Trích giảng và Đối chiếu Trung A Hàm với Trung Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Thuyết Xứ (Hán tạng) với Kinh Sáu Sáu (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến nước Xá-vệ ở vườn Cấp Cô Độc tại Thắng lâm. Vào buổi chiều, tôn giả A-nan (Ānanda) từ thiền tịnh dậy, dẫn các Tỳ-kheo niên thiếu đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên. Các Tỳ-kheo niên thiếu cũng cúi đầu lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên. Tôn giả A-nan bạch: 

Thế Tôn! Các Tỳ-kheo niên thiếu này con phải bảo thế nào? Khuyên răn thế nào? Vì họ nói pháp thế nào? 

Thế Tôn bảo: 

– A-nan! Ông phải vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói xứ (āyatana) và dạy xứ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói xứ và dạy xứ thì họ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật bạch: 

Thế Tôn! Nay chánh phải thời. Thiện Thệ! Nay chánh phải thời. Nếu Thế Tôn vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói xứ và dạy xứ, con và các Tỳ-kheo niên thiếu từ Thế Tôn nghe rồi sẽ khéo thọ trì.

Thế Tôn bảo: 

– A-nan! Các ông lắng nghe, khéo suy nghĩ, tôi sẽ vì ông và các Tỳ-kheo niên thiếu phân biệt nói rộng. 

Tôn giả A-nan vâng dạy lắng nghe. 

Thế Tôn bảo: 

– A-nan! Tôi trước vì ông nói năm thạnh ấm: sắc thanh ấm, thọ, tưởng, hành, thức thanh ấm. A-nan! Năm thanh ấm này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy năm thanh ấm này, họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu nội xứ: nhãn xứ, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý xứ. A-nan! Sáu nội xứ này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy sáu nội xứ này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu ngoại xứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. A-nan! Sáu ngoại xứ này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy sáu ngoại xứ này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu thức thân: nhãn thức, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý thức. A-nan! Sáu thức này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu xúc thân: nhãn xúc, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý xúc. A-nan! Sáu xúc thân này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu thọ thân: nhãn thọ, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý thọ. A-nan! Sáu thọ thân này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu tưởng thân: nhãn tưởng, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tưởng. A-nan! Sáu tưởng thân này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu tự thân: nhãn tư, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý tư. A-nan! Sáu tư thân này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu ái thân: nhãn ái, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý ái. A-nan! Sáu ái thân này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói sáu giới: địa giới, thủy, hỏa, phong, không, thức giới. A-nan! Sáu giới này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

Giảng:

Trong Phật pháp, ba mươi bảy phẩm trợ đạo rất quan trọng. Học kinh này để biết tên các pháp thuộc ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nằm trong Đạo đế. Nếu không học phần căn bản, khi có người hỏi chúng ta không biết trả lời, đó là thiếu sót.

Trước tiên Phật dạy ngài A-nan nên nói ngũ thạnh ấm cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Ngũ thạnh ấm, thạnh là hưng thạnh, ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm ấm này, mỗi ấm đều do duyên chung hợp mà thành. Như sắc ấm do tứ đại chung hợp mà hưng thạnh, gọi là sắc thạnh ấm. Thọ cũng không tự có, do sáu căn tiếp xúc sáu trần mà có cảm thọ hưng thạnh. Tóm lại, năm ấm do duyên hợp mà phấn phát nên gọi là năm thanh ấm. Ngũ ấm còn gọi là ngũ uẩn. Uẩn là súc tích, là gom chứa; ấm là che đậy. Đứng về mặt duyên hợp thì năm thứ này, mỗi thứ đều do duyên hợp chứa nhóm súc tích mà có mặt, nên gọi là uẩn, cũng vì năm cái này che mờ tánh giác nên gọi là ấm.

Như vậy, đầu tiên Phật bảo phải nói về ngũ thạnh ấm hay nói về năm uẩn cho các Tỳ-kheo nghe, các Tỳ-kheo sẽ tu hành tinh tấn, được hạnh thanh tịnh.

Kế đó Phật dạy nói về sáu nội xứ: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý. Tại sao gọi là nội? Vì nó ở nơi thân mình. Nội đối với ngoại. Ngoại là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, sáu pháp ở bên ngoài. Tại sao gọi là xứ? Xứ là chỗ nơi, mỗi cái đều có chỗ riêng biệt khác nhau. Sắc có chỗ riêng của sắc, thanh có chỗ riêng của thanh… Sáu chỗ này là pháp ở bên ngoài nên gọi là sáu ngoại xứ. Kế đến là sáu thức thân, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần bên ngoài sanh ra sáu sự hiểu biết phân biệt, gọi là sáu thức thân.

Như vậy, từ năm thanh ấm đầu tiên mà phát sanh sáu căn, sáu trần, sáu thức, đó là nguyên nhân quan trọng đưa đến kết quả sáu thọ, sáu tưởng, sáu tư, sáu ái. Nếu các Tỳ-kheo biết rõ các pháp này, chia chẻ phân tích từng cái một, thấy rõ như thật thì sẽ được an ổn tu tập trọn đời thanh bạch.

do Đó là lý do Phật dạy A-nan nên nói những pháp này cho các Tỳ-kheo niên thiếu nghe. Tất cả những danh từ này đều có số sáu đứng đầu, kể cả sáu giới bên ngoài là đất, nước, gió, lửa, không, thức. Pāli tạng gọi là kinh Sáu Sáu. Hán tạng thì gọi là kinh Thuyết Xứ, tức là nói về nơi chốn của các pháp bên trong bên ngoài, là căn, trần, thức…

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói nhân duyên khởi và nói pháp do nhân duyên khởi sanh ra. Nếu đây có thì kia có, nếu đây không thì kia không. Nếu đây sanh thì kia sanh, nếu đây diệt thì kia diệt. 

Giảng:

Đây là chủ yếu của pháp nhân duyên. Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh, cái này diệt nên cái kia diệt. Tất cả sự vật có ra từ nhân duyên, vì nhân duyên nên cái này liên hệ với cái kia, pháp này có mặt thì pháp kia có mặt, một pháp mất đi thì các pháp chuyển biến thay đổi không còn nguyên vẹn như trước. Ở đây, Phật nói pháp nhân duyên là nhắm thẳng vào con người.

Chánh văn: 

Duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục xứ, duyên lục xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có lão tử.

Giảng:

Đây là mười hai nhân duyên theo chiều lưu chuyển.

Chánh văn

Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử diệt. 

Giảng:

Chiều lưu chuyển là từ vô minh có nên lão tử có. Chiều hoàn diệt là vô minh diệt nên lão tử diệt. Đây không giảng hết ý nghĩa của mười hai nhân duyên, chỉ nói tên của mười hai nhân duyên theo hai chiều sanh khởi và diệt tận. Nhắm vào chỗ này tu tập, chúng ta biết sanh tử khởi lên từ vô minh, nếu vô minh diệt thì sanh tử diệt. Tu tập là để phá thẳng vô minh,

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn niệm xứ: quán thân như thân, quán thọ, tâm, pháp như pháp.

Giảng:

Bốn niệm xứ là bốn chỗ quán niệm: thân, thọ, tâm, pháp. Trước nói quán thân, thường thường nói quán thân bất tịnh, nhưng ở đây nói quán thân như thân. Bởi vì thân chúng ta dơ mà tưởng sạch nên phải quán thấy đúng nó dơ là nó dơ, nên nói quán thân như thân. Đến quán thọ, tâm, pháp cũng thấy đúng như vậy. Chúng ta thường nghe nói quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp ngã. Đó là thấy đúng như thật.

Quán tất cả thọ đều là khổ. Phật nói ba thọ: thọ lạc, thọ khổ và thọ không khổ không lạc. Tại sao ở đây Phật nói tất cả thọ là khổ, như vậy thọ lạc đi đâu? Phật nói tất cả thọ là khổ vì căn cứ trên vô thường, tất cả thọ đều đổi dời chuyển biến, nên khổ chứ không lạc. Quán tâm thường vì tâm lao xao suy nghĩ, không dừng, không yên, thay đổi luôn. Quán pháp ngã, có chỗ giải thích vì các pháp không chủ tể nên gọi là vô ngã. Có chỗ nói quán pháp là quán tâm sở pháp vô ngã, tức là các thứ buồn thương giận ghét vô ngã, nó không phải là mình, không có chủ. Nghĩa chữ pháp rất rộng, pháp vô ngã là tất cả pháp không có chủ, vì không chủ nên vô ngã. Ở đây nói ngay nội tâm mình, tâm vương do mắt thấy tai nghe… biến đổi vô thường, các tâm sở pháp như buồn thương giận ghét cũng không có chủ. Tâm luôn quán xét nhớ nghĩ về bốn pháp trên đây gọi bốn niệm xứ.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn chánh đoạn: Tỳ-kheo đã sanh pháp ác vì đoạn nên khởi mong cầu phương tiện, thực hành tinh tấn dụng tâm đoạn.

Giảng:

Bốn chánh đoạn hay còn gọi là bốn chánh cần. Tỳ-kheo đã sanh pháp ác nên khởi mong cầu phương tiện, thực hành tinh tấn dụng tâm đoạn. Ấy là điều ác đã sanh, tinh tấn diệt nó.

Chánh văn: 

Chưa sanh pháp ác, vì sợ sanh nên khởi mong cầu phương tiện, thực hành tinh tấn dụng tâm đoạn. 

Giảng:

Siêng năng gọi là cần, cố gắng dứt gọi là đoạn. Pháp ác đã sanh, cố gắng đoạn là chánh cần thứ nhất. Pháp ác chưa sanh, tìm mọi phương tiện giữ đừng cho sanh là chánh cần thứ hai.

Chánh văn: 

Chưa sanh pháp thiện, vì muốn sanh nên khởi mong cầu phương tiện, thực hành tinh tấn dụng tâm đoạn. 

Giảng:

Pháp thiện chưa sanh nên cố gắng dụng tâm làm cho phát triển. Chỗ này khó giải thích, vì sao đối với pháp thiện cố gắng tinh tấn cho sanh khởi mà gọi là đoạn?

Chánh văn: 

Đã sanh pháp thiện, vì giữ bền còn, vì không quên, vì không thối, vì càng tiến, vì khuếch trương rộng, vì tròn đầy nên khởi mong cầu phương tiện, thực hành tinh tấn dụng tâm đoạn. 

Giảng:

Như vậy cả bốn pháp, nói đơn giản là điều ác đã sanh cố gắng diệt, điều ác chưa sanh cố gắng giữ đừng cho sanh. Điều thiện chưa sanh tìm cách cho khởi, điều thiện đã sanh cố tạo phương tiện cho tiến hơn.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn như ý túc: Tỳ-kheo thành tựu dục định đốt các hạnh, tu tập như ý túc, nương nơi không dục, nơi lìa, nơi diệt, nguyện đến phi phẩm (vượt ngoài giới hạn). Như thế, tinh tấn định, nhất tâm, định thành tựu đốt các hạnh, tu tập như ý túc, nương nơi không dục, nơi ly, nơi diệt, nguyện đến phi phẩm. 

Giảng: 

Tứ như ý túc: Một là Dục như ý túc, hai là Tinh tấn như ý túc, ba là Nhất tâm như ý túc, bốn là Định như ý túc. Như ý là như ý muốn, túc là đủ, nghĩa là thực hành bốn điều đầy đủ như ý nguyện. Chỗ này có sự mâu thuẫn khiến đa số người học đạo bị lúng túng. Đạo Phật chủ trương diệt dục, tại sao nói muốn thành Phật, như vậy cũng là dục? Thật ra diệt dục là diệt lòng tham năm dục, còn trong khi tu mà không có ước nguyện (dục) thì tu không tiến. Tứ như ý túc là bốn điều đầy đủ như ý trong khi tu tập. Dục như ý túc là mong muốn cho việc tu tập thành tựu. Đó là mong muốn tốt, nếu không mong muốn để mặc việc tu tập bê tha, không nhiệt tình hết lòng thì không thành tựu. Dục ở đây có tính cách mong muốn đạt được sở nguyện, như nhất quyết ngồi thiền được định, quyết tu cho đến giải thoát mới thôi.

Thành tựu dục định đốt các hạnh, nghĩa là nhờ sức mong muốn để dẹp sạch các thói quen lười nhác, chỉ còn sức mạnh quyết tiến trên đường tu.

Tu tập như ý túc, nương nơi không dục, nghĩa là chỉ tham cầu đạo quả, không có tham dục. Nguyện đến phi phẩm là nguyện vượt ra ngoài các giới hạn khác không bị kẹt. Như thế, tinh tấn định, nhất tâm, định thành tựu, bốn như ý túc này đều thuộc định, nên nói dục định, tinh tấn định, nhất tâm cũng là định, và định.

Chúng ta tu thiền không phải thả trôi, phải có sức mạnh mong mỏi hay nguyện lực. Thường người ta cho rằng còn mong mỏi là còn bệnh, nhưng không một người tu nào không có ý chí nguyện tiến đến chỗ viên mãn. Ý chí nguyện đến chỗ viên mãn đó là dục của ý chí, không phải dục lạc, nương ý chí để lìa các tham dục nên gọi là nương dục lìa dục, diệt dục.

Đức Phật khi ngồi dưới cội Bồ-đề, đến giờ quyết định ngài thề nếu không ngộ đạo, dù xương tan thịt nát không rời chỗ này. Dám liều chết đạt được thì sống, không đạt được thì chết, ý chí mạnh mẽ mới đạt đạo. Người tu không có ý chí, ngồi thiền thả trôi, ma ngủ đến mà không quyết liệt chống cự thì không bao giờ thành tựu.

Việc tu đòi hỏi sức mạnh cương quyết phải đạt đạo, không phải dục là gì? Đó không phải là dục lạc thường tình của thế nhân. Pháp tu thiền này có dục, tinh tấn, nhất tâm, định, bốn món đó không thể thiếu. Đầy đủ bốn món này rồi mới đạt được Tứ thiền, nên sau đây Phật nêu Tứ thiền, Tứ thánh đế, Tứ tưởng.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói Tứ thiền: Tỳ-kheo lìa dục, lìa các pháp ác đến đệ tứ thiền thành tựu tự tại. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn thánh đế: Khổ thánh đế, khổ tập, khổ diệt, khổ diệt đạo thánh đế. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn tưởng: Tỳ-kheo có tiểu tưởng, có đại tưởng, có vô lượng tưởng, có vô sở hữu tưởng. 

Giảng:

Tứ tưởng chia ra tiểu tưởng, đại tưởng, lượng tưởng, vô sở hữu tưởng.

Tiểu tưởng là tưởng nhỏ, đại tưởng là tưởng rộng lớn như bầu trời, vô lượng tưởng là tưởng thênh thang không ngằn mé, vô sở hữu tưởng là tưởng không có chỗ nơi. Đến Tứ vô lượng tâm.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn vô lượng tâm: Tỳ-kheo tâm cùng từ đồng đầy khắp một phương thành tựu tự tại, như thế hai ba bốn phương, bốn phía, trên dưới khắp giáp tất cả. Tâm cùng từ đồng không kết, không oán, không giận hờn tranh đua, rất rộng lớn, tu thiện vô lượng, khắp đầy tất cả thế gian thành tựu tự tại. Như thế, bi, hỷ, tâm cùng với xả đồng không kết, không oán, không giận hờn tranh đua, rất rộng lớn, tu thiện vô lượng, đầy khắp tất cả thế gian thành tựu tự tại. 

Giảng:

Người tu Tứ vô lượng tâm, khi khởi tâm từ duyên theo người thân của mình, từ một hai người rồi lần lần bủa khắp mọi người. Lòng từ bủa khắp bốn phía cả trên lẫn dưới, không nơi chốn nào không khắp. Khi từ tâm trùm hết mọi vật mọi người, lúc đó mới thành tựu Từ vô lượng tâm. Lòng từ do tưởng mà ra, khi khởi lòng thương trùm khắp hết thì không giận buồn, không kết, không oán. Kế đến bi, hỷ, xả cũng tưởng như vậy, tưởng trùm khắp hết.

Bốn tâm vô lượng này thành tựu, khởi đầu do tu tập Tứ niệm xứ, dùng sức của Tứ chánh cần và Tứ như ý túc, đạt được Tứ thiền, thấu suốt Tứ đế, tu Tứ tưởng rồi mới đến Tứ vô lượng tâm. Thứ tự như vậy phải biết rõ.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn Vô sắc: Tỳ-kheo đoạn tất cả tưởng Sắc, cho đến được Phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ thành tựu tự tại. 

Giảng:

Tứ vô sắc là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Không vô biên xứ tức là nhập thiền định buông tất cả sắc, tâm rỗng không đến vô biên. Thức vô biên xứ là nhập thiền định đến chỗ thức tâm tận cùng không bờ mé. Vô sở hữu xứ là nhập thiền định đến chỗ không còn một chút vật. Phi tưởng phi phi tưởng xứ là nhập thiền định đến chỗ không còn niệm tưởng là Phi tưởng, nhưng vẫn còn chút xíu tưởng biết chỗ không còn tưởng đó, gọi là phi phi tưởng. Người thành tựu bốn loại thiền này sanh về cõi trời Vô sắc.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn thánh chủng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được y bằng vải xấu là biết đủ, không vì y mà cầu cho được vừa ý. Nếu không được y không buồn rầu, không khóc lóc, không ôm ấp trong lòng, không chấp giữ, thấy tai hoạn, biết giải thoát mà dùng y, như việc lợi này không lười biếng mà chánh trị. Ấy gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chánh trụ cựu thánh chủng. 

Giảng:

Bốn thánh chủng là bốn hạt giống thánh. Hạt giống thánh về y phục, về ăn uống, về giường nằm, về thuốc thang. Chúng ta có hạt giống thánh này không? Nếu bị chia vải xấu mà buồn khóc là không có thánh chủng. Đây là những cái thật đơn giản mà Phật dạy là hạt giống thánh. Y phục chỉ là phương tiện để tu hành đến giải thoát, nên nói biết giải thoát mà dùng y, thứ vải nào miễn che đủ ấm là được, không cần đợi vải này vải kia, giả sử được cũng tốt, không được cũng không buồn. Đó là có thánh chủng thứ nhất. Đây dùng chữ chánh trụ cựu thánh chủng, nghĩa là an trụ ngay hạt giống thánh cũ xưa của mình.

Chánh văn: 

Như thế, việc ăn uống, đồ nằm, thuốc thang, vì muốn đoạn, ưa đoạn, muốn tu, ưa tu, kia nhân muốn đoạn, ưa đoạn, muốn tu, ưa tu nên không tự quý mình, khinh người, như việc lợi này không lười biếng mà chánh trị. Ấy gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chánh trụ cựu thánh chủng. 

Giảng:

Tin Việc ăn uống cũng như vậy, ngon cũng được, dở cũng được, không buồn giận cự nự. Đó là có hạt giống thánh. Đối với bốn thứ ăn, mặc, giường nằm, thuốc men chúng ta không đòi hỏi, xấu tốt không quan trọng. Biết nó chỉ là những phương tiện giúp mình tu giải thoát. Thí chủ cúng gì mình nhận cái đó không khen chê. Có được bốn hạt giống thánh như vậy là quyền của chúng ta. Kiểm điểm lại để biết, để thấy mình có hay không

Chánh văn:

A-nan! Tôi trước vì ông nói bốn quả Sa-môn: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, cao tột là quả A-la-hán. A-nan! Bốn quả Sa-môn này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. 

Giảng:

Từ các pháp số ban đầu, năm ấm, sáu xứ, lục nhập… cho đến bốn đạo quả, đó là pháp căn bản mà các Tỳ-kheo mới cần phải được học, được biết con đường tu tập từ khởi đầu đến kết thúc.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói năm thứ tưởng thuần thục giải thoát: Tưởng vô thường, tưởng vô thường khổtưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng tất cả thế gian không thể vui. A-nan! Năm thứ tưởng thành thục giải thoát này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. 

Giảng:

Ngũ tưởng là: Tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng không vui. Thế gian không có gì vui, phải quán thuần thục năm thứ tưởng này để tu tập giải thoát.

Chánh văn: 

A-nan! Thế Tôn vì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nói pháp, các người trí hạnh thanh bạch cũng vì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nói pháp. A-nan! Nếu Thế Tôn vì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nói pháp, các người trí hạnh thanh bạch cũng vì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nói pháp, kia nghe pháp rồi biết pháp hiểu nghĩa, kia nhân biết pháp hiểu nghĩa nên được vui vẻ, nhân vui vẻ được hoan hỷ, nhân hoan hỷ được thân chỉ, nhân thân chỉ được xúc, nhân xúc được tâm định. A-nan! Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhân tâm định được thấy như thật, biết như thật, nhân thấy biết như thật được chán, nhân chán được không dục, nhân không dục được giải thoát, nhân giải thoát biết được giải thoát, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn sanh đời sau, biết như thật. A-nan! Ấy là chỗ giải thoát thứ nhất. Nhân đây Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chưa giải thoát tâm được giải thoát, chưa hết các lậu được hết các lậu, chưa được vô thượng Niết-bàn được vô thượng Niết-bàn. 

Giảng:

Có năm thứ giải thoát, đây cũng là điều quan trọng để chúng ta tìm hiểu. Giải thoát thứ nhất là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được nghe Phật nói pháp, hoặc được nghe: Người trí hạnh thanh bạch nói pháp, nghe pháp rồi hiểu nghĩa nên được vui vẻ. Nhân vui vẻ được hoan hỷ, nhân hoan hỷ được thân chỉ, nhân thân chỉ được xúc, thân chỉ tức là thân định, xúc là khinh an. Được nghe pháp hiểu pháp nên thân dừng bớt lăng xăng, mọi hành động tạo tác đứng lại, nhân nơi thân yên định được an ổn nhẹ nhàng, tâm theo đó cũng được an định. Thân tâm đều an ổn.

Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhân tâm định được thấy như thật, biết như thật, nhân thấy biết như thật được chán. Lẽ thật chỉ có khi tâm được định, người thế gian dù có bóp đầu suy nghĩ cũng không ra lẽ thật. Chủ yếu của tu thiền là được định tâm, có định tâm mới phát trí tuệ, thấy thế gian không ra gì rồi mới sanh tâm chán. Vì chán nên không mong muốn, không ham thích ngũ dục. Nhân chán được không dục, nhân không dục được giải thoát, nhân giải thoát biết được giải thoát, nghĩa là mình không bị trói buộc, biết rõ không bị trói buộc từ đó. Mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn sanh đời sau, biết như thật. A-nan! ấy là chỗ giải thoát thứ nhất. Như vậy chỗ giải thoát thứ nhất bắt nguồn từ nghe pháp, hiểu pháp, được vui vẻ, thân được định, tâm theo đó cũng định. Nhờ định nên thấy được như thật, thấy như thật nên sanh tâm chán. Có cái chán đúng pháp và chán không đúng pháp. Người ta nói tu là chán đời, có đúng không? Sự thật, khi thấy thân này bất tịnh, tâm điên đảo vọng tưởng, ngũ dục như ảo mộng, dĩ nhiên là chán nó. Chán đời do thấy đúng như thật, thấy cái dở cái xấu đó rồi muốn chuyển cái dở cái xấu đó thành tốt đẹp. Nhờ chán nên phát tâm lìa bỏ và quyết tu đạo giải thoát. Đó là chán đúng pháp. Còn có lối chán đời bi quan, vì muốn thụ hưởng mà không được nên sanh ghét bỏ, chửi mắng. Đó là chán vì muốn mà không được toại ý, cách này rất dở, không phải cách của người tu.

Cách dùng chữ của nhà Phật có ý nghĩa cao đẹp không phải tầm thường. Chữ chán ở đây mang ý nghĩa xuất ly, muốn xây dựng cho cuộc đời đẹp hơn. Nhân chán mà được không dục, nhờ không dục, không mong muốn ưa thích nên giải thoát. Vậy, giải thoát thứ nhất là không do bi quan chán nản mà chán, chán tích cực để vươn lên thành tựu đạo quả. Đoạn kinh nhấn mạnh sự vui vẻ, hoan hỷ, khinh an, an định… để thấy rõ sức mạnh của giải thoát ly tham.

Chánh văn: 

Lại, A-nan! Thế Tôn không vì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nói pháp, các người trí hạnh thanh bạch cũng không vì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nói pháp, chỉ như pháp trước được nghe, được tụng tập mà đọc rộng ra. 

Giảng:

Trường hợp thứ hai là không được nghe pháp trực tiếp từ đức Phật hay các bậc trí, chỉ tụng tập đọc lại pháp đã được nghe.

Chánh văn: 

Hoặc không đọc rộng pháp đã nghe, đã tụng tập trước, chỉ tùy pháp trước đã nghe, đã tụng tập vì người khác nói rộng.

Giảng:

Trường hợp thứ ba là không đọc rộng, không tụng tập, chỉ đem pháp trước được nghe vì người khác mà giải thích rộng rãi.

Chánh văn: 

Hoặc không vì người khác nói rộng pháp đã nghe, đã tụng tập trước, chỉ tùy pháp trước đã nghe, đã tụng tập tâm suy tư phân biệt.

Giảng:

Trường hợp thứ tư là theo pháp đã được nghe, không tụng tập mà chỉ để tâm suy nghĩ phân biệt về pháp ấy.

Chánh văn: 

Hoặc tâm không suy tư phân biệt rộng pháp đã nghe, đã tụng tập trước, chỉ khéo thọ trì các tướng tam-muội (chánh định) được biết pháp hiểu nghĩa. 

Giảng:

Trường hợp thứ năm là đối với pháp đã nghe không suy phân biệt, chỉ khéo thọ trì các tướng tammuội, nghĩa là chuyên tu tập thiền định.

Chánh văn: 

Kia nhân biết pháp hiểu nghĩa nên được vui vẻ, nhân vui vẻ được hoan hỷ, nhân hoan hỷ được thân chỉ, nhân thân chỉ được xúc, nhân xúc được tâm định. A-nan! Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhân tâm định được thấy như thật, biết như thật, nhân thấy biết như thật được chán, nhân chán được không dục, nhân không dục được giải thoát, nhân giải thoát biết được giải thoát, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn sanh đời sau, biết như thật. 

Giảng:

Tổng kết năm thứ được giải thoát. Một, trực tiếp nghe Phật hoặc chư Tỳ-kheo nói pháp, nghe được hiểu nghĩa sanh vui vẻ, vui vẻ rồi hân hoan, hoan hỷ rồi thân dừng. Thí dụ khi học kinh nghe kinh mà hiểu được, chúng ta thấy vui thích phấn khởi. Cảm nhận được nghĩa thâm sâu của Phật mình hoan hỷ vui vẻ, lúc đó thân còn làm bậy không? Không. Thân đàng hoàng nghiêm chỉnh đó là thân chỉ. Do thân chỉ nên có cảm xúc nhẹ nhàng. Do cảm xúc nhẹ nhàng nên tâm định. Từ tâm được định mới thấy đúng như thật. Thấy biết đúng như thật mới chán, không bị lôi cuốn trong vòng ngũ dục. Đây là giải thoát do nhân nghe kinh.

Hai, không được nghe trực tiếp, nhưng nghe các pháp trước rồi nhớ, ôn lại đọc lại rộng rãi, nhân đọc lại rộng rãi, cũng được kết quả giải thoát. Đây là kết quả của sự tụng tập, ôn lại pháp Phật, như chúng ta học rộng các bộ kinh.

Ba, không ôn lại đọc rộng cho mình mà đem các pháp đã được nghe, đã tụng đọc rành rõ nói lại cho người cũng được kết quả như vậy. Đây là sự giải thoát do diễn nói chánh pháp. Thí dụ mình bảo người không tham mà mình tham thì coi không được. Nhờ nói đi nói lại nên không làm việc phi pháp. Như khi tôi giảng dạy thì tôi càng nhớ thêm, nhân đó được lợi ích giải thoát.

Bốn, suy tư phân biệt về chánh pháp, về kinh điển đã được học thì tâm không nghĩ ngợi quanh co, cũng được niềm hoan hỷ giải thoát.

Năm, đối với pháp đã nghe, không đọc tụng giảng dạy, chỉ lo giữ gìn chánh định, gọi là khéo thọ trì tam-muội, cũng đạt đến giải thoát.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói năm căn: tín căn, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. A-nan! Năm căn này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy năm căn này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

A-nan! Tôi trước vì ông nói năm lực: tín lực, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. A-nan! Năm lực này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy năm lực này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

Giảng:

Năm cặn và năm lực cũng chỉ gồm có tín, tấn, niệm, định, tuệ. Trên đường tu, năm cái này là gốc, nếu không có gốc thì không đứng vững. Đứng về mặt căn bản thì nói năm căn, đứng về mặt phát triển thì nói năm lực, là sức nuôi dưỡng lớn mạnh.

Năm điều này có tác dụng rất lớn. Tín là tin, đạo Phật lấy trí tuệ làm đầu, tại sao đây nói tín làm đầu? Tín của đạo Phật khác với tín của thế gian. Một là tin sâu Tam bảo, hai là tin sâu nhân quả, ba là tin mình có thể thành Phật, đó là tự tín. Thế gian chỉ có lòng tin hời hợt bên ngoài, nghe ai nói gì cũng tin, không có thực chất, nên không phải là chữ tín của đạo Phật. Phải đủ cả ba, tin Tam bảo là chỗ quy hướng triệt để, tin nhân quả để hoàn thiện con người mình, và tự tin mình có khả năng đạt được giải thoát.

Tin không chưa đủ mà phải cố gắng nỗ lực tiến bước, đó là tấn. Cố gắng nỗ lực trong loạn động thì không đi tới đâu, nên phải chuyên niệm. Chuyên thực hành nhớ nghĩ pháp tu gọi là niệm. Khi tu chuyên nhất một pháp thì tâm an định, nhờ sức định này trí tuệ phát sanh. Năm pháp này tương quan không thể thiếu. Người tu nào cũng phải vừa có năm căn làm gốc, vừa có năm lực là sức mạnh tăng trưởng.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói năm cảnh địa xuất yếu. Thế nào là năm? A-nan! Đệ tử bác học của Thánh rất trọng khéo quán dục. Kia nhân rất trọng khéo quán dục nên tâm không hướng dục, không ưa dục, không gần dục, không tin dục; nếu tâm sanh dục liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không buông ra, lìa bỏ dừng nơi dục, nhàm chán ghê tởm dục. A-nan! Ví như lông gà và gân đem bỏ trong lửa liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không duỗi ra. A-nan! Đệ tử bác học của Thánh cũng như thế, rất trọng khéo quán dục. 

Giảng:

Cảnh địa là nơi chốn, xuất là vượt ra, yếu là quan trọng. Năm chỗ nơi quan trọng để vượt qua. Một là dục xuất yếu. Dục là tham dục. Nếu xét thấy tâm mình có tham thì phải đừng cho dính mắc, đừng cho gần gũi tham dục, không nên tin tham dục. Nếu tâm còn tham dục liền tiêu dung nó. Tức là vừa dấy niệm tham năm dục liền phải dùng trí quán cho tiêu tan, quán cho nó cháy cuộn lại như lông gà bị đốt. Dùng sức quán mạnh như lửa đốt trọn không cho sót. Hoặc như sợi gân bỏ vào lửa bị thun lại. Đôi lúc chúng ta không khéo quán nên để niệm dục chạy lung tung, cần phải tu tập mạnh mẽ như lửa đốt để vượt qua ngũ dục. Đó là cảnh địa xuất yếu thứ nhất.

Chánh văn: 

Lại, A-nan! Đệ tử bác học của Thánh rất trọng khéo quán sân. Kia nhân rất trọng khéo quán sân nên tâm không hướng sân, không ưa sân, không gần sân, không tin sân; nếu tâm sanh sân liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không buông ra, lìa bỏ không trụ nơi sân, nhàm chán ghê tởm sân. 

Giảng:

Cảnh địa xuất yếu thứ hai là lìa sân. Vừa có một niệm sân dấy lên phải quán thế nào? Khéo quán sân nên tâm không hướng sân, không ưa sân, không gần sân, không tin sân. Chúng ta có ưa, có gần, có tin không? Khi nổi giận lên thì cho giận là đúng là phải, phân bua với người này người kia, như vậy là chấp nhận sân. Vừa có niệm sân lên liền biết đó là tội lỗi là xấu, phải làm sao cho nó tiêu dung. Nên nhớ kỹ, không bao giờ có cái giận đúng. Khi mình không làm việc đó, mà họ đặt điều nói mình làm như vậy. Họ nói bậy như vậy mình giận có đúng không? Đáng giận không? Không có cái giận nào đáng, không có cái giận nào đúng. Giận là điên, là bậy, giận không đúng. Tại sao? Bởi vì giận thì mất bình tĩnh, miệng nói bậy, tay múa bậy. Như vậy làm sao đúng? Đó là bên ngoài, còn bên trong thì khi giận tâm ác dấy lên liền. Có người nào giận mà tâm lương thiện dấy lên không? Như vậy giận có đủ ba cái hại về tâm, về miệng, về thân. Sân giận tai hại như thế nên phải vượt qua, phải xuất ly, phải đốt cháy cho nó thun lại không bùng ra.

Chánh văn: 

Lại, A-nan! Đệ tử bác học của Thánh rất trọng khéo quán hại. Kia nhân rất trọng khéo quán hại nên tâm không hướng hại, không ưa hại, không gần hại, không tin hại; nếu tâm sanh hại liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không buông ra, lìa bỏ không dừng nơi hại, nhàm chán ghê tởm hại. A-nan! Ví như lông gà và gân đem bỏ trong lửa liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không duỗi ra. 

Giảng: 

Cảnh địa xuất yếu thứ ba là lìa hại, tức là lìa ác hại. Vừa có niệm ác muốn hại ai liền phải quán cho tiêu dung. Phải đốt cháy đừng cho nó phát triển. Thí dụ cũng dùng hình ảnh lông gà hay sợi gân khi bị đốt thì cuộn lại.

Chánh văn:

Lại, A-nan! Đệ tử bác học của Thánh rất trọng khéo quán sắc. Kia nhân rất trọng khéo quán sắc nên tâm không hướng sắc, không ưa sắc, không gần sắc, không tin sắc; nếu tâm sanh tưởng sắc liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không buông ra, lìa bỏ không dừng nơi sắc, nhàm chán ghê tởm sắc. A-nan! Ví như lông gà và gân đem bỏ trong lửa liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không duỗi ra. 

Giảng: 

Cảnh địa xuất yếu thứ tư là lìa sắc. Đối với cảnh bên ngoài, vừa có tâm chạy theo sắc liền phải khéo quán sát tỉnh giác để lìa bỏ. Tâm không hướng sắc, không ưa sắc, không gần sắc… Tất cả những sắc đẹp của người của vật, nếu sanh tâm đắm mến liền phải tiêu dung, phải đốt cho nó cháy trùn lại không cho lan ra.

Chánh văn: 

Lại, A-nan! Đệ tử bác học của Thánh rất trọng khéo quán thân mình. Kia nhân rất trọng khéo quán thân mình nên tâm không hướng thân mình, không ưa thân mình, không gần thân mình, không tin thân mình; nếu tâm sanh tưởng thân mình liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không buông ra, lìa bỏ không dừng nơi thân mình, nhàm chán ghê tởm thân mình. A-nan! Ví như lông gà và gân đem bỏ trong lửa liền tiêu dung cháy trùn cuộn lại không duỗi ra. 

A-nan! Năm cảnh địa xuất yếu này ông phải vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy năm cảnh địa xuất yếu này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

Giảng:

Cảnh địa xuất yếu thứ năm là thân này. Phải thấy rõ thân này không bền chắc, không đáng yêu, rất giả tạm. Nếu ưa mến thân, do nhân có thân mà đuổi theo ngũ dục, tạo nhiều phiền não mê lầm. Cần thấy rõ thân có ba mươi sáu vật bất tịnh, khéo quán thân nên tâm không xu hướng thân, không đắm mến nơi thân. Lúc nào cũng nhớ nghĩ thân nhớp nhúa tạm bợ, để sanh tưởng xả ly nhàm chán.

Năm chỗ trọng yếu này nếu ứng dụng lời Phật dạy, khéo quán, khéo nhàm lìa thì có thể thoát ra. Như vậy Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ năm điều tu tập để vượt ra khỏi trần lao, vượt ra khỏi trói buộc của thế gian. Đây cũng là điều cần yếu giúp thân tâm các Tỳ-kheo được an ổn, trọn đời tu thanh tịnh.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói thất tài: tín tài, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ tài. A-nan! Thất tài này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thất tài này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch.

Giảng: 

Sau khi dạy về năm pháp xuất ly cần thiết, Phật lại nói về bảy tài sản của bậc thánh, gọi là thất thánh tài: tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ. Thế gian trọng của báu tài sản, nhà Phật cũng có bảy loại tài sản vô cùng quý giá, giàu có hơn người đời. Tin là một tài sản, có nó là có tất cả. Tàm quý là hổ thẹn với mình với người, văn là nghe học, thí là bố thí, tuệ là trí tuệ, đó là những tài sản quý báu của người xuất gia. nhung o

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói thất lực: tín lực, tinh tấn, tàm, quý, niệm, định, tuệ lực. A-nan! Thất lực này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thất lực này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

Giảng:

Thất lực là bảy sức mạnh, từ năm lực ở trước thêm vào tàm và quý. Đây là sức mạnh giúp người xuất gia tiến tu trọn đời.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi trước vì ông nói thất giác chi: niệm giác chi, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, tức, định, xả giác chi. A-nan! Thất giác chi này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy thất giác chi này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

Giảng: 

Thất giác chi giống Tứ như ý túc, đi thẳng vào thiền định, không phải ở bên ngoài. Đầu tiên Niệm giác chỉ là ghi nhớ pháp đang tu. Như chúng ta áp dụng pháp quán sổ tức thì phải luôn luôn nhớ pháp đó không quên lãng. Trạch pháp là chọn lựa, trong khi đang tu có những tạp niệm chen vô chúng ta biết cái nào đúng cái nào sai, chỉ ghi nhớ pháp đúng với mình, tạp niệm vẩn vơ đều buông bỏ. Tinh tấn giác chi là siêng năng thực hành pháp tu càng ngày càng tiến bộ. Hỷ giác chi là niềm vui an lạc khi đang tu, càng tu càng không lui sụt. Tức giác chi là sự dứt bỏ, dừng dứt tất cả tạp niệm. Định giác chi là tâm an trụ trong cảnh giới thiền, không còn lao xao lay động. Xả giác chi là buông bỏ, xả ly những công đức đã thành tựu. Tu đến mức cuối cùng phải xả luôn sở đắc để không vướng kẹt, buông hết không giữ lại chút gì, kể cả công đức mình có được.

Như vậy niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, tức, định, xả là bảy giác chi. Chi là phần. Đó là bảy phần giác ngộ.

Chánh văn: 

A-nan! Trước tôi vì ông nói bát thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. A-nan! Bát thánh đạo này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy bát thánh đạo này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

Giảng:

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo gồm có: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo. Ở đây chúng ta đã học hơn ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trên phương diện danh từ phải biết rõ. Pháp căn bản Phật dạy không ngoài những điều nêu trên. Nếu hiểu rõ và thực hành đúng, chúng ta sẽ được kết quả như kinh đã dạy.

Chánh văn: 

Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật bạch: Thế Tôn rất kỳ lạ, rất đặc biệt. Thế Tôn vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói xứ và dạy xứ. 

Thế Tôn bảo: A-nan! Như thế, như thế, rất kỳ lạ, rất đặc biệt. Tôi vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói xứ và dạy xứ. A-nan! Nếu ông lại hỏi Như Lai về đánh pháp và đảnh pháp thối, ông sẽ nơi Như Lai được vững lòng tin rất hoan hỷ. 

Giảng:

Pháp tột trên đảnh gọi là đảnh pháp, thoái lui, tuột xuống khỏi đảnh gọi là đảnh pháp thối.

Chánh văn: 

A-nan! Đệ tử bác học của Thánh nơi tâm thành thật xét nghĩ khen ngợi, quán sát phân biệt vô thường, khổ, không, vô ngã. 

Kia xét nghĩ khen ngợi phân biệt như thế liền sanh nhẫn, sanh lạc, sanh mong muốn. 

Giảng:

Nhẫn là an nhẫn, vì quán sát các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã nên được sự an nhẫn vui vẻ, mong muốn được nghe, muốn được tu tập tiến bước. Như vậy gọi là tiến lên cao tột. Điều này không khó.

Chánh văn: 

A-nan! Nếu được đánh pháp này lại mất, lùi sụt, không gìn giữ tu tập, không cố gắng chuyên cần. A-nan! Ấy gọi là đảnh pháp thối. 

Giảng:

Được tiến lên tu tập rồi lại thối lui, không hăng hái phát khởi tu nữa, đó là đảnh pháp thối.

Phật nói tâm người tu lúc tiến lúc lùi. Như khi nghe tôi giảng các vị thấy vui thích phấn khởi ham tu, vài hôm sau sự phấn khởi ham tu giảm sụt xuống. Khi hứng khởi ham tu đó là đảnh pháp, lúc lùi lại đó là đảnh pháp thối.

Chánh văn: 

Trong, ngoài, thức, xúc, thọ, tưởng, tư, ái, giới nhân duyên khởi cũng như thế. 

A-nan! Đệ tử bác học của Thánh đối nhân duyên khởi này và pháp nhân duyên khởi suy nghĩ, khen ngợi, khéo quán, phân biệt là vô thường, khổ, không, vô ngã. Kia suy nghĩ, khen ngợi, khéo quán phân biệt như thế liền sanh nhẫn, sanh lạc, sanh mong muốn: muốn nghe, muốn nghĩ, muốn quán. A-nan! Ấy gọi là đảnh pháp. A-nan! Nếu được đảnh pháp này lại mất, lùi sụt, không gìn giữ, không cố gắng chuyên cần. A-nan! Ấy gọi là đảnh pháp thối.

Giảng: 

Khi nghe các pháp do nhân duyên sanh khởi đều là vô thường, khổ, không, ngã, nghe rồi suy nghĩ, khen ngợi, khéo quán sát phân biệt như thế liền sanh nhẫn, sanh lạc, sanh mong muốn… Ấy gọi là đảnh pháp. Được đảnh pháp này rồi sau thời gian lại quên mất, lùi sụt không gìn giữ, không cố gắng chuyên cần, đó là đảnh pháp thối.

Chánh văn: 

A-nan! Đảnh pháp và đảnh pháp thối này ông nên vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy họ. Nếu vì các Tỳ-kheo niên thiếu nói dạy đảnh pháp và đánh pháp thối này thì họ sẽ được an ổn, được sức mạnh, được vui vẻ, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời hành hạnh thanh bạch. 

Giảng:

Biết rõ trạng thái tu tập hăng hái, hằng quán xét là đang ở trên đỉnh cao tu tập, chúng ta tự vui mừng. Nếu thấy mình lơ là buông trôi, không thích quán xét, bỏ bê pháp tu, biết rằng đang tuột xuống dốc. Biết rõ hai trạng thái này, chúng ta phải tự mình phấn chấn để đừng rơi vào đảnh pháp thối.

Chánh văn: 

A-nan! Tôi vì ông nói xứ và dạy xứ, đảnh pháp và đảnh pháp thối, như tôn sư vì đệ tử khởi lòng đại bi thương xót nghĩ tưởng, cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nay tôi đã làm, các ông phải tự làm, đến chỗ vắng vẻ, trong rừng núi, dưới cội cây, chỗ yên lặng không tiếng động, ngồi yên tư duy, chớ có buông lung, gắng sức chuyên cần tinh tấn, chớ để sau này hối hận. Đây là lời tôi răn dạy, lời tôi huấn dụ. norly the sòup obsid 

Phật nói như thế, tôn giả A-nan và các thầy Tỳ-kheo niên thiếu nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

Ấm, nội, ngoại, thức, xúc, 

Thọ, tưởng, tư, ái, giới, 

Nhân duyên, niệm, chánh đoạn, 

Như ý, thiền, đế, tưởng, 

Vô lượng, vô sắc, chủng, 

Sa-môn quả, giải thoát,

Xứ, căn, lực, xuất yếu, 

Tài, lực, giác, đạo, đảnh. 

Giảng:

Phật giảng dạy kỹ lưỡng các pháp trong phần Đạo đế cho các Tỳ-kheo thiếu niên, tức là người mới vào đạo cần phải hiểu rõ các danh từ pháp số. Hiểu rồi cần gắng sức chuyên tu, chuyên tâm quán sát để được lợi ích cho chính mình. Lời Phật tha thiết như vậy. Phần cuối là bài kệ tóm tắt các pháp, do người sau biên tập.

PĀLI TẠNG

Kinh Thuyết Xứ (Hán tạng) và kinh Sáu Sáu (Pāli tạng) không đối chiếu từng đoạn. Kinh Thuyết Xứ giảng trước, đây đến phần kinh Sáu Sáu (Pāli tạng).

Chánh văn: 

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm) tại tinh xá ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc). Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: 

– Này các Tỷ-kheo. 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, 

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 

– Này các Tỷ-kheo, ta sẽ giảng pháp cho các ông, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta sẽ nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh, tức là sáu sáu. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, ta sẽ giảng. 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, 

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 

– Sáu nội xứ cần phải được biết. Sáu ngoại xứ cần phải được biết. Sáu thức thân cần phải được biết. Sáu xúc thân cần phải được biết. Sáu thọ thân cần phải được biết. Sáu ái thân cần phải được biết. 

Giảng: 

Nơi chốn nói kinh hai bên đều giống nhau. Phần mở đầu bên Hán tạng có chi tiết ngài A-nan dẫn các Tỳ-kheo thiếu niên đến lễ Phật và hỏi Phật rằng ngài phải nói pháp gì cho các Tỳ-kheo thiếu niên này. Bên (Pāli) thì Phật gọi các Tỳ-kheo đến chỉ dạy. Pháp do Phật nói sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa là trước giữa sau đều thiện. Lời nói của chúng ta có khi đúng ở đây mà không đúng ở nơi khác, có khi thiện ban đầu mà không thiện ở giữa ở sau, hoặc thiện ở sau mà không thiện ở ban đầu. Pháp Phật nói thì ở thời gian nơi chốn nào cũng đều thiện. Như nói tất cả các pháp vô thường. Quá khứ cũng vô thường, hiện tại cũng thường, vị lai cũng vô thường, không thay đổi. Lời Phật nói hoàn toàn đúng và lành thiện trong cả ba thời gian.

Chánh văn: 

Khi được nói đến “Sáu nội xứ cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỹ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Khi được nói đến “Sáu nội xứ cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ nhất. 

Khi được nói đến “Sáu ngoại xứ cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Khi được nói đến “Sáu ngoại xứ cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ hai.

Giảng:

Sáu nội xứ, tên khác là sáu căn: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý.

Sáu ngoại xứ là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Chánh văn: 

Khi được nói đến “Sáu thức thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỹ thức. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức. Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Khi được nói đến “Sáu thức thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ ba. 

Khi được nói đến “Sáu xúc thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên tại và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên mũi và do duyên các hương khởi lên tỹ thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên lưỡi và do duyên các vị khởi lên thiệt thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên thân và do duyên các xúc khởi lên thân thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên ý và do duyên các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Khi được nói đến “Sáu xúc thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ tư. 

Khi được nói đến “Sáu thọ thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên tai và do duyên các tiếng khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương khởi lên tỹ thức. Do duyên lưỡi và do duyên các vị khởi lên thiệt thức. Do duyên thân và do duyên các xúc khởi lên thân thức. Do duyên ý và do duyên các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc là thọ. Khi được nói đến “Sáu thọ thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ năm. 

Khi được nói đến “Sáu ái thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỹ thức. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức. Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Khi được nói đến “Sáu ái thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ sáu. 

Giảng:

Sáu xúc xứ là sự gặp gỡ giữa ba pháp: sáu căn, sáu trần, sáu thức. Xúc xứ là chỗ giao tiếp quan trọng, nếu căn riêng, trần riêng, thức riêng thì không phát sanh xúc. Có xúc rồi sanh cảm thọ. Có cảm thọ rồi sanh ái. Nêu lên chỗ này để thấy sự quan trọng, căn, trần, thức có đủ, tiếp xúc với nhau mới sanh cảm thọ rồi có ái. Cảm thọ và ái tự nó không có, do xúc làm liên hệ. Đây chỉ mới nêu lên, đoạn sau mới thật hệ trọng.

Chánh văn: 

Nếu ai nói rằng: “Mắt là tự ngã”, như vậy không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của mắt đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi.” Do vậy nếu ai nói rằng: “Mắt là tự ngã”, như vậy không hợp lý. Như vậy con mắt là vô ngã. 

Nếu ai nói rằng: “Các sắc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Các sắc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã. 

Nếu ai nói rằng: “Nhãn thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Nhãn thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã. 

Nếu có ai nói rằng: “Nhãn xúc là tự ngã, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Nhãn xúc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã. 

Nếu có ai nói rằng: “Thọ là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Thọ là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã. 

Nếu có ai nói rằng: “Ái là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy nếu ai nói rằng: “Ái là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã. 

Giảng:

Đọc kỹ đoạn này mới thấy tinh thần Thiền tông nằm sâu bên trong, là cốt tủy của Phật giáo.

Trước tiên phải hiểu tự ngã là gì. Ấn Độ quan niệm thần ngã hay tự ngã có hai yếu tố, một là thường, hai là chủ tể. Họ chấp tự ngã là thường hằng, là chủ tể. Cho con mắt là tự ngã nghĩa là cho nó thường hằng. Điều này không đúng vì con mắt vô thường.

Có con mắt, có sắc trần, có nhãn thức, ba cái tiếp xúc nhau rồi có xúc, có thọ khổ vui. Tác dụng khổ vui này do ba cái hợp lại, nó không có chủ tể riêng, cũng không phải thường hằng. Phật phân tích cho thấy rõ vì tác dụng duyên hợp như thế nên không phải chủ, không phải tự ngã. Chúng ta biết con mắt này là vô thường, có sanh có diệt. Khi nó sanh mình thấy biết, khi nó diệt mình cũng thấy biết, nên nói sự sanh sự diệt đã được thấy. Nếu cho mắt là tự ngã thì phải đưa đến kết luận Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi. Biết con mắt sanh diệt thì ta là chủ, con mắt không có tự ngã, tức vô ngã. Con mắt vô ngã, sắc trần vô ngã cũng dễ hiểu, vì sắc là vô thường biến diệt.

Thêm một lý luận nữa, nếu nói mắt là tự ngã, chữ tự ngã cũng có thể dịch là chính mình. Nếu con mắt là chính mình, sanh diệt của con mắt mình biết, mắt bệnh mình biết nó bệnh, mắt mù biết nó mù. Nếu nó là chính mình thì khi con mắt mù mình cũng chết luôn. Sanh diệt của con mắt là cái bị biết, làm sao nói nó là chính mình được? Nếu nó là chính mình, nó hoại thì mình cũng hoại theo. Nghĩa chính mình không đúng.

Phân tích rõ để thấy cái tế nhị của lối lý luận này.

Con mắt không phải tự ngã, sắc trần không phải tự ngã. Sắc trần không phải tự ngã dễ thấy, nhãn thức không phải tự ngã có dễ biết không?

Khi mắt duyên với sắc khởi thức phân biệt, nếu cho thức phân biệt là tự ngã của mình thì không đúng. Tự ngã là thường và làm chủ, nhãn thức thì không tự có, do duyên với sắc mới khởi phân biệt.

Đợi đủ duyên mới có thì không phải thường, cũng không phải chủ. Căn, trần, thức riêng từng cái đã vô ngã, khi chúng hợp lại cũng không có tự ngã. Như vậy, xúc vô ngã, thọ, ái cũng vô ngã.

Chánh văn: 

Nếu có ai nói rằng: “Tai là tự ngã”… nếu có ai nói rằng: “Mũi là tự ngã”… nếu có ai nói rằng: “Lưỡi là tự ngã”… nếu có ai nói rằng: “Thân là tự ngã”… nếu có ai nói rằng: “ý là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy nếu có ai nói rằng: “Ý là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy ý là vô ngã. 

Nếu có ai nói rằng: “Các pháp là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các pháp đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu có ai nói rằng: “Các pháp là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã. Nếu có ai nói rằng: “Ý thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu có ai nói rằng: “Ý thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã. 

Nếu có ai nói rằng: “Ý xúc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu có ai nói rằng: “Ý xúc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã. 

Nếu có ai nói rằng: “Thọ là tự ngã”, như vậy không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu có ai nói rằng: “Thọ là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã. 

Nếu có ai nói rằng: “Ái là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Vì rằng sự sanh và sự diệt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy nếu có ai nói rằng: “Ái là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã. 

Giảng:

Những cái còn lại như tai, mũi, lưỡi, thân phân biệt theo đây cũng dễ hiểu. Riêng ý, ý thức và pháp trần rất khó giản trạch. Nếu không phân tích kỹ, chúng ta lầm chấp chúng là ta, là ngã.

Ý là ý căn cũng như nhãn căn, nhĩ căn. Ý căn là não bộ, là chỗ tựa của ý để phát ra phân biệt. Từ não bộ duyên với pháp trần phát sanh ý thức. Pháp trần là cái bóng của ngoại cảnh rọi vào tâm thức, do tưởng nhớ ôn lại cảnh bên ngoài mà hiện ra. Như khi sáng đi chợ, thấy bày bán chậu hoa đẹp lâu nay mình chưa từng thấy. Chúng ta ngắm nghía kỹ chậu hoa nhưng không mua, về nhà ngồi một mình tưởng tượng lại, lúc ấy bóng chậu hoa hiện ra, gọi đó là pháp trần. Nó là bóng của sắc trần chứ không phải sắc trần thật. Duy thức học gọi pháp trần là tiền trần lạc tạ ảnh tử. Lạc tạ là rơi rớt, ảnh là bóng, nghĩa là bóng dáng tiền trần rơi rớt trong tâm thức chúng ta. Trần cũng có nghĩa là chướng ngại. Sắc trần có chướng ngại trong phạm vi của nó, thanh trần… cũng vậy. Pháp trần chướng ngại nhiều nhất, như khi chúng ta nhớ chậu hoa thì hình bóng nó hiện lên, làm chướng ngại che đậy các trần khác.

Ý căn và pháp trần duyên với nhau khởi ra ý thức. Chúng ta thường cho ý thức là tâm mình. Ý thức chỉ là cái duyên theo hình bóng pháp trần, nghĩ nhớ theo hình bóng. Khi ý căn duyên pháp trần thì ý thức sanh, khi không có duyên thì ý thức diệt. Ý thức sanh diệt chúng ta biết rõ ràng, nó là cái bị biết, không phải là tự ngã, không phải là chính mình. Vì thế kinh nói: Nếu ai nói rằng: “Ý thức là tự ngã” như vậy không hợp lý. Chúng ta tu biết vọng là nhận ngay ý thức chỉ là cái sanh diệt vô thường, không phải là mình.

Cái thật là mình còn ngầm ở bên trong, không phải ngay nơi ý thức đó. Ý thức có sanh diệt, chúng ta không bị sanh diệt theo ý thức. Thí dụ nhìn xuống mặt biển, thấy gió thổi muôn ngàn lượn sóng bao nhiêu bọt nước hiện. Bọt nước và sóng sanh diệt trên mặt biển, còn mặt biển thì không sanh diệt. Nên khi nói sự sanh diệt ở nơi tôi, thì hiểu có tôi ngầm ở trong đó chứ không phải là cái sanh diệt. Như vậy căn, trần, thức, xúc, ái… sanh diệt nơi chúng ta, lâu nay chúng ta lầm nhận nó là ngã, nên Phật mới bác nó là vô ngã.

Khi vô ngã mất, thật ngã mới hiện ra. Chỗ này không khác gì Thiền tông, chỉ là Phật không nói trắng ra. Bài kinh này chứng minh rất rõ cái vô ngã có giới hạn. Tất cả căn, trần, thức, xúc, thọ, ái đều là ngã. Đó là những cái tưởng sanh diệt vô thường mà chúng ta cứ lầm chấp nó là ngã, là chủ. Sự thật chủ nhân nằm ngầm ở bên trong, nó là cái biết được vô thường sanh diệt. Sanh diệt nơi tôi, tôi thấy biết nó. Cái tôi đó Phật chỉ nói như vậy, không nói thêm. Chúng ta đọc kỹ sẽ thấy rõ chỗ này.

Chánh văn: 

Này các Tỷ-kheo, nhưng đây là con đường đưa đến sự tập khởi của thân kiến. Ai quán mắt là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi.” Ai quán các sắc là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi.” Ai quán nhãn thức là: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán nhãn xúc: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán thọ: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán ái: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán tai: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán mũi: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán lưỡi: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán thân: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán ý: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán các pháp: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán ý thức: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán ý xúc: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán thọ: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” Ai quán ái: “Cái này là của tôi… là tự ngã của tôi.” 

Giảng:

Thân kiến là kiến chấp về thân, chấp thân đoạn diệt gọi là chấp đoạn, chấp thân thường còn gọi là chấp thường. Từ hai lối chấp thường, đoạn này khiến ta có cái thấy sai lầm. Không những lầm chấp trên thân tứ đại, đến các pháp chung quanh cũng lầm chấp là thường, là ngã.

Vì vô minh nên có ra thân kiến, vì thân kiến nên tiếp tục luân hồi không đoạn dứt. Có nhiều con đường dẫn đến thân kiến.

Ai quán mắt là: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi. Người chấp như vậy là thân kiến. Tại sao? Con mắt này là của tôi, nó lệ thuộc về tôi, tôi phải bảo vệ nó. Nếu nó lệ thuộc về mình thì khi nó biến chứng bệnh hoạn mình phải biết. Nhưng mình không rành phải đi bác sĩ mới biết. Rồi khi nó mù mình cũng không biết làm sao nữa, mình không có quyền gì với nó, làm sao nói của tôi được? Như cái đồng hồ của tôi, tôi có trọn quyền muốn bán hay muốn giữ lại cũng được. Còn nói con mắt của tôi mà không trọn quyền, như vậy không phải nghĩa của tôi. Nếu nói mắt là tôi cũng không được, vì khi mắt mù tôi cũng phải chết theo hoặc đổi con mắt tôi lấy con mắt khác cũng không thấy được. Nếu đem con mắt người khác giúp cho mình thấy, lúc đó con mắt có là của tôi được không? Không. Nói mắt của tôi và mắt là tôi không hợp lý. Con mắt không phải là tôi, không phải của tôi, không phải tự ngã của tôi, nó là vô ngã. Thấy như vậy là thấy đúng, còn thấy ngược lại là thân kiến.

Quán sát con mắt, sắc trần, nhãn thức, xúc, thọ, ái, tai, mũi, lưỡi… đều không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi. Đó là con đường đưa đến sự đoạn diệt thân kiến. Trung

Chánh văn:

Nhưng này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến sự đoạn diệt của thân kiến. Ai quán mắt: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Ai quán sắc: “Cái này không phải là của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán nhãn thức: “Cái này không phải là của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán nhãn xúc: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán thọ: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán ái: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán tai: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán mũi: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán lưỡi: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán thân: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán ý: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán các pháp: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán ý thức: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán ý xúc: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán thọ: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” Ai quán ái: “Cái này không phải của tôi… không phải tự ngã của tôi.” 

Giảng:

Đoạn diệt thân kiến hoàn toàn là chứng vô ngã, thành tựu quả A-la-hán không xa. Chấp thân kiến thì ở trong vòng luân hồi trầm luân vô minh. Đoạn diệt thân kiến là phá được vô minh, ý nghĩa này rất đơn giản và rõ ràng.

Tu theo lời Phật dạy không phải là trèo non lội suối khó khăn, chỉ cần đổi quan niệm là thấy đúng lẽ thật. Thấy đúng lẽ thật là minh, minh thì phá được vô minh, vòng luân hồi ngay đó dừng dứt.

Quán sát sáu căn thuộc phần vật chất hơi dễ dàng hơn quán sát nội tâm, tức là quán sát ái, cái thương yêu thân mình, thân người và các pháp. Tách lìa ái không cho nó là mình, nên nói “Cái này không phải của tôi…” Nếu cho ái là mình, đó là lầm, vì ái khi có khi không. Có người lúc đầu mình thương sau mình không thương nữa, khi thương nói là mình, khi hết thương nói là ai? Ải có giới hạn, lúc thương mình biết thương, lúc không thương mình biết không thương. Cái thương đó không phải là mình, chẳng qua đủ duyên thì thương, thiếu duyên thì hết thương. Ái sanh diệt ở nơi mình, sao nói là mình được? 

Thọ có phải là mình không? Chúng ta thường cho thọ là mình, thọ khổ thọ vui. Cái thọ khổ thọ vui đó, khi đủ duyên thì có thọ khổ, khi đủ duyên thì có thọ vui, không phải tự nó có mãi mãi. Chúng ta từ thuở bé đến giờ có lúc nào không có mặt không? Không. Còn sống là còn có mặt, còn thọ khi có khi không, làm sao nói là mình được? Như sóng trong biển, khi trồi cao, khi lặng xuống, nhưng biển thì không lúc nào không có. Sóng là cái sanh diệt trong biển, cái sanh diệt trong biển mà cho là biển là trật. Cũng vậy, ái, thọ là những cái sanh diệt nơi mình, nói nó là mình thật sai lầm. Lâu nay chúng ta sai lầm vì mê muội trầm trọng. Nếu không nhờ Phật chỉ cho thấy, giải thích cho biết thì cứ ôm cái mê muội muôn kiếp đó.

Chúng ta học Thiền, nói lý Thiền thật cao mà những cái nhỏ nhặt như cảm thọ, xúc chạm, thương ghét… không thấy rõ, thành ra chỉ nói suông mà sống không được. Phải thấy cho thật rõ những cái thực tế đơn giản như vậy, rồi hiểu đến lý cao tột nữa thì có ích vô cùng. Nếu chỉ nói trên trời trên mây mà cái dưới nắm không vững thì không tới đâu. Phật đã phân tích rõ cái nào thật cái nào không thật, để chỉ ra cái lầm chấp muôn đời của chúng ta. Chúng ta giống hệt những người mù chấp con voi là cái cột, con voi là cái chổi… Cứ nắm một bộ phận rồi cho là toàn thể con voi. Lâu nay mình sống như vậy. Phải thấy toàn bộ, phải biết tất cả những bộ phận nhỏ sanh diệt trong ta, ta không phải là cái nhỏ này. Phật phá ngã không phải là phá tột hết, chỉ phá những cái sai lầm chấp ngã nên nói vô ngã. Chúng ta nghe nói vô ngã tưởng không còn gì hết, đó là một quan niệm hết sức lầm lẫn. Đoạn dưới Phật chỉ dạy những khổ đau do chấp ngã.

Chánh văn: 

Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước. Tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ, sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. 

Giảng:

Khi mắt tiếp xúc sắc sanh ra nhãn thức. Ba pháp này gặp gỡ nhau gọi là xúc, từ xúc khởi lên lạc thọ, khổ thọ. Khởi lên lạc thọ thì hoan hỷ, tán thán khen ngợi, khen ngợi rồi trú trước, tham tùy miên từ đó tăng. Tùy miên là ngủ ngầm. Như ở mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, bình thường không thấy có tham sân. Bình thường không thấy vì nó đang ngủ ngầm trong sáu cơ quan. Khi mắt vừa thấy cái gì thích thì tham thức dậy hoạt động tăng trưởng. Sân cũng vậy, gặp việc đến thì thức dậy hoạt động, sân giận tự nhiên tăng. Khi không duyên cớ gì, nhìn gương mặt bên ngoài ai biết tham sân ở đâu, khi bị đánh thức nó trỗi dậy mới thấy được.

Chúng ta thấy rõ, cảm thọ khổ vui xảy ra khi có đủ bốn duyên: căn, trần, thức, xúc. Phải đủ bốn duyên mới có, không phải thường có nên không phải là mình, nó là vô ngã. Vậy mà tất cả chúng ta đều vướng kẹt ở thọ, bởi thế nên khổ não trầm trọng, người nào nhạy cảm thọ nhiều thì khổ nhiều.

Thí dụ thọ lạc của cái lưỡi, khi có ai đem cho mình thức ăn ngon, chúng ta sanh cảm giác hoan hỷ. Hoan hỷ rồi tán thán, trụ trước, nhớ hoài thì lòng tham tăng trưởng đòi ăn. Đó là cảm thọ lạc kích động tham tùy miên dấy lên. Ngược lại, khi cảm xúc khổ thọ thì than van, khóc lóc, đập ngực, bất tỉnh, lúc đó sân tùy miên tăng trưởng. Tham, sân thật không có, đợi cơ hội mới phát ra, thấy được điều này không phải dễ.

Chánh văn: 

Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự giải thoát khỏi cảm thọ ấy, vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không xả trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra. 

Giảng:

Cảm xúc không khổ không lạc thọ là sao? Có ba ly nước, nước chanh, nước lạnh, thuốc nam. Nước chanh thì cho là thọ lạc, thuốc nam thì thọ khổ, nước lạnh thì thọ không khổ không lạc. Đối với thọ không khổ không lạc dù không khởi tham sân cho đó là thật ngã cũng là vô minh. Kinh nói: Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự giải thoát khỏi cảm thọ ấy, vô minh tùy miên của vị ấy tăng.

Như vậy, thọ lạc thì tăng trưởng tham, thọ khổ thì tăng trưởng sân, thọ không khổ không lạc thì tăng trưởng si. Đối với ba cảm thọ chúng ta phải biết rõ sự tập khởi của nó, tức là do căn, trần, thức, xúc nhóm họp mới có thọ. Biết rõ thọ do bốn cái này hội đủ mới có, nếu một trong bốn cái thiếu, hay mất đi thì không có thọ. Đó là biết sự đoạn diệt. Biết vị ngọt là biết sự thích thú của chúng ta đối với cả ba cảm thọ, dù khi tham hay sân si khởi lên đều có sự quyến luyến không rời. Biết sự nguy hiểm là từ cảm thọ khiến tăng trưởng tham sân si, phiền não che phủ không có trí tuệ.

Biết sự giải thoát là biết rõ nó vô ngã không phải là mình. Biết rõ như vậy thì vô minh mất, trí tuệ sáng. Vô minh và minh không cách xa. Như nhà không có đèn thì tối, muốn hết tối thì thắp đèn, nhà tự nhiên sáng. Vô minh là chủ của mười hai nhân duyên luân hồi, hết vô minh thì chấm dứt luân hồi. Nếu chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sáu căn, sáu trần, sáu thức, xúc, thọ làm ngã đó là vô minh. Biết nó không phải ngã đó là minh. Minh thì giải thoát, vô minh thì trầm luân. Muốn phá vô minh, hiện tại đây chúng ta phải chuyển. Chuyển từ trầm luân qua giải thoát, xa hay gần? Chỉ cần đổi quan niệm, không xa xôi gì. Chấp thân kiến là đi theo chiều mê lầm, ngược lại đoạn thân kiến là phá vô minh.

Tu rất đơn giản, chỉ cần biết như thật về sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự giải thoát của các cảm thọ, lúc ấy tham, sân, vô minh tùy miên sẽ giảm. Biểu tượng ngài Di-lặc nơi sáu căn bị phá rầy mà vẫn cười, đó là vui chân thật. Đợi cảm thọ vui mới vui thì chỉ vui trong giới hạn, không có vui chân thật. Như vậy mới thấy chân hạnh phúc là không bị lệ thuộc vào cảm thọ.

Tiếp theo Phật chỉ dạy pháp đoạn tận vô minh để ngay nơi hiện tại chấm dứt đau khổ.

Chánh văn:

Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước. Tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ, không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự giải thoát khỏi cảm thọ ấy, vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. 

Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do xả trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra. 

Này các Tỷ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức… Này các Tỷ-kheo, do duyên mũi và do duyên các hương khởi lên tỹ thức… Này các Tỷ-kheo, do duyên lưỡi và do duyên các vị khởi lên thiệt thức… Này các Tỷ-kheo, do duyên thân và do duyên các xúc khởi lên thân thức… Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên cảm xúc khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra. 

Giảng:

Đối với cảm xúc lạc thọ hay khổ thọ, đều không hoan hỷ, không tán thán, không yêu thích hay sân hận, đó là không làm tăng trưởng tham, sân, tùy miên.

Đối với cảm xúc bất khổ bất lạc thọ thì biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt… Nhờ biết rõ nên không tăng trưởng vô minh. Đối với ba cảm thọ này chúng ta phải làm chủ nó một cách tự tại. Biết rõ bản chất của chúng từ khởi lên cho đến chấm dứt, vô minh theo đó hết. Ngay đời này còn vô minh là còn đau khổ, hết vô minh là hết đau khổ, hết đau khổ là chứng A-la-hán.

Pháp đoạn tận tham, sân, si ngủ ngầm trong mỗi người chúng ta. Phật đã dạy kỹ, chỉ cần nhận biết rõ, đổi quan niệm. Thay vì từ trước mình nghĩ như vậy bây giờ nghĩ ngược lại thì hết khổ. Thử hỏi người bị lạc thọ, khổ thọ có khổ không? Chắc chắn là khổ, luôn luôn là khổ. Nếu dứt lạc thọ, khổ thọ thì hết khổ. Khổ từ ngu si, hết khổ từ trí tuệ. Vô minh là ngu si, biết đúng như thật là trí tuệ. Người tu Phật muốn giải thoát không cần công phu khổ cực nhiều mà phải mở sáng con mắt trí tuệ. Mọi đau khổ đều từ vô minh mê lầm, mọi an lạc đều do dứt vô minh. Ngay trong đời này chúng ta có thể chấm dứt đau khổ. Đối với thọ biết đúng như thật bản chất của nó, chính đó là minh. Minh phát lên thì ngay đời này chấm dứt đau khổ, đó là một lẽ thật không phải chuyện xa vời.

Chánh văn: 

Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, vị đa văn Thánh đệ tử yếm ly mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức, yếm ly nhãn xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Vị ấy yếm ly tai, yếm ly các tiếng, yếm ly mũi, yếm ly các hương; yếm ly lưỡi, yếm ly các vị, yếm ly thân, yếm ly các xúc; yếm ly ý, yếm ly các pháp, yếm ly ý thức, yếm ly ý xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. 

Giảng:

Sáu căn tiếp xúc với sáu trần không dính mắc tức là giải thoát. Chỗ này thiền sư nói không khác. Có người hỏi thiền sư Huệ Hải: “Thế nào là giải thoát?” Ngài trả lời: “Căn trần không đến nhau là giải thoát”. Rõ như ban ngày, giống hệt chỗ này có xa lạ gì. Nghĩa là căn đối với trần cảm thọ đừng dính mắc tức là xả ly nó, đó là giải thoát. Đêm nào cũng thắp hương cầu nguyện chóng giải thoát mà sáu căn cứ dính với sáu trần, thì thắp bao nhiêu hương cầu mới được? Ý chỉ giải thoát này rất rõ ràng.

Chánh văn:

Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: “Ta đã được giải thoát.” Và vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” 

Giảng:

Nói vô ngã là đối với các pháp căn, trần, thức biết rõ không thật. Ở đây nói rõ: Ta đã được giải thoát. Biết rõ như vậy tức biết có cái chân thật thoát khỏi căn trần thức. Cho rằng vô ngã là không ngơ thật là chuyện sai lầm. Đây đã nói rõ như vậy còn giấu giếm chỗ nào? Phật nói vô ngã vì các pháp đều do tướng duyên hợp, sanh diệt, huyễn có, không phải ta. Nếu biết rõ tướng vô ngã, cái biết ấy không phải vô ngã mà chính là ta giải thoát. Rõ ràng vị ấy giải thoát, trong sự giải thoát là sự hiểu biết: Ta đã được giải thoát. Ta là gì? Thiền sư nói trắng, ta là ông chủ hay pháp thân. Phật nói biết được ta giải thoát, biết rõ, không nghi ngờ gì hết. Giải thoát đó đâu phải không có ta, nhưng không phải cái ta như lâu nay mình chấp. Chúng ta lầm chấp mắt, tai, mũi… là mình. Phật bác hết những cái đó không phải là mình. Khi nghe nói những cái đó không phải là mình, rồi tưởng đâu hết trơn, không ngờ khi hư dối hết thì chân thật hiện bày.

Chánh văn: 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tin thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của sáu mươi vị Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ. 

Giảng:

Phật nói bài kinh này rồi, tâm của sáu mươi vị Tỳ-kheo giải thoát các lậu hoặc, không chấp thủ. Người xưa nghe giảng qua là giải thoát, đâu đợi tu mới giải thoát. Nghe như vậy, chấp nhận được ngang đó không còn mê lầm nữa là giải thoát. Chủ yếu tu tập là chuyển mê lầm thành giác ngộ. Có giác ngộ mới thấy đúng như thật, thấy đúng như thật là giải thoát, không còn mê lầm. Nếu chúng ta tu để cầu mong ngày mai sung sướng hơn ngày nay, nghĩ như vậy làm sao giải thoát? Phải biết tất cả cảm thọ là vô ngã, giải thoát các thọ là không mong câu chấp trước. Đạt đến chỗ này mới hiểu ý Phật dạy vô ngã.

Tuy đây là kinh Nguyên thủy, nhưng đã lồng ý Thiền sẵn trong đó. Kinh nói yểm ly căn trần thức là giải thoát. Tương tự, khi nghe kinh Kim Cang nói: Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, ngay đó Lục Tổ biết rằng: Đâu ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh. Cái Ta thanh tịnh đó không phải cái Ta mình chấp lâu nay. Như vậy hợp lý quá. Cái Ta giải thoát có sẵn ở đây không xa lạ. Chúng ta thấy rõ tất cả kinh điển Nguyên thủy có sẵn Thiền trong đó, chứ không phải khác.

Đại thừa và Tiểu thừa phần cứu cánh có chỗ khác nhau, nhưng phần giác ngộ đều thấy rõ thân là huyễn hóa hư dối. Sau khi giác ngộ rồi, lý tưởng của La-hán là dứt nghiệp giải thoát, lý tưởng của Bồ-tát là khởi đại bi tâm nguyện độ tất cả chúng sanh. Tự mình giác ngộ rồi giúp người giác ngộ, công hạnh viên mãn rồi thành Phật, lấy Phật làm lý tưởng. Đó là hạnh Đại thừa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.