Lúc bấy giờ đức Phật bảo A-nan và đại chúng: “Sau khi ta diệt độ, hàng tử chúng phải siêng hộ trì kinh Đại Bát-niết-bàn của ta. Trong vô lượng vô số kiếp ta tu tập pháp đại Niết-bàn khó đặng này, nay đã giải thuyết rõ ràng cho đại chúng.
Các người nên biết pháp đại Niết-bàn này là bảo tạng Kim cang thường, lạc, ngã, tịnh hoàn toàn viên mãn của tất cả chư Phật. Tất cả chư Phật đều ở nơi pháp đại Niết-bàn này mà nhập Niết-bàn. Pháp này là pháp tối hậu rốt ráo chí lý cùng tột không thiếu sót. Chư Phật đều phóng xả thân mạng nơi đây, do đó nên gọi là đại Niết-bàn. Đại chúng muốn đặng chân thật báo ân Phật, mau chứng Bồ-đề, được chư Phật rờ đầu, đời đời sanh ra chẳng mất chánh niệm, thập phương chư Phật thường hiện trước mình ngày đêm giữ gìn làm cho tất cả mọi người được pháp xuất thế, thời phải siêng năng tu tập kinh Đại Niết-bàn này.”
Phẩm Di Giáo là phẩm thứ hai mươi sáu. Đây là những lời dạy tối hậu của Phật, chúng ta phải ráng mà nhớ. Trước hết Phật dạy phải hộ trì kinh Đại Niết-bàn, tức là làm sao cho mọi người nhận được Phật tánh để tiến tu chứng được đạo Niết-bàn.
Phật dạy A-nan và đại chúng phải siêng năng hộ trì kinh Đại Niết-bàn, kinh mà Phật đã tu trong vô lượng kiếp. Ngài ca ngợi pháp đại Niết-bàn để cho chúng ta phải cố gắng gìn giữ. Pháp đại Niết-bàn là bảo tạng kim cang, tức là kho tàng kim cang quý báu không gì phá hoại được. Niết-bàn là thường lạc ngã tịnh, hoàn toàn viên mãn của tất cả chư Phật. Tất cả chư Phật đều ở nơi đại Niết-bàn này mà nhập Niết-bàn, tức là vào chỗ cứu cánh. Pháp Niết-bàn là tối hậu, là rốt ráo, là chí lý, là cùng tột, là không thiếu sót. Chư Phật đều phóng xả thân mạng nơi đây, do đó nên gọi là đại Niết-bàn. Trong nhà thiền thường có những câu tương tự, như vị thiền sư hỏi đệ tử chỗ tột cùng, đệ tử trả lời: “Đây là chỗ buông xả thân mạng của con,” Chỗ các ngài buông xả thân mạng tức là pháp thân hay Phật tánh. Tất cả chúng ta muốn được gần Phật, được Phật nhắc nhở để cho mình tiến tới giải thoát thì phải cố gắng tu theo kinh Đại Niết-bàn.
Phật bảo A-nan: “Lúc ta chưa thành Phật thị hiện vào trong pháp ngoại đạo của Uất-đầu-lam-phất, tu học tứ thiền bát định. Từ khi ta thành Phật đến nay bác bỏ những pháp ấy khuyến dụ lần lần các phái ngoại đạo, cuối cùng đến ông Tu-bạt-đà-la, cho họ đều vào Phật đạo.
Tuy ban đầu Phật có tu theo chúng ngoại đạo, nhưng đó là thị hiện. Nhớ điều này! Nếu nói Phật thật tình thọ giáo với ngoại đạo thì đối với kinh Niết-bàn mình mắc lỗi phỉ báng Như Lai. Phật chỉ nói ngài thị hiện vào chúng ngoại đạo tu tứ thiền bát định. Nhưng sau khi tu, ngài bác bỏ chúng và khuyến dụ những người ngoại đạo trở về với Phật đạo.
Đức Như Lai dùng đuốc đại trí đốt tràng tà kiến, như đem lá cỏ khô ném vào trong ngọn lửa lớn.
Này A-nan! Nay những người giòng Thích-ca ta rất lo nghĩ đến họ. Sau khi ta Niết-bàn, ông phải siêng năng đem điều lành dạy răn hàng quyến thuộc của ta, hết lòng dạy dỗ cho họ được diệu pháp. Chớ để họ phóng dật tán tâm chơi bời hoặc theo tà pháp.
Người chưa thoát khỏi sự thống khổ trong ba cõi phải sớm cầu giải thoát. Phải lo sợ chốn ngũ trược ái dục này, một khi mất thân người rất khó được lại, trọn đời phải thường soi xét. Khó lấy tình để cầu thoát khỏi quỷ vô thường.
Phật nghĩ đến quyến thuộc của ngài cũng là quyến thuộc của ngài A-nan, nhắc ngài A-nan phải chỉ dạy họ đừng phóng dật, đừng tán tâm chơi bời, đừng theo tà pháp, cố gắng tu hành. Nhiều khi lo giáo hóa nơi này nơi kia mà quê mình chưa giáo hóa kịp, cho nên phải dạy dỗ đồ đệ giáo hóa những chỗ chưa giáo hóa hết.
Phật dạy rất thiết tha. Người nào chưa thoát khỏi sự thống khổ trong ba cõi, phải nỗ lực cầu giải thoát, phải lo sợ chốn ngũ trược ái dục đầy bùn lầy này làm cho người ta phải dính mắc leo lên không nổi. Một khi mất thân người rất khó được lại. Trọn đời phải thường soi xét như vậy. Xét tới xét lui để nỗ lực lên.
Câu cuối: Khó lấy tình để cầu thoát khỏi quỷ vô thường. Khi quỷ vô thường tới nắm cổ, mình chắp tay năn nỉ xin tha, tôi còn nhiều chuyện bề bộn sắp xếp chưa xong, cho tôi ở lại năm ba năm để sắp xếp, được không? Dù lạy lục năn nỉ, nó cũng không tha. Dù có bao nhiêu lượng vàng lo lót cũng không được. Quỷ vô thường tới đem tình cầu xin nó cũng không được.
Phải thương xót chúng sanh, chớ giết hại dầu là côn trùng nhỏ nhít.
Thân nghiệp thanh tịnh thường sanh cõi tốt đẹp. Khẩu nghiệp thanh tịnh xa lìa những lỗi ác. Chớ ăn thịt, chớ uống rượu. Điều phục con rắn tâm cho nó vào đạo quả.
Phật dạy phải thương xót chúng sanh, chớ giết hại dù là vật nhỏ nhất. Những lời dạy thật thấm thía.
Thân thanh tịnh được sanh vào những cõi đẹp. Khẩu thanh tịnh lìa được những lỗi ác. Vì vậy đừng ăn thịt đừng uống rượu. Ăn thịt uống rượu làm cho thân, miệng ô uế.
Tâm mình như rắn độc, nó lè lưỡi muốn chụp cắn người này, người kia. Ráng điều phục để chứng nhập đạo quả.
Phải suy nghĩ kỹ nghiệp nhân thiện ác cảm báo tốt xấu. Nhân quả trong ba đời tuần hoàn chẳng mất, như bóng theo hình. Đời này luống qua về sau ăn năn không kịp.
Giờ Niết-bàn đã đến, ta tóm tắt dạy bảo như vậy.”
Nhân quả liên hệ với nhau chặt chẽ chẳng mất. Chỉ có người biết chuyển mới mất. Nếu để trôi đi sau này hối hận cũng không kịp.
Sắp đến giờ Niết-bàn rồi, đây là những lời Phật dạy bảo tóm tắt.
A-nan nghe lời Phật dạy, thân rung, tâm động, buồn khóc nghẹn ngào, mê muộn té xuống trước mặt Phật như người chết.
Lúc đó ngài A-nậu-lâu-đà an ủi A-nan rằng: “Đâu nên quá sầu khổ như vậy! Đã đến giờ đức Như Lai nhập Niết-bàn, ngày nay dầu có Phật, sáng mai thời đã không. Ông y theo lời tôi để thưa hỏi đức Như Lai bốn điều.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn, lục quần Tỳ-kheo làm việc ô tha gia, cùng Xa-nặc ác tánh, các Tỳ-kheo làm thế nào để cùng họ cộng trụ và chỉ dạy họ?
Đức Như Lai còn thời dùng Phật làm thầy, đức Như Lai diệt độ rồi lấy gì để làm thầy?
Lúc Phật còn nương nơi Phật mà trụ, Như Lai đã diệt độ nương gì để trụ?
Sau khi Phật diệt độ, lúc kết tập pháp tạng, đầu các kinh phải để những lời gì?”
Ngài A-nan khi nghe Phật nói tóm tắt những lời dạy dỗ cuối, thân run tâm động, buồn khóc nghẹn ngào, mê muội té xuống trước mặt Phật, ngất xỉu như người chết. Ngài đã chứng Sơ quả rồi nhưng còn chút hữu lậu, ngài cũng còn buồn khổ huống nữa mình còn là phàm phu, lúc đó chắc mình cũng vậy không hơn.
Ngài A-nậu-lâu-đà an ủi ngài A-nan và thúc hối ngài hỏi Phật bốn điều.
Thứ nhất, lục quần Tỳ-kheo và ngài Xa-nặc phạm tội ô tha gia, có những tánh ác làm sao mà ở chung. Thứ hai, khi Phật còn thì tôn Phật làm thầy, khi Phật nhập Niết-bàn rồi lấy ai làm thầy, Thứ ba, sau khi Phật nhập Niết-bàn thì nương đâu mà trụ. Thứ tư, sau khi Phật nhập Niết-bàn, kết tập kính điển đầu kinh để những lời gì.
A-nan như ở trong mộng nghe ngài A-nậu-lâu đà khuyên bảo hỏi Phật bốn điều. Lần lần được tỉnh ngộ chẳng xiết buồn thảm, A-nan đem bốn điều trên hỏi Phật.
Đức Như Lai bảo A-nan: “Sao lại quá buồn khổ như vậy! Chư Phật thuyết pháp giáo hóa việc làm đã xong, theo phép phải về nơi đây,
Lành thay! Lành thay! Bốn điều ông vừa hỏi, là lời hỏi tối hậu, có lợi ích lớn cho tất cả thế gian. Các ông lóng nghe và khéo suy nghĩ ghi nhớ.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Tỳ-kheo Xa nặc tâm tánh sẽ lần lần điều phục nhu hòa bỏ ác tánh cũ.
Này A-nan! Ông Nan-đà trước kia rất nặng ái dục, tánh rất xấu ác, đức Như Lai dùng thiện phương tiện chỉ dạy cho ông ấy được lợi ích vui mừng. Phật rõ biết căn tánh của ông ấy, dùng huệ Bát-nhã mà giảng thuyết mười hai nhân duyên.
Ngài A-nan nghe vậy giật mình, thấy còn bỏ sót bổn phận nên mới đứng ra thưa hỏi. Phật khen ngợi và dạy, Tỳ-kheo Xa-nặc sẽ dễ dạy không có gì khó. Ngài Nan-đà nhờ Phật biết rõ căn tánh của ngài, giảng mười hai nhân duyên khiến ngài được lợi ích. Nếu chúng ta hiểu cho đúng mười hai nhân duyên thì có trí tuệ Bát-nhã thuộc về Đại thừa.
Chính là vô minh duyên hành, hành duyên thức, nhẫn đến lão tử ưu bi khổ não, đều là rừng bụi vô minh yêu ghét, tất cả hành khổ đầy tràn trong ba cõi, chạy khắp trong lục đạo. Cội gốc sự khổ từ vô minh khởi lên. Dùng huệ Bát nhã hiển bày tánh tịnh, quán sát kỹ cội gốc thời dứt được tội lỗi trong ba cõi.
Khổ gốc từ vô minh. Vô minh là giả mà tưởng lầm là thật. Nhớ như vậy. Đừng định nghĩa dài dòng, giả mà tưởng là thật gọi là vô minh. Như chúng ta ra chợ muốn mua vàng, người ta đưa vàng giả, chúng ta tưởng thật mua về nhà. Có người biết, nói đây là đồ giả. Mình nói “tôi bị lầm”. Lầm nghĩa là đồ giả tưởng là đồ thật. Ngã và pháp đều là giả mà mình chấp là thật.
Sau khi xét mười hai nhân duyên tường tận thấy nó không thật, lúc đó được thấy tánh tịnh. Khi chúng ta biết vô minh duyên hành, hành duyên thức v.v… thì dứt mê lầm. Mê lầm không thật thì hành cũng không thật, hành không thật thì thức cũng không thật, danh sắc cũng không thật, cho tới lão tử cũng không thật. Xét đáo để chúng ta thấy nó không thật thì liền được thấy cái thanh tịnh. Do trí tuệ Bát-nhã mà xét kỹ mười hai nhân duyên, bởi xét kỹ mười hai nhân duyên cho nên được tánh tịnh, được tánh tịnh thì dứt được cội rễ sanh tử trong ba cõi.
Vì cội gốc vô minh dứt nên vô minh dứt, vô minh dứt thời hành dứt, nhẫn đến lão tử ưu bị khổ não đều dứt.
Lúc được quán niệm này nhiếp tâm đứng dừng thời được nhập tam-muội, do sức tam-muội được nhập Sơ thiền, lần lượt nhập Tứ thiền, không rời chánh niệm luôn tu tập như vậy, rồi sau tự sẽ được chứng thượng quả thoát khỏi khổ trong ba cõi. Nan-đà Tỳ-kheo tin sâu lời dạy của Phật, siêng năng tu tập trong một ít lâu được chứng quả A-la-hán.
Theo Nhị thừa quán mười hai nhân duyên là quán từ lão tử đến vô minh, Đại thừa quán phải xét kỹ vô minh. Vô minh là mê lầm, vô minh không thật thì hành là hành động sanh diệt cũng không thật. Hành không thật thì thức cũng không thật. Thức không thật thì danh và sắc là duyên hợp cũng không thật. Danh sắc không thật thì xúc cũng không thật… Tóm lại xét tường tận mười hai nhân duyên đều thấy không thật thì lúc đó mình được tánh tịnh. Đó là quán Đại thừa, tất cả pháp đều không có tự tánh.
Phật dạy do quán mười hai nhân duyên mà chứng được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền cho đến chứng được A-la-hán tức là Diệt tận định.
Có một thầy Nguyên thủy, mỗi năm mở ba tháng tham thiền cho cả tăng ni cư sĩ. Người nào tu tinh tấn thì trong ba tháng có thể chứng từ Sơ thiền đến Nhị thiền. Còn chúng ta tu mấy năm được thiền gì, như vậy mình tu không có kết quả gì hết sao? Đây là chỗ mà tôi thấy cần phải chú ý, nếu không chúng ta sẽ bị ngơ ngác, tuy chúng ta không cầu sự tu chứng nhưng phải biết.
Sơ thiền là Ly sanh hỷ lạc, tức là lìa ngũ dục mà lòng mình có vui thích, vui vẻ lên thì đó là trạng thái của Sơ thiền. Dù tu theo pháp thiền nào, tới lúc đối với ngũ dục mình chán không thích nữa, tâm được an lành vui vẻ tức là đã có trạng thái Sơ thiền.
Nhị thiền là Định sanh hỷ lạc, nghĩa là tâm được yên cảm thấy vui vẻ, mừng lên. Qua trạng thái Sơ thiền đến lúc thấy tâm định không tán loạn, mình thấy vui thích, đó là trạng thái của Nhị thiền.
Tam thiền là Ly hỷ diệu lạc, chúng ta tu định lâu, cái mừng trong Nhị thiền không còn nữa mà có cái vui rất nhẹ nhàng thầm lặng ở trong.
Tứ thiền là Xả niệm thanh tịnh, khi vui nhẹ nhàng thầm lặng ở trong xả hết, tâm mình hoàn toàn thanh tịnh.
Trong kinh nói thiền Nhị thừa căn cứ vào bốn điều đó, những người tu chứng từ Sơ thiền trở lên thì da của họ bóng lên, sáng lên. Chúng ta phải biết để khi dạy người khác tu thiền, được các trạng thái đó, họ hỏi thì giải thích là đang ở trạng thái nào và phải tiến lên sao. Nhất là dạy người ta tu pháp quán sổ tức hay quán từ bị v.v… đều phải qua những trạng thái của Tứ thiền, nếu mình không khéo, không biết thì không thể dạy được.
Này Anan! Sau khi ta nhập Niết-bàn, các ông nên y theo giáo pháp chánh quán của ta mà chỉ dạy cho lục quần cùng Xa-nặc, hết lòng nương theo chánh pháp thanh tịnh này, tự sẽ được chứng thượng quả.
Này A-nan! Phải biết rằng đều do nơi vô minh mà tăng trưởng cây sanh tử trong ba cõi, nên mãi trôi chìm trong ái hà, chịu khổ mãi dưới vực tối tăm, vòng quanh cột sanh tử. Sáu thức là nhánh, vọng niệm là gốc, lượn sóng vô minh xúc khiến tâm thức dạo chơi theo lục trần, sanh mầm các sự khổ não. Vô minh nó tự tại như vua, không ai chế ngự được. Do đây nên ta nói ông chủ vô minh niệm niệm làm hại, chúng sanh chẳng hay biết, mãi luân chuyển trong sanh tử.
Này A-nan! Tất cả chúng sanh vì vô minh này mà khởi những tham ái, bị ngã kiến che đậy, tám muôn bốn ngàn phiền não sai sử thân họ, làm cho thân tâm họ tan vỡ không được tự tại.
Này A-nan! Nếu vô minh dứt thời ba cõi đều hết, nên gọi là người xuất thế.
Này A-nan! Nếu có thể quán sát kỹ mười hai nhân duyên rốt ráo không có ngã, sâu vào nơi bản tánh thanh tịnh, thời có thể xa lìa ngọn lửa lớn ba cõi.
Này A-nan! Đức Như Lai là đấng chân ngữ nói lời thành thật, đây là lời phó chúc tối hậu, các ông phải y theo tu hành.
Vô minh tăng trưởng chìm trong phân biệt sanh ái. Vô minh khiến chúng ta quay mãi trong sanh tử như con bò con trâu cột vào cọc, đi qua đi lại cũng lẩn quẩn quanh cọc chứ không đi đâu khỏi. Chỉ có Phật biết, ngài dạy mình cách trị vô minh.
Khi chúng ta nhìn thân nhìn cảnh này cho là thật, đó là vô minh. Vì tưởng thân thật nên tham ái. Ái thân ái cảnh đó là chấp ngã chấp pháp, bị ngã kiến che đậy nên có tám muôn bốn ngàn phiền não dấy lên sai sử làm cho thân tâm không được tự tại.
Nếu ai nhận ra căn bản này thì tu thật dễ chứ không khó. Cứ nhớ thân không thật, cảnh không thật, quán tới xét lui, Quán lời Phật dạy cảnh không thật, thân không thật. Nhớ biết rõ ràng thì có trí tuệ, mà có trí tuệ thì vô minh hết sạch, như vậy là người xuất thế.
Khi xét rõ mười hai nhân duyên không thật thì tâm được thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì xa lìa ngọn lửa lớn sanh tử ba cõi.
Này A-nan! Ông hỏi sau khi Phật diệt độ lấy gì làm thầy? Nên biết giới ba-la-đề-mộc-xoa là Đại sư của các ông. Nương theo đó tu hành thời có thể được định huệ xuất thế.
Này A-nan! Ông hỏi sau khi Phật nhập Niết-bàn nương gì để trụ? Phải nương pháp tứ niệm xứ mà trụ: quán sát tánh tướng của thân đồng như hư không gọi là thân niệm xứ, quán sát sự cảm thọ chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa, gọi là thọ niệm xứ, quán sát tâm chỉ có danh tự tánh danh tự rời rạc gọi là tâm niệm xứ, quán sát pháp thiện chẳng thể được, pháp bất thiện cũng chẳng thể được, gọi là pháp niệm xứ. Tất cả người tu hành phải nương theo pháp tứ niệm xứ này mà trụ.
Quán tứ niệm xứ theo Nhị thừa thì: một là quán thân bất tịnh, thân mình từ đầu đến chân đều do ba mươi sáu vật kết hợp, khi chia ra thì thấy nó nhơ nhớp bẩn thỉu, đó là quán thân niệm xứ. Hai là quán thọ là khổ, thọ khổ thọ lạc cũng đều là khổ. Tại sao? Vì là vô thường nên khổ. Vừa xúc chạm, mình nhận là vui, xúc chạm khác thì mình buồn, thọ vui thọ buồn luôn luôn thay đổi. Thọ vui sanh ra thích nên có ái, thọ buồn sanh ra ghét cho nên có tắng, tắng ái tức là gốc của thọ, biết thọ vô thường thì hết tắng ái. Đó là quán thọ là khổ.
Ba là quán tâm vô thường, tâm luôn đổi thay, hết nghĩ cái này lại nghĩ cái khác, hết chuyện quá khứ đến chuyện tương lai nên gọi là tâm vô thường. Bốn là quán pháp vô ngã, quán tất cả pháp không có chủ tể, pháp cũng nhắm vào tâm sở hữu pháp, nói rộng ra tất cả sự vật ở ngoài không có chủ tể, nó chỉ là duyên hợp không thật. Đó là quán bốn pháp theo Nhị thừa.
Theo Đại thừa, một là quán tánh tướng tức là thân tứ đại của mình đồng như hư không gọi là thân niệm xứ. Tại sao quán như vậy? Vì biết thân tướng này do tứ đại giả hợp cho nên không có tự tánh, đồng như hư không. Mình biết thân tướng này do duyên hợp không có tự tánh, thân không thật, sắc tức là không, theo Bát-nhã quán.
Kế đến quán cảm thọ, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa, ba nơi không có thì không thật, không thật cho nên không tự tánh, nên nó cũng là không. Như vậy quán thọ không tự tánh thì đó là quán thọ niệm xứ.
Quán tâm chỉ có danh tự, tánh danh tự rời rạc gọi là tâm niệm xứ. Nếu nói tâm vương, là nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức cho đến a-lại-da thức. Nếu nói tâm sở thì có năm mươi mốt thứ, chỉ có danh tự rời rạc không thật. Tâm niệm xứ là thấy tâm không tự tánh chỉ là một mớ giả danh thôi.
Quán pháp niệm xứ, pháp thiện pháp ác, thiện cũng không thật ác cũng không thật, đều do duyên hợp. Duyên hợp thì gọi là thiện ác nên thiện ác đều không có tự tánh.
Ba pháp quán đó đều căn cứ vào trí tuệ Bát-nhã quán, hay nói cách khác đều quán theo Trung quán, thân tâm hoàn cảnh đều không có tự tánh, không chấp nó thật thì phá vô minh, mà phá vô minh thì ái hết, bao nhiêu phiền não đều sạch, được tự tại giải thoát, đó là quán dùng trí tuệ Bát-nhã soi bốn pháp.
Này A-nan! Ông hỏi sau khi Như Lai diệt độ lúc kết tập pháp tạng, đầu tất cả kinh để những lời gì?
Này A-nan! Sau khi Như Lai diệt độ lúc kết tập pháp tạng đầu tất cả kinh nên để như vậy: Như thị ngã văn nhất thời Phật trụ mỗ phương mỗ xứ, cùng hàng tứ chúng mà nói kinh này.”
A-nan lại bạch Phật: “Lúc Phật ở đời, hoặc sau khi Phật nhập Niết-bàn, có tín tâm đàn-việt đem vàng bạc bảy báu cùng tất cả đồ cần dùng dâng cúng cho Như Lai thời phải xử trí thế nào?”
Phật nói: “Lúc Phật còn, những vật cúng dường Phật, thời chúng tăng nên biết. Sau khi Phật diệt độ những vật cúng dường Phật, thời nên dùng tạo tượng Phật và tạo y của Phật, phan lọng bảy báu, sắm các thứ hương dầu bông để cúng dường Phật. Trừ việc cúng dường Phật ngoài ra chẳng được dùng. Người lạm dụng thời phạm tội lấy trộm vật của Phật.”
A-nan lại bạch: “Lúc Phật còn có người đem vàng bạc bảy báu điện đường phòng nhà y phục đồ uống ăn tất cả đồ cần dùng, hoặc vợ con tôi tớ mà cung kính cúng dường Như Lai. Sau khi Phật nhập diệt nếu có người đem những vật như trên mà cung kính cúng dường tượng Phật. Bạch Thế Tôn! Phước đức của hai người này ai nhiều hơn?”
Phật nói: “Vì đều cung kính cúng dường cả nên phước đức của hai người được đồng nhau. Dầu Phật diệt độ nhưng pháp thân vẫn thường còn, nên cung kính cúng dường được phước vẫn đồng như Phật hiện tại.”
A-nan lại bạch: “Lúc Phật hiện tại nếu có người đem những vật như trên cung kính cúng dường Phật, sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, nếu có người đem những vật như trên cung kính cúng dường toàn thân xá-lợi, phước đức của hai người này, ai nhiều hơn?”
Phật nói: “Hai người này được phước đồng nhau công đức rộng lớn vô lượng vô biên nhẫn đến hết khổ, phước đó chẳng hết.”
A-nan lại bạch: “Lúc Phật hiện tại, nếu có người cung kính cúng dường Phật như trên, sau khi Phật nhập Niết-bàn nếu có người cung kính cúng dường nửa thân xá-lợi ai được phước nhiều hơn?”
Phật nói: “Vì hai người đều cung kính cúng dường nên được phước đồng nhau phước đức này vô lượng vô biên,
Này Anan! Nhẫn đến cung kính cúng dường một phần tư xá-lợi, một phần tám, một phần trăm, một phần ngàn, một phần muôn, một phần hằng hà sa, hoặc chừng bằng hột cải, người này được phước cũng đồng như người cung kính cúng dường đức Như Lai hiện tại.
A-nan nên biết rằng hoặc Phật hiện tại hoặc đã nhập Niết-bàn, nếu có người cung kính cúng dường lễ bái tán thán, được phước đức đồng nhau không khác.”
Phật bảo A-nan cùng đại chúng: “Sau khi ta nhập Niết-bàn, tất cả chúng sanh hoặc thiên thượng hay nhân gian, được xá-lợi của ta mà vui mừng thương cảm cung kính lễ bái cúng dường, thời được vô lượng vô biên công đức.
Này A-nan! Nếu thấy xá-lợi của Như Lai thời là thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Tăng, thấy Tăng là thấy Niết-bàn.
A-nan nên biết rằng do nhân duyên trên đây mà Tam bảo thường trụ không biến đổi, có thể làm chỗ quy y cho tất cả chúng sanh.”
A-nan bạch Phật: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, tất cả đại chúng y theo phép tắc nào để trà tỳ thân Như Lai để được xá-lợi cung kính cúng dường.”
Phật nói:“Khi ta nhập Niết-bàn rồi, đại chúng nên y theo phương pháp trà-tỳ Chuyển luân thánh vương”
A-nan bạch Phật: “Pháp tắc trà-tỳ Chuyển luân thánh vương như thế nào?”
Phật nói: “Sau khi Chuyển luân thánh vương mạng chung, đình thi hài bảy ngày mới để vào quan tài vàng, rồi lấy dầu thơm vi diệu đổ đầy quan tài đậy lại thật kín. Đủ bảy ngày đem thi hài ra, dùng nước thơm tắm rửa, đốt hương thơm cúng dường. Dùng bông đâu-la-miên bao khắp thân thể, sau đó dùng ngàn bức bạch điệp tốt đẹp vô giá thứ tự vấn chồng lên nhau khắp thi hài của Luân vương. Vấn xong đổ dầu thơm đầy trong kim quan rồi mới để thi hài Luân vương vào. Đậy kín quan tài xong, chở trên xe thất bảo, bốn mặt treo các chuỗi ngọc, dùng châu báu trang nghiêm xe ấy, vô số phan lọng bằng châu báu tốt đẹp giăng treo trên xe. Đốt hương thơm, trổi đại nhạc để cúng dường. Sau đó dùng thuần những gỗ thơm cùng những dầu thơm mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong hốt lấy xá-lợi, xây tháp thất bảo giữa đường ngã tư trong thành, bốn phía tháp có bốn cửa an trí xá-lợi trong đó, để cho tất cả mọi người đồng chiêm ngưỡng.
Này A-nan! Chuyển luân thánh vương kia, do chút ít phước đức được nối ngôi vua, chưa thoát khỏi ba cõi, còn đủ ngũ dục thê thiếp, ác kiến tham, sân, si, tất cả phiền não kiết sử chưa dứt được một mảy. Sau khi mạng chung mà thế gian còn theo cách thức như vậy, dựng tháp cúng dường để mọi người chiêm ngưỡng, huống là đức Như Lai đã trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp bỏ hẳn ngũ dục, tinh tấn thật hành tất cả khổ hạnh xuất thế của Bồ-tát, đã thành tựu đạo hạnh thậm thâm vi diệu thanh tịnh, giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, sáu môn ba-la-mật, tu tập thập lực, đại bi, bốn vô sở úy, ba môn giải thoát, mười tám đại không, lục thông, ngũ nhãn, ba mươi bảy phẩm, mười tám bất cộng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thọ mạng của tất cả chư Phật, tất cả cõi Phật thanh tịnh, tất cả pháp thành tựu chúng sanh, tất cả khổ hạnh khó làm, tất cả nhiếp luật nghi giới, tất cả nhiếp thiện pháp giới, tất cả nhiếp chúng sanh giới, tất cả công đức, tất cả trí huệ, tất cả trang nghiêm, tất cả đại nguyện, tất cả phương tiện, tất cả trí huệ phước đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, đều đã thành tựu đầy đủ, dứt trừ tất cả ác, dứt trừ tất cả phiền não, dứt trừ tất cả phiền não tập khí, thông đạt tứ đế, thập nhị nhân duyên, nơi cội bồ-đề hàng phục bốn ma thành tựu Nhất thiết chủng trí. Được tất cả chư Phật xướng lời khen lành thay! Lành thay! Đồng lấy nước trí pháp tánh rưới trên đỉnh pháp thân, mới thành vô thượng Bồ-đề. Do nhân duyên như vậy nên nay ta hiệu là Thiên nhân sư thập lực đẳng giác, Thế Tôn vô thượng, nhân gian thiên thượng không ai bằng, bình đẳng xem chúng sanh như La-hầu-la, do đó ta hiệu là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.
Duyên giáo hóa thế gian đã xong, ta vì chúng sanh nên hôm nay thị hiện nhập Niết-bàn. Vì muốn cho chúng sanh khắp được cúng dường, nên ta theo pháp thế gian như vua Chuyển luân, mà tẩn táng cùng trà-tỳ.
Tứ chúng nhân thiên đem xá-lợi của Như Lai đựng trong bình thất bảo xây dựng tháp thất bảo để cúng dường xá-lợi, có thể làm cho chúng sanh được công đức lớn, lìa khổ ba cõi đến vui Niết-bàn. diều Này A-nan! Hàng tử chúng xây tháp thất bảo cúng dường xá-lợi của Phật rồi, lại nên xây ba thứ tháp để cúng dường: tháp Bích-chi Phật, tháp A-la-hán, tháp Chuyển luân thánh vương, vì muốn cho mọi người biết chỗ quy y vậy.”
A-nan bạch Phật: “Đức Như Lai ra đời thương xót chúng sanh, hiển bày thập lực, đại bi, bốn vô sở úy, ba môn giải thoát, tứ đế, mười hai nhân duyên, tám thứ Phạm âm vang rền ba cõi, từ quang ngũ sắc soi khắp lục đạo, tùy thuận tâm nghiệp của chúng sanh mà chuyển pháp luân, có người chứng được bốn quả của Nhị thừa tu tập, hoặc chứng đạo Duyên giác vô lậu vô vi, hoặc nhập bậc Bồ-tát bất diệt bất sanh, hoặc được vô lượng đà-la-ni, hoặc được ngũ nhãn, hoặc được lục thông, hoặc thoát ba ác đạo, hoặc ra khỏi tám nạn, hoặc lìa khổ trời người ba cõi. Đức từ thanh tịnh của Như Lai, pháp môn giải thoát của Như Lai đều chẳng thể nghĩ bàn.
Sau khi nhập diệt, hàng tứ chúng dựng tháp bảy báu cúng dường xá-lợi được công đức lớn, có thể làm cho chúng sanh thoát khổ ba cõi, được chánh giải thoát. Do nhân duyên này nên khi Phật nhập Niết-bàn, tất cả thế gian vì báo đáp từ ân vô lượng của Phật mà xây tháp thất bảo để cúng dường xá-lợi, theo lẽ phải như vậy. Ba thứ tháp kia có những lợi ích gì đối với chúng sanh mà đức Phật bảo dựng tháp cúng dường?”
Phật nói: “Bích-chi Phật tỏ ngộ nhân duyên của các pháp chứng nhập pháp tánh, đã thoát tất cả khổ hoạn trong tam giới, có thể làm phước điền cho nhân thiên. Do đây nên xây tháp cúng dường Bích-chi Phật được phước đức kế nơi sự cúng dường Như Lai, có thể làm cho chúng sanh đều được diệu quả.
Này A-nan! A-la-hán kia đối với ba cõi đã hết sanh tử chẳng thọ thân đời sau, Phạm hạnh đã lập có thể làm phước điền cho thế gian, nên xây tháp cúng dường được phước đức kế sự cúng dường Bích-chi Phật, cũng làm cho chúng sanh được nhân duyên giải thoát.
Này A-nan! Chuyển luân thánh vương dầu chưa dứt phiền não, chưa giải thoát ba cõi, nhưng do phước đức mà cai trị bốn thiên hạ, đem pháp thập thiện giáo hóa nhân dân, là bậc tôn kính của mọi người, nên tứ chúng dựng tháp cúng dường, được phước đức cũng là vô lượng.”
A-nan bạch Phật: “Sau khi Phật nhập Niết-bàn, hàng tứ chúng nên làm lễ trà tỳ đức Như Lai tại chỗ nào?”
Phật nói: “Sau khi ta nhập Niết-bàn, nếu tứ chúng làm lễ trà-tỳ ở trong thành Câu-thi-na này, người trong thành tất tranh giành đánh đập nhau, và cũng làm cho tất cả mọi người được phước chẳng đồng nhau. Nên tử chúng phải làm lễ trà-tỳ ở ngoài thành, cho mọi người đều bình đẳng được phước.”
A-nan bạch Phật: “Trà-tỳ xong, tứ chúng dùng bình báu để đựng xá-lợi, thời nên dựng tháp thất bảo ở tại chỗ nào để cho tất cả mọi người đều được cung kính cúng dường?”
Phật nói: “Nên ở trong thành Câu-thi-na, nơi ngã tư đường mà xây tháp cao mười ba tầng, trước tháp có tướng pháp luân, phan lọng, lan can đều bằng thất bảo, bốn mặt tháp đều mở một cửa, từng lớp cửa nẻo xứng nhau an trí bình báu đựng xá-lợi của Như Lai trong đó cho tất cả trời người chiêm ngưỡng cúng dường.
Tháp của Bích-chi Phật nên mười một tầng. Tháp của A-la-hán nên bốn tầng. Cũng đều dùng các thứ báu mà trang nghiêm.
Tháp của Chuyển luân vương cũng xây bằng bảy báu nhưng không có tầng cấp, vì Luân vương chưa thoát khổ sanh tử trong ba cõi.”
A-nậu-lâu-đà bạch Phật: “Khi trà-tỳ xong, tất cả trời người cùng bốn bộ chúng phân chia xá lợi của Phật như thế nào?”
Phật nói: “Nên dùng tâm bình đẳng phân chia xá-lợi của Phật khắp ba cõi để tất cả thế gian đều được cúng dường”
Thiên đế Thích-đề hoàn nhân bạch Phật: “Nay tôi xin cung kính thỉnh nửa thân xá-lợi của Như Lai để cúng dường.”
Phật bảo Thiên đế: “Đức Như Lai bình đẳng xem chúng sanh như La-hầu-la, ông chẳng nên thỉnh nửa thân xá-lợi, vì phải để cho chúng sanh bình đẳng được lợi ích. Nay ta cho ông một cái răng nanh xá-lợi hàm trên bên hữu, có thể xây tháp cúng dường ở trên trời, làm cho ông được phước đức vô tận.”
Lúc đó tất cả đại chúng trời người buồn thương rơi lệ không tự dằn được.
Đức Thế Tôn bảo khắp đại chúng: “Khi Phật nhập Niết-bàn rồi, đại chúng chớ quá sầu não. Vì dầu Phật nhập Niết-bàn mà xá-lợi vẫn thường còn để cúng dường. Lại có những pháp bảo vô thượng, tang Tu-da-la, tang Tỳ-nai-da, tang Ma-ha dat-ma, do đây Tam bảo và tứ đế vẫn thường trụ ở thế gian, làm chỗ quy y cho chúng sanh. Vì cúng dường xá lợi tức là Phật bảo, thấy Phật bảo là thấy pháp thân, thấy pháp thân là thấy hiền thánh, thấy hiền thánh là thấy tứ đế, thấy tứ đế là thấy Niết-bàn. Do đây nên biết rằng Tam bảo thường trụ không biến đổi, có thể làm chỗ quy y cho thế gian.
Đại chúng chớ quá sầu khổ. Nay ta ở đây sắp nhập Niết-bàn. Trong những pháp: quy y, giới luật, thường, vô thường, tam bảo, tứ đế, lục độ, mười hai nhân duyên v.v…, nếu ai có điều chỉ nghi phải mau thưa hỏi, đây là lời hỏi rốt ráo cuối cùng, để sau khi Phật nhập Niết-bàn không còn nghi hối.”
Đức Phật phổ cáo trong đại chúng ba lần như vậy.
Tất cả đại chúng không ai thưa hỏi, vì ai nấy đều thông đạt hiểu rõ không còn nghi ngờ.
Đức Thế Tôn khen rằng:“Lành thay!Lành thay! Đại chúng đã có thể thông đạt các pháp không còn nghi ngờ, như nước sạch rửa hết bụi như nơi thân. Đại chúng phải tinh tấn sớm được giải thoát, chớ sầu não mê muộn loạn tâm.”
Lúc đó đức Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử, lấy tay vàng vạch y tăng-già-lê để lộ ngực huỳnh kim cho đại chúng thấy rồi bảo rằng: “Tất cả đại chúng trời người nên chí tâm nhìn xem sắc thân huỳnh kim của Như Lai.”
Đại chúng chiêm ngưỡng sắc thân vàng ròng của Phật thảy đều sung sướng như Tỳ-kheo nhập đệ tam thiền.
Sau đó đức Thế Tôn phóng vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức ánh sáng đại Niết-bàn chiếu khắp tất cả thế giới mười phương, che khuất ánh sáng của tất cả mặt trời mặt trăng.
Phóng ánh sáng trên đây rồi đức Phật bảo đại chúng: “Mọi người nên biết rằng đức Như Lai vì tất cả đại chúng mà cần khổ trong nhiều kiếp, đến chặt tay chân lóc da thịt, đại bi đại nguyện thành bậc Vô thượng Chánh giác nơi đời ngũ trược này, được sắc thân kim cang bất hoại đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vô lượng ánh sáng chiếu khắp tất cả. Ai thấy được hình, gặp được ánh sáng của Phật, đều được giải thoát cả.
Này đại chúng! Phật ra đời rất khó gặp khó thấy như hoa ưu-đàm. Đại chúng gặp ta đây là lần sau cùng, đối với thân này chớ để luống qua. Do sức thệ nguyện mà ta sanh nơi cõi uế ác này. Duyên giáo hóa đã hoàn tất, nay ta muốn nhập Niết-bàn. Đại chúng nên chí thành nhìn xem sắc thân huỳnh kim của ta, cố gắng tu tập nghiệp thanh tịnh như vậy, đời vị lai sẽ được quả báo này.”
Đức Thế Tôn ba phen ân cần khuyên bảo như vậy, đồng thời bày thân chân kim cho đại chúng thấy.
Sau đó đức Phật từ trên giường thất bảo sư tử bay lên hư không cao bằng một cây đa-la, bảo một lần rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn, đại chúng nhìn xem sắc thân huỳnh kim của ta!”
Lần lượt đức Phật bay trên cao bằng bảy cây đa-la, bảy lần bảo rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn, đại chúng nên chí tâm nhìn xem sắc thân huỳnh kim của ta!”
Từ hư không xuống ngồi trên giường sư tử đức Phật lại bảo: “Ta sắp nhập Niết-bàn, đại chúng nên chí tâm nhìn xem sắc thân huỳnh kim của ta!”
Đức Thế Tôn từ trên giường sư tử lại bay lên hư không cao bằng một cây đa-la, thời một lần bảo đại chúng, lần lượt bay cao bằng bảy cây đa-la, bảy lần bảo rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn, đại chúng nên chí tâm nhìn xem sắc thân huỳnh kim của ta!”
Từ hư không xuống ngồi trên giường sư tử, đức Phật lại kêu đại chúng mà bảo rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn, đại chúng nên chí tâm nhìn xem sắc thân huỳnh kim của ta!”
Lần thứ ba, đức Thế Tôn cũng từ trên giường sư tử bay lên hư không cao bằng bảy cây đa-la, đồng thời cũng bảy lần bảo đại chúng như vậy. Từ hư không xuống ngồi trên giường thất bảo đức Phật lại bảo: “Ta sắp nhập Niết-bàn, đại chúng nên chí tâm nhìn xem nơi sắc thân của ta!”
Đức Phật hai mươi bốn lần ân cần bảo đại chúng như vậy, rồi lại bảo rằng: “Ta sắp nhập Niết-bàn, đại chúng nên chí tâm nhìn xem sắc thân vô úy kim cang bất hoại của ta rất khó gặp gỡ như hoa ưu đàm, như người quá khát gặp nước trong mát thời uống đến no không còn khao khát, đại chúng cũng phải như vậy, nên chí tâm chiêm ngưỡng sắc thân của Như Lai lần sau cùng, sau lần thấy này không còn thấy lại nữa. Đại chúng nên chiêm ngưỡng cho thỏa mãn để về sau khỏi ăn năn.
Sau khi ta nhập Niết-bàn, đại chúng phải tinh tấn tu hành sớm ra khỏi ba cõi, chớ có giải dãi phóng dật tán tâm.”
Lúc đó tất cả đại chúng trời người trong tất cả thế giới mười phương được gặp ánh sáng Niết-bàn, được chiêm ngưỡng đức Phật đều được giải thoát. Những chúng sanh được gặp được thấy đều được dứt hẳn tam đồ bát nạn, bốn tội trọng, năm tội nghịch, đến tất cả phiền não đều dứt hẳn không còn thừa.
Sau khi lộ bày sắc thân huỳnh kim cho tứ chúng chiêm ngưỡng và ân cần khuyến cáo xong, đức Thế Tôn kéo y tăng-già đắp lại như cũ.
Đoạn này chỉ là những câu hỏi khi sắp nhập Niết-bàn Phật tuần tự theo câu hỏi của ngài A-nan mà trả lời từng câu, về cách phải trà-tỳ nơi nào, phải tẩn liệm làm sao và xá-lợi Phật phải thờ cách nào v.v… Đoạn sau Phật bay lên hư không bảy lần, vạch ngực bày thân sắc huỳnh kim bảo mọi người ngắm cho kỹ, không để hối hận về sau. Phật đã nói rõ thân ba mươi hai tướng là do công đức tu hành, ba mươi hai tướng đều là nhân tu thiện, tu nhân nào thì được quả nấy, Bây giờ chúng sanh chiêm ngưỡng các tướng tốt đó, cố gắng tu thiện gọi là phát thiện tâm.
Lại nữa đức Phật không kể gì đến thân, thấy thân là vô ngã, khi chết ngài lại nói cách thờ xá-lợi một cách kỹ lưỡng, liệm kỹ càng, phải có dầu thơm… là có ý nghĩa gì? Vì chúng sanh quen theo hình thức, thấy ai được tôn trọng, họ bắt chước hùa theo. Nếu Phật chết rồi, thiêu xong đổ xuống biển, họ tưởng Phật rất tầm thường. Phật dạy phải xây tháp, làm lễ phải long trọng, để họ biết là người đáng tôn đáng kính, phước đức vô lượng vô biên v.v… Họ sẽ tìm nguyên nhân Phật do tu thế này, do cứu giúp chúng sanh thế kia rồi họ bắt chước theo. Mỗi khi chúng ta đảnh lễ tháp của Phật, khởi niềm cung kính, thì bắt chước theo hạnh của Phật. Đó là gốc của phước đức. Nếu chúng ta bỏ hết thì không ai còn cơ duyên để nhớ tưởng đến Phật. Như trong gia đình, nếu người ta muốn con cái trở thành anh hùng liệt sĩ, thì họ phải trưng bày những hình anh hùng liệt sĩ trong nhà, để ghi sâu vào tâm trí con cái, lớn lên sẽ học đòi theo gương đó, đó là phương pháp giáo dục trẻ con.
Phật biết tâm lý chúng sanh quá rõ, cái gì gợi lại còn nhớ, bỏ luôn họ quên, nên Phật bảo xây tháp ngã tư đường, tháp phải quý, phải cao để họ thấy, để họ có lòng quý trọng, đảnh lễ nhân đó phát tâm. Chùa chiền xây tháp thờ, tượng Phật đẹp v.v… cũng là duyên cớ gợi lên cho mọi người nhớ, để trong lòng có những ảnh tượng tốt, nghĩ về công hạnh đức Phật, đó là phước điền. Hiểu như vậy thì chúng ta biết ý lưu xá-lợi v.v… để thế gian tôn thờ là gây duyên lành cho những đời sau. Đó là lòng từ bi của Phật, lợi ích cho người hiện tại và cho cả người sau, chứ không phải vì muốn tôn trọng mình mà bảo thờ xá-lợi cho kỹ./.