Bấy giờ đức Phật lại bảo Ca-diếp Bồ-tát: “Này Ca-diếp! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân bất hoại, thân kim cang, Chẳng phải là thân tạp thực. Chính là pháp thân.”
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Những thân của Phật nói đó con đều chẳng thấy. Con chỉ thấy những thân vô thường, phá hoại, vi trần, tạp thực thôi. Vì rằng đức Như Lai sắp nhập Niết-bàn.”
Kim cang thân là chỉ thân cứng chắc như kim cang không bao giờ phá hoại được. Những phẩm này là những phẩm căn bản, chúng ta học thật kỹ để thấy chủ yếu của bộ kinh Đại Bát-niết-bàn.
Khi nói thân Như Lai trong kinh Đại thừa là Phật chỉ về pháp thân. Bởi vì pháp thân không sanh không diệt cho nên là thân thường trụ. Vì pháp thân không hình tướng, không bị phá hoại, bất hoại nên gọi là thân kim cang. Như vậy nói thân thường trụ, thân bất hoại hay thân kim cang đều chỉ cho pháp thân.
Bồ-tát Ca-diếp nói, con không thấy pháp thân thường trụ bất hoại, chỉ thấy Phật sắp nhập Niết-bàn. Vậy thân của Phật mà con thấy là thân vô thường, thân phá hoại, thân vi trần, thân tạp thực, con không thấy thân bất hoại như kim cang của Phật.
Phật dạy: “Này Ca-diếp! Ông chớ cho rằng thân của Như Lai hư hoại không bền như thân phàm phu.
Ông nên biết rằng thân Như Lai trong vô lượng ức kiếp luôn bền chắc không hư hoại, không phải thân người, thân trời, không phải thân sợ sệt, chẳng phải thân tạp thực. Thân của Như Lai chẳng phải thân mà là thân, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tập chẳng tu, vô lượng vô biên, không có dấu vết, vô trị vô hình, rốt ráo thanh tịnh, không có lay động, không phải thọ hành, chẳng trụ chẳng làm, không mùi vị không xen tạp, chẳng phải hữu vi, chẳng phải nghiệp chẳng phải quả, chẳng phải dời chẳng phải diệt, chẳng phải tâm vương tâm sở, chẳng thể nghĩ bàn, thường chẳng thể nghĩ bàn, không thức, rời tâm cũng chẳng rời tâm, tâm đó bình đẳng không có mà cũng có, không đến đi mà cũng đến đi, chẳng phá hoại, chẳng đoạn tuyệt, chẳng sanh diệt, không chủ mà cũng là chủ, chẳng phải hữu vô, chẳng phải giác quán, chẳng danh tự chẳng phải không danh tự, chẳng phải định chẳng phải không định, không thể thấy mà cũng thấy rành rành, không nơi chỗ cũng là nơi chỗ, không tối không sáng, không tịch tịnh mà cũng tịch tịnh, là vô sở hữu, chẳng nhận lấy chẳng ban cho, trong sạch không nhơ, không tranh đua, dứt tranh đua, trụ nơi vô trụ, chẳng chấp lấy chẳng sa mắc, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, chẳng phải phước điền chẳng phải không phước điền, vô tận bất tận, lìa tất cả tận, là rỗng không rời rỗng không, dầu chẳng thường trụ mà cũng thường trụ, chẳng phải niệm niệm diệt, không có cấu trược, không danh tự rời danh tự, chẳng phải tiếng chẳng phải nói, cũng chẳng phải tu tập, chẳng phải cân lường, chẳng phải nhất dị, chẳng phải hình tượng, chẳng phải tướng mạo mà đủ tướng tốt trang nghiêm, chẳng phải dõng mãnh, chẳng phải sợ sệt, không tịch chẳng tịch, không nhiệt chẳng nhiệt, không thể xem thấy, không có tướng mạo.
Phật bảo ngài Ca-diếp chớ cho thân Như Lai là hư hoại không bền như thân phàm phu. Nên biết rằng thân Như Lai trong vô lượng ức kiếp luôn bền chắc không hư hoại, không phải thân người, thân trời, không phải thân sợ sệt, chẳng phải thân tạp thực. Thân tạp thực là thân ăn uống lộn xộn đủ thứ. Như vậy Phật chỉ pháp thân chứ không phải thân phàm phu mà chúng ta thấy.
Thân của Như Lai chẳng phải thân mà là thân. Thế nào là thân? Đây giải nghĩa theo lối văn tự để chúng ta hiểu chữ thân rồi sau này mới hiểu qua được thân hiện tại và pháp thân. Trong văn chương họ cũng dùng văn thân, cú thân, danh thân v.v… Những chữ những câu hợp lại thành một bài gọi là văn thân. Nhiều chữ ráp lại thành một câu gọi là cú thân. Vậy cái gì mà chung hợp lại để nên một hình dáng, một ý nghĩa thì cái đó gọi là thân. Thân chúng ta là do tứ đại năm uẩn hòa hợp thành. Còn pháp thân không phải do sự hợp của năm uẩn của tứ đại, mà là thể sanh ra muôn pháp, nên nói nó đầy đủ vô lượng công đức. Vì vậy nói thân của Như Lai không phải thân mà là thân. Chẳng phải thân vì không phải là thân người thân trời, mà là thân vì nó là thể của muôn ngàn công đức.
Chẳng sanh chẳng diệt vì nó là thể. Chẳng tập chẳng tu, vì sẵn vậy từ vô thủy đâu phải tạo nên mà tu mà sửa. Vô lượng vô biên, vì nó vượt thời gian nên gọi là vô lượng, không có ngằn mé nên gọi là vô biên. Không có dấu vết vì không hình tướng. Vô tri vô hình, vì không phải là những cảm giác, những hiểu biết theo phàm tình mà nó là linh giác. Khi ngộ được Bát-nhã trí đến chỗ cứu cánh, đó là pháp thân. Cho nên nói Bát-nhã vô tri vô sở bất tri.
Rốt ráo thanh tịnh, không lay động, vì nó không hình tướng. Không phải thọ hành vì không phải sự chuyển biến của ngũ uẩn cho nên không phải là thọ là hành. Chẳng trụ chẳng làm vì không có nơi chốn, không có hình tướng. Không mùi vị, không xen tạp, nó không phải là mùi vị, không xen tạp vì không hòa hợp với các pháp.
Chẳng phải hữu vi vì không phải là pháp sanh diệt. Chẳng phải nghiệp chẳng phải quả, không phải tạo tác làm sao có nghiệp có quả. Chẳng phải dời chẳng phải diệt, vì nó không có hình tướng, không phải là pháp vô thường, làm sao biến diệt. Chẳng phải tâm vương và không phải tâm sở, vì không phải là những cái suy nghĩ phân biệt của mắt tại mũi thân ý mà cũng không phải những giận hờn buồn vui…
Chẳng thể nghĩ bàn, nghĩa là chẳng thể dùng suy nghĩ bàn luận về nó được. Thường chẳng thể nghĩ bàn, tức là luôn luôn không thể nghĩ bàn được. Không thức, là không có phân biệt của tâm thức. Rời tâm cũng chẳng rời tâm, đứng về mặt vọng tưởng thì rời, nhưng đứng về thể của tâm thì không rời.
Tâm đó bình đẳng, không có mà cũng có. Phàm phu không thấy không biết thì không có, người giác thì thấy, ngộ được thì nó trở thành có. Không đến đi mà cũng đến đi, thể thì không đến không đi nhưng tùy duyên ứng dụng thì thấy có đến có đi.
Chẳng phá hoại, chẳng đoạn tuyệt, nó không phải là cái bị phá hoại, đoạn dứt. Chẳng sanh diệt, không chủ mà là chủ, vì thể của nó tràn đầy, không có chủ tể cho nên gọi là không chủ; nhưng nó là thể của muôn vật, muôn pháp nên tuy không chủ mà chủ. Chẳng phải hữu vô, không phải có, không phải không. Chẳng phải giác quán, nghĩa là chẳng phải suy tưởng, suy tưởng thì không thấy được Phật tánh, không ngộ được pháp thân cho nên giác quán không gặp được pháp thân. Chẳng danh tự chẳng phải không danh tự, thể đó không tên không tuổi, nhưng Phật đặt một vài danh tự cho chúng ta dễ hiểu, nói là Như Lai, là Phật tánh, là pháp thân… tuy không danh tự mà vẫn có danh tự. Chẳng phải định chẳng phải không định vì không phải chú tâm kìm một chỗ cho nên không phải định, nhưng nó như như nên không phải không định.
Không thể thấy mà cũng có thể thấy rành rành, vì khi mê thì không thấy nhưng ngộ rồi thì nó sờ sờ trước mắt. Không nơi chỗ cũng là nơi chỗ, vì nó tràn đầy pháp giới làm sao có nơi chỗ, nhưng tùy duyên ứng hiện thì đâu cũng có. Không tối không sáng, vì không phải là pháp đối đãi. Không tịch tịnh mà cũng tịch tịnh, là không phải lặng lẽ mà vẫn là lặng lẽ. Vì không phải kìm hãm để cho nó yên lặng mà thể nó tự như như, cho nên nó là tịch tịnh.
Là vô sở hữu, vì nó không có hình tướng nhưng không phải là không. Chẳng nhận lấy chẳng ban cho, nó không thọ cũng không thí. Trong sạch không nhơ, không tranh đua, dứt tranh đua, bởi vì nó đâu còn gì đối đãi nhau mà tranh. Trụ nơi vô trụ, an trụ mà không nơi chốn cho nên trụ chỗ vô trụ. Chẳng chấp lấy chẳng sa mắc, vì có gì đâu mà giữ, nên không mắc kẹt. Chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, chẳng phải phước điền chẳng phải không phước điền, vì nó không phải là hình tướng mà gọi là phước điền, nhưng nó là nguồn của muôn phước cho nên không phải là không phước điền.
Vô tận bất tận, lìa tất cả tận, là rỗng không rời rỗng không, rỗng không vì không hình tướng, rời rỗng không vì thật có thể. Dầu chẳng thường trụ mà cũng thường trụ, vì không thể thấy nó, như một ngọn núi hay là biển ở một chỗ cho nên chẳng thường trụ, nhưng nó bàng bạc đầy khắp mọi nơi cho nên nó thường trụ.
Chẳng phải niệm niệm diệt, không có cấu trược, không danh tự rời danh tự, chẳng phải tiếng chẳng phải nói, cũng chẳng phải tu tập, chẳng phải cân lường, chẳng phải nhất dị, chẳng phải hình tượng, chẳng phải tướng mạo mà đủ tướng tốt trang nghiêm, chẳng phải dõng mãnh, chẳng phải sợ sệt, không tịch chẳng tịch, không nhiệt chẳng nhiệt, không thể xem thấy, không có tướng mạo.
Tóm lại pháp thân là thể của muôn pháp cho nên nó rời tất cả tướng, rời tất cả hình thức đối đãi, còn có niệm đối đãi thì không bao giờ thấy pháp thân. Ngoài pháp thân không có một pháp nào riêng rẽ, vì vậy mà không còn đối đãi. Đối đãi là thấy hai, là cái thấy của Nhị thừa, chưa thấy được pháp thân, Phật tánh. Pháp thân không phải tất cả những thứ theo phàm tục thế gian thấy, nào là có không, một khác, hình tướng ngôn từ v.v… Nhưng khi người đạt được pháp thân thì tùy duyên hóa độ ứng hiện có ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm. Chúng ta hiểu được như vậy nhận được như vậy là tu theo tinh thần Đại thừa.
Như Lai độ thoát tất cả chúng sanh vì không ai độ thoát cho, Như Lai có thể làm cho chúng sanh được hiểu biết được giác ngộ, vì không ai giác ngộ cho. Như Lai thuyết pháp đúng như thật vì không có hai, chẳng thể nghĩ lường vì không sánh bằng, bình đẳng như hư không chẳng có hình mạo, đồng tánh vô sanh chẳng đoạn chẳng thường, thường hành nhất thừa chúng sanh thấy là ba, chẳng thối chẳng chuyển, dứt tất cả kiết sử, chẳng gây chẳng chạm, chẳng phải tánh mà trụ nơi tánh, chẳng phải hiệp chẳng phải tan, chẳng phải dài chẳng phải vắn, chẳng phải tròn chẳng phải vuông, chẳng phải ngũ ấm lục nhập thập bát giới mà là ấm nhập giới, chẳng phải thêm chẳng phải tổn, chẳng phải hơn chẳng phải thua. Thân của Như Lai thành tựu vô lượng công đức như vậy, không có ai biết không ai chẳng biết, không ai thấy không ai chẳng thấy, chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi, chẳng phải thời gian chẳng phải không thời gian, chẳng phải làm chẳng phải chẳng làm, chẳng phải nương chẳng phải không nương, chẳng phải tứ đại chẳng phải không tứ đại, chẳng phải nhân chẳng phải chẳng nhân, chẳng phải chúng sanh chẳng phải chẳng chúng sanh, chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Bà-la-môn, là sư tử là đại sư tử, chẳng phải thân chẳng phải chẳng thân, chẳng thể tuyên thuyết, trừ một pháp tướng không tính đếm được, lúc nhập Niết-bàn chẳng nhập Niết-bàn. Pháp thân của Như Lai thảy đều thành tựu vô lượng công đức vi diệu như vậy.
Như Lai sở dĩ độ thoát tất cả chúng sanh vì Như Lai không phải do ai độ thoát. Nói như vậy nghĩa là pháp thân hay Phật tánh là cái không ai làm, không ai dạy, mà sẵn có. Bởi sẵn có cho nên hay làm tất cả lợi ích cho tất cả chúng sanh, độ thoát tất cả chúng sanh. Phật có thể làm cho mọi người được hiểu được ngộ, chính ngài do vô sư trí mà được, cho nên nói ngài không ai giác ngộ cho. Phật thuyết pháp đúng lẽ thật vì không có hai, nếu có hai là chưa đúng lẽ thật.
Có vị thiền sư nói: “Vạn tượng chi trung độc lộ thân”, ở trong vạn tượng riêng bày thân. Ngài Địa Tạng hỏi ngài Pháp Nhãn: Vậy có vạch vạn tượng hay không vạch vạn tượng? Ngài Pháp Nhãn trả lời: Vạch. Ngài Địa Tạng đưa lên hai ngón tay. Ngài Pháp Nhãn lại nói: Không vạch. Lúc đó ngài Địa Tạng cũng đưa lên hai ngón tay. Dù trả lời vạch hay không vạch, ngài cũng đưa hai ngón tay, tức thấy có hai là chưa thấy được lẽ thật. Thiền sư nói không khác với kinh Đại Niết-bàn. Dù các thiền sư nói trên trời dưới đất mà thật sự là cốt tủy của kinh điển Đại thừa. Thấy có hay không cũng còn thấy hai, mà thấy hai là chưa bước vào cửa thiền, tức là chưa bước vào cửa Đại Bát-niết-bàn được. Vậy nên mới thấy càng học sâu kinh điển Đại thừa thì càng tin sâu Thiền tông,
Khi ngài Huyền Giác đến chỗ Lục Tổ, đi quanh chống tích trượng mà không chịu lễ bái. Lục Tổ quở, phàm là tăng phải có đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, sao lại sanh tâm đại ngã mạn như vậy? Ngài trả lời; Sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc. Sanh tử là chuyện lớn, vô thường gấp gáp, đâu có thời gian mà ở đó lễ mễ.
Lục Tổ nói, sao ngay nơi đó không nhận ra bản tánh vô sanh chẳng đoạn chẳng thường? Lục Tổ đã chỉ thẳng phải nhận ra bản tánh vô sanh nơi mình mới vượt qua sanh tử sự đại vô thường tấn tốc, khi ấy vô thường và sanh tử không làm gì được mình nữa.
Thường hành nhất thừa chúng sanh thấy là ba, tức là sống như vậy là nhất thừa, nhưng vì dùng phương tiện nên chúng sanh thấy là ba thừa.
Chẳng thối chẳng chuyển, dứt tất cả các kiết sử, chẳng gây chẳng chạm, chẳng phải tánh mà thường trụ nơi tánh, chẳng phải hợp tan, chẳng phải dài ngắn, chẳng tròn chẳng vuông, chẳng phải ngũ ấm, lục nhập, thập bát giới mà là ấm nhập giới. Nếu nói pháp thân rời năm uẩn rời thập bát giới là hiểu lầm. Nói vậy để phá chấp của phàm phu, đừng tưởng ngũ ấm, thập nhị xứ, thập bát giới là pháp thân, mà cũng không phải rời ấm giới nhập tìm ra pháp thân được.
Chẳng phải thêm chẳng phải tổn, chẳng phải hơn chẳng phải thua… Chữ “chẳng phải” là dịch từ chữ “phi”, Những chữ “chẳng phải” này trong Bát-nhã Tâm Kinh là chữ “vô”, chỉ cho thể Bát-nhã, còn chữ “phi” ở đây chỉ cho pháp thân. Hai cái đồng nhau không khác.
Thân của Như Lai thành tựu vô lượng công đức như vậy không ai biết, tức là những người mê lầm không bao giờ biết, nhưng khi họ giác ngộ rồi thì không ai chẳng biết. Khi còn vô minh che đậy thì không ai thấy, lúc hết vô minh rồi thì ai cũng thấy.
Chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi, tức rời hai tướng tương đối. Chẳng phải thời gian chẳng phải không thời gian, chẳng phải làm chẳng phải chẳng làm, chẳng phải nương, nó đâu có hình tướng để nương, chẳng phải không nương, vì nó là thể nên tất cả pháp từ thể mà sanh. Chẳng phải tứ đại chẳng phải không tứ đại, chẳng phải nhân chẳng phải chẳng nhân. Nó đâu có hình tướng mà thuộc về tứ đại, nhưng nó là thể sanh ra muôn pháp nên tứ đại cũng nằm ở đó, nên không phải là không tứ đại. Chẳng phải chúng sanh chẳng phải chẳng chúng sanh, chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Bà-la-môn, là sư tử là đại sư tử. Tức nó là thể của muôn vật, là chúa trên hết.
Chẳng phải thân chẳng phải chẳng thân, chẳng thể tuyên thuyết, trừ một pháp tướng không tính đếm được, lúc nhập Niết-bàn chẳng nhập Niết-bàn. Pháp thân của Như Lai thảy đều thành tựu vô lượng công đức như vậy. Phật muốn chỉ bày pháp thân cho chúng ta hiểu, pháp thân đó gọi là thân kim cang. Kinh Đại thừa luôn luôn nói thân Phật là chỉ cho pháp thân, bởi pháp thân nên bất hoại, bất sanh bất diệt. Phật Thích-ca thọ tám mươi tuổi rồi tịch, tức chỉ cho hóa thân, thân tạm chỉ có ở Ấn Độ. Pháp thân thì mỗi chúng sanh đều có, nên Phật ở Việt Nam thì vẽ theo người Việt Nam, Phật ở Nhật Bản vẽ theo người Nhật Bản… Tuy nhiên kinh điển A-hàm cũng có nói pháp thân, pháp thân đó là Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… tức là pháp Phật nói ra chính là pháp thân, chứ không phải là chỉ cho tự tánh của mỗi chúng sanh. Vì vậy cần phải hiểu để khi đọc kinh sách không thấy có sự mâu thuẫn.
Này Ca-diếp! Chỉ có Như Lai mới biết tướng ấy, chẳng phải hàng Thanh văn, Duyên giác biết được. Những công đức như vậy thành thân của Như Lai, chẳng phải thân do tạp thực nuôi lớn.
Cho nên với tinh thần này lẽ ra ít cúng Phật bằng món này món kia, vì thân Phật là pháp thân bất hoại không phải là thân tạp thực, mà lại bày ra cúng đầy bàn. Nhìn Phật bằng pháp thân làm sao mà cúng hoài!
Này Ca-diếp! Chân thân của Như Lai có công đức như vậy, đâu lại có các bệnh hoạn mỏng manh chẳng bền như đồ gốm chưa hầm kia ư! Sở dĩ Như Lai thị hiện có sự khổ là vì muốn điều phục các chúng sanh.
Sở dĩ Phật thị hiện ra có những tai họa bệnh hoạn là dùng phương tiện điều phục chúng sanh, để họ tin nhân tin quả… Trong kinh Duy-ma-cật, ông Duy-ma-cật bác các vị đệ tử của Phật đều là căn cứ vào pháp thân này. Quan niệm của Duy-ma-cật là quan niệm bất nhị, thấy không hai. Khi A-nan ôm bình đi xin sữa cho Phật vì Phật bệnh, Duy-ma-cật quở làm như vậy là làm nhục Phật pháp. Do Duy-ma-cật nhìn Phật qua pháp thân, còn ngài A-nan nhìn Phật bằng hóa thân cho nên thấy Phật bệnh.
Nay ông phải biết thân Như Lai là thân kim cang. Từ ngày nay ông phải chuyên tâm suy nghĩ
nghĩa ấy, chớ nghĩ là thân tạp thực. Cũng nên vì người mà giảng nói thân Như Lai tức là Pháp thân.”
Phật xác nhận rõ ràng Như Lai là pháp thân. Chuyên suy nghĩ về nghĩa đó mà tu hành thì mới đúng tinh thần Đại Niết-bàn.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai thành tựu công đức như vậy, sao thân của Như Lai phải có bệnh khổ vô thường phá hoại?
Từ ngày nay, con phải thường suy nghĩ thân của Như Lai là pháp thân thường trụ, là thân an lạc. Con cũng sẽ nói rộng nghĩa ấy cho người khác cùng nghe biết.
Bồ-tát Ca-diếp thưa, ngài đã hiểu thân Phật là thân đã thành vô lượng vô biên công đức như vậy, làm sao thân Như Lai có bệnh khổ, bị vô thường phá hoại được. Từ ngày nay con phải suy nghĩ thân của Như Lai là Pháp thân thường trụ, là thân an lạc, Con cũng sẽ nói rộng nghĩa ấy cho người khác cùng nghe biết.
Kính bạch Thế Tôn! Pháp thân của Như Lai kim oang bất hoại, mà con chưa rõ nguyên do thế nào.”
Phật dạy: “Này Ca-diếp! Vì nhân duyên hay hộ trì chánh pháp nên được thành tựu thân kim cang này.
Này Ca-diếp! Do vì ngày trước Như Lai hộ pháp nên nay được thân kim cang thường trụ bất hoại này.
Bồ-tát Ca-diếp hỏi, do đâu mà Phật được pháp thân bất hoại? Phật dạy, bởi vì hộ chánh pháp nên được thân kim cang bất hoại. Vậy hộ trì chánh pháp được thân kim cang bất hoại như thế nào?
Này Ca-diếp! Người hộ trì chánh pháp chẳng thọ năm giới, chẳng tu oai nghi. Phải cầm binh khí hộ trì Tỳ-kheo giữ giới thanh tịnh.”
Người hộ pháp đôi lúc không tu gì nhưng khéo giữ gìn cho những người tu. Tại sao? Bởi vì đã thọ giới khi gặp những chuyện phải làm mạnh thì làm không được vì giới ràng buộc rồi, cho nên họ không thọ, đó là Bồ-tát. Không thọ, không giữ nhưng chính vì không thọ không giữ đó nên họ làm trọn vẹn tinh thần hộ pháp. Nếu thọ thì mắc kẹt, vì làm vậy sẽ là phá giới, nếu phá giới thì mang tội để cho người khác nói Phật tử mà làm như vậy, cho nên họ không thọ giới, coi như không tu hành gì hết, nhưng chính họ hết sức bảo bọc cho người tu. Đó chính là Bồ-tát hộ pháp.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật; “Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ-kheo rời sự hộ trì, ở riêng nơi vắng vẻ, bên gò, dưới cây, thời nên gọi vị này là chân Tỳ-kheo. Nếu có người theo giữ gìn, phải biết vị này là cư sĩ trọc.”
Phật bảo Ca-diếp Bồ-tát: “Ông chớ nói là cư sĩ trọc. Nếu có Tỳ-kheo tùy ở chỗ nào, nuôi thân vừa đủ, đọc tụng kinh điển, tư duy tọa thiền. Có ai đến thưa hỏi đạo pháp, thời giảng nói phước đức trì giới, bố thí, ít muốn biết đủ. Dầu hay thuyết pháp như vậy mà vẫn không thể tuyên thuyết pháp Đại thừa, không có đồ chúng Đại thừa, không hàng phục được kẻ ác phi pháp. Tỳ-kheo này không có thể đem lợi ích lại cho chính mình và chúng sanh. Phải biết Tỳ-kheo này lười nhác biếng trễ. Dầu hay giữ giới gìn hạnh thanh tịnh mà không làm được việc gì.
Theo Bồ-tát Ca-diếp, người nào ít muốn biết đủ, thân thanh tịnh, giới luật trang nghiêm, ở những chỗ gò mả, cội cây tu hành thì người đó mới là người tu chân chánh. Nhưng Phật nói, nếu có người được như vậy, ai đến cũng giảng dạy bố thí… mà chưa từng dạy họ pháp Đại thừa, chưa từng sống với đồ chúng Đại thừa, thì dù những vị đó có giới hạnh trong sạch, ngài vẫn cho là loại biếng trễ không làm lợi ích gì cho ai. Ở đây Phật cho hộ pháp có vẻ tích cực, chứ không có tính cách tiêu cực. Tích cực nghĩa là phải làm mạnh, phải hoạt động chứ không phải chỉ giữ cho mình.
Nếu có Tỳ-kheo nuôi thân đầy đủ, giữ gìn cấm giới đã thọ, có thể giảng rộng giáo lý vi diệu Đại thừa trong chín bộ kinh, để lợi ích an lạc các hạng chúng sanh. Xướng lên rằng: Trong kinh Niết-bàn, đức Phật bảo các Tỳ-kheo chẳng được chứa nuôi tôi tớ, trâu bò dê lợn, những vật phi pháp. Nếu có Tỳ-kheo nào chứa nuôi những vật bất tịnh ấy thời phải răn trị. Đức Như Lai ở trong bộ kinh khác đã từng nói có Tỳ-kheo nuôi chứa những vật phi pháp ấy, bị quốc vương y cứ pháp trừng trị bắt phải hoàn tục.
Trước thì Tỳ-kheo chỉ nuôi thân vừa đủ, còn ở đây nuôi thân đầy đủ sung túc. Có thể giảng rộng giáo lý vi diệu Đại thừa trong chín bộ kinh, để lợi ích an lạc các hạng chúng sanh. Tức là đem giáo lý ban bố. Xướng lên rằng: Trong kinh Niết-bàn, đức Phật bảo các Tỳ-kheo chẳng được chứa nuôi tôi tớ, trâu bò dê lợn, những vật phi pháp. Nếu có Tỳ-kheo nào chứa nuôi những vật bất tịnh ấy thời phải răn trị. Phải sống theo tinh thần giáo lý Đại thừa, truyền bá giáo lý Đại thừa và y cứ giáo lý Đại thừa mà trừng trị người phi pháp. Đức Như Lai ở trong bộ kinh khác đã từng nói có Tỳ-kheo nuôi chứa những vật phi pháp ấy, bị quốc vương y cứ pháp trừng trị bắt phải hoàn tục. Đó mới là người biết hộ pháp.
Nếu có Tỳ-kheo lúc tuyên thuyết những lời như trên đây, những kẻ phá giới nghe được rất oán giận bèn hại vị pháp sư này. Dầu bị giết chết, nhưng vị pháp sư này vẫn được gọi là bậc trì giới lợi mình lợi người. Vì do duyên này nên Như Lai cho phép vua, quan, cư sĩ hộ trì người thuyết pháp, Nếu ai muốn được hộ trì chánh pháp phải nên học như vậy.
Vì vậy nếu thấy người phá giới thì vua, quan, cư sĩ đều thẳng tay trừng trị. Ở đây nêu lên tinh thần Đại thừa rất tích cực, cái gì sai thì phải sửa.
Này Ca-diếp! Người phá giới chẳng hộ trì chánh pháp, gọi là cư sĩ trọc. Chẳng phải người trì giới mang danh từ ấy.
Này Ca-diếp! Về đời quá khứ đã vô lượng vô biên vô số kiếp, nơi thành Câu-thi-na này có Phật ra đời hiệu Hoan Hỷ Tăng Ích Như Lai đủ cả mười đức hiệu. Lúc ấy cõi nước rộng lớn tốt đẹp giàu vui, nhân dân đông đầy ấm no như chư Bồ-tát ở cõi An Lạc. Phật Hoan Hỷ Tăng Ích ở đời rất lâu, cơ duyên đã mãn, ngài nhập Niết-bàn nơi rừng ta-la. Sau khi Phật Hoan Hỷ Tăng Ích nhập Niết-bàn, chánh pháp còn ở đời vô lượng ức năm, lúc còn lại bốn mươi năm cuối cùng, bấy giờ có một Tỳ-kheo trì giới hiệu là Giác Đức có đông đồ chúng. Tỳ-kheo Giác Đức hay tuyên thuyết chín bộ kinh. Cấm các Tỳ-kheo không được chứa nuôi tôi tớ, heo dê, những vật phi pháp. Bấy giờ có các Tỳ-kheo phá giới oán ghét theo làm hại Giác Đức. Quốc vương Hữu Đức nghe được việc ấy, vì hộ pháp nên nhà vua liền vội đến đấu chiến với bọn phá giới, nhờ đó mà pháp sư Giác Đức khỏi nạn. Nhà vua cả mình bị thương rất nặng, Pháp sư Giác Đức liền khen vua rằng: “Lành thay! Lành thay! Nay vua thật là người hộ pháp, đời sau thân vua sẽ là vô lượng pháp khí.” Vua nghe lời ấy lòng rất vui mừng, rồi liền chết sanh về cõi Phật A-súc làm vị đệ tử thứ nhất. Quân lính nhân dân hoặc người theo vua chiến đấu, hoặc tùy hỷ đều được không thối chuyển tâm Bồ-đề, sau khi chết họ cũng được sanh về nước của Phật A-súc. Pháp sư Giác Đức khi mãn thọ cũng sanh về cõi ấy làm vị đệ tử thứ hai trong chúng Thanh văn của Phật A-súc.
Này Ca-diếp! Quốc vương trước kia là tiền thân của Như Lai đây, pháp sư Giác Đức là tiền thân của Phật Ca-diếp.
Nếu lúc chánh pháp sắp diệt phải nên hộ trì như vậy. Người hộ pháp được vô lượng quả báo, vì thế nên nay Như Lai được nhiều tướng tốt để tự trang nghiêm, thành tựu pháp thân không biến hoại.”
Thuở quá khứ Phật là một ông vua khéo hộ trì chánh pháp. Có vị Tỳ-kheo giữ giới tuyên bố không được nuôi tôi tớ, các vị Tỳ-kheo khác phạm nên ganh ghét vây đánh vị Tỳ-kheo ấy. Nhà vua mới đem binh đi cứu thì bị thương rồi chết, khi chết được sanh về cõi Phật A-súc, vị Tỳ-kheo được hỗ trợ cũng sanh về đó. Như vậy mới thấy người biết hộ pháp dù thân có khổ đến chết đi nữa thì công đức vẫn rất lớn.
Phật kết thúc, nếu lúc chánh pháp sắp diệt phải nên hộ trì như vậy, người hộ pháp được vô lượng quả báu rộng lớn. Vì thế nên nay Như Lai được nhiều tướng tốt để tự trang nghiêm, thành tựu pháp thân không biến hoại. Đó là một ý nghĩa về hộ pháp, do hộ pháp nên được pháp thân tốt đẹp, trang nghiêm, không biến hoại.
Ca-diếp Bồ-tát lại bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Thân chân thường của Như Lai cũng như khắc chạm vào đá.”
Phật bảo Ca-diếp Bồ-tát:“Này Ca-diếp! Vì nhân duyên như vậy, nên Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà tắc, Ưu-bà-di phải siêng năng hộ trì chánh pháp, hộ pháp được quả báo rộng lớn vô lượng.
Này Ca-diếp! Vì những cớ ấy nên hàng Ưu-bà-tắc v.v… phải cầm binh khí ủng hộ vị Tỳ-kheo trì pháp như Giác Đức kia. Nếu cứ thọ trì ngũ giới chánh, gọi là người Đại thừa. Vì hộ trì chánh pháp mà chẳng thọ ngũ giới mới gọi là người Đại thừa. Người hộ trì chánh pháp nên phải cầm binh khí hầu người thuyết pháp.”
Vì nhân duyên đó nên Phật mới dạy cho hàng Ưu-bà-tắc Ưu-bà-di cầm vũ khí hộ trì các vị Tỳ-kheo trì giới trì pháp như Giác Đức kia. Nếu cứ thọ trì ngũ giới mà chẳng biết Đại thừa, chỉ giữ giới thân mình cho trọn mà không làm lợi ích cho người khác thì chưa trọn. Người hộ trì chánh pháp là người cầm binh khí bảo vệ cho người thuyết pháp để không bị kẻ ác hại. Ở những chùa Đại thừa thấy các vị hộ pháp cầm cung kiếm rất dữ tợn, đó là các vị Bồ-tát thị hiện hộ pháp, các ngài có thể cầm binh khí để hỗ trợ những người truyền giáo.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật:“Bạch Thế Tôn! Nếu chư Tỳ-kheo làm bạn với hàng Ưu-bà-tắc cầm binh khí như vậy, là có thầy hay không có thầy? Là trì giới hay phá giới?”
Phật nói: “Ông chớ nói những người ấy là phá giới.
Này Ca-diếp! Sau khi ta nhập Niết-bàn, đời trược ác, cõi nước hoang loạn, đánh cướp lẫn nhau, nhân dân đói khổ. Bấy giờ có người vì đói khổ nên phát tâm xuất gia, người như vậy gọi là người trọc.
Hạng trọc ấy thấy Tỳ-kheo thanh tịnh giữ giới oai nghi đầy đủ hộ trì chánh pháp, bèn xua đuổi hoặc giết hại.”
Thời đói thì cướp chùa, cướp lương thực… cho nên Phật mới cho những người hộ pháp cầm binh khí để bảo vệ. Nếu không, họ sẽ chiếm hết những chỗ tu hành, làm cho không ai có phương tiện tu tập. Đó là cái nguy hại cho Phật pháp.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thời Tỳ-kheo trì giới hộ trì chánh pháp, làm thế nào đi vào tụ lạc thành ấp để giáo hóa?”
Phật nói: “Vì vậy nên Như Lai cho phép Tỳ-kheo trì giới cùng làm bạn với hàng cư sĩ cầm khí giới (để ai giết hại có người bảo vệ). Trong trường hợp trên đây, các quốc vương, đại thần, trưởng giả, Ưu-bà-tắc v.v… vì hộ pháp mà cầm binh khí. Như Lai gọi họ là người trì giới. Dầu cầm binh khí, nhưng chẳng nên giết chết người, nếu được như vậy thời được gọi là người trì giới bậc nhất.
Cầm binh khí chỉ để dọa cho người ta sợ. Nghĩa là mình vẫn cầm binh khí hiện tướng ác mà không có tâm ác, mới được gọi là trì giới bậc nhất. Còn hiện tướng ác mà có tâm ác nữa thì chưa phải trì giới bậc nhất.
Này Ca-diếp! Người đủ chánh kiến có thể giảng rộng kinh điển Đại thừa, trọn chẳng nắm cầm tàn lọng của hàng vương giả, bình dầu, gạo thóc, các thứ dưa trái. Chẳng vì lợi dưỡng mà thân cận vua, quan, trưởng giả. Đối với các đàn-việt tâm không dua vạy, đầy đủ oai nghi, phục trừ hạng ác phá giới, đây gọi là bậc thầy trì giới hộ pháp. Người này có thể làm chân thiện tri thức cho chúng sanh. Tâm người này rộng lớn như biển cả.
Người đủ chánh kiến có thể giảng rộng kinh điển Đại thừa, trọn chẳng nắm cầm tàn lọng của hàng vương giả, bình dầu, gạo thóc, các thứ dưa trái. Tại sao? Vì đi với hàng vương giả thì họ có tôi tớ cầm lọng hoặc xách bình dầu xoa chân như ở Ấn Độ, như vậy mình trở thành tôi tớ cho họ sao. Cho nên trong kinh luật không dạy nhưng mình phải giảng rộng ra, để biết rằng đi chung với vương giả mình không nên cầm lọng. Bây giờ giả sử mình đi chung với cư sĩ, trời nắng quá, một vị ni hay vị tăng cầm dù che mình và che luôn người cư sĩ, hoặc xách giỏ giùm họ chẳng hạn. Theo đây thì Phật không cho, vì làm vậy vô tình mình là kẻ hầu.
Chẳng vì lợi dưỡng mà thân cận vua quan, trưởng giả. Thân cận vua quan trưởng giả vì hộ pháp, không vì lợi dưỡng. Đối với các đàn-việt tâm không dua vạy. Nhiều khi vô tình hay cố ý chúng ta nói với Phật tử rằng “Sao lâu nay không thấy đến chùa”, “Cô (chị) trông phát tướng ra” v.v… hay họ nói gì thì mình vô tình phụ họa theo cho đó là hay là phải, đó là dua vạy. Đầy đủ oai nghi, phục trừ hạng ác phá giới, đây gọi là bậc thầy trì giới hộ pháp. Người này có thể làm chân thiện tri thức cho chúng sanh. Tâm người này rộng lớn như biển cả. Dù mình có quen với bậc vua chúa, nhà giàu mà không nịnh bợ họ, không vì lợi dưỡng, tức là chỉ vì sự hộ pháp, truyền bá đạo pháp mà thôi, người như vậy mới thật là thiện tri thức của chúng sanh, mới thật là người có tâm rộng lớn như biển cả.
Này Ca-diếp! Nếu có Tỳ-kheo vì cầu lợi mà thuyết pháp cho người. Đồ chúng quyến thuộc của Tỳ-kheo này cũng bắt chước thầy mà cầu lợi. Tỳ-kheo này bèn là tự phá hoại tăng chúng.
Có lần một người mời tôi thuyết pháp, nói: “Thuyết pháp để kiếm một ít, chùa lúc này thiếu quá.” Như vậy thì vì cái gì mà thuyết pháp? Mình không biết làm sao từ chối được, cũng phải thuyết pháp. Vị thầy mà mỗi lần chùa thiếu thốn lại tổ chức thuyết pháp thì học trò sau này cũng sẽ như vậy. Thế là vô tình mình phá hoại tăng chúng, đó là cầu lợi. Cho nên làm việc gì hãy dè dặt, nghĩ đến chúng sanh, vì chúng sanh, vì đạo mà thôi. Đừng nghĩ đến lợi, dù lợi đó cho chung một nhóm người cũng không cần nghĩ, mới là hay.
Này Ca-diếp! Tăng chúng có ba hạng: một là phạm giới tạp tăng, hai là ngu si tăng, ba là thanh tịnh tăng. Hạng phá giới tạp tăng thời dễ phá hoại. Hạng tăng thanh tịnh trì giới thời lợi danh không làm hư hoại được.
Thế nào là phá giới tạp tăng? Nếu thầy Tỳ-kheo dầu là giữ gìn giới cấm, mà vì cầu lợi nên cùng với người phá giới ở chung, ngồi chung, đi chung, sự nghiệp chung, đây gọi là phá giới cũng gọi là tạp tăng.
Phạm giới tạp tăng thì dễ bị người ta phá hoại, còn hạng thanh tịnh tăng thì không ai phá hoại được. Dù mình giữ giới đàng hoàng còn thầy cô kia phá giới, nhưng mình cũng theo hùn với họ khi thấy có quyền lợi khá khá, họ xấu kệ họ miễn sao có lợi cho chùa mình thôi, hùn hạp với họ thì phải đi chung, ở chung, làm việc chung, đây gọi là phá giới cũng gọi là tạp tăng.
Thế nào là ngu si tăng? Nếu có Tỳ-kheo ở nơi a-lan-nhã, tâm trí tối khờ đần độn, thiểu dục đi khất thực. Đến ngày thuyết giới, ngày tự tử, bảo các đệ tử thanh tịnh sám hối.
Người ta không có tội lỗi bắt người ta sám hối, như vậy là mình đần độn.
Thấy người không phải đệ tử phạm giới không có thể bảo thanh tịnh sám hối, mà bèn chung thuyết giới tự tử. Đây gọi là hạng ngu si tăng.
Đệ tử mình thì bắt sám hối, những người không phải đệ tử mình phạm tội, không bắt họ sám hối mà vẫn thuyết giới tự tứ với họ thì đó gọi là ngu si tăng.
Thế nào là thanh tịnh tăng? Có Tỳ-kheo tăng không bị trăm ngàn loài ma làm trở hoại. Đại chúng Bồ tát này bản tánh thanh tịnh, có thể điều phục hai bộ chúng trên làm cho đều an trụ trong chúng thanh tịnh. Đây gọi là bậc đại sư hộ pháp vô thượng.
Có Tỳ-kheo tăng, ma nào cũng không động đến họ được. Đại chúng Bồ-tát này bản tánh thanh tịnh, có thể điều phục hai bộ chúng trên làm cho đều an trụ trong chúng thanh tịnh. Hai hạng trên là hạng ngu si tăng và hạng phá giới tạp tăng. Người điều phục được hai hạng đó gọi là bậc đại sư hộ pháp vô thượng.
Người khéo trì luật vì muốn điều phục lợi ích chúng sanh, rõ biết hành tướng hoặc khinh hoặc trọng của giới, không phải luật thời không chứng biết, còn phải là luật thời bèn chứng biết.
Cái nào phải luật thì biết phải luật, cái nào biết không phải luật thì biết không phải luật.
Thế nào là điều phục lợi ích chúng sanh? Nếu là Bồ-tát vì giáo hóa chúng sanh mà thường vào xóm làng chẳng chọn thời tiết, hoặc đến nhà của góa phụ, dâm nữ mà cùng ở chung nhiều năm. Đây gọi là điều phục lợi ích chúng sanh. Nếu là hàng Thanh văn thời không nên làm như vậy.
Nếu thật là Bồ-tát thì mới có quyền làm như thế, còn Thanh văn thì không nên làm.
Thế nào gọi là giới trọng? Nếu thấy đức Như Lai nhân sự chế giới, từ ngày nay ông phải cẩn thận chớ lại phạm, như bốn giới trọng người xuất gia không nên làm mà bèn cố ý làm là không phải thầy Sa-môn, không phải hàng Thích tử, đây gọi là trọng.
Thế nào là giới khinh? Nếu phạm tội nhẹ, ba lần can gián, nếu hay bỏ được, đây gọi là khinh.
Chẳng phải luật không chứng biết, là khi có người khen nói những vật không thanh tịnh nên thọ dùng thời không ở chung với người ấy.
Được can gián liền bỏ gọi là giới khinh. Chẳng phải luật không chứng biết là khi có người khen nói những vật không thanh tịnh nên thọ dụng, thời không ở chung với người ấy.
Phải là luật thời chứng biết, là khéo học giới luật, chẳng gần người phá giới, thấy ai thật hành thuận với giới luật thời lòng vui mừng, khéo hay giải thuyết thế nào là chỗ làm của Phật pháp, đây gọi là luật sư. Khéo hiểu nhất tự, khéo gìn khế kinh cũng lại như vậy.
Này Ca-diếp! Phật pháp vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai cũng vậy chẳng thể nghĩ bàn.”
Khéo hiểu nhất tự, khéo gìn khế kinh cũng lại như vậy. Điều nào phải luật thì mình theo, mình khuyến khích, điều nào không phải luật thì tránh xa, như vậy mới gọi là người biết giới luật.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Đúng như lời đức Phật dạy, Phật pháp vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai cũng vậy chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế nên biết Như Lai thường trụ chẳng biến đổi chẳng hư hoại. Nay con khéo học và cũng sẽ giảng rộng cho người về nghĩa ấy.”
Đến đây ngài Ca-diếp đã biết Phật thường trụ, đã biết được Như Lai không biến hoại rồi nên ngài hứa sẽ dạy cho người nghĩa ấy.
Phật khen Ca-diếp Bồ-tát: “Lành thay! Lành thay! Thân Như Lai là thân kim cang bất hoại. Bồ-tát phải khéo học như vậy, thấy chân chánh biết chân chánh như vậy. Nếu có thể thấy biết rành rẽ như vậy, thời là thấy thân kim cang không hư hoại của Phật, như thấy hình sắc trong gương sáng.”
Phật đã phân tích rõ ràng không còn ngờ vực. Ở đây nói thân kim cang bất hoại là chỉ cho pháp thân, mà muốn có pháp thân phải thật tâm hộ trì chánh pháp, nhất là hộ trì chánh pháp Đại thừa Niết-bàn này. Đó là nguyên nhân gốc để được thân kim cang bất hoại.