Trích giảng và Đối chiếu Trung A Hàm với Trung Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Cầu Pháp (Hán tạng) với Kinh Thừa Tự Pháp (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến nước Câu-sa-la, cùng với chúng đại Tỳ-kheo đi đến thôn Ngũ-sa-la ở phía Bắc trong rừng Thi-nhiếp hòa. Những vị đệ tử danh đức thượng tôn trưởng lão của Phật là: tôn giả Xá-lợi Tử, tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tôn giả Đại Ca-diếp, tôn giả Đại Ca-chiên-diên, tôn giả A-na-luật-đà, tôn giả Lệ-việt, tôn giả A-nan, đều có mặt ở thôn Ngũ-sa-la ngụ gần bên thất lá của Phật. 

Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo: 

Các ông phải đi cầu pháp chớ đi cầu ăn uống. Vì cớ sao? Vì tôi thương xót đệ tử muốn khiến đi cầu pháp, không đi cầu ăn uống. Nếu các ông đi cầu ăn uống, không đi cầu pháp, các ông đã tự xấu, tôi cũng không được tiếng tốt. Nếu các ông đi cầu pháp, không đi cầu ăn uống, các ông đã tự tốt, tôi cũng được tiếng khen. 

Giảng:

Bài kinh này Phật dạy các Tỳ-kheo về ý nghĩa cầu pháp. Phật nêu lên hai trường hợp, người xuất gia vì cầu pháp và người xuất gia vì cầu ăn uống. Trường hợp đệ tử xuất gia vì cầu pháp thì đệ tử đã tự tốt mà Phật cũng được tiếng khen. Trường hợp đệ tử xuất gia vì cầu ăn uống thì đệ tử đã tự xấu mà Phật cũng bị tiếng chê. Như vậy, Phật còn trọng khen chê sao? Khen chê ở đây có nghĩa là nếu người đệ tử làm đúng thì chứng tỏ mình là người tốt, người có ý chí tu hành, bậc thầy của người ấy cũng được mọi người quý kính theo học. Nếu đệ tử theo thầy vì ăn uống thì chính tự mình đã xấu, ông thầy cũng bị người chê: Thầy trò ông đó chỉ chú trọng ăn uống có gì đâu mà quý? Không quý thì người không theo. Chính chỗ đó làm mất uy tín bản thân mình và thầy mình.

Chánh văn: 

Thế nào các đệ tử vì cầu ăn uống nên đi theo Phật, không phải vì cầu pháp? Tôi thọ thực xong còn thừa chút ít, sau đó có hai Tỳ-kheo đến đói khát khô kiệt. Tôi bảo họ: Tôi ăn no rồi, còn thừa chút ít, các ông cần nên lấy mà ăn. Nếu các ông không lấy, tôi sẽ đem rải chỗ đất sạch, hoặc rải trong nước không trùng. Hai Tỳ-kheo kia, người thứ nhất nghĩ: Thế Tôn thọ thực rồi còn thừa chút ít, nếu ta không lấy, Thế Tôn sẽ đem rải chỗ đất sạch, hoặc rải trong nước không trùng, ta nên lấy mà ăn. Kia liền lấy ăn. Tỳ-kheo kia lấy ăn rồi, tuy được an ổn một ngày, một đêm, nhưng Tỳ-kheo kia nhân lấy thức ăn nên Phật không hài lòng. Vì cớ sao? Tỳ-kheo kia nhân lấy thức ăn này ăn nên không được ít muốn, không được chán đủ, không được dễ nuôi, không được dễ đầy, không được biết thời, không biết tiết chế, không được tinh tấn, không được tịnh tọa, không được tịnh hạnh, không được xa lìa, không được nhất tâm, không được tinh cần, cũng không được Niết-bàn. Do đó, Tỳ-kheo kia nhân lấy thức ăn, Phật không hài lòng. Ấy gọi là đệ tử vì đi cầu ăn uống mà theo Phật, không phải vì cầu pháp. 

Giảng:

Phật nêu lên trường hợp hai thầy Tỳ-kheo. Một hôm, Phật thọ thực còn thừa chút ít trong bát, có hai thầy Tỳ-kheo đói khát khô kiệt đi đến chỗ ngài. Ngài bảo ta còn một ít cơm đây, nếu cần cứ lấy ăn, nếu không ăn ta cũng rải dưới đất sạch hoặc rải dưới nước. Như vậy là Phật cho phép. Thầy Tỳ-kheo thứ nhất bèn lấy ăn. Vị Tỳ-kheo đó đói khát, lấy phần cơm còn thừa ăn đỡ đói, một ngày một đêm ngồi tu yên ổn. Với lòng từ bi thấy vậy là vui, tại sao Phật không hài lòng? Thầy Tỳ-kheo thứ hai chịu nhịn đói cả ngày cả đêm như vậy mà Phật hài lòng. Như vậy Phật muốn đệ tử khổ?

Thí dụ như tôi, hôm nào mấy chú đi công tác về, chiều xế rồi nhà trù không có cơm, tôi còn một vài ba món ăn, bảo mấy chú cần lấy cái này ăn. Mấy chú lấy ăn ngon lành, tôi vui chứ, mình có cái gì cho đệ tử ăn khỏi đói là mình mừng, không vui là sao? Chỗ này dễ mà khó. Bởi vì đức Phật muốn tập cho đệ tử trên đường tu lập chí dám liều chết không sợ đói khát. Nếu người đệ tử sợ đói khát tức là không can đảm, không có chí quyết liệt. Người như thế khó đạt đạo. Nên tuy ngài mời ăn mà khi thấy ăn thì không hài lòng. Còn người kia không ăn, tuy biết thầy bị một ngày một đêm đói lả mà Phật hài lòng vì gã này dám chết, không sợ chết. Trên đường tu giữ cho trong sạch, người như vậy sớm chiều rồi cũng đạt đạo. Hài lòng người tương lai có thể đạt đạo, còn không hài lòng người tương lai không đạt đạo. Mục tiêu của Phật nhắm là chỗ đạt đạo hay không, không phải cho ăn rồi tiếc.

Chủ trương của tôi cũng có chút ít giống như vậy. Ai vào tu đều phải chịu cực. Chịu cực nổi thì tôi hài lòng, cực một chút rên rỉ thì tôi không hài lòng. Trên đường tu, muốn đạt đạo thì phải dứt hết những thói quen tật xấu, những cái muôn đời đã gắn bó với chúng ta. Chuyện đó không dễ, phải là con người can đảm, dám liều chết một phen mới làm được, thân chịu cực một chút mà chịu không nổi thì mong gì làm việc kia nổi. Người như vậy tu thì tu chứ không đạt đạo. Còn người gan dạ, nếu cần chết thì chết, như thế mới bỏ được những tập khí xấu dở. Như có năm người nghiện rượu, khi nghe bác sĩ giải thích tai họa của rượu rồi cùng đồng nguyện bỏ rượu. Chắc gì năm người đó bỏ hết? Có người bỏ được, có người bỏ không được. Bỏ không được là ý chí không mãnh liệt, không can đảm dứt khoát, nếu bị ngáp thì kiếm rượu uống. Can đảm dứt khoát dù chết cũng chịu. Chỉ là thói quen nhỏ mới tập thôi còn đòi hỏi tinh thần dứt khoát như vậy huống là thói quen muôn đời. Như muốn dứt bỏ ái dục muôn đời, không gan dạ thì không bỏ nổi. Đó là lý do Phật vì đại bi muốn cho đệ tử đạt đạo, không phải muốn đệ tử sống khỏe mạnh, sung túc.

Trên tinh thần căn bản này, xưa ngài Đạo Giai có năm trăm chúng, chỉ chia bao nhiêu gạo đủ nấu, hôm nào có khách thì thêm nước nấu lỏng ra, không thêm gạo. Vậy đó, ai ở nổi thì ở, ở không nổi thì cứ đi. Thấy như là khắc khổ, nhưng chính cái khắc khổ đó để kiểm chứng người nào vì đạo thật. Người xưa có thái độ, mới nhìn qua dường như tàn nhẫn, mà thật là để thử thách đệ tử có ý chí gan dạ hay không. Nếu không có ý chí thì bỏ đi bao nhiêu cũng được.

Chỗ cao siêu trong đạo là cốt nhận người xứng đáng để gánh vác tương lai. Nếu là người dám liều sống chết mới có thể gánh vác được. Thời đức Phật, giai đoạn đầu ít người hiểu đạo, chư tăng đi khất thực từ sáng sớm đến trưa, nếu không có ai cho cơm thì ngày đó nhịn đói đến hôm sau. Chịu đói luôn một ngày một đêm, ngày mai đi khất thực nữa, đi khất thực mà người ta không cúng thì chấp nhận đói thêm một ngày nữa. Gan như vậy mới chứng đạo. Lúc ngủ cũng đơn giản như trong luật có nói. Khi ngủ Phật trải y thất điều để nằm, y cửu điều cuộn lại làm gối, y ngũ điều mặc trong thân. Như vậy, đi đâu ba y không thể thiếu, vì không có mùng mền… Chỉ ba y đó làm mùng, mền, chiếu, gối. Bây giờ chúng ta đi đâu cũng có đủ giường nằm, chăn đắp, có khi còn thêm cái nệm. Đem ba y theo không biết dùng chỗ nào, mà cứ theo Luật thì không rời ba y.

Hai thời khác nhau, thời xưa ba y không thể rời, vì rời thì ngủ không được. Không có mùng chiếu mền, ở giữa đêm như vậy, nhất là đêm mùa mưa, ngủ dưới cội cây trong mùa mưa các ngài có ngủ ngon như chúng ta không? Một đêm các ngài chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ. Lại thêm ở Ân Độ rắn rít muỗi mòng rất nhiều. So với bây giờ sang trăm bề. Ngồi nghe gió hiu hiu là mang mền quấn lung tung, vài con muỗi cắn sơ sơ cũng lo sợ, kiếm mùng kiếm dầu thoa. Ngày xưa ở trong rừng, bao nhiêu sự hiểm nguy. Nên sự tu là sự chết sống, chủ yếu là phải có ý chí. Kế đó là phải dám gan dạ dứt khoát, cái gì cần bỏ thì bỏ không ngó lại. Dứt khoát làm rồi không một chút nuối tiếc. Nhà thiền nói là giết người không ngó lại, như vậy mới có thể đạt đạo. Người yếu đuối không dám làm gì cả, làm gì cũng lừng chừng, đó chỉ là gieo nhân lành để đời sau tu, đời này không giải thoát nổi. Ý của đoạn này là như vậy.

Chánh văn: 

Thế nào đệ tử đi cầu pháp, không đi cầu ăn uống? Hai vị Tỳ-kheo kia, Tỳ-kheo thứ hai tự nghĩ: “Thế Tôn thọ thực xong còn thừa chút ít, nếu ta không lấy, Thế Tôn sẽ đem rải chỗ đất sạch, hoặc rải trong nước không trùng. Lại Thế Tôn nói: Trong lối ăn, thấp tột là ăn đồ thừa. Ta không nên lấy thức ăn này”. Nghĩ thế rồi, Tỳ-kheo kia không lấy. Tỳ-kheo kia không lấy thức ăn này, tuy một ngày một đêm khổ không an ổn, nhưng Tỳ-kheo kia nhân không lấy thức ăn, được Phật hài lòng. Vì cớ sao? Tỳ-kheo kia nhân không lấy thức ăn này ăn nên được ít muốn, được biết đủ, được dễ nuôi, được dễ đầy, được biết thời, được tiết chế, được tinh tấn, được tịnh tọa, được tịnh hạnh, được xa lìa, được nhất tâm, được tinh cần, cũng được Niết-bàn. Do đó, Tỳ-kheo kia nhân không lấy thức ăn, được Phật hài lòng. Ấy gọi là đệ tử vì cầu pháp mà nương theo Phật, không phải vì cầu ăn uống. 

Thế Tôn bảo các đệ tử: 

Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử không ưa ở chỗ xa lìa, pháp luật ấy không lợi ích nhiều người, nhiều người không được vui, không phải là thương xót thế gian, cũng không phải vì trời người cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. 

Giảng:

Bậc thầy trọng pháp luật ưa ở chỗ xa lìa, hàng thượng đệ tử tức đệ tử lớn lại không ưa ở chỗ xa lìa, không ưa lìa ngũ dục, ưa ở chỗ ồn náo thì bậc thầy đó không lợi ích nhiều người, nhiều người không được vui, không phải bậc thầy ấy vì thương xót thế gian. Tại sao? Bởi thầy làm được những việc đó mà học trò lớn không ưa làm, khi thầy chết rồi thì người được trông cậy là những học trò lớn đó làm không được. Như vậy không còn lợi ích gì cho ai, không còn giữ được lòng tin cho ai, cũng không thương xót thế gian. Nghĩa là mai kia không ai hướng dẫn họ, vì mình làm cho họ không đủ lòng tin, họ không nương tựa thì làm sao hướng dẫn họ tu hành? Đó là hàng đệ tử lớn, còn trung hạ đệ tử thì sao?

Chánh văn:

Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử không ưa ở chỗ xa lìa, pháp luật ấy không lợi ích nhiều người, nhiều người không được vui, không phải vì thương xót thế gian, cũng không phải vì trời người cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. 

Giảng:

Giả sử hàng đệ tử lớn ưa ở chỗ xa lìa giống thầy, nhưng hàng trung hạ thì không được như vậy. Phật kết luận cũng là không lợi ích cho nhiều người, không thương xót thế gian, không đem an lạc cho trời người. Nếu trong chúng có người nghĩ, trên có Thầy viện chủ, kế đó có quý thầy quý sư huynh làm mẫu mực, còn mình đây không nhằm gì, mặc tình ăn chơi sống sao cũng được. Đó là hạng người vô trách nhiệm, đổ trách nhiệm cho người lớn. Người lớn có sống đời đâu? Người lớn thì giới hạn chỉ có ba bốn người, còn nhỏ thì tới ba bốn chục người. Ba bốn chục người đó vô trách nhiệm thì những người lớn có làm được cũng chỉ là trong phạm vi nhỏ. Những người nhỏ không làm được gì, mai kia làm sao Phật pháp được mở rộng, làm sao lợi ích được nhiều người?

Chánh văn: 

Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử cũng ưa ở chỗ xa lìa, pháp luật ấy lợi ích nhiều người, nhiều người được vui, vì thương xót thế gian, cũng vì trời người cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử cũng ưa ở chỗ xa lìa, pháp luật ấy lợi ích nhiều người, nhiều người được vui, vì thương xót thế gian, cũng vì trời người cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. 

Giảng:

Như vậy thượng đệ tử có trách nhiệm, trung hạ đệ tử cũng có trách nhiệm như nhau, không ai đổ cho ai được. Bệnh của chúng ta là đổ trách nhiệm cho người lớn, mình không có gì, cứ nghĩ mình nhỏ không ai để ý, cứ chơi thôi. Không thấy trách nhiệm của mình, tức là tương lai nhiều người không có lòng thương xót thể gian, không làm lợi ích an ổn cho cả trời người. Tóm lại, bậc thầy, trò lớn, trò trung bình, trò nhỏ đều có trách nhiệm, phải hiểu như vậy mới có lợi ích lâu bền. Do đây Phật dạy kỹ mỗi hạng người đều có mỗi trách nhiệm, không thể đổ cho ai hết.

Chánh văn:

Khi ấy, tôn giả Xá-lợi Tử cũng ở trong chúng. Thế Tôn bảo: 

– Xá-lợi Tử! Ông vì các Tỳ-kheo nói pháp đúng như pháp, tôi đau lưng muốn nghỉ một chút. 

Tôn giả Xá-lợi Tử bạch: 

– Xin vâng, Thế Tôn. 

Thế Tôn xếp y Uất-đa-la-tăng (Uttarāsariga: y thất điều) làm tư trải lên sàng, cuốn tròn y Tăng-già-lê (Saighāti:y cửu điều) làm gối, nằm nghiêng bên hông mặt, hai chân chồng lên nhau, khởi tưởng quang minh, chánh niệm chánh trí, thường nghĩ muốn dậy. 

Giảng:

Phật bảo ngài Xá-lợi-phất vì các Tỳ-kheo nói pháp. Đó là trách nhiệm của hàng đệ tử lớn. Khi Phật nằm nghỉ, tư thế trang nghiêm và thường nghĩ muốn dậy, tức là luôn luôn nhớ chút nữa dậy chứ không nằm lâu. Phật già rồi, thành đạo rồi mà còn tinh tấn như vậy, chúng ta bây giờ nghe chuông thức chúng có thường nghĩ muốn dậy chưa? Chắc muốn nghĩ nán chút nữa. Phật đã gần mãn cuộc đời mà lúc nào cũng vẫn tinh tấn. Chúng ta thì đạo xa muôn dặm mà ngủ thì muốn ngủ cho say, ngủ cho dài. Đó là cái tệ cái dở của mình, không xứng đáng với Phật. Chúng ta học kinh này đem gương của Phật để soi lại mình, xem tâm trạng của mình có xứng đáng hay chưa mà cố gắng tu hành.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà lâm), vườn ông Anātha pindika (Cấp Cô Độc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các vị Tỷ-kheo: 

– Này các Tỷ-kheo! 

– Bạch Thế Tôn!

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: 

– Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các người và ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của ta là những người thừa tự pháp của ta, đừng là những người thừa tự tài vật”. Và này các Tỷ-kheo, nếu các người là những người thừa tự tài vật của ta, không phải là những người thừa tự pháp thì không những các người trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp”, mà cả ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp”. 

Và này các Tỷ-kheo, nếu các người là những người thừa tự pháp của ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thì không những các người trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”, mà cả ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của ta, đừng là những người thừa tự tài vật”. Ta có lòng thương tưởng các người và ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của ta là những người thừa tự pháp của ta, không phải là những người thừa tự tài vật”. 

Giảng: 

Đối chiếu hai bài kinh này chỉ khác nhau chút ít. Hán tạng nói nếu đệ tử thừa tự tài vật thì đệ tử đã tự dở, bậc thầy cũng bị người chê. Nếu đệ tử thừa tự pháp, đệ tử đã tự tốt mà thầy cũng được người khen. Pāli tạng nói nếu đệ tử thừa tự tài vật, người ta cũng nói chung là thầy trò thừa tự tài vật. Nếu đệ tử thừa tự pháp thì sẽ được mọi người khen thầy trò thừa tự pháp, không thừa tự tài vật.

Phật nhấn mạnh ý của ngài là muốn đệ tử phải là người thừa tự pháp, vì cầu pháp mà tu tập, không phải vì cầu tài vật mà tu tập. Nếu là người thừa tự pháp thì chùa chiền ai lo làm gì làm, chúng ta chỉ lo học hiểu pháp tu, quăng ở đâu tu cũng được, tới đâu mở mang tại đó. Không nên quan trọng cái chùa, nói là của thầy mình, mình là người kế thừa rồi sanh tâm chấp giữ. Trừ khi vì bổn phận bắt buộc thì phải lo. Bản chất người tu là như vậy, nếu khác đi thì không phải người tu.

Chánh văn: 

Này các Tỷ-kheo, ở đây một thời ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực của ta, đáng được quăng bỏ. Khi ấy có hai vị Tỷ-kheo đến, đói lả và kiệt sức. Ta có thể nói với hai vị ấy: “Này các Tỷ-kheo, ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý và còn lại đồ ăn tàn thực này của ta, đáng được quăng bỏ. Nếu các người muốn, hãy ăn đi. Nếu các người không muốn ăn, ta sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay ta sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy”. Rồi một vị Tỷ-kheo có thể nghĩ như sau: “Nay Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. 

Nhưng Thế Tôn có dạy như sau: “Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của ta, đừng là những người thừa tự tài vật”. Đây là loại tài vật, món đồ ăn này, ta hãy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày hôm nay, bị đói lả và kiệt sức. Rồi vị ấy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày hôm ấy, bị đói lả và kiệt sức. 

Vị Tỷ-kheo thứ hai nghĩ như sau: “Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm nay như vậy”. Rồi vị ấy ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy. Này các Tỷ-kheo, dầu cho vị Tỷ-kheo này, sau khi ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy, nhưng đối với ta, vị Tỷ-kheo đầu tiên đáng được kính nể hơn, và đáng được tán thán hơn. Vì sao vậy? Vì như vậy sẽ đưa đến cho vị Tỷ-kheo ấy, trong một thời gian lâu ngày, ít dục, biết đủ, khổ hạnh, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của ta, đừng là người thừa tự tài vật”. Thế Tôn thuyết giảng như vậy. 

Giảng: 

Điểm khác thứ hai là bên Hán tạng, người thứ nhất lấy thức ăn Phật không vui, người thứ hai không lấy thức ăn được Phật hài lòng. Bên Pali, người thứ nhất không lấy thức ăn vì nhớ lời Phật dạy hãy là kẻ thừa tự pháp, đừng làm kẻ thừa tự tài vật. Người thứ hai lấy thức ăn. Đối với Phật, người thứ nhất đáng kính nể, đáng tán thán hơn.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôn giả Xá-lợi Tử bảo các thầy Tỳ-kheo: 

Chư hiền nên biết, Thế Tôn lược nói pháp, nếu có pháp luật… (như trên).., cầu an ổn khoái lạc. Nhưng Thế Tôn nói pháp này rất lược, các ông hiểu nghĩa thế nào? Phân biệt rộng thế nào? 

Giảng: 

Ngài Xá-lợi-phất hỏi các thầy Tỳ-kheo hiểu thế nào về lời Phật dạy.

Chánh văn: 

Trong chúng có thầy Tỳ-kheo nói như thế này: 

– Tôn giả Xá-lợi Tử! Nếu các thượng tôn trưởng lão tự nói: Tôi được trí cứu cánh, tôi mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn sanh đời sau, biết như thật. Những vị hạnh thanh bạch nghe Tỳ-kheo kia nói “Tôi được trí cứu cánh” liền được hoan hỷ. 

Giảng: 

Thầy Tỳ-kheo này trình bày nghe được không? Đó là bắn bổng rồi, Phật nói một đường thầy hiểu một ngả. Đến Tỳ-kheo thứ hai.

Chánh văn: 

Lại có Tỳ-kheo nói như thế này: 

Tôn giả Xá-lợi Tử! Nếu trung hạ đệ tử cầu nguyện vô thượng Niết-bàn, các vị hạnh thanh bạch thấy kia hành rồi liền được hoan hỷ. 

Giảng:

Thầy Tỳ-kheo này cũng không hiểu, nghe Phật nói một đường mà toát yếu một ngả.

Chánh văn: 

Như thế, Tỳ-kheo kia nói nghĩa đó, tôn giả Xá-lợi Tử không được bằng lòng. Tôn giả Xá-lợi Tử bảo Tỳ-kheo kia: 

– Chư hiền! Các ông lắng nghe, tôi vì các ông nói. Chư hiền! Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử không ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử có ba việc đáng chê. 

Giảng: 

Vì thấy các Tỳ-kheo không nhận hiểu ý Phật nên ngài Xá-lợi-phất giảng rộng. Hàng đệ tử lớn không ưa ở chỗ xa lìa có ba việc đáng chê.

Chánh văn: 

Thế nào là ba? Một, tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử không học lìa bỏ, thượng đệ tử do đây nên đáng chê. Hai, tôn sư nếu nói pháp nên đoạn, thượng đệ tử không đoạn pháp kia, thượng đệ tử do đây đáng chê. Ba, chỗ nên chứng ngộ, thượng đệ tử bỏ phương tiện (không cố gắng), thượng đệ tử do đây đáng chê. 

Giảng:

Thứ nhất, thầy ưa lìa bỏ mà trò không chịu lìa bỏ, đó là trò đáng chê. Thứ hai, thầy nói pháp nên đoạn dứt như nên đoạn tham, đoạn sân, đoạn si, mà đệ tử không chịu đoạn, như vậy là đệ tử đáng chê. Thứ ba, chỗ nên chứng ngộ lẽ ra tu phải cố gắng để chứng ngộ, đệ tử lại không chịu cố gắng.

Chánh văn: 

Chư hiền! Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử không ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử do ba việc này nên đáng chê. 

Giảng: 

Như vậy là ba việc đáng chê:

Thầy ưa xa lìa mà đệ tử thì không học xa lìa.

Thầy bảo bỏ những điều xấu dở mà trò không chịu bỏ.

Chỗ nên đạt chứng, thầy bảo phải cố gắng tu mà trò không cố gắng

Chánh văn: 

Chư hiền! Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử không ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử có ba việc đáng chê. Thế nào là ba? Một, tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử không học lìa bỏ, trung hạ đệ tử do đây đáng chê. Hai, tôn sư nếu nói pháp nên đoạn, trung hạ đệ tử không đoạn pháp kia, trung hạ đệ tử do đây đáng chê. Ba, chỗ nên chứng ngộ, trung hạ đệ tử bỏ phương tiện (không cố gắng), trung hạ đệ tử do đây đáng chê. Chư hiền! Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử không ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử có ba việc này đáng chê.

Giảng:

Nếu hiểu thượng đệ tử như thế thì trung hạ đệ tử cũng giống như vậy. Ngài Xá-lợi-phất giảng rộng khuyết điểm do người đệ tử không làm giống thầy nên đáng chê. Ngược lại, người đệ tử làm đúng thì sao?

Chánh văn: 

Chư hiền! Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử cũng ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử có ba việc đáng khen. Thế nào là ba? Một, tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử cũng học lìa bỏ, thượng đệ tử do đây đáng khen. Hai, tôn sư nếu nói pháp nên đoạn, thượng đệ tử liền đoạn pháp kia, thượng đệ tử do đây đáng khen. Ba, chỗ nên chứng ngộ, thượng đệ tử tinh tấn siêng học không bỏ phương tiện (cố gắng), thượng đệ tử do đây đáng khen. 

Chư hiền! Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử cũng ưa ở chỗ xa lìa, thượng đệ tử có ba việc này đáng khen. 

Chư hiền! Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử cũng ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử có ba việc đáng khen. Thế nào là ba? Một, tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử cũng học lìa bỏ, trung hạ đệ tử do đây đáng khen. Hai, tôn sư nếu nói pháp nên đoạn, trung hạ đệ tử liền đoạn pháp kia, trung hạ đệ tử do đây đáng khen. Ba, chỗ nên chứng ngộ, trung hạ đệ tử tinh tấn siêng học không bỏ phương tiện (cố gắng), trung hạ đệ tử do đây đáng khen. 

Chư hiền! Nếu có pháp luật tôn sư ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử cũng ưa ở chỗ xa lìa, trung hạ đệ tử có ba việc này đáng khen. 

Giảng:

Thượng đệ tử được ba việc đáng khen, hàng trung hạ đệ tử cũng được ba việc đáng khen. Hai bên rõ ràng. Đó là ngài Xá-lợi-phất giảng rộng ra về chỗ Phật nói lược.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Nói xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tinh xá. 

Lúc ấy, tôn giả Sāriputta, sau khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, liền gọi các Tỷ-kheo: 

– Này các hiền giả Tỷ-kheo 

– Thưa vâng hiền giả. 

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp tôn giả Sāriputta. Tôn giả Sāriputta nói: 

Này các hiền giả, như thế nào vị đạo sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly? 

Này hiền giả, chúng tôi từ xa lại để được hiểu nghĩa lý câu nói này từ tôn giả Sāriputta. Lành thay, nếu tôn giả Sāriputta thuyết giảng nghĩa lý câu nói ấy; sau khi được nghe tôn giả Sāriputta thuyết giảng, các vị Tỷ-kheo sẽ thọ trì. 

Chư hiền, vậy hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng.

– Thưa vâng hiền giả. 

Những vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp tôn giả Sāriputta. 

Giảng:

Pāli có thể hơi thiếu sót, nói Phật vào tinh xá thì ngài Xá-lợi-phất giảng liền. Hán tạng nói Phật bảo Xá-lợi-phất thay Phật nói cho Tỳ-kheo nghe rồi mới vào nghỉ. Bên Hán tạng Phật nói lược về chỗ tôn sư ưa ở chỗ xa lìa nên đoạn dưới ngài Xá-lợi-phất mới giảng rộng. Còn Pāli thì Phật không nói, làm sao Xá-lợi-phất giảng rộng? Có phải là bên Pāli thiếu một đoạn Phật nói lược hay không? Thường thường những đoạn kinh hoặc Phật bảo ngài Xá-lợi-phất nói, Phật đã nói lược rồi ngài vào tịnh thất, các Tỳ-kheo mới mời Xá-lợi-phất vì chúng mà giảng rộng, ở đây bỗng dưng ngài nói. Rõ ràng thiếu một đoạn nối tiếp.

Chánh văn: 

Tôn giả Sāriputta nói như sau:

Này chư hiền, ở đây vị đạo sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly. Những pháp nào vị đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ, và họ sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Này chư hiền, các thượng tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị đạo sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các thượng tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các thượng tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các thượng tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư hiền, các thượng tọa Tỷ-kheo, do ba trường hợp này đáng bị quở trách. Này chư hiền, các trung tọa Tỷ-kheo… (như trên)… các vị mới thọ Tỷ-kheo, có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị đạo sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo, do ba trường hợp này đáng bị quở trách. Này chư hiền, như vậy là những trường hợp vị đạo sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. 

Và như thế nào, vị đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly? Này chư hiền, vị đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Những pháp nào, vị đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ, và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly. Này chư hiền, các thượng tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị đạo sư sống viễn ly mà các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về dọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư hiền, các thượng tọa Tỷ-kheo, do trường hợp này đáng được tán thán. Này chư hiền, các trung tọa Tỷ-kheo… (như trên)… các vị mới thọ Tỷ-kheo, có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo, do ba trường hợp này đáng được tán thán. Này chư hiền, như vậy là những trường hợp vị đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. 

Giảng: 

Phần sau, đối chiếu Hán tạng ngài giảng rộng ba việc giống nhau, chỉ khác dùng chữ. Ở đây có những chữ nghe hơi đau một chút, nói rằng: …và họ sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Chúng ta nhìn lại mình ra sao? Được đầy đủ rồi sanh lười biếng, lười biếng rồi sanh đọa lạc, bỏ quên nếp sống viễn ly. Ngược lại đoạn sau nói: …đứng đầu về sống viễn ly, bỏ hết mọi sự đọa lạc và siêng năng tinh tấn v.v… Phật lúc nào cũng nhắc đệ tử muốn tiến tới đạo lý cao siêu thì bước đầu phải nỗ lực xa lìa những cái cần xa lìa. Thí như ngũ dục đối với chúng ta còn quá quan trọng, với Phật không còn quan trọng, vì không quan trọng nên ngài xa lìa được. Ngũ dục là vô thường, là tạm bợ, chúng ta cứ cho nó là thật nên khó xa lìa.

Có những chuyện nhỏ nhặt như ăn, ngủ, y phục, thuốc men… chúng ta cần tập thái độ viễn ly, không thấy nó quan trọng. Đến bữa ăn sao cũng được không cần ngon dở, áo quần may sao mặc vậy, không cần xin vải tốt, chê vải xấu. Không chú trọng thức ăn đồ mặc thì không thân cận Phật tử để cầu xin thêm. Đó là hạnh viễn ly.

Những điều tôi nói đây, chúng ta ai có bệnh thì tự xét để sửa đổi, ai chưa có thì biết để ngừa bệnh cho đời sống cao thượng đẹp đẽ.

Sống trong chúng cứ lo làm tròn bổn phận, mỗi người có cơm ăn áo mặc theo sự sắp đặt của các thầy lớn. Mình làm tròn bổn phận của mình là tốt, không cần lo thêm việc gì nữa là khéo tu. Nếu không tu như vậy là không khéo. Tôi tập cho chúng tăng gan dạ, chấp nhận nghèo, không giữ tiền, không nhiễm ô, dễ tu hạnh viễn ly. Đó là đúng theo tinh thần Phật dạy.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôn giả Xá-lợi Tử bảo các thầy Tỳ-kheo: 

– Chư hiền! Có trung đạo hay trụ được tâm, được định, được vui, thuận pháp, thứ pháp, được thông, được giác, cũng được Niết-bàn. 

Giảng:

Thuận pháp là đi đúng chiều hướng của chánh pháp, thứ pháp là pháp tuần tự từ một đến mười, tiến từng bậc.

Chánh văn: 

Chư hiền! Thế nào có trung đạo hay trụ được tâm, được định, được vui, thuận pháp, thứ pháp, được thông, được giác, cũng được Niết-bàn? Chư hiền! Nhớ tham dục là ác, ghét nhớ tham dục cũng là ác, kia đoạn nhớ tham dục, cũng đoạn ghét nhớ tham dục. 

Giảng:

Thông thường chúng ta đối với cái xấu dở của người khác lại muốn tỏ ra mình tốt. Người tham ăn, mình chê tham ăn là dở là hư hèn. Người hiếu danh, mình tỏ ra không hiếu danh nên chê, coi như ghét cay ghét đắng. Như vậy mình cho là mình đứng đắn. Phật dạy, thích ưa điều ác là lỗi, ghét ác cũng là lỗi. Tại sao? Chúng ta đọc sách xưa thấy có người chê bai danh vọng, chửi mắng quan quyền, Sở dĩ như vậy vì muốn mà không toại nguyện nên làm như mình trong sạch. Nếu không màng danh lợi thì ai làm gì mặc ai, tranh giành chi với họ.

Vì có tâm hơn thua nên bực bội ghét chửi, đó là tâm xấu. Ưa thích tham dục là xấu, ghét bỏ tham dục cũng là xấu. Đó là tâm lý rõ ràng chưa sạch. Đừng tưởng ghét bỏ không màng đến tham dục là giỏi, không ngờ chính mình đang sợ, vì bệnh mình trầm trọng. Người ưa tham dục là dở đành rồi, mình ghét cái ưa tham dục cũng là bệnh. Ghét là một tướng khác của sân, ghét là hận thù. Còn có ưa ghét là còn đối địch, còn phiền não. Người này xấu là chuyện của họ, mình không ghét, người kia tốt mình cũng không thương, tâm được trung đạo, trung đạo thì không phiền não.

Sống trung đạo tâm được an, tâm an mới được định, được vui, được thông, được giác, được Niết-bàn. Tu như vậy rất đơn giản. Chúng ta có bệnh: mình siêng tu thấy người nào siêng tu thì quý lắm, thấy người nào tu lơ là thì không ưa! Bây giờ nên khôn ngoan, mình tu là chuyện của mình, huynh đệ tu hay không tu là của huynh đệ, mình giữ tâm không ghét không ưa, không a dua và cũng không chống đối. Nếu tất cả người sống được như vậy thì tâm sao không yên? Sở dĩ phiền não với nhau vì nhóm này cho mình là thật, là đúng, là thiện. Nhóm thiện chửi nhóm ác, cứ vậy mà đấu tranh. Đã có mầm chống đối thù địch, sống không an ổn. Tâm không an làm gì được định, không định làm gì được vui, như vậy là sống trong phiền não. Chỉ cần đừng kẹt hai bên, không thương không ghét.

Đoạn kinh này rất tế nhị, cũng rất quan trọng đối với chúng ta.

Chánh văn: 

Nóng giận, oán thù, bỏn sẻn, tật đố, dối trá, dua nịnh, không hổ, không thẹn, mạn, tối thượng mạn, cống cao, buông lung, giàu có, ganh ghét, đấu tranh cũng như thế. Chư hiền! Tham cũng ác, đắm trước cũng ác, kia đoạn tham, cũng đoạn đắm trước. Chư hiền! Ấy là trung đạo hay trụ được tâm, được định, được vui, thuận pháp, thứ pháp, được thông, được giác, cũng được Niết-bàn. 

Giảng: 

Tất cả những thứ này không ưa cũng không ghét, như vậy mới được tâm trung đạo, mới an ổn, được định. Tại sao ngài Xá-lợi Tử nói nhiều thứ? Trong cái ưa ghét đó, có người ưa tham dục, có người nóng giận, có người tật đố, kiêu mạn, dối trá. Nếu cho mình là người đứng đắn thì sanh ghét bỏ chê bai, rốt cuộc cả hai đều bệnh. Phải khéo sống trung đạo giữa hai cái tâm ưa và ghét thì mới dễ đến Niết-bàn. Còn kẹt một bên nào thì khó đến Niết-bàn.

Đây là trung đạo thứ nhất. Sau đây là trung đạo thứ hai.

Chánh văn: 

Chư hiền! Lại có trung đạo hay trụ được tâm, được định, được vui, thuận pháp, thứ pháp, được thông, được giác, cũng được Niết-bàn. Chư hiền! Thế nào lại có trung đạo hay trụ được tâm… cũng được Niết-bàn? Nghĩa là tám thánh đạo. Chánh kiến cho đến chánh định. Chư hiền! Ấy là lại có trung đạo hay trụ được tâm… cũng được Niết-bàn. 

Giảng:

Bát chánh đạo là trung đạo do Phật dạy, có pháp tu rõ ràng. Trung đạo thứ nhất vừa rồi là ứng dụng ngay nơi nội tâm, khéo léo đừng cho kẹt bên này bên kia.

Chánh văn: 

Lúc ấy, Thế Tôn hết đau lưng được an ổn, chỗi dậy ngồi kiết-già, khen ngợi tôn giả Xá-lợi Tử: 

– Lành thay! Lành thay! Xá-lợi Tử vì các Tỳ-kheo nói pháp đúng như pháp. Xá-lợi Tử! Ông lại vì các Tỳ-kheo nói pháp đúng như pháp. Xá-lợi Tử! Ông nên thường thường vì các Tỳ-kheo nói pháp đúng như pháp. 

Giảng:

Sau khi Xá-lợi-phất giảng cho các Tỳ-kheo nghe, đức Phật khen ngài nói đúng như pháp, chấp nhận và hứa khả khuyến khích ngài nên thường vì các Tỳ-kheo nói pháp. Không phải nói một lần, phải nói luôn luôn cho các Tỳ-kheo nghe. Vừa khen nói đúng pháp, vừa bảo phải nói thêm, vừa bảo phải nói luôn luôn đừng có nghỉ. Đó là lời khen có đạo vị.

Chánh văn: 

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các ông phải cùng thọ pháp đúng pháp, tu tập gìn giữ. Vì cớ sao? Vì pháp này đúng pháp, có pháp có nghĩa, là gốc hạnh thanh bạch, được thông, được giác, cũng được Niết-bàn. Những người chân chánh cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chí tín bỏ nhà không nhà học đạo, pháp này đúng pháp phải khéo thọ trì. 

Giảng:

Đối với pháp các ông cùng chung nhau tu tập gìn giữ. Phật xác nhận tôn giả Xá-lợi-phất nói đúng khiến các Tỳ-kheo tăng trưởng lòng tin mà thọ nhận. Chúng ta là người chân chánh cạo bỏ râu tóc, là người chí tín Phật pháp. Đã chí tín đi tu thì pháp này đúng, phải ráng làm cho được. Nếu xuất gia một cách tạp nhạp, vì ham danh lợi mà tu thì miễn nói. Nếu chân chánh đi tu thì phải ráng thọ trì pháp này. Đó là lời Phật nhắc các vị Tỳ-kheo.

Chánh văn: 

Phật nói như thế, tôn giả Xá-lợi Tử và các Tỳ-kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Ở đây, này chư hiền, tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp, có một con đường trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư hiền, con đường trung đạo ấy là gì, (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đó là con đường thánh tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này chư hiền, đó là con đường Trung đạo khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

Ở đây, này chư hiền, phẫn nộ là ác pháp và hiềm hận cũng là ác pháp, giả dối là ác pháp và não hại cũng là ác pháp, tật đố là ác pháp và xan lẫn cũng là ác pháp, man trá là ác pháp và phản bội cũng là ác pháp, ngoan cố là ác pháp và bồng bột nông nổi cũng là ác pháp, mạn là ác pháp và tăng thượng mạn cũng là ác pháp, kiêu là ác pháp và phóng dật cũng là ác pháp. Có một con đường trung đạo diệt trừ kiêu và diệt trừ phóng dật, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư hiền, con đường trung đạo ấy là gì, (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đó là con đường thánh tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này chư hiền, đó là con đường trung đạo khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. 

Tôn giả Sāriputta thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời giảng của tôn giả Sāriputta. 

Giảng:

So sánh bản Pāli và bản Hán tạng có khác nhau về thứ tự, về phần trung đạo ý nghĩa không khác. Pāli nói hai lần Bát chánh đạo là trung đạo không rõ bằng bên Hán tạng. Bên Hán tạng nói trung đạo thứ nhất là nội tâm, trung đạo thứ hai là Bát chánh đạo. So hai bên, có cái bên Hán tạng khuyết, bên Pāli đủ. Có cái bên Pāli khuyết, bên Hán tạng đủ. Không có bên nào là hoàn toàn đầy đủ. Đối chiếu như vậy chúng ta thấy rõ đường tu, biết được manh mối rồi phải sống đúng với trung đạo. Trung đạo là cái gốc của sự tu hành.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.