Kinh Đại Bát Nhã Trích giảng

Phẩm Không Tướng giảng giải



Tinh thần Bát-nhã chỉ dạy chúng ta thấy tất cả các pháp không có tướng cố định. Bởi không tướng cố định nên không có gì gọi là thật. Như nhà cửa, cây cối… cho đến thân thể chúng ta đều không cố định, không tướng cố định thì gọi là gì? Là Không Tướng. Nhìn tột cùng bằng trí tuệ Bát-nhã thì muôn pháp trên thế gian đều là không tướng. Không phải không tướng là không ngơ, nếu hiểu tướng không ngơ là hiểu sai tinh thần Bát-nhã. Bát-nhã nói không là không tính cách cố định, không phải là không ngơ, trống không.

Đầu tiên ngài Thiện Hiện hỏi Phật.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát không thối chuyển, thành tựu công đức quảng đại hy hữu như thế. Thế Tôn hay tuyên thuyết các tướng trạng hành động của Bồ-tát ma-ha-tát không thối chuyển trải qua kiếp số như cát sông Hằng. Do Phật nói các tướng trạng hành động hiển bày Bồ-tát ma-ha-tát không thối chuyển thành tựu vô lượng công đức thù thắng. Cúi mong Như Lai Ứng Chánh đẳng giác lại vì tuyên thuyết nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, khiến chư Bồ-tát an trụ trong đó, tu các công đức chóng được viên mãn. 

Ngài Thiện Hiện nói, đức Phật tán thán ca ngợi công đức của chư vị Bồ-tát rộng lớn vô lượng vô số như hằng hà sa, công đức thù thắng như vậy là y nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tu. Cúi mong Phật nói nghĩa xứ tương ưng với Bát-nhã sâu thẳm, để chư Bồ-tát an trụ trong đó được viên mãn công đức vô lượng vô biên. Nghĩa xứ, nghĩa là nghĩa thú, xứ là chỗ, tức là chỗ nghĩa thú tương ưng thích hợp với Bát-nhã. Nhờ an trụ nơi nghĩa xứ thích hợp với Bát-nhã, chư Bồ-tát tu hành được công đức viên mãn. Đó là lời thưa thỉnh của ngài Thiện Hiện.

Phật bảo:

– Thiện Hiện! Lành thay! Lành thay! Nay ông hay vì chúng các Bồ-tát ma-ha-tát thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh đẳng giác nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, khiến chư Bồ-tát an trụ trong đó, tu các công đức chóng được viên mãn. Thiện Hiện nên biết, nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩa là không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, không có, tịch tịnh, lìa nhiễm, Niết-bàn. 

Trước, Phật khen ngợi lời thưa hỏi của Thiện Hiện. Sau, đáp nghĩa thú của Bát-nhã ba-la-mật-đa là Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, không có, tịch tịnh, lìa nhiễm, Niết-bàn. Nghĩa xứ của Bát-nhã khiến chư Bồ-tát được thành tựu công đức viên mãn đó là: Không, vô tướng… Niết-bàn. Chỗ này chúng ta phải thấy rõ từng giai đoạn.

Giai đoạn đầu là nói về Không, tức là không tướng. Chỗ thích hợp với Bát-nhã, chỗ thâm thúy của Bát-nhã là lý không của tất cả các pháp. Các pháp không có tự tánh tức là không một pháp nào sẵn có cố định, bởi không tự tánh nên nói các pháp là không. Lý không tự tánh đó không có tướng mạo nên nói là vô tướng. Trên lý không tự tánh đó không có tướng ngã tướng nhân. Có người thật mới có nguyện ước, có tác động; với con mắt Bát-nhã, người không cố định là người, vật không cố định là vật, tất cả đều là duyên hợp hư dối. Người không thật thì làm sao có nguyện ước của người, nên nói vô nguyện. Người không thật thì làm gì có tác động, nên nói vô tác. Chúng ta thấy Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác trùm cả hai mặt ngã và pháp. Ngã và pháp đều không thật, sanh diệt có thật được không? Không. Thấy có mình thật mới thấy thật có sanh diệt đến đi. Mình không thật nên sanh và diệt không thật, vì thế nói vô sanh, diệt. Như một đám mây khi tụ lại thì gọi là sanh, lát sau đám mây tan ra thì gọi là diệt. Nó là mây tạm bợ giả dối, đủ duyên hợp hết duyên tan, không có thật sanh thật diệt. Nếu thật sanh thì nó ở đâu sanh ra? Thật diệt thì khi tan nó đi về đâu? Không tìm được ơi, nếu nó có thật thì có chỗ sanh ra và chỗ mất đi. bắt đầu từ không tướng nên đưa đến một chuỗi liên hệ từ Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, rồi đến vô sanh diệt.

Phàm cái gì có sanh có diệt tạm cho là thật có, khi sanh ra gọi là có, khi diệt gọi là không. Không thật sanh, không thật diệt thì làm sao nói có được, nên nói nó là không có. Không có mà có hay không? Có mà không thật có. Ngôn ngữ nhà Phật rất khó hiểu, chúng ta phải thấy thứ tự như vậy mới giải nổi. Đã là không có thì động hay tịch tịnh? Tịch tịnh. Đã là tịch tịnh thì không ô nhiễm, nên nói nó lìa nhiễm. Chỗ lìa nhiễm tịch tịnh đó là Niết-bàn. 

Hệ thống đi từ từ như vậy, nắm vững điều này mới hiểu được nghĩa xứ của Bát-nhã. Đó là lý thú mà Bát-nhã đưa mình tới, đó là chỗ áp dụng trí tuệ Bát-nhã đưa đến rốt ráo là Niết-bàn. Không phải nói Bát-nhã để chúng ta hiểu khơi khơi rồi chấp trước cái này là không, cái kia là có. Đây là chỉ chỗ tu để đi đến Niết-bàn bất sanh bất diệt. Chúng ta tu ngay nơi đó, ngay trên hiện tượng sự vật và con người, dùng trí tuệ Bát-nhã soi rọi một cách thấu đáo; tu Bát-nhã là như vậy. Nếu tu chỉ lo diệt cái này, diệt cái kia, diệt phiền não, chờ chừng nào hết tập đế mới được Niết-bàn, xa quá. Ngay đây, trên tướng nhân, tướng pháp thấy tột cùng lẽ thật, tất cả chấp đều không còn, tâm lìa nhiễm là Niết-bàn. Như vậy là đi thẳng tắt. Đoạn này nói về nghĩa thú, là chỗ ý nghĩa quy tụ thích hợp với trí tuệ Bát-nhã.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật rằng:

– Chỉ có pháp này gọi nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa, hay tất cả pháp đều được gọi là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa? 

Như vậy chỉ có hạn cuộc trong phạm vi Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, không có, tịch tịnh, lìa nhiễm, Niết-bàn là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã, hay tất cả pháp thế gian là nghĩa xứ? Câu hỏi này đi từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng.

Phật bảo:

– Thiện Hiện! Tất cả các pháp cũng được gọi là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. Vì cớ sao? Nghĩa là tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng được gọi là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Tất cả pháp cũng được gọi là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mậtđa. Như nói Không, vô tướng… không phải chỉ hạn cuộc trên một pháp nào, mà nhìn luôn tất cả sự vật là không tự tánh nên gọi là Không, không tướng mạo cố định nên gọi là vô tướng. Như vậy, trùm cả muôn vật đều tương ưng với Bát-nhã. Ở đây Phật nhắm thẳng vào năm uẩn. Đó là năm pháp căn bản của thế gian. Năm uẩn này cũng là nghĩa thú của Bát-nhã.

Thiện Hiện! Thế nào nói tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng được gọi là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa? Thiện Hiện nên biết, như chân như thậm thâm nên sắc thọ tưởng hành thức cũng thậm thâm. Thế nên, tất cả sắc thọ tưởng hành thức cũng được gọi là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Như sắc chân như thậm thâm nên sắc cũng thậm thâm. Như thọ tưởng hành thức chân như thậm thâm nên thọ tưởng hành thức cũng thậm thâm. Thế nên, tất cả sắc thọ tưởng hành thức cũng được gọi là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu ở chỗ không có sắc gọi là sắc thậm thâm. Nếu ở chỗ không thọ tưởng hành thức, gọi là thọ tưởng hành thức thậm thâm. Thế nên tất cả sắc thọ tưởng hành thức cũng được gọi là nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Sắc thọ tưởng hành thức, năm thứ đó như chân như. Trên nói nghĩa xứ tương ưng tịch tịnh lìa nhiễm, Niết-bàn. Niết-bàn không còn sanh diệt, không còn đổi thay, không chân như là gì? Các pháp đều đi đến chỗ cứu cánh là chân như, chân như không rời các pháp nên nói như chân như. Chân như thậm thâm, năm uẩn cũng thậm thâm. Như vậy năm uẩn là nghĩa xứ tương ưng với Niết-bàn, tức tương ưng với Bát-nhã.

Đức Phật chỉ dạy điều gì cũng trở lại trọng điểm là con người. Nói con người thì nói về năm uẩn là yếu tố hợp thành con người, cứu cánh của nó là chân như. Cứu cánh của năm uẩn là chân như, nơi con người có năm uẩn, vậy nơi con người có chân như hay không? Có. Dùng trí tuệ Bát-nhã soi thấu bản chất con người để không kẹt tướng hư dối, để lần lần đạt tới chân như, đến Niết-bàn bất sanh bất diệt. Chúng ta tụng Bát-nhã thường nghe câu chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Không đó không phải là không ngơ, không trơn, mà là không có tướng cố định, không thật là năm uẩn. Quán chiếu như vậy sẽ qua hết mọi khổ nạn. Không phải dùng trí Bát-nhã để soi xét quán chiếu những gì xa xôi bên ngoài, mà chính soi ngay nơi năm uẩn của mình, thấy rõ năm uẩn của mình. Từ năm uẩn đó đạt được nghĩa chân như, năm uẩn tức là nghĩa xứ tương ưng với Bát-nhã.

Đoạn trên nói như chân như thậm thâm, sắc cũng thậm thâm là đứng về mặt chân như để nhìn qua sắc. Đoạn dưới nói như sắc chân như thậm thâm nên sắc cũng thậm thâm là đứng về mặt sắc để nhìn lại chân như. Chẳng khác nào từ cái bàn chúng ta phân tích để tìm ra lý không tướng của nó, rồi từ lý không tướng nhìn ra tướng duyên hợp. Đó là ở hai góc cạnh để nhìn sự vật. Như vậy nơi chúng ta có cái thậm thâm vi diệu, bây giờ sống với cái thậm thâm vi diệu, hay sống với cái thô thiển vô thường sanh diệt? Nếu sống với vô thường sanh diệt thì không nhận ra thậm thâm vi diệu ở trong.

Tóm lại, ý đoạn này ngài Thiện Hiện hỏi về nghĩa xứ tương ưng với Bát-nhã mà chư Bồ-tát ứng dụng tu chứng được viên mãn công đức. Đức Phật chỉ nghĩa xứ đó là Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, không có, tịch tịnh, lìa nhiễm, Niết-bàn. Chẳng phải Bát-nhã chỉ có những danh từ đó, phải nhận ra ngay nơi năm uẩn là nghĩa xứ tương ưng với Bát-nhã. Tất cả pháp đều là chân như, chân như tức là tất cả pháp, hai cái không rời nhau.

Thiện Hiện bạch Phật:

– Thế Tôn! Phương tiện rất đặc biệt vi diệu ngăn dẹp các sắc hiển bày Niết-bàn, ngăn dẹp thọ tưởng hành thức hiển bày Niết-bàn. 

Phật bảo: 

– Thiện Hiện! Đúng thế! Đúng thế! Như lời ông nói. Thiện Hiện nên biết, chư Bồ-tát ma-ha-tát nên đối với nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế suy xét kỹ càng, nên nghĩ thế này: Ta nay nên như lời dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa mà học. Ta nay nên như Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm đã nói mà học. 

Thiện Hiện nên biết, nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay đối nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế suy xét kỹ càng, như lời dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa mà trụ, như lời dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa mà học. Bồ-tát ma-ha-tát này do y Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế suy xét kỹ càng, tinh tấn tu học cho đến một ngày, được phước vô lượng vô biên. Như người nhiều tham dục lại hay xét nét, cùng người nữ đẹp hẹn giờ gặp gỡ. Người nữ kia bị việc trở ngại không thể đến được, người này bị dục tâm thiêu đốt liên tục. Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Người này dục tâm do chỗ nào khởi? 

Thiện Hiện thưa: 

– Thế Tôn! Người này dục tâm do người nữ khởi động. Nghĩa là họ nghĩ thế này: Sao người đẹp không đến cùng ta vui vẻ khoái lạc? 

Phật bảo: 

– Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Người kia trông không được một ngày một đêm chừng bao nhiêu niệm dục sanh? 

Thiện Hiện Thưa: 

– Bạch Thế Tôn! Người này một ngày một đêm dục niệm rất nhiều. 

Phật bảo: 

– Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa suy xét kỹ càng, tinh tấn tu học, cho đến một ngày, sẽ vượt khỏi kiếp số sanh tử lưu chuyển, cùng đồng số niệm khởi dục của người tham dục kia chờ đợi người đẹp một ngày một đêm. 

Đây nói về người biết học, biết trụ Bát-nhã, y theo đó tu hành thì công đức hơn tất cả những người làm công đức khác. Tôi đi từ từ theo ý của đoạn kinh này. Trước tiên, chủ yếu phải trụ, phải học Bát-nhã, nhờ y theo Bát-nhã mà trụ, mà học, tinh tấn tu hành nên được phước đức vô lượng vô biên.

Phật dùng thí dụ người nhiều tham dục hẹn hò với cô gái đẹp. Khi người kia không tới, trong một ngày một đêm tâm niệm của người này sanh khởi bao nhiêu dục? Không nói đến tham dục, giả sử người thân của mình đi đâu mà hẹn ngày đó về, đúng ngày hẹn không về, mình ngồi nhà trông một ngày một đêm, khởi niệm nghĩ về người đó, chuyện này chuyện nọ, chừng bao nhiêu lần? Nhiều lắm. Như vậy để thấy rằng niệm khởi không biết bao nhiêu mà tính, Phật kết luận, nếu người y theo Bát-nhã tu hành tinh tấn chỉ trong một ngày, sẽ tiêu diệt kiếp số sanh tử lưu chuyển đồng như số niệm khởi của người tham dục kia. Diệu dụng biết dường nào!

Chỉ một ngày thôi, một ngày đối với chúng ta không phải là nhiều, từ sớm cho tới chiều y theo nghĩa xứ tương ưng Bát-nhã, trụ trong đó tu học nghiền ngẫm, sẽ vượt qua kiếp số sanh diệt nhiều hơn số niệm khởi của anh chàng trông đợi người đẹp kia. Hôm nào mấy chú thử làm trọn một ngày, đừng có niệm thứ hai nào chen vô hết. Toàn là niệm Bát-nhã, không phải niệm kinh, mà nhìn tất cả pháp cái gì cũng thấy là Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác… Niết-bàn. Thấy thấu đáo tột cùng không chút nghi ngờ, lúc đó tâm lóng lặng, tự nhiên những vọng niệm lăng xăng như kiếp số sanh tử tiêu diệt. Đó gọi là siêng tu học Bát-nhã, vượt khỏi kiếp số nhiều hơn niệm khởi của người tham dục.

Thiện Hiện nên biết, Bồ-tát ma-ha-tát này nương theo Bát-nhã ba-la-mật-đa suy xét kỹ càng, tinh tấn tu học, hay giải thoát tất cả lỗi lầm ngăn ngại Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thế nên, Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa suy xét kỹ càng, tinh tấn tu học, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Bồ-tát nương Bát-nhã tinh tấn tu học hay giải thoát tất cả lỗi lầm làm ngăn ngại Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì tất cả lỗi lầm đều từ si mê, tu học Bát-nhã hay phá dẹp si mê, không còn vọng chấp lỗi lầm.

Thiện Hiện nên biết, nếu Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa suy xét kỹ càng, siêng năng tu học trải một ngày một đêm, được công đức hơn chư Bồ-tát lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa trải số kiếp như cát sông Hằng, hành bố thí công đức vô lượng vô biên.

Đoạn trên nói tu Bát-nhã một ngày mười hai tiếng đồng hồ, đây nói tu Bát-nhã một ngày một đêm hai mươi bốn tiếng. So sánh công đức bố thí vô lượng vô biên trải qua số kiếp như cát sông Hằng, không bằng người y theo Bát-nhã một ngày một đêm tinh tấn tu hành. Đoạn thí dụ này thời gian còn rút ngắn hơn nữa. Bố thí trải nhiều đời như thế thì công đức bao nhiêu? Bây giờ chỉ cần một ngày một đêm tu Bát-nhã, công đức còn hơn công đức đó nữa. Bố thí có giới hạn còn khó làm trọn đời, huống nữa là bố thí trải qua số kiếp như cát sông Hằng, vậy mà công đức không bằng người một ngày một đêm thực hành Bát-nhã không lay chuyển, không bị xen tạp. Chúng ta hy sinh một ngày một đêm cũng dễ, như mấy chú nhỏ ca nhạc kịch thức một đêm cũng được. Tu như vậy so sánh với người lìa Bát-nhã bố thí, công đức hơn rất nhiều. Vì sao? Chú ý chỗ quan trọng là một bên y Bát-nhã tu, một bên lìa Bát-nhã thực hành bố thí. Hơn kém nhau vì có Bát-nhã hay không có Bát-nhã.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa suy xét kỹ càng, siêng năng tu học trải qua một ngày một đêm, chỗ được công đức hơn chư Bồ-tát ma-ha-tát lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa trải số kiếp như cát sông Hằng lấy đồ cúng dường những vị Nhất lại, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai, công đức bố thí vô lượng vô biên.

Chúng ta được vinh hạnh cúng dường những vị thánh như Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát, Phật, đã là một việc hy hữu, ở đây nói chỉ cần tu Bát-nhã một ngày một đêm còn hơn công đức cúng dường kia.

Nên nhớ cúng dường như vậy mà lìa Bát-nhã chứ không phải y Bát-nhã. Đoạn trước là so sánh công đức bố thí ở thế gian, đoạn này so sánh công đức bố thí cho bậc thánh, số kiếp nhiều như cát sông Hằng, cũng không bì được tu Bát-nhã một ngày một đêm.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa mà trụ, trải một ngày một đêm siêng năng tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã, chỗ được công đức hơn chư Bồ-tát ma-ha-tát lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa trải số đại kiếp như cát sông Hằng, siêng năng tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã được công đức vô lượng vô biên. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa đã nói mà trụ, trải một ngày một đêm lấy pháp vi diệu thí các hữu tình, chỗ được công đức hơn chư Bồ-tát ma-ha-tát lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa trải số đại kiếp như cát sông Hằng lấy pháp vi diệu thí các hữu tình được công đức vô lượng vô biên. 

Tu lục độ tương ưng với Bát-nhã và tu lục độ lìa Bát-nhã, hai việc đó hành động như nhau, nhưng kết quả khác nhau. Một bên chỉ tu một ngày một đêm, công đức vượt hơn bên trải qua số đại kiếp như cát sông Hằng, Nếu học đạo mà không khéo nhận định thì đời tu của mình tốn công mà kết quả không có bao nhiêu. Bởi vì y Bát-nhã mà tu, bất cứ tu pháp nào cũng đi tới chỗ cứu cánh Niết-bàn, còn tất cả pháp tu nào lìa Bát-nhã cũng đều nằm trong sanh tử. Còn nằm trong sanh tử thì chừng nào ra khỏi? Đến Niết-bàn tất nhiên là thoát ly sanh tử bao nhiêu kiếp rồi.

Dùng những thí dụ này để thấy hiệu nghiệm của Bát-nhã cao sâu vượt các pháp tu bình thường. Thí dụ một người đêm nào cũng sám hối một muôn lạy tức một vạn Phật, và một người ngồi rất là bình tĩnh, thấy các pháp duyên hợp như huyễn. Nhận xét công phu hai người đó ai nặng nhọc? Người lạy Phật toát mồ hôi, nếu một vạn lạy thì rủn chân khuỵu gối, công phu hết sức nhiều, đôi khi vẫn còn phiền não. Còn người kia ngồi nhìn sự vật, nhìn thấy các pháp như huyễn, rồi cười thôi, nhẹ nhàng làm sao! Rõ ràng tác dụng ở trí tuệ thấy không có gì thật, không chấp cái gì để sanh phiền não. Đó là chỗ tôi nói hết sức gần. Lạy Phật mà không quán chiếu chỉ có phước chứ trí tuệ không tăng trưởng.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, có giác ngộ mới giải thoát; không tăng trưởng trí tuệ làm sao giác ngộ. Nỗ lực dồn tâm trí quán chiếu, đó là trí tuệ sáng suốt. Trí tuệ sáng suốt là bước tiến vào chỗ giác ngộ, chúng ta từ từ dẹp sạch phiền não. Lạy sám hối trọn đời, phước nhiều như quả núi mà hưởng hết rồi cũng bị đọa, không đưa đến giải thoát. Như vậy mới thấy hiệu nghiệm riêng của mỗi lối tu. Nếu học Phật không hiểu được cội gốc đó, thấy ai nhọc sức dụng công mình phục, lạy một vạn lạy mình làm sao nổi! Phục cái công nhưng biết đó không phải mở sáng trí tuệ, trí tuệ không mở sáng thì không bao giờ có giải thoát.

Như một người làm ăn cần kiệm, chắt mót từng đồng từng cắc, trở thành giàu to; còn một người thì chăm chỉ học hành cho trí tuệ mở mang thông suốt. Hai người này, người làm ăn ra tiền giữ tiền cực khổ biết mấy, còn người học kia thấy nhàn hơn. Thời gian của người ăn học bằng thời gian người lập nghiệp, tuy không có tiền của, nhưng khi thành tài biết ứng dụng tạo sự nghiệp. Người chỉ lo làm không mở mang tri thức, tiền của không chắc chắn giữ được, khó nhọc rất nhiều. Còn người có vốn liếng học hành không ai cướp được của họ. Một bên nuôi dưỡng trí tuệ để thành tài, một bên tạo vật chất để thành sự nghiệp, hai bên đều thành công hết. Nhưng khi được rồi, một bên mất, một bên không mất, cùng trong một đời. Đó là nói chuyện thế gian.

Nếu chúng ta tu bằng trí tuệ, hướng đến con đường giác ngộ thì giải thoát bền lâu, còn chỉ dồn công để tu các hạnh lành thì được phước đức, nhưng phước không có trí thì chẳng bền lâu. Sự khác biệt hai bên rõ ràng. Phật so sánh để thấy rõ, nếu lìa Bát-nhã mà tu học thì dù dụng công tới đâu cũng chỉ được phước báo, không được giải thoát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa đã nói mà trụ, trải một ngày một đêm tu ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần và các thiện căn khác, chỗ được công đức hơn chư Bồ-tát ma-ha-tát lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa trải số đại kiếp như cát sông Hằng, tu ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần và các căn lành khác được công đức vô lượng vô biên.

Nếu có người một ngày một đêm y theo Bát-nhã tu tập ba mươi bảy phẩm Bồ-đề và các thiện căn khác, công đức còn hơn người lìa Bát-nhã mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo trải qua số kiếp như cát sông Hằng. Ở đây nói chung các pháp tu của hàng Thanh văn, Bồ-tát, nếu cộng với Bát-nhã, chỉ một ngày một đêm, công đức hơn các pháp tu không có Bát-nhã trải qua số đại kiếp như cát sông Hằng.

Chỗ đức Phật nói, mới nghe thấy quá sức tưởng tượng. Hồi xưa giảng kinh Kim Cang, tôi có dùng thí dụ như sáng sớm mặt trời lên, sương còn đọng trên lá cây, có ánh nắng rọi qua lóng lánh như những hạt kim cương. Đem cả trăm ngàn muôn ức hạt kim cương trong lá cây đổi lấy một hạt kim cương thật, chúng ta chịu đổi không? Mới nhìn thấy cũng lóng lánh giống nhau, nhưng mà bao nhiêu đem đổi cũng không đổi hết. Cũng vậy, đem bao nhiêu công đức sanh diệt đổi với công đức giác ngộ giải thoát đều không bì kịp. Phật dùng những thí dụ rõ ràng để chúng ta thấy tu chân thật bằng trí tuệ và tu không có trí tuệ khác nhau như thế,

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa đã nói mà trụ, trải một ngày đêm tu hành các thứ tài thí pháp thí, ở chỗ mang vẻ buộc niệm suy xét trước tu hành các thứ phước nghiệp, cùng các hữu tình bình đẳng đồng có, hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chỗ được công đức hơn chư Bồ-tát ma-ha-tát lìa Bát-nhã ba-la- mật-đa trải số đại kiếp như cát sông Hằng tu hành các thứ tài thí pháp thí, ở chỗ vắng vẻ buộc niệm suy xét trước tu hành các thứ phước nghiệp, cùng các hữu tình bình đẳng đồng có, hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề được công đức vô lượng vô biên. 

Đây nói về công đức hồi hướng. Bồ-tát tu các phước lành, y theo Bát-nhã mà trụ một ngày một đêm, đem công đức tu của mình hồi hướng cho chúng sanh, hơn hẳn người tu hạnh đó vô số kiếp hồi hướng như vậy mà ly Bát-nhã.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa đã nói mà trụ, trải qua một ngày đêm duyên khắp ba đời chư Phật Thế Tôn và các đệ tử có những công đức thiện căn, hòa hợp xứng lượng hiện tiền tùy hỷ, cùng các hữu tình bình đẳng đồng có, hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chỗ được công đức hơn chư Bồ-tát ma-ha-tát lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa trải số đại kiếp như cát sông Hằng khắp duyên ba đời chư Phật Thế Tôn và các đệ tử có những công đức thiện căn, hòa hợp xứng lượng hiện tiền tùy hỷ, cùng các hữu tình đồng có, hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề được công đức vô lượng vô biên. 

Đoạn trước nói hồi hướng công tu của mình, bây giờ hồi hướng khắp hết ba đời chư Phật, các ngài có bao nhiêu công đức mình đều phát tâm tùy hỷ tán thán, và tất cả đệ tử Phật có bao nhiêu công đức cũng tùy hỷ tán thán, hồi hướng công đức tùy hỷ tán thán đó cùng các hữu tình đồng có với mình. Hồi hướng như vậy trong một ngày một đêm ứng hợp với Bát-nhã hơn hẳn những người tu như vậy hồi hướng như vậy trong vô số kiếp mà lìa Bát-nhã.

Ở đây chúng ta tu rất đơn sơ, tối tụng Bát-nhã có ba biến, thì công đức hồi hướng của ba biến Bát-nhã sánh với công đức những người tụng nhiều bộ kinh có nhằm vào đâu? Nhưng khi tụng như vậy khế hợp với Bát-nhã, thời gian nửa giờ cũng bằng mấy tiếng đồng hồ của người ta. Nếu không khế hợp thì không hơn người bao nhiêu. Tụng Bát-nhã mà không khế hợp với Bát-nhã nghĩa là sao? Tụng Bát-nhã mà niệm khởi liên miên, thấy các pháp đều thật có, ngã thật, pháp thật, người thật, tụng hay thật, tụng giỏi thật, đánh mõ đều thật, đánh mõ hay thật v.v.. tất cả đều thấy thật, như vậy công đức nhiều ít? Nếu tụng Bát-nhã chỉ cứ tụng, trí quán thấy ngũ uẩn giai không, trong nửa tiếng đồng hồ công đức không biết bao nhiêu. Nên ráng ứng dụng tu hành làm ít mà ích lợi nhiều; nếu cứ chạy theo hình thức, làm nhiều mà kết quả không bao nhiêu.

Chúng ta phải biết cách tu chân thật khác với cách tu chưa chân thật. Tôi thí dụ như mấy chú ở trong phòng nói chuyện ồn, tôi bước đến, người nào thấy tôi trước liền im, người đó có chân thật không? Im lặng là vì có người lớn tới, nếu người lớn ra rồi thì ồn trở lại.

Như vậy được tịch tịnh khi có người lớn, không có người lớn thì không tịch tịnh. Ngồi thiền cũng vậy, khi có người thì ngồi chăm chăm, khi không có người thì gục lên gục xuống. Đó là tu trên hình tướng để thiên hạ thấy cho vui thôi chứ không thật. Nên ráng thật tu, dù tôi không có mặt mấy chú cũng như vậy, cũng vẫn tịch tịnh, vẫn ngôn ngữ nhẹ nhàng êm ái, vậy đó là hay. Còn đợi thấy tôi mới nhẹ nhàng êm ái thì muộn quá!

Thiện Hiện lại bạch Phật: 

– Như Thế Tôn nói: “Các hạnh đều do phân biệt mà có, từ vọng tưởng sanh, trọn không thật có.” Bởi nhân duyên gì chư Bồ-tát này được công đức vô lượng vô biên? 

Ngài Thiện Hiện bạch Phật, Thế Tôn nói các hạnh đều do phân biệt mà có, từ vọng tưởng sanh trọn không thật có. Các hạnh là không thật, tại sao Phật nói được công đức vô lượng vô biên? Như vậy là Phật xác nhận công đức thật có? Đó là ý vấn nạn cho rõ vấn đề.

Phật bảo:

– Thiện Hiện! Đúng thế, đúng thế, như lời ông nói. Song chư Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm cũng nói các hạnh do phân biệt làm ra, không, vô sở hữu, hư dối chẳng thật. Vì sao? Vì chư Bồ-tát này khéo học nội không cho đến vô tánh tự tánh không, đã quán sát các hạnh thảy đều do phân biệt mà có, không, chẳng thật có, hư vọng không thật. 

Bồ-tát hằng như như quán sát các hạnh đều do phân biệt mà có, không, chẳng thật có, hư vọng không thật, như thế, như thế, bèn không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa; như như không lìa Bát-nhã ba-la- mật-đa, như thế, như thế, được công đức vô lượng vô biên. 

Những chữ này dùng rất chính xác nhưng rắc rối. Đầu tiên Phật xác nhận Thiện Hiện vấn nạn rất đúng. Các Bồ-tát khi tu Bát-nhã cũng thấy như vậy, thấy là các hạnh do phân biệt mà có, đều không, chẳng thật có. Vì các ngài khéo quán nội không, là chỉ cái không bên trong của năm uẩn, sáu căn, còn ngoại không là cái không của sáu trần. Năm uẩn không cố định, sáu trần không cố định, cả năm uẩn và sáu trần trong và ngoài đều không cố định. Cho đến các pháp không tự tánh tức là không một pháp nào cố định. Thấy rõ ràng như vậy, mới biết tất cả đều do phân biệt mà có.

Thí dụ chúng ta gọi đây là đồng hồ, đây là cái khăn, sự thật trên lý không cố định thì không có cái gì là đồng hồ, gì là cái khăn. Mọi sự vật do vọng tưởng phân biệt đặt tên. Chính cái làm thành sự vật đã không thật thì cái tên có thật không? Xét kỹ mọi vật, trăm ngàn thứ tên đều do mình phân biệt mà đặt ra. Khi đặt tên rồi cho mỗi cái tên là thật, nếu dùng trí Bát-nhã mà nhìn thì thấy tất cả là giả danh, tất cả đều duyên hợp hư dối. Đó là cái nhìn chung tất cả thấu đáo tận gốc nguồn. Chúng ta tranh cãi với nhau chỉ trên vọng tưởng phân biệt. Mà đã là vọng tưởng phân biệt thì cãi làm chi? Ngôn ngữ đặt ra tùy địa phương tùy vùng, tạm đặt với nhau không có gì là thật. Buổi đầu con người do ông bà cha mẹ tập quen một thứ tiếng, trở thành ngôn ngữ đặt ra cho mỗi vật. Mỗi người kêu mỗi cách, phải hiểu nhau tiếng đó là cái này, tiếng kia cũng là cái này, một sự vật có cả trăm ngàn thứ tiếng để gọi, không có cái gì là thật, do vọng tưởng phân biệt đặt ra thôi. Giả sử mấy chú học sinh ngữ, học hết tiếng của thế gian, chừng bao nhiêu năm cho xong? Cả đời cũng không hết, dù học được một ngàn thứ tiếng cũng là vọng tưởng chơi thôi. Chỗ chân thật là thấu tột nguồn gốc của các thứ tiếng do vọng tưởng phân biệt đặt ra.

Phật biết tất cả là biết bản chất của mọi sự vật không thật. Như tôi nói tôi biết tâm mấy chú, tất cả tâm dấy lên đều là vọng tưởng. Nghĩ thiện nghĩ ác chỉ là một lớp giả ở trên, bản chất của nó không thật. Người tu thấy tột bản chất của sự vật nên không chấp giả danh giả tướng, trên danh tướng không chấp là cơ hội để tiến tới chỗ chân thật. Chúng ta chấp danh tướng nên cả ngày sống trong điên đảo sanh diệt. Nhìn thấy người này đẹp, người kia xấu, rồi đặt ra tướng này sống dai, tướng kia chết yểu, tướng này có cái này hay, tướng kia có cái nọ dở. Cứ nhìn theo giả tướng mà khen chê chuyện này sang chuyện khác, rối rắm thêm rối rắm. Phải thấy rõ đó chỉ là ngũ uẩn hư dối, thân nào cũng vậy, dù tướng đẹp, xấu cũng là ngũ uẩn duyên hợp, không có gì khác. Biết như vậy thì mọi phân biệt giảm, phân biệt giảm thì tình thương ghét giảm. Như vậy dễ tu hay khó?

Ở đây Phật dạy tất cả các hạnh đều do phân biệt mà có, không tự tánh, không có thật. Bồ-tát hằng như như quán sát các hạnh đều do phân biệt mà có, không, chẳng thật có, hư vọng không thật. Quán sát tức là động, là biến dời tại sao nói như như? Như như nghĩa là nhìn sự vật muôn hình vạn trạng bằng trí tuệ bất biến, thấy tất cả pháp không tự tánh. Khi thấy một trăm vật, vật nào cũng duyên hợp hư dối, lúc đó có phân biệt gì không? Thấy như nhau đâu có khác gì nên nói như như. Như như không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu ứng dụng đúng tinh thần Bát-nhã thấy mọi vật đều là như như, vật nào cũng đều như thế. Nhìn trăm ngàn muôn thứ mà tâm không xao xuyến, không loạn động. Chỗ không xao xuyến không loạn động gọi là công đức vô lượng vô biên. Còn nhìn mọi vật trên giả tướng chấp trước phân biệt hơn thua, lúc đó tạo ra nghiệp sai biệt, không có công đức.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

Vô lượng vô biên có sai biệt gì? 

Phật dạy:

– Nói vô lượng ấy là đối chỗ này lượng nó dứt hẳn. Nói vô biên ấy là đối trong đây đếm chẳng thể hết.

Đo không được, đếm không hết nên gọi là vô lượng vô biên. Vô lượng là chỉ cho thể đo lường không được, vô biên là chỉ cho số không biết bao nhiêu mà kể.

Thiện Hiện thưa: 

– Vả có nhân duyên gì sắc nói vô lượng vô biên, thọ tưởng hành thức cũng nói vô lượng vô biên? 

Phật dạy: 

– Có nhân duyên nên sắc nói vô lượng vô biên, thọ tưởng hành thức cũng nói vô lượng vô biên. 

Thiện Hiện thưa: 

– Do nhân duyên gì nên sắc nói vô lượng vô biên, thọ tưởng hành thức cũng nói vô lượng vô biên? 

Phật dạy: 

– Vì sắc tánh không, nên nói vô lượng vô biên. Thọ tưởng hành thức tánh không, nên nói là vô lượng vô biên. 

Đoạn này phân tích để thấy rõ tính chất của năm uẩn vô lượng vô biên. Vì sao có thể nói như thế? Vì sắc tánh không, nên nói lượng biên, Thọ tưởng hành thức tánh không, nên nói vô lượng vô biên. Chúng ta tu được công đức vô lượng vô biên là vì thấy bản thân năm uẩn vô lượng vô biên. Nếu sự vật có tánh cố định thì không vô lượng vô biên vì có thể đếm được, đo được. Tất cả sự vật không có thể cố định, lấy gì mà đo lường? Năm uẩn cho đến các pháp vô lượng vô biên là như vậy. Công đức lạy Phật muôn lạy thì công đức đo lường được là một muôn lạy công đức. Trí tuệ hằng quán vô biên không ngằn mé, nên công đức không tính đếm được.

Thiện Hiện thưa: 

– Vì chỉ sắc thọ tưởng hành thức là không, hay tất cả pháp cũng đều không? 

Phật bảo: 

– Ta trước đâu chẳng nói tất cả các pháp đều không? 

Thiện Hiện thưa: 

– Phật tuy thường nói các pháp đều không, mà các hữu tình không thể thấy biết giác, nên nay con lại hỏi. 

Phật tuy nói các pháp đều không nhưng các chúng sanh không thấy, không biết, không giác, nên con phải hỏi. Nếu thấy, biết, giác thì ngang đây không còn cãi, ai nói gì cũng cười vui cả ngày. Có gì thật, có gì cố định để bám? Cũng như những đám mây trên trời khi tụ khi tan, khi có hình vật này khi có hình vật nọ… Đổi tới đổi lui, khi đẹp khi xấu, khi xanh khi trắng… Thấy mây như vậy chúng ta có hồi hộp, có buồn vui theo nó hay không? Không. Nó không dính gì với mình nên hợp tan không bận lòng. Nếu thấy cuộc đời như vậy thì có gì phải trách móc phiền giận người này người kia. Công dụng của Bát-nhã là phá tan cố chấp. Thấy đúng như thật không có gì cố định, sanh không thật, diệt không thật thì chấp cái gì? Hiểu như vậy thì phước đức vô lượng vô biên.

Phật dạy:

– Chẳng những sắc thọ tưởng hành thức là không, mà ta nói các pháp thảy đều không. 

Thiện Hiện thưa: 

– Vô lượng vô biên là tăng ngữ cho cái gì? 

Phật dạy: 

– Vô lượng vô biên là tăng ngữ cho Không, vô tướng, vô nguyện. 

Tăng ngữ là lời thêm lên. Vô lượng vô biên là tăng ngữ cho Không, vô tướng, vô nguyện. Nguyên từ Không, vô tướng, vô nguyện mà nói thêm lên là vô lượng là vô biên, đó là tăng ngữ.

Thiện Hiện thưa: 

– Vô lượng vô biên chỉ là Không, vô tướng, vô nguyện hay lại có nghĩa nào khác? 

Phật dạy: 

– Ý ông nghĩ sao? Ta đâu chẳng nói tất cả pháp môn thảy đều là không? 

Không riêng vô tướng, vô nguyện là vô lượng vô biên, mà tất cả pháp đều như vậy.

Thiện Hiện thưa: 

– Như Lai thường nói tất cả pháp môn thủy đều là không.

Phật dạy: 

– Không tức là vô tận, không tức là vô lượng, không tức là vô biên, không tức là các nghĩa khác.

Không tức là vô tận, không tức là vô lượng, không tức là vô biên, không tức là các nghĩa khác. Chính vì các pháp không có tự tánh, nên các pháp là không, đã là không thì không có giới hạn để đo lường, cho nên nói là vô lượng, đã là không thì còn số nào để xác định nên nói là vô biên, chẳng những như vậy, không lại còn bao gồm tất cả nghĩa khác.

Thế nên, Thiện Hiện! Tất cả pháp môn tuy có các thứ ngôn thuyết sai biệt mà nghĩa không khác. 

Thiện Hiện nên biết, các pháp về lý không, đều không thể nói. Như Lai phương tiện nói là vô tận, nói vô lượng, nói vô biên, nói là không, nói vô tướng, nói vô nguyện, nói vô tác, nói vô sanh, vô diệt, nói phi hữu, nói tịch tịnh, nói ly nhiễm, nói Niết-bàn. 

Nói tất cả tên nhưng đều nằm trong lý không, lý không thì tất cả pháp đều không có cố định.

Các thứ nói như thế, pháp môn vô lượng mà nghĩa thật không khác, đều là Như Lai Ứng Chánh đẳng giác vì các hữu tình phương tiện diễn nói.

Tất cả lời nói đều là phương tiện. Như nói vô nguyện, vô tác, thật ra không có người thật thì nguyện cũng không thật, tác cũng không thật, nói vô tác được rồi cần gì nói vô nguyện? Nhưng có nhiều mặt, về mặt ước mơ thì nói vô nguyện, về mặt tạo tác thì nói vô tác, chia chẻ từng mặt cho rõ.

Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Thế Tôn rất kỳ lạ, phương tiện khéo léo, thật tánh các pháp không thể tuyên thuyết mà vì hữu tình phương tiện hiển bày. Như con hiểu nghĩa Phật nói, thật tánh các pháp đều không thể nói.

Tánh thật của các pháp không thể nói. Tại sao? Vì thật tánh các pháp không lập danh tướng, khi có nói năng là lập danh tướng không phải thật tánh. Nếu nói cái này là duyên hợp không cố định thì có thành pháp gì không? Nhưng khi nói đây là đồng hồ, đây là cái khăn thì thành pháp. Đồng hồ, cái khăn có công dụng riêng của nó. Lập thành pháp mới nói được, không có tính cách cố định thì nói sao đây? Như vậy để thấy rằng trên thật tánh thì không có nói năng, có gọi có nói là trên giả tướng giả danh gượng nói để hiểu vậy thôi.

Phật bảo Thiện Hiện: 

– Đúng thế, đúng thế, thật tánh các pháp đều không thể nói. Vì cớ sao? Vì tánh tất cả các pháp đều cứu cánh không, không có người hay tuyên thuyết, nên cứu cánh không.

Tất cả các pháp cứu cánh không, người nói không thật thì nói cái gì? Khi mình là chủ phân biệt khen chê cái này cái kia, đó là chủ phân biệt khách. Bây giờ chủ không thật thì nói cái gì với ai, có gì để nói? Rõ ràng không có người tuyên thuyết nên không có pháp để thuyết. Nên nói rốt ráo không.

Thiện Hiện thưa: 

– Nghĩa không thể nói có tăng giảm chăng? 

Phật dạy: 

– Nghĩa không thể nói không tăng không giảm.

Thiện Hiện thưa: 

– Nếu nghĩa không thể nói không tăng không giảm, thì bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không tăng không giảm. Nếu sáu thứ ba-la-mật-đa này cũng không tăng không giảm thì tại sao Bồ-tát ma-ha-tát tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, hay gần Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? 

Thiện Hiện hỏi lại, đã không tăng không giảm thì không cần cầu, không có chứng. Vì sao có Bồ-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa cầu chứng thượng Chánh đẳng Bồ-đề, hay gần Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Phật trả lời:

– Như thế! Như thế! Bố thí v.v… sáu thứ ba-la- mật-đa này không tăng không giảm cũng không thật có. Song chư Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện khéo léo không nghĩ thế này: “Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế có tăng có giảm.” Chỉ nghĩ thế này: “Duy có danh tướng gọi là bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Bồ-tát ma-ha-tát này khi tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa tác ý đồng hành, cùng y đó khởi tâm và thiện căn, cùng các hữu tình bình đẳng đồng có, hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, như Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Phật vi diệu thậm thâm mà khởi hồi hướng, do hồi hướng phương tiện khéo léo này thế lực tăng thượng hay chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Tác ý đồng hành nghĩa là gì? Như chúng ta khởi quán các pháp như huyễn, đó là tác ý theo tinh thần Bát-nhã. Nếu nghe nói tướng đẹp tướng xấu, mình tác ý khen chê, đó là tác ý nhơ nhiễm. Đồng hành tức là cùng làm, cùng y theo Bát-nhã khởi tâm tu, cùng với hữu tình hồi hướng đạo Bồ-đề. Đây là chỗ không tu mà tu, hiểu cho thấu đáo mới thấy cái hay của nó. Các pháp không thật không tăng không giảm, không có gì để tu tiến tới giác ngộ viên mãn.

Trên lý thì như thế, nhưng phương tiện khéo léo, trên giả danh giả tướng tạo các điều kiện, dùng trí tuệ khởi quán là tác ý, thực hành những điều thiện là đồng hành. Nhờ đó hồi hướng tất cả chúng hữu tình đồng được Chánh đẳng Bồ-đề như Bồ-đề của Phật. Đây là thế lực tăng thượng, có sức mạnh đưa chúng ta mau đến đạo quả vô thượng.

Nếu thấy tất cả pháp như huyễn rồi ngồi ngó chơi, như vậy là vô tình đi tới chỗ tiêu cực, Phải đạt lý mà không chấp lý, tích cực ở chỗ không tu mà khởi tu, chỗ không làm mà khởi làm. Biết tất cả pháp không thật, ngôn ngữ không thật, nhưng ông A chửi ông B, ông B buồn khóc. Với người tỉnh thì ngôn ngữ là giả tướng không thật, nhưng người kia thấy nó thật nên đau khổ, mình phải khởi tâm lành khuyên ông này đừng chửi cho ông kia bớt buồn. Không phải thấy vậy rồi để mặc ai làm gì làm, thằng nhỏ té là huyễn đỡ làm chi, không thấy gì cần phải làm hết! Tuy là tướng giả, nhưng khi người đang mê thấy là thật thì phải giúp đỡ bằng cách đánh thức họ, là khởi tác ý quán các pháp đồng thời khởi tâm hòa hợp thiện căn, mới có sức mạnh đưa mình tới Bồ-đề. Sức mạnh tác ý thiện căn đồng hành là từ bi, nhìn đúng lý là trí tuệ, có trí tuệ mà thiếu từ bi thì không thành Phật.

Học Bát-nhã mà không thấy mấy chỗ này, rất dễ bị chấp lầm: Cái gì cũng không, tu chi cho phiền! Nói lý suông rất dễ, nhưng gặp việc cực khổ không làm được, hiểu và làm không theo kịp nhau. Phật khuyến khích chư Bồ-tát quán các pháp không, vô sở hữu nhưng luôn tu tập sáu pháp ba-la-mật, hòa hợp giữa trí quán và thiện căn mới đưa chúng hữu tình đến Niết-bàn. Hiểu như vậy mới thông tinh thần Đại thừa, nếu không hiểu như vậy thì không thông tinh thần Đại thừa.

Thiện Hiện thưa: 

– Sao gọi là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Phật dạy:

– Chân như các pháp, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. 

Khi sống với thể chân như đó là Vô thượng Bồ-đề. Chúng ta sống với giả tướng giả danh, đó là mê bị nghiệp dẫn trầm luân. Đạt được bản tánh các pháp đó là giác, trở về với lý tánh chân thật không còn bị nghiệp dẫn, tức là như như giải thoát. Mê và giác không hai, trên giả danh giả tướng lầm chấp là mê, thấy thật tánh các pháp không chỗ được là giác.

Thiện Hiện nên biết, vì chân như các pháp không tăng không giảm, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng không tăng không giảm. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nhiều phần an trụ tác ý tương ưng chân như như thế, thì gần Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Tại sao phải tác ý tương ưng với chân như? Vì chúng ta quên chân như của các pháp nên mê, bây giờ phải khởi quán để thấy rõ, gọi là tác ý tương ưng chân như. Cũng như lâu nay chúng ta tưởng năm uẩn là thật, bây giờ thấy rõ năm uẩn này không thật, đó là khởi tác ý. Công phu tu tập nằm chỗ tác ý ứng dụng tu hành.

Như thế, Thiện Hiện! Nghĩa không thể nói, tuy không tăng không giảm mà không thối thất chân như tác ý ba-la-mật, tuy không tăng không giảm mà không thối thất Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề là cái sở cầu. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát an trụ tác ý chân như như thế, tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa liền gần Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Bát-nhã nói không mà không phải không. Nói không tăng không giảm mà không thổi thất chân như. Về lý thì ba-la-mật cũng là giả danh, nhưng nếu không ứng dụng Bát-nhã thì không tới Bồ-đề được. Tuy giả danh mà bố thí vẫn làm, trì giới cũng vẫn giữ, không phải nói giả danh rồi bỏ hết. Nhiều khi không biết, đi ra đường không cần ăn mặc trang nghiêm, cho rằng tu Bát-nhã là phá tướng, mấy thầy ăn mặc trang nghiêm là chấp tướng, như vậy không đúng. Trí tuệ thấy tột cùng mà hình thức vẫn thuận hợp với ba-la-mật, đó mới gọi là tu Bát-nhã.

Bát-nhã ba-la-mật-đa không dùng trí tuệ ứng dụng thì không đi đến đâu. Nội dung phẩm này nói về các pháp không tướng, không tướng là chân như. Người thực hành Bát-nhã đạt đến chân như không tướng là đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Muốn đạt được thì phải tác ý quán chiếu Bát-nhã, đồng thời thực hành lục độ ba-la-mật, mới tới chỗ viên mãn Bồ-đề.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.