Kinh Thắng Man giảng giải

Chương VIII Pháp Thân



Chánh văn 

Nếu đối với vấn đề Như Lai tạng bị trói buộc bởi vô lượng phiền não mà không nghi hoặc thì đối với vấn đề pháp thân ra khỏi phiền não tạng cũng phải không nghi hoặc.

Giảng:

Như Lai tạng chia ra hai phần: Một là Như Lai tạng tại triền, hai là Như Lai tạng xuất triền. Tại triền là Như Lai tạng bị nằm trong sự trói buộc của phiền não hay bị che đậy. Còn khi dứt sạch phiền não, gọi là Như Lai tạng xuất triền.

Đối với vấn đề Như Lai tạng bị trói buộc, bị che đậy bởi vô lượng phiền não, chúng ta đã tin nhận được thì vấn đề đối với pháp thân ra khỏi phiền não tạng cũng không nghi hoặc. Người tin được Như Lai tạng tại triền cũng phải tin Như Lai tạng xuất triền. Thí dụ ta biết rõ ông A phạm tội bị ở tù. Mãn tù, ông ra thì ta cũng biết rõ ông đã ra tù.

Như vậy Như Lai tạng khi bị phiền não che đậy gọi là Như Lai tàng, khi phiền não sạch hết gọi là pháp thân. Pháp thân hay Như Lai tạng chỉ là một chứ không phải hai. Như Lai tại triền gọi là Như Lai tạng, Như Lai xuất triền gọi là pháp thân.

Chánh văn: 

Lại nữa, nếu nghe nói Như Lai tạng, Như Lai pháp thân, cảnh giới Phật bất tư nghì và phương tiện thuyết, mà tâm xác tín quyết định như thế mới tin hiểu lý hai thánh đế. 

Như vậy cái khó hiểu khó rõ là ý nghĩa của lý hai thánh đế. Thế nào là ý nghĩa của lý hai thánh đế? Đó là ý nghĩa của lý thánh đế hữu tác và lý thánh để vô tác. 

Ý nghĩa của lý thánh để hữu tác là ý nghĩa của lý bốn thánh để trong phạm vi có hạn lượng. Bởi vì sao? Vì không phải nhân cái khác mà có thể biết được tất cả khổ, đoạn được tất cả tập, chứng được cứu cánh diệt, tu được tất cả đạo. 

Giảng:

Nếu người nào nghe nói Như Lai tạng, nghe nói pháp thân, tới cảnh giới Phật bất tư nghì và phương tiện thuyết của Phật mà xác tín quyết định, tức là tin chắc chắn không nghi ngờ, khẳng định, người được như vậy mới hiểu, mới rõ được lý hai thánh đế.

Lý hai thánh đế là gì? Hữu tác thánh đế và vô tác thánh đế. Khi Như Lai tạng còn bị phiền não che đậy, tu hành để dứt được sanh tử trong tam giới gọi là hữu tác thánh đế, tu hành để dứt được cả ý sanh thân do vô minh trụ địa khởi, đó gọi là vô tác thánh đế. Như vậy, có hai thánh đế cho nên mới dứt được hai dòng sanh tử, phần đoạn và biến dịch.

Tứ thánh đế của hàng Nhị thừa chỉ dứt được mầm sanh tử của phần đoạn nên phạm vi có hạn lượng. Hữu tác là có hạn lượng. Tại sao gọi là hữu tác? Vì còn có hình thức thô, còn có phương tiện tạo tác để diệt trừ nên gọi là hữu tác.

Lý tứ thánh đế hữu tác do mình nhận hiểu không phải nhân cái khác nên chỉ biết được khổ giới hạn, đoạn được tập giới hạn, chứng được diệt giới hạn, tu được đạo giới hạn chứ chưa phải là tất cả. Đó là ý nghĩa của tứ thánh đế hữu tác.

Chánh văn: 

Cho nên, thưa Thế Tôn! Có cái sanh tử hữu vi, có cái sanh tử vô vi. Niết-bàn cũng vậy, có hữu dư và vô dư.

Giảng: 

Có hai loại sanh tử, sanh tử hữu vi sanh tử vô vi. Lâu nay chúng ta chỉ biết sanh tử hữu vi, còn vô vi là hết sanh tử. Ở đây nói vô vị vẫn có sanh tử. Sanh tử hữu vi là sanh tử phần đoạn, mình thấy tan rã, hư hoại từng phần, gọi là sanh tử hữu vi. Sanh tử vô vi là sanh tử của thánh, từ Tu-đà-hoàn tới A-la-hán, từ A-la-hán tiến lên đến Phật, hay từ Sơ địa Bồ-tát cho đến Thập địa Bồ-tát, từ Thập địa tới Đẳng giác, Diệu giác. Như vậy chiều biến đổi từ bậc thánh này lên bậc thánh kia đổi thay luôn luôn. Các bậc thánh đều tu đạo vô vi, đạo không sanh diệt nhưng vẫn còn bị biến chuyển cho nên gọi là sanh tử vô vị.

Niết-bàn cũng có hữu dư và vô dư. Hữu dư Niết-bàn là khi đạt được Niết-bàn, tâm tịch tịnh nhưng thân vẫn còn sống trong thế gian này, gọi là dư thừa. Vô dư Niết-bàn là khi đạt được Niết-bàn, thân tịch diệt luôn. Nghĩa đó là nghĩa của Thanh văn.

Nghĩa hữu dư, vô dư là sao? Hữu dư là chỉ cho Niết-bàn của hàng Nhị thừa còn vô minh trụ địa, tức còn phiền não, còn sanh tử biến dịch, chưa phải hết nên gọi là hữu dư. Vô dư là đến Phật quả, mọi phiền não hoàn toàn sạch tức là vô minh trụ địa hết, đồng thời không còn tất cả sanh tử biến dịch nên gọi là vô dư. Hai bên đều nói danh từ hữu dư Niết-bàn, dư Niết-bàn, mà mỗi bên giải nghĩa khác.

Chánh văn: 

Ý nghĩa của lý thánh đế vô tác là ý nghĩa của lý bốn thánh đế không hạn lượng. Bởi vì sao? Vì có thể dùng sức chính mình biết được tất cả thọ khổ, hoại được tất cả thọ tập, cứu cánh được thọ diệt, tu được tất cả thọ diệt đạo.

Giảng: 

Ý nghĩa lý tứ thánh đế hữu tác là có hạn lượng, còn ý nghĩa lý tứ thánh đế vô tác là không có hạn lượng. Bởi vì lý tử thánh đế vô tác này vô hạn lượng nên khi tu tự chính mình biết được tất cả thọ khổ, chứ không phải chỉ một giới hạn nào của thọ khổ thôi. Chúng ta phá được tất cả thọ tập, đến được chỗ cứu cánh thọ diệt, tu được tất cả thọ diệt đạo.

Tại sao dùng chữ thọ? Vì tất cả tiếp xúc của sáu căn với sáu trần đều có thọ lãnh nên gọi là thọ. Nếu không thọ lãnh, chúng sanh có khổ không? Như mắt thấy hình sắc xấu hay đẹp, khi đó thấy chỉ thấy thôi, không thọ thì không có khổ vui. Bởi có thọ nên vui khi thấy cảnh vừa ý, khổ khi thấy cảnh bất như ý. Nên biết tất cả khổ đều do thọ. Chúng ta tu là đoạn tất cả thọ do tập gây ra, cho tới cứu cánh được thọ diệt và tu được tất cả thọ diệt đạo.

Tóm lại, tứ thánh đế chia làm hai, hữu tác và vô tác. Hữu tác còn nằm trong giới hạn nên hàng Thanh văn Duyên giác chứng tới đó, là Niết-bàn hữu dư chưa phải vô dư, chưa hoàn toàn được Niết-bàn rốt ráo, hàng Bồ-tát hay Phật do đến chỗ cứu cánh của tứ thánh đế vô tác, các ngài thấu triệt được các khổ, đoạn được tất cả các đạo, hay diệt được tất cả thọ diệt. Bởi không hạn lượng nên đến chỗ cứu cánh.

Chánh văn:

Như vậy là có tám thánh đế, Như Lai chỉ nói bốn thánh đế. 

Giảng: 

Nếu kể như trên, có tới tám thánh đế, bốn thánh đế hữu tác và bốn thánh đế vô tác. Nhưng ở vườn Lộc Uyển, đức Phật giảng tứ thánh đế vì khi đó ngài đứng trên phần đoạn sanh tử mà nói.

Chánh văn: 

Ý nghĩa của bốn thánh đế vô tác ấy chỉ Như Lai Ứng chánh đẳng giác là được kết quả cứu cánh chứ không phải kết quả cứu cánh của A-la-hán, Bích-chi Phật. 

Bởi vì sao? Vì không phải có ba pháp hạ trung thượng riêng biệt được Niết-bàn. 

Giảng:

Thánh đế vô tác này chỉ có Phật mới chứng cứu cánh, còn A-la-hán, Bích-chi Phật chưa đến được.

Niết-bàn là đến chỗ viên mãn cứu cánh chứ không phải có Niết-bàn bậc hạ, bậc trung, bậc thượng. Niết-bàn không có ba bậc nhưng Phật nói có ba bậc là dùng phương tiện.

Bậc hạ Niết-bàn là A-la-hán, trung Niết-bàn là Bích-chi Phật, thượng Niết-bàn là Phật, Niết-bàn là Niết-bàn, không có thượng trung hạ nhưng vì phương tiện Phật nói Niết-bàn A-la-hán, Niết-bàn Bích-chi Phật hay Duyên giác và Niết-bàn của Phật. Như trong kinh Pháp Hoa nói bảo sở chứ không phải hóa thành, hóa thành là phương tiện không phải chỗ cứu cánh, cứu cánh chỉ có bảo sở.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Như Lai Ứng chánh đẳng giác đạt được kết quả cứu cánh đối với ý nghĩa của bốn thánh đế vô tác, vì tất cả Như Lai Ứng đẳng chánh giác biết tất cả khổ vị lai, đoạn được tất cả phiền não, hết thượng phiền não, đã nhiếp thọ tất cả tập, diệt tất cả ý sanh thân, trừ tất cả khổ diệt mà chứng được. 

Thưa Thế Tôn! Không phải như hoại pháp nên gọi là khổ diệt. Nói khổ diệt là nói vô thủy vô tác, vô khởi vô tận, ly tận, thường trú, tự tánh thanh tịnh, lìa tất cả phiền não tạng. 

Giảng:

Như vậy không có ba bậc Niết-bàn, chỉ có Niết-bàn cứu cánh là Niết-bàn của Phật do tu bốn thánh đế vô tác mà đoạn trừ khổ, chứng được diệt. Chỗ cứu cánh là Niết-bàn của Phật, Niết-bàn đó mới thật, những Niết-bàn kia chưa phải thật.

Ở đây nói không phải như hoại pháp nên gọi là khổ diệt. Thường muốn diệt khổ là phải phá hoại hết vô minh hay phá hoại hết phiền não. Nhưng đây không phải phá hoại hết gọi là diệt khổ hay khổ diệt. Nói khổ diệt là nói vô thủy vô tác, nói vô khởi vô tận, nói ly tận, thường trú. Hàng Nhị thừa đoạn trừ hết phiền não gọi là hết khổ, ở đây nói hết khổ hay chứng diệt v.v… là không phải phá hoại như thế.

Thí dụ có một cái gương trong sáng từ khi thành hình, do mình để quên nên bụi phủ đầy mặt gương, khi đó thấy gương tối. Như vậy gương tối hay tại bụi che ánh sáng, mình thấy tối? Không phải gương tối, chẳng qua vì bụi che bên ngoài nên chúng ta không thấy ánh sáng phát ra. Cũng như mặt trăng đêm rằm, nếu có mây đen kịt che khuất, chúng ta sẽ thấy tối, không phải mặt trăng tối. Cũng vậy, vì bụi phủ nên thấy gương tối, chứ gương lúc nào cũng sáng. Khi lau hết bụi, gương sáng ra. Chúng ta tưởng như lau hết bụi gương mới sáng, sự thật nó đã sáng sẵn từ hồi nào đến giờ.

Bởi vậy pháp thân hay Như Lai tạng là vô thủy vô tác, là vô khởi vô tận, ly tận, thường trú, là tự tánh thanh tịnh, phiền não không xâm nhập được nó, chẳng qua chỉ che ở ngoài. Khi hết phiền não nó hiện ra, mình tưởng nó mới sanh. Đó là cái nhìn nông cạn của chúng sanh, thật ra nó trước sau sẵn như vậy, không phải do phá hoại phiền não mà có Như Lai tạng.

Chúng ta nói, mình tu sạch hết phiền não vọng tưởng sẽ thấy Phật tánh. Thấy Phật tánh đó là do hết phiền não rồi Phật tánh sanh hay nó đã sẵn? Phật tánh đã có từ thuở nào, phiền não phủ che là sau. Khi diệt hết những phiền não phủ che, Phật tánh hiện ra, không phải mới hiện mà đã có sẵn, nhưng chỉ khi phiền não sạch ta mới thấy.

Ý nghĩa khổ diệt ở đây là nói vô thủy vô tác, vô khởi… tức biết được nó có từ thuở nào đến giờ, không bị phiền não ngăn che nữa nên gọi là khổ diệt. Không phải do diệt hết khổ mới thấy Như Lai tạng, thấy được pháp thân vì nó thường trú, tự tánh thanh tịnh, lìa tất cả phiền não tạng.

Nói cách khác, như nguyên thể của gương là lìa tất cả bụi hay dính tất cả bụi? Nếu nhiễm, tất nhiên bụi dính vào lần lần thấm sâu, gương bị tối luôn, nhưng thực tế bụi đâu thấm được mà chỉ đóng bên ngoài. Khi chùi sạch, gương sáng lại như xưa nên tánh gương ly nhiễm. Tự tánh thanh tịnh của chúng ta vốn không nhiễm nhưng bị phiền não che. Nhờ không nhiễm nên hết phiền não nó sáng ngời trở lại. Nếu nhiễm thì dẹp phiền não rồi nó vẫn không thể sáng được. Hiểu như thế mới thấy sự thâm sâu của lý Đại thừa.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Đối với phiền não nhiều hơn số cát sông Hằng, không ly, không thoát, không khác mà thành tựu được Phật pháp không thể nghĩ bàn, đó là Như Lai pháp thân. 

Thưa Thế Tôn! Cái Như Lai pháp thân không ly phiền não tạng đó gọi là Như Lai tạng. 

Giảng: 

Đó là pháp thân của Phật. Pháp thân của Phật không lìa phiền não, không thoát, không khác phiền não mà thành tựu được Phật pháp. Bởi vì sao? Vì Như Lai pháp thân đâu có gì để lìa, nó nguyên là như vậy, phiền não không thể nhiễm được. Tuy nhiên phiền não bu bám bên ngoài nên phải dụng công dẹp sạch, nó mới hiện ra đầy đủ, bất khả tư nghì.

Như vậy chúng ta nói tu để thành Phật, thật ra tu để hết phiền não. Cũng như lau gương để hết bụi, chứ không phải lau để gương sáng. Nếu nói lau để gương sáng, đó là sai lầm. Một khi hết bụi gương tự sáng, đâu phải do lau mà sáng. Cũng vậy, tu là để sạch phiền não, chứ không phải để thành Phật. Hết phiền não Phật tự hiện, chứ đâu có Phật để mình thành. Nếu tu để thành Phật thì công tu là công hữu tác.

Nói tới tu là nói tới hành động, tới sự dẹp bỏ, mà còn hành động, còn dẹp bỏ là còn vô thường. Lấy vô thường để tìm chân thường là không hợp lý. Chúng ta tu dẹp sạch phiền não, cái chân thật sẽ hiện ra. Hết vô thường thì chân thường hiện ra, đó là điều hợp lý.

Nên biết pháp thân Như Lai không lìa phiền não, không thoát phiền não, không khác phiền não. Vì sao? Vì phiền não không thật, chúng ta đâu thấy được nó, nên nói không ra ngoài cũng không khác.

Như Lai pháp thân không lìa phiền não tạng, bị phiền não che nên gọi là Như Lai tàng.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.