Kinh Đại Bát Nhã Trích giảng

Phẩm Hiện Thế Gian giảng giải



Lại nữa, Thiện Hiện! Ví như người nữ sanh rất nhiều con, hoặc năm, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, hoặc trăm, hoặc ngàn; người mẹ kia mắc bệnh nặng, các đứa con mỗi đứa tự đi tìm thuốc cho mẹ đều nghĩ thầm rằng: “Làm sao chữa bệnh mẹ ta chóng mạnh, khiến thân thể khỏe mạnh không bị hoại diệt, được an ổn vui vẻ không có các đau khổ, tất cả thứ vui thích đều đem về cho mẹ ta. Vì cớ sao? Vì người đã sanh dưỡng chúng ta, đối với việc thế gian rất là cay đắng khổ sở.” 

Nghĩ như thế rồi, mỗi đứa con đua nhau tìm phương tiện che chở bảo hộ cho thân mẹ được an ổn, không để cho muỗi mòng, rắn rết, gió mưa, người và phi nhân xúc phạm đến thân mẹ, siêng năng chăm sóc khiến xa lìa các bệnh, sáu căn thanh tịnh không có các buồn khổ. Lại đem các thứ vui thích thượng diệu cúng dường cho mẹ, nghĩ rằng: “Mẹ ta từ bi sanh dưỡng chúng ta, dạy bảo tất cả sự nghiệp ở thế gian, chúng ta không thể quên ơn mẹ được.”

Phật nói thí dụ các người con nghĩ mẹ có công lớn với mình nên làm lợi ích cho mẹ, bảo hộ cho mẹ được an ổn.

Như Lai Ứng Chánh đẳng giác thường dùng các thứ phương tiện khéo léo hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng như thế. Nếu có người thiện nam… Bồ-tát thừa hay đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy xét, diễn thuyết không mỏi mệt, Như Lai cũng lấy phương tiện giúp đỡ hộ niệm khiến không có tổn não. 

Trong các thế giới khác hiện ở mười phương, tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác thương xót làm lợi lạc các hữu tình cũng lấy các thứ phương tiện khéo léo hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa, khiến các ác ma không thể hủy diệt, trụ lâu dài làm lợi lạc tất cả thế gian. Như thế, Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều lấy phương tiện khéo léo hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì cớ sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm hay sanh Như Lai Ứng Chánh đẳng giác, hay hiển bày Nhất thiết trí trí, hay chỉ dạy thế gian thật tướng các pháp, Nhất thiết trí trí cũng từ nơi đó mà sanh. Thiện Hiện nên biết, tất cả chư Phật Thế Tôn thời quá khứ, vị lai, hiện tại đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế mà siêng năng tu học chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, ta xưa cũng nương Bát-nhã ba-la-mật-đa siêng năng tu học chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thế nên, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm hay sanh Như Lai Ứng Chánh đẳng giác, hay hiển bày Nhất thiết trí trí, hay chỉ dạy thế gian thật tướng các pháp. 

Đức Phật chỉ rằng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa là mẹ sanh ra chư Phật. Tất cả chư Phật chẳng những ở một phương mà khắp mười phương đều sanh ra từ Bát-nhã. Chẳng phải chỉ đức Phật hiện tại, mà tất cả Phật quá khứ, vị lai cũng hộ trì Bát-nhã.

Thường thường chúng ta nghĩ Phật nói kinh Bát-nhã, tại sao ở đây lại nói Bát-nhã sanh ra Phật? Bát-nhã chỉ cho trí tuệ thấy đúng như thật các pháp thế gian. Người nào thấy đúng như thật tất cả pháp thế gian thì gọi là Nhất thiết trí trí, là Phật. Đó là nói chư Phật từ Bát-nhã mà sanh.

Nói tới giác ngộ là phải thấy đúng như thật tất cả pháp thế gian. Như ai hỏi gì chúng ta cũng trả lời đúng một trăm phần trăm, đó là trí hay ngu? Là trí. Khi thấy đúng như thật rồi, chúng ta chỉ cho người khác cùng thấy đúng như thật nữa, đó gọi là pháp Bát-nhã từ Phật nói ra. Như vậy Bát-nhã là mẹ sanh ra chư Phật, rồi Phật nói lại Bát-nhã.

Chư Phật sau khi giác ngộ rồi nói pháp lại như thầy giáo. Có ai sanh ra làm thầy giáo liền không? Phải học, học hiểu rồi mới dạy lại cho người dốt. Như vậy đối với học trò, mình là thầy; đối với người dạy, mình là học trò. Cho nên chúng ta thấy đức Phật như người mẹ, nhờ Phật dạy chúng ta tỉnh giác, nên nói ngài là Từ phụ. Nhưng đối với Bát-nhã thì Bát-nhã là mẹ của ngài.

Phật thí dụ người thế gian quý kính lo lắng cho mẹ bao nhiêu, chư Phật đối với Bát-nhã cũng quý kính bấy nhiêu, bởi vì Bát-nhã sanh ra chư Phật.

Nơi nào, người nào có tu học, biên chép Bát-nhã thì được Như Lai bảo vệ gìn giữ, vì đó là bổn phận của các ngài.

Ở đây Phật nói Bát-nhã có ba điểm:

– Thứ nhất là Bát-nhã hay sanh chư Phật.

– Thứ hai, Bát-nhã hay hiển bày Nhất thiết trí trí.

– Thứ ba, Bát-nhã hay chỉ dạy thật tướng của các pháp thế gian.

Đó là những điểm then chốt ở đầu phẩm mà đức Phật nêu lên cho chúng ta thấy.

Thiện Hiện bạch Phật: 

– Thế nào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm hay sanh Như Lai Ứng Chánh đẳng giác, hay chỉ bày thật tướng các pháp ở thế gian? 

Phật dạy: 

– Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa hay sanh Nhất thiết trí trí của Như Lai và các công đức khác nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay sanh Như Lai Ứng Chánh đẳng giác. Hay chỉ bày thật tướng các pháp ở thế gian, nghĩa là hay chỉ bày thật tướng của ngũ uẩn ở thế gian. 

Thiện Hiện thưa: 

– Thế nào Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng của ngũ uẩn ở thế gian? 

Phật dạy: 

– Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày tướng không biến hoại của ngũ uẩn, sắc… ở thế gian nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp ở thế gian. Vì cớ sao? Vì sắc… ngũ uẩn không có tự tánh nên nói là không, không tướng, không nguyện, không tạo, không tác, không sanh, không diệt tức chân pháp giới, những pháp phi không thì bị biến hoại, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Đoạn này hỏi hai điều:

1/ Tại sao Bát-nhã hay sanh chư Phật?

2/ Tại sao Bát-nhã hay chỉ bày thật tướng của các pháp thế gian?

Tại sao Bát-nhã hay sanh chư Phật? Nhờ Bát-nhã mà sanh Nhất thiết trí trí, mà Nhất thiết trí trí là Phật, nên nói Bát-nhã hay sanh chư Phật và các công đức khác.

Chỉ bày thật tướng của các pháp thế gian, các pháp ở đây chỉ thẳng ngũ uẩn.

Đầu tiên đức Phật chỉ bày tướng không biến hoại của ngũ uẩn. Tướng nào là tướng không biến hoại của ngũ uẩn? Vì sao chỉ bày? Vì sắc v.v… ngũ uẩn không có tự tánh. Tự là mình, tánh là cái sẵn có và cố định. Cái nào không sẵn có, không cố định thì không gọi là tánh. Tất cả các pháp tự nó không sẵn có tánh cố định. Vì không tự tánh nên nói nó là không, không tướng, không nguyện, không tạo, không tác, không sanh, không diệt, tức chân pháp giới.

Đây đức Phật nhắm thẳng vào năm uẩn. Trước hết là sắc uẩn tức thân tứ đại. Thân này có sẵn và cố định không? Nếu có sẵn thì ba má khỏi sanh mình. Đợi có ba má mới có mình thì không sẵn rồi. Nếu sanh ra nặng chừng 3kg thì cứ 3kg cho tới chết thôi. Nhưng không phải, từ 3kg rồi lớn dần tới mấy chục ký và cuối cùng già chết. Như vậy thân này mới sanh ra chuyển biến cho đến già chết, không cố định. Sắc uẩn đợi đủ duyên mới có và luôn luôn đổi thay nên không thật. Như mấy chú ở Thường Chiếu thì tạm nói là chư tăng thường trú đây, còn khách vãng lai tới rồi đi, không luôn ở đây. Luôn có ở đây mới là chủ, những người không phải chủ thì chợt đến rồi đi.

Đối với sắc uẩn, chúng ta thấy nó không sẵn có và luôn đổi thay, không thật. Nó không thật nên nói không tự tánh, không cố định, cũng không có tướng. Vì không có tướng nên không nguyện, không tạo tác, không sanh không diệt. Nói không tướng dễ hiểu, nhưng nói không nguyện thì khó hiểu. Nó không tướng thật thì có thể mong ước thế này thế khác được không? Không. Nó không thật thì sự tạo tác của nó cũng không thật. Bởi vậy nên nói không nguyện, không tạo tác. Vì không thật nên sanh cũng không thật sanh, diệt cũng không thật diệt. Nếu thật mới nói đây là sanh thật, diệt thật. Vì vậy nói không sanh không diệt.

Chúng ta khi nói sanh tưởng thật sanh, nói diệt tưởng thật diệt. Bản chất sắc uẩn không thật thì có mặt cũng có mặt không thật, mất đi cũng mất đi không thật. Nếu thấy rõ như vậy tức là không còn lầm lẫn, không lầm lẫn là chân pháp giới, tức pháp giới chân thật. Pháp giới chân thật không phải hình tướng, duyên hợp hư dối.

Những pháp phi không thì bị biến hoại, phi không tức là hữu. Những pháp có hình tướng đều biến hoại. Nên nói Bát-nhã hay chỉ bày tướng của các pháp thế gian, nó hư dối không thật. Nếu biết không thật rồi chúng ta sẽ thấy được cái chân thật của nó, đó là chân pháp giới. Vì vậy nói Bát-nhã hay chỉ bày tướng của năm uẩn.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, hay chứng biết khắp sự lập bày sai biệt của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật tâm hành sai biệt của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Chư Phật nương Bát-nhã mà hay chứng biết khắp sự lập bày sai biệt của vô lượng vô số vô biên hữu tình. Bởi Phật là Nhất thiết trí trí, mà Nhất thiết trí trí từ Bát-nhã được. Nhất thiết trí là thấy tất cả sự sai biệt của vô lượng vô số chúng hữu tình. Do thấy rõ như thế nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày tất cả các pháp thế gian.

Ở đây nói một cách hơi đơn giản là tất cả chư Phật nương Bát-nhã mà biết khắp sự lập bày của vô lượng vô số vô biên hữu tình. Bây giờ chúng ta có thể nương Bát-nhã chứng biết điều đó hay không, có thể biết được sự lập bày đó hay không? Không. Bởi Bát-nhã nói không có một pháp nào sẵn có và cố định, đủ duyên mới có và cái có ấy là một dòng chuyển biến. Do vậy thấy cái gì cũng biết nó do duyên hợp, có trong dòng biến đổi. Đó là biết như thật, là nương Bát-nhã mà biết.

Kế đến là biết hết tâm hành sai biệt của vô lượng vô số hữu tình. Như bây giờ tôi có biết tâm hành sai biệt của mấy chú không? Tôi biết tất cả tâm hành sai biệt của mấy chú đều hư dối, không có cái nào thật. Đúng không? Tôi đâu cần biết tâm thương, tâm sân, tậm hận của mấy chú làm chi. Chỉ cần biết bản chất mọi tâm hành sai biệt đều hư dối, như vậy là biết đúng như thật rồi. Cho nên nói Bát-nhã biết hết là biết như thế. Đó là biết như thật tâm niệm hữu tình.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình không có tự tánh, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Phật nương Bát-nhã biết như thật vô lượng vô số vô biên hữu tình không có tự tánh, tức không có sẵn tánh cố định nên hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình tâm không có chỗ trụ như hư không, không có chỗ y chỉ, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Ở trên nói tâm hành sai biệt, đến đây nói biết tâm không có chỗ trụ, không có chỗ y chỉ, rỗng rang như hư không. Biết cả hai mặt. Điều này nếu luận kỹ sẽ thấy tâm hành sai biệt của chúng ta cứ chạy theo sắc trần hay tất cả pháp. Bởi đuổi theo nên có thiên hình vạn trạng hư dối. Nhưng bản thể của tâm có chỗ trụ không? Nếu khi tâm hành lặng rồi, nó rỗng rang như hư không, không có chỗ y chỉ. Biết được mặt hư dối và mặt chân thật của nó là nương nơi trí tuệ này mà biết.

Vậy tâm không có chỗ trụ. Đã không có chỗ trụ vì sao cứ trụ hoài? Như thấy người dễ thương liền trụ người đó, món đồ ăn ngon thì trụ đồ ăn v.v… thấy cái gì trụ cái nấy. Nguyên tâm là thênh thang không chỗ trụ, nhưng chúng ta không sống được với nó, cứ đuổi theo sáu trần bên ngoài, nên thành ra trụ. Chúng ta tu là làm gì? Là trở về vô trụ. Mình đang trụ những cái không đáng trụ, đó là tâm hành sai biệt. Nếu tâm hành sai biệt lặng xuống thì trở thành vô trụ. Đó là chân thật.

Tâm hành sai biệt có bóng dáng nên sanh diệt. Chỗ vô trụ, không y chỉ có bóng dáng gì, sanh diệt hay không sanh diệt? Bát-nhã chỉ cho chúng ta biết rõ những điều đó. Tu không phải là chuyện mơ ước xa xôi huyền hoặc đâu đâu, mà chính là đừng bị tâm hành sai biệt lôi dẫn, hằng sống với tâm vô trụ. Khi sống được với tâm vô trụ rồi thì không còn bị sanh diệt nữa. Không còn sanh diệt gọi là Niết-bàn. Vậy Niết-bàn tìm ở đâu? Nếu khởi tâm tìm Niết-bàn thì càng xa Niết-bàn. Nếu mình biết tâm hành sai biệt là gốc tạo nghiệp thì sống với tâm vô trụ. Sống với tâm vô trụ là chân thật. Cho nên học Bát-nhã gần với thiền vô cùng. Tổ Lâm Tế thường tán thán đạo nhân vô y là đạo nhân không có chỗ nương.

Ở đây nói tâm vô trụ chính là đạo nhân vô y vậy. Hiểu thế mới thấy tu thiền không khác lời Phật dạy trong kinh, không phải chư tổ đặt ra. Nghe tên dường như khác mà bản chất không phải hai.

Bát-nhã chỉ cho chúng ta thấy cả hai mặt: sanh diệt và không sanh diệt. Thấy rõ được cái sanh diệt, cái chân thật đó là Nhất thiết trí. Chúng ta tu là thấy tâm hành sai biệt hư dối, nó lặng xuống mình biết có tâm vô trụ. Như vậy là biết cả hai mặt giả và thật. Thấy cái giả không theo, sống với cái thật. Chúng ta mê hay giác? Giả mà biết giả là giác; giả hết, thấy thật cũng là giác. Nên nói tu thiền là tu bằng trí tuệ Bát-nhã.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật tâm lược của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, vì tận, vì ly, vì không có tánh của tâm lược, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Đoạn này giải thích về tâm hành sai biệt của chúng sanh. Trong khi giải thích kể ra từng thứ, từng thứ. Đầu tiên nói tâm mờ tối hay sơ sài của chúng sanh mà Như Lai thấy biết được như thật tâm đó. Tại sao thấy biết được như thật tâm đó? Nói rằng tâm đó là tận, là ly, không có tánh cố định nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp.

Như nói người đó ngu quá! Tiếng ngu ấy thật hay không thật? Nếu ngu là thật thì không bao giờ hết được. Người đó ngu dại vì không học hành, không ai hướng dẫn. Bây giờ được học hành, có người hướng dẫn thì cái ngu ấy giảm bớt. Tâm mờ tối không thật, vì nó là tận, là ly; tận là hết. Nó sẽ hết, sẽ lìa, không cố định, bởi không cố định nên nói Bát-nhã chỉ thật tướng các pháp thế gian.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật tâm tán của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, vì pháp tánh, vì không có tánh của tâm tán, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Tâm tán là tâm tán loạn chạy ngược chạy xuôi, có nhiều người than không biết tu đến chừng nào hết tâm tán loạn này. Nhưng tâm tán loạn này bản chất không thật. Vì pháp tánh không có tánh của tâm tán. Pháp tánh là cái cố định của các pháp, mà tán là động, tán không cố định nên không có tâm tán loạn thật. Tâm tán loạn không thật vì bản chất của pháp tánh không có động. Biết rõ bản chất của tâm tán loạn không thật, không quyết định nên hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Người tu tâm tán loạn nhiều phải làm thế nào? Biết vọng tưởng không thật, có sợ không? Có khi nào người ta thấy cọp giấy mà run đâu. Bản chất nó không thật thì không sợ, nếu sợ chẳng khác nào sợ cọp giấy.

Nếu sợ cọp giấy chẳng khác nào con nít ba bốn tuổi, không phải người lớn.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật các tâm ô nhiễm của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, vì không thể chỉ bày, vì tâm nhiễm không tánh, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Tại sao tâm ô nhiễm không thể chỉ bày? Vì tâm ô nhiễm không thật làm sao chỉ bày. Cái thật mới chỉ bày được. Thí dụ cái đồng hồ thật đang nằm ở đâu, hoạt động thế nào, mình chỉ được. Còn cái bóng trên màn bạc vừa thấy nó mất, làm sao chỉ. Cái nhiễm này không có tự tánh, không sẵn có, không cố định. Hiểu được chỗ này bớt buồn một chút. Như người trẻ tu thấy sắc đẹp có nhiễm không? Nếu nó thật chắc rầu lắm, không biết làm sao tu được. Vì cái nhiễm không thật nên hy vọng một ngày nào đó nó hết. Biết rõ bản chất nó không thật thì không sợ. Đó là thấy đúng tinh thần của Bát-nhã.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật tâm không nhiễm ô của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, vì bản tánh tịnh, vì không có tánh tạp nhiễm, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Biết rõ tâm không nhiễm ô. Tại sao? Vì bản tánh tịnh không có tạp nhiễm, tạp nhiễm chỉ là duyên giả dối thôi; trên bản tánh của các pháp, nguyên nó là thanh tịnh.

Đã thanh tịnh thì không nhiễm ô là đương nhiên rồi. Như nước nguyên là trong, tại sao trong? Vì bản tánh nó không nhiễm. Nếu chúng ta múc một thùng nước đục ở ao hồ lên, quậy phèn cho lóng, mọi tạp nhiễm lắng xuống, nước vẫn trong nguyên vẹn. Vậy tất cả nhiễm ô không thật, khéo gạn lọc thì sẽ hết. Cũng thế với tâm nhiễm ô, chúng ta khéo tu, khéo lắng thì cái chân thật hiện bày. Đó là thấy được lẽ thật của tâm.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có hạ tâm, vì không thể an ổn, vì không tánh hạ tâm, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Tâm thấp tức là tâm tự khinh. Tâm đó có cố định không? Ở đây nói vì không thể an ổn, vì không tánh hạ tâm. Tại sao không thể an ổn? Bởi vì nếu có hạ tâm tức là tâm thấp, cho mình là kẻ hạ liệt nên không an ổn. Nhưng bản chất tâm hạ liệt không cố định, không thể còn mãi, nên nói biết được pháp thật của thế gian.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có những cao tâm, vì không thể lượng xét, vì không tánh cao tâm, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian 

Cao tâm tức là tâm cao ngạo. Cao thấp là trên vọng tưởng phân biệt thôi, đứng về thể thì bình đẳng nói gì cao thấp, nên không thể lượng xét được. Bát-nhã chỉ cho chúng ta thấy thật tướng các pháp thế gian như vậy.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm hữu lậu, vì không tự tánh, vì không phân biệt, vì không tánh hữu lậu, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Biết tâm hữu lậu của chúng sanh không có tự tánh, không cố định, không phân biệt, không thật. Thấy như vậy nên nói Bát-nhã chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm vô lậu, vì không tự tánh, vì không kỉnh giác, vì không tánh vô lậu, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Tâm vô lậu cũng không có tự tánh, nếu vô lậu sẵn có tự tánh thì không có tâm hữu lậu. Bởi nó không cố định nên khéo tu, tâm hữu lậu sẽ trở thành vô lậu. Kỉnh là cảnh tỉnh, kỉnh giác là tỉnh giác. Vô lậu không do kỉnh giác mà thành cho nên nói nó không kỉnh giác. Vì không tánh vô lậu, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Lúc chưa biết tu, tâm chạy theo pháp thế gian tham sân si đủ thứ, đó là tâm hữu lậu. Khi biết tu rồi, mỗi niệm chạy theo thế gian, chúng ta rầy quở cho nó dừng bớt lại. Nhắc nhở rầy quở đó là kỉnh giác, từ đó hết hữu lậu được vô lậu. Vậy vô lậu có phải do kỉnh giác nhắc nhở mà được không? Không. Đâu do kỉnh giác mà thành vô lậu. Vô lậu luôn sẵn như vậy, kỉnh giác là quở rầy tâm chạy theo cái động, động thì không phải vô lậu. Cho nên nói không phải do kỉnh giác mà được. Như người ưa thích món ngon nên thấy món ngon chảy nước miếng. Bây giờ biết tu thì rầy quở nó không cho chảy nước miếng nữa. Quở rầy đó có phải là tâm thanh tịnh không? Không. Nhưng nhờ quở rầy lần lần nó thanh tịnh, chứ không phải quở rầy là thanh tịnh. Hiểu như vậy mới thấy kỉnh giác là phương tiện, nhờ nó dần dần tiến đến vô lậu.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm tham, vì tánh như thật không có tâm tham, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Người ta hay nói tánh tham, nhưng thật ra tham là một thói quen do huân tập, không phải là tánh. Nên biết tâm tham không có tánh, tánh như thật không có tham. Biết thế, gặp người lỡ tham chúng ta tạo duyên cho họ chuyển đổi hoặc thức tỉnh để họ bớt tham.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm lìa tham, vì tánh như thật không có tâm lìa tham, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm sân, vì tánh như thật không có tâm sân, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm lìa sân, vì tánh như thật không có tâm lìa sân, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm si, vì tánh như thật không có tâm si, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm lìa si, vì tánh như thật không có tâm lìa si, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Trên tánh như thật không có tham và lìa tham. Tham và lìa tham là trên phương diện ứng dụng tu hành hoặc mê muội. Biết tu hành thì lìa tham, mê muội thì tham. Sân và si cũng vậy. Tham, lìa tham, sân, lìa sân, si, lìa si, tánh như thật không có những thứ đó. Bởi không có những thứ đó nên Bát-nhã chỉ cho chúng ta biết thấy như vậy.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có tiểu tâm, vì không đến, không đi cũng không hệ thuộc, không tánh tiểu tâm, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Tiểu tâm là tâm nhỏ hẹp. Đây nói vì không đến, không đi cũng không hệ thuộc, không tánh tiểu tâm. Tại sao nói không đến không đi cũng không hệ thuộc? Vì trên tâm thể chân thật không có đến đi, không hệ thuộc. Đã không đến, không đi, không hệ thuộc thì làm gì có tâm cố định nên nói không có tánh tiểu tâm.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có đại tâm, vì tự tánh bình đẳng, xứng với tánh bình đẳng không có tánh đại tâm, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Đại tâm là tâm rộng lớn, vậy tâm rộng lớn có thật hay không? Vì tâm bình đẳng thì đâu có lớn nhỏ, nên không có đại tâm cố định.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có tâm hẹp hòi, vì không khởi phương tiện, không có chỗ hệ thuộc, không có tánh hẹp hòi, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Tâm hẹp hòi là tâm nhỏ mọn, giống như trên tức là thể bình đẳng không có khởi phương tiện, không hệ thuộc nên không có tánh tâm hẹp hòi.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có tâm rộng rãi, không tăng, không giảm, cũng không xa lìa, đã xa lìa, vì không có tánh tâm rộng rãi, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Đoạn này nói về tâm rộng rãi không tăng không giảm, không xa lìa, đã xa lìa. Bởi vì căn cứ trên tâm thể bình đẳng thì không thấy tăng giảm, không thấy xa lìa, đã xa lìa; nên nó không có tự tánh. Không có tự tánh thì nói gì có tâm rộng rãi.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm lượng, vì tự tánh không, vì không có tánh hữu lượng, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Đây nói tâm lượng tức là tâm lường xét. Vì biết rõ tâm lường xét tự tánh là không, cái lường xét đó không cố định, nên không có tâm hữu lượng.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm không lượng, vì không sanh, không diệt, không trụ, không dị, không chỗ y chỉ, như hư không thênh thang, chẳng phải tâm không lượng, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Trên thì nói hữu lượng, đây nói là vô lượng hay không lượng. Tại sao không lượng? Vì không sanh, không diệt, không trụ, không dị, không chỗ y. Vì tâm thể không sanh, không diệt, không trụ, không đổi khác, không chỗ nương, như hư không thênh thang nên không có tâm vô lượng. Ở đây nói bình đẳng, không nói vô lượng hay hữu lượng.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm hữu kiến, vì tự tánh bình đẳng, vì ngũ nhãn không hành, chẳng phải tâm hữu kiến, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Hữu kiến là cái thấy chấp lệch đối với vô kiến. Tự tánh bình đẳng không có thiên chấp. Ngũ nhãn gồm: nhục nhãn là mắt phàm phu, thiên nhãn là mắt trời, tuệ nhãn là mắt Thanh văn, pháp nhãn là mắt Bồ-tát, Phật nhãn là mắt Phật. Năm con mắt đó đều có diệu dụng. Tại sao? Vì trên tánh bình đẳng, năm con mắt đó cũng không thấy nên nhà thiền nói chỗ đó mắt Phật cũng không thấy nữa. Mắt Phật không thấy thì mấy con mắt kia làm sao thấy, nên nói năm nhãn không hành. Trên tự tánh bình đẳng thì năm con mắt không hành. Năm mắt đã không hành thì còn gì nói hữu kiến.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm vô kiến, vì không tướng có thể được, vì lìa các thứ cảnh, vì phi tâm vô kiến, nên nói Bát-nhã ba-la- mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Đây nói vô kiến, tức là tâm không thiên chấp, không dính mắc. Tâm này không tướng có thể được thì nói gì vô kiến? Lìa các thứ cảnh còn gì nói vô kiến. Vì tâm vô kiến không thật nên không tự tánh, không tự tánh nên gọi là phi tâm vô kiến. Nên nói Bátnhã chỉ bày thật tướng của các pháp thế gian.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm hữu đối, vì hư vọng phân biệt nơi cảnh sở duyên, vì không phải tâm hữu đối, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Tâm hữu đối là tâm nhìn theo phân biệt đối đãi. Có đối với không, phải đối với quấy, tối đối với sáng v.v… Tâm hữu đối là hư vọng phân biệt nơi cảnh sở duyên. Hư vọng không thật nói gì là hữu đối, nên Bát-nhã ba-la- mật-đa chỉ bày thật tướng của các pháp thế gian.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm vô đối, vì về mặt như thật không tận cũng không sanh khởi, vì không tâm vô đối, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Vô đối là không còn nhìn theo đối đãi nữa. Tại sao không nhìn theo đối đãi? Đứng về mặt như thật tức chân thật không có tận cùng, không sanh khởi. Không tận cùng, không sanh khởi thì nói gì vô đối. Tâm vô đối ấy cũng không thật nữa.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm hữu thượng, vì tánh như thật không có tâm tư lự, vì không phải có tâm hữu thượng, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Tâm hữu thượng là tâm hướng thượng, nhìn lên. Nhưng trên tánh như thật, nó không có tư lự. Đã không tư lự thì nói gì suy xét phân biệt trên dưới, nói gì hướng thượng. Vì vậy nói không có tâm hữu thượng.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm vô thượng, vì lìa các hý luận, một ít phần tâm tánh cũng không thể được, vì không phải tâm vô thượng, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Đoạn trước nói tâm hữu thượng, đoạn này nói tâm vô thượng, tức là không trên. Không trên thì lìa các hý luận, các thứ bàn luận. Lìa hết lý luận rồi thì còn một ít phần tâm tánh cũng không thể được, nói gì có tâm vô thượng? Như vậy trên thể tánh chân thật không có hý luận, không hý luận thì nói gì hữu thượng vô thượng.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm bất định, vì tánh như thật là vô đẳng đẳng, vì không phải tâm bất định, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Tâm bất định là tâm không nhất định, hoặc là thiện hoặc là ác, hoặc Bồ-tát hoặc Thanh văn v.v… không nhất định. Vì vậy nên nói tâm bất định. Tâm bất định có thật hay không? Không. Trên tánh như thật bình đẳng, không có cái gì gọi là cấp bậc, không có gì so sánh được, làm gì có tâm bất định, nên nói không có tâm bất định.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm hữu định, vì tánh như thật bình đẳng, bình đẳng như hư không, vì không phải tánh tâm định, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Tâm hữu định là tâm cố định hoặc thiện hoặc ác, hoặc cố định tu Thanh văn, cố định tu Bồ-tát v.v…

Trên tánh như thật là bình đẳng, đã bình đẳng thì nói gì cố định bậc này bậc kia. Vì vậy nói bình đẳng như hư không. Đã bình đẳng như hư không thì nói gì là tâm định.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình tâm không giải thoát, vì tự tánh xa lìa, vì lấy không làm tánh, vì không phải tâm không giải thoát, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Tâm không giải thoát là tâm của ai? Tâm chúng sanh. Tâm giải thoát có thật hay không? Không. Nếu lấy không tánh làm tự tánh nghĩa là giải thoát, là xa lìa, không dính không kẹt. Bây giờ nói không thể bỏ được, tức khắn khít mãi mãi. Nếu bỏ không được thì ngày mai tắt thở cũng phải bỏ vì bản tánh của nó là xa lìa. Bản chất của sự vật là xa lìa, nói bỏ không được rồi cũng phải bỏ được. Như có người thương cái nhà quá rời không được, nhưng lúc nào đó cũng phải rời.

Nói tóm lại bản chất của các pháp là xa lìa. Chúng ta có muốn thân này rã không? Không. Ai cũng dùng mọi cách để giữ nhưng rồi nó cũng rã. Như vậy bản tánh các pháp nguyên là xa lìa, mà xa lìa là giải thoát chứ gì. Tại vì mình cố giữ không cho giải thoát. Các pháp bản chất nó là giải thoát, không có gì triền phược, tại mình buộc trói, chứ nó không tự trói buộc.

Như mấy chú còn trẻ tuổi thấy người nữ đẹp nói sắc đẹp trói buộc. Sự thật sắc đẹp trói buộc mấy chú hay mấy chú tự trói buộc? Tự buộc. Người ta tới rồi đi, có trói buộc gì mình đâu. Nhưng người ta đi rồi trong đầu mình cứ lảng vảng hình ảnh của họ hoài, đó là tại mình mê muội rồi tự trói buộc. Tự buộc rồi kêu Phật cứu con, con bị trần duyên trói buộc. Bây giờ mình thấy cái gì đẹp, vừa thấy liền bỏ, không quan trọng, xem nó có trói mình không? Thấy cứ ngắm hoài, trói là ở chỗ nhìn tới nhìn lui khen đẹp thế này thế kia.

Tự tánh các pháp là xa lìa, xa lìa là giải thoát. Thân này ngày mai còn không? Những gì mình quý nhất, giữ gìn nhất rồi cũng rã. Tất cả các pháp không gì là không rời, không bỏ. Thân này còn bỏ còn hoại thì có gì không hoại không bỏ? Hiểu vậy rồi cười thôi, đừng cầu làm chi cho mất công. Dù người có tài mấy, có thuốc hay tới đâu, khi hoại nó cũng hoại. Nếu bản chất nó không hoại thì còn hoài, vậy chúng ta thấy cái gì cũng đi tới chỗ xa lìa. Nên nói tự tánh xa lìa, vì lấy không tánh làm tánh, vì không phải tâm không giải thoát. Như vậy ai cũng có tâm giải thoát hết nhưng tại mê muội quá rồi sanh cuồng, chứ không phải tâm không giải thoát. Chúng ta đừng chạy theo tâm cuồng loạn đó là giải thoát, khỏi cầu Phật giải thoát cho mình. Hiểu như vậy an ổn biết là bao nhiêu.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm giải thoát, vì tánh như thật không phải tâm tánh, vì tìm xét cả ba đời đều không thể được, vì không phải tâm giải thoát, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Ở đây nói có tâm giải thoát. Vậy có tâm giải thoát thật không? Bởi vì tánh như thật đó không phải là tâm tánh thì nói gì là tâm giải thoát. Tìm xét trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều không thể được. Đã không thể được thì làm sao giải thoát. Không có tâm không giải thoát thật, cũng không có tâm giải thoát thật. Hiểu như vậy thì biết rõ các thứ đối đãi không thật.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình tâm không thể thấy, vì không tự tánh, vì không thể thấy, vì không chân thật, vì siêu vượt căn cảnh, vì không thể rõ biết, vì không phải viên thành, còn không phải chỗ tuệ nhãn, thiên nhãn nhận thấy, huống là nhục nhãn hay thấy, do tất cả mắt đều không thể thấy nên gọi là không thể thấy, vì cái không thể thấy này cũng không thể được, vì không thể nói, không thể thấy tâm, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Như thế, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. 

Tâm không thể thấy không tự tánh, dễ hiểu rồi. Không thể thấy vì không chân thật, tức là không tướng mạo, dễ hiểu rồi. Tại sao cái không thể thấy đó không chân thật? Bởi vì đối với tâm chân thật thì tâm thể là như như, không phải cái để cho mình thấy. Nếu thấy được thì không chân thật, vì vậy nên nói không thể thấy. Siêu việt căn cảnh, nghĩa là không phải cảnh để cho căn thấy. Không thể rõ biết, tại sao? Mấy chỗ này khó hiểu nhưng thật ra đó là chỗ tu hành của chúng ta. Giả sử tất cả tâm hành sai biệt sạch rồi, lúc đó tâm biết không? Không. Tâm là biết mà khởi tâm biết là đầu thêm đầu. Nên nói vì không thể biết. Không phải viên thành, nghĩa là không phải thành một cách viên mãn. Không phải chỗ của tuệ nhãn cho tới ngũ nhãn có thể thấy, vì tâm thể thênh thang, tất cả mắt đều không thể thấy. Do tất cả mắt đều không thể thấy nên gọi là không thể thấy. Cái không thể thấy này cũng không thể được, nếu nói có một cái không thể thấy thì cái ấy cũng không thể được.

Phần nhiều người tu thường đòi thầy chỉ giùm con thấy tâm chân thật hay thấy tánh. Vậy các tổ tu thấy tánh hay không thấy tánh? Không thấy sao nói kiến tánh khởi tu? Nói thấy là một lối nói gượng, bởi vì nếu thấy nó thì cái đó không phải là mình, vì nó đối diện với con mắt. Con mắt là cái hay thấy, hay thấy hay biết là tâm, cái kia là cái bị thấy, không thể nói tâm là cái bị thấy được. Chỉ tu và khéo nhận thôi, chứ không dùng chữ thấy được, vì thấy là bệnh

Tại sao cái không thể thấy cũng không thể được? Vì không thể nói, không thể thấy tâm, nếu thấy tâm thì tâm nào? Tâm vọng tưởng thì tạm bợ rồi mất, còn tâm thật thì không thể thấy. Mình là mình, làm sao thấy được? Cũng như con mắt thấy được người bên ngoài nhưng con mắt không thấy con mắt. Nếu con mắt thấy con mắt là thấy bóng con mắt trong gương, chứ không thấy con mắt thật. Vọng tưởng bị mình thấy nên nó không phải thật mình. Đó là nguyên tắc để chúng ta biết: cái thấy được thì không phải là mình. Người nói thấy được tâm thể chân thật là thấy cái bóng, chứ không phải tâm thể thật. Khi tất cả điên đảo lặng rồi, tâm thể chân thật tự hiện bày nên không thể thấy được nó. Như vậy trí tuệ Bát-nhã nhìn thấy rõ ràng rành mạch tất cả tâm hành sai biệt. Do thấy biết rõ nên nói mọi tâm hành đều không thật.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc ra hoặc chìm. Thiện Hiện! Thế nào tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc ra hoặc chìm? Nghĩa là tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình tâm vương và tâm sở đều nương nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh; như thế, Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc ra hoặc chìm.

Ra chìm như thế nào? Nghĩa là tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng biết như thật vô số vô biên hữu tình tâm vương tâm sở, đều nương nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh, tức là nương nơi ngũ uẩn mà sanh. Như thế Như Lai Chánh đẳng Chánh giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng vô biên hữu tình hoặc ra hoặc chìm. Ra là giải thoát, chìm là luân hồi. Tất cả chúng sanh tâm vương tâm sở cứ theo năm uẩn mà chấp chặt thì chìm, nếu không chấp chặt thì ra, là giải thoát.

Thiện Hiện! Thế nào các loài hữu tình tâm vương, tâm sở hoặc ra, hoặc chìm đều y sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh? Nghĩa là các hữu tình tâm vương, tâm sở, hoặc y thọ, tưởng, hành, thức chấp Như Lai sau khi chết hoặc có, hoặc không phải có, hoặc cũng có cũng chẳng phải có, hoặc chẳng có chẳng phải chẳng có, đó là chắc thật, ngoài ra đều ngu vọng. 

Hoặc có hữu tình y sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp ngã và thế gian hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc cũng chẳng thường cũng vô thường, hoặc không phải thường không phải vô thường, đây là chắc thật, ngoài ra là ngu vọng. Hoặc có hữu tình y sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp ngã và thế gian hoặc hữu biên, hoặc vô biên, hoặc cũng hữu biên cũng vô biên, hoặc không phải hữu biên không phải vô biên, đây là chắc thật, ngoài ra là ngu vọng. Hoặc có hữu tình y sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp mạng tức là thân, hoặc mạng khác thân, đây là chắc thật, ngoài ra là ngu vọng. 

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình tâm vương, tâm sở hoặc ra hoặc chìm đều y sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh tưởng sai biệt. Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc ra hoặc chìm.

Chỗ này giống kinh Phạm Động. Bốn thứ chấp y cứ theo năm uẩn chấp hoặc có, hoặc không, hoặc không phải có không phải không v.v… Những gì mình chấp cho là đúng đều là ngu, là vọng chấp. Như vậy là chìm. Hoặc có hữu tình y sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh tưởng sai biệt. Ở đây kể thật rõ ràng, hoặc chấp nơi thân mình hay chấp nơi thân Phật, theo cái biết riêng của mình cho đó là chân lý, ai nói khác là sai. Người đó là người ra hay chìm? Chìm.

Nếu y nơi năm uẩn mình và năm uẩn Phật không chấp, không bị kẹt, không bị mắc thì ra hay chìm? Giải thoát. Rõ ràng giải thoát sanh tử là không bị kẹt ở thân năm uẩn; cái chấp thường, vô thường, tất cả chấp đều không dính, không kẹt. Đó là giải thoát. Còn dính còn kẹt là còn trầm luân. Theo tinh thần Bát-nhã là y cứ năm uẩn, tâm vương tâm sở mà chấp là trầm luân, tâm vương tâm sở y cứ năm uẩn mà không chấp là giải thoát.

Thiện Hiện! Thế nào tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng biết như thật vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc ra hoặc chìm? Nghĩa là tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều y Bát-nhã ba-la-mật-đa biết như thật sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều như chân như không hai không khác. Thiện Hiện nên biết, Như Lai chân như tức là ngũ uẩn chân như, ngũ uẩn chân như tức là Như Lai chân như. Vì cớ sao? Như Thế Tôn nói y chỉ ngũ uẩn lập tên thế gian. Thế nên Thiện Hiện, ngũ uẩn chân như tức là thế gian chân như, thế gian chân như tức là quả Dự lưu chân như, quả Dự lưu chân như tức là quả Nhất lai chân như, lần lượt cho đến hạnh tất cả ma-ha-tát chân như tức là chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chân như. Chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chân như tức là Như Lai Ứng Chánh đẳng giác chân như. Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác chân như tức là tất cả hữu tình chân như. Thiện Hiện nên biết, hoặc tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác chân như, hoặc tất cả hữu tình chân như, hoặc tất cả pháp chân như, các chân như như thế đều không lìa nhau, vì không phải một, không phải khác, không phải chung cả một và khác, không tận, không hai, cũng không hai phần, không thể phân biệt. 

Thiện Hiện nên biết, tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng chân như cứu cánh của tất cả pháp mới được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do đây nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm hay sanh chư Phật, là mẹ chư Phật, hay chỉ bày chư Phật cái thật tướng thế gian. 

Thiện Hiện nên biết, tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa hay giác ngộ như thật chân như các pháp, tánh không hư vọng, tánh không biến dị, do giác ngộ như thật tướng chân như nên gọi là Như Lai Ứng Chánh đẳng giác. 

Phần trước nói Bát-nhã sanh ra chư Phật, ở đây lại nói Bát-nhã chỉ cho thấy rõ chân như của năm uẩn tức chân như của chư Phật. Năm uẩn ở trước là chỉ cho năm uẩn thế gian, tức là con người chúng ta hay tất cả chúng sanh. Năm uẩn chúng sanh có sẵn chân như.

Năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức, thường nghe trong kinh nói là pháp sanh diệt, tại sao ở đây nói là chân như? Ngay nơi sắc uẩn, tánh không, không có tướng mạo sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế, không khác tánh không của sắc uẩn. Nếu chúng ta nhận ra được tánh không đó thì không sanh không diệt. Không sanh không diệt thì không đổi dời. Nói năm uẩn chân như là chỉ thẳng cho tánh không cố định của các pháp, gọi là không tự tánh. Tánh không, không có tướng sanh diệt, gọi là chân thật như như, nên nói năm uẩn chân như. Trên giả tướng của năm uẩn thì sanh diệt, còn chân thật của năm uẩn thì không sanh diệt. Đó là nói chân như của năm uẩn.

Ở đây nêu lên chân như của hàng Thanh văn có khác với chúng ta không? Tất cả mọi người trình độ sai biệt, kẻ cao người thấp, có kẻ hiểu rộng người hiểu hẹp, nhưng nếu nhìn tất cả sự vật đừng có một niệm nào xen vô thì cái thấy giống nhau không? Giống. Thí dụ nhìn đồng hồ đừng có niệm nào xen vô thì tất cả đều nhìn giống nhau. Nếu có niệm xen vô thì khác, người đánh giá đồng hồ này đẹp, người nói xấu đủ thứ… Chúng ta gác ngoài mọi huân tập riêng tư thì có cái biết giống hệt nhau, chẳng những con người mà muôn vật cũng vậy. Cái biết giống hệt nhau đó không do huân tập nên không sanh diệt, vì vậy gọi là chân như.

Ở đây nói chân như năm uẩn của chúng sanh với chân như của chư Phật không khác. Giữa chúng sanh và chư Phật đứng về mặt chân như không sai biệt, nhưng đứng về mặt mê giác thì sai biệt. Đoạn này cốt khai triển chân như giữa chư Phật và chúng sanh đồng như nhau. Đồng mà không phải một cũng không phải khác. Nếu một thì chỉ có một chân như không có hai ba, không nói chân như của năm uẩn, của Bồ-tát, của Phật. Đồng mà không phải một, đó là cái đặc biệt của nhà Phật. Bát-nhã có công dụng chỉ cho chư Phật thấy được chân như của năm uẩn và chân như của chư Phật không khác nhau. Thấy rõ như vậy nên nói chư Phật do giác ngộ chỗ đó nên thấy tánh như thật của các pháp, tánh không hư vọng. Do giác ngộ thật tướng của chân như nên gọi là Phật. Ai giác ngộ viên mãn cái đó cũng gọi là Phật.

Học Bát-nhã thấy các pháp là không, huyễn hóa, chúng ta yêu đời hay chán đời? Chán đời tức là tiêu cực. Kinh Bát-nhã là kinh Đại thừa, nói tới Đại thừa là nói tới tính tích cực hoạt động, chứ không chủ trương tiêu cực. Ở đây nói không, là huyễn, là hóa, không có gì thật, làm sao tích cực được?

Phần trước nói thấy tất cả pháp thế gian không có tự tánh nên nói là không, không tướng, không nguyện, không tác v.v… Không tự tánh là không sẵn có, không cố định, đợi duyên hợp mới thành, thành rồi cũng theo duyên chuyển biến. Vì vậy nên muôn vật không tự có và không cố định, nó thế này có thể đổi thành thế kia, hoặc thế kia đổi thành thế nọ, đổi luôn luôn. Thí dụ có người nói tánh tôi nóng quá, họ cho rằng nóng là cái sẵn có, cố định. Khi học Bát-nhã rồi, chúng ta thấy người nói đó như vậy là không đúng. Nóng do huân tập mà ra, không phải là cái sẵn có, không phải cố định, nếu khéo thì sửa được. Hiểu theo lý Bát-nhã biết rõ cái đó có thể đổi thay. Đã đổi được thì nên đổi hay không đổi? Đứng về mặt bản thân thì mọi thứ xấu dở, chúng ta biết có thể đổi thay được, nhất định sẽ tích cực chuyển đổi. Với người, những tập khí xấu của họ mình cũng có thể giúp họ chuyển đổi thì đâu thể gọi là bó tay. Không bó tay, không đầu hàng là tích cực rồi.

Thấy được từ con người đến muôn vật không có gì nguyên vẹn mà luôn theo duyên đổi thay, biết rõ như thế chúng ta có thể làm chủ mình, làm chủ sự vật. Thí dụ biết nước thể lỏng nhưng không cố định, khi gặp nóng khoảng 100°C nó bốc hơi, nếu lạnh 0°C nó đông lại thành khối. Biết vậy rồi, muốn nước đông thành khối thì tạo điều kiện cho lạnh 0°C, muốn thành hơi thì đun tới 100°C, vậy là ta có thể chuyển nó theo ý muốn của mình. Mọi sự vật bên ngoài, nếu biết được điều kiện của nó, mình có thể làm chủ nó. Thấy rõ lý này chúng ta có thể chuyển tất cả sự vật theo ý muốn của mình. Như vậy có nên ngồi than việc đó đành chịu chứ không thay đổi được không? Biết chuyển nó mà không chuyển được là tại tạo điều kiện chưa đúng mức. Những người có tật xấu, nếu mình tạo điều kiện đúng mức thì họ chuyển. Nhưng tạo điều kiện chưa đúng mức nên họ chưa chuyển.

Tất cả đều có thể chuyển biến, tinh thần khoa học nằm chỗ đó. Con người tạo điều kiện cho sự vật chuyển theo ý muốn của họ, từ vật vô ích chuyển thành vật hữu ích, đồ vô dụng làm thành hữu dụng. Nếu không chuyển được mới là bi quan. Như hàng Nhị thừa thấy chúng sanh phiền não nhiều quá nên lắc đầu, độ không nổi, nhập Niết-bàn cho rồi! Bồ-tát thấy tất cả đều chuyển được nên phát tâm tìm mọi cách để chuyển, để giáo hóa chúng sanh khiến họ đều được ngộ đạo. Nên con đường Bồ-tát đạo là con đường tích cực, lạc quan.

Như vậy tất cả sự vật trên thế gian cũng như tất cả người chung quanh, mình có than rằng họ xấu không thể đổi hay than do mình thiếu tài thiếu đức nên chuyển không nổi? Do chúng ta chưa tạo điều kiện đúng mức để họ chuyển, đó là lỗi tại mình. Người thấy được điểm này sẽ quy trọng trách về mình, nên cố gắng chuyển hướng, đó là tinh thần tích cực. Hiểu như vậy, trên đường tu mình không có tâm niệm tiêu cực. Tất cả thói xấu của mình, chúng ta đều sửa được; tật xấu của người khác, mình cũng hy vọng họ sửa được.

Biết được các pháp không tự tánh là một sức mạnh để chuyển mọi sự vật theo ý muốn của mình, Tinh thần Đại thừa nằm ngay chỗ đó, học Bát-nhã là học Đại thừa.

Thấy các pháp tự tánh không cố định, mình hăng hái cố gắng tạo điều kiện chuyển hướng rất mạnh, không chán nản. Tin tưởng điều gì cũng làm được, không bao giờ bất lực. Thấy tất cả chúng sanh và chư Phật đều có chân như, chư Phật sống được với chân như nên là Phật, mình chưa sống được nên còn chúng sanh. Chúng sanh và Phật tuy khác tướng nhưng thể đồng. Chúng sanh và Phật có chân như bình đẳng nên Bồ-tát tu lúc nào cũng nguyện thành Phật chứ không thành La-hán. Tinh thần bình đẳng giúp chúng ta tu nguyện thành Phật viên mãn mới thôi.

Học phẩm này thấy rõ tinh thần Đại thừa trong đó, vậy mà người ta cứ sợ học Bát-nhã cái gì cũng nói không, nói huyễn, nghe buồn chết. Học Đại thừa, nỗ lực cứu độ chúng sanh, tu đến chỗ viên mãn là như vậy.

Thiện Hiện bạch Phật:

Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm chứng được chân như tánh không hư vọng, tánh không biến dị, rất là sâu xa khó thấy khó hiểu, tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều dùng chân như hiển bày phân biệt chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chân như như thế rất sâu xa vi diệu ai hay tin hiểu? Chỉ có Bồ-tát ma-ha-tát ở vị bất thối chuyển và các vị đại A-la-hán nguyện viên mãn, cùng người thiện nam… đầy đủ chánh kiến nghe Phật nói chân như sâu xa này mới hay tin hiểu. Như Lai vì những người kia y tướng chân như của mình chứng, hiển bày phân biệt.

Ngài Thiện Hiện bạch Phật rằng pháp Bát-nhã sâu thẳm chứng được chân như tánh không hư vọng, không biến dị, rất là sâu xa khó hiểu, chỉ có chư Phật mới chứng được, mới tin hiểu pháp vi diệu này. Pháp Phật chứng được đó, chỉ có Bồ-tát ở địa vị bất thối chuyển và những vị đại A-la-hán sở nguyện đã viên mãn, cùng thiện nam thiện nữ đầy đủ chánh kiến, nghe Phật nói chân như sâu xa này tin hiểu. Như vậy pháp chân như không có tánh cố định, rất sâu xa khó hiểu, chỉ hàng Bồ-tát, A-la-hán và người thiện nam, thiện nữ đầy đủ chánh kiến mới có thể hiểu được. Hàng Bồ-tát và A-la-hán hiểu được là lẽ đương nhiên, còn thiện nam, thiện nữ hiểu được đòi hỏi phải có chánh kiến, tức cái nhìn đúng như thật. Đó là lời tán thán của ngài Thiện Hiện.

Phật bảo:

Thiện Hiện! Đúng thế, đúng thế, như lời ông nói. Vì cớ sao? Chân như không tận nên nói sâu xa, chỉ có Như Lai Ứng Chánh đẳng giác vì chúng Bồ-tát ma-ha-tát tuyên thuyết chỉ bày tướng chân như sâu xa không tận khiến sanh tin hiểu.

Phật bảo Thiện Hiện, lời ông nói như vậy rất đúng. Tại sao? Vì chân như không tận nên rất sâu xa, chỉ có Như Lai chứng được Phật quả rồi và chúng Bồ-tát hiểu được tướng chân như sâu xa không tận mới có thể tin nhận. Không tận là không có giới hạn, sao chân như không giới hạn? Đoạn này sẽ thấy ở sau.

Khi ấy, trời Đế-thích và tướng lãnh Dục giới là mười ngàn vị thiên tử, vua trời Đại Phạm và tướng lãnh Sắc giới hai muôn vị thiên tử đều đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới hai chân Phật, lui ngồi một bên, đồng bạch Phật: 

– Như Lai nói các pháp sâu xa lấy cái gì làm tướng? 

Phật dạy: 

– Ta nói pháp lấy Không, vô tướng, vô nguyện, không tạo, không sanh, không diệt, tịch diệt, Niết-bàn, pháp giới làm tướng. 

Vì cớ sao? Vì Phật nói pháp không có chỗ y chỉ, ví như hư không không thể biểu thị. 

Chư thiên đến đảnh lễ bạch Phật: Như Lai nói pháp chân như sâu xa lấy gì làm tướng? Phật nói lấy Không, vô tướng, vô nguyện, không tạo v.v… làm tướng. Bởi vì pháp chân như không có tướng mạo, không có chỗ nương tựa; đã không có tướng mạo, không chỗ nương tựa nên lấy vô tướng, vô nguyện, không tạo, không tác, không sanh, không diệt… làm tướng.

Thiên tử nên biết, Như Lai nói pháp tướng sâu xa không sa vào số sắc, cũng không sa vào số thọ, tưởng, hành, thức, không nương nơi sắc, cũng không nương nơi thọ, tưởng, hành, thức. 

Thiên tử nên biết, Như Lai nói pháp tướng sâu xa thế gian, trời, người, a-tố-lạc… không thể an lập, cũng không thể phá hoại. Vì cớ sao? Vì thế gian, trời, người, a-tố-lạc… đều là tướng. Các cái có tướng đối với cái tướng không tướng không thể an lập, cũng không thể phá hoại. Thiên tử nên biết, Như Lai nói pháp tướng sâu xa không thể lấy tay mà an lập hay phá hoại, cũng không thể lấy các vật khác mà an lập hay phá hoại. Thiên tử nên biết, giả sử có người hỏi: Ai an lập hư không? Ai phá hoại hư không? Hỏi như thế là đúng chăng? 

Các thiên tử thưa: 

– Kia hỏi không đúng. Vì sao? Vì hư không không có hình thể, không có tướng mạo nên không thể an lập, cũng không thể phá hoại. 

Phật bảo: 

– Đúng thế, đúng thế, như lời các ông nói. Thiên tử nên biết, ta tuyên thuyết pháp tướng sâu xa cũng như thế, không thể an lập, không thể phá hoại Như Lai Ứng Chánh đẳng giác. 

Pháp Phật nói không thuộc về số của năm uẩn và cũng không nương nơi năm uẩn, bởi pháp đó chỉ thẳng thể không sanh không diệt nơi năm uẩn. Chúng ta có giả tướng sanh diệt, nhưng cũng có thật thể không sanh không diệt. Phật nói thật thể không sanh không diệt không có tướng mạo. Vì nó không tướng mạo nên lấy không làm tướng. Bởi không tướng mạo, cái biết như thật đó không đổi thay. Tướng mạo là duyên hợp đổi thay, lý biết đó không đổi thay. Như con mắt nhìn thấy sự vật bên ngoài, sự vật có hình tướng, con mắt có hình tướng mà cái thấy có hình tướng không? Không. Cái thấy không hình tướng nên cái thấy không bị sanh diệt.

Nói cái thấy không sanh diệt thì người mù có thấy không? Thấy, thấy tối. Người điếc có nghe không? Nghe, nghe ù ù trong lỗ tai. Tóm lại ai cũng nghe, cũng thấy.

Cái nghe cái thấy không đợi có con mắt lỗ tai mới có. Thí dụ người mắt sáng ở trong nhà tối, có thấy sáng không? Không. Đợi có ánh sáng mới thấy sáng. Con mắt là cơ quan để hiển thị cái thấy, trời tối đen thì không thấy sáng được. Như vậy để thấy rằng cái có hình tướng bị sanh diệt, cái không hình tướng không bị sanh diệt.

Phật nói lấy cái không làm tướng, vậy cái không đó có giới hạn không? Có hình tướng mới đặt giới hạn lớn nhỏ, còn không hình tướng làm sao đặt giới hạn được, nên nó không giới hạn, không có chỗ nương tựa. Cái không giới hạn, không nương tựa, không hình tướng do ai lập ra và ai phá hoại được? Không ai lập. Bởi sự thật sẵn có nơi mọi sự vật, không đợi ai an lập. Nó không tướng mạo nên cũng không thể phá hoại được. Cái gì có lập ra, có tướng trạng, có phá hoại thì thuộc về sanh diệt. Không lập ra, không phá hoại làm sao sanh diệt, nên nó không thuộc về sanh diệt. Đó là nói rõ ý nghĩa về cái Không, vô tướng, vô tác. Thấy được tánh không đó, chúng ta mới yên lặng tịch tịnh đi tới Niết-bàn. Khi chư thiên nói như vậy, Phật xác nhận là đúng. Chỗ đó Phật thấy biết rõ ràng nên mới gọi là Phật.

Các thiên tử bạch Phật:

– Như Lai giác ngộ các tướng như thế rất là sâu xa khó thấy, khó hiểu. Vì Như Lai hiện giác ngộ tướng như thế, nên đối với tất cả pháp chuyển trí vô ngại. Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác trụ tướng như thế phân biệt chỉ bày Bát-nhã ba-la- mật-đa sâu thẳm, vì các hữu tình họp các pháp tướng phương tiện chỉ bày khiến đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa được vô ngại trí. Bát-nhã ba-la-mật-đa là chỗ thường hành của chư Như Lai. Vì tất cả Như Lai hành chỗ này nên chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì các hữu tình phân biệt chỉ bày. 

Phật bảo: 

– Đúng thế, đúng thế, như lời các ông nói. – Thiên tử nên biết, tất cả pháp tướng Như Lai giác ngộ như thật là vô tướng. Do nhân duyên này ta nói chư Phật được vô ngại trí không ai sánh bằng. 

Đức Phật do giác ngộ các tướng sâu xa khó hiểu, khó thấy nên đối với các pháp được chuyển trí vô ngại. Sau khi được chuyển trí vô ngại rồi, ngài vì các loài hữu tình mà chỉ bày các pháp đó, tức là Bát-nhã cho chúng hữu tình. Đoạn trên là đoạn của chư thiên nói, Phật xác nhận đúng như vậy. Các thiên tử nên biết, tất cả pháp tướng Như Lai giác ngộ như thật là vô tướng. Do nhân duyên này ta nói chư Phật được vô ngại trí không ai sánh bằng. Bởi không tướng nên trí giác ngộ được không tướng, đó là trí vô ngại, không ai bì kịp.

Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện:

– Bát-nhã ba-la-mật-đa là mẹ chư Phật, hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. Thế nên, Như Lai Ứng Chánh đẳng giác y pháp mà trụ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, nhiếp thọ, hộ trì pháp bị y trụ, pháp này tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác y chỉ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, nhiếp thọ, hộ trì. Vì cớ sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa hay sanh chư Phật, hay làm chỗ y chỉ cho chư Phật, hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. Thiện Hiện nên biết, tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác là người biết ơn và hay đền ơn. Nếu có người hỏi: “Ai là người biết ơn và hay đền ơn?” Nên đáp rằng: “Phật là người biết ơn và hay đền ơn.” Vì cớ sao? Vì tất cả thế gian người biết ơn và hay đền ơn không ai qua Phật.

Phật y nơi Bát-nhã mà được giác ngộ nên Bát-nhã là mẹ của Phật, hay chỉ bày pháp thế gian. Phật biết cung kính tôn trọng Bát-nhã bởi vì Phật là do Bát-nhã mà được sanh ra. Như con từ mẹ nên sanh ra, nên kính trọng lại mẹ. Chư Phật cũng vậy, do ngộ lý Bát-nhã mà các ngài thành Phật. Khi thành Phật rồi các ngài đều tôn trọng, cung kính, thọ trì, chỉ dạy, ủng hộ mọi người đều được hiểu Bát-nhã, đó gọi là biết ơn và đền ơn. Hai chữ biết ơn và đền ơn, nếu chúng ta hiểu rõ mới thấy tinh thần Đại thừa ở chỗ này.

Như mẹ sanh ra con, khó khổ nuôi nấng cho con lớn khôn, con nhớ tới công cực khổ của mẹ gọi là biết ơn. Bây giờ muốn đền ơn phải làm sao? Phải tìm đủ mọi cách giúp mẹ được khỏe mạnh, sống lâu. Chư Phật chư Bồ-tát do Bát-nhã mà thấy được tướng chân thật của các pháp thế gian, vì vậy các ngài thành Phật. Sau khi giác ngộ rồi biết ơn Bát-nhã nên phải đền ơn, làm sao cho Bát-nhã sống mãi trên thế gian,

Cũng vậy, do Bát-nhã chúng ta được thấy chân lý các pháp thế gian nên giác ngộ. Khi giác ngộ rồi, chúng ta phải làm sao cho Bát-nhã được bền lâu, đó là đền ơn.

Tinh thần của nhà Phật là biết ơn phải đền ơn. Cho nên chư tổ lúc nào cũng dạy truyền đăng tục diệm, tức là nối đèn tiếp lửa, làm sao cho ngọn đèn Bát-nhã mãi mãi tròn sáng, gọi là biết ơn và đền ơn.

Những vị chứng A-la-hán rồi nhập Niết-bàn, đó là chỉ biết ơn mà chưa đền ơn. Biết ơn là đứng về tinh thần tự giác, còn đền ơn là giác tha. Tự giác, giác tha viên mãn mới gọi là Phật. Chúng ta học ở đây thấy tinh thần Phật nêu ra rất rõ, phải thực hiện tự giác rồi giác tha, hai việc tròn đủ mới gọi là Phật. Ai thiếu một trong hai thứ thì chỉ biết ơn mà không đền ơn.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

Thế nào Như Lai Ứng Chánh đẳng giác biết ơn và đền ơn? 

Phật dạy:

– Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác nương cái thừa như thế, hành cái đạo như thế đi đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, được Bồ-đề rồi, ở trong tất cả thời cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, nhiếp thọ, hộ trì thừa ấy, đạo ấy, chưa từng tạm quên. Nên biết thừa này, đạo này tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đó gọi là Như Lai Ứng Chánh đẳng giác biết ơn và đền ơn.

Đức Phật nương thừa như thế, đạo như thế đến được Bồ-đề. Đạo như thế là Bát-nhã. Nương Bát-nhã được giác ngộ, khi được giác ngộ rồi cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, nhiếp thọ, hộ trì Bát-nhã. Như vậy là biết ơn đền ơn.

Lại, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa hiểu tất cả pháp không có tác dụng thật vì không có người năng tác. Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa hiểu tất cả pháp không có thành biện, vì các hình chất không thể được. Thiện Hiện nên biết, do chư Như Lai Ứng Chánh đẳng giác biết nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế, biết tất cả pháp đều không tác dụng, không thành biện, nên đối với tất cả thời cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, nhiếp thọ, hộ trì chưa từng gián đoạn, nên gọi là chân thật biết ơn đền ơn. 

Phật thấy tất cả pháp không có tác dụng thật vì không có người năng tác. Thường tất cả sự vật trên thế gian thành hình là do tạo tác, tại sao ở đây nói không tạo không tác? Vì không có người năng tác. Thử hỏi người năng tác có thật hay không? Không. Người năng tác không thật thì sở tác làm sao có thật. Bởi vậy nên nói không có người năng tác, sở tác cũng không thật. Nói không tạo không tác là đứng về mặt con người mà nói, vì con người không thật.

Đứng về mặt thế gian, nhìn bằng trí Bát-nhã thì thấy tất cả thế gian từ quả đất cho tới cây cỏ núi sông v.v… do ai tạo ai tác? Đã do duyên thì không ai tạo ai tác. Ngày xưa mình nói do tạo hóa hay Thượng đế tạo tác, sanh ra con người, thế giới… nên có tạo có tác. Bây giờ thấy tất cả đều do nhân duyên sanh thì làm sao có tạo có tác, ai làm chủ mà có tạo tác. Như vậy nếu biết rõ lý nhân duyên thì không nói tạo tác. Đủ duyên nó hợp, thiếu duyên nó tan, không tạo tác thì có gì mà ước nguyện. Vì vậy nói vô tướng, vô tác, vô nguyện v.v… Nói thế để thấy rõ tinh thần ở đây không có tác dụng thật, không có người năng tác thật.

Hiểu được lý nhân duyên, chúng ta thấy trong vũ trụ này, muôn sự muôn vật trên thế gian, không có ai tạo tác ra nó. Đủ duyên thì thành, thiếu duyên thì hoại, nên nói không tạo không tác. Con người cũng do nhân duyên, không chủ, vô ngã. Không chủ nên không tạo, không tác. Các pháp từ duyên sanh, không tự tánh nên không cố định, không chủ thể.

Các sự vật không có thành biện, thành tựu. Tại sao? Vì bản chất của nó không thể được. Như cái đồng hồ có thành biện không? Con mắt phàm tục thì thấy cái đồng hồ là thành, mai mốt hư rã thì hoại. Nhưng xét tột lý của nó, đồng hồ không có cái “thành” thật vì do từng bộ phận ráp lại, không có cái nào nguyên là đồng hồ. Thành đồng hồ là giả tướng tạm do nhiều thứ hợp lại, không có gì thật để mà thành. Hiểu được lý đó mới thấy các hình chất không thể được, tức là không có gì thật.

Như vậy nhìn cho tới cuối cùng mọi sự vật, có cái gì hình chất cố định không? Từ cái lớn cho tới cái nhỏ, xét kỹ càng không có gì là nguyên vẹn cố định hết. Không nguyên vẹn cố định nên cuối cùng nó thành bụi bặm, thành hư không. Vậy nhìn ở hai mặt thấy rõ ràng không có năng tác và sở tác. Không có hình chất cố định thì không có thành tựu cố định. Hiểu được lý này là từ Bát-nhã. Vì vậy đức Phật tôn trọng, biết ơn và đền ơn Bát-nhã.

Lại, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa được chuyển trí không tác, không thành, không sanh, lại hay biết nhân duyên không chuyển này. Vì thế, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm hay sanh Như Lai Ứng Chánh đẳng giác, cũng hay chỉ đúng thật tướng của thế gian.

Đức Phật nói nương Bát-nhã mà được chuyển trí, không tác, không thành, không sanh. Vì có tác thì có chủ, trí này thấy các pháp không tự thể thì làm gì có chủ, làm gì có thành, nên nói không tác, không thành, không sanh. Lại hay biết nhân duyên không chuyển này, thấy nhân duyên không chuyển này nghĩa là thấy rõ người nào thấu đạt được lý pháp không có tự tánh thì được chuyển trí không tác, không thành. Không biết như thế thì người đó không được chuyển trí này.

Người giác ngộ lúc nào cũng thấy cả hai mặt, sanh diệt và không sanh diệt. Phật thấy do mười hai nhân duyên mà chúng sanh luân hồi trong lục đạo, rồi thấy do dứt mười hai nhân duyên mà chúng sanh ra khỏi lục đạo. Thấy chiều lưu chuyển và thấy luôn chiều hoàn diệt. Thấy cả hai mặt như thế là thấy viên mãn. Chư Phật do trí tuệ Bát-nhã chuyển được thành trí không tác, không thành, không sanh.

Thiện Hiện thưa:

– Như Lai thường nói tánh của tất cả pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy, tại sao lại nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hay sanh Như Lai Ứng Chánh đẳng giác, cũng hay chỉ đúng thật tướng của thế gian? 

Phật nói không sanh, không khởi, không biết, không thấy, rồi lại nói sanh nói chỉ, vậy là mâu thuẫn rồi, nên Phật trả lời:

– Lành thay! Lành thay! Ông hay hỏi Như Lai nghĩa sâu như thế. Đúng thế, đúng thế, như lời ông nói. Tánh tất cả pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy, y thế tục mà nói thì Bát-nhã ba-la-mật-đa hay sanh Như Lai Ứng Chánh đẳng giác, cũng hay chỉ đúng thật tướng của thế gian. 

Thiện Hiện! Tại sao tánh của tất cả pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy? Vì tất cả pháp là không, không có, không y chỉ, không hệ thuộc. Do nhân duyên này không sanh, không khởi, không biết, không thấy. Thiện Hiện nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm tuy hay sanh Phật, chỉ bày tướng thế gian, mà không sanh, không chỉ. Thiện Hiện nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa không thấy sắc, nên nói chỉ tướng sắc, không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên nói chỉ tướng thọ, tưởng, hành, thức. Do nghĩa như thế, Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Kinh Tại sao chỗ khác nói các pháp không có tự tánh, ở đây lại nói tánh của tất cả pháp, vậy tánh của các pháp là gì? Chỗ này nếu không khéo sẽ lúng túng vô cùng. Nói các pháp không tự tánh vì không có pháp nào sẵn có, cố định, nên các pháp lấy không tánh làm tự tánh. Cái không tánh đó không sanh, không khởi, không biết, không thấy. Sở dĩ nói sanh ra chư Phật, hay chỉ bày thật tướng của thế gian là đứng về mặt thế tục mà nói, chứ không phải đứng về tánh của các pháp mà nói. Nói tánh của các pháp là chỉ cho đệ nhất nghĩa đế, chứ không phải thế tục đế. Hiểu vậy mới thấy những câu này không mâu thuẫn.

Bởi không tự tánh nên nói là không. Vì không hình tướng nên không y chỉ, không hệ thuộc vào cái gì hết. Vì vậy nói y theo đó mà chỉ tướng chân thật của thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Thế nào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không thấy sắc, nên nói chỉ tướng sắc, không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên nói chỉ bày tướng thọ, tưởng, hành, thức? 

Phật dạy:

– Bát-nhã ba-la-mật-đa do không duyên sắc mà khởi thức, đó là không thấy sắc, nên gọi chỉ tướng sắc; không duyên thọ, tưởng, hành, thức mà khởi thức, đó là không thấy thọ, tưởng, hành, thức, nên gọi chỉ tướng thọ, tưởng, hành, thức. Do nghĩa này, Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày thật tướng các pháp thế gian.

Những gì mình thấy mới chỉ được, không thấy mà chỉ là chuyện vô lý. Thành ra những gì chúng ta nghi, ngài hỏi thế cho mình. Nói vì không thấy sắc cho nên chỉ tướng sắc, không thấy tướng thọ, tưởng, hành, thức, nên chỉ bày tướng thọ, tưởng, hành, thức. Bây giờ hỏi lại, không thấy sao chỉ được? Như hỏi cái bàn ở đâu, mình thấy nó mới chỉ được, không thấy cái bàn làm sao chỉ. Ở đây không thấy mà chỉ mới mâu thuẫn.

Bát-nhã ba-la-mật-đa do không duyên sắc mà khởi thức, đó là không thấy sắc nên gọi chỉ tướng sắc. Phần nhiều người ta khởi phân biệt là do duyên hình tướng mà khởi. Bây giờ chúng ta nhìn sự vật biết nó không cố định, như vậy là căn cứ vào sự vật hay căn cứ vào bản tánh mà biết? Mỗi sự vật bản tánh đều không cố định. Nếu nhìn sự vật nói cái bàn này lớn, bàn kia nhỏ, đó là nhìn trên hình tướng. Ở đây nhìn cái bàn không trên hình tướng mà nhìn trên tánh không cố định của nó. Nhìn cái gì cũng không cố định, như vậy là không duyên theo hình tướng của nó. Đó là chỉ tướng thật của nó mà không duyên tướng của nó. Dễ hiểu hay khó? Khó.

Không duyên tướng là nhìn sắc, thọ, tưởng, hành, thức trên bản chất không cố định của nó. Như vậy nên nói chỉ tướng thật của sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Như tôi không thấy cái bàn ở đâu, mà có người bảo hãy chỉ tướng thật của cái bàn, như vậy tôi cần thấy hay không cần thấy cái bàn mà vẫn nói được tướng thật của nó? Đâu đợi thấy cái bàn mà vẫn biết nó không cố định.

Như vậy là không đợi duyên tướng mà khởi thức. Hiểu thế mới thấy lý không duyên sắc mà chỉ sắc, không mâu thuẫn gì hết.

Lại, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa hay chỉ bày Như Lai Ứng Chánh đẳng giác, vì thế gian không, vì thế gian lìa, vì thế gian thanh tịnh, vì thế gian tịch tịnh, nên gọi hay chỉ bày thật tướng thế gian. Vì cớ sao? Vì không, xa lìa, thanh tịnh, tịch tịnh là tướng như thật của thế gian.

Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ bày Phật, chỉ bày Như Lai Ứng Chánh đẳng Chánh giác. Tại sao chỉ bày được Phật? Vì thế gian tánh không. Chữ không là không có tự tánh, vì thế gian xa lìa, năm uẩn xa lìa. Nếu nó không xa lìa thì chúng ta không cần uống thuốc hay ăn uống. Nó đã tự đủ tự còn, nhưng sự thật nó muốn hoại luôn. Nếu không thêm các duyên bên ngoài là nó hoại liền, vì bản chất xa lìa. Cái gì đem vô là nó tống ra không giữ được, đó là xa lìa. Như cái bờ đắp ngang qua con rạch, dòng suối. Nếu bờ đó là đá không bể nứt, thì mình có cần bồi thêm không? Không. Nhưng nếu nó là bờ cát, chảy tuột hoài thì người ta cứ bồi hoài. Thân năm uẩn này cũng vậy, chực rã rời, nên chúng ta kiếm thuốc men bồi vào, bồi một lúc rồi cũng rã. Bản chất nó không phải xa lìa là gì?

Nếu biết bản chất thế gian là xa lìa, thì cái biết đó là thanh tịnh. Nó yên lặng không đổi. Nếu thấy đúng với tinh thần Bát-nhã thì ngay trong sanh tử mà thấy Niết-bàn. Thấy thân năm uẩn rõ ràng không bền, không thật thì ngay cái sanh biết nó là vô sanh. Vì thân năm uẩn không thật sanh tức là vô sanh, không thật diệt tức là vô tử. Vậy sanh tử là gì? Là Niết-bàn. Ngay trong sanh tử là Niết-bàn. Người không khéo thấy thân này bại hoại thì sanh buồn chán.

Học xong phẩm này, chúng ta thấy cái hay của tinh thần Bát-nhã. Nó là gốc của Đại thừa. Do thấy các pháp không cố định nên chúng ta hăng hái xông pha, tạo điều kiện để chuyển các pháp như sở nguyện của mình. Hiểu vậy, mình cũng tích cực đối với bản thân, không còn sợ tu không được. Chỉ sợ mình tạo điều kiện không tốt chứ không sợ tu không được. Kế nữa là không sợ giáo hóa người không được. Chỉ sợ mình không đủ tài tạo điều kiện giáo hóa mọi người, chứ không phải người ta không giáo hóa được. Đó là tinh thần Đại thừa nằm sẵn trong Bát-nhã.

Chúng ta thử so sánh xem, ban đầu đức Phật nói về lý nhân duyên trong A-hàm, cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh, cái này diệt nên cái kia diệt. Nói cái này cái kia là nói trong tương đối, do duyên hợp lại thành, chứ không nói tánh không của sự vật. Như nói cái nhà tại sao có? Do gạch, xi-măng, cát, cây, sắt, công thợ v.v… hợp lại thành cái nhà. Đó là giai đoạn đầu.

Đến giai đoạn Bát-nhã không nói như vậy nữa, mà nói phàm cái gì thành hình do duyên hợp lại thì không cố định. Tức các pháp không tự tánh, không sẵn có, không cố định.

Tới bước thứ ba nói các pháp đương thể tức không.

Tới giai đoạn thứ tư thì phàm cái gì duyên hợp, cái đó không chỉ đơn giản một mình nó, trùng trùng muôn lớp duyên khởi, đó là lý Hoa Nghiêm.

Bây giờ nói đơn giản từ một cái đồng hồ. Giả tỷ đồng hồ này có hai mươi bộ phận ráp lại mới thành, nó không cố định. Tánh không của các pháp là chân thật. Từ tánh không, do duyên hợp liền có muôn thứ, nên nói chân không mà diệu hữu. Duyên hợp thành đồng hồ không phải từ hai mươi duyên, mà từ trăm ngàn muôn thứ duyên hợp thành. Nghe càng xa hơn, nhưng có lý không? Chỉ cái đồng hồ mà có bao nhiêu duyên làm thành. Rất nhiều duyên. Người ta nói ông thợ làm ra đồng hồ, chứ thật ra đâu phải một ông thợ. Bây giờ theo lối sản xuất từng khâu thì cái đồng hồ trải qua mấy khâu? Mấy khâu là mấy người, mà mấy người đó có làm thành cái đồng hồ được không? Phải có sắt, có dụng cụ, có vật liệu, rồi liên hệ tới người lấy mỏ sắt, lọc sắt, luyện sắt, người làm nhựa, liên hệ đến bao nhiêu hãng xưởng… đó là liên hệ trực tiếp. Đến liên hệ gián tiếp, anh làm đồng hồ phải có cơm ăn, nếu đói anh có làm được không? Anh ăn no, đủ chưa? Còn phải mặc áo. Vậy thì cơm áo mà anh ăn mặc do ai làm ra? Rồi bà con, cha mẹ sanh ra anh nữa v.v… Như vậy liên hệ không biết bao nhiêu. Vô số. Vì vậy mà nói trùng trùng duyên khởi. Nói vi tế gần rồi lần lần tới xa, rất phức tạp chứ không đơn giản, để thấy sự liên hệ chằng chịt như vậy.

Khi thấy sự liên hệ chằng chịt ấy rồi, chúng ta mới nghiệm ra sự có mặt của mình trong cõi đời này liên hệ tới bao nhiêu chúng sanh. Vì vậy tất cả chúng sanh khổ là mình khổ, chúng sanh vui thì mình vui, vì mình với họ có liên hệ nhau. Thế nên Bồ-tát thấy chúng sanh khổ là Bồ-tát khổ, thấy chúng sanh vui là Bồ-tát vui, không bao giờ tách rời mình với nhân loại. Từ đó chúng ta mới thấy sự tinh tế của kinh điển Đại thừa.

Tóm lại Phật nói:

– Chặng một, cái này có thì cái kia có.

– Chặng hai, tất cả cái có đều không cố định.

– Chặng ba, cái không cố định là chân thật, theo duyên nó có đủ thứ (chân không diệu hữu).

– Chặng bốn, cuộc sống này là chuỗi nhân duyên liên hệ chằng chịt, không tách rời nhau.

Nguyên tắc đầu đơn sơ nhưng tất cả những vi tế sau này đều có liên hệ với cái ban đầu. Cái ban đầu là chân lý, cái sau là phi lý được không? Như vậy để thấy giáo lý Phật dạy từ Nguyên thủy cho đến Phát triển liên hệ chằng chịt không tách rời. Từ căn bản ban đầu các ngài khai triển vi tế lần lần như thế. Đó là điều hay chứ đâu có dở. Hiểu thế rồi mới thấy chúng ta học kinh điển Đại thừa phải biết gốc ban đầu, thấy rõ nền tảng vững vàng.

Giáo lý Đại thừa không phải vô lý, không phải tự ý các ngài khai triển, mà dựa vào gốc ban đầu. Chư tổ khai triển có hệ thống, rất hợp lý. Như Tết ngày xưa, người ta đốt pháo thăng thiên chơi, đốt nhiên liệu rực cháy đẩy viên pháo bay tuốt lên không, nổ bùng ra thành pháo bông. Sau này nguyên tắc đó được ứng dụng chế ra phản lực, hỏa tiễn, phi thuyền… Từ nguyên tắc đơn sơ làm trò chơi mà sau này khai triển thành những hữu ích lớn.

Sự vi diệu, hữu dụng đó là đáng chê hay đáng khen, tiến bộ hay thoái hóa? Tiến bộ. Như vậy mới thấy tinh thần Đại thừa là tốt, nếu không khai triển thì giáo lý Phật trở nên khô khan, giới hạn. Hiểu vậy mình mới không hoang mang, nghĩ điều này Phật nói, điều kia không phải Phật nói. Đức Phật chỉ nói pháp ban đầu thôi, người sau có quyền từ căn bản mà khai triển đúng lý thì không sai. Chúng ta mới thấy giáo lý phát triển và nguyên thủy không hai. Người không hiểu, chê pháp này khen pháp kia thì hết sức cục bộ.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.