Chánh văn:
Có vị Sa-môn ban đêm tụng Kinh Di Giáo của Đức Phật Ca Diếp, tiếng nghe buồn thảm, ý nghĩ hối hận muốn từ bỏ.
Phật hỏi vị ấy rằng: “Lúc còn tại gia, ông từng làm việc gì?”
Thưa: “Con thích gảy đàn cầm.”
Phật hỏi: “Dây đàn chùng thì như thế nào?”
Thưa: “Không phát ra tiếng được.”
Phật hỏi: “Dây đàn căng thì như thế nào?”
Thưa: “Tiếng bị đứt đoạn.”
Phật hỏi: “Dây đàn vừa chừng, không chùng không căng thì như thế nào?”
Thưa: “Mọi âm điệu đều đầy đủ.”
Phật dạy: “Bậc Sa-môn học Đạo cũng thế. Tâm nếu điều hòa chứng mực thì Đạo có thể được. Tu Đạo nếu vội gấp thì thân sẽ mỏi mệt. Thân nếu mỏi mệt thì ý sẽ sanh buồn bực. Ý nếu sanh buồn bực thì sự tu hành sẽ thoái lui. Sự tu hành thoái lui thì tội thêm lớn. Chỉ có thanh tịnh an lạc thì Đạo mới không mất.”
Giảng:
Có vị Sa-môn rất ham tu, mong muốn làm sao sớm chứng quả A-la-hán, nên tu ngày tu đêm, tu rất quyết liệt, nhưng dụng công một thời gian vẫn không có kết quả, thế là thầy sanh tâm chán nản, không biết mình tu có đúng không, cảm thấy đường phía trước mịt mờ, không sáng ra được, không thể nhận được chân lý. Nên khi tụng Kinh Di Giáo của Đức Phật Ca Diếp, thầy phát ra giọng tụng buồn bã, không có sinh khí.
Thường thì vị Phật sau sẽ có Kinh Di Giáo của vị Phật trước, và dạy lại cho đệ tử. Ví dụ như Đức Phật Thích Ca nói lại Kinh Di Giáo của Đức Phật Ca Diếp, đến Đức Phật Di Lặc có thể sẽ nói lại Kinh Di Giáo của Đức Phật Thích Ca. Vì vị Phật đang hiện giáo hóa thì không có kinh Di Giáo. Cũng vậy, thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, chưa có Kinh Di Giáo, vì Ngài chưa để lại lời di chúc. Di giáo là lời dạy để lại trước khi mất, mà Ngài chưa đến giai đoạn đó, nên chưa để lại lời dạy. Ngài mượn lời dạy của những vị Phật trước để dạy cho đệ tử mình. Đức Phật Ca Diếp là vị Phật trước Đức Phật Thích Ca.
Vị Tỳ-kheo do tâm đã sinh chán nên tụng kinh tiếng nghe buồn bã. Người tu nếu có niềm vui trong đạo sẽ rất thích công phu, siêng tụng kinh, ngồi thiền. Ngược lại, chỉ vì sợ bị rầy mới tu, thời khóa lúc này sẽ giống như một sự ràng buộc, thậm chí là cả một cực hình. Vị Tỳ-kheo này tụng kinh mà không vui vì không tìm được niềm vui đạo. Không phải thầy không siêng tu, ông vốn rất siêng tu, tu ngày tu đêm, tu đến mỏi mệt, nhưng do vẫn không thấy được đạo, nên mới sanh tâm chán. Đức Phật biết được, nên hỏi về sở thích của thầy khi còn ở tại gia. Thực sự, Đức Phật đã biết xưa ông thích đánh đàn, nên muốn dựa vào đó để chỉ dạy ông.
Nhạc sĩ trước khi chơi đàn thường chỉnh dây đàn. Nếu chỉnh dây đàn chùn quá thì đàn sẽ không phát ra tiếng, còn nếu chỉnh căng quá thì khi đánh lên, tiếng sẽ chát hoặc dây đàn sẽ đứt, nên họ sẽ chỉnh làm sao để tiếng phát ra vừa vặn, âm điệu đầy đủ, muốn âm điệu nào sẽ ra âm điệu đó, nghĩa là họ sẽ chỉnh dây đàn chừng mực. Đức Phật lấy việc chỉnh dây đàn để dạy vị Tỳ-kheo này. Do lỗi vị Tỳ-kheo này khi tu gấp gáp, muốn sớm đắc đạo, ham nhanh đắc đạo, tu ngày tu đêm, tu vội gấp, làm cho thân mỏi mệt, vì thân mỏi mệt nên dễ sanh tâm chán nản. Đức Phật dạy người tu đúng là tâm phải điều hòa, tu chừng mực, không vội gấp cũng không buông lung.
Nhà thiền có câu “tâm bình thường là đạo”, đừng bao giờ đặt mục tiêu quá cao khiến mình không làm được. Như có nhiều vị vô thất phát nguyện, tu tới chừng nào đắc đạo mới ra, nhưng vô ngồi hoài trong thất, mãi cũng chẳng đắc đạo, năm này qua năm khác, mười năm, hai chục năm, đạo không thấy mà càng ngày càng thấy chán, tu mãi chẳng thấy đạo, mà ra thì mắc cỡ với huynh đệ, vì lỡ tuyên bố mạnh mẻ rồi, thế là ở trong thất luôn. Mình không thể biết căn cơ mình thế nào, nếu bắt chước những vị căn cơ cao, nghe các vị tu 7 ngày, hay một tháng đắc đạo, mình cũng bắt chước phát nguyện theo, cố gắng tu quyết liệt, mà căn cơ không tới, dẫn đến dù cố gắng mấy cũng không thấy đạo được, thế là sanh tâm chán nản, phiền não.
Chư Tổ thường dạy theo thời tiết nhân duyên. Cứ dụng công, cứ tập sống trở lại với tự tâm, còn lúc nào thể nhập được thì cứ để nó tự nhiên. Nếu tập khí nhiều sẽ lâu thể nhập, còn tập khí ít thì mau thể nhập, vậy thôi, đừng đặt ra mục tiêu này nọ rồi không làm được. Đừng vì mục tiêu rồi tu gấp gáp, thức ngày thức đêm, quên ăn quên ngủ, đến khi không được thì trở nên buồn bực.
Ở đây Đức Phật dạy, nếu mỏi mệt quá sẽ sanh buồn bực, mà buồn bực thì sẽ thoái lui, không còn muốn tu nữa, mà không muốn tu nữa thì tội thêm lớn. Tội ở đâu ra? Từ tâm ra, vì tâm bắt đầu chán, bắt đầu nghi ngờ đạo, nghi ngờ Thầy hướng dẫn, nghi ngờ pháp Phật dạy v.v… Có những tâm nghi ngờ như vậy là tội sanh, ở đây không phải tạo ác nghiệp thành tội. Chính vì nghi ngờ pháp tu mà tội sanh, tâm nghi làm cho mình không thể vào đạo. Chẳng những vậy còn thoái lui, không còn muốn tu, thậm chí quay trở lại mắng Thầy, khinh đạo, tạo thành tội lớn.
Có nhiều vị khi làm cư sĩ rất thần tượng người tu, đến khi xuất gia vào chùa chứng kiến đủ chuyện không như ý, như huynh đệ ganh tỵ, gây gổ, chia bè phái v.v… Thế là bắt đầu chán nản, thất vọng. Vì trước đó thần tượng, nghĩ người tu rất thánh, rất hiền, luôn từ bi, hòa nhã… Ai ngờ, giờ thấy người tu cũng còn phàm phu, sanh tâm khinh mạn, chán ghét, rồi bỏ đạo ra đời. Thậm chí không trở lại chùa, không còn trọng người tu, cho rằng tại những người khác không biết nên mới kính trọng, cúng dường người tu, còn mình ở trong đó ra, biết quá rõ nên không cúng dường nữa, thậm chí còn nói xấu, cản người khác cúng dường. Tâm mình trở nên như vậy đấy, và tội thêm lớn là như vậy.
Thật ra, bởi chưa hiểu được giá trị của sự tu hành nên mới lầm tưởng như vậy. Nếu thấu được, mình sẽ ưa thích sự tu, và khi tu, không đặt khuôn khổ cho mình, cũng không áp đặt khuôn thước cho người. Vì khi đặt một khuôn mẫu là mình tự trói buộc, rồi trói buộc người khác, vô tình tự tạo tội cho chính mình. Vì khi bất mãn, khinh rẻ, mắng chửi người… là đang tạo nhân xấu, vốn dĩ mình chỉ thấy được tướng bên ngoài của người, đâu thể biết được tâm bên trong của họ. Mình có thể nghe được lời người nói là lành hay dữ, thấy việc người làm là thiện hay ác, nhưng không thể đọc được tâm người ta đang nghĩ gì. Nên đánh giá một người là thiện hay ác qua lời nói hay hành động là chưa đủ chính xác. Nhất là công phu bên trong của một người tu càng rất khó lường. Giả sử mình khinh mạn nhằm một bậc đại thiện tri thức thì sẽ chiêu tội rất lớn.
Có một Thiền sư làm Hóa chủ một phương, học chúng rất đông. Một hôm, nhân đám giỗ cha, Ngài thết tiệc đãi chúng, bàn tiệc ê hề rượu thịt, Ngài mời chúng và ăn ngon lành. 500 chúng thất vọng bỏ đi gần hết, chỉ có 5 vị còn ở lại, các vị này đặt lòng tin vững chắc vào Thầy, cho rằng Thầy làm vậy ắt có lý do. Năm vị này sau được Thiền sư kề cận chỉ bảo đều sáng đạo và đều trở thành hóa chủ một phương.
Thiền sư thấy chúng đi gần hết, vui vẻ cười nói:- Chỉ tốn một bữa rượu thịt mà đuổi được mấy trăm người vô tích sự. Sở dĩ Ngài làm vậy vì muốn xem học chúng có đủ lòng tin với mình không. Nếu không đủ lòng tin với Thầy, chỉ do danh tiếng mà đến thì khi Thầy có những hành động phá cách sẽ sanh tâm nghi ngờ. Và rõ ràng, việc làm của Ngài đã kiểm chứng được lòng tin của học chúng.
Do đó, thấy một người làm việc ác thì chưa chắc là người đó ác. Không nên đánh giá một người là thiện hay ác qua hành động hay lời nói, vì sẽ không chắc chính xác. Tốt hơn hết là chỉ nên tự biết mình, tự kiểm soát mình, không để tâm sanh ác niệm, nhiễm ô.
Đức Phật Câu Lưu Tôn dạy:
Thí như ong hút hoa,
Không hoại sắc và hương,
Chỉ lấy nhụy rồi đi,
Tỳ-kheo vào làng xóm,
Không chống trái việc người,
Chẳng xem làm, không làm,
Chỉ xét nơi hạnh mình,
Hoặc chánh hay không chánh.
Khi tiếp xúc với người, đừng quan tâm người tốt hay xấu, chỉ cần biết mình tốt hay xấu thôi. Mình có hoàn hảo không, cần phải tu thế nào, sửa mình thế nào…, còn người ta thế nào đừng quan tâm, vì mình cũng không thể biết được.
Cũng không nên lệ thuộc mục tiêu hay khuôn khổ do mình đặt ra, rồi trở nên cứng nhắc, cực đoan, không quan tâm tới người khác. Ví dụ mình quy định giờ đó đi tụng kinh, nhưng đến đúng giờ đó, lại có người cần mình giúp, mình từ chối nói:- Giờ này tôi đi tụng kinh, không rảnh phụ quý vị. Vậy là vô tình mình đã làm trái lời Phật dạy. Tụng kinh để nhắc lại lời Phật dạy, để làm theo. Mà Phật dạy những gì? Dạy thương chúng sanh, dạy buông bỏ chấp ngã, chấp trước, mà bây giờ chúng sanh cần giúp, mình không giúp, vì mình chấp vào giờ tụng kinh. Đó là mình đã làm sai lời Phật dạy, tự đưa mình vào khuôn, đóng kín trong đó, không ra được.
Cho nên, đừng bao giờ buộc mình phải làm theo mục tiêu hay khuôn khổ nào đó, để đến khi làm không được thì đâm ra chán nản, thoái lui; hoặc thấy ai vượt ra ngoài khuôn khổ hay vi phạm khuôn khổ thì phê bình, phản bác, phỉ báng; nhất là đánh mất lòng tin vào Đạo. Đó chính là cái tội rất lớn mà mình thường không nhận ra.
Hãy giữ tâm bình thường, tu theo sức mình, theo căn cơ mình, đừng thấy người ta làm rồi bắt chước, không lượng sức mình. Như bắt chước ăn một bữa, ngủ ngồi v.v… để rồi vài ngày sau ngã bệnh, hết tu. Mình học những điều có thể làm được, những cái không làm nổi thì thôi, theo sức mình mà sắp xếp việc tu học phù hợp, như vậy mới dễ vào đạo.
Sử dụng thân như dùng trâu, trâu giúp mình cày ruộng, chở nặng…, mình phải dùng đúng sức của nó. Nếu sức nó chỉ chở được 50 ký mà mình bắt nó chở 100 ký, làm sao nó chịu nổi. Thân mình cũng vậy, sức nó chỉ có thể dụng công tới đó mà mình bắt nó thức ngày thức đêm, hay đang đau khớp mà mình bắt nó lễ lạy hoài, làm sao nó chịu nổi. Sức thân tới đâu mình dụng công tới đó, thân giúp mình sống với đạo, chớ tự nó không phải là đạo, không thể ép buộc nó. Thân là chỗ tự tánh phát diệu dụng, nương thân để nhận được tự tánh, trở lại sống với tự tâm. Lúc nào ánh sáng của chân tâm cũng hiển hiện, nên không cần thiết phải ép ngặt thân thái quá khiến nó mỏi mệt, rồi sanh chán nản. Đó là mình tu ngọn, không phải tu gốc.
Tu gốc là tu ở tâm, quay về tâm mà tu. Có vị ngồi thiền rất nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu công phu; có vị chẳng hề ngồi thiền, cả ngày lang thang đi chơi mà lại đang sống đạo, vì vị này tu đúng, tu ngay tâm, không hạn chế nó ở một tướng ngồi. Lúc nào cũng nhớ sống lại với bản tâm, làm việc gì là tâm ở ngay việc đó, mọi thi vi vận động của thân đều do tâm hiển dụng. Nói nín động tịnh, tới lui đi đứng… đều do tự tâm phát ra. Nếu không có tự tánh, đâu thể nói được, lưỡi không làm nên tiếng nói, thử cắt lưỡi ra khỏi thân xem nó có nói được không? Nếu thân tứ đại này không có thức tâm, không có tánh linh giác, nó sẽ không thể làm gì được, chỉ là cái xác chết mà thôi.
Thế nên, tu là phải nhận ra thân này chỉ là chỗ tự tánh hiển dụng, dùng nó một cách phù hợp, đừng ép thân thái quá, đương nhiên cũng không nên buông thả, đây mới là cái nhìn chân chánh. Luôn giữ tâm bình thường như các Thiền sư dạy: “Tâm bình thường là đạo”. Và như chương này Đức Phật dạy: Chỉ có tâm thanh tịnh an lạc thì đạo mới không mất.