Trích giảng và Đối chiếu Trung A Hàm với Trung Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Khổ Ấm (Hán tạng) với Kinh Đại Khổ Uẩn (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến nước Xá-vệ ở vườn Cấp Cô Độc tại Thắng lâm. Sau buổi ngọ trai, có chút việc, chư Tỳ-kheo ngồi ở giảng đường. Nơi ấy có nhiều người dị học (đạo khác), sau buổi cơm trưa thong thả đi đến chỗ các Tỳ-kheo, thăm hỏi nhau, lui ngồi một bên, nói với các thầy Tỳ-kheo. 

Giảng:

Khổ Ấm tức là ngũ ấm là khổ. Nguyên nhân Phật nói bài kinh này do chư Tỳ-kheo ở nước Xá-vệ, vườn ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ-đà (Thắng lâm). Sau buổi ngọ trai rồi các ngài còn tụ họp ở giảng đường, chúng ngoại đạo (dị học) sau buổi cơm trưa, thong thả đến hỏi các thầy Tỳ-kheo.

Chánh văn: 

Chư hiền! Sa-môn Cù-đàm thành lập biết đoạn dục, thành lập biết đoạn sắc, thành lập biết đoạn thọ. Chư hiền! Chúng tôi cũng thành lập biết đoạn dục, thành lập biết đoạn sắc, thành lập biết đoạn thọ. Sa-môn Cù đàm và chúng tôi hai thứ biết, hai thứ đoạn này đâu có gì hơn, đâu có gì khác biệt. 

Chư Tỳ-kheo nghe chúng dị học kia nói, chẳng nhận là phải, chẳng nói là quấy, lặng thinh đứng dậy, đều thầm nghĩ: Nói như thế chúng ta sẽ từ Thế Tôn được biết. Chư Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật cúi đầu làm lễ, lui ngồi một bên, đem câu chuyện luận đàm với chúng dị học thuật hết Thế Tôn nghe. 

Giảng:

Ngoại đạo cho rằng Phật dạy đoạn dục họ cũng dạy đoạn dục, Phật dạy đoạn sắc họ cũng dạy đoạn sắc, Phật dạy đoạn thọ họ cũng dạy đoạn thọ, giữa họ và Phật không khác. Nghe nói như vậy, các thầy Tỳ-kheo không biết thật hay giả, không phê bình đúng hay sai, cũng không nhận là được hay không được, nghĩ rằng chỉ có Phật mới giải quyết được điều này. Các thầy Tỳ-kheo đến chỗ Phật trình bày.

Chánh văn: 

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Các ông khi ấy nên hỏi chúng dị học thế này: Chư hiền! Thế nào là dục vị? Thế nào là dục hoạn? Thế nào là dục xuất yếu? Thế nào là sắc vị? Thế nào là sắc hoạn? Thế nào là sắc xuất yếu? Thế nào là thọ vị? Thế nào là thọ hoạn? Thế nào là thọ xuất yếu? 

Các Tỳ-kheo! Nếu các ông hỏi như thế, chúng kia nghe rồi, chúng kia bèn hỏi lại nhau, nói việc đâu đâu, thêm tranh cãi giận hờn nhau, ắt đứng dậy lặng thinh mà đi. Vì cớ sao? Vì tôi không thấy ở đời này từ trời, ma Phạm, Sa-môn, Phạm chí, tất cả chúng khác hay biết nghĩa này chỉ bày rành rẽ, chỉ có Như Lai và đệ tử Như Lai được nghe nghĩa này. 

Giảng: 

Nói thì rất dễ mà hiểu cho thấu đáo đầu đuôi gốc ngọn thì khó. Ngoại đạo nói thành lập biết đoạn dục, thành lập đoạn sắc, thành lập đoạn thọ. Chỗ họ nói giống Phật nói, nhưng họ không thực hành thấu đáo, hiểu không rành rẽ nên kết quả không giống Phật. Phật dạy các Tỳ-kheo nếu họ nói vậy, nên hỏi họ: Thế nào là dục vị? Thế nào là dục hoạn? Thế nào là dục xuất yếu? Biết dục vị là biết ý nghĩa mê say của dục. Biết dục hoạn là biết tai hoạn đau khổ của dục. Biết dục xuất yếu là biết đường lối ra khỏi tham dục. Nói về dục thì phải rành cả ba thứ đó, không phải chỉ nói suông mà được. Đối với sắc cũng vậy. Sau đây, Phật giải nghĩa từng phần một.

Chánh văn:

Phật bảo: Thế nào là dục vị? Nghĩa là do công dụng của ngũ dục sanh ra vui thích, tột dục vị không gì hơn nó, tai hoạn của nó cũng quá lắm. 

Giảng: 

Ngũ dục có hai nghĩa. Thứ nhất, nghĩa thông thường là năm dục: Mắt thích thấy những vật ưa thích gọi là sắc dục. Tai thích nghe tiếng êm ái gọi là thanh dục. Mũi thích ngửi mùi ưa thích gọi là hương dục. Lưỡi thích nếm những vị ngon ngọt gọi là vị dục. Thân thích xúc chạm những gì ưa thích gọi là xúc dục. Khi năm căn tiếp xúc với năm trần, ưa thích đắm nhiễm đó là năm dục. Thứ hai, ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ là năm món yêu thích của chúng sanh. Hán tạng và Pāli đều giải thích rõ về tài dục, sắc dục. Pāli có nói thêm về sắc, thanh, hương, vị, xúc.

Chánh văn: 

Thế nào là dục hoạn? Nghĩa là kẻ chân chánh tùy nghề nghiệp sanh kế, hoặc làm ruộng, hoặc kinh doanh, hoặc học sách, hoặc học giỏi toán thuật, hoặc biết công số, hoặc khéo khắc ấn, hoặc làm văn chương, hoặc chuyên viết lách, hoặc hiểu kinh thư, hoặc làm dũng tướng, hoặc phụng thờ vua. Kia khi lạnh thì chịu lạnh, lúc nóng phải chịu nóng, đói khát, nhọc nhằn, muỗi mòng cắn, làm những nghề nghiệp như thế để mong được tiền của. Người chân chánh kia tạo phương tiện như thế, thực hành như thế, cầu mong như thế, nếu không được tiền của bèn sanh buồn khổ lo sầu thảm não, tâm sanh si mê nói thế này: “Luống làm, luống khổ, cầu mong không kết quả”. 

Giảng: 

Phật dạy về dục hoạn, tức là tai họa của dục có tám thứ. Thứ nhất vì tìm cầu tiền của (tài dục) nên làm tất cả nghề, chịu đựng lạnh nóng, đói khát nhọc nhằn. Như người làm ruộng, cần cấy lúa, gặt lúa thì dù nóng dù lạnh cũng phải lo làm, không trốn tránh được. Làm lụng cực nhọc mà đến mùa gặt lúa lép hết không có hột nào, nên nói: “Luống làm, luống khổ, cầu mong không kết quả!” Làm cực khổ như vậy mà kết quả không có gì nên kêu than.

Đó là cầu mong đúng pháp mà không được còn đau khổ, huống gì mong cầu không đúng pháp.

Chánh văn: 

Người chân chánh kia tạo phương tiện như thế, thực hành như thế, cầu mong như thế, nếu được tiền của bèn mến tiếc gìn giữ giấu kín. Vì cớ sao? Vì tiền của của ta không để cho vua đoạt, cướp giật, lửa cháy, hư mục, quên mất, bèn sanh lo rầu buồn khổ thảm não, tâm sanh si mê nói thế này: “Có khổ mãi mãi, vật đáng yêu thích lại mất hết”. Đó là khổ ấm hiện tại, nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Giảng:

Chịu biết bao cực khổ để được tiền của rồi phải giữ gìn. Nếu giữ gìn không được thì rên than, khóc lóc. Làm lụng khó nhọc bao nhiêu năm tháng mới được chút tiền, rủi tối ăn trộm nó tóm đi hết thì sáng ra đau khổ than khóc. Đó là trường hợp người làm không được của đau khổ, người có của cải gìn giữ không được cũng đau khổ. Đó là khổ ấm hiện tại, nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Chánh văn: 

Lại nữa, chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc, nên mẹ cùng con tranh, con cùng mẹ tranh, cha con anh chị em thân thuộc tranh lẫn nhau. Kia đã tranh đấu như thế rồi, mẹ nói con ác, con nói mẹ ác, cha con anh em chị em thân thuộc nói ác lẫn nhau, huống là người dưng? Ấy là khổ ấm hiện tại nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Giảng:

Khổ thứ hai là vì phân chia tài sản sanh tranh đấu. Có nhiều gia đình vì tiền của chia sớt không đều mà tranh cãi. Mẹ con, anh em đều tranh giành cãi vã nhau, có khi đưa tới đánh nhau, rồi thưa kiện. Mẹ với con tranh cãi nhau, con nói mẹ ác, mẹ nói con ác. Nếu không ác thì đâu có cãi. Khi cãi thì ai cũng nói xấu nhau. Tình gia đình mất hết cũng vì tham dục. Đó là họa của dục, do dục mà hiện tại khổ. Trước là khổ riêng, đây là khổ trong gia đình.

Chánh văn: 

Lại nữa, chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc, nên vua với vua tranh nhau, Phạm chí với Phạm chí tranh nhau, cư sĩ với cư sĩ tranh nhau, dân chúng với dân chúng tranh nhau, quốc gia với quốc gia tranh nhau. Kia nhân đấu tranh, thù ghét nhau nên dùng các thứ binh khí đao trượng giết hại nhau, hoặc dùng tay đánh, đá ném, hoặc dùng gậy đập, đao chém. Kia tranh đấu hoặc chết, hoặc bị thương nặng thật đau khổ. Ấy là khổ ấm hiện tại nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Giảng: 

Khổ thứ ba cũng nhân nơi dục mà dòng họ này với dòng họ kia, giai cấp này với giai cấp nọ tranh đấu nhau. Khi tranh đấu thì sử dụng đao gậy đánh đập, giết hại khiến chết chóc đau khổ.

Chánh văn: 

Lại nữa, chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc, nên mặc áo giáp, đeo cung tên, cầm đao thuẫn, vào quân trận, hoặc cưỡi voi đấu chiến, hoặc cưỡi ngựa đấu chiến, hoặc ngồi xe đấu chiến, hoặc dùng bộ binh, hoặc dùng nam, nữ đấu chiến. Kia khi đấu chiến hoặc chết, hoặc bị thương nặng, rất đau khổ. Ấy là khổ ấm hiện tại nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Giảng:

Khổ thứ tư là chiến tranh. Khi nước mình bị xâm lấn thì dân trong nước phải tham gia chiến đấu. Sử dụng binh khí, sử dụng sức người, sức vật để chống trả. Lúc ấy bị thương, bị chết, tổn hại đau khổ vì dục.

Chánh văn: 

Lại nữa, chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mặc áo giáp, đeo cung tên, hoặc cầm đao thuẫn sang cướp nước người, công thành phá lũy chống cự nhau, đánh trống thổi sừng, la hét vang rền, hoặc lấy chùy đánh, hoặc dùng mâu đâm, hoặc múa kiếm bén, hoặc bắn cung, hoặc xô đá, hoặc bắn nỏ, hoặc bắn súng. Kia khi đấu tranh hoặc chết, hoặc bị thương nặng rất đau khổ. Ấy là khổ ấm hiện tại nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Giảng:

Khổ thứ năm, do tham dục mà kéo quân xâm lăng nước người. Khi đem quân đánh nước người dùng gươm giáo cung tên súng đạn. Bên kia chống trả lại thì cả hai đều chết chóc đau khổ.

Chánh văn:

Lại nữa, chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mặc áo giáp, đeo cung tên, hoặc cầm đao thuẫn vào thôn, vào ấp, vào nước, vào thành, đào tường, khoét vách cướp giật tài vật, cắt đứt đường giao thông, hoặc những lỗi khác, hoại thôn, hoại ấp, diệt nước, phá thành; khi ấy hoặc bị quan quân bắt dùng các thứ tra khảo trị phạt. Chặt tay, chặt chân, chặt cả tay chân, cắt tai, xẻo mũi, cắt xẻo tai mũi, lóc thịt, nhổ râu, nhổ tóc, nhổ cả râu tóc, hoặc để trong cũi lấy áo quấn nổi lửa đốt, hoặc lấy cát nhét, cỏ quấn nổi lửa đốt, hoặc nhốt trong bụng con lừa sắt, trong miệng heo sắt, trong miệng cọp sắt mà thiêu, hoặc để trong chảo đồng, trong chảo sắt mà nấu, hoặc chặt từng đoạn, hoặc dùng mũi nhọn đâm, hoặc lấy câu móc móc, hoặc bắt nằm giường sắt lấy dầu sôi tưới, hoặc ngồi trong cối sắt lấy chày quết, hoặc cho rắn cắn, hoặc dùng roi đánh, hoặc lấy trượng đập, hoặc dùng gậy đả, hoặc dùng treo sống lên cột cờ, hoặc chặt đầu. Kia trong khi ấy, hoặc chết, hoặc bị thương nặng rất kinh sợ, rất đau khổ. Ấy là khổ ấm hiện tại nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Giảng:

Khổ thứ sáu, do dục mà sanh tâm trộm cướp phá làng phá xóm. Bị vua quan bắt được dùng mọi hình phạt trị tội. Những hình phạt cổ xưa rất ghê sợ kinh khủng.

Chánh văn: 

Lại nữa, chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác. Kia thời gian sau bị bệnh ngặt trên giường, hoặc ngồi nằm dưới đất, đau đớn giày xéo thân, thân chịu khổ quá sức. Kia nếu có thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, khi lâm chung ở trước bị che ngăn, như mặt trời sắp lặn bị ngọn núi lớn che khuất bóng. Như thế, kia nếu có thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, khi lâm chung ở trước bị che ngăn. Kia nghĩ như vầy: Ta trước làm ác nên ở trước ta bị che khuất, ta trước không làm nghiệp phước, lại làm nhiều nghiệp ác. Nếu có người làm ác, hung bạo, chỉ làm tội không làm phước, không làm lành, không có chỗ nương tựa, tùy sanh chỗ kia, ta ắt sanh chỗ kia. Người ấy từ đây mới hối hận, hối hận không làm lành, khi chết không có phước. Ấy là khổ ấm hiện tại nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Giảng:

Khổ thứ bảy, chúng sanh bị dục chi phối nên ba nghiệp làm ác, vì quả báo ác nên trước khi chết bị bệnh nặng thân chịu khổ đau đớn. Đến giờ phút hấp hối lâm chung, ở trước bị che ngăn, cảnh tượng tối đen như mặt trời sắp lặn bị ngọn núi lớn che khuất bóng. Bởi thấy tối nên hoảng hốt, hối hận rằng mình hằng ngày không làm phước, làm lành, đến chết gặp cảnh dữ đáng sợ. Đoạn này cảnh tỉnh chúng ta rất nhiều. Nếu người làm ác, hung bạo, chỉ làm tội không làm phước, không làm lành, không có chỗ nương tựa, tùy sanh chỗ kia. Tùy sanh chỗ kia tức là sanh nơi địa ngục hay ngạ quỷ. Tự biết mình sẽ sanh vào đường dữ ta ắt sanh chỗ kia. Vì không làm lành không làm phước, đến lúc sắp chết nhớ mình không có điều lành gì để nương tựa, nghiệp dữ lôi đi đâu thì sanh ở đó. Nghĩ đến điều này càng thêm hốt hoảng, sợ hãi, hối hận. Đây là cái khổ khi sắp lâm chung ôn lại đời mình, thấy cảnh tối đen hoảng hốt.

Chánh văn: 

Lại nữa, chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác. Kia nhân thân, miệng, ý hành ác nên sau khi mạng chung ắt đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Ấy gọi là khổ ấm đời sau nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

Giảng: 

Khổ thứ tám là khổ đời sau. Đoạn trước nói do tham dục nên ba nghiệp làm ác, khi lâm chung cảnh ác hiện ra, làm cho hoảng hốt khổ sở hiện đời. Đoạn này nói do ba nghiệp làm ác, sau khi chết sanh vào địa ngục. Tám thứ khổ này đều nhân nơi dục, là tai họa của dục. Sau đây Phật dạy pháp lìa dục dứt khổ.

Chánh văn: 

Thế nào là dục xuất yếu? Nếu đoạn trừ dục, xả ly tham, diệt dục, dục hết, vượt qua khỏi dục. Ấy là dục xuất yếu. Nếu có Sa-môn, Phạm chí không biết như thật dục vị, dục hoạn, dục xuất yếu thì không thể tự đoạn dục, huống là hay đoạn dục cho kẻ khác. Nếu có Sa-môn, Phạm chí biết như thật về dục vị, dục hoạn, dục xuất yếu, đã tự hay đoạn trừ dục, cũng hay đoạn dục cho kẻ khác. 

Giảng:

Phật dạy các người tu biết như thật về thứ tự của dục. Trước là dục vị, tức là do nếm chạm ngũ dục mang lại sự thích thú. Kế đến, vì ham thích ngũ dục, chạy theo ngũ dục, nên chịu nhiều họa hoạn, đó là biết dục hoạn.

Khi biết hết tai họa của dục, chúng ta không còn mê đắm và tìm cách thoát khỏi tham dục, đó là dục xuất yếu. Biết bản chất của dục, biết tai họa của dục, rồi biết phương pháp thoát khỏi dục, như vậy mới khả dĩ đoạn được dục.

Thông thường khi say mê ngũ dục, chúng ta không biết tai họa của nó và không biết cách thoát ra. Đó là chỉ biết dục vị, không biết dục hoạn và dục xuất yếu. Người học đạo, biết được dục vị, dục hoạn, dục xuất yếu mới khả dĩ tu hành được. Như người đang mê sắc đẹp, khi đó không biết tai hại của sắc dục, khi bị khổ rồi hối hận không kịp. Chủ yếu Phật dạy chúng ta thông suốt rành rẽ về ngũ dục, biết rõ bản chất, tai họa của nó để chuyên tâm tu tập thoát khổ.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi, tại Jetavana (Kỳ-đà lâm), trong vườn ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc). Lúc ấy nhiều vị Tỷ-kheo buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào thành Sāvatthi khất thực. Rồi các vị Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực ở Sāvatthi. Chúng ta hãy đi đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo”. Các vị Tỷ-kheo ấy đi đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo, nói lên những lời chúc tụng hỏi thăm xã giao rồi ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với các vị Tỷ-kheo đang ngồi một bên: 

Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục vọng, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục vọng. Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp. Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ. Chư hiền, ở đây có sự đặc thù nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi, về vấn đề thuyết pháp hay vấn đề giáo huấn? 

Các vị Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ cũng không chỉ trích những lời nói của các du sĩ ngoại đạo. Không hoan hỷ, không chỉ trích, các vị Tỷ-kheo ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, từ biệt với ý nghĩ: “Chúng ta sẽ học ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn”. 

Rồi các vị Tỷ-kheo ấy, sau khi khất thực ở Sāvatthi, khi ăn xong và đi khất thực trở về, liền đến chỗ Thế Tôn ở, đảnh lễ ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: 

– Bạch Thế Tôn, ở đây chúng con buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Sāvatthi khất thực. Rồi chúng con suy nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực Sāvatthi. Chúng ta hãy nghĩ đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo”. Bạch Thế Tôn, rồi chúng con đi đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến xong, nói lên những lời chúc tụng hỏi thăm xã giao rồi ngồi xuống một bên. Bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với chúng con đang ngồi một bên: “Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục vọng, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục vọng. Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp. Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ. Chư hiền, ở đây có sự đặc thù nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi, về vấn đề thuyết pháp hay vấn đề giảng huấn?” Bạch Thế Tôn, chúng con không hoan hỷ cũng không chỉ trích những lời nói của các du sĩ ngoại đạo. Không hoan hỷ, không chỉ trích, chúng con từ chỗ ngồi đứng dậy, từ biệt với ý nghĩ: “Chúng ta sẽ học ý nghĩa lời nói này với Thế Tôn!” 

– Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo nói như vậy cần được trả lời như sau: “Chư hiền, thế nào là vị ngọt các dục vọng? Thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly? Thế nào là vị ngọt các sắc pháp, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly? Thế nào là vị ngọt các cảm thọ, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly?” 

Này các Tỷ-kheo, khi được hỏi như vậy, các du sĩ ngoại đạo không thể trả lời được và sẽ bị mắc vào các khó khăn khác. Vì sao vậy? 

Này các Tỷ-kheo, vì vấn đề này không thuộc khả năng hiểu biết của họ. 

Này các Tỷ-kheo, ta không thấy một ai trong thế giới này với chư thiên, marā, Phạm thiên, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư thiên và loài người, mà câu trả lời các câu hỏi được chấp nhận, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai và những ai được nghe hai vị này. 

Giảng: 

Vị trí của hai bên khi nói kinh này giống nhau, nguyên nhân câu chuyện xảy ra hơi khác. Hán tạng thì nói rằng buổi trưa các vị Tỳ-kheo thọ trai xong, còn ngồi tại giảng đường rồi có chúng ngoại đạo đến hỏi chuyện. Hỏi chuyện rồi các Tỳ-kheo mới đến cầu Phật giải thích. Bên Pāli thì nói các Tỳ-kheo buổi sáng đi khất thực thấy còn sớm nên ghé vào khu vườn các du sĩ ngoại đạo. Các du sĩ ngoại đạo bèn nêu vấn đề, các Tỳ-kheo im lặng không trả lời. Các thầy đi khất thực, ăn xong mới đến chỗ Phật cầu chỉ dạy.

Chánh văn: 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các dục vọng? Này các Tỷ-kheo, có năm pháp tăng trưởng dục vọng này: Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, các tiếng do nhĩ căn nhận thức… các hương do tỹ căn nhận thức… các vị do thiệt căn nhận thức. các xúc do thân căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, có năm pháp tăng trưởng dục vọng như vậy. Này các Tỷ-kheo, y cứ vào năm pháp tăng trưởng dục vọng này, có lạc hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục vọng. 

Giảng: 

Pāli giải thích dục vị là khả ái của mắt, của tai, của lưỡi, của mũi, của thân. Đó là năm pháp tăng trưởng dục vọng, y cứ vào đó lạc hỷ khởi lên. Bên Pāli phần này có nói rõ.

Chánh văn: 

Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hiểm các dục vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử nuôi sống với nghề nghiệp, như đếm ngón tay như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác. Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục vọng thiết thực hiện tại thuộc khổ uẩn, lấy dục vọng làm nhân, lấy dục vọng làm duyên, là nguồn gốc của dục vọng, là nguyên nhân của dục vọng. 

Này các Tỷ-kheo, nếu thiện nam tử ấy, nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, nhưng các tài sản ấy không được đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: “Ôi! Sự nỗ lực của ta thật sự là vô ích, sự tinh cần của ta thật sự không kết quả!” Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục vọng. (như trên)… là nguyên nhân của dục vọng. 

Này các Tỷ-kheo, nếu thiện nam tử ấy, nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, và các tài sản ấy được đến tay mình, vì phải hộ trì các tài sản ấy, vị ấy cảm thọ sự đau khổ ưu tư. Làm sao các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao trộm cướp khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng dáng khỏi cướp đoạt chúng? Dầu vị ấy hộ trì như vậy, giữ gìn như vậy, vua chúa vẫn cướp đoạt các tài sản ấy, trộm cướp vẫn cướp đoạt, lửa vẫn đốt cháy, nước vẫn cuốn trôi hay các kẻ thừa tự không xứng đáng vẫn cướp đoạt chúng. Vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: “Cái đã thuộc của ta, nay ta không có nữa”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục vọng… (như trên)… là nguyên nhân của dục vọng. 

Giảng:

Về nguy hiểm đau khổ do dục đưa đến, Hán tạng và Pāli đều nói đến cực nhọc lạnh nóng đói khát khi làm các nghề nghiệp. Khi gìn giữ tiền của không được, Hán tạng và Pāli nói hơi khác. Hán tạng nói hoặc tiền của bị vua đoạt, giặc cướp đoạt, lửa cháy, nước trôi, hư mục, hoặc đưa ra làm ăn không có lời, hoặc lập sự nghiệp mà không thành. Pāli thì nói hoặc bị vua đoạt, bị giặc cướp đoạt, bị lửa cháy, nước trôi hay bị kẻ thừa tự phá.

Năm điều của Pāli đúng ý nghĩa của cải thuộc về năm nhà: vua quan, trộm cướp, nước trôi, lửa cháy, con bất hiếu. Hán tạng không có phần con kế tự phá hư, đó là đứng về hiện tại đang làm ăn, đang lúc có tiền của mà không được như ý, không nói sau khi chết con phá hoại. Pāli nói con kế tự không giữ gìn, là nói tới đời sau, sau khi chết rồi của cải con cái chia ra phá hết. Như vậy đối với cái lý của cải thuộc năm nhà thì hợp, nhưng đối với cái khổ của thân ngũ uẩn hiện tại đây không rõ bằng ý nghĩa của kinh Hán tạng. Nhận xét chi ly như thế để thấy cái ưu cái khuyết của mỗi đoạn.

Chánh văn: 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, do dục vọng làm nhân, do dục vọng làm duyên, do dục vọng làm nguyên nhân, do chính dục vọng làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-ly tranh đoạt với Sát-đế-ly, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. 

Giảng:

Đoạn này bên Hán tạng nói cha mẹ, con cái, anh em vì ngũ dục mà giành giật đấu tranh với nhau, mẹ nói con ác, con nói mẹ ác… Đó cũng là khổ uẩn hiện tại. Tiếp theo nói dòng họ giai cấp đấu tranh, giữa nước này và nước kia chiếm đoạt đấu tranh… chia thứ tự từng cái. Bên Pāli chỗ này hơi lộn xộn, chỉ nói đấu tranh dồn chung một khối, không chia thứ tự từng cái khổ.

Chánh văn: 

Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, họ công phá nhau bằng tay, họ công phá nhau bằng đá, họ công phá nhau bằng kiểm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục vọng… (như trên)… là nguyên nhân của dục vọng. 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, do dục vọng làm nhân… do chính dục vọng làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục vọng… (như trên)… Là nguyên nhân của dục vọng. 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, do dục vọng làm nhân… do chính dục vọng làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ công phá thành quách mới trét vôi hồ, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Ở đây họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ đổ nước phân sôi, họ đè bẹp bằng đá, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. 

Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục vọng…. (như trên)… Là nguyên nhân của dục vọng. Lại nữa, này các Tỷ-kheo do dục vọng làm nhân… Do chính dục vọng làm nhân, họ đột nhập nhà cửa, họ cướp giật đồ đạc, họ hành động như kẻ cướp, họ phục kích các đường lớn, họ đi đến vợ người. Các vua chúa khi bắt được một người như vậy liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la-hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu, ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm của dục vọng. (như trên)… là nguyên nhân của dục vọng. 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, do dục vọng làm nhân… do chính dục vọng làm nhân, họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý. Do họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm, các dục vọng đưa đến đau khổ tương lai là khổ uẩn, do dục vọng làm nhân, do dục vọng làm duyên, do dục vọng làm nhân duyên, do chính dục vọng làm nhân. 

Giảng: 

Nói chung các hình thức đánh đập giết hại gây đau khổ cho nhau, chỉ vì dục vọng làm nhân. Pāli kể chi tiết những hình phạt dành cho tội nhân rất đáng kinh sợ, có những hình phạt chúng ta cũng không hiểu. Tóm lại đều từ dục vọng gây khổ cho thân tâm nên gọi là dục hoạn.

Cuối cùng nói về ba nghiệp ác dẫn đến đau khổ thì bên Hán tạng chia ra hai phần, một phần do ba nghiệp ác nên khi lâm chung thấy cảnh khổ hiện tại là bóng tối, sanh tâm kinh sợ ân hận vì đã không biết làm thiện. Đó là ngũ uẩn khổ trong hiện tại. Phần tiếp theo nói do ba nghiệp ác nên sau khi chết đọa địa ngục. Pāli chỉ nói chung phần ba nghiệp làm ác sau khi chết đọa địa ngục.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Thế nào là sắc vị? Nếu con gái dòng Sát-lợi, dòng Phạm chí, dòng cư sĩ, dòng công sự tuổi đến mười bốn, mười lăm, trong thời gian này nhan sắc rất đẹp. Nếu nhân sắc đẹp kia, duyên sắc đẹp kia sanh vui thích, tột sắc vị không gì hơn nó, tai hoạn cũng quá lắm. 

Giảng:

Sắc vị là vị ngọt của sắc. Đây thí dụ về sắc đẹp của thiếu nữ khoảng mười bốn, mười lăm tuổi. Theo phong tục ở Ấn Độ, người nữ lập gia đình sớm, khoảng mười bốn, mười lăm tuổi đã lập gia đình. Bởi xứ nóng cơ thể người phát triển nhanh. Còn ở xứ mình ôn hòa hơn, nếu nói sắc vị thì khoảng mười tám, mười chín tuổi, không nói mười bốn, mười lăm. Sắc đẹp làm cho người trông thấy vui thích, cái vui thích ưa mến đó gọi là sắc vị. Thấy được sắc vị phải thấy được sắc hoạn.

Chánh văn: 

Thế nào là sắc hoạn? Nếu thấy người xinh đẹp mà thời gian sau rất già yếu, tóc bạc, răng rụng, lưng còng, gối mỏi đi phải chống gậy, ngày xanh suy giảm, tuổi thọ sắp tàn, thân thể run rẩy, các bộ phận hao mòn. 

Giảng: 

Thử nghiệm xem, các thanh niên nam nữ trong thời mười tám, mười chín tuổi là đẹp, nhưng tới bảy mươi, tám mươi tuổi còn đẹp không? Không. Thấy người nữ mười tám, mười chín tuổi đẹp phải nghĩ đến lúc bảy mươi, tám mươi tuổi ra sao. Có bà già nào bảy mươi, tám mươi tuổi mà không qua thời gian mười tám, mười chín tuổi không? Có thời tuổi trẻ sắc đẹp thì cũng có thời già xấu, cũng như có thời tuổi già là đã từng có thời tuổi trẻ. Như vậy thấy cái đẹp phải nhớ tới cái già, thấy sắc vị phải nhớ tới sắc hoạn.

Hiện tại chúng ta thấy những người già khòm lụm khụm, nếu ngược lại chừng năm mươi, sáu mươi năm về trước, lúc đó chắc họ đẹp lắm. Ai mà không trải qua thời thanh xuân rồi tới lúc già yếu. Còn tươi đẹp là sắc vị, già lụm khụm là sắc hoạn, lúc sắc vị phải nhớ tới lúc sắc hoạn. Ngược lại thấy những người đang lúc sắc hoạn, nên nhớ xưa họ cũng có sắc vị. Chúng ta không dám khi, không dám xem thường ai hết. Thế gian thường có bệnh, thấy lúc nào nhớ lúc đó, người ta hay nói câu “Tắm khi nào rửa mặt khi nấy”. Chỉ biết hiện tại mà không biết lui về quá khứ, không biết thấu vị lai, nên khi còn trẻ khỏe thấy người già lum khum thì tỏ vẻ khi dễ, chỉ tại nhìn không thấu, nếu nhìn thấu thì biết ngày mai kia mình cũng vậy thôi.

Đức Phật khi còn làm Thái tử đi dạo ngoài thành, gặp người già ngài cảm thấy rồi đây ta cũng sẽ già, thấy người bệnh thì nghĩ rồi đây ta cũng sẽ bệnh, không còn có gì vui, thấy người chết thì nghĩ rồi đây mình sẽ chết, nhất định phải tìm con đường thoát. Chúng ta thấy già thì cười, thấy bệnh tội nghiệp chút thôi, thấy người chết cũng buồn buồn chút rồi thôi. Cứ tưởng mình sống đời, tưởng mình khỏe mạnh, ít nhớ đến mình sẽ già sẽ chết. Đó là vô minh mê muội. Phật sáng suốt cảm thấy con đường của mình sẽ như thế, nên tìm lối thoát không chần chừ.

Đó là sự tỉnh giác của người trí tuệ, thấy cảnh liền biết quá khứ vị lai của nó. Mình thì thấy đâu trơ trơ đó, nhiều khi Phật nhắc tới nhắc lui vô lỗ tai này qua lỗ tai kia, không dính gì hết. Thật là si mê trầm trọng.

Chánh văn: 

Các ông nghĩ sao? Nếu trước có sắc đẹp, sắc đẹp mất có sanh hoạn chăng? Có thể. Ấy gọi là sắc hoạn. Lại nữa, thấy người xinh đẹp bệnh nặng nằm trên giường, hoặc nằm ngồi dưới đất, các thứ đau đớn giày xéo thân thể chịu khổ quá lắm. Các ông nghĩ sao? Nếu trước có sắc đẹp, nay sắc đẹp mất có sanh hoạn chăng? Có thể. 

Giảng: 

Phật hỏi khi sắc đẹp tàn rụi, có phải là tai hoạn hay không? Tất cả thầy Tỳ-kheo đều chấp nhận. Đó là sắc hoạn thứ nhất, khi già

Lúc trước sắc đẹp tươi nhuần, đến khi ngã bệnh nằm một chỗ, tiêu tiểu một chỗ, lúc đó còn đẹp không? Thật gớm ghê. Đó là sắc hoạn thứ hai, khi bệnh.

Chánh văn: 

Lại nữa, nếu thấy người xinh đẹp kia chết, hoặc một hai ngày, cho đến sáu bảy ngày, chim quạ mổ, chó sói ăn, lửa thiêu, chôn dưới đất, toàn thân nứt nẻ tan rã. Các ông nghĩ sao? Nếu trước có sắc đẹp, sắc đẹp mất có sanh hoạn không? Có thể

Giảng:

Khi đau sắp chết, hoặc chết một ngày, hai ngày, ba ngày mà chưa liệm, chưa chôn, lúc đó thấy thế nào? Còn đẹp không? Đây là ba cái sắc hoạn dễ thấy nhất, già, bệnh, chết.

Chánh văn: 

Lại nữa, nếu người xinh đẹp kia đã chết, hài cốt màu xanh mục nát, xương còn nửa khúc nằm chồng chất trên đất. Các ông nghĩ sao? Nếu trước có sắc đẹp, sắc đẹp mất có sanh hoạn chăng? Có thể. Lại nữa, nếu thấy người xinh đẹp đã chết, các lóng xương rời ra các nơi, xương bàn chân, xương ống chân, xương đùi, xương mông, xương sống, xương vai, xương cổ, xương đầu lâu, mỗi lóng ở một chỗ. Các ông nghĩ sao? Nếu trước có sắc đẹp, sắc đẹp mất có sanh hoạn chăng? Có thể. Lại nữa, nếu thấy người đẹp kia đã chết, xương trắng như vỏ ốc, xương xanh như sắc chim cáp, xương đỏ như thoa máu, hư mục nát ngớu. Các ông nghĩ sao? Nếu trước có sắc đẹp, sắc đẹp kia mất có sanh hoạn chăng? Có thể. Ấy gọi là sắc hoạn. 

Giảng: 

Đây là trường hợp sau khi chết thi thể bỏ lăn lóc ngoài rừng hoặc đồng trống, xương rời mỗi nơi mỗi khúc, xương đổi màu rồi mục nát. Ấn Độ thường gặp cảnh này, ở Việt Nam chôn kín không thấy, hoặc thiêu cháy hết. Chúng ta luôn quán tưởng sắc không phải chỉ có một bề, không phải lúc nào cũng là sắc vị, mà rồi phải đến sắc hoạn. Thấy lẽ vô thường hư hoại của sắc, phải lo tu để ra khỏi sự đắm trước sắc.

Chánh văn: 

Thế nào là sắc xuất yếu? Nếu đoạn trừ sắc, xả ly sắc, diệt sắc, sắc hết, vượt qua khỏi sắc, ấy gọi là sắc xuất yếu. 

Giảng:

Đoạn trừ sắc là đoạn trừ tâm yêu mến sắc, xả ly tâm yêu mến sắc, diệt tâm yêu mến sắc, tâm yêu mến sắc hết, vượt qua khỏi tâm yêu mến sắc. Ấy gọi là sắc xuất yếu.

Chánh văn:

Nếu có Sa-môn, Phạm chí không biết như thật sắc vị, sắc hoạn, sắc xuất yếu, trọn không thể tự đoạn sắc, huống là hay đoạn sắc cho người khác? Nếu có Sa-môn, Phạm chí biết như thật sắc vị, sắc hoạn, sắc xuất yếu, đã tự hay đoạn sắc, cũng hay đoạn sắc cho kẻ khác. 

Giảng: 

Ngoại đạo chỉ nói biết thành lập đoạn sắc, không biết như thật về sắc vị, sắc hoạn, sắc xuất yếu. Lời của họ chỉ là lời rỗng. Phật dạy các Tỳ-kheo lẽ thật tu tập để đoạn sắc. Đó là chỗ khác nhau giữa chúng ngoại đạo và đệ tử Phật. Nếu tự mình thực hành được, cũng chỉ dạy người khác tu được, lợi lạc rộng lớn vô cùng.

Chánh văn: 

Thế nào là thọ vị? Tỳ-kheo lìa dục, lìa pháp, ắt đến được đệ tứ thiền thành tựu tự tại, khi ấy không có niệm tự hại, cũng không niệm hại người. Nếu không có niệm hại, ấy là thọ lạc vị. Vì cớ sao? Vì không niệm hại. Thành tựu cái vui này. Đó là thọ vị. 

Giảng:

Thọ vị này rất khó, tế nhị hơn thọ vị khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh cảm thọ. Cảm thọ đó làm cho chúng ta vui thích thô thiển. Thọ vị ở đây là cảm thọ hỷ lạc, trong lúc nhập định từ Sơ thiền đến Tứ thiền, cảm thọ lạc này khởi lên khi tâm không nghĩ tự hại, không nghĩ đến việc hại người.

Chánh văn 

Thế nào là thọ hoạn? Thọ là pháp vô thường, pháp khổ, pháp diệt, ấy là thọ hoạn. 

Giảng: 

Khi ngồi thiền, đôi lúc chúng ta cảm thấy an tịnh rỗng rang nhẹ nhàng thơ thới, trong chốc lát cảm giác ấy qua mất kiếm lại không được. Khi tâm lăng xăng, chúng ta rất tiếc cảm giác nhẹ nhàng vừa có và mong muốn được yên tĩnh lại. Đó là thọ vị của người tu thiền. Còn mong muốn là trật. Phật dạy cái thọ an lạc lúc tu thiền cũng là pháp vô thường, pháp khổ, pháp diệt, ấy là thọ hoạn. Nói sâu hơn, còn có cảm thọ đều là vô thường sanh diệt nên nói là khổ. Khổ thì không chân thật, vì nó là pháp tiêu diệt. Tất cả cảm thọ dù cảm thọ trong lúc tu thiền cũng là pháp tiêu diệt. Nó đã tiêu diệt mà còn muốn trở lại là dại khờ ngu si, Đó là bệnh của chúng ta thích níu kéo cái an tịnh đó lại. Cảm thọ là vô thường làm sao kéo lại được? Nó đã qua cứ cho qua, chúng ta tu đều đều, không mong cầu níu kéo, đó là biết cách tu.

Chánh văn: 

Thế nào là thọ xuất yếu? Nếu đoạn trừ thọ, xả ly thọ, diệt thọ, thọ hết, vượt quá thọ, ấy là thọ xuất yếu. 

Giảng:

Mọi cảm thọ đều không thật, vì nó là pháp đối đãi, đợi duyên mới có. Có thọ lạc tức có thọ khổ. Biết rõ nó là tưởng vô thường, tưởng hoại diệt, không nên chấp giữ. Chúng ta nên xả ly cảm thọ, vượt qua cảm thọ không dính mắc. Đó là thọ xuất yếu. Đây là chỗ đáng nhớ để ứng dụng tu.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các sắc pháp? Này các Tỷ-kheo, như các thiếu nữ Sát-đế-ly, thiếu nữ Bà-la-môn hay thiếu nữ các gia chủ, tuổi khoảng độ mười lăm tuổi hay mười sáu tuổi, không quá lớn, không quá thấp, không quá ốm, không quá mập, không quá đen, không quá trắng, này các Tỷ-kheo, có phải trong thời ấy, họ đạt đến sự mỹ diệu tối thượng, sắc đẹp tối thượng? 

– Bạch Thế Tôn, phải. 

– Này các Tỷ-kheo, y cứ sắc đẹp mỹ diệu sắc đẹp ấy khởi lên lạc thọ và hỷ thọ, như vậy là vị ngọt các sắc pháp. 

Giảng:

Phần này Pāli nói vị ngọt của sắc, chi tiết сụ thể hơn bên Hán tạng.

Chánh văn: 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hiểm các sắc pháp? Này các Tỷ-kheo, ở đây người ta có thể thấy bà chị ấy trong một thời khác, khoảng tám mươi tuổi, chín mươi tuổi hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, phải dựa gậy để chống đỡ, vừa đi vừa run rẩy, đau ốm, tuổi trẻ đã tận, răng rụng, tóc bạc hư rụng, sói đầu, da nhăn, tay chân bị khô đét tái xám. Này các Tỷ-kheo, các người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra? 

– Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. 

Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa, này các Tỷ-kheo người ta có thể thấy bà chị ấy bị bệnh hoạn, đau khổ, trầm bệnh, nằm đắm mình trong phân tiểu của mình, phải có người nâng dậy, phải có người đỡ nằm. Này các Tỷ-kheo, các người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu sắc đẹp xưa kia của người ấy nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra? 

– Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. 

– Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa này các Tỷ-kheo, người ta thấy bà chị ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, một ngày, hay hai ngày, hay ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Này các Tỷ-kheo, các người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra? 

– Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. 

– Này các Tỷ-kheo, người ta thấy bà chị ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn; hay bị các chim kên ăn; hay bị các loài dã can ăn; hay bị các loài côn trùng ăn. Này các Tỷ-kheo, các người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu sắc đẹp xưa kia của nàng nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra? 

– Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. 

– Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa này các Tỷ-kheo, người ta thấy bà chị ấy, thi thể bị quăng trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại… chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia, ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Này các Tỷ-kheo, các người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diện sắc đẹp xưa kia của nàng nay đã biến mất, sự nguy hiểm đã hiện ra? 

– Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. 

– Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa này các Tỷ-kheo, người ta thấy bà chị ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc… chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm… chỉ còn các xương thối trở thành bột. Này các Tỷ-kheo, các người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của nàng nay đã biến mất, và sự nguy hiểm hiện ra? 

– Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy. 

– Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp.” 

Giảng:

Hán tạng nói đại khái về tai họa, sự nguy hiểm của sắc pháp, Pāli nói chi tiết thêm mấy chữ nghe lý thú. Nói bà chị ấy trong thời gian tám mươi, chín mươi tuổi thì già cả, run rẩy, răng rụng v.v… Như vậy có phải sự mỹ điệu sắc đẹp của nàng xưa kia nay đã biến mất và sự nguy hiểm nay đã hiện ra? Dùng chữ “bà chị” rồi “nàng”, hai lối dùng chữ đó làm sáng tỏ ý nghĩa. Khi bảy mươi, tám mươi tuổi gọi là bà chị, nhưng nhớ lại lúc còn trẻ thì nói sự mỹ diệu của nàng. Đối với mấy vị già ở đây như Kiến Chánh, Kiến Pháp, chúng ta có thể nói là sự mỹ diệu của anh xưa kia nay đã biến mất và sự nguy hiểm nay đã hiện ra, phải không? Ai hồi xưa cũng qua một thời thanh niên gọi là chàng thanh niên. Bây giờ già rồi thì gọi là ông anh già cả. Ai cũng phải qua lúc đó, có thanh niên thì phải có già cả, có thiếu nữ cũng phải có già cả. Đó là sắc hoạn. Từ sắc hoạn đó tới sắc hoạn thứ hai là bệnh, sắc hoại thứ ba là chết. Già, bệnh, chết là ba sắc hoạn cụ thể nhất, còn sắc hoạn sau nói về trạng thái hủy hoại của các bộ xương… cũng giống như bên Hán tạng. Đoạn sau nói về vị ngọt của cảm thọ, Pāli nói rõ hơn.

Chánh văn: 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các cảm thọ? Ở đây các Tỷ-kheo ly các dục vọng, ly các bất thiện pháp, tự chứng và an trú vào Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly tham sanh, có tầm có tứ. Này các Tỷ-kheo, trong khi vị Tỷ-kheo ly tham, ly các bất thiện pháp chứng và an trú trong Sơ thiền… có tầm có tứ, trong khi nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, trong khi vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Này các Tỷ-kheo, tối thượng vô hại ấy ta nói là vị ngọt các cảm thọ. Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và an trú vào thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm… thiền thứ ba… chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, trong khi vị Tỷ-kheo ấy xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, trong khi ấy nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, trong khi ấy vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Này các Tỷ-kheo, tối thượng vô hại ấy, ta nói là vị ngọt các cảm thọ. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hiểm của các cảm thọ? Này các Tỷ-kheo, các cảm thọ vô thường, khổ, biến hoại, như vậy là sự nguy hiểm các cảm thọ. 

Giảng:

Bên Hán tạng chỉ nói Tứ thiền thành tựu tự tại, không có tâm tự hại hại người. Pāli thì nói từ Sơ thiền đến Tứ thiền, tất cả cảm thọ vô hại, tối thượng vô hại ấy, gọi là vị ngọt của các cảm thọ. Chỗ dứt hết tâm tự hại hại tha đó là tâm không hại, là vị ngọt, là thú vị của người tu thiền. Tu tập thiền định để đạt đến các tầng thiền cũng chưa quan trọng, quan trọng là đạt được rồi mà tâm không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người. Đây là đầu mối của thiền Tứ vô lượng tâm. Đọc kỹ đoạn kinh Pāli này chúng ta thấy rõ thứ lớp của Tứ thiền và sự manh nha tinh thần Đại thừa.

Chánh văn: 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự xuất ly các cảm thọ? Này các Tỷ-kheo, sự điều phục dục tham đối với các cảm thọ, sự đoạn trừ dục tham, như vậy gọi là sự xuất ly các cảm thọ. 

Giảng:

Sự xuất ly cảm thọ nhắm vào tâm dục ái, điều phục dục ái đối với cảm thọ. Đối chiếu hai bản kinh, chúng ta thấy sáng sủa rõ ràng hơn, mỗi bên có khi chỗ này nói lược chỗ kia nói rộng, khi chỗ kia nói lược chỗ này nói rộng.

Chánh văn: 

Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri, vị ngọt các cảm thọ là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ, sự kiện như vậy không thể xảy ra. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt của các cảm thọ là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ có thể đặt các người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ, sự kiện như vậy có thể xảy ra. 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn. 

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Nếu Sa-môn, Phạm chí không biết như thật thọ vị, thọ hoạn, thọ xuất yếu, trọn không thể tự đoạn thọ, huống là hay đoạn thọ cho người? Nếu Sa-môn, Phạm chí biết như thật thọ vị, thọ hoạn, thọ xuất yếu, đã hay tự đoạn thọ, cũng hay đoạn thọ cho kẻ khác. 

Phật nói như vậy, các thầy Tỳ-kheo kia nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

Giảng: 

Phần kết thúc, hệ Pāli nói dài dòng hơn. Ý nghĩa giống như Hán tạng nhưng câu văn có vẻ khó hiểu. Những vị này nhất định sẽ không như thật biết các cảm thọ của chúng, chúng cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự. Nghĩa là nếu không tu tập để biết rõ về vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của cảm thọ thì sẽ không hướng dẫn được người khác giải thoát. Bên Hán tạng nói ngắn gọn rõ ràng hơn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.