Phật dạy: “Này Ca-diếp! Trong kinh Đại Niết-bàn vi diệu này có bốn hạng người hay hộ trì chánh pháp, kiến lập chánh pháp, ức niệm chánh pháp. Thương xót và làm lợi ích an lạc nhiều cho thế gian và làm chỗ nương tựa cho thế gian:
Phần này Phật dạy có bốn hạng người làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sanh, hay hộ trì chánh pháp tức là gìn giữ bảo hộ chánh pháp, kiến lập chánh pháp nghĩa là dựng lập làm cho người ta thấy và hiểu chánh pháp, ức niệm chánh pháp, là ghi nhớ giỏi chánh pháp. Những người đó tự mình hộ trì, tự mình dựng lập cho mọi người thấy hiểu, tự mình gìn giữ nhớ mãi không quên, thương xót và làm lợi ích an lạc nhiều cho thế gian và làm chỗ nương tựa cho thế gian. Hạng người đó là ai?
Một là bậc xuất thế đủ tánh phiền não. Hai là bậc Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm. Ba là bậc A-na-hàm. Bốn là bậc A-la-hán.
Bốn hạng người trên đây hiện ra nơi đời, có thể xót thương làm nhiều điều lợi ích an lạc cho thế gian, cho trời, cho người, làm chỗ y chỉ cho thế gian.
Thế nào gọi là đủ tánh phiền não? Nếu có người hay phụng trì giới cấm, đầy đủ oai nghi, kiến lập chánh pháp. Nghe hiểu lời Phật dạy, rồi đem phân biệt tuyên thuyết cho người khác. Chỗ gọi rằng thiểu dục là đạo, đa dục không phải đạo. Rộng giảng nói tám điều giác ngộ của bậc đại nhân như vậy. Có ai phạm tội thời chỉ bảo cho phát lồ sám hối để trừ tội. Khéo biết pháp bí mật của Bồ-tát phương tiện ra làm. Hạng người này gọi là phàm phu chứ không phải người bậc thứ tám. Người bậc thứ tám không phải phâm phu gọi là Bồ-tát, không gọi là Phật.
Phật giải thích hạng người thứ nhất: Tự mình phụng trì giới cấm, đầy đủ oai nghi mà lại kiến lập chánh pháp. Nghe hiểu lời Phật dạy, rồi đem phân biệt tuyên thuyết cho người khác. Bảo cho người ta biết thiểu dục tri túc là hợp đạo, còn ham cầu nhiều thì không phải đạo. Giảng rộng Bát đại nhân giác cho người ta hiểu, ai phạm tội thời chỉ bảo cho sám hối để trừ tội. Khéo biết pháp bí mật của Bồ-tát phương tiện làm ra, Hạng người này là phàm phu chứ không phải người bậc thứ tám, tuy phàm phu còn đủ tánh phiền não mà khéo hộ trì chánh pháp, giảng dạy chánh pháp, hướng dẫn người từ bỏ tội lỗi và biết phương tiện khéo léo của Bồ-tát.
Người bậc thứ tám tức là Bát địa Bồ-tát không phải phàm phu, gọi là Bồ-tát mà chưa phải là Phật. Ở đây hạng người này tuy là phàm phu nhưng có những tư cách siêu xuất thế gian, vì vậy nói những hạng người xuất thế mà còn đủ tánh phiền não.
Hạng thứ hai là bậc Tu-đà-hoàn và bậc Tư-đà-hàm. Hạng này nếu được chánh pháp thời thọ trì chánh pháp. Nghe pháp nơi Phật, đúng theo chỗ đã được nghe bèn biên chép, thọ trì, đọc tụng, rồi nói lại cho người khác. Không bao giờ hạng người này nghe pháp rồi mà không chép, không thọ, không nói, và cũng không bao giờ nói Phật cho chứa vật bất tịnh như tôi tớ v.v… Hạng thứ hai đây chưa được bậc thứ ba. Trụ nơi bậc thứ ba gọi là Bồ-tát, đã được thọ ký.
Hạng người thứ hai là bậc Tu-đà-hoàn và bậc Tư-đà-hàm. Khi nghe rồi tự mình chép, thọ, nói lại cho người. Và không bao giờ nói trái giới luật của Phật. Tuy hạng này chưa phải trụ được bậc thứ ba nhưng cũng là hạng vượt khỏi người thường. Nếu trụ được bậc thứ ba tức là Bồ-tát đã được thọ ký. Hạng này coi như là Bồ-tát mà chưa được thọ ký.
Hạng người thứ ba gọi là bậc A-na-hàm. Bậc này không có những việc phỉ báng chánh pháp, cho chứa tôi tớ các vật bất tịnh, thọ trì sách luận ngoại đạo; cũng không bị khách trần phiền não làm chướng, cựu phiền não che ngăn; cũng không giấu chân thật xá-lợi của Như Lai (xá-lợi chân thật của Phật tức là pháp thân; lúc nào cũng diễn bày để người ta nhận được tin được có pháp thân); không bị bệnh ngoài làm não hại, không bị bốn thứ rắn độc xâm nhiễu mà luận nói là ngã. Thường nói lý vô ngã. Không bao giờ nói tham luyến thế pháp, mà thường nói pháp Đại thừa nối luôn không dứt. Thân thế của vị này không có tám vạn hộ trùng, đã lìa hẳn dâm dục, nhẫn đến trong giấc mộng chẳng chảy bất tịnh. Lúc sắp chết không sợ hãi. A-na-hàm nghĩa là gì? Vị này không còn trở lại những sự lỗi lầm không làm nhơ nhớp được người, là bậc Bồ-tát đã được thọ ký, sắp sẽ thành bậc Vô thượng Chánh giác. Đây gọi là hạng thứ ba.
Hạng người thứ ba là bậc A-na-hàm. Bậc A-na-hàm không làm những việc phỉ báng chánh pháp, cho chứa tôi tớ, chứa những vật bất tịnh và cho đọc sách luận ngoại đạo; không bị phiền não che đậy, thường diễn nói cho người tin nhận pháp thân; không bị bệnh ngoài làm não hại, tứ đại không còn lấn hiếp lẫn nhau, cho nên không nói thân tứ đại này là ngã. Không bao giờ nói những chuyện tham luyến theo pháp thế gian, mà chỉ nói pháp Đại thừa lúc nào cũng còn mãi không dứt.
Hạng người thứ ba là chỉ cho bậc Bồ-tát được thọ ký. Hạng người thứ hai là Bồ-tát chưa được thọ ký. Hạng người thứ nhất mới phát tâm Bồ-đề chưa được là Bồ-tát.
Hạng người thứ tư là bậc A-la-hán. Bậc này dứt hẳn phiền não, giải thoát sanh tử, việc làm đã xong là Bồ-tát trụ địa thứ mười, đặng trí huệ tự tại, có thể hiện bất cứ thân hình nào mà mọi loài ưa thích. Muốn thành Phật liền có thể được thành. Trọn nên vô lượng công đức như vậy nên gọi là A-la-hán.
Hạng người thứ tư là bậc A-la-hán. Hạng người này là Thập địa Bồ-tát, có thể muốn thành Phật cũng được, muốn hóa độ chúng sanh cũng được, tùy ý tự tại không bị chướng ngăn, cho nên gọi là A-la-hán.
Trên đây là bốn hạng người xuất hiện nơi đời, xót thương người đời, đem nhiều lợi ích an vui cho thế gian, là chỗ thế gian nương tựa, là bậc rất tôn quý của cõi trời, cõi người, không khác gì đức Như Lai.”
Bốn hạng người đó là bốn hạng người đáng cho chúng sanh nương tựa, có họ ra đời như có Phật ra đời. Chúng ta nhờ vào đó để tiến tu, được giải thoát.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nay con không nương tựa nơi bốn hạng người ấy. Vì rằng trong kinh Cù-sư-la, đức Phật từng bảo ông Xà-sư-lê: Nếu có thiên ma vì muốn phá hoại chánh pháp mà biến ra hình Phật, đủ cả tướng tốt oai nghiêm, cũng viên quang, cũng bạch hào, ông phải kiểm giáo là giả hay thật. Đã rõ là ma thời phải hàng phục.
Bạch Thế Tôn! Bọn ma còn biến làm thân Phật được huống là thân của bốn hạng người trên với những thần thông: nằm ngồi giữa hư không, nách bên tả tuôn nước, nách bên hữu phun lửa, cả thân ra khói lửa v.v… Vì lẽ ấy nên lời tuyên nói của các hạng người trên đây, lòng con không dám tin cùng bẩm thọ, con cũng không có quan niệm kính mến để nương tựa theo.”
Bồ-tát Ca-diếp nghi ngờ, ngài nói rằng Phật từng nói sau này có những loài thiên ma Ba-tuần sẽ biến hiện hình Phật v.v… phá hoại chánh pháp. Phật bảo con nương vào bốn hạng người trên, biết đâu là ma hóa ra, con nghe lời bị lầm thì làm sao? Vì vậy con không thể tin được bốn hạng người trên.
Đức Phật dạy: “Này Ca-diếp! Cho đến đối với lời nói của Như Lai mà có lòng nghi ngờ còn không nên thọ trì, huống là lời của các hạng người ấy. Vì thế nên phải khéo phân biệt cho rõ là lành hay chẳng lành, nên làm hay chẳng nên làm. Được như vậy mới có kết quả an lạc lâu dài.
Phàm lời nói của Phật mà nghi ngờ không hiểu còn không nên thọ trì, huống là lời của các hạng người trên. Lời nói phải nhận cho thật kỹ, cho đúng đắn rồi mới tin làm, được như vậy mới có kết quả an lạc lâu dài.
Này Ca-diếp! Ví như con chó gian trộm, đêm tối lén vào nhà người, người trong nhà nếu hay được phải liền la đuổi, chó ấy sợ bỏ đi không dám trở lại. Cũng thế, từ nay các ông phải theo cách ấy mà trị loài thiên ma. Bảo thiên ma rằng: Này Ba tuần, nhà ngươi không được đối hiện ra các thân hình ấy, nếu còn hiện, ta sẽ dùng năm món trói buộc để trói nhà ngươi. Ma nghe rồi sẽ bỏ đi không trở lại phá nữa.”
Phật ví dụ ma tới phá cũng như chó trộm lén vào nhà, mình là chủ nhà thấy la lên thì nó hoảng sợ bỏ chạy, có gì đâu mà sợ. Tại tật mình thấy chó hoảng sợ quấn mền kín mít thì nó ăn hết của mình. Đối với ma cũng vậy, nếu khiếp sợ thì nó hoành hành làm chủ mình. Nếu mình rầy, ngươi không đi ta sẽ dùng năm món trói buộc. Nghe vậy nó sẽ hoảng sợ chạy. Phần này Phật mới nói đuổi đi mà chưa nói lý cao siêu của Đại thừa.
Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như Phật vì ông Cù-sư-la mà dạy rằng: Nếu có thể hàng phục thiên ma như vậy thời cũng có thể được gần đại Niết-bàn. Thế thời đức Như Lai cần gì nói bốn hạng người trên đây là chỗ quy y của mọi người. Lời nói của bốn hạng người trên đây chưa ắt đáng tin.”
Phật dạy: “Này Ca-diếp! Như Lai vì hàng Thanh văn nhục nhãn mà nói là hàng phục loài thiên ma. Chớ chẳng phải vì người tu học Đại thừa mà nói. Hàng Thanh văn dầu có thiên nhãn, nhưng vẫn gọi là nhục nhãn. Người tu học Đại thừa, dầu có nhục nhãn nhưng gọi là Phật nhãn. Vì kinh điển Đại thừa gọi là Phật thừa, là trên tất cả và hơn tất cả.
Tại sao Thanh văn có thiên nhãn mà Phật vẫn gọi là nhục nhãn, còn người học Đại thừa tuy là nhục nhãn phàm phu mà gọi là Phật nhãn? Bởi vì hàng Thanh văn có thiên nhãn thấy xa v.v… nhưng chưa thấy được pháp thân. Bởi chưa thấy pháp thân nên thấy các pháp còn trong vòng đối đãi, có sanh tử đáng sợ, có Niết-bàn đáng cầu, tuy nói có thiên nhãn mà chưa thoát ra tương đối.
Hàng học Đại thừa dù còn phàm phu nhưng nhận ra được pháp thân Phật tánh. Như vậy là thấy được Phật, cho nên gọi là Phật nhãn.
Này Ca-diếp! Ví như vị đại kiện sĩ khuyên bảo những người nhút nhát theo mình rằng: Các ngươi phải học tập bắn cung múa kiếm như thế này, phải có dạn dĩ đừng khiếp sợ, xem ai cũng yếu kém chỉ có mình là mạnh mẽ. Nếu có kẻ vốn hèn yếu giả là lực sĩ mang cung đeo kiếm đến dọa nạt hò hét, ngươi chớ lo sợ, kẻ dối giả ấy thấy ngươi không có vẻ kinh hãi tất sẽ tự rút lui không dám khuấy phá, như con chó gian trộm kia.
Vị đại kiện sĩ khuyên những người nhút nhát theo mình rằng: Các ngươi phải học tập bắn cung múa kiếm như thế này, phải dạn dĩ đừng khiếp sợ, xem ai cũng yếu kém chỉ có mình là mạnh mẽ. Đây là lối tự kỷ ám thị, cho rằng ai cũng thua mình để làm cho mình mạnh hơn. Vì sao mà dùng thuật này? Vì nhút nhát thấy ai cũng run sợ thì làm sao đánh lại người ta. Cho nên phải tưởng như ai cũng thua, cũng yếu kém hơn mình, lúc đó mới mạnh dạn lên. Phương pháp này dạy cho người nhút nhát.
Ngày xưa, các thầy khi tập giảng cũng được dạy lối này. Vì là người mới học giảng, biết người nghe có lắm người tài giỏi hơn mình, sợ họ bẻ thì không biết làm sao, nên khi ra giảng, đánh trống treo cờ, phải coi như tất cả ai cũng thua mình hết, gọi là “mục hạ vô nhân”, để dạn ăn dạn nói. Đó là một phương tiện đối với những kẻ sơ cơ nhút nhát. Những người kinh điển nằm lòng, thao thao bất tuyệt, hỏi đâu đáp đó thì đâu cần dùng những thuật đó nữa.
Này Ca-diếp! Cũng thế, đức Như Lai bảo hàng Thanh văn chớ sợ ma Ba-tuần. Nếu ma Ba-tuần hiện hình Phật đến trước các ông, thời các ông phải tinh tấn gìn chánh niệm cho vững chắc, ma kia tất lo sầu mà bỏ đi.
Đừng sợ, cứ ráng giữ gìn chánh niệm vững chắc thì ma nó sợ mình. Đó là phương tiện Phật dạy.
Này Ca-diếp! Như vị đại kiện sĩ không bắt chước ai, người học Đại thừa cũng vậy. Khi được nghe các kinh điển thâm mật, lòng họ vui thích không hề kinh sợ. Vì người tu học Đại thừa ấy từ trước đã từng cúng dường, cung kính, lễ bái vô lượng muôn ức đức Phật. Dầu có vô số loài ma muốn đến phá khuấy, cũng không chút kinh sợ.
Ví như người được thuốc A-già-đà thời không sợ tất cả rắn độc, và sức thuốc ấy cũng trừ được tất cả chất độc. Kinh điển Đại thừa cũng vậy, không sợ tất cả loài ma độc mà lại có thể hàng phục loài ma, không cho nó làm quấy.
Tôi lấy kinh nghiệm bản thân. Lúc mới tập tu thiền có một số quý thầy cứ nói ngồi thiền thấy ma hiện thế này thế kia. Họ kể chục thứ ma. Có vị nói ngồi thiền ban đêm giữa chùa thình lình có một cánh tay từ trên thòng xuống, một lát lại có một cái chân, một bắp đùi thòng xuống làm rởn ốc tu không được, phải bỏ chạy. Mới nghe tôi cũng hơi ngán, không biết làm sao. Nhưng khi hiểu tinh thần Đại thừa thì hết ngán. Tại sao? Bởi vì tam giới duy tâm, không pháp nào ngoài tâm mà có. Chính Phật cũng từ tâm mà ra huống nữa là chúng sanh, ma quái. Mình tin tâm thì các pháp không có gì đáng sợ hết. Vì còn thấy ngoài tâm có pháp nên kinh sợ, sợ cái bên ngoài. Không có gì có thể quấy nhiễu mình nếu biết tất cả pháp hiện ra đều từ tâm. Trong cuốn “Thiền đạo tu tập” kể một vị thiền sư ngồi thiền, thấy có con nhện hiện đằng trước, từ từ nó đến gần sờ sờ một bên đuổi hoài không đi, tức quá ngồi không yên. Gặp vị thầy bảo quán cách này cách kia đủ thứ cũng không được. Rốt cuộc ông nghĩ chỉ còn cách là đâm nó chết. Nó chết rồi mình có tội nhưng còn tu được, còn để như vậy chướng ngại tu không được. Vị thầy mới bảo: “Thôi, tối ngồi thiền thấy nó hiện ra, chú lấy phấn gạch chữ thập lên trên bụng nó rồi mai trở lại đây.” Tối ngồi thiền thấy nó hiện lên, ông lấy phấn gạch chữ thập đàng hoàng. Mai lại trình thầy, vị thầy bảo giở bụng coi, thấy chữ thập gạch trên bụng mình. Như vậy con nhện từ đâu mà ra, nếu đâm nó thì mình chết rồi! Rõ ràng Phật nói tất cả các pháp đều từ tâm mà ra, mình tưởng thật ở bên ngoài rồi sanh chướng. Ma hay cái gì hiện ra là từ tâm, cứ nhắm mắt thanh tịnh tâm là hết. Ngoài tâm không có một pháp thì làm gì có ma ngoài mình. Hiểu như vậy thì không có gì sợ, không có ma nào phá hoại được. Như có một vị thuốc hay nhất, tất cả loài rắn đều trị được, kinh điển Đại thừa có thể hàng phục các ma.
Này Ca-diếp! Ví như loài độc long lúc muốn hại ai, hoặc lấy mắt độc nhìn, hoặc dùng miệng hà hơi độc. Tất cả muông thú sư tử, cọp, sói đều kinh sợ độc long, nếu suông nhằm hơi độc thời đều bị hại. Có người giỏi thần chú có thể điều phục loài độc long cùng các ác thú, dùng làm con vật để cưỡi. Cũng vậy, người học Đại thừa thấy hàng Thanh văn sợ những sự làm hại của ma Ba-tuần, đối với pháp Đại thừa không chịu tin, bèn dùng phương tiện hàng phục loài ma trước, rồi nhân đó rộng nói các môn diệu pháp. Hàng Thanh văn kia thấy đã hàng phục được loài ma nên hết sợ, mới có lòng tin đối với chánh pháp vô thượng của Đại thừa, và bảo nhau rằng: Từ nay trở đi, ở nơi trong pháp Đại thừa chúng ta chớ có làm chướng ngại.
Những vị tu học Đại thừa muốn giáo hóa hàng Thanh văn. Vì hàng Thanh văn khiếp sợ ma, không tin Đại thừa, các ngài mới hiện ra cách điều phục ma để các hàng Thanh văn vững niềm tin. Hàng Thanh văn kia thấy ma bị hàng phục nên hết sợ, mới có lòng tin đối với chánh pháp vô thượng Đại thừa, và bảo nhau rằng: Từ nay trở đi, ở trong pháp Đại thừa chúng ta chớ có làm chướng ngại.
Chúng ta tu theo pháp Đại thừa có sợ ma không? Ráng tập, nhận ra tất cả các pháp không có gì ngoài tâm mà có, cứ trở về với tâm bất sanh bất diệt đó thì không pháp nào hại được. Thân mình còn không thật, huống gì cái bóng hiện ra làm sao thật mà sợ?
Này Ca-diếp! Hàng Thanh văn cùng Duyên giác rất sợ phiền não. Người học Đại thừa đều không sợ phiền não. Vì người học Đại thừa có oai lực như vậy, nên lời ta nói thuở trước chính là để khuyến khích hàng Thanh văn cùng Duyên giác điều phục các loài ma, chứ chẳng phải nói với người học Đại thừa.
Nếu thật là người học Đại thừa không sợ ma cũng không sợ phiền não. Tại sao? Nếu phiền não dấy lên biết tự tánh nó là không, đã là không thì còn gì nữa mà sợ. Hàng Nhị thừa thấy có tham sân si thật nên sợ, tìm đủ cách hàng phục, như có người nói: Mình tu là cốt phải chiến thắng giặc phiền não, nghĩa là đừng để cho nó làm chủ, đánh gục mình. Có người lại nói, tu hành không cần dẹp phiền não. Người nói chiến đấu nghe có vẻ mạnh mẽ lắm. Tại vì thấy có phiền não thật nên phải chiến đấu chết sống với nó. Người đó thấy phiền não và Bồ-đề khác nhau. Còn người nói không cần dẹp phiền não vì đã thấy tự tánh phiền não là không.
Vô minh thật tánh tức Phật tánh, huyễn hóa không thân tức pháp thân. Tánh thật của vô minh tức Phật tánh rồi thì còn gì nữa mà hàng phục, mà chiến đấu Chỉ cần biết tánh của nó là không thật thì đã là dẹp rồi. Đại thừa coi việc dẹp phiền não rất thường, không sợ sệt, biết nó là không thật, là huyễn.
Như trên màn hình hiện ra một người hung dữ cầm súng ngắm bắn ra. Đứa con nít tưởng thật núp tránh vì sợ bắn trúng nó. Người lớn thấy cười chứ không sợ, không né tránh gì hết. Tại sao? Vì người lớn biết là huyễn, là bóng thôi. Cũng vậy, hàng Nhị thừa thấy các pháp là thật, thấy bên này là phiền não, bên kia là Bồ-đề, bên này là sanh tử bên kia là Niết-bàn, nên sợ, phải hàng phục. Hàng Bồ-tát biết ngay vô minh không tự tánh thì tánh Phật hiện ra. Vô minh ấy là huyễn hóa không thật, như hình ảnh trong phim. Người học Đại thừa không sợ phiền não là vậy. Không sợ không có nghĩa là không hàng phục, vì phiền não là không nên hàng phục mà không hàng phục. Thanh văn vì thấy có nên phải mạnh mẽ mà hàng phục. Đó là hai quan niệm khác nhau.
Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn đây rất kỳ lạ, rất đặc biệt. Nếu có người được nghe mà kính tin thọ trì cùng tin chắc Như Lai là pháp thường tru, thời người này rất là hy hữu như hoa ưu đàm. Sau khi Như Lai vào Niết-bàn, nếu có người được nghe kinh điển vi diệu Đại thừa này mà sanh lòng kính tin, nên biết người này trăm ngàn ức kiếp về sau không bị sa vào ác đạo.
Nghe kinh điển Đại Niết-bàn mà tin chắc chắn không còn ngờ vực nữa thì người đó nhất định muôn ngàn ức kiếp về sau không bị sa vào ác đạo. Bởi vì tin được Như Lai thường trụ, tin mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, tức là tin được pháp thân bất diệt, đó mới là cứu cánh. Tin như thế thì không còn tham đắm những cái vui trong sanh tử. Nương nơi đó mà khởi tu thì gọi là kiến tánh khởi tu, nương nơi đó mà chứng được pháp thân viên mãn. Đó là tinh thần của Đại thừa.
Này Ca-diếp! Sau khi ta vào Niết-bàn, sẽ có vô lượng chúng sanh chẳng tin và chê bai kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này.”
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ chừng bao lâu sẽ có hạng người chê bai ấy? Và có bậc thuần thiện nào cứu vớt dược kẻ chê bai ấy chăng?”
Phật nói sau này sẽ có người chê bai kinh điển Đại thừa. Nhưng khoảng bao lâu có người chê bai và có ai cứu vớt họ không? Đó là câu hỏi của ngài Ca-diếp.
Phật dạy: Này Ca-diếp! Sau khi ta vào Niết-bàn trong khoảng bốn mươi năm, kinh này sẽ được lưu bố rộng trong cõi Diêm-phù-đề, rồi sau sẽ ẩn mất trong đất.
Này Ca-diếp! Như xứ nào có gạo thơm, mía, đường, sữa, đề hồ, người xứ ấy tất cho các thực phẩm ấy là món ăn ngon nhất. Nếu chốn nào mà người bản xứ chỉ ăn ròng những gạo hẩm, hột cỏ, tất họ cũng sẽ cho món họ ăn là ngon nhất, vì đây là những người bạc phước, nghiệp báo của họ khiến như vậy. Nếu là người có phước đức lớn, thời chỉ hưởng những thực phẩm quý: cơm ngon, mía, đường, sữa, đề hồ, trọn đời không nghe đến tên cơm hẩm, hột cỏ.
Cũng vậy, đối với kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn đây, hàng Nhị thừa độn căn bạc phước chẳng ưa chẳng thích, còn người học Đại thừa thời kính tin vui mừng khi đã được nghe.
Sau khi Phật Niết-bàn khoảng bốn mươi năm, kinh này sẽ được truyền bá khắp trong cõi Diêm-phù đề và sau ẩn mất.
Phật ví dụ xứ nào có thức ăn ngon thì dân chúng cho thức ăn đó là ngon nhất, còn những xứ vô phước họ chỉ có những thứ gạo hẩm, hột cỏ thì họ cũng cho những thứ đó là ngon nhất. Đó là tùy theo phước nhiều ít của mỗi xứ. Như cơm Ấn Độ bời rời chúng ta thấy khó ăn, nhưng người ta ăn thấy ngon. Tại sao? Tại xứ mình ăn cơm ngon quen rồi, qua đó ăn thấy dở. Nhưng khi qua Nhật lại thấy cơm mình dở hơn. Bên ấy đậu hũ, cơm gạo gì cũng thấy ngon hơn của mình. Đó là tùy phước của mỗi xứ mà có món ngon khác nhau. Cũng vậy, giáo lý mà hàng Thanh văn cho là cao siêu thì Bồ-tát cho là thấp, giáo lý mà Bồ-tát cho là cao siêu thì hàng Thanh văn không biết được vì chưa từng nghe. Những vị Thanh văn ít phước nên không thích những kinh điển Đại thừa, còn hàng Bồ-tát vì phước dày cho nên thích kinh điển Đại thừa.
Này Ca-diếp! Ví như có một vị quốc vương ở trong núi hiểm trở, dầu có mía, đường, gạo, nếp, nhưng vì khan hiếm nên không dám ăn, cứ lo chứa cất, mà chỉ ăn những rau cỏ. Vua nước láng giềng nghe biết vừa thương vừa cười, bèn cho xe chở gạo, nếp, mía, đường sang biếu tặng. Quốc vương được tặng phẩm liền phân phát cho nhân dân cả nước cùng ăn. Nhân dân được ăn đều vui mừng và nói rằng nhờ vua láng giềng mà chúng ta được món ăn rất ngon lạ.
Này Ca-diếp! Bốn hạng người y chỉ trên đây cũng vậy, là đại tướng của pháp Đại thừa vô thượng. Trong bốn hạng người này, hoặc có một người thấy xứ khác có vô lượng Bồ-tát dầu học kinh điển Đại thừa, hoặc biên chép, hoặc khuyên bảo người biên chép, nhưng vì lợi dưỡng, vì danh vị, vì tự độ, vì y chỉ, nên đem đổi các kinh điển khác, mà không đem pháp Đại thừa tuyên dạy cho mọi người, bèn đem kinh Đại Niết-bàn gửi tặng cho các vị Bồ-tát ấy, cho các vị này phát tâm và an trụ nơi đạo Bồ-đề vô thượng. Vị Bồ-tát ấy khi được kinh này rồi, liền đem tuyên dạy lại mọi người, làm cho vô lượng chúng sanh đặng lãnh thọ pháp vị Đại thừa, mọi người đều nhờ nơi sức của một vị Bồ-tát này mà được nghe thứ kinh vi diệu chưa từng nghe. Như nhân dân trong nước kia, nhờ sức vua mà được hưởng các thức ăn ngon lạ.
Phật dùng một ví dụ khác. Ông vua ở một xứ nghèo khan hiếm thức ăn, có chút ít thì để dành không dám ăn. Vua nước láng giềng giàu bèn sai người chở những lúa nếp ngon qua cho. Dân chúng được ăn vui mừng, mang ơn ông vua bên ngoài có lòng tốt. Cũng vậy, có những người có kinh điển Đại thừa mà không biết dùng, vì lợi dưỡng nên đổi lấy kinh khác. Sau phải nhờ những vị khác tặng kinh điển Đại thừa cho, mới phát tâm dạy những người khác, khiến họ nghe được kinh điển Đại thừa chưa từng được nghe. Đây chỉ cho hàng Thanh văn có khi biết được chút ít và những Bồ-tát có tâm lượng rộng lớn, tự mình biết được pháp Đại thừa, rồi biên chép và dạy bảo những người khác để cho họ được biết. Như vậy bốn hạng người ở trên là bốn hạng người đáng nương tựa. Đó là chỉ cho những người có tâm lợi tha, khi mình được món ngon cũng muốn chia sớt cho người cùng hưởng.
Này Ca-diếp! Phàm chỗ nào có kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này lưu bố, phải biết chốn ấy là kim cang, người ở chỗ ấy cũng như kim cang. Người được nghe kinh này thời chẳng thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh giác, đều được thành tựu những điều mong muốn. Như những điều mà Như Lai đã tuyên nói đây, chư Tỳ-kheo phải khéo thọ trì. Chúng sanh nào không nghe được kinh điển này thời thật là hạng đáng thương hại, vì họ không thọ trì được nghĩa lý sâu xa của kinh điển Đại thừa như thế này.”
Phàm chỗ nào có kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này lưu bổ, phải biết chốn ấy là kim cang, người ở chỗ ấy cũng như kim cang. Vì nếu mình trực nhận được pháp thân, trực nhận được Phật tánh thì pháp thân bất sanh bất diệt, Phật tánh bất sanh bất diệt tức là kim cang. Pháp thân trùm khắp tất cả thì chỗ nào không phải kim cang. Người được nghe kinh này thời không thổi chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh giác, đều được thành tựu những điều mong muốn. Phật khuyên chư Tỳ-kheo phải khéo thọ trì. Chúng sanh nào không nghe được kinh điển này thời thật là hạng đáng thương hại, vì họ không thọ trì được nghĩa lý sâu xa của kinh điển Đại thừa như thế này.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, trong khoảng bốn mươi năm, kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này sẽ rộng truyền ở cõi Diêm-phù đề, qua thời gian ấy sẽ ẩn mất vào đất. Vậy chẳng biết chừng nào kinh này sẽ lại xuất hiện?”
Ở đây Bồ-tát Ca-diếp hỏi lại một lần nữa, Phật nói khoảng bốn mươi năm kinh Đại thừa Niết-bàn này rộng truyền ở cõi Diêm-phù-đề, qua thời gian ấy sẽ ẩn mất vào đất, vậy chẳng biết chừng nào kinh này sẽ xuất hiện lại.
Phật dạy: “Này Ca-diếp! Lúc chánh pháp của Như Lai còn thừa tám mươi năm, bốn mươi năm đầu là thời gian mà kinh này lại được thạnh truyền.”
Ca-diếp Bồ-tát lại thưa: “Bạch Thế Tôn! Lúc chánh pháp diệt, chánh giới hư, phi pháp tăng trưởng, chúng sanh tệ ác, thời ai là người có thể nghe hiểu thọ trì, đọc tụng nhuần thuộc, cùng cúng dường cung kính biên chép giải nói kinh điển Đại thừa này. Mong Như Lai xót thương chỉ bảo, cho các hàng Bồ-tát được bậc bất thối tâm vô thượng Bồ-đề.”
Phật nói lúc chánh pháp của ngài còn thừa tám mươi năm, bốn mươi năm đầu là thời gian kinh này được thịnh hành. Ngài Ca-diếp hỏi ai có thể thọ trì đọc tụng biên chép giải nói kinh điển Đại thừa này.
Phật khen:“Lành thay!Lành thay!Này Ca-diếp! Chúng sanh nào đã từng phát tâm Bồ-đề ở chỗ chư Phật nhiều bằng số cát của một sông Ni liên mới có thể nơi đời ác thọ trì kinh điển như thế này mà không phỉ báng.
Chúng sanh nào được phát tâm Bồ-đề nơi chư Phật bằng số cát của một sông Hằng, vậy sau mới có thể ở trong đời ác ưa thích pháp Đại thừa này, nhưng chẳng thể giảng giải cho mọi người. Chúng sanh nào từng ở trước chư Phật bằng số cát của hai sông Hằng phát tâm Bồ-đề, mới có thể ở trong đời ác chẳng phỉ báng kinh này, mà tin hiểu chân chánh cùng ưa thích thọ trì, đọc tụng, nhưng cũng chẳng thể giảng rộng cho người. Chúng sanh phát tâm Bồ-đề nơi chư Phật bằng số cát của ba sông Hằng, mới có thể ở đời ác tin hiểu, thọ trì, đọc tụng và giảng nói kinh này, nhưng chưa hiểu thêm nghĩa. Chúng sanh phát tâm Bồ-đề nơi chư Phật bằng số cát của bốn sông Hằng, mới có thể ở đời ác tin ưa đọc tụng kinh này và giảng nói một phần trong mười sáu phần thâm nghĩa. Chúng sanh phát tâm Bồ-đề nơi chư Phật bằng số cát của năm sông Hằng, mới có thể ở đời ác giảng nói tám phần trong mười sáu phần thâm nghĩa của kinh này. Chúng sanh phát tâm Bồ-đề nơi chư Phật bằng số cát trong sáu sông Hằng, mới có thể ở đời ác giảng nói mười hai phần trong mười sáu phần thâm nghĩa của kinh này. Chúng sanh phát tâm Bồ-đề nơi chư Phật bằng số cát trong bảy sông Hằng, mới có thể ở đời ác giảng nói mười bốn phần trong mười sáu phần thâm nghĩa của kinh này. Và chúng sanh phát tâm Bồ-đề nơi chư Phật bằng số cát của tám sông Hằng, ở đời ác mới có thể tự mình và khuyên người đối với kinh này tin ưa đọc tụng, biên chép, thọ trì, cúng dường cung kính, và hiểu thấu tất cả nghĩa vị, tức là Như Lai thường trụ chẳng dời, rốt ráo an vui, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, người này khéo biết các pháp tạng của Như Lai, cúng dường vô lượng chư Phật, kiến lập chánh pháp vô thượng và thọ trì ủng hộ.
Phật lấy số cát của sông Hằng hoặc sông Ni-liên làm ví dụ. Người biên chép thọ trì đọc tụng, đã gặp Phật nhiều bằng số cát sông Ni-liên. Người thọ trì đọc tụng kính tin nữa thì gặp Phật bằng số cát một sông Hằng, rồi thêm cứ vậy mà tăng trưởng, cho đến người gặp Phật bằng số cát tám sông Hằng thì đối với kinh điển đại Niết-bàn mới thật tin hiểu sâu xa, giảng nghĩa rốt ráo. Như vậy được nghe, được học kinh điển Đại Bát-niết-bàn là đã từng gặp vô lượng vô biên vô số Phật.
Như học trò có mặc cảm không hy vọng thi đậu thì sẽ không cố gắng, chỉ học cầm chừng cho qua ngày tháng. Nếu tin rằng mình sẽ đậu mới nỗ lực học, nên còn có hy vọng đậu. Không tự tin thì không bao giờ đậu, đó là bệnh thường gặp. Người ta thường nghĩ mình ngu si phước bạc, là phàm tục không làm gì nổi, nên cho là vô phần đối với kinh điển Đại thừa, đối với những giáo lý cao siêu chỉ tu gieo nhân được bao nhiêu thì được, đời sau tu nữa; bây giờ tu thành Phật là chuyện vô hy vọng. Kinh này Phật muốn phá tâm tự khi như vậy.
Người nào phát tâm tin hiểu kinh điển Đại thừa là đã gặp, cúng dường Phật nhiều như số cát một sông Hằng, số cát hai, ba sông Hằng… cho đến số cát của tám sông Hằng. Số cát một sông Hằng còn không thể tưởng tượng nổi, Phật còn nói số cát tám sông Hằng. Nếu chúng ta tin được kinh điển Niết-bàn là đã gặp đã cúng dường Phật nhiều như số cát tám sông Hằng, nghĩa là đã cúng dường vô lượng vô biên đức Phật.
Chúng ta cứ tưởng mình có phước vì gặp Phật ra đời quá nhiều, nhưng nói về lý Đại thừa thì không phải vậy. Các vị thiền sư thường nói mười phương Phật ở trên đầu gậy, thường ở trước mặt các ngươi. Khi trực nhận được Phật tánh, thấy được pháp thân, thì mười phương chư Phật đồng hiện không có gì lạ, nên nói mình và chư Phật không khác. Lúc nào thấy được pháp thân của mình là thấy pháp thân của mười phương chư Phật hiện tiền. Hiểu được lý đó thì thấy lời Phật không phải là khó tin. Bởi vì chúng ta nhận chân được Phật tánh, nhận chân được pháp thân thì mới biết chư Phật thường hiện tiền, tất nhiên chúng ta gặp biết bao nhiêu chư Phật rồi.
Đoạn cuối Phật nói người tin ưa đọc tụng biên chép, thọ trì, cúng dường cung kinh, và hiểu thấu tất cả nghĩa vị, tức là Như Lai thường trụ chẳng dời, rốt ráo an vui, tin hiểu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, người này khéo biết tất cả các pháp tạng của Như Lai, cúng dường vô lượng chư Phật, kiến lập chánh pháp vô thượng và thọ trì ủng hộ. Như vậy người đó là người thấy được Phật tánh, biết được Như Lai thường trụ.
Mà thấy được Phật tánh thì lúc nào không thấy Phật, biết được Như Lai thường trụ thì lúc nào không có Phật, nên cúng dường không biết bao nhiêu hằng hà sa chư Phật mà nói. Chúng ta phải nhận ra lẽ này thì mới thấy ý hay.
Nếu có người mới phát tâm vô thượng Bồ-đề, phải biết rằng đời vị lai, người này ắt có thể kiến lập và thọ tri ủng hộ chánh pháp như thế này.
Này Ca-diếp! Có hạng ác Tỳ-kheo nghe Như Lai vào Niết-bàn chẳng những không lo buồn mà còn mừng rỡ rằng: Từ nay về sau không ai ngăn chế kiềm thúc, ngày Như Lai còn ở đời thời cấm giới cao nghiêm, nay đã vào Niết-bàn sẽ giải bỏ tất cả, ca-sa vốn là pháp thức nay cũng sẽ dẹp bỏ như lá phan trên cây. Hạng Tỳ-kheo ấy chê bai chống cự kinh điển Đại thừa này.
Người phát tâm Bồ-đề thì có thể sau này thọ trì ủng hộ chánh pháp như vậy.
Phật nói có những vị Tỳ-kheo ác nghe Phật sắp Niết-bàn thì mừng rỡ, vì từ nay về sau không ai ngăn chế kiềm thúc, ngày Như Lai còn ở đời thời cấm giới cao nghiêm, nay đã vào Niết-bàn sẽ giải bỏ tất cả, ca-sa vốn là pháp thức nay cũng sẽ dẹp bỏ như lá phan trên cây. Hạng Tỳ-kheo ấy chê bai chống cự kinh điển Đại thừa này.
Đời nào cũng như đời nấy. Phật đầy đủ vô lượng phương tiện, nói vô lượng pháp môn, nghe ngài sắp nhập
Niết-bàn, dân chúng đều thương xót than thở. Nhưng trong đó cũng có một vài nhóm mừng rỡ, Phật chết rồi không ai ngăn cấm nữa, từ đây tự do, muốn làm gì thì làm. Phật còn như vậy, huống nữa chúng ta bây giờ, thế nào cũng có một số người thương và một số người ghét. Cuộc đời tương đối là vậy, không có gì trọn vẹn.
Này Ca-diếp! Nay ông phải ghi nhớ như vậy. Nếu có chúng sanh trọn nên đầy đủ vô lượng công đức, mới có thể tin kinh điển Đại thừa này, tin rồi thọ trì. Những chúng sanh nào ưa thích pháp Đại thừa, nên vì họ mà giảng giải kinh này. Họ được nghe kinh này, thời bao nhiêu nghiệp ác đã tạo ra từ vô lượng kiếp trước thảy đều tiêu trừ. Nếu kẻ nào không tin kinh điển này, thời hiện thân sẽ bị vô lượng bệnh khổ não hại, phần nhiều bị người trách mắng, sau khi chết sẽ thọ thân hình xấu xí, nghèo thiếu, bị người khinh tiện, đời đời sanh trong nhà bần cùng hạ tiện tà kiến, thường bị tai nạn đao binh, hình pháp, giặc cướp, oán thù làm hại, không được gặp gỡ bạn lành, hằng ngày đói khát, không chịu tin nghe lời chân chánh, lời hay phải. Những kẻ ấy không bao giờ được đến chỗ lành ở cõi trời, cõi người, như chim gãy cánh không bay cao được.
Nếu người nào kính tin kinh điển này, thời dầu đã mang thân hình thô kệch xấu xa, do công đức của kinh, sẽ được xinh tốt, sắc lực oai nhan ngày ngày thêm hơn, thường được trời người mến ưa.
Người này có nói ra lời chi, ai nghe đến đều kính tin cả. Trong hàng Thanh văn đệ tử của Như Lai, nếu vị nào muốn thi hành việc hy hữu nhất, thời nên tuyên rộng kinh điển Đại thừa như đây.
Đoạn này Phật nói về phước báo của người thọ trì kinh Đại Niết-bàn. Chỉ có những người không tin kinh điển thì sẽ gặp nhiều hoạn nạn đời này và cả đời sau.
Này Ca-diếp! Như sương mù kia chỉ có thể tồn tại đến lúc mặt trời mọc. Khi mặt trời đã mọc, sương mù sẽ tiêu tan. Bao nhiêu nghiệp ác của chúng sanh, thế lực nó sẽ phải tiêu diệt khi được thấy mặt trời Đại thừa đại Niết-bàn này.
Này Ca-diếp! Như có người mới xuất gia cao tóc đắp ca-sa vẫn chưa thọ mười giới Sa-di, có tín thí trưởng giả đến thỉnh chúng tăng, người ấy cùng đại chúng đồng đi thọ trai, dầu chưa thọ giới mà đã vào số chư tăng.
Phật dùng những ví dụ để thấy rõ diệu dụng của kinh Đại Niết-bàn. Như sương mù tuy che đầy trời đầy đất nhưng một khi mặt trời mọc lên đều tan, Cũng vậy bao nhiêu nghiệp ác của chúng sanh nhờ Đại thừa Niết-bàn này hiện ra đều mất.
Ví dụ thứ hai, như người mới xuất gia cạo tóc chưa thọ giới Sa-di, nhưng nếu có đàn-việt thỉnh đi thọ trai, cũng được cử đi thọ trai như hàng Sa-di, cũng được thọ thực như một vị tăng. Như vậy chưa được thọ giới cũng được dự vào hàng tăng.
Cũng vậy, nếu có chúng sanh nào phát tâm mới học kinh Đại thừa Đại Niết-bàn, biên chép đọc tụng, người này dầu chưa đầy đủ công đức bằng bậc Thập địa Bồ-tát, nhưng đã được dự trong số các bậc Thập trụ Bồ-tát. Nếu có chúng sanh nào hoặc là đệ tử Phật, hoặc không phải đệ tử Phật, hoặc vì tham vì sợ, hoặc vì lợi dưỡng mà nghe học thọ trì kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này nhẫn đến một bài kệ, kính tin không hủy báng, phải biết người này thời là đã được gần vô thượng Bồ-đề.
Cũng thế tuy người chưa dẹp hết phiền não, khi hiểu được kinh Đại Niết-bàn người đó cũng có phước như hàng Thập trụ Bồ-tát. Cho tới những người tệ là ham danh ham lợi, mà biên chép thọ trì kinh Đại Niết-bàn, vẫn có phước gần được vô thượng Bồ-đề.
Này Ca-diếp! Vì nhân duyên trên đây, nên Như Lai nói bốn hạng người trước kia là chỗ nương tựa của thế gian. Bốn hạng người ấy không bao giờ đem lời Phật dạy, nói là không phải của Phật. Vì thế nên Như Lai nói bốn hạng người ấy là chỗ nương tựa của thế gian. Ông phải cúng dường bốn hạng người ấy.”
Rõ những nhân duyên quý báu đó, Phật dạy tất cả chúng sanh hãy nương tựa vào bốn hạng người kể trên, vì họ là bốn hạng người khen ngợi pháp Đại thừa, truyền bá pháp Đại thừa.
Ca-diếp Bồ-tát thưa: “Bạch Thế Tôn! Con làm thế nào biết được hạng người ấy để cúng dường?”
Phật dạy: “Nếu có người nào kiến lập hộ trì chánh pháp, thời phải thỉnh hỏi và xả thân cúng dường người ấy. Như ta từng nói nơi kinh Đại thừa này:
Có ai biết chánh pháp
Không luận già hay trẻ
Đều nên phải cúng dường
Cung kính và lễ lạy
Như hàng Bà-la-môn
Chí thành thờ thần lửa.
Và như các thiên thần
Cung kính trời Đế-thích.”
Ngài Ca-diếp hỏi, con làm thế nào biết được hạng người ấy để cúng dường? Đức Phật dạy, nếu có người nào kiến lập hộ trì chánh pháp, phải thỉnh hỏi và xả thân cúng dường người ấy.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy cúng dường bậc sư trưởng chính phải như vậy. Nay con có chỗ nghi, xin Như Lai giảng giải. Nếu có vị trưởng túc giới hạnh tinh nghiêm đến học hỏi với người trẻ tuổi, thời có phải lễ kính chăng? Nếu lễ kính thời đâu gọi là trì giới. Hoặc người tuổi trẻ tinh nghiêm giới luật đến học với vị trưởng túc phá giới, có nên lễ kính chăng? Hoặc người xuất gia đến học với người tại gia thời có nên làm lễ chăng? Nhưng người xuất gia không nên lễ kính người tại gia. Và trong giáo pháp của Phật, người trẻ tuổi phải cung kính bậc trưởng túc cao niên, vì bậc trưởng túc thọ giới cụ túc trước, đã thành tựu oai nghi. Như Lai từng bảo rằng người phá giới không được dung thọ ở trong Phật pháp, như đám cỏ ở trong thửa ruộng tốt. Như Lai lại nói có ai biết chánh pháp, không luận là già trẻ, phải cúng dường người ấy như thiên thần kính thờ trời Đế thích. Các lời dạy trên có chỗ trái nhau, xin Như Lai giải thích cho. Như Phật từng nói thầy Tỳ-kheo trì giới cũng có chỗ sai phạm. Duyên cớ gì mà Như Lai nói lời ấy. Trong các kinh khác, Thế Tôn cũng có nói cho trị tội kẻ phá giới. Những lời dạy ấy chưa được trọn nghĩa.”
Bồ-tát Ca-diếp nghi: Nếu bảo rằng dù già hay trẻ cũng nên lễ lạy và cúng dường, như vậy có Tỳ-kheo trưởng túc thọ giới trước, giới luật tinh nghiêm đến học với vị trẻ tuổi có hiểu chánh pháp, cũng lễ lạy hay sao? Nếu lễ lạy thì không đúng giới luật, không lễ lạy thì trái với lời Phật dạy ở đây. Cho tới như một người cư sĩ hiểu chánh pháp, người xuất gia tới học thì cũng phải lễ lạy hay sao?
Phật dạy: “Này Ca-diếp! Bài kệ vừa rồi là Như Lai vì chư Bồ-tát học Đại thừa sau này mà nói, chứ chẳng phải nói với hàng Thanh văn đệ tử.
Này Ca-diếp! Như lời của Như Lai đã nói, lúc chánh pháp diệt, thời kỳ chánh giới bị hủy hoại tăng trưởng sự phá giới, chứ chẳng phải lúc chánh pháp hưng thạnh. Lúc mà tất cả thánh nhân không hiện, lúc mà hạng xuất gia nhận và chứa tôi trai tớ gái cùng vật bất tịnh, trong bốn hạng người trên sẽ có một người hiện ra nơi đời cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, thấy chư Tỳ-kheo không biết vật tịnh cùng bất tịnh, cũng không hiểu là luật hay phi luật, vì muốn điều phục họ nên cùng họ hòa quang, nhưng không tội lỗi như họ. Người này khéo phân biệt chỗ làm của mình cùng chỗ làm của Phật. Dầu thấy các người phạm tội Ba-la-di, vẫn im lặng không cử tội.
Đức Phật dạy, bài kệ vừa rồi là Như Lai vì chư Bồ-tát học Đại thừa sau này mà nói, chứ chẳng phải nói với hàng đệ tử Thanh văn.
Thời mạt pháp là thời của chúng ta đây, ít có ai chứng đạo, ít có Bồ-tát, hay là ít có những vị đắc đạo hiện tiền, cho nên nói thánh nhân không hiện, Tỳ-kheo phạm giới quá nhiều. Trong bốn hạng người trên sẽ có một người hiện ra nơi đời cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, vì muốn điều phục những Tỳ-kheo kia nên cùng họ hòa quang, nhưng không tội lỗi như họ. Thấy họ ác quá, nhưng không cử tội.
Này Ca-diếp! Người này vì hộ trì chánh pháp nên dầu có chỗ phạm luật mà không gọi là phá giới. Như có vị quốc vương phải bệnh chết, thái tử còn thơ ấu chưa có thể nối ngôi. Có người Chiên-đà-la giàu có, quyến thuộc đông, thừa dịp soán ngôi, tự lên làm vua. Trong nước, các hàng cư sĩ, Bà-la-môn, phần nhiều trốn sang nước khác. Người ở lại cũng ẩn tránh không muốn thấy mặt vua ấy.
Vua Chiên-đà-la hay nhiều người trong nước bỏ sang nước khác, bèn truyền lệnh rằng nếu có vị Bà-la-môn nào có thể vì nhà vua mà làm thầy chủ lễ tôn vương, thời nhà vua sẽ chia đôi cõi nước cho cai trị. Mọi người nói với nhau bao giờ có người giòng Bà-la-môn lại đi chủ lễ tôn vương cho một gã Chiên-đà-la. Vua thấy không có vị Bà-la-môn nào ra mặt cả, bèn xuống lệnh nếu trong hàng Bà-la-môn không một ai chịu ra làm thầy cho nhà vua, thời nhà vua tất sẽ buộc các người Ba-la-môn cùng ở chung, làm việc chung với người Chiên-đà-la.
Còn nếu ai chịu chủ lễ tôn vương thời nhà vua quyết chia đôi cõi nước để phong thưởng, cho đến thuốc cam lộ bất tử của cõi trời Đao-lợi do sức thần chú cầu được, nhà vua cũng sẽ chia đều cho người ấy.
Bấy giờ có một người Bà-la-môn tuổi trẻ, đức hạnh thanh tịnh, giỏi về chú thuật ra lãnh làm chủ lễ tôn vương cho vua Chiên-đà-la. Nhà vua y lời hứa chia nước làm đôi, cùng Bà-la-môn trẻ đồng cai trị. Hàng Bà-la-môn đều giận trách người ấy: Ngươi là giòng Bà-la-môn sao lại đi làm thầy cho gã Chiên-đà-la?
Ít lâu sau, Bà-la-môn trẻ bảo vua rằng: “Tôi bỏ phép của giòng tôi đến làm thầy cho nhà vua, và dạy cho vua chú thuật vi mật. Nhưng đến ngày nay, nhà vua vẫn chưa thương tưởng đến tôi.” Vua hỏi cớ. Bà-la-môn trẻ đáp: “Nhà vua chưa cho tôi cùng được uống thuốc cam lộ bất tử của tiên vương.”
Vua bảo: “Phải lắm, quả nhân thật không biết, nếu Đại sư cần thời lấy mà dùng.” Bà-la-môn trẻ đem thuốc cam lộ về nhà mời các đại thần đến cùng chia nhau uống. Vua được tin ấy bèn nói với Bà-la-môn trẻ rằng: “Sao Đại sư cùng các đại thần uống thuốc cam lộ mà không chia phần cho quả nhân.” Bà-la-môn trẻ dâng thuốc độc cho vua. Nhà vua uống xong say mê như người chết. Bấy giờ Bà-la-môn trẻ liền lập thái tử con tiên vương lên ngôi, mà xướng lên rằng: “Theo phép ngai vàng không bao giờ hạng người Chiên-đà-la được ngự. Từ xưa đến nay tôi chưa từng nghe thấy giòng Chiên-đà-la làm vua, phải tôn Thái tử lên ngôi để chăn dân trị nước.” Sau khi sắp đặt việc triều chính xong, Bà-la-môn trẻ giải độc cho Chiên-đà-la rồi đuổi ra khỏi nước. Bà-la-môn trẻ dầu hành động các việc như trên nhưng vẫn không mất pháp Bà-la-môn. Bấy giờ người trong nước, hàng cư sĩ và Bà-la-môn đều khen ngợi việc làm ấy và đều kính trọng Bà-la-môn trẻ.
Người này có tâm hộ trì chánh pháp, hòa quang đồng trần chứ không phải vì muốn lợi dưỡng mà phá giới. Ví dụ ông vua giòng Sát-đế-lợi hay Bà-la-môn chết, Chiên-đà-la là giòng hạ tiện nhất mà vì có quyền thế chiếm được ngôi vua. Rồi muốn hợp pháp nên mời vị thầy Bà-la-môn ra làm lễ tôn vương. Các thầy Bà-la-môn cho hàng Chiên-đà-la là hạ tiện, nên không ai chịu đứng ra làm lễ. Sau có một chàng Bà-la-môn trẻ tuổi khôn ngoan chịu đứng ra làm lễ, được nhà vua chia đất đai cho và được thuốc cam lồ chia cho giòng Bà-la-môn uống, nhân đó chuốc độc làm nhà vua mê man, rồi lập thái tử con vua trước lên ngôi. Sau đó làm cho vua kia tỉnh lại và đuổi đi. Ban đầu có một số người chấp nê, cho rằng Bà-la-môn trẻ tuổi đó làm việc phi pháp, nhưng sau đuổi được vua Chiên-đà-la đi thì mọi người đều khen là khôn ngoan.
Cũng vậy Bồ-tát hòa quang đồng trần lẫn trong nhóm người phá giới, người không biết cho rằng đó là người xấu phá giới, nhưng vị Bồ-tát đó ở trong nhóm người phá giới để trừng trị, dạy dỗ cho họ biết thế nào là chánh thế nào là tà, việc nào phi pháp việc nào hợp pháp. Người ta mới thấy đó là một vị Bồ-tát đáng khen đáng phục.
Người vì đạo, khi làm quấy nếu bị người chỉ trích thì nói đây là cái tệ của tôi, đúng ra kinh Phật không cho, tôi chưa tránh được những cái xấu, tôi xin lỗi, thì đó là người chân chánh. Còn người có khi vô quán rượu cũng nhậu cũng ăn thịt, nếu có ai hỏi thì nói Bồ-tát bất câu tiểu tiết, Bồ-tát không chấp những chuyện nhỏ nhặt. Họ dẫn những lời trong kinh hay trong luận của các tổ ra để che lỗi mình, đó thật là hạng phá giới, là kẻ tà. Tuy cùng làm một việc mà người chánh người tà. Cho nên phải khéo giản trạch, khéo phân biệt. Các thiền sư lúc ở chỗ yên vắng thì tâm các ngài đã thuần thục thanh tịnh. Vì muốn thử tâm mình, các ngài đôi khi ở lẫn trong đám người thường. Người không biết thì thắc mắc, nhưng các ngài cốt thử tâm chứ không phải để hưởng thụ.
Nếu người lấy câu này để che đậy lòng tham dục vọng của mình thì chẳng những phá giới mà còn nhục mạ Phật tổ nữa. Đó là tội rất nặng. Trong thời mạt pháp phàm thánh lẫn lộn, rồng rắn khó phân, không dám chê hay khen ai, chỉ cần dùng một vài điều nho nhỏ đó để mình nhận biết tà chánh. Cũng một hành động mà có kẻ thật phá giới, có kẻ thị hiện giáo hóa chúng sanh.
Này Ca-diếp! Sau khi Như Lai vào Niết-bàn, hàng Bồ-tát hộ trì chánh pháp, phương tiện giả đồng sự với các Tỳ-kheo phá giới. Nếu thấy có người dầu phạm giới nhiều, nhưng có thể trị các ác Tỳ-kheo, Bồ-tát liền đến cúng dường kính lễ người ấy, vì việc cúng dường nên phải cầu xin với nhà đàn-việt và cất chứa vật bất tịnh.
Mặc dầu Bồ-tát cung kính lễ bái cúng dường người ấy và chứa vật bất tịnh, nhưng vẫn không có tội lỗi, vì là phương tiện để tẩn trị các ác Tỳ-kheo, cho tăng chúng thanh tịnh được an ổn và lưu bố kinh điển Đại thừa, làm lợi ích cho trời cho người.
Này Ca-diếp! Vì duyên do ấy, nên Như Lai nói hai bài kệ trước kia để bảo các Bồ tát khen ngợi người hộ pháp. Như hàng cư sĩ và Bà la môn ngợi khen Bà-la-môn trẻ. Nếu có ai thấy người vì hộ pháp mà cùng đồng sự với các Tỳ-kheo phá giới, rồi nói là có tội, thời phải biết kẻ ấy tự chuốc lấy họa hại. Người hộ pháp kia thật không có tội.
Đó là Phật đã chỉ rõ những hạng Bồ-tát hòa quang đồng trần.
Này Ca-diếp! Nếu có Tỳ-kheo phạm cấm giới rồi tự kiêu mạn không sám hối, phải biết đó chính là người thật phá giới. Bồ-tát vì hộ pháp nên mặc dầu có chỗ sai phạm, nhưng không kiêu mạn chịu sám hối, nên không gọi là phá giới.
Chỗ này chúng ta thấy rõ Bồ-tát vì hộ pháp nên dù có chỗ sai phạm nhưng không kiêu mạn, chịu sám hối nên không gọi là phá giới. Người mà phạm rồi kiêu mạn không sám hối thì đó là người phạm giới thật. Khác nhau ở chỗ đó.
Vì cớ ấy nên Như Lai nói trong kinh:
Có ai biết chánh pháp
Không luận già hay trẻ
Đều nên phải cúng dường
Cung kính và lễ lạy
Như hàng Bà-la-môn
Chí thành thờ thần lửa.
Và như các thiên thần
Cung kính trời Đế thích.
Lời kệ trên đây là Như Lai vì các Bồ-tát học Đại thừa mà nói, chứ chẳng phải nói với hạng người học pháp Thanh văn.”
Ca-diếp Bồ-tát thưa: “Bạch Thế Tôn! Các vị Bồ-tát như thế ở nơi giới rất là hưỡn đãi. Giới của các vị ấy đã thọ có còn đủ chăng?”
Phật dạy: “Này Ca-diếp! Nay ông không nên nói như vậy. Vì giới của các vị ấy đã thọ vẫn đủ không mất. Giả sử có sai phạm liền phải sám hối. Sám hối xong thời được thanh tịnh. n
Này Ca-diếp! Như bờ đê cũ có lỗ hở trống thời nước rịn chảy, vì không người sửa sang. Nếu được sửa sang thời nước không rịn chảy. Cũng thế, các vị Bồ-tát dầu cùng kẻ phá giới đồng sự, nhưng ở nơi giới đã thọ vẫn không hư mất. Vì nếu không có người thanh tịnh trì giới thời tăng chúng sẽ tổn giảm, ngày càng lười trễ. Nếu có người trì giới thanh tịnh thời giới đã thọ được đầy đủ không mất.
Này Ca-diếp! Đối với “thừa” mà hưỡn đãi mới gọi là hưỡn đãi, còn hưỡn đãi nơi “giới” không gọi là hưỡn đãi. Các vị Bồ-tát không trễ lười nơi Đại thừa, đây gọi là giới căn bản. Các vị ấy vì hộ trì chánh pháp nên dùng nước Đại thừa mà tự tắm gội. Vì thế nên Bồ-tát dầu hiện ra sự phá giới nhưng không gọi là hưỡn đãi.”
Phật giải thích như thế thật là cặn kẽ.
Ca-diếp Bồ-tát thưa: “Trong chư tăng có bốn hạng người, như trái am-la khó phân biệt trái sống trái chín. Làm thế nào biết được người trì giới cùng người phá giới?”
Phật dạy: “Này Ca-diếp! Nhân nơi kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thời dễ biết. Ví như nông phu gieo mạ cấy lúa, cày bừa hết cỏ, cứ mắt thịt xem thời gọi thửa ruộng sạch. Đến mùa bông trái thời lúa cùng cỏ khác nhau. Tám việc như vậy hay làm nhơ nhớp chúng tăng, nếu trừ được thời dùng mắt thịt cũng biết là thanh tịnh. Hoặc khi trì giới hay phá giới mà không tác ác, dùng mắt thịt khó biện biệt được, lúc việc ác lộ bày thời dễ thấy biết. Như loại cỏ dễ nhận được. Cũng vậy, trong chúng tăng nếu có thể xa lìa nơi tám pháp bất tịnh, thời gọi là thánh chúng thanh tịnh, là phước điền, đáng được cõi trời cõi người cúng dường, quả báo thanh tịnh dùng mắt thịt không thể biện biệt.
Bồ-tát Ca-diếp hỏi Phật, trong tăng chúng có bốn hạng người như trái am-la khó phân biệt thế nào là sống thế nào là chín, sống cũng xanh chín cũng xanh, vậy làm sao biết người nào trì giới, người nào phá giới? Như người tu ai cũng mặc áo tràng, áo vạt hoặc đắp y… thấy người nào cũng như người nào, làm sao nhận ra ai trì giới ai phá giới? Thật là khó.
Phật ví dụ giải thích thật cặn kẽ. Như người nông phu gieo mạ cấy lúa, cày bừa hết cỏ, cứ mắt thịt xem thời gọi là thửa ruộng sạch. Họ gieo lúa xuống, tới mùa lúa chín có bông lúa, cỏ mọc lên thì có bông cỏ. Khi thấy bông cỏ ta biết liền. Như vậy khi thấy kết quả ta sẽ giản trạch đâu là chánh đâu là tà. Cũng vậy, người phá giới và người không phá giới đến kết quả rồi ta sẽ thấy ngay, không có gì lạ. Có thể che đậy được lúc đầu, lúc sau rồi cũng thấy; có thể ban đầu khó biết nhưng sau này rồi mình vẫn biết.
Này Ca-diếp! Như rừng ca-la-ca (kālaka) rất rậm rạp nhiều cây. Trong rừng này chỉ có một cây trấn-đầu-ca (tinduka). Trái của hai thứ cây này rất giống nhau khó biện biệt được. Đến mùa trái chín, một thiếu nữ lượm cả hai thứ, một phần trái trấn-đầu-ca, mười phần trái ca-la-ca đem ra chợ bán. Các trẻ nít ngu dại mua lầm trái ca-la-ca, ăn xong phải độc mà chết. Hàng thức giả nghe được việc ấy, liền hỏi thiếu nữ lượm những trái này ở nơi nào? Thiếu nữ nói là lượm ở rừng ca-la-ca. Thức giả bảo trong rừng ấy toàn là cây ca-la-ca chỉ có một cây trấn-đầu-ca thôi. Mọi người biết rõ đều chê cười rồi bỏ đi.
Này Ca-diếp! Tám pháp tăng cũng vậy. Trong chư tăng phần đông đều thọ dụng tám thứ bất tịnh ấy, chỉ có một người trì giới thanh tịnh không thọ tám thứ bất tịnh, và biết đại chúng thọ dụng phi pháp, nhưng vẫn đồng sự không xa tránh, như cây trấn-đầu-ca đứng giữa rừng ca-la-ca. Có Ưu-bà-tắc thấy phần đông phi pháp và chẳng cung kính cúng dường vị thanh tịnh này. Nếu muốn cúng dường nên trước hỏi: Bạch Đại đức, tám việc như vậy có nên nhận và chứa không? Phật có cho phép không? Nếu nói là Phật cho phép, thời người nhận chứa ấy đặng cùng chung bố-tát, yết-ma, tự tứ không? Đại chúng đáp rằng: Tám việc ấy, đức Như Lai xót thương thảy đều cho phép chứa. Ưu-bà-tắc nói: Trong tinh xá Kỳ Hoàn, hoặc có Tỳ-kheo nói Phật cho phép chứa vàng bạc, hoặc có Tỳ-kheo nói Phật không cho phép. Người nói là Phật cho phép, thời người nói Phật không cho phép chẳng chịu ở chung, chẳng đồng thuyết giới, tự tứ, nhẫn đến không chịu cùng uống nước một con sông, chẳng chịu chung hưởng vật lợi dưỡng. Sao các ngài lại bảo là Phật cho phép? Phật là đấng trời trong hàng trời, dầu cho Phật có nhận các thứ ấy, chư tăng các ngài cũng chẳng nên chứa cất. Nếu vị nào nhận chứa thời không nên đồng sự, chẳng nên cùng thuyết giới, tự tử, yết-ma. Nếu chung cùng, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục, như kẻ phải chết vì ăn lầm trái ca-la-ca.
Này Ca-diếp! Như nơi chợ có người bán thuốc, bán cả thuốc quý Tuyết Sơn cùng nhiều thứ thuốc độc khác, mùi vị đều giống nhau. Người mua không rành mặt thuốc hỏi mua thuốc Tuyết Sơn. Người bán dối trá lấy các thứ thuốc độc đưa ra. Người mua nhận lầm là thật nên trả tiền mang thuốc đi và mừng thầm rằng đã mua được thuốc quý Tuyết Sơn.
Này Ca-diếp! Trong chư tăng Thanh văn có giả danh tăng, có chân thật tăng và hòa hiệp tăng, hoặc trì giới, hoặc phá giới. Đối với trong đại chúng ấy, phải bình đẳng cúng dường cung kính lễ bái, vì với mắt thịt, hàng Ưu-bà-tắc chẳng phân biệt được vị nào trì giới, vị nào phá giới, ai là chân thật tăng, ai là giả danh tăng, như người mua thuốc không phân biệt được thuốc quý Tuyết Sơn. Người có thiên nhãn mới có thể biết rõ.
Này Ca-diếp! Nếu Ưu-bà-tắc biết rõ là Tỳ-kheo phá giới thời chẳng nên cung cấp lễ bái cúng dường. Nếu biết Tỳ-kheo nhận và chứa tám vật bất tịnh, cũng lại chẳng nên cung cấp lễ bái cúng dường. Nếu trong chư tăng có người phá giới, chẳng nên vì đắp ca-sa mà cung kính lễ bái.”
Ví dụ thứ hai là rừng cây. Cây có trái độc thì nhiều, mà cây có trái ngon chỉ có một, hai thứ trái lại giống hệt nhau. Có người do không biết nên đã lượm hết trái cây đem bán, người nào mua lầm trái độc, ăn rồi chết. Người hiểu biết hỏi người bán lấy trái ở đâu, biết rồi mới nói trong rừng đó chỉ có một cây ngon, đại đa số là trái độc.
Ví dụ thứ ba là người bán thuốc Tuyết Sơn, trộn lẫn thuốc độc mà bán cho người. Tỳ-kheo cũng khó giản trạch được ai là trì giới, ai là phá giới. Vì lòng kính tin Tam bảo mình không thể nói tất cả đều phá giới hay tất cả đều thanh tịnh, mà phải sớm nhận biết. Tức là xét trong giới luật và tám điều bất tịnh, nếu người nào có chứa thì gọi là người phá giới, người nào không chứa gọi là người thanh tịnh. Phật lấy chỗ đã dạy trước kia để làm bằng chứng, để nhận cho ra ai phá giới ai giữ giới.
Ca-diếp Bồ-tát thưa: “Bạch Thế Tôn! Lành thay Lành thay! Lời Phật dạy chân thật không hư, con sẽ trân trọng tuân theo, xem như bảo vật kim cang.
Như lời Phật dạy: Các Tỳ-kheo phải y theo bốn điều: y theo pháp không y theo người, y theo nghĩa không y theo lời, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh chẳng liễu nghĩa.
Bốn pháp như vậy, nên phải chứng biết không phải bốn hạng người.”
Y đây là y bốn pháp, chẳng phải y bốn hạng người.
Phật dạy: “Này Ca-diếp! Y theo pháp đó chính là Như Lai đại Bát-niết-bàn, tất cả Phật pháp tức là pháp tánh. Pháp tánh ấy tức là Như Lai. Thế nên Như Lai thường trụ không biến đổi. Nếu ai bảo rằng Như Lai vô thường, người này không biết không thấy pháp tánh. Nếu là người không biết không thấy pháp tánh thời không nên nương tựa. Như trên đã nói bốn hạng người hiện ra nơi đời hộ trì chánh pháp nên phải chứng biết để mà y chỉ. Vì các vị này khéo hiểu biết pháp tạng thâm áo vi mật của Như Lai, biết rõ Như Lai thường trụ không biến đổi. Không bao giờ Như Lai vô thường biến đổi. Bốn hạng người này có thể gọi là Như Lai, vì hiểu được và nói được mật ngữ của Như Lai. Nếu có người biết được pháp tạng thâm mật, và biết Như Lai thường trụ không biến đổi, người này chẳng bao giờ vì lợi dưỡng mà nói Như Lai là vô thường. Còn nên y chỉ với người này huống là chẳng y chỉ với bốn bậc trên.
Y theo pháp đó chính là Như Lai đại Bát-niết-bàn, tất cả Phật pháp tức là pháp tánh. Y theo pháp tánh tức là y theo pháp thân thường trụ bất hoại. Như vậy có thể nói gọn lại, y pháp bất y nhân tức là y theo pháp tánh chân thật không sanh không diệt thường trụ bất biến. Pháp tánh đó chính là pháp thân, là Như Lai.
Người y cứ vào đó thì gọi là y pháp chứ không y người. Tuy là y pháp nhưng nếu người nào biết được pháp tánh, nói đúng với pháp tánh thì mình y theo người ấy mà tu, đó cũng là y pháp chứ không phải y người.
Y chỉ nơi pháp tức là pháp tánh, không y chỉ với người tức là hàng Thanh văn. Pháp tánh tức là Như Lai, Thanh văn tức là hữu vi. Như Lai tức là thường trụ, hữu vi tức là vô thường.
Này Ca-diếp! Nếu là người phá giới vì lợi dưỡng mà nói Như Lai là vô thường biến đổi, thời không nên nương tựa với người ấy.
Phật dạy y pháp bất y nhân là nhấn mạnh vào y pháp tánh, chứ không phải y theo các hàng Thanh văn. Vì sao? Vì Phật cho rằng các hàng Thanh văn là vô thường, còn pháp tánh là thường trụ. Cho nên y theo pháp thường trụ gọi là y pháp.
Trên đây là định nghĩa “y theo pháp không y theo người”.
Y theo nghĩa không y theo lời là thế nào?
Này Ca-diếp! Nghĩa là giác liễu, nghĩa giác liễu là nghĩa không thiếu sót tức là nghĩa đầy đủ. Nghĩa đầy đủ là Như Lai, Pháp cùng Tăng đều thường trụ chẳng biến đổi. Đó là y theo nghĩa. Còn những lời gì chẳng nên y theo? Tức là các bộ luận trau chuốt lời văn. Như Phật từng bảo rằng có rất nhiều thứ kinh điển tham cầu không biết nhàm, gian dối dua bợ, bày nhiều cách để cầu lợi, làm việc cho kẻ bạch y, lại xướng rằng đức Phật cho phép thầy Tỳ-kheo nuôi tôi trai tớ gái, các vật bất tịnh như vàng bạc châu báu, lúa gạo kho đụn, trâu dê voi ngựa, cùng buôn bán lấy lời. Nơi đời cơ cẩn Phật vì thương đệ tử nên cho phép Tỳ-kheo chứa đồ ăn cũ, để cách đêm, tự tay nấu nướng, không lãnh thọ mà ăn. Không nên y theo những lời như thế.
Y nghĩa bất y ngữ là y theo nghĩa không y theo lời. Phật dạy, nghĩa là giác liễu, chỉ cho sự giác ngộ. Y theo sự giác ngộ chứ không phải y theo lời nói, tức là nghĩa đầy đủ giác ngộ viên mãn gọi đó là y nghĩa.
Nghĩa đầy đủ là Như Lai, Pháp cùng Tăng đều thường trụ chẳng biến đổi. Cho nên nghĩa giác liễu là chỉ cho đồng thể Tam bảo. Thấy Phật là pháp thân, thấy pháp thân thanh tịnh tức là thấy pháp. Pháp không rời nhau là thấy Tăng. Một thể pháp thân mà có đủ Tam bảo gọi đó là đồng thể Tam bảo. Vì nhận được như vậy, giác ngộ như vậy thì gọi là y nghĩa không y ngữ. Thế gian hay dùng những luận lý khôn ngoan khéo léo nhưng không có thật nghĩa, không đến được chỗ chân thật cứu cánh, chúng ta không nên y mà phải y theo chỗ giác ngộ được pháp thân Tam bảo đồng thể gọi là y nghĩa không y ngữ.
Y theo trí không y theo thức là thế nào?
Này Ca-diếp! Trí tức là Như Lai. Nếu có hàng Thanh văn chẳng khéo rõ biết công đức của Như Lai, đó là “thức” không nên y theo. Nếu rõ biết Như Lai tức là pháp thân, đó là chân trí nên phải y theo. Nếu thấy thân phương tiện ứng hóa của Như Lai mà nói là thuộc về ấm giới nhập, do ăn mà được sống được lớn, sự nhận xét này là “thức” cũng chẳng nên y theo. Người cùng kinh điển nói những điều ấy đều chẳng nên y theo.
Trí giác ngộ được Phật tánh hay giác ngộ được pháp thân, thức chỉ nhận hiểu phân biệt các pháp tương đối. Vì vậy nên nói hàng Thanh văn không khéo rõ biết công đức Như Lai, đó là thức. Thấy được Phật tánh hay pháp thân bất sanh bất diệt là do trí mà nhận ra, cho nên y trí không nên y thức.
Trong khi tu nhận ra được cái lặng lẽ thanh tịnh sáng suốt của pháp thân thì đó là chân trí nên phải y theo. Nếu thấy thân phương tiện ứng hóa của Như Lai mà nói, thuộc về ấm giới nhập, nghĩa là phân biệt thọ sanh, phân biệt sự sống còn… đều là thức không phải là trí. Nói cách khác, nhận ra tánh là trí còn chạy theo tướng là thức.
Thế nào là y theo kinh liễu nghĩa mà không y theo kinh chẳng liễu nghĩa? Hàng Thanh văn nghe đến chỗ tạng pháp thâm mật của Như Lai đều nghi ngờ, không hiểu pháp ấy từ nơi biển đại trí huệ mà có ra. Khác nào những đứa trẻ thơ không hiểu biết xa rộng. Đây gọi là chẳng liễu nghĩa. Còn bậc Bồ-tát có trí huệ chân thật, theo trí lớn vô ngại nơi tự tâm, như người tuổi tác hiểu biết xa rộng. Đây gọi là liễu nghĩa. Lại Thanh văn thừa là không liễu nghĩa. Vô thượng Đại thừa mới gọi là liễu nghĩa.
Nếu nói Như Lai vô thường biến đổi thời gọi là chẳng liễu nghĩa. Còn nói Như Lai thường trụ không biến đổi thời gọi là liễu nghĩa. Lời của hàng Thanh văn nên chứng biết, gọi là chẳng liễu nghĩa. Lời của Bồ-tát nên chứng biết, gọi là liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhờ sự ăn mà sống còn, đó là lời không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai thường trụ không biến đổi, đây gọi là lời liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập Niết-bàn như củi hết lửa tắt, đó là lời không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập pháp tánh, đấy là lời liễu nghĩa.
Y kinh liễu nghĩa mà không y kinh chẳng liễu nghĩa. Kinh chẳng liễu nghĩa là kinh dạy hàng Thanh văn. Những kinh đó chưa cứu cánh nên không liễu nghĩa, còn những kinh dạy hàng Bồ-tát được trí tuệ chân thật là kinh liễu nghĩa.
Giáo pháp của Thanh văn thừa, thời không nên nương tựa vì Như Lai muốn độ chúng sanh nên phương tiện nói ra pháp Thanh văn thừa, như ông trưởng giả đem bán tự dạy cho con.
Này Ca-diếp! Thanh văn thừa như mới cày bừa chưa có hột trái, gọi là chẳng liễu nghĩa, vì thế chẳng nên nương theo Thanh văn thừa. Phải nương theo pháp Đại thừa. Vì Như Lai muốn độ chúng sanh mà phương tiện nói pháp Đại thừa. Pháp Đại thừa là liễu nghĩa, là chỗ nên nương tựa.
Trên đây là bốn điều nên y theo, cần phải chứng biết.
Kinh Đại Bát-niết-bàn cho thấy được pháp thân Như Lai thường trụ, là kinh liễu nghĩa. Thấy Như Lai diệt độ Niết-bàn chưa phải là Niết-bàn cứu cánh, chưa liễu nghĩa. Niết-bàn cứu cánh là đại Bát-niết-bàn như Phật nói ở đây mới gọi là liễu nghĩa.
Tóm lại, muốn hiểu được Niết-bàn tứ y này, trước hết chúng ta phải y pháp bất y nhân. Thông thường nói y pháp là y nơi kinh điển không nên y theo thầy dạy. Phật nói không phải vậy. Y pháp bất y nhân theo kinh Niết-bàn là y cứ vào pháp tánh. Người nào giảng đúng pháp tánh nghĩa là pháp thân thì chúng ta y cứ, còn người nào nói không đúng pháp tánh thì chúng ta không nên y theo. Đó là y pháp bất y nhân. Nhân là chỉ cho hàng Thanh văn, còn pháp chỉ cho pháp đại Bát-niết-bàn.
Y nghĩa bất y ngữ, nghĩa là không y theo lời văn
y vẻ trau chuốt, mà giác liễu được chân tướng, giác ngộ được Phật tánh, thấy được pháp thân viên mãn.
Y trí bất y thức, chúng ta y nơi chân trí mà giác ngộ được pháp thân, không nên theo vọng thức phân biệt hình tướng.
Y kinh liễu nghĩa không y kinh bất liễu nghĩa Y những kinh điển chỉ rõ pháp thân thường trụ. Bất liễu nghĩa là những kinh điển tạm nói để dạy hàng Thanh văn, chưa chỉ ra pháp thân Như Lai thường trụ.
Trên đây là giản trạch về nghĩa thứ nhất của tứ y.
Lại nữa, “nghĩa” đáng y theo gọi là chất trực. Chất trực gọi là sáng suốt. Sáng suốt gọi là không kém thiếu. Không kém thiếu gọi là Như Lai. Sáng suốt lại gọi là trí huệ. Chất trực gọi là thường trụ. Như Lai thường trụ, cũng gọi là y theo “pháp”, “pháp” ấy gọi là thường trụ, cũng gọi là vô biên, bất tư nghị, chẳng có thể chấp trì, chẳng có thể trói buộc, mà cũng có thể chứng thấy. Nếu kẻ nào nói là “không có thể chứng thấy được pháp”, thời không nên y theo kẻ ấy. Vì thế nên theo “pháp” mà không y theo người.
Nếu có người dùng lời vi diệu tuyên nói vô thường. Không nên y theo những lời này. Vì thế nên y theo “nghĩa” mà không y theo “lời”.
Còn nhận biết chúng tăng là thường trụ, là vô vi không biến đổi, chẳng chứa cất tám vật bất tịnh. Đây là y theo “trí” không y theo “thức”.
Nếu có người nói: Thức làm, thức thọ, không chúng tăng hòa hiệp. Tại vì sao? Luận về hòa hiệp gọi là vô sở hữu. Đã vô sở hữu sao gọi là thường trụ. Đây là tình thức không nên y theo.
Còn liễu nghĩa gọi là tri túc, trọn không dối hiện oai nghi thanh bạch, không kiêu mạn tự cao tham cầu lợi dưỡng, và đối với trong giáo pháp tùy nghi phương tiện của Như Lai không sanh lòng chấp trước. Nếu vị nào an trụ được trong những điều này, phải biết người ấy đã trụ được nơi đệ nhất nghĩa. Đây gọi là y theo kinh liễu nghĩa.
Như trong kinh nói: Tất cả phừng cháy, tất cả đều khổ, tất cả đều không, tất cả vô ngã. Đây gọi là không liễu nghĩa. Tại vì sao? Vì không có thể hiểu rõ nghĩa như vậy, hay làm cho chúng sanh phải đọa A-tỳ địa ngục. Do vì chấp trước nên không hiểu thấu ý nghĩa. Với câu “tất cả phừng cháy”, cho rằng Như Lai nói Niết-bàn cũng cháy. Tất cả vô thường thời Niết-bàn cũng vô thường. Khổ, không, vô ngã cũng như vậy. Đây gọi là kinh không liễu nghĩa chẳng nên y theo.
Y pháp bất y nhân. Y pháp là y theo pháp giác ngộ sáng suốt, đó là trí tuệ, là Như Lai. Pháp giác ngộ sáng suốt là pháp thường còn mãi mãi nên gọi là pháp thường trụ. Người thật tình tu thì chứng được, không phải chỉ là danh từ rỗng. Nếu có người nói tu thì tu, không mong gì chứng đắc, người đó không đáng nương cậy. Đừng hiểu như các vị thiền sư quán vô sở đắc vô sở chứng. Chứng nghĩa là tu phải giác ngộ, nếu tu không giác ngộ thì tu để làm gì? Mà giác ngộ cái gì? Giác ngộ pháp tánh. Thiền tông lấy giác ngộ làm căn bản. Người tin chắc rằng nỗ lực tu sẽ giác ngộ được pháp tánh, đó là người đáng tin theo, đáng nương tựa. Còn nào nói tu mà không thể giác ngộ được thì không nên nương tựa người đó.
Tóm lại, nương tựa theo pháp là chỉ cho giác ngộ được pháp tánh của Như Lai.
Y nghĩa tức là y theo đệ nhất nghĩa đế, không nên y theo những lời nói phương tiện của Phật buổi ban đầu. Cho nên những người dùng pháp vô thường khổ không vô ngã mà giáo hóa, thì những lời đó không phải là chỗ cứu cánh để mình nương theo.
Nhận được Phật pháp tăng đồng một thể thường trụ bất biến, đó là trí nhận được đạt được, cần phải nương theo, không nên y theo thức phân biệt dùng lý luận của tình thức để bàn cãi với nhau.
Người đạt được chỗ liễu nghĩa thì bên ngoài không đối hiện những oai nghi thanh bạch, tức bên ngoài ra vẻ tốt lắm, oai nghi trong sạch lắm, nhưng bên trong thì tham lam. Người không dối hiện oai nghi, không kiêu mạn, không lợi dưỡng, biết Phật pháp không cố định nên không chấp trước. Như vậy là đi đúng tinh thần đệ nhất nghĩa đế. Nương những người như vậy gọi là y kinh liễu nghĩa.
Chân lý của Thanh văn là vô thường khổ không vô ngã, nhưng theo Đại thừa thì vô thường khổ không vô ngã chưa phải là chân lý, mà các pháp tự tánh thường trụ bất biến. Tự tánh ở đây là tâm hay Như Lai tạng, là pháp thân, đó là cứu cánh.
Ở trước nói vô thường khổ không vô ngã, là nhìn trên hình tướng của sự vật nên thấy nó là thật, là chân lý; còn ở đây nói thường lạc ngã tịnh, là nhìn trên thể tánh bất sanh bất diệt của tất cả pháp, hai bên khác nhau. Thanh văn nhìn sự vật trên hình thức, nhìn Phật trên ba mươi hai tướng tốt, nên thấy Phật có sanh có diệt. Đại thừa nhìn ngay nơi thể tánh, nhìn Phật ngay trên pháp thân bất sanh bất diệt. Vô thường khổ không vô ngã, đối với chân như tánh là chưa đúng, nhưng đối với giả tướng là chân lý rõ ràng không chối cãi được.
Phật đã chia vô thường khổ không vô ngã là kinh bất liễu nghĩa, nhưng vẫn có ích lớn lao với người phát tâm tu còn nặng về hình tướng.
Người học Phật pháp phải học từ tướng lần lần đến tánh, nếu mới vào mà học ngay nơi tánh thì sẽ thấy khó hiểu. Vì tánh nói thẳng những cái không thể nói được, không có hình dung để có thể nghi cãi. Chỗ đó chỉ có những bậc đạt nhân mới dễ nhận dễ hiểu.
Này Ca-diếp! Nếu có người nói Như Lai thương xót chúng sanh khéo biết thời nghi. Vì biết thời nghi nên có lúc Như Lai nói nhẹ là nặng, hoặc nói nặng là nhẹ. Như Lai xét biết hàng đệ tử có các nhà thí chủ cung cấp đồ cần dùng không thiếu, nên Phật không cho nhận và chứa tôi tớ, vàng bạc của báu, không cho buôn bán đổi chác những vật bất tịnh. Nếu hàng đệ tử không có thí chủ cung cấp, và thời kỳ mất mùa đói kém, vì muốn hộ trì chánh pháp, nên Phật cho nhận và chứa tôi tớ, vàng bạc, xe cộ, ruộng nhà, gạo thóc, đổi lấy đồ dùng. Dầu cho nhận chứa các thứ ấy, nhưng phải tịnh thí cho nhà đàn-việt nhiệt thành tin chánh pháp.
Có một ít người về hình thức thì coi như giới luật hết sức thanh tịnh nhưng lại sai lầm. Ở đây chúng ta phải hiểu cho thật rõ ý của Phật.
Vì biết thời nghi nên có lúc Như Lai nói nhẹ là nặng, hoặc nói nặng là nhẹ. Đức Phật ngài khéo biết thời nghi, tức là đúng lúc nào khi nào thì nên dùng cái gì để dạy cho thích hợp, còn chúng ta không biết được thời nghi nên cứ khư khư chấp. Nghe Phật nói thế này chấp thế này, nghe Phật nói thế kia liền chấp thế kia.
Bấy giờ có tám vật bất tịnh như nuôi tôi tớ, chứa cất vàng bạc, mua bán đổi chác… là những điều Phật quở, không cho phép, vì thời đó người ta cung cấp thức ăn uống vật cần dùng cho người tu đầy đủ, không khó khăn nên Phật cấm không cho chứa cất, nếu cất giữ tám vật bất tịnh coi là tội rất nặng. Nhưng gặp trường hợp mất mùa đói kém không có thí chủ cúng dường, thì Phật lại cho Tỳ-kheo chứa cất những vật cần dùng. Như vậy có khi Phật cấm triệt để, có khi Phật lại cho phép. Nếu có phương tiện khất thực, được cung cấp đầy đủ, phải triệt để tin lời Phật thì lợi ích lớn. Nếu gặp thời thiếu thốn, cần phải cuốc rẫy trồng khoai để có cơm ăn, không cho chứa tiền thì lấy gì mua gạo? Hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác, cứ cố chấp thì không hợp. Cho nên hiểu thời nghi là phải đúng thời đúng lúc giữ thì thanh tịnh. Không đúng thời mà cứ giữ thành ra chấp nê. Phật vì thương xót chúng sanh, khéo biết thời nghi mà dạy, không phải khư khư trước sau như vậy.
Ở những nước như Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên… Phật tử thuần thành có bổn phận cúng dường chư tăng, cứ sáng sáng chư tăng ôm bát đi tới nhà thí chủ, được cúng dường đầy đủ thì chứa vật thực, tiền bạc để làm gì? Còn nếu gặp thời không thể khất thực được thì phải tùy nghi. Làm sao giữ tâm đừng tham lam kiêu mạn, đừng cầu lợi dưỡng là được. Còn cố chấp quá sẽ trở thành bệnh, không lợi gì cho mình mà còn gây ra những chuyện bực bội cho những người chung quanh.
Tăng chúng tại Trung Hoa thuở xưa vẫn cày ruộng cuốc đất. Ngài Huệ Năng giã gạo rồi cũng ngộ, ngài Tuyết Phong, một thiền sư nổi danh mà cũng làm Tri khố, cũng nấu cơm. Đâu phải suốt ngày tham thiền mới ngộ, nấu cơm không ngộ đạo. Cho nên cần phải hiểu, nếu gặp thời khất thực được thì nên khất thực mà sống, giữ đúng luật của Phật. Nếu không có thí chủ cung cấp, thời kỳ mất mùa đói kém, vì hộ trì chánh pháp, Phật cho nhận và chứa tôi tớ, vàng bạc xe cộ, ruộng nhà gạo thóc, đổi lấy đồ dùng. Dầu cho nhận chứa những thứ ấy nhưng phải tịnh thí cho nhà đàn-việt nhiệt thành tin chánh pháp, đừng thấy là vật của mình, đừng thấy là sự nghiệp riêng của mình thì mới được, thấy là của riêng thì phạm. Nếu tăng ni có một chút ít tài lợi trong chùa rồi coi như của riêng, để dành cho con cháu, đó là lấy của Tam bảo làm của riêng là mang tội. Nếu chỉ coi là của Tam bảo, của thường trụ, mình là người giữ của Tam bảo thôi thì không tội. Có người không giữ mà vẫn sai, có người giữ mà vẫn đúng, vì khéo biết được bản ý của Phật và không làm trái lại.
Bốn pháp trên đây nên y theo. Nếu có các thứ kinh, luật cùng luận nào chẳng trái bốn pháp trên đây cũng nên y theo.
Nếu có người bảo; Phải thời nghi hay không phải thời nghi, có thể hộ pháp hay không thể hộ pháp, Như Lai đều cho tất cả Tỳ-kheo nhận và chứa những vật bất tịnh ấy. Đây là những lời không nên y theo. Nếu có những kinh, luật, luận nào mà đồng với những thuyết này cũng chẳng nên y theo.
Kinh luật luận không trái với bốn pháp Phật đã nói trên thì cũng đều nên y theo. Có những người nói không biết thời nghi hay không phải thời nghi, có thể hộ pháp hay không thể hộ pháp, Phật đều cho cất chứa giữ gìn. Những người nói như vậy là những người không đáng để nương theo. Nếu có những kinh luật luận nào đồng với những thuyết này cũng không nên y theo.
Như Lai vì người nhục nhãn mà nói bốn điều nên y theo, không phải nói với các vị có huệ nhãn.
Thế nên nay Như Lai nói bốn điều y chỉ như vậy, “Pháp” chính là pháp tánh. “Nghĩa” chính là Như Lai thường trụ chẳng biến đổi. “Trí” là rõ biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. “Liễu nghĩa” là thấu rõ tất cả kinh điển Đại thừa.”
Phật nói bốn điều đáng y theo đó là vì những người nhục nhãn, còn người có tuệ nhãn rồi thì khỏi cần bốn điều đó.
Phật kết luận cho chúng ta thấy tường tận. Pháp là pháp tánh. Nghĩa là Như Lai thường trụ bất biến. Trí là rõ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhận tất cả chúng sanh đều có Phật tánh là trí. Liễu nghĩa là chỉ cho tất cả kinh điển Đại thừa. Đó là tứ y: pháp, nghĩa, trí và liễu nghĩa. Học tứ y này chúng ta thấy rõ bản ý của Phật, ngài từ bị giáo hóa chúng sanh làm thế nào có chỗ nương tựa mà không sai lầm, không làm phá hoại Phật pháp.