không thể cân, không thể lường… Vì vậy nói vượt qua các cân lường, không lớn không nhỏ.
Chẳng phải thấy chẳng phải nghe, chẳng phải hiểu chẳng phải biết, lìa các kiết phược. Bình đẳng các trí, đồng với chúng sanh, đối với các pháp không phân biệt.
Tại sao không phải thấy nghe hiểu biết, lìa tất cả trói buộc mà lại bình đẳng các trí, đồng với chúng sanh? Phật là giác, nên giải thoát tất cả trói buộc, trí tuệ bình đẳng. Còn chúng ta đang bị phiền não trói buộc nên chưa có trí bình đẳng. Tại sao lại nói Phật đồng với chúng sanh? Vì Phật có tánh giác, chúng ta cũng có tánh giác. Phật đã tu viên mãn, chúng ta mới tu, nên còn là phàm tăng, còn là chúng sanh.
Thí dụ một ông trưởng giả giàu có, đông con. Khi già yếu, ông gọi các con lại để chia của cải, mỗi phần bằng nhau. Phần các con nhỏ còn khờ dại đang tuổi ăn học, ông đem chôn giấu một nơi và dặn dò các anh chị, khi các em lớn khôn lấy của đó ra chia cho chúng. Các anh chị lớn sẵn của được chia nên cất nhà sang trọng. Các con nhỏ tuy có của nhưng chưa được nắm giữ, mỗi ngày đi học phải xin tiền, nên tưởng mình nghèo, thua kém các anh. Nhưng sự thật mỗi đứa đều có phần như nhau. Người đã lấy ra xài thì thấy giàu có, còn người chưa nhận được của thì thấy như nghèo khó túng thiếu.
Cũng vậy, Phật có tánh giác, chúng ta cũng có tánh giác. Nhưng Phật đã khéo diệt trừ những mê lầm, giải thoát mọi phiền não, nên hằng sống với tánh giác. Còn chúng ta tánh giác đang bị chôn trong mảnh đất vô minh nên không hiển lộ, không bày ra. Mải chạy theo những dục lạc tạm bợ của thế gian, bỏ quên tánh giác, vì vậy gọi là mê. Nếu chúng ta thức tỉnh, biết xoay trở lại dùng trí tuệ chiếu phá vô minh, diệt trừ phiền não thì tánh giác sẽ hiển bày như Phật không khác. Thế nên nói, Phật lìa hết những trói buộc, được trí tuệ bình đẳng đồng với chúng sanh.
Thế gian có bệnh thấy các sự vật hay phân biệt đẹp xấu, hơn thua… nên quên mất chỗ chân thật. Đối với Phật, tất cả pháp không tâm phân biệt nên gọi là bất động hay vô động.
Tất cả không mất, không nhơ nhớp không phiền não, không tạo tác không khởi, không sanh không diệt. Không sợ không lo, không mừng không chán không dính mắc. Không đã có, không sẽ có, không nay có. Không thể dùng tất cả ngôn thuyết phân biệt hiển bày. Vì tánh giác không lệ thuộc vào đối đãi nên không thể dùng ngôn ngữ, nói năng phân biệt để hiển bày đầy đủ, rõ ràng được.
Bạch Thế Tôn, thân Như Lai là thế đấy, khởi quán như thế. Dùng quán này gọi là chánh quản, nếu quán khác gọi là tà quán.
Kinh Kim Cang, Phật nói:
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thi nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa là:
Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.
Nếu tìm Phật qua sắc tướng âm thanh, đó là quán tà. Phải thấy Phật vượt khỏi pháp sanh diệt đối đãi. Như vậy mới thấy được thể chân thật, hay pháp thân Như Lai.
Khi ấy ngài Xá-lợi-phất hỏi ông Duy-ma-cật: – Ông chết ở đâu mà đến sanh ở đây?
Ông Duy-ma-cật nói:
– Pháp của Ngài đã được, có chết có sanh chăng?
Sau khi nghe cư sĩ Duy-ma-cật giải đáp, tôn giả Xá-lợi-phất quá nể phục, nên hỏi ông chết ở đâu mà đến sanh ở đây. Liền bị cư sĩ Duy-ma-cật bẻ, như pháp của ngài đã được, có chết có sanh chăng? Vì tôn giả Xá-lợi-phất đã chứng A-la-hán, mà A-la-hán là vô sanh thì làm sao có chết có sanh.
Xá-lợi-phất nói:
– Không chết không sanh.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Nếu các pháp không có tướng chết tướng sanh, vì sao Ngài hỏi ở chỗ nào chết mà đến sanh ở đây. Ý Ngài nghĩ sao? Ví như có ông thầy huyễn, hóa ra người huyễn nam nữ, lẽ nào có chết có sanh chăng?
Xá-lợi-phất nói:
– Không có chết không có sanh. Ông há chẳng nghe Phật nói các pháp như tướng huyễn sao?
Sau cùng cư sĩ Duy-ma-cật kết thúc, ngài đâu chẳng nghe Phật nói tất cả pháp như tướng huyễn sao.
Đáp:
– Đúng thế, nếu tất cả pháp như tướng huyễn, tại sao Ngài hỏi chết ở chỗ nào mà đến sanh ở đây? Thưa ngài Xá-lợi-phất, chết là pháp hư dối, tướng bại hoại; sanh là pháp hư dối, tướng tương tục. Bồ-tát tuy chết, chẳng dứt gốc lành; tuy sanh, chẳng tăng trưởng các ác.
Thân chúng ta đang sống đây là trong thời kỳ sanh. Sanh là tướng tương tục, nối tiếp liên miên không dừng. Như lỗ mũi hít vô thở ra, miệng uống nước ăn cơm… cứ tiếp tục đều đặn là sống, không tiếp tục là chết. Thân này hư dối, nên nói là pháp hư dối. Sanh là hư dối, là tướng tương tục. Tử là hư dối, là tướng bại hoại. Vòng tương tục đó tiếp nối luôn gọi là sanh, nếu bại hoại gọi là tử. Trên lý thì thấy như vậy, lúc học kinh nghe pháp biết rõ ràng, nhưng khi đối duyên gặp cảnh thì thấy nó thật, không dối chút nào. Hơn thua một chút cũng phiền não, vì lầm nhận hư dối cho là thật. Tại sao hư dối? Đủ duyên hợp mới có thân là sanh, duyên ly tán thì chết. Thấy như vậy là giác. Sao mình không chịu giác?
Nghiệm xét kỹ thân này, còn nói năng đi lại thì thấy nó quan trọng, tắt thở năm bảy tiếng trở thành đồ bỏ. Nếu để ở ngoài, nằm phơi ra đó chừng đôi ba ngày, những người thân đến gần không dám nhìn, thiên hạ đi ngang qua phải bịt mũi. Vì vậy phải để trong quan tài đậy kín, cho người đỡ sợ đỡ gớm. Thân này đâu có thật, đâu có gì đáng quý, mà chúng ta vẫn cứ mê lầm.
Thế nên cư sĩ Duy-ma-cật xác định với ngài Xá-lợi-phất, sanh tử là tướng tương tục, là tướng bại hoại của pháp hư dối. Thân huyễn hóa này đâu có gì quan trọng. Vì nguyện lành mạnh mẽ, nên sau khi chết Bồ-tát liền tiếp tục gieo trồng thêm căn lành chứ không mất. Khi sanh ra đời, vì gốc lành cũ vẫn còn nên các ngài sớm thức tỉnh, làm những điều thiện, do đó những điều ác không tăng trưởng. Còn chúng ta thì sao? Thí dụ lúc nhỏ bảy tám tuổi ở quê đi chơi thích bắt dế, bắt cào cào ngắt cánh, bắt cá lia thia cắn nhau. Những trò chơi đó toàn là tăng trưởng pháp ác. Cho nên Bồ-tát khác với chúng ta là vậy. Các ngài sanh ra không tăng trưởng điều ác, chết đi không mất gốc lành, nên không sợ chết cũng không sợ mê lầm.
Khi ấy Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:
– Có nước tên Diệu Hỷ, đức Phật hiệu Vô Động. Ông Duy-ma-cật ở cõi nước kia chết, rồi đến sanh ở cõi này.
Như vậy tôn giả Xá-lợi-phất hết sức thật thà, hỏi ông ở cõi nào chết, rồi đến sanh cõi này; cư sĩ Duy-ma-cật không trả lời thẳng mà dùng lý để đáp. Bấy giờ đức Phật mới nói rõ cho ngài Xá-lợi-phất biết ông ấy từ cõi nước Diệu Hỷ đến.
Ngài Xá-lợi-phất thưa:
– Thật là chưa từng có. Bạch đức Thế Tôn! Người này mới hay xả bỏ cõi nước thanh tịnh, mà thích đến chỗ nhiều oán hại này. Sở dĩ tôn giả Xá-lợi-phất chê cõi chúng ta đang ở có nhiều oán hại, vì chúng sanh trong cõi này, dù là người tu, đã cạo bỏ râu tóc vào chùa ăn chay, nhưng trong tâm còn có ghét có thương, huống là người thế gian giành nhau từng miếng ăn, từng địa vị, từng món đồ tốt xấu, nên lúc nào cũng giận ghét, muốn hại nhau. Vì vậy sống trong cõi nhiều hận thù oán hại, thì tâm người làm sao trong sạch được. Do đó thế giới cũng không trong sạch, đó là lẽ thật. Như có khoảng năm mươi người ở một căn nhà thiếu tiện nghi vệ sinh, chừng một tháng không tắm rửa, có ai đến gần chắc phải bịt mũi. Như vậy để thấy thế giới nhơ bẩn nhớp nhúa, không có gì hay tốt là vì tâm niệm của chúng sanh, do nhân xấu nên phải chịu quả báo xấu.
Cõi nước Diệu Hỷ, do tâm bất động nên thế giới rất vui đẹp, vậy mà cư sĩ Duy-ma-cật nguyện xả bỏ cõi nước thanh tịnh để hiện thân vào cõi Ta-bà ô trược này. Thế nên tôn giả Xá-lợi-phất mới tán thán ông.
Ông Duy-ma-cật nói với ngài Xá-lợi-phất:
– Ý Ngài nghĩ sao? Khi ánh sáng mặt trời xuất hiện cùng với tối có hợp chăng?
Ngài Xá-lợi-phất đáp:
– Không vậy! Khi ánh mặt trời xuất hiện tức không có các tối.
Cư sĩ Duy-ma-cật liền lại hỏi; khi ánh sáng mặt trời xuất hiện có hòa hợp với bóng tối không? Ngài Xá-lợi-phất nói, ánh sáng phát ra thì bóng tối không còn. Vì vậy tối và sáng không thể hòa hợp nhau được.
Ông Duy-ma-cật hỏi:
– Mặt trời vì sao xoay quanh cõi Diêm-phù-đề? Đáp: – Vì muốn soi sáng để trừ tối.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Bồ-tát cũng như thế! Tuy sanh ở cõi nhớp nhúa, vì giáo hóa chúng sanh, không cùng ngu tối mà chung hợp vậy, chỉ diệt phiền não ngu tối cho chúng sanh thôi.
Bồ-tát vì hạnh nguyện giáo hóa, nên thị hiện sanh trong cõi nhơ nhớp nhiều oán hại, cốt để trừ phiền não tối tăm cho chúng sanh. Như ánh sáng mặt trời xuất hiện thì bóng tối không còn, chứ ánh sáng không hòa lẫn với bóng tối. Cũng vậy, Bồ-tát đến cõi uế nhưng tâm hằng thanh tịnh, không bị cấu uế làm nhiễm. Còn chúng ta tâm đầy dẫy những xấu xa đâu thể sánh với các ngài.
Người xuất gia ở trong chùa tu hành, tương đối thanh tịnh. Có nhà bên cạnh mở cải lương, đến đoạn bi lụy, lúc đó nếu lắng tai nghe, lòng xao xuyến rơi nước mắt là tâm đã bị nhiễm rồi. Qua đó mới thấy tâm chúng ta chưa được thanh tịnh như Bồ-tát, nên ở chỗ nhiễm dễ bị nhiễm, ở chỗ tịnh tâm được tịnh. Đó là điều cần phải dè dặt. Thế nên những cuộn phim Phật giáo, Phật tử đem đến đây muốn chiếu cho quý thầy cô xem, tôi phải biết rõ có những gì hay dở mới chấp nhận, vì sợ nội dung có xen tạp. Thí dụ phim Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma, mà thực tế đánh đấm nhau nhiều hơn. Hay phim Bồ-tát Quán Âm, có nhiều đoạn bi lụy ướt át, xem rồi tối ngồi thiền hai ba ngày vẫn còn xao xuyến. Như vậy uổng công tôi quá. Phật tử quen theo thế gian nên những tập nhiễm đó không thành vấn đề. Còn người tu phải gạn lọc thân tâm thì nên tránh.
Như trong luật có câu chuyện tôi cho là lý thú. Một Sa-di ngửi hương hoa sen dưới hồ, bị thần hiện lên quở:
– Tại sao ngửi trộm hoa của tôi mà không xin?
Vị Sa-di liền chỉ những người nhổ cây móc rễ, nói:
– Tôi chỉ ngửi hoa, còn những người kia sao ông không rầy?
– Họ như chiếc áo đen, nếu thêm một vài chấm mực cũng không ảnh hưởng gì. Còn ông như chiếc áo trắng, chỉ dính một chấm mực là thành xấu rồi.
Người thế gian nhiều việc, tâm luôn xao xuyến rất khó yên tịnh, nên bị nhiễm trước là chuyện thường. Còn người tu muốn tâm thanh tịnh, lại để những việc vô ích xen vào là trái đạo lý, đáng bị khiển trách. Thận trọng chớ xem thường, để tránh hậu quả không tốt cho sự tu hành.
Khi ấy cả đại chúng đều khao khát muốn thấy thế giới Diệu Hỷ của đức Vô Động Như Lai, cùng với chúng Bồ-tát, Thanh văn ở cõi ấy, Phật biết suy nghĩ của chúng hội, liền bảo ông Duy-ma-cật:
– Này thiện nam tử! Vì chúng hội đây hãy hiện ra cõi Diệu Hỷ của đức Vô Động, và chúng ở đây đều muốn thấy chư Bồ-tát, chúng Thanh văn ở cõi nước kia.
Bấy giờ ông Duy-ma-cật thầm nghĩ: “Ta sẽ không rời tòa này, tiếp nhận cõi nước Diệu Hỷ, núi Thiết Vi, núi sông, khe núi sông ngòi, biển cả suối nguồn, các núi Tu-di và mặt trăng mặt trời, các vì sao, cung điện của chư thiên, long vương, quỷ thần, Phạm thiên, cùng với những chúng Bồ-tát, Thanh văn, thành ấp xóm làng, nam nữ lớn nhỏ, cho đến đức Vô Động Như Lai, cùng với cây bồ-đề, các hoa sen đẹp hay ở nơi mười phương mà làm Phật sự. Ba con đường báu cấp bậc từ cõi Diêm phù-đề đến cõi trời Đao-lợi, do thềm báu này chư thiên đi xuống, thảy đều lễ kính đức Vô Động Như Lai và nghe nhận kinh pháp. Những người ở cõi Diêm-phù-đề cũng lên thềm báu đó đi đến cung trời Đao-lợi, thấy được các chư thiên kia. Thế giới Diệu Hỷ thành tựu công đức vô lượng như thế, trên đến cõi trời Sắc Cứu Cánh, dưới đến mé thủy. Dùng bàn tay mặt nắm bứt, như bàn quay của ông thợ gốm, để vào thế giới này giống như cầm vòng hoa đẹp, chỉ bày cho tất cả chúng.”
Cư sĩ Duy-ma-cật thầm nghĩ, sẽ nắm bứt thế giới giống như ông thợ gốm lấy hòn đất để trên bàn quay xoay vòng, tay nặn thành món đồ như cái tô, cái đĩa… tùy ý tự tại. Ông nắm thế giới kia đem về cho đại chúng xem, nhẹ nhàng như cầm vòng hoa.
Khởi nghĩ như thế rồi, nhập chánh định, hiện sức thần thông dùng tay phải kia nắm lấy thế giới Diệu Hỷ để trên cõi này,
Các vị Bồ-tát được thần thông và chúng Thanh văn cùng chúng thiên nhân ở cõi kia đều cất tiếng nói rằng:
– Cúi xin Thế Tôn, ai nắm đem chúng con đi? Mong Ngài cứu cho.
Đại chúng hoảng hốt không biết ai đã nắm mình đem đi, nên cầu xin Thế Tôn cứu giúp.
Đức Phật Vô Động nói:
– Chẳng phải ta làm, đấy là sức thần thông của cư sĩ Duy-ma-cật làm.
Ngoài ra, những vị chưa được thần thông không hay không biết mình bị đem đi.
Chỗ nắm bứt này theo chúng ta hiểu, như các hành tinh nằm trong Thái Dương hệ, liên kết nhau. Khi dời một hành tinh đi tức là dời nó ra khỏi hệ thống Thái Dương, chứ không phải làm cho thế giới bể nát, nên gọi là nắm bứt. Cùng ở chung trong một thế giới, người có thần thông là người trí thì biết mình bị dời, người chưa có thần thông không hiểu thì không hay biết. Cũng như trái đất quay quanh mặt trời nên có sáng có tối, những người có học thì biết, những đứa bé ở quê chưa học nên không biết.
Thế giới Diệu Hỷ tuy vào cõi này mà không tăng giảm, khi ấy trong thế giới này cũng không thấy chật hẹp, vẫn như xưa không khác. Điều này nghe khó hiểu, đem một thế giới để vào trong một thế giới, dĩ nhiên sẽ bị chật hẹp ép ngặt, vì sao nói không thêm không bớt. Đây là dùng sự hiển bày lý. Vì tâm Bồ-tát bình đẳng không hai nên tất cả đều dung thông nhau, không thấy có lớn nhỏ, nặng nhẹ sai biệt… Do tâm dung thông nên cảnh cũng dung thông, không gì chướng ngại. Còn tâm chúng ta hạn hẹp nên thấy ngoại cảnh chướng ngại nhau. Đó là điểm khác nhau giữa tâm Bồ-tát và tâm chúng sanh.
Lúc ấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni bảo chư đại chúng:
– Các ông hãy xem thế giới Diệu Hỷ của đức Vô Động Như Lai, cõi nước kia trang nghiêm đẹp đẽ, những vị Bồ-tát hạnh thanh tịnh, chúng đệ tử thanh bạch.
Cả chúng đều bạch:
– Thưa vâng đã thấy.
Phật bảo:
– Nếu Bồ-tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như thế, phải học đạo của đức Vô Động Như Lai đã hành.
Đức Phật chỉ cho đại chúng xem cõi nước Diệu Hỷ của đức Phật Vô Động, đẹp đẽ trang nghiêm là do những vị Bồ-tát ở đó có hạnh thanh tịnh, các chúng đệ tử đều thanh bạch. Thế nên chánh báo đẹp thì y báo đẹp. Còn chúng ta chưa thanh tịnh nên cõi nước nhiều uế trược. Như vậy chánh báo xấu thì y báo xấu. Chánh báo là người, y báo là cảnh, y báo tùy thuộc chánh báo.
Như khu đất Thường Chiếu trước kia là một vùng khô cằn hoang dã toàn cỏ tranh, Nhờ sự có mặt và tu hành của tăng ni nên đến năm 1986 cơ sở tạm ổn. Sau năm 1986 đến nay mới tương đối khang trang, thanh tịnh. Cảnh được như vậy là do những người tu thanh tịnh. Thế nên chánh báo và y báo theo nhau. Vì vậy chỉ cần tu hành thanh tịnh, công đức đầy đủ, thì nơi nào mình đến đều tốt đẹp trang nghiêm, chứ không phải cầu xin mà được.
Chủ trương của kinh Duy-ma-cật là nói về tịnh độ, đến phẩm này mới nói về hạnh tu của Bồ-tát. Bồ-tát muốn được cõi trang nghiêm thanh tịnh, phải học và hành theo hạnh của đức Vô Động Như Lai. Do Phật tu hạnh Vô động, chư Bồ-tát hạnh thanh tịnh và chúng đệ tử đều thanh bạch mới thành tựu nên cõi nước Diệu Hỷ.
Khi hiện cõi nước Diệu Hỷ, mười bốn na-do-tha người ở thế giới Ta-bà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều nguyện sanh về cõi Phật Diệu Hỷ. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni liền thọ ký cho họ sẽ sanh về nước kia. Khi thế giới Diệu Hỷ đến cõi này làm những việc lợi ích kia rồi, liền trở lại chỗ cũ, cả chúng đều thấy.
Nhờ thần lực của cư sĩ Duy-ma-cật hiện cõi nước A-súc, ngài A-nan được thấy chỉ một lần, không thể thấy lại lần nữa. Chúng ta học kinh để sau này đọc sử các thiền sư, khi các ngài dẫn nói, mình mới biết được xuất xứ của câu chuyện. Như trong sử tổ Bồ-đề-đạt-ma, một hôm Tổ bảo các đệ tử trình bày chỗ sở chứng của mỗi người. Đến lượt ni Tổng Trì, bà ra thưa: Chỗ thấy của con giống như ngài A-nan, chỉ thấy cõi Phật A-súc một lần mà không thể thấy lại nữa. Nếu không học kinh Duy-ma-cật, chúng ta sẽ không biết xuất xứ câu nói này.
Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:
– Ông thấy thế giới Diệu Hỷ này và đức Phật Vô Động chăng?
Xá-lợi-phất thưa:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con đã thấy! Mong cho tất cả chúng sanh được cõi thanh tịnh như đức Phật Vô Động, được sức thần thông như ông Duy-ma-cật. Bạch Thế Tôn, chúng con rất thích được thiện lợi, được gặp người này thân cận cúng dường.
Tôn giả Xá-lợi-phất phát đại nguyện, mong cho tất cả chúng sanh được cõi nước thanh tịnh, như cõi nước của đức Phật Vô Động và được sức thần thông như cư sĩ Duy-ma-cật. Ngài lại nói, chúng con rất muốn được gần gũi cúng dường cư sĩ Duy-ma-cật và cõi nước Phật để được lợi lành.
Các chúng sanh kia, hoặc là hiện tại hoặc là sau khi Phật diệt độ, nghe kinh này cũng được thiện lợi. Huống lại nghe rồi tin hiểu, thọ trì đọc tụng giải nói, như pháp tu hành. Nếu tay được quyển kinh điển này, liền đã được kho pháp báu. Nếu có người đọc tụng giải thích các nghĩa này, như lời nói tu hành, ắt là được chư Phật hộ niệm. Nếu có người cúng dường vị này, nên biết là đang cúng dường Phật. Nếu có người biên chép thọ trì quyển kinh này, nên biết trong thất người đó có Như Lai. Nếu người nghe kinh này hay tùy hỷ, người đó ắt sẽ được Nhất thiết trí. Nếu hay tin hiểu kinh này, cho đến một bài kệ bốn câu, vì người khác nói, nên biết người ấy được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ở đây tán thán công đức. Người nào đối với kinh này đọc tụng, giải nghĩa, như lời nói đây mà tu hành sẽ được chư Phật hộ niệm. Ai cúng dường vị đó như cúng dường Phật. Người biên chép kinh này, ngay trong thất đó có Như Lai. Nghe kinh này tùy hỷ, sẽ được Nhất thiết trí…
Phẩm này nói lên kết quả tu hành của những vị Bồ-tát thanh tịnh không động, nên mới được cõi nước thanh tịnh đẹp đẽ, như cư sĩ Duy-ma-cật đã dùng thần lực hiện ra cho toàn chúng thấy. Cõi nước không tự có mà tùy thuộc tâm hạnh của chúng sanh. Tâm hạnh tốt sẽ có cõi nước tốt, tâm hạnh xấu sẽ có cõi nước xấu. Như vậy cõi nước tốt xấu không cố định. Nếu muốn sanh trở lại để làm hạnh Bồ-tát, thì hiện tại phải tập tu tâm hạnh thanh tịnh và tạo đầy đủ các công đức, đến khi được vào hạng Bồ-tát bất thối, lại nguyện sanh vào cõi uế để độ chúng sanh. Nếu chưa được như vậy, chỉ cần tu hạnh thanh tịnh, dù không mong cầu cũng vẫn đến chỗ thanh tịnh.
Chủ yếu của sự tu là lấy tâm hạnh làm gốc, phải thực hiện sao cho bản tâm thanh tịnh, hành động đẹp đẽ để trang nghiêm cõi Phật như sở nguyện của mình. Còn tâm chưa thanh tịnh, dù nguyện sanh về cõi tịnh cũng khó được. Nếu sống với tâm hèn hạ xấu xa, hành động ích kỷ thì cõi chúng ta đến cũng sẽ xấu xa ích kỷ. Như vậy, được quả tốt hay quả xấu, luân hồi trong tam giới hay sanh trong các cõi Phật đều tùy thuộc tâm hạnh của chúng sanh, chứ không phải chỉ mong cầu mà được. Đây là lẽ thật, không nghi ngờ. Trong cuộc sống hiện tại, muốn được người thương trước phải thương người, muốn được người giúp phải phát tâm giúp người, là kết quả thực tế không sai khác.
Tóm lại, tu là phải thực hành, phải ra công gắng sức để chuyển hóa tâm hạnh của mình, mới mong thành tựu bản nguyện như các ngài.