Nội dung:
Sau khi Thế Tôn thành đạo, ngài nghĩ thế này: Lìa dục tâm được tịch tịnh, đó là hơn hết. Trụ tâm trong đại thiền định để hàng phục các ma quân. Ở trong vườn Lộc Uyển chuyển bánh xe pháp Tứ đế độ năm anh em ông Kiều trần như đều chứng đạo quả. Lại có những Tỳ-kheo trình bày những điều nghi của mình cầu Phật chỉ dạy. Thế Tôn giảng giải, mọi người đều được khai ngộ, chắp tay kính vâng và thuận theo lời Phật dạy.
Phật nói: Những người đã từ biệt cha mẹ, bà con thân thuộc xuất gia, phải biết rõ tâm mình, nhận ra tột cùng nguồn gốc các pháp, hiểu rõ pháp vô vi, mới gọi là Sa-môn. Thường thực hành 250 giới, đi đứng tới lui đều thanh tịnh, thực hành bốn chân đạo hạnh, thành A-la-hán. Bậc A-la-hán hay bay đi và biến hóa tự tại, tuổi thọ rộng vô cùng vô tận, bằng với trời đất. Kế là A-na-hàm, A-na-hàm khi tuổi thọ hết, thần thức sẽ sanh lên cõi trời thứ mười chín, mới chứng A-la-hán. Kế là Tư-đà-hàm, Tư-đà-hàm còn một phen sanh lên cõi trời và một phen trở lại nhân gian mới chứng A-la-hán. Kế là Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hoàn còn bảy phen chết và bảy phen sanh mới chứng A-la-hán. Ái dục đoạn dứt như chặt hết tay chân, không dùng nữa.
Phật nói: Bậc Sa-môn xuất gia phải đứt bặt tham dục, dẹp sạch luyến ái, biết tận nguồn tâm mình, hiểu tột được lý sâu của Phật, ngộ được pháp vô vi, trong không sở đắc, ngoài không mong cầu, tâm không cột nơi đạo, cũng không kết nghiệp, không niệm, không tạo, không tu, không chứng, không trải qua các thứ lớp mà tự cao tột, gọi đó là đạo.
Phật nói: Người đã cạo bỏ râu tóc làm Sa-môn, thọ học giáo lý của Phật phải bỏ hết tiền của thế gian, đi xin ăn chỉ để cầu vừa đủ sống. Giữa trưa ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm, dè dặt đừng tái phạm. Làm cho người ngu si là ái và dục vậy.
Phật nói: Chúng sanh lấy mười việc làm lành, cũng lấy mười việc làm ác. Những gì là mười? Thân có ba, miệng có bốn, ý có ba. Thân có ba là sát, đạo, dâm. Miệng có bốn là nói hai lưỡi, nói hung ác, nói dối, nói thêu dệt. Ý có ba là tật đố, nóng giận, si mê. Mười việc này không hợp đạo Thánh, gọi là mười hạnh ác. Những việc ác này nếu dừng, gọi là mười hạnh lành.
Phật nói: Người có lỗi, không biết hối lỗi ăn năn, mau dứt tâm lỗi lầm kia, tội sẽ đến nơi thân, như nước đổ về biển, dần dần thành sâu rộng. Nếu người có lỗi, tự hiểu biết lỗi, đổi ác làm lành, tội tự tiêu diệt. Như bệnh được xuất mồ hôi, lần lần nhẹ đi.
Phật dạy: Người ác nghe người lành, cố đến làm nhiễu loạn, các ông nên tự kềm hãm, không giận hờn, không phiền trách. Người mang tâm niệm ác đến (hại mình) sẽ tự mang lấy cái ác.
Phật nói: Có người nghe ta giữ đạo, tu hạnh đại nhân từ, cố ý đến mắng chửi Phật. Phật làm thinh không trả lời. Họ chửi xong, Phật hỏi: Ngươi đem lễ vật cho người, người ta không nhận, lễ vật về ngươi chăng? Người đó đáp: Về tôi. Phật bảo: Nay ngươi chửi ta, nhưng ta không nhận, ngươi tự mang họa vào thân ngươi vậy. Như âm vang theo tiếng, như bóng theo hình, trọn không xa lìa nhau, dè dặt chứ có làm ác.
Phật nói: Kẻ ác hại người hiền giống như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt chẳng đến trời, trở lại rớt trên mặt mình; ngược gió ném bụi, bụi không đến người, trở lại lấp thân mình. Người hiền không thể hại mà họa ắt diệt mình.
Phật nói: Người học rộng, mến đạo nhiều, đạo ắt khó hội. Người giữ chí để phụng đạo, đạo đối với họ mới thật lớn.
Phật nói: Thấy người bố thí, làm việc đạo, mình giúp đỡ và sanh tâm hoan hỷ, được phước rất lớn. Có vị Sa môn hỏi: Phước đó hết chăng? Phật dạy: Như lửa của một cây đuốc, trăm ngàn người cầm đuốc đến mồi đem về hoặc nấu cơm, hoặc thắp sáng, cây đuốc kia vẫn như cũ, phước cũng như thế.
Phật nói: Cho cơm một trăm người ác ăn không bằng cho cơm một người lành ăn. Cho cơm một ngàn người lành ăn không bằng cho cơm một người giữ năm giới ăn. Cho cơm một muôn người giữ năm giới ăn không bằng cúng dường cơm một vị Tu-đà-hoàn ăn. Cúng dường cơm một trăm muôn vị Tu-đà-hoàn ăn không bằng cúng dường cơm một vị Tư-đà-hàm ăn. Cúng dường cơm một ngàn muôn vị Tư-đà-hàm ăn không bằng cúng dường cơm một vị A-na-hàm ăn. Cúng dường cơm một ức vị A-na-hàm ăn không bằng cúng dường cơm một vị A-la-hán ăn. Cúng dường cơm mười ức vị A-la-hán ăn không bằng cúng dường cơm một vị Bích-chi Phật ăn. Cúng dường cơm một trăm ức vị Bích-chi Phật ăn không bằng cúng dường cơm một vị Phật trong ba đời chư Phật ăn. Cúng dường cơm một ngàn ức vị Phật trong ba đời chư Phật ăn không bằng cúng dường cơm một vị không niệm, không trụ, không tu, không chứng ăn.
Phật nói: Con người có hai mươi điều khó: Nghèo bố thí là khó; giàu học đạo là khó; bỏ thân này quyết chết là khó; thấy được kinh Phật là khó; sanh ra gặp Phật ở đời là khó; nhịn sắc nhịn dục là khó; thấy tốt không mong cầu là khó; bị nhục không sân là khó; có thế lực không ỷ là khó; gặp việc tâm không động là khó; học rộng nghiên cứu sâu là khó; trừ diệt tâm ngã mạn là khó; không khinh những người chưa học là khó; tâm hành bình đẳng là khó; không nói việc phải quấy là khó; gặp được thiện tri thức là khó; thấy tánh học đạo là khó; tùy cơ hóa độ người là khó; thấy cảnh không động tâm là khó; khéo giải phương tiện là khó.
Có vị Sa-môn hỏi Phật: Do nhân duyên gì mà được tri túc mạng, hội được chí đạo Phật dạy: Phải giữ tâm thanh tịnh, chí bền vững, có thể hội được chí đạo. Thí như lau gương, bụi hết thì ánh sáng còn; dứt hết tham dục, không còn mong cầu sẽ được túc mạng.
Có vị Sa-môn hỏi Phật: Sao gọi là thiện? Sao gọi là rất lớn? Phật dạy: Hành đạo giữ chân là thiện, chí cùng đạo hợp nhau là lớn.
Có Sa-môn hỏi Phật: Cái nào rất mạnh? Cái nào rất sáng? Phật dạy: Nhẫn nhục là rất mạnh, vì không ôm lòng ác, lại thêm được an ổn. Người nhẫn không làm ác ắt được người tôn trọng. Những như nhớp trong tâm dẹp hết, tâm trong sạch không một vết nhơ, ấy là rất sáng. Từ khi chưa có trời đất cho đến ngày nay, những gì có trong mười phương, không có gì chẳng thấy, không có gì chẳng biết, không có gì chẳng nghe, được Nhất thiết trí, gọi là rất sáng.
Phật nói: Người ôm ấp ái dục không thể thấy đạo. Thí như nước lóng trong lại lấy tay khuấy, những người đến nhìn, không thấy được bóng họ. Người do ái và dục lẫn lộn, phiền não ô trọc trong tâm nổi dậy, nên không thấy đạo. Sa-môn các ông phải dứt bỏ ái dục; cáu bẩn ái dục hết rồi mới thấy được đạo.
Phật nói: Người kiến đạo, thí như cầm đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền diệt mà ánh sáng còn lại. Người học đạo thấy đế, vô minh liền diệt mà minh thường còn vậy.
Phật nói: Pháp của ta, niệm mà không có người hay niệm và pháp bị niệm; hành mà không có người hay hành và pháp bị hành; nói mà không có người hay nói và pháp bị nói; tu mà không có người hay tu và pháp bị tu. Nếu hội được thì rất gần, còn mê lầm thì rất xa. Lời nói bặt dứt, không vật nào có thể ràng buộc được, nếu sai mảy may thì mất trong chốc lát.
Phật nói: Quán trời đất nghĩ là chẳng phải thường, quán thế giới nghĩ là chẳng phải thường, quán linh giác tức Bồ-đề. Hiểu được như thế ngộ đạo rất mau.
Phật nói: Phải nghĩ nhớ bốn đại trong thân, mỗi đại tự có tên, trọn không có ngã. Ngã đã không thì ta chỉ như huyễn mà thôi.
Phật nói: Người theo tình dục cầu danh tiếng, danh tiếng khi được rồi, thân mình đã già cỗi! Người tham danh tiếng ở thế gian, không chịu học đạo, chỉ uổng công nhọc sức. Thí như đốt hương, tuy người ta nghe được mùi thơm, nhưng cây hương của mình đã tàn. Cái lửa đốt thân nguy hiểm này ở kế cận bên mình.
Phật nói: Người đối với tài sắc, không bao giờ chịu bỏ. Ví như cái dao dính chút đường, không đủ một bữa ăn ngon, mà đứa bé liếm ắt có tai họa đứt lưỡi.
Phật nói: Người bị ràng buộc nơi vợ con, nhà cửa còn quá hơn ngục tù. Ngục tù còn có ngày được thả, vợ con không phút nào nghĩ xa lìa. Người tham luyến sắc dục đâu sợ giong ruổi. Dù có tai họa vào trong miệng cọp, tâm cũng cam chịu. Người tự gieo mình chìm dưới bùn lầy, gọi là phàm phu. Người vượt khỏi cửa này là bậc La-hán xuất trần.
Phật nói: Trong ái dục không gì nặng bằng sắc dục, sắc dục lớn không có gì hơn. Cũng may chỉ có một thôi, nếu có cái thứ hai bằng nó thì khắp cả thiên hạ không ai tu được.
Phật nói: Người ôm ấp ái dục cũng như cầm đuốc đi ngược gió, ắt có họa bị cháy tay.
Thiên thần đem ngọc nữ dâng Phật, muốn phá hoại ý Phật. Phật bảo: Cái đãy da chứa các thứ nhơ nhớp, ngươi đến đây làm gì? Đi, ta không dùng. Thiên thần càng thêm cung kính, nhân đó mới hỏi đạo. Phật vì giảng nói, ông liền chứng quả Tu-đà-hoàn.
Phật nói: Phàm là người học đạo dụ như khúc cây trên nước, theo dòng mà trôi, không đụng hai bên bờ, không bị người vớt, không bị quỷ thần ngăn cản, không bị nước xoáy làm đứng lại, cũng không bị mục nát, ta bảo cây này quyết định trôi đến biển. Người học đạo không bị tình dục làm mê hoặc, không bị các tà kiến làm rối tâm, tinh tấn vô vi, ta bảo người này quyết định chứng đạo.
Phật nói: Dè dặt chớ tin ý ông, ý ông không thể tin được. Dè dặt chớ cùng sắc đẹp gần gũi, gần sắc thì họa sanh. Chứng A-la-hán rồi, mới có thể tin được ý ông.
Phật nói: Dè dặt chớ nhìn nữ sắc, cũng chớ cùng nói chuyện. Nếu cùng nói chuyện phải chánh tâm nghĩ nhớ: Ta là người tu ở cõi đời ô trược, phải như hoa sen không bị bùn làm nhiễm nhơ. Tưởng người già như mẹ, người lớn như chị, người nhỏ như em gái, đứa bé như con, sanh tâm độ họ giải thoát thì diệt được niệm xấu.
Phật nói: Phàm là người học đạo như đội cỏ khô, lửa đến liền tránh xa. Người học đạo thấy dục lạc ắt phải xa lìa.
Phật nói: Có người sợ tâm dâm dục không dừng được, muốn tự đoạn âm. Phật bảo người đó: Đoạn âm không bằng đoạn tâm. Tâm như công tào, công tào nếu nghỉ, những người tùy tùng đều nghỉ. Tâm tà không dừng, đoạn âm có ích gì? Phật vì đó nói bài kệ:
Dục sanh từ ý ông,
Ý do tư tưởng sanh,
Hai tâm đều vắng lặng,
Không sắc cũng không hành.
Phật nói bài kệ này là do đức Phật Ca-diếp nói.
Phật nói: Người từ ái dục sanh lo buồn, từ lo buồn sanh kinh sợ. Nếu lìa ái dục, đâu còn lo buồn, đâu còn kinh sợ.
Phật nói: Phàm là người học đạo thí như một người đánh với muôn người, mang giáp ra cửa, ý hoặc khiếp nhược, hoặc đi nửa đường rồi rút lui, hoặc đánh rồi chết tại trận, hoặc đắc thắng trở về. Người Sa-môn học đạo phải quyết chí giữ vững tâm mình, tinh tấn dũng mãnh, không sợ cảnh trước, phá sạch chúng ma để đắc đạo quả.
Có một Sa-môn ban đêm tụng kinh Di Giáo của Phật Ca-diếp, tiếng nghe buồn thảm, nghĩ hối hận muốn lui sụt.
Phật hỏi vị Sa-môn: Ngày trước ở nhà ông từng làm nghề gì?
Thưa: Con thích đàn cầm.
Phật hỏi: Dây dùn thì sao?
Thưa: Không kêu.
Dây thẳng quá thì sao?
Thưa: Tiếng chát.
Dây không dùn không thẳng thì sao?
Thưa: Đầy đủ tất cả âm ba.
Phật dạy: Sa-môn học đạo cũng vậy, tâm nếu điều hòa an ổn, đạo có thể được vậy. Đối với đạo nếu gấp quá thì thân nhọc nhằn; thân nhọc nhằn thì ý sanh phiền não; ý nếu sanh phiền não thì hạnh bị thối lui; hạnh đã thối lui thì tội ắt tăng trưởng. Chỉ thanh tịnh an vui thì đạo không mất vậy.
Phật nói: Thí như người luyện sắt, bỏ những cặn bã làm thành đồ dùng, đồ dùng được tốt; người học đạo bỏ những thứ nhơ nhớp trong tâm thì hạnh được thanh tịnh.
Phật nói: Người lìa đường ác, được làm thân người là khó; đã được làm người, bỏ thân nữ làm thân nam là khó; đã được thân nam, sáu căn đầy đủ là khó; sáu căn đã đầy đủ, sanh ở chỗ văn vật là khó; đã sanh ở chỗ văn vật, gặp Phật ra đời là khó; đã gặp Phật ra đời, gặp được đạo là khó; đã gặp đạo, khởi tâm tin là khó; đã khởi niềm tin, phát tâm Bồ-đề là khó; đã phát tâm Bồ-đề, được không tu không chứng là khó.
Phật nói: Phật tử lìa ta mấy ngàn dặm, mà nghĩ nhớ những lời răn dạy của ta, ắt được đạo quả. Còn ở bên mặt bên trái ta, tuy thường thấy ta, nhưng không chịu nghe lời răn dạy của ta thì trọn không được đạo.
Phật hỏi Sa-môn: Mạng người sống khoảng bao lâu? Thưa: Khoảng vài ngày. Phật bảo: Ông chưa biết đạo.
Lại hỏi một vị Sa-môn: Mạng người sống khoảng bao lâu? Thưa: Khoảng bữa ăn. Phật bảo: Ông chưa biết đạo.
Lại hỏi một vị Sa-môn: Mạng người sống khoảng bao lâu? Thưa: Trong khoảng hơi thở. Phật dạy: Lành thay! Ông biết đạo vậy.
Phật nói: Người học đạo Phật, những lời Phật nói ra đều nên tin và thuận theo. Thí như ăn đường, chính giữa hay một bên đều ngọt, kinh của ta cũng vậy.
Phật nói: Sa-môn tu hành, không giống con trâu kéo che, thân tuy hành đạo, mà tâm không hành. Tâm nếu hành đạo, còn dùng hành đạo làm gì?
Phật nói: Phàm người hành đạo như con trâu kéo nặng qua chỗ bùn sâu, mệt mỏi cũng không dám ngó phải ngó trái, ra khỏi bùn lầy mới có thể nghỉ ngơi. Sa-môn phải xem tình dục còn hơn bùn lầy, phải trực tâm nhớ đạo mới có thể khỏi được khổ vậy.
Phật nói: Ta xem ngôi vị vương hầu như bụi qua kẽ hở, xem vàng ngọc quý báu như ngói gạch, xem y phục lụa là như giẻ rách, xem đại thiên thế giới như một trái kha tử, xem nước ao A-nậu như dầu thoa chân, xem pháp môn phương tiện như đống báu hóa hiện, xem pháp Vô thượng thừa như trong mộng được vàng lụa, xem Phật đạo như hoa trước mắt, xem thiền định như núi Tu-di đứng vững, xem Niết-bàn như ngày đêm đều thức, xem sự đảo chánh như sáu con rồng múa, xem pháp bình đẳng như chỗ đất chân thật, xem sự hưng hóa như cây bốn mùa.
Về Trang Chủ |