Đó là tôi nói thẳng cho quí vị thấy tinh thần tự tứ của ngày rằm tháng bảy. Vì vậy ngày rằm tháng bảy này mới nên làm lễ Vu-lan, tức là Phật tử mới nên cúng dường để theo sở nguyện của mình. Cái sở nguyện được hay không được, đó là vấn đề khác. Nhưng điều đáng chú ý hơn hết là đức Phật đặt trọng vấn đề tự tứ của chư Tăng, mới là ngày quan trọng.
Quí vị nhớ trong kinh Vu-lan, chuyện bà Thanh Đề, nhờ ngài Mục-kiền-liên cúng dườngchư Tăng ngày rằm tháng bảy mới thoát được nghiệp ngạ quỉ mà sanh lên cung trời Thiên Hoa Quang. Như vậy tinh thần cầu nguyện đó ảnh hưởng thế nào với người có tội lỗi? Chỗ này tôi nói thêm cho quí vị thấy tinh thần đạo Phật. Chính những việc làm đó không nằm trong các mê tín mà nằm trong tự giác, tại sao vậy?
Trước tôi xin kể những chuyện khác, dù chuyện này có tính cách ngụ ngôn, nhưng để quí vị thấy tinh thần của đạo Phật. Như đức Phật kể lại tiền thân của Ngài: “Thuở nọ Ngài là một đứa con bất hiếu. Khi Ngài chết rồi vào địa ngục. Ngay trong ngục tối, Ngài thấy ở đàng xa một đóm lửa sáng rực đi đến dần dần tới Ngài. Tới gần Ngài nhìn rõ ra là người đang bị một vòng lửa cháy đỏ rực trên đầu. Người đó la rên thảm thiết. Khi tới gần, Ngài hỏi: Anh ơi, anh làm tội gì mà chịu khổ lắm vậy? Chàng đó nói: Không giấu gì ông, thuở xưa tôi ở nhân gian, vì bất hiếu với cha mẹ, nên giờ đây tôi mới khổ như thế này.
Ngài hỏi: Tới bao giờ anh mới hết tội đó?
Chàng kia đáp: Chừng nào ở nhân gian có người nào bất hiếu như tôi, đến thế cho tôi, thì tôi mới hết.
Vừa nói thì vòng lửa bên đầu anh kia chụp qua đầu của Ngài. Ngài bị đốt cháy đỏ rực, đau khổ quá Ngài rên la thảm thiết. Khi tỉnh lại, Ngài hỏi: Đầu tôi bị vòng lửa đốt cháy như thế này, thưa anh chừng nào mới hết, mới khỏi cái khổ này? Anh kia nói: Chừng nàocó người ở trên nhân gian bất hiếu như ông, xuống thế cho ông thì ông mới hết.
Khi đó Ngài liền nhớ cái khổ bị đốt như thế này đau đớn vô ngần, nếu có người chịu khổ như mình thì tội nghiệp họ quá, chi bằng để một mình mình chịu khổ thôi. Cho nên lúc đó Ngài liền phát nguyện: ‘Nguyện tất cả người trên thế gian, từ đây về sau đừng có ai bất hiếu như tôi, để một mình tôi chịu cái khổ này suốt đời suốt kiếp.’ Ngài vừa nguyện xong, bất thần vòng lửa bay đâu mất. Ngài thấy Ngài sanh lại ở chỗ khác tốt đẹp, không còn vòng lửa nữa.”
Qua câu chuyện đó tuy có tính cách ngụ ngôn nhưng cho chúng ta thấy rõ một khi phát tâm từ bi rộng lớn, phát tâm đạo đức, thì bao nhiêu cái khổ cái xấu tan đi.
Ngài kể thêm một câu chuyện nữa: “Một thuở nọ Ngài cũng là một người đi săn bắn tàn bạo. Ngài chết và rơi vào địa ngục. Khi đó quỉ sứ bắt Ngài kéo trên một chiếc xe cồng kềnh, phía sau có người cầm roi đánh. Ngài kéo nặng nề quá. Kéo qua chỗ tra tấn người, Ngài thấy những người khác bị đánh đập hành hạ đau khổ rên siết quá đỗi. Ngài động lòng thương nguyện rằng: ‘Tôi xin thế tất cả cái đau khổ của những người ở trong đây! Tất cả cái khổ của những người đang chịu, xin để cho mình tôi chịu.’ Ngài vừa phát nguyện như vậy thì tự thấy Ngài không còn ở địa ngục nữa.”
Qua hai câu chuyện trên đó, chúng ta thấy bà Thanh Đề, sở dĩ ra khỏi vòng ngạ quỉkhông phải chư Tăng có tài xuống đó dẫn bà lên. Không phải có một ông Diêm vươnghay ông chúa ngục nào mở thả bà, ân xá cho bà. Cũng không phải ông Phật trên đài senxuống cứu bà, mà chính vì tinh thần sáng suốt và ý chí mạnh mẽ cầu tiến của chư Tăngđồng chung một tâm niệm hướng về bà, mong bà cải đổi tâm niệm xấu xa. Do sự giao cảm đó mà bà tỉnh giác, chính bà tỉnh giác biết được tội lỗi của bà, nên bà hối hận chừa bỏ. Do đó bà thoát khỏi cái khổ ngạ quỉ. Thoát khỏi là do tâm hối cải tỉnh giác chớ không phải do sức bên ngoài bắt mình hay thả mình. Đó là sự thật do tinh thần tỉnh giác của con người mà ra. Chỗ đó đối với quí vị hơi lạ, nhưng sự thật là thế.
Chúng ta thấy rằng tất cả cái khổ là gốc ở mê lầm. Mê lầm nên mới có hiểu sai quấy tự mình thấy mình khổ. Thí dụ chúng ta gặp một người mà mình có ác cảm, thấy mặt họ mình vui hay buồn? Người mà mình có ác cảm thấy mặt họ là mặt đổi sắc, cảm thấybuồn cảm thấy khổ, khi phải đối đầu với họ. Nếu khi đó mình dẹp phiền não, có tâm niệmsáng suốt hơn, và tự hỏi tại sao mình xấu như vậy? Tại sao mình có ác cảm với người ta? Người ta cũng tốt, tại sao mình có niệm xấu với họ. Tự hỏi như vậy là mình có thể vui cười cùng họ và không còn bực bội khó chịu nữa. Quan niệm bực bội khó chịu đó là bởi mình cố chấp, mình ghen ghét, mình xấu xa đối với mọi người. Gặp họ thấy họ là mình cảm như có cái gì bực bội, rồi tự mình chuốc khổ. Hết khổ không phải Phật cứu mình mà chính là nhờ mình đổi được quan niệm của mình.
Đến đây tôi kể một câu chuyện trong Thiền tông. Vị Tổ thứ tư Thiền tông là Tổ Đạo Tín, lúc còn làm Sa-di khi gặp Tổ Tăng Xán (Tổ thứ ba ở Trung Hoa), Ngài thưa: Bạch Hòa thượng dạy cho con phương pháp giải thoát.
Tổ nhìn sững vào mặt hỏi: Ai trói buộc chú?
Ngài quýnh lên không biết ai trói buộc mình. Nhìn lại mình một hồi, Ngài thưa: Bạch Hòa thượng không ai trói buộc con hết.
Tổ bảo: Như vậy cầu giải thoát làm gì?
Ngài liền tỉnh ngộ.
Vì mình đeo một quan niệm đen tối nên cảm thấy mình xấu xa đau khổ. Giờ đây mình xem cái xấu xa đau khổ đó nó có từ đâu? Khi tìm lại thì quan niệm xấu xa đau khổ không còn nữa. Nhìn thẳng nó thì không thấy có, lúc đó liền hết khổ. Hết khổ ngay trong cái mình nhìn thẳng lại nó, mình trông không thấy nó. Như vậy để thấy rõ cái khổ hay không khổ gốc ở mê lầm hay giác ngộ. Cho nên người giác ngộ là người thoát khổ, người mê lầm là người đau khổ.
Đó là then chốt của đạo Phật. Đ?o Phật cứu khổ không có nghĩa là cứu người này ở trong địa ngục đem bỏ trên trời. Hay là đem người này ở trong ngạ quỉ đưa lên một cõi nào khác. Cứu khổ chính là chỉ dạy cho người ta giác ngộ. Mà giác ngộ rồi liền đó được giải thoát.
Tôi thí dụ một cách cụ thể hơn. Thí dụ có người bị bệnh ghiền á phiện. Khi họ bị ghiền mà không có tiền để mua á phiện, họ phải ụa mửa đủ thứ hết. Hôm nào đây họ tỉnh giác, họ thấy cái ghiền á phiện này là tai họa lớn. Thấy mình bị hao mòn khí lực, tài sản tiêu hao, làm mọi người lo sợ v.v… bây giờ nhất định cương quyết bỏ, không ghiền nữa. Khi họ giác ngộ, biết được tai họa của nó, cương quyết bỏ, thì từ đó về sau họ sẽ thắng được bệnh ghiền. Thắng được bệnh ghiền là họ hết khổ. Mà hết khổ đó là do ai? Do họ tự giác. Phải vậy không? Họ biết được cái dở, cả quyết chừa thì họ hết khổ.
Nếu họ không biết cái đó dở, không biết cái đó là tai họa thì họ cứ đi sâu, đi sâu mãi không bao giờ ra khỏi khổ. Cho nên có giác ngộ mới được giải thoát. Có giác ngộ mới hết khổ. Đó là sự thật mà lâu nay chúng ta ít có quan niệm rõ. Chúng ta cứ tưởng rằng đi đến chùa cầu cúng rồi Phật làm cho mình hết khổ. Đó là cái hiểu lệch lạc của chúng ta. Tinh thần Phật tử đi chùa phải là tinh thần cầu học đạo để thấy phương pháp tu hành, để mình được giác ngộ. Mà giác ngộ chính là tự mình cứu khổ cho mình, chớ không phải ai cứu khổ cho mình được. Vì vậy đức Phật đã từng nói: “Ta không có quyền ban ơn giáng họa cho ai.” Nếu Ngài có quyền ban ơn giáng họa cho người thì Ngài thành thần linh mất rồi, không phải là Phật nữa. Chính Ngài dạy phương pháp giác ngộ, tự chúng ta bỏ đi cái mê lầm, cái sái quấy của mình. Đó là cứu khổ, là điều căn bản của đạo Phật.
Hôm nay là ngày lễ Vu-lan, chúng ta phải biết rõ tinh thần Vu-lan. Đó là tinh thần tự giácvà cầu tiến. Tự giác bằng cách nhìn thẳng lại những cái sái quấy, những lỗi lầm của mình. Can đảm ra trước quần chúng để xin phát lồ sám hối. Cầu tiến bằng cách mong mọi người chung quanh nhìn thấy cái sơ sót lỗi lầm của mình, chỉ bảo cho mình chừa cải. Đó mới đúng là tinh thần Vu-lan. Đúng tinh thần đó thì việc làm nào cũng thành tựu như ý. Do đó trong đạo Phật, thường nói ngày tự tứ là ngày có công đức lớn.
Lễ Vu-lan, tinh thần giác ngộ là thế đó, không phải ỷ vào sức cầu nguyện mà không tự giác. Đức Phật chọn ngày tự tứ để khuyên Phật tử làm lễ Vu-lan là do ý nghĩa này.
Giờ đây chúng tôi nói tới giác ngộ. Có phải giác ngộ ở chừng này thôi hay còn phải giác ngộ thế nào nữa? Ở đây chúng tôi cũng lược nêu lên qua một ít điểm giác ngộ để quí vị thấy. Với tinh thần Vu-lan giác ngộ của những người biết tự giác và biết cầu tiến. Ở trong phạm vi phàm phu còn là phàm Tăng chúng ta phải mong giác ngộ và cầu tiến như thế.
Tiến dần lên những bậc thánh tăng thì sự giác ngộ thế nào? Đây tôi kể trong đạo Phật có những vị thánh tăng chứng quả Thanh văn, Duyên giác hay là Bích-chi Phật đến Bồ-tát v.v… Những vị giác ngộ đó như thế nào? Những hàng Thanh văn sau khi nghe Phật nói pháp Tứ đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, các vị nhận đúng như thật, đúng tinh thần giác ngộ. Nhận rõ ràng không nghi ngờ gọi là chứng đạo hay thấy đạo. Khi thấy đạo, chứng đạo rồi bước vào hàng Tu-đà-hoàn lần đến A-la-hán. Như vậy chỗ giác ngộđó như thế nào? Thí dụ như nghe đức Phật nói: “tất cả thế gian là khổ” chư Tỳ-kheo thấy như thế nào? Biết lời Phật đúng hay là không đúng? Phần nhiều vị nói thế gian là khổ, cứ nghĩ khổ là đói khổ, là lạnh khổ là đau ốm v.v… Cho những điều khổ đó là khổ của Phật nói. Sự thật đức Phật nói thế gian khổ, là vô thường.
Tại sao vô thường là gốc của khổ? Bởi vì thông thường kể nào Tứ khổ, nào Bát khổ. Tứ khổ là sanh lão bệnh tử. Bát khổ là Tứ khổ thêm cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, và ngũ ấm xí thạnh khổ. Như vậy cái khổ đó ở trong qui luật vô thường. Người ta ai không nghĩ rằng mình sanh ra lớn lên, trong khi tuổi trẻ còn khỏe mạnh sung túc, ít năm thấy mình già mặt nhăn má cóp. Lúc đó có buồn hay không? Răng lung lay nhai không biết ngon, mắt mờ thấy không xa không rõ. Tất cả những hiện tượng đó đều là hiện tượng khiến mình không được vui. Không được vui tức là khổ, là bất như ý. Thường thường cái khổ là cái bất như ý? Ý mình không muốn bị mắt mờ tai điếc, răng rụng, má cóp, mà tất cả cái đó nó tới, mình có vui hay không? Đó là bất như ý, mà bất như ý là khổ. Cái khổ đó là gì? – Là vô thường. Mình đang mạnh khỏe, hoạt động tự do, tới lui tự tại, phát lên đau rên hì hì đi không được, hoạt động không được, mình có khổ hay không? Đó là bất như ý, đó là khổ.
Như vậy sanh già bệnh chết đều là tướng trạng vô thường, đều là khổ. Cái khổ đó có người nào khỏi hay không? Nếu nói khổ do đói rách thì đức Phật nói không phải chân lý, mà nói riêng cho một nhóm người nào thôi, vì có người không đói không rách thì họ không khổ. Khổ là nói chung cho toàn thể con người. Con người nào cũng nằm trong luật Vô thường. Mà đã nằm trong vô thường thì bất như ý. Đã bất như ý thì khổ đau. Cái khổ đó nếu chúng ta thấy tường tận tức là nhận chân được khổ đế. Nhận chân được khổ đếrồi, vậy khổ từ đâu mà có? – Từ tập đế. Tập đế là gì? Đức Phật nói là tham sân si. Nếu nói rộng ra thì mạn, nghi, ác kiến, tức là sáu thứ căn bản phiền não, nói rộng nữa thì tới mấy chục thứ phiền não. Tóm lại tất cả phiền não gốc từ tham sân si mà ra.
Sở dĩ chúng ta thấy chúng ta già nên buồn, bất như ý là tại sao? Là tại chúng ta có lòng tham muốn mình được trẻ mãi. Nếu chúng ta không có lòng tham muốn trẻ hoài thì già đến có buồn không? Tóm lại trong ba cái tham sân si, si là gốc. Tại si mà mình không thấy được vô thường, không nhận được lý vô thường nên mình mới tham hoài, mới nghĩ tới sống mãi. Phải vậy không? Nghe đến cái chết là run lên, nghe đến cái già thì buồn đi. Đó là tham. Nếu mình biết rõ được lý vô thường là mình phá được cái si rồi. Trong cái vô thường mà nghĩ là thường, là si mê. Biết rõ lý vô thường mong cầu được trẻ mãi, tham được khỏi chết v.v… không còn nữa. Mà cái tham không còn thì cái già chết còn không? Như vậy phá được cái si thì khổ theo đó mà hết.
Cái sân cũng vậy. Sở dĩ chúng ta thấy người khác mình ghét mà gặp mặt nhau thì bực bội gọi là oán tắng hội khổ. Chúng ta nhận được lý vô thường rồi phải biết rằng con người mình là vô thường mọi người cũng vô thường, thì giận nhau hờn nhau làm gì? Tha thứ cho rồi, mình có sống đời đâu mà ôm ấp giận hờn. Tha thứ được thì mình hết khổ, cho nên nhận chân được lý vô thường thì tâm sân dịu xuống. Dịu xuống thì bớt khổ. Như vậy tham sân si là gốc của khổ là Tập đế. Khổ là quả, tham sân si là nhân. Tham sân sigiảm thì khổ quả theo đó mà giảm bớt. Quí vị thấy chúng ta tỉnh giác hay là chúng ta giác ngộ được nhân khổ thì cái quả khổ theo đó mà hết. Sở dĩ chúng ta khổ là vì chúng tatham danh, tham lợi, tham đủ thứ. Cho nên mất một cái thì chúng ta khổ một cái, mất nhiều cái thì chúng ta khổ nhiều cái.
Chúng ta tham nên muốn cái gì cũng gom về mình cho nhiều. Mất là đau khổ liền. Như vậy khổ là tự lòng tham. Nếu chúng ta biết tất cả chúng ta đều là vô thường, đã là vô thường thì phải làm sao? – Không nên ôm ấp. Đã là vô thường thì phải chia sớt nhau. Vô thường mà ôm giữ, điều đó không phải là vô thường. Phải vậy không? Nếu biết được lý vô thường thì chúng ta phải san sẻ phải chia sớt. Như vậy là chúng ta dứt lòng tham, tức hết khổ. Chúng ta làm bể cái chén, buồn hai ba ngày. Bởi tại chúng ta tưởng cái chén là còn hoài, nên lỡ bể chúng ta buồn. Nếu biết đó là vô thường lỡ bể rồi thì thôi. Dè dặt mai đừng cho cho bể nữa. Cái khác cũng thế.
Biết được lý vô thường nên chúng ta không ôm ấp, không gìn giữ riêng cho bản thânmình. Thân mình là vô thường sự vật cũng vô thường, tại sao mình cứ gom góp? Tại sao mình cứ giữ gìn? Khi gom góp gìn giữ đó là thỏa mãn lòng tham. Khi biết được vô thường thì đâu còn tham nữa. Hết tham là mình hết khổ. Chính vì ngộ được lý vô thường, theo đó khổ sẽ giảm. Vì vậy nên các vị A-la-hán không còn khổ nữa. Còn mình chưa biết được lý vô thường nên mới khổ. Nhưng có nhiều người nói: “Nói như thầy cái gì cũng vô thường hết thì ai muốn làm gì nữa.” Như vậy là lầøm ý của Phật. Đức Phật nói vô thườngđể mà tiến bộ chớ không phải vô thường để mà buông tay.
Quí vị nhớ bài kinh nhật tụng hằng ngày ở chùa, tụng kinh Di-đà rồi chúng ta tụng thêm:
Thị nhật dĩ quá
Mạng diệc tùy giảm
Như thiểu thủy ngư
Tư hữu hà lạc
Đại chúng đường cần tinh tiến
Như cứu đầu nhiên
Đản niệm vô thường
Thận vật phóng dật.
Nghĩa là:
Ngày nay đã qua, mạng sống theo đó mòn đi, như cá cạn nước, còn có gì vui? Thế nên, toàn thể đại chúng gắng mà tinh tấn. Như cứu lửa cháy đầu, chỉ nhớ vô thường, dè dặt chớ buông lung.
Hiểu được lý vô thường rồi phải nỗ lực việc đáng làm phải làm liền đừng chần chờ. Thấy người ta khổ, đói rách mình có thể giúp được, không nên nói để mai mốt sẽ giúp. Điều đó không phải là hiểu lý vô thường rồi. Biết được lý vô thường cái đáng làm phải làm ngay. Mai mốt biết mình còn hay không? Việc phải làm là làm liền. Giúp được cái là phải giúp liền. Tu được là cố gắng tu liền chớ đừng chờ tới mai tới mốt. Chính đó là biết lý vô thường. Cho nên càng nghĩ đến vô thường càng gắng làm lành làm phải, càng gắng giúp ích cho mọi người và càng cố gắng tiến tu. Đó là hiểu lý vô thường. Chớ nói vô thườngrồi buông tay chờ chết là trái với ý của đức Phật dạy. Vì vậy cho nên, chúng ta hiểu rõđược tinh thần đó, hiểu được lý vô thường rồi, chúng ta mới có thể thương nhau, giúp đỡ nhau mà không có lòng tham gom góp về mình.
Đó là tinh thần của đạo Phật.
Thí dụ chúng ta đi chung một chiếc tàu, chiếc tàu bị giông bão muốn chìm. Tất cả người trong tàu đều là người thân và biết số phận của mình mong manh rồi. Giả sử lúc đó có người bị sóng nhồi ngã qua mình người kia hoặc là té đạp lên chân người khác. Lúc đó những người bị té vô mình, hoặc bị đạp trên chân có nên giận không? Hẳn là không? Vì lúc đó ai cũng có tâm niệm rằng mạng sống mình không còn bao lâu nữa, giận hờn làm chi. Lo sao cho khỏi cái khổ nạn này, thì giờ đâu mà giận hờn. Đây cũng vậy. Nếu chúng ta hiểu lý vô thường là sao? Như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật hỏi các vị Tỳ-kheo: “Mạng người sống được bao lâu?” Một thầy Tỳ-kheo trả lời: “Sống được vài năm.” Ngài nói: “Ngươi chưa hiểu đạo.” Thầy Tỳ-kheo khác trả lời: “Sống được trong một bữa ăn.” Ngài nói: “Ngươi chưa hiểu đạo.” Đ?n vị sau nói: “Chỉ sống trong hơi thở.” Ngài gật đầu nói: “Ông thấy đạo rồi.” Như vậy thấy đạo là thấy được lý vô thường.
Nếu mình thấy mạng sống trong hơi thở, khi hơi thở này còn thì chúng ta phải làm lợi mình lợi người chứ. Mạng sống đã mong manh như vậy, tại sao mình còn ôm ấp giận người này buồn người kia, trách người nọ. Như vậy có phải tự mình giết mòn mình hay không? Mà giết mòn một cách vô ích. Vì chúng ta biết lý vô thường nên phải vươn lên, phải làm lợi mình lợi người, đừng sơ sót một giờ phút quí báu nào hết. Đó mới là hiểu được tinh thần vô thường. Biết vô thường mà tinh tấn như cứu lửa cháy đầu. Quý vị thấy có ai bị lửa cháy đầu mà còn đi chơi thong thả hay không? Hay phải tay quơ miệng la đủ thứ hết. Đâu có thể chần chờ được. Chính chúng ta cũng vậy. Nhận được lý vô thườngcủa Phật dạy, chúng ta phải tỉnh giác phải cố gắng làm lợi ích cho mình cho người. Đó là tinh thần vô thường. Tôi đã nói cái khổ đế và tập nhân của khổ đế.
Tiếp theo đây là diệt đế và đạo đế, tức là diệt được hết tập nhân. Tập nhân là gì? Là tham sân si. Nếu diệt được thì an nhiên tự tại, đó là Niết-bàn. Muốn diệt được hết tập nhân phải làm sao? Tức là phải tu ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo v.v… Đó là những phương pháp diệt hết mầm đau khổ. Như vậy thấy rõ pháp tứ đế thì chứng được quả A-la-hán. Đó là cái giác ngộ của bậc thánh, nhà Phật gọi là hàng thánh nhị thừa.
Tiến lên một bậc nữa có những vị ra đời ở thế gian mà không gặp Phật pháp, không nghe được pháp Tứ đế của Phật, bỗng nhiên thấy những cuộc hưng suy của cuộc đờihoặc là thấy mùa thu lá rụng, mùa xuân cây cối đâm chồi nẩy lộc v.v… tức là sự doanh hư tiểu trưởng của sự vật rồi tự nhiên giác ngộ được lý vô thường. Đó là bậc Độc giác. Tự mình giác ngộ không qua lời Phật dạy, khỏi nghe giáo lý mà được giác ngộ. Kế đến là bậc Duyên giác. Có những hàng nghe đức Phật nói về mười hai nhân duyên: vô minhduyên hành… cho tới lão bệnh tử. Mười hai nhân duyên đó như sợi dây chuyền nó liên kết không rời. Thấy rõ được lý mười hai nhân duyên tiến tu để được giải thoát đó gọi là bậc Duyên giác. Như vậy chúng ta thấy là A-la-hán là Duyên giác cũng gọi là người giác ngộ, giác ngộ, ở khía cạnh này hay ở khía cạnh khác.
Cho tới giác ngộ cứu kính mà ở đây chúng ta đang thực hành. Giác ngộ của hàng Bồ-tát như trong các kinh: kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh Niết-bàn v.v… là chỉ cho giác ngộ cứu kính của đạo Phật. Giác ngộ cứu kính đó là giác ngộ thế nào? Bởi vì hàng Nhị thừa chúng tôi thường gọi là Thanh văn hay Duyên giác đều là nằm trong các pháp đối đãi. Như hàng Thanh văn thì thấy có KHỔ, TẬP là nhân quả của luân hồi. DIỆT, ĐẠO là nhân quả của giải thoát. Tức là bên này là luân hồi, bên kia là giải thoát, có đối đãi. Hàng Duyên giác cũng vậy, thấy mười hai nhân duyên đi chiều thuận là luân hồi. Ngược lại đi chiều hoàn diệt là giải thoát, tức vô minh diệt thì hành diệt v.v… Như vậy cũng là ở trong đối đãi mà ở trong đối đãi thì giác ngộ đó chưa phải là cứu kính, theo tinh thần kinh Niết-bàn.
Cho nên trong kinh Niết-bàn có thí dụ gọi “Xuân trì thập lịch”. Tức là mùa Xuân lặn dưới ao mò lên một hòn sỏi, hòn gạch. Xuân trì là cái ao mùa Xuân, thập lịch là lượm gạch hay ngói. Vì trong đó đức Phật nói: Thí như mùa Xuân ao nước trong, có một số người bơi thuyền ở dưới ao chơi. Bỗng nhiên có người cầm hòn ngọc quí buông tay rớt xuống ao. Rớt rồi bao nhiêu người lặn xuống mò. Có người được hòn sỏi, mừng quýnh đưa lên nói tôi được ngọc rồi, nhưng giơ tay lên là hòn gạch chớ không phải ngọc. Khi nhiều người ùa nhau lặn mò, nước đục ngầu, không thấy được hòn ngọc. Kẻ nắm gạch, người nắm ngói gì đó v.v… đưa lên hô là được ngọc mà sự thật không phải.
Người khôn ngoan chờ cho nước lắng lặng trong trẻo, mắt nhìn kỹ thấy viên ngọc đang ở chỗ nào, nhảy xuống một cách từ từ, lượm lên nói tôi được hòn ngọc, thì chừng đó mới là ngọc thật. Như vậy thí dụ đó nói cái gì? Tuy hàng Thanh văn Duyên giác cũng thấy được đạo, ngộ được đạo, nhưng mà giác ngộ ở một khía cạnh của sự đối đãi, cũng như người lặn xuống ao lượm được gạch tưởng là ngọc. Chỉ có Bồ-tát là sáng suốt, đợi nước trong trẻo thấy rõ ràng hòn ngọc nó nằm ở chỗ nào, mới lặn ngay chỗ đó nắm đưa lên. Chừng đó mới là ngọc thật. Các hàng Bồ-tát không mò ngọc trong khi nước còn đục, mà đợi nước trong rồi tự mình thấy ngọc, thấy rồi mới nắm lấy được hòn ngọc. Quí vị nhớ trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói: các hàng Thanh văn được Niết-bàn. Niết-bàn đó đức Phậtcho là gì? Là “Hóa thành” là cái thành Hóa ra để tạm nghỉ chớ không phải là thật. Mà thật thì phải tới “Bảo sở” tức là tới nơi chân chánh, mới là thật. Đó là để thí dụ cho Bồ-tát.
Như vậy tại sao tôi nói thí dụ đó? Bởi vì hàng Bồ-tát dụ cho người ngồi trên thuyền đợi nước trong thấy hòn ngọc nằm ngay chỗ nào, rồi mới lặn nhè nhẹ, từ từ đến ngay chỗ đó nắm lên. Chừng đó mới thật là được hòn ngọc. Nói tóm lại thấy rồi mới nắm lên. Như vậy đúng là tinh thần của Thiền tông gọi là KIẾN TÁNH KHỞI TU. Thấy được cái đó rồi mới khởi tu, đó là tinh thần cứu kính của Phật giáo. Vì Phật giáo đi đến chỗ cứu kính không còn đối đãi. Còn đối đãi là chưa đến giác ngộ cứu kính. Thế nên trong kinh Bát-nhã mở đầu cho Đại thừa nói: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Mới nghe không ai hiểu gì hết, gì mà sắc sắc không không. Nhưng sự thật đó là một lẽ thật cứu kính, bởi chúng ta mê lầm, nhìn tướng trạng thô, thấy cái bàn này gọi là sắc, còn ở chỗ trống này gọi là không. Mình cho sắc với không là hai cái khác nhau.
Phải vậy không? Đây là sắc, đây là không, hai cái khác nhau, một cái có tướng trạng có hình dáng sờ mó được, còn một cái trống rỗng không có gì hết. Đó là chỗ chúng tathường lầm. Chỗ trống không chúng ta cho đó là không nhưng con mắt Phật giáo không phải vậy. Ngay cái có nó có cái không, ngay cái không đã có cái có. Cái có thô thiển này chúng ta nhìn thấy một hình sắc dầy đặc, nhưng với kính hiển vi mấy trăm lần thì chúng ta thấy nó thưa hở. Như gương mặt chúng ta thấy như láng, nhưng với kính phóng đại vài chục lần thôi thì sẽ thấy nó sần sùi, có hang lỗ. Như vậy nó có hay là không có là tại con mắt thô hay tế. Nơi hình tướng này có lồng cái không trong đó, còn ngay chỗ không này có cái sắc trong đó. Như chỗ không này có ánh sáng xuyên qua thì chúng ta sẽ thấy bao nhiêu là bụi bặm lăng xăng ở giữa này. Như vậy nó đâu phải là không. Nó chỉ khônglà không tướng trạng thô kệch mà có những tướng vi tế trong đó, chớ không phải là không hẳn. Chúng ta cứ cực đoan cho đây là không hẳn hay có hẳn, thành ra không nhìn tường tận các pháp ở đời.
Người hiểu đạo thấy trong cái có đã lồng cái không, trong cái không đã lẫn cái có. Thấy như vậy, các Ngài thấy không còn có hai riêng rẽ, không còn có hai đối đãi. Còn thấy hai đối đãi là chưa phải thấy cái thật. Nếu tới chỗ thật là không có hai. Mà nói như vậy thì ai cũng không chấp nhận hết. Tại sao vậy? – Bởi vì tới giác ngộ cứu kính thì không hai mà còn có hai thì chưa phải giác ngộ cứu kính. Nhưng mà làm sao quí vị thấy không hai cho được. Vì thế gian này là thế gian đối đãi. Thật ra nếu quí vị xét cho tường tận, thật tình còn đối đãi thì chưa phải cứu kính. Tại sao? Bởi vì cái thể cứu kính nó không hai. Cũng như Phật và chúng ta. Chúng ta thấy Phật là giác ngộ còn chúng ta là mê lầm. Phật và chúng ta là một hay hai. Nếu chúng ta thấy Phật và chúng ta là một hay là hai thì không biết ai trúng ai trật. Thông thường nói nếu không là hai thì là một chớ gì?
Có thể tôi đi từ từ cho quí vị thấy. Chúng ta thấy đức Phật với chúng ta là hai, vì Phật là giác mà chúng ta là mê, cho nên là hai. Nhưng mà chúng ta mê là mê cái gì? Phật giác là giác cái gì chứ? Chính cái đó mới là quan trọng. Tôi thí dụ bây giờ đem vàng làm ra chiếc vòng tay, và chiếc cà rá. Đây là chiếc vòng, đây là chiếc cà rá, như vậy quí vị thấy hai hay là một? Đương nhiên là hai rồi, vòng khác cà rá khác. Đó là ta nhìn trên giả tướng của hai món đó. Nếu nói về thể, hai món đó là một hay là hai? – Là một. Như vậy trên hai cái, thể cà rá và vòng cũng là vàng thôi. Vàng có một có hai không? Vàng là vàng nó không có một hai. Có một hai là lập ra để đối đãi chiếc cà rá là một chiếc vòng là hai, chớ vàng là vàng không có một, hai. Thành ra một hai là đối đãi trên giả tướng của hai món đồ thôi. Còn cái thể của món đồ là vàng không nói một hai. Nói một hai là nói cái giả tướng. Cho nên còn có một hai là còn trong đối đãi. Vì vậy mà có vị Tăng hỏi vị Thiền sư: “Phật và chúng sanh là một hay là hai?” Ngài trả lời:
Duy dư nhất đoá tại
Minh nhật khủng tùy phong.
Dịch:
Chỉ còn thừa một đóa
Ngày mai ngại gió rơi.
Ngài không nói hai hay một mà nói bây giờ tôi chỉ thấy còn thừa một đóa hoa, ngày mai e gió cũng rụng luôn. Như vậy giai đoạn đầu thấy Phật và chúng sanh là hai, nhưng bước vào giai đoạn kế thấy Phật và chúng sanh không là hai nữa, nên gọi là một. Mà cái một đó tạm thời thôi, chớ cái một đó không phải là cứu kính. Vì cái một đó tạm đặt với cái hai, đến cứu kính một cũng không còn. Cho nên bây giờ tạm thấy còn một đóa hoa, ngày mai gió thổi, nó cũng rơi luôn không còn nữa. Còn nói một là nói tạm chớ nó không thật. Còn nói một là đối với hai. Tới chỗ cứu kính thì cái hai không còn nữa. Nói như vậy cho quí vị thấy chỗ giác ngộ đó cần phải thấy như thế. Cho nên Thiền tông kể rằng sau khi ngộ đạo, đức Phật nói như trong kinh Hoa Nghiêm chép: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ trí tuệ đức tướng Như Lai, vì bị vọng tưởng mê lầm che lấp không thấy, không hiểu không biết.”
Ngài thấy rõ chúng sanh ai cũng đều có trí tuệ đức tướng Phật hết. Như vậy thành Phật là thành cái chúng sanh sẵn có. Ngộ đạo là ngộ cái sẵn có ở chúng sanh, và chúng sanhmê là mê cái sẵn có mà quên đi. Cái mình sẵn có mà quên đi gọi là mê. Thành Phậtkhông có gì lạ, là nhận được cái sẵn có của chính mình. Vì vậy có một vị Thiền sư ở trong hội ngài Qui Tông, nửa đêm la: “Tôi ngộ rồi, tôi ngộ rồi.” Trong đại chúng ai cũng lấy làm lạ không biết ông ấy ngộ cái gì? Sáng hôm sau ngài Qui Tông lên pháp tòa hỏi: “Vị tăng hồi hôm nói ngộ rồi ra đây xem.” Vị Tăng bước ra. Ngài hỏi: “Ông thấy cái gì mà nói ngộ?” Ông ấy trả lời bằng câu: “Sư cô thị nữ nhân tác.” Nghĩa là: Sư cô vốn là người nữ làm ra chớ không có gì lạ hết. Ngài Qui Tông gật đầu nói: Chính ông ngộ.
Như vậy ngộ là cái gì? Thường thường chúng ta tưởng ngộ là ngộ cái gì ở bên trời kia, chớ không ngờ chính ngộ là ngộ cái sẵn có của mình. Mình cứ nói thành Phật là có hào quang rực rỡ hay có gì lạ. Những cái đó phải có mới là Phật, không ngờ thành Phật là SỐNG LẠI VỚI CÁI SẴN CÓ CỦA CHÍNH MÌNH. Cái sẵn có của chính mình, nếu mình sống được với chính nó, mình trở về với chính nó, đó gọi là giác ngộ thành Phật. Tại sao vậy? Vì cái mình có mà mình bỏ quên gọi là mê, giờ đây mình biết được gọi là giác. Giác tức là ngộ. Người giác ngộ tức là Phật, chớ không có gì lạ hết.
Như vậy nói ni cô tưởng đâu cái gì xa lạ linh thiêng cao cả, nhưng sự thật ni cô vốn là một cô gái. Bây giờ cạo đầu mặc áo thành sư cô chớ có gì lạ đâu? Nói Phật, tưởng Phật ở đâu và có gì lạ đời, không ngờ cũng chính là cái sẵn có của mình chớ không phải đâu lạ. Cho nên một vị khác, sau khi ngộ đạo cũng làm bài thơ, câu chót ông nói rằng: Lý Bạch nguyên lai thị tú tài. Tức là ông Lý Thái Bạch, nhà thơ ai nghe nói cũng nể. Mà xét kỹ lại ông cũng chỉ là ông tú tài như bao nhiêu ông tú tài khác, chớ không có gì lạ. Chính cái đó là để chỉ cho cái ngộ là ngộ cái sẵn có của mình. Vì vậy đức Phật sau khi thành Phật, Ngài nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Bởi vì Ngài có cái đó, tất cả chúng sanh cũng có cái đó.
Không phải Ngài ngộ cái gì khác, mà ngộ ngay trong thân tứ đại ngũ uẩn này là cái thân vô thường sanh diệt, có sẵn cái không sanh không diệt. Nhận được cái không sanh không diệt nơi mình gọi đó là ngộ đạo, chớ không phải tìm cái gì xa xôi. Mà cái không sanh không diệt đó nơi phàm phu cũng có. Cũng như sư cô có sẵn ở những cô cư sĩ đầu có tóc, chớ có gì lạ đâu. Chỉ cần một khi nào đó thay đổi hình thức, đổi thay tâm niệm là thành sư cô chớ gì? Như vạây không có gì xa lạ, mà mình tưởng cái đó ở đâu, từ phương trời nào đến. Thế nên tinh thần giác ngộ của đạo Phật là giác ngộ ngay cái thực tế hiện tại. Vì vậy người giác ngộ rồi thì không còn thấy hai. Đó mới là giác ngộ cứu kính.
Không thấy hai cho nên không nghĩ rằng cõi mình đây là cõi Ta-bà khổ, còn cõi Cực lạclà cõi Phật A-di-đà an vui. Quí vị có nghĩ bỏ cõi này chạy qua bên kia vui hay không? Nếu ngay trong cõi khổ, khéo biết thì mình được vui rồi. Mình mê thì tạo nghiệp xấu xa là khổ. Ngay trong cái khổ mà biết chuyển hướng, biết thay đổi tâm niệm, biết làm những điều lành điều phải, biết chia cơm xẻ áo với mọi người, biết sống trong tình đoàn kết anh em, tự nhiên mình vui. Cái khổ là cũng tự mình tạo, tự mình có những tham, tự mình có những sân, tự mình có những si, rồi mình đau khổ. Phải vậy không? Nếu dẹp bỏ tham sân si rồi, ngay cõi này có phải là cực lạc hay chưa? Vậy có nên tìm cực lạc bên kia hay không? Nếu chúng ta thấy bên kia là Cực lạc, bên này là Ta-bà, là còn thấy hai. Mà còn thấy hai là còn thấy đối đãi, chưa là lẽ thật. Vậy người hiểu đạo đúng theo tinh thần Đ?i thừa là ngay ở trong các cảnh khổ, ngay trong cái chỗ mà người ta cho là xấu xa mình khéo chuyển thành an lạc, tốt đẹp, chớ không phải bỏ đây cầu kia.
Đó là tinh thần đạo Phật. Đạo Phật không có bỏ để trốn để cầu. Có nhiều người lầm nghĩ rằng mình tu là phải trốn thiên hạ, phải bỏ hết những cái gì đâu đâu. Đó là lầm lẫn. Tu là chính mình phải thay đổi những cái tâm xấu xa của mình là tham sân si. Nếu chuyển được tham sân si thì Ta-bà thành Cực lạc. Còn không chuyển được tham sân si, ôm tâm niệm tham sân si, cầu về Cực lạc, Cực lạc cũng biến thành Ta-bà. Vì còn tham sân si, thì ở đâu cũng rầy lộn đánh lộn. Mà rầy lộn đánh lộn, giành giựt đó là gốc của Ta-bà. Cho nên chúng ta chuyển đổi được tâm niệm tham sân si thì ngay Ta-bà thành Cực lạc. Còn không chuyển đổi được tâm niệm tham sân si thì Cực lạc biến thành Ta-bà.
Đó là sự thật cho nên hiểu đạo thì chúng ta nên hiểu như vậy. Ngay trong cuộc đời này, dù ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta cũng vẫn an vui. Chúng ta thấy đây không phải là khổ, chính đây nếu ta khéo chuyển thì cõi này là cõi Cực lạc, chớ không phải chờ về Cực lạc mới thấy Cực lạc. Như vậy tinh thần đạo Phật đến chỗ cứu kính giác ngộ mới thấy rằng chính mình và mọi người, chính mình và các hoàn cảnh đều không phải là vấn đề hai ba. Ngay nơi tâm niệm mình chuyển hướng hết những cái xấu xa của mình thì hoàn cảnh nào cũng là hoàn cảnh tốt đẹp. Ở trong chỗ nào cũng là chỗ tiến bộ, chớ không phải xấu xa. Xấu xa chính vì cái ấp ủ tham lam, ấp ủ sân si của mình nên thấy xấu xa. Dứt hết những cái đó thì tự nhiên nó sáng sủa tốt đẹp.
Thế nên các Thiền sư lúc nào cũng thấy cõi đời là đẹp. Đẹp như một bài thơ. Tại vì thấy ở đâu cũng là tốt, ở đâu cũng là sáng sủa. Còn chúng ta vì mang cặp kính ủ rũ buồn bã, nên thấy cái gì cũng buồn. Phải vậy không? Nếu mình mang cặp kính tươi sáng trong lòng, nhìn cái gì mà không vui. Phải vậy không? Khi nào trong quí vị tâm hồn đương ưu tư buồn bã thì nhìn thấy cái gì cũng buồn bã theo. Nếu tâm hồn quí vị sáng suốt phấn khởi vui vẻ thì nhìn cái gì chẳng vui vẻ. Cho nên chúng ta cần tạo một tâm hồn vui vẻsáng sủa và tỉnh giác thì ngoại cảnh theo đó mà sáng sủa. Nó không còn tối tăm mờ mịtnữa. Tối tăm mờ mịt đó là cái mê đen tối của tham sân si, chớ không phải gì khác.
Hôm nay là ngày Phật hoan hỉ tôi nhắc lại những điểm then chốt cho tất cả quí vị cùng chúng tôi, mọi người chúng ta đều nỗ lực vươn lên. Làm sao luôn luôn tỉnh giác từ thấp lên cao và luôn luôn với tâm niệm cầu tiến lợi mình lợi người để cho chính mình càng ngày càng được an vui, xã hội càng ngày càng thêm tốt đẹp. Đó mới là tinh thần giác ngộ của đạo Phật.