Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 17



Chánh văn:

Phật dạy: “Người ôm lòng ái dục không thấy được Đạo. Như nước đang lắng trong mà lấy tay khuấy lên, mọi người cùng đến nhìn chẳng thấy được bóng mình. Người bị ái dục che đậy, cấu bẩn trong tâm nổi lên, nên không thấy được Đạo. Sa-môn phải xả bỏ ái dục, sự dơ bẩn của ái dục sạch hết mới có thể thấy Đạo.”

Giảng:

Phật dạy: “Người ôm lòng ái dục không thấy được Đạo.”

Do ái dục che mờ, tâm mới bị cấu bẩn. Có ái dục là do mê lầm điên đảo. Ái dục không giới hạn ở ái nam nữ, mà nói chung cho tâm tham muốn dục vọng. Tham muốn được thỏa mãn thì lòng tham càng tăng, tham muốn không được thỏa mãn thì nổi sân, cứ thế tạo nghiệp không dừng.

Có năm thứ khiến con người đắm thích không thôi, gọi là năm thứ dục lạc, đó là: Tài sản, sắc đẹp, tiếng tăm danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ; gọi tắt là Tài, sắc, danh, thực, thùy. Cả đời người ta bị năm thứ tham muốn này chi phối, tìm cầu không thôi. Vì chúng mà việc ác gì cũng dám làm, tội lỗi gì cũng dám phạm. Tự mình tạo nghiệp, trở lại bị nghiệp trói cột, dắt dẫn vào sanh tử luân hồi, chìm nổi không biết ngày nào ra. Tất cả cũng chỉ vì một tâm tham ái này.

Thế nên, khi giác ngộ, đức Phật đã tuyên bố: “Giờ đây Ta đã biết được người làm nhà, nó sẽ không thể làm nhà cho Ta được nữa.” Người làm nhà này chính là tâm tham ái, đặc biệt là ái ngã. Từ ái sanh tham sân si, nên ái chính là gốc của sanh tử luân hồi. Do ái ngã nên chấp ngã, cho mình là trung tâm của vũ trụ, làm mọi việc để phục vụ cho cái ngã này. Ái càng mạnh thì vô minh càng lớn, che mờ tâm tánh sáng suốt của mình khiến không thể thấy Đạo, không thể nhận được chân lý.

Người nhận được tự tánh, thể nhập được tự tâm sẽ không còn chấp ngã, không còn thấy mình là trung tâm, vì biết ai cũng như mình. Mình có tánh thấy nghe, người cũng có tánh thấy nghe; mình có tự tánh rỗng lặng sáng suốt, người cũng có tự tánh sáng suốt rỗng lặng. Mình không có gì hơn người, người cũng không có gì hơn mình, tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau. Chư Phật thành Phật được thì mình cũng thành Phật được, tất cả chúng sanh đều thành Phật được. Tâm chấp tướng không còn, lòng từ bi bình đẳng tự sanh.

Sở dĩ có phân biệt vì chúng sanh quen lấy mình làm trung tâm, thương mình hơn hết, mọi người mọi vật đều phải phục vụ mình. Nhưng chân lý thì không phải vậy. Như hoa hồng vốn đâu tự đặt tên là hoa hồng, cũng đâu nói nó tượng trưng cho tình yêu. Nhưng con người đặt để cho nó, ép nó theo ý mình. Tất cả các pháp cũng vậy, bị con người dựa vào tâm ái của mình làm cho méo mó, chớ các pháp xưa nay luôn thanh tịnh.

Như nước đang lắng trong mà lấy tay khuấy lên, mọi người cùng đến nhìn chẳng thấy được bóng mình.

Tâm vốn thanh tịnh, nhưng chúng sanh không chịu nhận lấy chỗ thanh tịnh đó, trở lại khởi sanh thương ghét, rồi tự làm mình não phiền. Tâm chiếu qua con mắt nhận biết mọi sắc tướng, vốn đó là diệu dụng của tánh thấy bình đẳng sáng suốt, nhưng mình lại khởi tâm phân biệt chia chẻ: đây là người thân, kia là kẻ oán; đây là món ưa thích, kia là món không ưa; sắc này đẹp, sắc kia xấu v.v… Khởi thương khởi ghét, hoặc muốn gom vào, hoặc muốn bỏ ra…, tự làm cho tâm mình trở nên dơ bẩn, rồi bị cuốn vào trong dòng xoáy dơ bẩn đó, giống như nước đang lắng trong mà lấy tay khuấy lên làm cho dơ đục, không thể soi được bóng mình.

Người bị ái dục che đậy, cấu bẩn trong tâm nổi lên, nên không thấy được Đạo.

Đạo chính là tâm thanh tịnh của mình, xưa nay vẫn vậy, luôn hằng hiển lộ qua thân tâm, nhưng bởi ái dục, tức tâm tham muốn không dừng làm cho dơ bẩn, nên không thấy được tâm thật, không nhớ sống lại với chỗ thanh tịnh đó. Như khi nghe là tâm thanh tịnh đang hiển lộ qua lỗ tai giúp mình nhận được âm thanh, biết rõ âm thanh đó là gì, phân biệt rõ ràng mà không một niệm thương ghét lấy bỏ. Thế nhưng, chúng ta không dừng ở cái nghe ban đầu thanh tịnh đó, mà luôn khởi niệm phân biệt hai bên đi liền ngay sau đó: tiếng nhạc này hay, tiếng chó sủa kia ồn, lời này là khen tôi, lời kia là nhục tôi… Cứ thế, để tâm mình trôi nổi trong vọng tưởng liên hồi, không chịu sống với cái thấy biết của hiện tại, đó là “Quên mình theo vật”, là rời Đạo, chớ tự tâm mình không bao giờ vắng thiếu, chưa từng mất đi một phút giây nào. Chỉ mình tự rời tâm, tâm chưa từng rời mình.

Sa-môn phải xả bỏ ái dục, sự dơ bẩn của ái dục sạch hết mới có thể thấy Đạo.

Chính ái dục làm mình quên tự tâm. Là Sa-môn xuất gia muốn thấy Đạo, muốn nhận lại được bản tâm, điều tiên quyết là phải xả bỏ ái dục, dứt sạch mọi chấp ngã mới có thể thấy Đạo.

Những thứ làm tâm mình nhiễm nhơ vốn không phải thật mình, chỉ cần buông đi là sẽ trở lại con người thật của mình, gọi là thấy tánh.

Có hai cách tu để thấy tánh, là “Từ có vào không” và “Từ không vào có”.

“Từ có vào không” là trước nhận được tự tánh, nhận được tâm thật, từ đó buông bỏ những cái giả, những cái không phải mình, tức những tập khí đã huân tập trước đó. Buông cho đến khi mọi thói quen cũ dứt sạch, tâm không còn một niệm nhiễm nhơ, lúc đó là thể nhập hoàn toàn tự tánh, như ông Bàng Uẩn nói “Tâm ‘Không’ được đậu về”. Giai đoạn từ lúc thấy tánh cho đến lúc hoàn toàn thể nhập, khoảng giữa buông bỏ tập khí là giai đoạn chăn trâu, giai đoạn này lâu hay mau phụ thuộc vào công phu tu tập của mỗi người. Nhưng dù lâu hay mau, sớm muộn gì cũng hoàn thành vì đã thấy tánh, tức lòng tin đã vững chắc, không gì làm lui sụt được. Pháp tu này thuộc về “đốn ngộ tiệm tu”, nhanh chóng nhận lấy ông chủ hằng hiện hữu, rồi buông dần tập khí hư giả, đến khi tập khí sạch hết là việc làm đã xong.

“Từ không vào có” là tuy chưa nhận được tự tánh nhưng tin lời Phật dạy, dùng trí huệ quán sát các pháp là hư giả, từ đó buông bỏ, buông cho đến tâm hoàn toàn rỗng lặng, không còn gì để buông, lúc đó quay trở lại nhận lấy người hay buông, hay quán sát ấy vốn luôn hiện hữu, là ông chủ thật sự, tức nhận ra được tự tánh thanh tịnh sáng suốt vốn luôn chiếu diệu. Pháp tu này thuộc về “tiệm tu đốn ngộ”, từ từ bỏ tất cả cái giả huyễn, đến khi huyễn giả sạch hết chợt nhận ra chỗ chân thật hằng tồn. Như kinh Viên Giác dạy: “Biết huyễn nên lìa, lìa huyễn nên giác, cái giác cũng buông thì tánh giác hiện tiền”.

Pháp tu “Từ có vào không” khó ở chỗ thấy tánh, trước phải tin được, sau phải nhận được. Người xưa đi hành khước khắp nơi, tìm học vô số bậc tác gia là để làm sao tin được và nhận được. Khi nhận được rồi, công phu tiếp theo sẽ nhẹ nhàng hơn, vì đã biết cái thật thì buông cái giả cũng dễ. Như khi trên tay đã có viên ngọc thật, tự nhiên không còn chạy đi tìm những thứ giả bên ngoài nữa, chỉ lo chùi rửa đất cát còn dính trên ngọc, mong sớm ngày thấy được bộ mặc sạch đẹp của nó. Vì vậy, khi hạ thủ công phu sẽ quyết liệt hơn, buông bỏ tập khí cũng dễ dàng hơn.

Pháp tu “Từ không vào có” khó ở chỗ phải có lòng tin vững chắc vào lời Phật dạy, tinh tấn thực hành pháp quán huyễn để có thể buông bỏ được. Chỉ cần lòng tin không đủ, hay công phu không miên mật sẽ dễ dẫn đến tâm thế chán nản, không thiết tha dụng công vì không biết đường phía trước còn bao xa. Nên nếu chọn cách tu này phải xây dựng niềm tin vững chắc, có lòng tin rồi lại phải kiên trì tinh tấn thực hành, không chán nản lùi bước nửa chừng, chỉ khi nào nhận được đạo mới thôi. Như thứ tự trong Ngũ căn mà đức Phật đã dạy: Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Huệ căn. Lòng tin đứng đầu, phải vững chắc, phải kiên cố; sau đó kiên trì thực hành, chánh niệm không đổi cho đến khi được định. Có định tự nhiên sẽ sanh trí huệ. Định và Huệ viên mãn chính là lúc tự tánh hiện tiền, hay nói cách khác, Định Huệ chính là thể và dụng của tự tánh.

Như vậy hai cách tu này, tùy theo căn cơ của mình mà chọn cho thích hợp. Dù chọn cách nào, cũng phải kiên trì làm cho được, cho có thành tựu mới xứng với hai chữ Sa-môn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.