Trích giảng và Đối chiếu Tăng Nhất A Hàm với Tăng Chi Bộ Kinh

Giảng giải Kinh số 7, Phẩm Lục Trọng (Hán tạng)



Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Nay ta sẽ thuyết về pháp đệ nhất tối không. Các thầy khéo suy nghĩ. 

Các Tỳ-kheo đáp: 

– Xin vâng, Thế Tôn. 

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Phật bảo: 

– Sao gọi là pháp đệ nhất tối không? Nếu lúc mắt khởi thì khởi, cũng chẳng thấy chỗ đến; lúc diệt thì diệt cũng không thấy chỗ diệt, trừ pháp giả hiệu nhân duyên. Thế nào là giả hiệu nhân duyên? Nghĩa là cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, tử duyên sầu lo, khổ não, chẳng thể tính kể. Như thế Khổ ấm thành tựu nhân duyên này. 

Không đây thì không kia, đây diệt thì kia diệt; vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì tử diệt, tử diệt thì sầu lo khổ não thảy đều diệt; tận trừ pháp giả hiệu. 

Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế; lúc khởi thì khởi cũng không biết chỗ đến, lúc diệt thì diệt cũng không biết chỗ diệt, trừ pháp giả hiệu. Pháp giả hiệu là đây khởi thì khởi, đây diệt thì diệt. 

Sáu nhập này cũng không người tạo tác; cũng là pháp danh sắc lục nhập. Do cha mẹ mà có thai, cũng không nhân duyên mà có. Đây cũng giả hiệu. Chỉ cần trước có đối đãi sau bèn có. Ví như dùi cây kiếm lửa. Vì trước có đối đãi, sau mới có lửa sanh, lửa cũng chẳng từ cây ra, cũng chẳng lìa cây. Nếu lại có người chẻ cây tìm lửa, cũng chẳng thể được, đều do nhân duyên hội họp rồi sau có lửa. Sáu tình này khởi bệnh cũng lại như thế, đều do nhân duyên hội họp, trong đó khởi bệnh. Lúc sáu nhập này khởi thì khởi cũng chẳng thấy chỗ đến, lúc diệt thì diệt, cũng chẳng thấy chỗ diệt, trừ pháp giả hiệu này. Nhân do cha mẹ hội họp mà có. 

Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ: 

Trước hết thọ bào thai, 

Dần dần như váng sữa, 

Rồi lại như cục thịt, 

Sau chuyển như tượng hình. 

Trước sanh đầu, cổ, ót, 

Dần sanh tay, chân, ngón, 

Chi tiết mỗi mỗi sanh, 

Tóc, lông, móng, răng thành. 

Nếu lúc mẹ ăn uống, 

Các thứ món ăn ngon,

Tinh khí làm sống mạng,

Nguồn gốc của thọ thai.

Hình thể đã hoàn thành,

Các căn không thiếu sót, 

Do mẹ được sanh ra,

Thọ thai khổ như thế.

Tỳ-kheo nên biết, do nhân duyên hội họp mà có thân này. Lại nữa, Tỳ-kheo! Trong một thân người có ba trăm sáu mươi đốt xương, chín vạn chín ngàn lỗ chân lông, năm trăm mạch máu, năm trăm gân, tám vạn hộ trùng. Tỳ-kheo nên biết! Thân lục nhập có tai biến như thế. Tỳ-kheo nên nhớ tư duy họa hoạn như thế. Ai tạo xương này? Ai hợp gân mạch này? Ai tạo tám vạn hộ trùng này? 

Bấy giờ, Tỳ-kheo nghĩ suy điều này, liền đạt nhị quả, A-na-hàm, hoặc A-la-hán. Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ: 

Ba trăm sáu mươi xương,

Ở trong thân người này,

Chư Phật đã diễn nói,

Nay ta cũng nói thế.

Gân có năm trăm sợi,

Số mạch cũng như thế, 

Trùng có tám vạn thứ, 

Chín vạn chín ngàn lông.

Nên quán thân như thế,

Tỳ-kheo cần tinh tấn,

Mau được đạo La-hán,

Và đến được Niết-bàn.

Pháp này đều không tịch,

Chỗ tham của người ngu, 

Người trí tâm vui vẻ, 

Nghe pháp bổn “không” này. 

Này Tỳ-kheo! Đây gọi là pháp đệ nhất tối không. Ta vì các thầy nói về pháp tu hành của Như Lai. Nay ta đã khởi tâm từ bi thương xót, việc ta làm đã xong. Các thầy thường nên nhớ tu hành pháp này. Ở chỗ vắng vẻ, ngồi thiền tư duy, chớ có giải đãi. Nay không tu hành sau hối hận vô ích. Đây là lời giáo huấn của ta. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. 

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. 

Giảng: 

Đây là bài kinh Đệ nhất tối không, nghĩa là kinh nói về Không đệ nhất tột cùng. Trước hết Phật dạy:

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Nay ta sẽ thuyết về pháp đệ nhất tối không. Các thầy khéo suy nghĩ. 

Các Tỳ-kheo đáp: 

– Xin vâng, Thế Tôn. 

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Phật bảo: 

– Sao gọi là pháp đệ nhất tối không? Nếu lúc mắt khởi thì khởi, cũng chẳng thấy chỗ đến; lúc diệt thì diệt cũng không thấy chỗ diệt, trừ pháp giả hiệu nhân duyên. 

Đệ nhất tối không là sao? Sáu căn khi duyên với trần cảnh, mắt thấy sắc niệm phân biệt đẹp xấu khởi lên. Niệm phân biệt từ đâu mà có? Không biết ở đâu chạy ra, khi diệt cũng không thấy chỗ diệt. Sự sanh khởi của niệm phân biệt đến không có chỗ nơi và diệt cũng không có chỗ nơi. Như vậy nó có thật không? Thế mà cả đời chúng ta chịu nô lệ cho niệm khởi của mắt, của tai, của mũi, của thân, của ý. Khi đối duyên xúc cảnh nó dấy lên thì có, duyên cảnh qua rồi nó không còn. Dấy lên cũng không biết từ đâu, khi diệt cũng không biết về đâu. Nó không thật, bởi không thật nên nói là không, là pháp giả hiệu, pháp nhân duyên.

Thí dụ như trước cổng thiền viện Thường Chiếu, khi nào có xe Phật tử hành hương thì có ông bán cà rem tới, khách về ông ta cũng đi mất. Như vậy ông bán cà rem có phải là người Thường Chiếu không? Nếu là người Thường Chiếu thì không đợi khách đến ông mới có mặt, lúc nào ông cũng ở đây. Hiểu như vậy mới nhận ra mắt thấy sắc mới có khởi niệm phân biệt, lúc hết duyên thì nó mất. Rõ ràng nó không thật, chỉ là nhân duyên tạm có.

Thế nào là giả hiệu nhân duyên? Nghĩa là cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, tử duyên sầu lo, khổ não, chẳng thể tính kể. Như thế Khổ ẩm thành tựu nhân duyên này. 

Đó là pháp giả hiệu nhân duyên. Mười hai nhân duyên là vô minh, hành, thức, danh sắc… tất cả đều là giả hiệu không thật. Nếu vô minh thật thì vô minh có diệt được không? Cũng như bóng tối nếu có thật, chúng ta đốt đèn lên nó không mất. Khi đốt đèn bóng tối tan mất nên biết nó không thật. Thắp lên ánh sáng trí tuệ thì vô minh hết, như vậy vô minh cũng không thật, chẳng qua là pháp giả hiệu do nhân duyên sanh. Cái này cái kia liên kết với nhau mà thành thân khổ ấm, chứ nó không có thật. Vì vậy tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh.

Không đây thì không kia, đây diệt thì kia diệt; vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ải diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì tử diệt, tử diệt thì sầu lo khổ não thảy đều diệt; tận trừ pháp giả hiệu. 

Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế; lúc khởi thì khởi cũng không biết chỗ đến, lúc diệt thì diệt cũng không biết chỗ diệt, trừ pháp giả hiệu. Như vậy mắt, tai, mũi, lưỡi… sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần, sáu thức dấy lên phân biệt. Nó không thật, chỉ chạy theo rồi mất, không biết từ đâu đến, đi cũng không biết về đâu. Nó là pháp hư dối không thật.

Pháp giả hiệu là đây khởi kia khởi, đây diệt kia diệt, lục nhập này cũng không có người tạo tác.

Pháp danh sắc lục nhập do cha mẹ có thai cũng không nhân duyên. Tại sao trước nói nhân duyên rồi sau nói không nhân duyên? Như nói đây có thì kia có, đây sanh thì kia sanh, đó là pháp nhân duyên. Bây giờ danh sắc lục nhập thành bào thai trong bụng mẹ, xin hỏi bào thai nhân cha mà có hay nhân mẹ mà có? Nhân cái nào? Nếu một nhân không thành thì sao nói một nhân được? Không nhân thì sao nói duyên? Như vậy nhân duyên chỉ có trong hư dối, không thật, nên kinh Lăng-nghiêm nói phi nhân duyên phi tự nhiên. Ở đây nói nhân duyên cũng gượng nói thôi, nên gọi là giả hiệu.

Ví như dùi cây lấy lửa, do trước có dùi sau mới sanh lửa. Lửa không phải từ cây ra, cũng không phải lìa cây có. Lửa từ đâu mà ra? Nếu nhân gỗ, chẻ gỗ tìm không ra, nếu nhân dùi, chẻ sắt tìm cũng không ra. Bào thai cũng vậy, không do một người, nghĩa là không có một nhân riêng, mà phải đợi đủ nhân đủ duyên mới được. Như vậy nó có thật đâu, chẳng qua là giả hiệu thôi. Ở đây mới nói nếu có người chẻ cây tìm lửa, không thể thấy lửa, đều do nhân duyên hội họp rồi sau mới có lửa.

Lục tình khởi bệnh cũng như thế, do duyên hội ở trong nên khởi bệnh, tức sáu tình thức là bệnh, giống hệt như dùi cây lấy lửa. Lửa có mà thật không từ cây sanh ra, cũng không lìa cây, cũng không từ dùi mà ra. Không thể tức mà cũng không thể ly. Như vậy để thấy rõ ý nghĩa đầu tiên Phật nói về sáu thức, tựa nơi sáu căn duyên sáu trần có sáu thức hoàn toàn không thật. Nó đợi đủ duyên mới có, thiếu duyên thì không, đến cũng không biết từ đâu, đi cũng không biết về chỗ nào.

Lục nhập này khi khởi thì khởi cũng không thấy đến, khi diệt thì diệt, cũng không thấy diệt, trừ pháp giả hiệu, nhân do cha mẹ hội họp mà có. Thế Tôn liền nói kệ:

Trước hết thọ bào thai, 

Dần dần như váng sữa, 

Rồi lại như cục thịt, 

Sau chuyển như tượng hình. 

Trước sanh đầu, cổ, ót, 

Dần sanh tay, chân, ngón, 

Chi tiết mỗi mỗi sanh, 

Tóc, lông, móng, răng thành. 

Nếu lúc mẹ ăn uống, 

Các thứ món ăn ngon, 

Tinh khí làm sống mạng, 

Nguồn gốc của thọ thai. 

Hình thể đã hoàn thành, 

Các căn không thiếu sót, 

Do mẹ được sanh ra, 

Thọ thai khổ như thế. 

Từ tinh cha huyết mẹ, bào thai kết tụ lại như sữa đặc, lần lần mới thành một cục thịt, tượng hình rồi có đầu cổ, tay chân… cuối cùng có tóc, lông, móng tay, răng. Lúc còn là bào thai, mẹ ăn cái gì con tiếp thu cái đó nuôi sống. Khi hình thành thân thể đầy đủ rồi từ bụng mẹ sanh ra, thập tử nhất sanh cả mẹ lẫn con. Hình thức thọ thai khổ như thế.

Phật phân tích vậy để làm chi? Để thấy pháp nhân duyên trong cơ thể của chúng ta. Nếu tính số xương có ba trăm sáu mươi lóng, tính lỗ chân lông có chín mươi chín ngàn, tính gân có năm trăm gân, tính mạch có năm trăm mạch, có tám mươi ngàn hộ trùng. Nếu nhìn lại thân từng lớp xương, lỗ chân lông, từng mạch máu, từng sợi gân, từng con hộ trùng thì có mình không? Có gì là mình đâu. Chẳng qua chỉ là một mớ xương, các sợi gân cột lại, mạch máu lưu chuyển, trong đó có mấy con hộ trùng gìn giữ. Nếu gặp vi trùng bên ngoài xâm nhập, nó tổ chức chống lại, lúc chúng đánh nhau mình có biết không? Có biết binh tướng đứa nào chặn đầu đứa nào không? Tự nó đánh, nó thắng thì mình yên ổn, nó thua thì mình sốt mình đau. Cho nên nói “thân này của mình” thật tức cười.

Đã là của mình, mà nó làm gì mình không biết! Trong đó tám mươi ngàn con hộ trùng đều có sinh hoạt hết, chưa kể lãi sên nữa. Vậy mình là cái gì? Thân này chỉ là giả hiệu do một hợp thể kết tụ lại. Nói theo y học bây giờ, thân này là sự kết cấu của tế bào. Tế bào não, tế bào mắt… kết hợp lại có sự sống của con người. Vậy mà mình cứ vỗ ngực xưng ta, trong khi chia chẻ ra chẳng có gì là mình hết. Phật dạy:

Tỳ-kheo nên nhớ tư duy họa hoạn như thế. Ai tạo xương này? Ai hợp gân mạch này? Ai tạo tám vạn hộ trùng này? 

Bấy giờ, Tỳ-kheo nghĩ suy điều này, liền đạt nhị quả, A-na-hàm, hoặc A-la-hán. 

Hành giả tu quán cần xem xét cái gì làm thành xương, thành mạch, thành hộ trùng. Nghĩ một hồi không thấy có gì là mình, lúc đó chứng Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán… Vậy tu đâu phải là chuyện xa vời, khổ sở chi. Chỉ cần thấy đúng thân này vô ngã. Thấy đúng như vậy thì được trí tuệ diệt vô minh, chứng A-la-hán.

Những thứ không phải là mình hợp lại mà chấp là mình, đó là gì? Là ngu si, vô minh. Bởi vô minh nên trôi lăn trong sanh tử, mất thân này tìm thân khác. Nếu ngay nơi đó biết nó không phải là mình, phá được chấp ngã, đó là trí tuệ. Như vậy mới thấy tu không phải chuyện khổ hạnh nhọc nhằn mà dùng trí tuệ thấy đúng như thật. Đã không phải thật mình mà cứ chấp là mình, đó là điều hết sức mê lầm. Nhiều khi các bác sĩ có đủ phương tiện dùng kính hiển vi thấy vô số vi trùng trong thân, nhưng rồi cũng tham mê, thấy nó thật. Thành ra cái ngu của chúng sanh không biết có từ đời nào? Nghe Phật nói thì tỉnh, nhưng sau đó cũng mê như thường.

Phật kết thúc bằng bài kệ:

Ba trăm sáu mươi xương,

Ở trong thân người này,

Chư Phật đã diễn nói,

Nay ta cũng nói thế,

Gân có năm trăm sợi,

Số mạch cũng như thế, 

Trùng có tám vạn thử,

Chín vạn chín ngàn lông.

Nên quán thân như thế,

Tỳ-kheo cần tinh tấn, 

Mau được đạo La-hán,

Và đến được Niết-bàn. 

Pháp này đều không tịch,

Chỗ tham của người ngu, 

Người trí tâm vui vẻ, 

Nghe pháp bổn “không” này. 

Này Tỳ-kheo! Đây gọi là pháp đệ nhất tối không. Ta vì các thầy nói về pháp tu hành của Như Lai. Nay ta đã khởi tâm từ bi thương xót, việc ta làm đã xong. Các thầy thường nên nhớ tu hành pháp này. Ở chỗ vắng vẻ, ngồi thiền tư duy, chớ có giải đãi. Nay không tu hành sau hối hận ích gì. Đây là lời giáo huấn của ta. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. 

Phật khi thì răn, khi thì quở. Tôi thương xót các ông, chỉ dạy rành rõ như vậy, các ông ráng tu, sau hối hận vô ích. Đó là lời dạy bảo của tôi.

Bài kinh này liên hệ tới hệ Bát-nhã nhã rất sâu. Ở đây chỉ đệ nhất tối không là cái không tột cùng. Cái không đó là gì? Tức là ngay trong cái không này, từ tâm thức cho đến hình thể, cả hai đều là duyên hợp hư dối, không có tự thể cố định. Bởi không tự thể cố định mà chúng ta mê lầm chấp nó thật, là vô minh. Nếu thấy rõ ràng không thật, chỉ là giả hiệu thôi thì sẽ được giải thoát.

Tất cả chúng ta mê lầm từ cái thức, cái thân, lầm giả hiệu nữa. Lầm thức phân biệt cho nó là tâm mình, khởi không biết từ đâu khởi, diệt không biết về đâu. Thân do đủ duyên hợp, không thật mà cho là thật. Khi sanh ra, nếu cha mẹ học hành khá chọn cho cái tên đẹp thì thích, chấp giữ đã đành. Nếu cha mẹ quê mùa đặt cho tên Mít, tên Xoài, vậy mà ai động tới Mít, tới Xoài thì cự liền. Như vậy là chấp từ thân, tâm đến tên tạm đặt, cái nào cũng cho là thật. Rõ ràng chuyện đó không có nghĩa lý gì, chỉ là giả hiệu mà người ta vẫn chấp cứng. Phật nói cái ngu si của chúng sanh không sao kể hết.

Kinh A-hàm kể, một hôm Phật đi giáo hoá vùng Bà-la-môn, các đệ tử Bà-la-môn theo Phật hết. Mấy thầy Bà-la-môn tức quá, Phật đi trước, họ theo sau kêu tên chửi. Phật cứ chậm rãi đi đều đều không nói gì hết. Mấy vị đó tức quá hỏi:

– Cù-đàm có nghe không?

Phật trả lời:

– Có nghe.

– Tại sao tôi chửi mà Ngài không nói gì hết? Phật liền trả lời:

– Như nhà ngươi có giỗ mời khách tới, khách dự tiệc rồi về, ngươi đem quà bánh tặng cho, họ không nhận thì quà bánh về ai?

– Tặng mà họ không nhận thì về tôi chứ về ai?

– Cũng vậy ngươi chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Bây giờ có ai chửi, chúng ta nhận không? Người ta kêu tên tộc của Phật ra chửi, ngài không dính gì hết. Chúng ta nghe ai nói xa xa cũng ráng lắng tai, coi có dính tới mình không. Nghe rồi giận hờn đủ thứ, bởi vậy cái mê lầm của con người quá sức tưởng tượng. Do chúng ta chấp chặt tâm, chấp chặt thân, chấp chặt giả danh, tất cả đều cho là thật nên khổ đau từ đời này đến kiếp nọ. Bây giờ học đạo biết những thứ đó hư dối, đừng chấp nữa thì được giải thoát chứ có gì khó.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.