Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 16



Chánh văn:

Có vị Sa-môn hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Cái gì mạnh nhất? Cái gì sáng nhất?” Phật dạy: “Nhẫn nhục mạnh nhất, vì không ôm giữ điều ác, lại thêm an ổn khỏe mạnh. Người nhẫn, không ác, tất được người đời kính trọng. Tâm cấu bẩn diệt hết, trong sạch không còn dơ, đó là sáng nhất. Từ khi chưa có trời đất cho tới ngày nay, tất cả mọi vật trong mười phương, không gì là không thấy, không gì là không biết, không gì là không nghe, được Nhất Thiết Trí, đó là sáng nhất.”

Giảng:

Phật dạy: “Nhẫn nhục mạnh nhất, vì không ôm giữ điều ác, lại thêm an ổn khỏe mạnh.

Khi được hỏi cái gì mạnh nhất, cái gì sáng nhất, đầu tiên, Đức Phật dạy nhẫn nhục là mạnh nhất, vì không ôm giữ điều ác, lại thêm an ổn khỏe mạnh.

Phật từng dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình. Chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất.” Thắng mình rất khó. Như biết nổi sân là dở, có hại cho cả mình và người, nhưng khi gặp việc trái ý nghịch lòng vẫn không dằn được, không nhẫn được, từ đó, miệng thốt ra lời ác, thân làm việc ác, hại mình hại người.

Nhẫn có nhẫn trên sắc chất và nhẫn trên tinh thần. Nhẫn trên sắc chất là nhẫn những thứ liên quan đến thân, như đau, đói, khát v.v… Muốn nhẫn được trên thân phải có sức định lớn. Ví dụ một người tu giữ giới, khi đói quá mà nếu không có định lực, có thể sẽ phạm giới ăn cả côn trùng, nhưng nếu có định sẽ nhẫn được sự dằn vặt của cơn đói, không vì chìu thân mà phạm giới sát sanh, trộm cướp v.v…

Nhẫn trên tinh thần là khi bị mắng chửi, chê bai, sỉ nhục vẫn nhẫn được, không hờn, không giận. Nhẫn trên tinh thần cũng khó như nhẫn trên sắc thân, cũng đòi hỏi phải có sức mạnh nội tâm, tức sức định, thì mới nhẫn được. Xưa Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá, rất đau đớn, nhưng Ngài không hề oán giận những người hành hạ Ngài, ngược lại còn khởi tâm thương xót, nguyện thay tất cả chúng sanh chịu khổ. Sở dĩ Ngài nhẫn được là nhờ lòng từ lớn.

Thế nên, cái nhẫn của người tu là nhẫn từ tình thương, từ sức định, không phải nhẫn do tình thế bắt buộc, không nhịn không được. Như ở chùa, bị thầy rầy la oan, trong lòng giận lắm nhưng không dám trả lời vì sợ phạm luật; Ngoài đời đi làm, cấp trên rầy la ức hiếp cũng ráng nhẫn chịu vì sợ mất việc; Trong nhà, con dâu nhẫn nhịn mẹ chồng vì sợ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình v.v… Tuy bên ngoài nhịn nhục, nhưng trong tâm chất chứa oán hờn. Nhẫn như vậy không thật sự là nhẫn, vẫn là kết oán với nhau, sẽ vay trả trả vay suốt chặng đường dài sanh tử.

Nhẫn theo đúng lời Phật dạy là nhẫn từ trong tâm, bên ngoài nhịn chịu, bên trong không ôm lòng ác, tức không sanh tâm giận hờn. Được vậy, tâm sẽ luôn nhẹ nhàng, thanh thản, nhờ đó, thân cũng được khỏe mạnh, an vui. Thế nên, nhà Phật thường chúc nhau: Thân an, tâm lạc.

Người nhẫn, không ác, tất được người đời kính trọng.

Người nhẫn thật sự sẽ được nhiều người kính trọng. Vị nào ai mắng cũng làm thinh, hiền lành, không hại ai, tự nhiên được mọi người quý mến. Nhẫn như vậy mới đáng được tán thán ca ngợi. Người như vậy là chiến thắng được tâm ngạo mạn, phá được chấp ngã của mình. Và chỉ khi nào thắng được, hàng phục được tất cả những ô uế trong tâm mới gọi là mạnh nhất. Như đức Phật được tán thán là bậc Đại Hùng Đại Lực, vì Ngài đã thắng được tất cả nội ma ngoại chướng, làm chủ được tâm mình, nhẫn được mọi nghịch duyên.

Tâm cấu bẩn diệt hết, trong sạch không còn dơ, đó là sáng nhất.

Khi nào tâm sạch hết cấu bẩn, tức những thói quen chấp dính hai bên không còn, ngã chấp pháp chấp đều không, sống trở lại hoàn toàn với tự tánh thanh tịnh của mình, đó là lúc sáng nhất.

Từ khi chưa có trời đất cho tới ngày nay, tất cả mọi vật trong mười phương, không gì là không thấy, không gì là không biết, không gì là không nghe, được Nhất Thiết Trí, đó là sáng nhất.

Thể tâm mình vốn sáng sẵn và rất sáng, sáng nhất. Khi nào nhận được tự tâm, thể nhập hoàn toàn vào tự tánh, lúc đó không gì không thấy, không gì không biết, không gì không nghe, được Nhất thiết trí, tức trí huệ thấy biết tất cả. Đến chỗ đó là sạch hết vô minh, không còn mê lầm, biết rõ quy luật vận hành của vũ trụ, có thể tự tại ra vào sanh tử, muốn đến đâu thì đến, muốn làm gì thì làm, theo nguyện mà hành vi tạo tác, không còn bị nghiệp lực dẫn dắt.

Sở dĩ mình không được tự tại là do không thể nhập được tự tâm, không sống được với tự tánh, bị ràng buộc trong thân tứ đại, bị nghiệp lực trói cột. Chúng sanh bị tám khổ bức ngặt vì lầm cho thân tâm là thật, không biết được tự tánh thanh tịnh sáng suốt xưa nay. Người nào nhận được, sống được với tự tánh, thì tuy tám điều khổ của thế gian vẫn diễn ra mà không làm các vị ấy ưu bi khổ não: Bệnh vẫn đau nhưng không khổ, chết vẫn xả thân nhưng không sợ, gặp vui chẳng mừng, gặp khổ chẳng buồn, được không vui, mất không tiếc v.v… Người như thế là rất sáng, rất tự do tự tại, là sáng nhất.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.