Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đầu tiên chuyển pháp luân độ A-nhã Kiều Trần Như, sau cùng thuyết pháp độ Tu-bạt-đà-la.
Những Kinh khác, mở đầu là Lục chủng thành tựu hay Lục chủng chứng tín. Kinh này mở đầu tóm lược chặng đường giáo hóa của Phật, mở đầu từ Ngài Kiều Trần Như, kết thúc bằng Tôn giả Tu-bạt-đà-la.
Trong Lục chủng thành tựu, chỗ Chúng thành tựu có nói đến 1250 vị Tỳ-kheo. Điều này không có nghĩa là Đức Phật chỉ có 1250 đệ tử, đệ tử của Ngài nhiều hơn số này rất nhiều. Nhưng con số 1250 có một ý nghĩa tượng trưng, đây là con số đánh mốc Giáo hội Tăng già bước vào giai đoạn hoàn mỹ, khi hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên được phong làm Đệ nhất thượng thủ và Đệ nhị thượng thủ. Dù trước đó đệ tử Phật đã đến ngàn vị, nhưng Ngài chưa xác lập Đệ nhất tọa, đệ nhị tọa, nên giáo đoàn chưa thể xem là hoàn hảo. Đến khi hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên xuất gia, đắc A-la-hán, Phật phong hai vị làm Thượng thủ, Giáo đoàn gồm đủ Giáo chủ, đệ tử thượng thủ thay Phật quản lí Tăng đoàn và Tăng chúng. Vậy là Giáo hội Tăng già chính thức bước vào giai đoạn có tổ chức ổn định. Thế nên, 1250 là con số có giá trị tượng trưng, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
1250 vị Tỳ-kheo bao gồm: 5 anh em Ngài Kiều Trần Như, Tôn giả Da-xá cùng bạn bè 55 vị, Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp cùng đồ chúng 500 vị, Tôn giả Na-đề Ca-diếp cùng đồ chúng 250 vị, Tôn giả Già-da Ca-diếp cùng đồ chúng 250 vị, hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cùng đồ chúng 200 vị. Tổng cộng là 1260 vị, làm tròn số thành 1250.
Năm anh em Ngài Kiều Trần Như là đệ tử xuất gia đầu tiên của Phật, chứ không phải là đệ tử đầu tiên được Phật hóa độ. Trên đường đến vườn Nai, Phật đã gặp và nhận cúng dường từ hai thương gia người Tích Lan, họ đã quy y với Ngài, trở thành đệ tử tại gia đầu tiên của Phật. Nếu chỉ xét về đệ tử xuất gia thì 5 anh em Ngài Kiều Trần Như là đệ tử đầu tiên và Ngài Tu-bạt-đà-la là đệ tử cuối cùng.
Năm anh em Ngài Kiều Trần Như gồm: Tôn giả Kiều Trần Như, Tôn giả Bạt-đề, Tôn giả Bà-sư-ba, Tôn giả Ma-ha-nam và Tôn giả A Thuyết Thị.
Tôn giả A Thuyết Thị đã đọc một bài kệ hóa độ Tôn giả Xá-lợi-phất, giúp Ngài chứng quả Tu-đà-hoàn. Bài kệ như sau:
Các Pháp do duyên sinh
Lại cũng do duyên diệt
Thầy tôi là Đức Phật
Thường giảng dạy như vậy.
Tôn giả Mục-kiền-liên nghe lại bài kệ này từ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng chứng Sơ quả. Vậy Tôn giả A Thuyết Thị là nhân duyên đưa hai Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đến với Đức Phật. Thế nên Ngài Xá-lợi-phất luôn xem Tôn giả A Thuyết Thị là thầy mình, mỗi sáng thức dậy đều hướng về phía Tôn giả đang ở để đảnh lễ. Dù đã chứng Thánh quả A-la-hán, và là đệ nhất tọa trong Tăng đoàn, Ngài vẫn không quên người thầy đã có ơn dẫn dắt mình đến với đạo. Đây là một phẩm chất đẹp đẽ đủ làm gương sáng cho hậu học chúng ta. Bất cứ ai có ơn với mình đều không nên quên. Đây cũng là điều Đức Phật luôn dạy đệ tử.
Như thời Phật, có vị trưởng giả rất giàu có nhưng vô cùng keo kiệt, chưa từng biết bố thí cúng dường. Nhưng không biết vì sao, một hôm Ngài Xá-lợi-phất khất thực đến nhà ông, ông đã bốc một nắm cơm để vào bát Ngài. Sau này, khi đã chia hết tài sản cho con, ông bị các con ngược đãi đuổi ra khỏi nhà. Không biết làm sao để sống qua ngày, ông nghĩ chỉ có xuất gia mới có thể có được cái ăn cái mặc, bèn đến xin Phật độ. Phật hỏi các đệ tử ai muốn độ ông, vì Phật về sau ít khi trực tiếp độ người mà thường giao cho các đệ tử. Do ông đã trên trăm tuổi lại không phải thật tâm xuất gia mà chỉ vì ăn mặc, nên chư Tôn giả đều e ngại, không ai tình nguyện độ ông. Phật lại hỏi ai là người đã từng nhận ông cúng dường, duy chỉ có Ngài Xá-lợi-phất từng nhận một nắm cơm. Thế là Phật chỉ định Ngài phải có bổn phận độ ông. Chúng ta biết độ một người già rất cực, nội việc dạy giới cho các vị là đã rất vất vả rồi. Nhưng vì từng nhận một nắm cơm từ ông, nên Ngài Xá-lợi-phất phải có trách nhiệm độ ông.
Chúng ta thấy Đức Phật rất xem trọng việc nhớ ơn, đền ơn. Điểm qua chặng đường giáo hóa của Phật và Thánh chúng, chúng ta sẽ thấy rất rõ nét đặc thù này.
Năm anh em Ngài Kiều Trần Như xuất gia trước, thọ giới trước, đắc đạo trước. Nhưng khi lập Thượng thủ, Phật không chọn một trong năm vị, mà chọn Ngài Xá-lợi-phất và Ngài Mục-kiền-liên. Không phải Phật có tâm thiên vị, mà vì việc gì cũng có nhân duyên của nó. Gieo nhân gì gặt quả đó.
Ngài Kiều Trần Như nhiều đời cúng dường Phật, mỗi lần cúng dường đều nguyện là đệ tử đầu tiên của Phật. Có một đời, Ngài là một nông dân và rất thú vị. Khi lúa bắt đầu trổ hạt non, ông hái một bát đầy, nấu thành một bát cháo sữa dâng cúng cho vị Phật đương thời với lời nguyện rằng: “Con dâng thành quả đầu tiên lên Phật, nguyện rằng vị lai con sẽ là đệ tử đầu tiên của Phật thời ấy”. Rồi đến lúc lúa chín, ông lại lấy bó gặt đầu tiên, rồi bó suốt đầu tiên, bó chà đầu tiên, bó để vào kho đầu tiên v.v…, bảy lần đầu tiên như vậy, nấu thành cháo sữa ngon dâng cúng Phật, và đều lập lại lời nguyện như trên.
Như vậy, Ngài Kiều Trần Như không nguyện làm đệ tử thượng thủ, chỉ nguyện làm đệ tử đắc đạo đầu tiên. Đó là lí do tại sao cùng được Phật hóa độ một lúc, nhưng Ngài Kiều Trần Như thấy đạo trước bốn vị còn lại. Ngài là đệ tử có hạ lạp cao nhất trong Tăng đoàn.
Còn Ngài Xá-lợi-phất và Ngài Mục-kiền-liên đã nhiều đời nhiều kiếp làm các hạnh khó làm để chỉ nguyện làm đệ tử thượng thủ của Phật. Trong một đời quá khứ rất xa, Ngài Xá-lợi-phất hữu duyên được gặp Phật hiện thế trực tiếp hóa độ, nếu muốn, Ngài đã sớm đắc quả A-la-hán từ thuở ấy. Nhưng vì ưa thích hai vị thượng thủ bên cạnh Phật, Ngài đã phát nguyện sẽ là đệ tử thượng thủ cho một vị Phật vị lai, đồng thời rủ bạn mình là tiền thân Ngài Mục-kiền-liên cũng phát nguyện như mình. Muốn làm đệ tử thượng thủ của Phật phải trải qua thời gian dài tích lũy công đức, thế nên hai Ngài đã nhiều đời phụng sự chư Phật quá khứ và các vị Bích Chi Phật, đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hạnh nguyện các Ngài mới viên mãn.
Do đó, dù trước hai Ngài, đệ tử Phật đã đến ngàn vị và đều đắc A-la-hán, nhưng Phật không lập đệ tử thượng thủ. Chỉ đến khi Ngài Xá-lợi-phất và Ngài Mục-kiền-liên xuất gia, rồi đắc quả A-la-hán, Phật mới họp Tăng chúng và xác lập Đệ nhất tọa, Đệ nhị tọa, chính thức hoàn thiện cơ chế Tăng đoàn.
Thế nên, không có việc gì là vô duyên vô cớ, việc gì cũng có lí do của nó. Đừng vì bất cứ việc gì mà khởi tâm đố kị, việc gì cũng có nhân quả, nhân duyên. Chúng ta học Phật pháp phải tin sâu nhân quả. Thấy ai giỏi hơn mình, giàu có hơn mình, thành tựu hơn mình v.v…, đừng khởi tâm ganh tị mà tổn tâm đạo của mình. Họ đã gieo nhân lành thì giờ này họ hưởng quả lành, không phải vô duyên vô cớ mà họ có được phúc báo. Chúng ta tu theo đạo Phật phải có chánh kiến, học theo cách nhìn mọi sự mọi vật trên lý nhân quả, đừng còn những suy nghĩ mê lầm như khi chưa học đạo.
Ngài Tu-bạt-đà-la là vị đệ tử được Phật độ cuối cùng. Trong kinh Du Hành có nói về vị này. Đây là một vị phạm chí già, đã 120 tuổi, sống ở thành Câu Thi, nơi Phật chọn Bát Niết-bàn. Đây là vùng thành thị nhỏ, nên khi Phật chọn nơi đây làm nơi xả báo thân, Ngài A-nan đã cản Phật, cho rằng nơi đây không xứng tầm với một vị Giáo chủ. Vì Ngài A-nan nhìn theo cái nhìn hiện đời, nhưng Phật nói nơi đây quá khứ từng là đô thành lớn, phồn thịnh, vinh hoa, và Phật đã từng bảy lần nhập diệt nơi đây. Cho nên đây là vùng đất lành, đất thiêng, đã từng là nơi xả thân của nhiều vị Hiền Thánh.
Ngài Tu-bạt-đà-la tuy biết tiếng Phật là vị minh sư, nhưng chưa có nhân duyên gặp Ngài. Khi nghe tin Phật chuẩn bị Niết-bàn, ông vô cùng lo lắng, vì bản thân đã 120 tuổi, Phật lại sắp xả thân, ông sợ không kịp được Phật hóa độ, nên vội vàng đến rừng Sa-la cầu Phật tiếp độ. Dù đang bệnh nặng, Phật vẫn khai mở cho ông, ngay lời dạy này ông liền chứng A-la-hán, cầu Phật xuất gia. Theo thông lệ, những vị nào đã tu học theo giáo pháp khác, khi đến với đạo Phật đều phải trải qua thử thách 4 tháng, nhưng với ông, Phật phá lệ cho xuất gia ngay. Vì Phật thấy Ngài đã sanh chánh kiến, không còn lui sụt nên không cần phải thử thách. Thế là Ngài Tu-bạt-đà-la trở thành vị đệ tử cuối cùng của Phật. Sau khi xuất gia Ngài liền xin phép Phật xả báo thân, nhập Niết-bàn trước Phật.
Chặng đường Phật giáo hóa rất dài, suốt 49 năm, độ vô số người, có vị chứng quả Thanh văn, có vị chứng quả Duyên giác, có vị được phúc báo cõi trời người v.v… Bắt đầu từ 5 anh em Ngài Kiều Trần Như và kết thúc bằng Ngài Tu-bạt-đà-la.
Những người nên độ đều đã độ xong.
Mỗi khi bình minh lên, Phật luôn quán chiếu thế gian để xem hôm nay ai sẽ là người có duyên được độ, Ngài sẽ đến độ khiến họ thấy đạo. Đó là những người hữu duyên sanh trong thời Phật tại thế. Còn những chúng sanh ra đời lúc Phật đã Niết-bàn, nếu có duyên với đạo thì Phật cũng đã để lại giáo pháp khiến họ được độ. Như chúng ta ngày nay, tuy không trực tiếp gặp Phật nhưng vẫn được nghe lời Phật dạy, được học Phật pháp, được đảnh lễ tôn tượng Ngài. Như vậy cũng không khác gì được Phật độ, dù không được Phật thế phát xuất gia cho, nhưng vẫn nhận ân giáo dưỡng của Ngài, vẫn là đệ tử của Phật, được Phật hóa độ. Kinh điển chính là kết tập những lời dạy của Phật khi Ngài còn tại thế, chúng ta học kinh như được nghe Phật dạy, được Ngài dùng trí tuệ siêu việt dẫn dắt mình đi trên con đường giải thoát. Thế nên, dù sinh sau đẻ muộn, chúng ta vẫn thuộc về hạng người hữu duyên được Phật độ, Phật chính là Bổn Sư của chúng ta.
Vậy là những người có thể hóa độ, Phật đã hóa độ tất cả. Khi Phật còn tại thế, bây giờ và cả về sau, những ai đến với đạo Phật đều là hữu duyên được Phật độ. Chỉ đến khi giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoàn toàn diệt mất, kinh điển không còn, Tăng Ni không có, chùa tháp cũng không, chúng sanh không còn biết đến Tam Bảo nữa, khi ấy nhân duyên giáo hóa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới chấm dứt, giáo pháp của Ngài khép lại, chờ đợi vị Phật tương lai.
Bấy giờ trong rừng Sa-la Song thọ, Phật sắp vào Niết-bàn. Khi đó là lúc nửa đêm, lặng lẽ không có tiếng động, Ngài vì các đệ tử lược nói pháp yếu.
Sa-la là loại cây một gốc hai thân, từ gốc tách làm hai như có hai cây ghép lại, nên gọi là song thọ. Đức Phật ở trong rừng Sa-la chuẩn bị Niết-bàn. Các đệ tử lót rơm dày dưới gốc cây cho Ngài nằm.
Giữa đêm thanh vắng, cảnh trí u tịch, lại Phật sắp Niết-bàn, nên các đệ tử đều buồn, không ai nói chuyện, khiến cảnh đã yên lặng càng yên lặng hơn. Huống chi các đệ tử Phật vốn không nói chuyện phiếm, “im lặng như bậc Thánh, nói năng như bậc Thánh”. Khi im thì tâm rỗng lặng thanh tịnh, khi nói chỉ luận bàn chánh pháp, hoặc nói những gì cần thiết. Không giống chúng ta, miệng không im được, nói hết chuyện này đến chuyện kia, những chuyện không dính dáng đến mình cũng đem ra luận bàn, tranh cãi, tâm lúc nào cũng loạn động. Chư vị Thánh chúng không như vậy, tâm các Ngài lặng lẽ, dù tụ họp đông đảo vẫn không có tiếng động.
Chúng ta để ý thấy những ngày vía của Phật đều rơi vào ngày trăng tròn, ngày Phật Niết-bàn cũng vậy, trăng sáng vằng vặc, đem ánh sáng đến cho khu rừng tĩnh mịch. Theo lịch sử, đó là ngày rằm tháng hai âm lịch. Trong khu rừng vắng, giữa đêm không tiếng động, ánh trăng rọi sáng, Đức Phật chuẩn bị vì các đệ tử nói lược lại những điều cần yếu trên con đường tu hành.
Lúc này Đức Phật yếu nhiều, Ngài bị tiêu chảy đã mấy ngày, không ăn gì từ sau lúc thọ bữa cuối cùng nơi người thợ rèn Thuần Đà. Thân tứ đại của Ngài lúc bấy giờ đã rất mệt, nếu xét theo cái nhìn thế gian, Thế Tôn khi ấy vừa lớn tuổi, vừa đang bệnh, vừa không ăn nhiều ngày, mất sức vô cùng, lại chuẩn bị xả bỏ báo thân. Vậy mà Ngài vẫn dùng chút sức cuối cùng chỉ dạy đệ tử, như tấm lòng của người cha tha thiết thương con. Đọc đến đây chúng ta muốn khóc, cảm động trước tình thương vô biên của Đấng Đạo Sư dành cho đệ tử đệ tôn. Ngài không an tâm nếu đệ tử xuất gia của Ngài không biết đường tu, không hành theo chánh pháp, không có được niềm vui giải thoát. Ngài đã dùng chút thời gian ngắn ngủi trước khi Niết-bàn, tóm tắt lại những điều tối yếu để đệ tử có thể vững bước trên con đường tu đạo.