Trích giảng và Đối chiếu Trung A Hàm với Trung Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Niệm Thân (Hán tạng) với Kinh Thân Hành Niệm (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến nước Ương kỳ cùng chúng đại Tỳ-kheo đồng đi đến trụ xứ A-hòa-na-kiện-ni. Sáng sớm, Thế Tôn đắp y mang bát vào A-hòa-na khất thực. Thọ thực xong đã quá ngọ, dọn dẹp y bát, rửa tay chân. Thế Tôn lấy tọa cụ vắt lên vai đi vào rừng, đến dưới cội cây trải tọa cụ ngồi kiết-già. Sau đó ngọ trai, trời đã xế, có nhiều vị Tỳ-kheo nhóm ngồi ở giảng đường cùng bàn luận việc này: 

Chư hiền! Thế Tôn rất kỳ lạ, tu tập niệm thân phân biệt rộng rãi. Quán biết cùng tột, tu tập cùng tột, gìn giữ ngự trị cùng tột, khéo thực hành đầy đủ trong một tâm. Phật nói niệm thân có quả báo lớn, được mắt xem thấy nghĩa đệ nhất. 

Thế Tôn ngồi yên tịnh tọa do Thiên nhĩ thanh tịnh vượt hơn người, nghe các Tỳ-kheo họp ngồi ở giảng đường cùng luận bàn việc như thế. Thế Tôn nghe rồi, đến chiều từ tịnh tọa dậy, đi đến giảng đường, trải tòa ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Thế Tôn hỏi các thầy Tỳ-kheo: 

– Các ông cùng nhằm luận bàn việc gì? Do việc gì họp ở giảng đường? 

Chư Tỳ-kheo bạch

– Thế Tôn! Chúng con, các Tỳ-kheo, sau buổi ngọ thực họp ngồi ở giảng đường cùng luận bàn việc này: Chư hiền! Thế Tôn rất kỳ lạ, tu tập niệm thân… (như trên)… Phật nói niệm thân có quả báo lớn, được mắt xem thấy nghĩa đệ nhất. Thế Tôn! Chúng con cũng nhằm luận bàn việc này. Do việc này nên họp ở giảng đường. 

Thế Tôn hỏi các thầy Tỳ-kheo: 

– Thế nào! Tôi nói tu tập niệm thân phân biệt rộng rãi được quả báo lớn? 

Chư Tỳ-kheo bạch: 

– Thế Tôn là gốc pháp, Thế Tôn là pháp chủ, pháp do Thế Tôn, cúi xin nói cho, chúng con nghe rồi được biết nghĩa rộng. 

Giảng:

Niệm là nhớ. Luôn luôn nghĩ nhớ về thân. Đoạn kinh đầu đọc qua hiểu ngay nên khỏi nhắc lại.

Chánh văn: 

Phật bảo: 

– Các ông lắng nghe khéo suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các ông phân biệt nghĩa này. 

Chư Tỳ-kheo vâng dạy lắng nghe. 

Phật bảo: 

– Thế nào là Tỳ-kheo tu tập niệm thân? Tỳ-kheo đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, nằm biết nằm, ngủ biết ngủ, thức biết thức. Như thế, Tỳ-kheo tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Tỳ-kheo như thế, riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo chánh biết khi ra vào, khéo quán phân biệt co duỗi, cúi ngước, nghi dung chậm rãi, khéo đắp y Tăng-già-lê và các y bát, đi đứng, ngồi nằm, ngủ thức, nói nín đều chánh biết. Như thế, Tỳ-kheo tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Tỳ-kheo ấy nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo sanh niệm ác chẳng lành, dùng niệm pháp lành trị dứt, diệt hẳn. Ví như thầy trò thợ mộc dùng dây mực nỏ vào cây, lấy búa bén đẽo khiến cây ngay thẳng. Như thế, Tỳ-kheo sanh niệm ác chẳng lành, dùng niệm pháp lành trị dứt, diệt hẳn. Tỳ-kheo như thế tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, được tâm an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo miệng ngậm hai hàm răng vừa khít, lưỡi cong lên ổ gà, dùng tâm trị tâm, trị dứt, diệt hẳn. Ví như hai lực sĩ bắt một người yếu lôi đi mỗi nơi đánh đập tự do. Như thế, Tỳ-kheo miệng ngậm hai hàm răng vừa khít, lưỡi cong lên ổ gà, dùng tâm trị tâm, trị dứt, diệt hẳn. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo niệm hơi thở vào biết hơi thở vào, niệm hơi thở ra biết hơi thở ra, hơi thở vào dài biết hơi thở vào dài, hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài, hơi thở vào ngắn biết hơi thở vào ngắn, hơi thở ra ngắn biết hơi thở ra ngắn. Học dừng thân hành hơi thở vào, học dừng khẩu hành hơi thở ra. Như thế, Tỳ-kheo tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo do lìa sanh hỷ lạc thấm nhuần thân đầy tràn khắp cả trong thân, do lìa sanh hỷ lạc không chỗ nào chẳng khắp. Ví như người thợ tắm gội lấy thau chứa nước tháo đậu đem hòa với nước, nước đều thấm trơn đầy khắp không đâu chẳng có. Như thế, Tỳ-kheo do lìa sanh hỷ lạc dần thấm đầy khắp nơi thân, trong thân này do lìa sanh hỷ lạc không đâu chẳng khắp. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo được định sanh hỷ lạc nhuần thấm nơi thân dẫy đầy khắp hết, trong thân này do định sanh hỷ lạc không chỗ nào chẳng khắp. Ví như mạch nước trong núi rất trong sạch dẫy đầy, bốn phía không có lối nước chảy vào, tự ở dưới đáy mạch nhảy vọt lên đầy tràn ra ngoài thấm ướt cả núi đầy khắp không chỗ nào chẳng khắp. Như thế, Tỳ-kheo do định sanh hỷ lạc thấm nhuần nơi thân đầy khắp, trong thân này do định sanh hỷ lạc không đâu chẳng khắp. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo không hỷ sanh lạc thấm nhuần nơi thân, dẫy đầy khắp hết trong thân, không hỷ sanh lạc không chỗ nào chẳng khắp. Ví như hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh trong nước, lớn trong nước, dẫy đầy khắp hết không chỗ nào chẳng khắp. Như thế, Tỳ-kheo không hỷ sanh lạc thấm nhuần nơi thân, dẫy đầy khắp hết trong thân này, không hỷ sanh lạc không chỗ nào chẳng khắp. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm an định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo ở trong thân này dùng tâm thanh tịnh, ý nghĩa đầy khắp thành tựu tự tại, trong thân này dùng tâm thanh tịnh không chỗ nào chẳng khắp. Ví như một người đắp y bảy thước tay hay tám thước tay, từ đầu đến chân nơi thân thể này không chỗ nào chẳng phủ. Như thế, Tỳ-kheo trong thân này tâm thanh tịnh ý nghĩa đầy khắp thành tựu tự tại, trong thân này tâm thanh tịnh không chỗ nào chẳng khắp. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo nghĩ tưởng quang minh khéo thọ trì, khéo nhớ cảnh niệm, như trước sau cũng vậy, như sau trước cũng vậy, như ngày đêm cũng vậy, như đêm ngày cũng vậy, như dưới trên cũng vậy, như trên dưới cũng vậy. Như thế không điên đảo, tâm không có ràng buộc, tu tâm quang minh, tâm không bị tối che đậy. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo quán tưởng khéo thọ trì, khéo nhớ cảnh đã quán. Ví như có người ngồi xem người nằm, người nằm xem người ngồi. Như thế, Tỳ-kheo quán tướng khéo thọ trì, khéo nhớ cảnh đã quán. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, được tâm an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo nơi thân này tùy ở, tùy tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy các vật bất tịnh đầy dẫy. Nghĩa là trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da mỏng, da dày, bầy nhầy, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, bao tử, vật thực chưa tiêu hóa, óc, màng óc, nước mắt, mồ hôi, nước miếng, nước dãi, máu, mủ, mỡ, tủy, nước nhớp (tinh dịch), mật, nước tiểu. Ví như lấy thau đựng các thứ giống, người mắt sáng thấy rõ ràng. Nghĩa là giống lúa, nếp, bắp, đậu, mè v.v… Như thế, Tỳ-kheo nơi thân này tùy ở, tùy tốt xấu, từ đầu đến chân quán thấy các vật bất tịnh đầy dẫy. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo quán nơi thân chia các giới. Trong thân ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Ví như người đồ tể giết bò, lột da trải trên đất, phân làm sáu phần. Như thế, Tỳ-kheo quán nơi thân chia các giới. Trong thân ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo quán tử thi kia đã chết hoặc một, hai ngày cho đến sáu bảy ngày, chim quạ kên kên mổ ăn, chó sói cắn xé, hỏa thiêu, chôn dưới đất, ngớu nát rã rời. Thấy rồi tự so sánh, thân ta cũng như thế, đều có những thứ này, trọn không thể lìa. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo như trước thấy hài cốt màu xanh mục nát, hoặc trùng đục bể còn phân nửa, xương nằm la liệt dưới đất. Thấy rồi tự so sánh thân ta đây cũng như thế, đều có đầy đủ những việc này không thể rời. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm việc gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo như trước thấy rời da thịt máu chỉ còn gân ràng rịt bộ xương. Thấy rồi tự so sánh, thân ta đây cũng như thế, đều có những việc này không thể lìa. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo như trước thấy từng khúc xương nằm tản mác khắp nơi xương chân, xương đùi, xương mông, xương sống, xương sườn, xương vai, xương cổ, xương đầu lâu. Mỗi khúc xương nằm mỗi chỗ. Thấy rồi tự so sánh, thân ta đây cũng như thế, đều có những việc này không thể lìa. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo như trước thấy xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như thoa máu, đều mục nát. Thấy rồi tự so sánh, thân ta đây cũng như thế, đều có đủ những thứ này không thể lìa. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. Kia nếu riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, dứt các bệnh trong tâm, tâm được an định, được tâm định rồi thì biết đúng như thật. Ấy gọi là Tỳ-kheo tu tập niệm thân. 

Giảng:

Phật dạy pháp niệm thân quả báo lớn, được thấy nghĩa đệ nhất, tức là thấy được nghĩa chân thật.

Thế nào là Tỳ-kheo tu tập niệm thân? Tỳ-kheo đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, nằm biết nằm, ngủ biết ngủ, thức biết thức. Như thế, Tỳ-kheo tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Đây là lối tu theo Phật giáo Nguyên thủy, còn gọi là Minh sát tuệ. Minh là sáng, sát là quán sát xem xét, tuệ là trí tuệ. Tức là dùng trí tuệ xem xét tất cả hành động của bản thân, không rời một cử động nào. Lối tu này thịnh hành nhất ở các nước Nam truyền. Do ứng dụng kinh Niệm Thân người tu tập được thiền định, nên pháp môn này gọi là thiền Minh sát tuệ.

Ứng dụng tu như thế nào? Như chúng ta đang ngồi đứng dậy đi, tự biết đang đi và nhắc thầm “đi à”. Đang đi muốn ngồi, ngồi xuống biết rõ đang ngồi, nhắc thầm “ngồi à”. Nhắc luôn luôn như thế và cột tâm trong hành động đó không rời. Có người tu đi không biết mình đi, đứng không biết mình đứng, khi lên chùa để dép chiếc lật ngửa, chiếc lật nghiêng, đó là do không biết niệm thân. Người có niệm thân, đi biết mình đi, đứng biết mình đứng, ngồi biết mình ngồi, nằm biết mình nằm, cột tâm trong mọi hành động, luôn để tâm biết mình đang làm gì.

Đoạn kinh này Phật dạy phương pháp niệm thân thứ nhất: Phải để tâm vào tất cả hành động, đi đứng ngồi nằm ngủ thức… đều cột tâm vào đó, không nhớ nghĩ việc gì khác.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo chánh biết khi ra vào, khéo quán phân biệt co duỗi, cúi ngước, nghi dung chậm rãi, khéo đắp y Tăng-già-lê và các y bát, đi đứng, ngồi nằm, ngủ thức, nói nín đều chánh biết. Pháp niệm thân thứ hai là khi nói chuyện hay không nói chuyện, lúc nào cũng chánh biết. Hai phương pháp trên, Phật dạy từ hành động của thân đến ngôn ngữ của miệng đều phải biết rõ ràng. Đó là tu tập niệm thân.

Trong Tỳ-ni dạy chúng ta lúc đi vệ sinh, lúc rửa tay, lúc ở trên giường bước xuống đất v.v… mỗi mỗi đều đọc kệ chú. Đây cũng là lối tu tập niệm thân. Mỗi hành động đều tụng câu chú để tâm không nhớ nghĩ lăng xăng. Chúng ta quan sát hành động của người khi để đôi dép hay khi bước đi là biết người đó có niệm thân hay không có niệm thân. Nếu đôi dép bỏ lăn bỏ ngửa, không biết mình để đôi dép ra sao, rõ ràng không có ý thức, cứ lo cứ nghĩ việc đâu đâu. Người biết niệm thân cột tâm trong mọi hành động, không buông lung, mọi hành động đều từ tốn nghiêm trang. Người không biết cột tâm trong hành động nên làm gì cũng đều không có oai nghi tế hạnh. Niệm thân là phương tiện giữ cho tâm không chạy, tâm không chạy thì lần hồi được định.

Người tu theo thiền Minh sát tuệ khi làm việc như lau bàn ghế, quét nhà… họ luôn nhớ đẩy ra kéo lại, luôn cột tâm trong hành động. Có một Phật tử qua Thái Lan tập tu, được quý Sư chỉ dạy pháp tu này, sau đó nhập thất một tuần lễ. Phật tử tu rất chín chắn, mỗi hành động đều chú tâm trong đó thật khít khao, nên sau vài ba tuần có tiến bộ.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo sanh niệm ác chẳng lành, dùng niệm pháp lành trị dứt, diệt hẳn. Ví như thầy trò thợ mộc dùng dây mực nó vào cây, lấy búa bén đẽo khiến cây ngay thẳng. 

Một niệm tham vừa dấy lên dùng niệm vô thường phá dẹp, niệm sân dấy lên dùng từ bi phá dẹp, niệm ác vừa khởi lên niệm lành theo đó dẹp, đó là lấy tâm trị tâm. Trước là chăn giữ niệm thân, bây giờ chăn giữ niệm ở tâm.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo miệng ngậm hai hàm răng vừa khít, lưỡi cong lên ổ gà, dùng tâm trị tâm trị dứt, diệt hẳn. Ví như hai lực sĩ bắt một người yếu lôi đi mỗi nơi đánh đập tự do. Như thế, Tỳ-kheo miệng ngậm hai hàm răng vừa khít, lưỡi cong lên ổ gà, dùng tâm trị tâm, trị dứt, diệt hẳn. 

Trong lúc bình thường ngồi chơi, nếu vừa dấy niệm xấu thì dùng niệm chánh đối trị. Trong lúc ngồi thiền, lưỡi để cong lên, miệng ngậm khít, đó là sức mạnh. Quý vị tu theo thiền Nguyên thủy kềm tâm chăm bẵm rất mạnh, vừa dấy niệm liền lấy pháp tu diệt hết, thí như hai, ba người lực sĩ bắt một người yếu cột trói rồi đánh đập tự do. Đây là lối tu rất mạnh. Chúng ta ngồi thiền biết vọng nhẹ nhàng hơn.

Hai pháp trên là cột tâm nơi hành động, hai pháp dưới là nhìn thẳng nơi tâm. Khi bình thường vừa dấy niệm xấu thì dùng niệm lành trị, lúc ngồi thiền dấy niệm cũng dùng pháp tu trị.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo niệm hơi thở vào biết hơi thở vào, niệm hơi thở ra biết hơi thở ra, hơi thở vào dài biết hơi thở vào dài, hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài, hơi thở vào ngắn biết hơi thở vào ngắn, hơi thở ra ngắn biết hơi thở ra ngắn. Học dừng thân hành hơi thở vào, học dừng khẩu hành hơi thở ra. 

Chúng ta hít vô tới đâu biết đến đó, thở ra tới đâu biết rõ ràng đến đó, hít vô thở ra luôn nhớ hơi thở. Nhớ hơi thở vô ra, rồi nhớ hơi thở vô ra dài hay ngắn, nhớ thật rõ. Chú ý cột tâm vào hơi thở vô, hơi thở ra, gọi là học dừng thân hành theo hơi thở.

Học dừng thân hành tức là dừng những hành động thuộc về nghiệp của thân. Khi thở vào nghĩ buông hết mọi hành động, thở ra cũng nghĩ buông hết mọi hành động. Đến học dừng khẩu hành niệm. Khi thở vào nhớ tất cả lời nói dở xấu đều bỏ hết, thở ra cũng nghĩ tất cả lời nói dở xấu đều bỏ hết. Khẩu hành mượn hơi thở là buông hết khẩu nghiệp. Ngay khi học dừng thân hành, khẩu hành cũng có dừng cả ý hành vì lúc ấy cột được tâm. Nếu dùng phương tiện hơi thở để thân không xao động, cột tâm được yên định thì kết quả thế nào?

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo do lìa sanh hỷ lạc thấm nhuần thân đầy tràn khắp cả trong thân, do lìa sanh hỷ lạc không chỗ nào chẳng khắp. Ví như người thợ tắm gội lấy thau chứa nước tháo đậu đem hòa với nước, nước đều thấm trơn đầy khắp không đâu chẳng có. Như thế, Tỳ-kheo do lìa sanh hỷ lạc dần thấm đầy khắp nơi thân, trong thân này do lìa sanh hỷ lạc không đâu chẳng khắp. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Khi cột tâm nơi thân, được kết quả đầu tiên là ly tham tức là lìa ngũ dục. Lúc ấy phát sanh vui mừng, đạt được Sơ thiền Ly sanh hỷ lạc. Hỷ lạc phấn phát nhuận khắp hết thân thể, không chỗ nào không hỷ lạc. Giống như khi tắm gội, chúng ta dội nước xà bông khắp thân thể, nước xà bông đến đâu chỗ đó đều trơn sạch. Hỷ lạc do ly tham sanh cũng giống như thế, trùm khắp cả thân. Ngũ dục thế gian là vui thô, chợt có chợt không, khi xa lìa ngũ dục, tâm được an định, niềm vui nhẹ nhàng đều khắp. Đây là định thứ nhất, gọi là Sơ thiền. Được định này toàn thân hỷ lạc, tay chân đều nhẹ nhàng, vui thích.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo được định sanh hỷ lạc nhuần thấm nơi thân dẫy đầy khắp hết, trong thân này do định sanh hỷ lạc không chỗ nào chẳng khắp. Ví như mạch nước trong núi rất trong sạch dẫy đầy, bốn phía không có lối nước chảy vào, tự ở dưới đáy mạch nhảy vọt lên đầy tràn ra ngoài thấm ướt cả núi đầy khắp không chỗ nào chẳng khắp. Như thế, Tỳ-kheo do định sanh hỷ lạc thấm nhuần nơi thân đầy khắp, trong thân này do định sanh hỷ lạc không đâu chẳng khắp. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Nhờ cột tâm không theo ngũ dục, tâm lần lần an định, phát sanh hỷ lạc. Tâm càng an định, càng phát sanh vui mừng, thích thú trùm khắp hết thân. Giống như mạch nước ở trong núi vọt lên trùm khắp cả núi. Người được Nhị thiền có trạng thái này.

Thí như lúc chưa được xuất gia, chúng ta khao khát xin cho được, thầy chưa cho còn bị rầy la nên buồn. Bỗng một hôm được phép xuất gia, cạo tóc mặc áo nhuộm. Lúc đó thế nào? Vui mừng được xuất gia, do được lìa thế tục xuất gia vào đạo nên tâm sanh vui mừng. Đây là cái vui ban đầu, chưa hiểu gì về đạo, nhưng tâm vui mừng vì được lìa thế tục. Cũng như do tâm không bị lôi cuốn bởi dục lạc nên sanh hỷ lạc.

Đến niềm vui thứ hai là Định sanh hỷ lạc. Cái trước do ly tham mà vui, cái thứ hai do định sanh nên vui. Như người xuất gia được vài năm trong đạo, nhờ có tu học thấm nhuần đạo lý, cảm thấy thích thú vui mừng, vui mừng này cũng giống định sanh hỷ lạc. Hai hỷ lạc phát sanh ở hai trường hợp khác nhau, nên gọi định thứ hai là Định sanh hỷ lạc.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo không hỷ sanh lạc (Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ thấm nhuần vào thân) thẩm nhuần nơi thân, dẫy đầy khắp hết trong thân, không hỷ sanh lạc không chỗ nào chẳng khắp. Ví như hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh trong nước, lớn trong nước, dẫy đầy khắp hết không chỗ nào chẳng khắp. Như thế, Tỳ-kheo không hỷ sanh lạc thấm nhuần nơi thân, dẫy đầy khắp hết trong thân này, không hỷ sanh lạc không chỗ nào chẳng khắp. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Định thứ ba này danh từ chuyên môn gọi là Ly hỷ diệu lạc. Hỷ là mừng. Lạc là vui. Hai trạng thái mừng với vui khác nhau thế nào? Thí dụ ở chùa chúng ta có một người bạn thân đi lâu quá đến nay mới về, khi gặp người thân về trạng thái mừng lúc đó ra sao? Hoặc nhảy lên, hoặc vỗ tay, trạng thái này thuộc hành động thô, còn vui thì tế nhị hơn, vui chỉ là hỷ hả trong lòng thôi.

Người tu đến chỗ này bỏ cái mừng thô, chỉ còn cái vui rất nhiệm mầu tế nhị, gọi là Ly hỷ diệu lạc. Như hoa sen từ dưới nước mọc lên thì nó nằm ở trong lòng nước, khi hoa cao lên thì thân rễ cũng còn nằm trong nước, chỗ nào cũng có nước. Khi ngắt cọng sen thì nước từ trong chảy ra. Cái vui thứ ba này tế nhị, nó ngầm thấm cả chậu thân không chỗ nào chẳng có.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo ở trong thân này dùng tâm thanh tịnh, ý nghĩa đầy khắp thành tựu tự tại, trong thân này dùng tâm thanh tịnh không chỗ nào chẳng khắp. Ví như một người đắp y bảy thước tay hay tám thước tay, từ đầu đến chân nơi thân thể này không chỗ nào chẳng phủ. Như thế, Tỳ-kheo trong thân này tâm thanh tịnh ý nghĩa đầy khắp thành tựu tự tại, trong thân này tâm thanh tịnh không chỗ nào chẳng khắp. 

Định thứ tư là Xả niệm thanh tịnh. Khi niệm xả hết toàn thân đều cảm giác thanh tịnh. Giống như chiếc y phủ trùm từ đầu đến chân, không sót chỗ nào. Đây diễn tả sự thanh tịnh khi xả niệm hoàn toàn, được thanh tịnh trùm khắp, là thiền thứ tư.

Khi thấu rõ trạng thái của từng loại thiền định, nghe người nói tôi tu như vậy, có trạng thái như vậy, chúng ta liền biết đã vào loại thiền nào. Đây là vấn đề thiết yếu tuy chúng ta không tu qua những tầng thiền định này nhưng phải biết rõ. Lý do không tu qua tôi sẽ nói sau.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo nơi thân này tùy ở, tùy tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy các vật bất tịnh đầy dẫy. Nghĩa là trong thân này có: tóc, lông, móng, răng, da mỏng, da dày, bầy nhầy, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, bao tử, vật thực chưa tiêu hoá, óc, màng óc, nước mắt, mồ hôi, nước miếng, nước dãi, máu, mủ, mỡ, tủy, nước nhớp (tinh dịch), mật, nước tiểu. Ví như lấy thau đựng các thứ giống, người mắt sáng thấy rõ ràng. Nghĩa là giống lúa, nếp, bắp, đậu, mè v.v… Như thế, Tỳ-kheo nơi thân này tùy ở, tùy tốt xấu, từ đầu đến chân quán thấy các vật bất tịnh đầy dẫy. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Đây là một lối niệm thân bằng cách quán ba mươi sáu vật trong thân. Người tu theo thiền này phải thuộc lòng hết thảy ba mươi sáu vật bất tịnh của thân thể. Khi ngồi tu, quán tóc thì phải quán thế nào? Tóc còn ở trên đầu thấy cũng dễ coi, nhưng nếu nấu nồi canh mà sợi tóc rơi vào, thấy có gớm không? Nếu sạch thì ai gớm làm gì? Do đó biết tóc không sạch. Rồi tới da, thịt, gân, xương… Quán từng bộ phận thấy rõ ràng là nhơ nhớp, bất tịnh. Quán vật nào thấy rõ ràng vật ấy, nhớ tới da, thấy rõ sự bất tịnh của da; nhớ tới thịt, thấy rõ về sự bất tịnh của thịt; nhớ tới máu, quán rõ máu… Thấy rõ như thấy trong thau chứa đậu, bắp, mè… Đó là một phương pháp niệm thân.

Người tu thiền Nguyên thủy, do ứng dụng lối tu này nên không buồn ngủ. Ứng dụng phương tiện cột tâm bằng cách quán ba mươi sáu vật trong thân, đây cũng thuộc quán bất tịnh.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo quán nơi thân chia các giới. Trong thân ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Ví như người đồ tể giết bò, lột da trải trên đất, phân làm sáu phần. Như thế, Tỳ-kheo quán nơi thân chia các giới. Trong thân ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Đây gọi là quán giới phân biệt, chia thân làm sáu giới. Quán tất cả chất cứng trong người thuộc về đất; tất cả chất ướt trong người thuộc về nước; tất cả chất động trong người thuộc về gió; chất ấm trong người thuộc về lửa; chỗ trống không như lỗ mũi, lỗ tai, miệng… tất cả khoảng trống đó thuộc về không; những cái biết, có cảm giác phân biệt thuộc về thức. Chia thân làm sáu thứ rồi quán, nhớ tới nhớ lui, nhớ qua nhớ lại, suốt một giờ ngồi thiền chỉ nhớ bao nhiêu đó, không nhớ gì khác. Chia rõ ràng từng phần, đất thì ra đất, nước thì ra nước, gió thì ra gió… cái nào thấy rõ ràng cái ấy. Giống như những người thợ mổ bò ở quê. Đầu tiên lột da, mổ bụng làm hai. Rồi chia khúc đầu, khúc mình, khúc đùi, chia ra từng phần rõ ràng. Đây cũng vậy, chia thân làm sáu phần, thấy rõ ràng mỗi phần: đất, nước, gió, lửa, không, thức, thấy rõ không nghi ngờ. Như vậy lối tu này dùng tâm phân biệt quán trong con người không cho tâm xao lãng, không nghĩ lung tung, nhờ vậy mà cột tâm một chỗ.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo quán tử thi kia đã chết hoặc một, hai ngày cho đến sáu bảy ngày, chim qua kên kên mổ ăn, chó sói cắn xé, hỏa thiêu, chôn dưới đất, ngớu nát rã rời. Thấy rồi tự so sánh, thân ta cũng như thế, đều có những thứ này, trọn không thể lìa. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Đây là quán tử thi. Bên Ấn Độ quán dễ hơn ở Việt Nam, vì Ấn Độ có thi lâm. Người chết rồi đem thây bỏ vào thi lâm, khỏi chôn. Lúc Phật còn tại thế, có nhiều thầy Tỳ-kheo tu quán bất tịnh nên vào thi lâm. Có vị Tỳ-kheo do quán xét kỹ quá, trên đường đi về chỉ nhớ tử thi, nên đi bừa xuống ruộng lúa của người. Người ta kêu hỏi sao thầy đi xuống ruộng lúa của chúng tôi. Lúc đó thầy giật mình mới biết mình lội dưới ruộng nước. Các vị thời xưa tu quán mạnh như vậy.

Ở Việt Nam chỉ có vào bệnh viện hoặc những nơi ướp xác mới có thể thấy tử thi rồi quán, nhưng cũng không đúng pháp, vì xác ướp không hôi thúi bằng tử thi để bên ngoài.

Đầu tiên quán thây chết để một ngày, hai ngày hoặc đến năm, bảy ngày thì thây chết sình lên rồi bầm đen, lần lần rã rời đủ thứ nhơ uế. So lại thân mình cũng giống như vậy, có gì để cưng quý thân? Do quán bất tịnh nên chán ngán thân tanh nhơ rồi không còn tham ái nữa. Pháp quán này là phương tiện trị ái dục. Người nào nặng về ái dục thì áp dụng quán bất tịnh. Trước là quán thân mình nhớp nhúa, gớm ghê; rồi thân người khác cũng như vậy.

Mỗi người phải nhớ mình mang thân này như đang mang túi phân, vừa hôi vừa gớm, nếu như bây giờ ai cho thêm túi nữa có nhận không? Lỡ đeo một túi chịu đựng không muốn nổi, còn đeo thêm túi nữa để làm gì? Do quán thân là nhơ nhớp không sạch nên sanh tâm nhờm gớm.

Như thời Phật còn tại thế có nhiều vị Tỳ-kheo áp dụng pháp quán này đắc lực, phát kinh sợ thân, không muốn sống phải mượn người khác giết giùm.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo như trước thấy hài cốt màu xanh mục nát, hoặc trùng đục bể còn phân nửa, xương nằm la liệt dưới đất. Thấy rồi tự so sánh thân ta đây cũng như thế, đều có đầy đủ những việc này không thể rời. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm việc gì đều biết đúng như thật. 

Phép quán trước thấy thân thể da thịt chuyển sang bầm tím, nứt rã. Đến đây thì quán xương màu xanh hoặc màu tím, bị trùng dục ăn mục nát. Như khi thu nhặt xương cốt của người, nhìn xương cốt đó rồi nhớ lại xương mình cũng như vậy, không có giá trị gì hết. Lối quán này cũng thuộc về quán bất tịnh.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo như trước thấy rời da thịt máu chỉ còn gân ràng rịt bộ xương. Thấy rồi tự so sánh, thân ta đây cũng như thế, đều có những việc này không thể lìa. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Khi da thịt rã hết chỉ còn gân cột xương. Như ngón tay của chúng ta gồm có ba lóng, liên hệ với nhau nhờ mấy sợi gân ràng rịt, muốn co duỗi phải nhờ đến mấy sợi dây gân. Khi thấy tay người chúng ta cũng phải nhớ do từng lóng xương ráp lại bởi dây gân, không có gì mà đẹp, không khởi tưởng là tay ngòi bút rồi sanh đắm nhiễm. Thấy rõ từng bộ phận trong thân thể con người đều do các lóng xương và dây gân ráp lại, là thấy đúng như thật. Còn nếu thấy bàn tay người rồi tưởng tượng là tay búp măng, đặt nhiều danh từ hấp dẫn, mê hoặc lòng người là không đúng lẽ thật.

Đây là một lối quán thân thấy đúng ngay nơi thân mình thân người, từ đó không sanh đắm nhiễm, ái luyến.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo như trước thấy từng khúc xương nằm tản mác khắp nơi: xương chân, xương đùi, xương mông, xương sống, xương sườn, xương vai, xương cổ, xương đầu lâu. Mỗi khúc xương nằm mỗi chỗ. Thấy rồi tự so sánh, thân ta đây cũng như thể, đều có những việc này không thể lìa. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Đây là quán thấy cả bộ xương nằm rải rác dưới đất, cái nào ra cái ấy. Thấy rõ ràng như thế rồi nhớ lại mình cũng không khác. Do đó thấy rõ giá trị con người không ra làm sao, không là gì cả. Nhờ vậy tâm nhiễm ái cũng theo đó hết. Ái nhiễm là do sự tưởng tượng tạo thành, khi thấy đúng sự thật thì sự đẹp xấu, còn mất của thân này không có gì quan trọng.

Chỉ cần quán bao nhiêu đó cũng đủ chán rồi.

Thí như sáng ngủ dậy chưa súc miệng mà nói chuyện thì thấy rõ thân này là cái kho hôi thúi, người khác cũng thế thôi. Nếu thấy rõ sự thật hội nhơ của cái miệng, vào nhà vệ sinh cũng thấy rõ lẽ thật của kho chứa đồ nhơ nhớp mà ê chề. Như vậy thân này không có gì quý, chỉ vì niệm tưởng điên đảo mà chúng ta không thấy được lẽ thật.

Lại, Tỳ-kheo tu tập niệm thân, Tỳ-kheo như trước thấy xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như thoa máu, đều mục nát. Thấy rồi tự so sánh, thân ta đây cũng như thế, đều có đủ những thứ này không thể lìa. Tỳ-kheo ấy tùy thân làm gì đều biết đúng như thật. 

Khi tử thi vừa mới chết hay mới lột da thấy xương đỏ như thoa máu, để lâu thì thấy xám như lông chim bồ câu, để lâu nữa thì xương trắng rồi mục rã.

Phép quán xương này chia ra ba giai đoạn. Thứ nhất là gân cột xương ràng rịt với nhau; thứ hai là xương rã ra từng phần đoạn; thứ ba là thấy màu sắc của xương. Từ phép quán đầu tiên là quán ba mươi sáu vật trong thân, đến quán thây chết, quán bộ xương người chết… Mục đích giúp chúng ta thấy rõ thân người không có giá trị gì cả, thấy rõ rồi thì mọi đam mê đều tiêu tan.

Người ta sợ sự thật nên tìm cách che giấu, tô phết thân mình để gạt nhau, phỉnh lừa nhau, cuộc sống không có lẽ thật. Người tu Phật quán xét thấy rõ lẽ thật nên sanh chán chường, không thấy gì quan trọng. Người muốn tu tiến không gặp trở ngại, phải thấy được lẽ thật nơi con người, lẽ thật của cuộc đời để không còn bị ái nhiễm trói buộc.

Như vậy, tu là soi lại để thấy được lẽ thật ngay bản thân mình, sau đó thấy lẽ thật bên ngoài. Chính những phương tiện niệm thân này cột tâm lại không cho buông lung, lần hồi tâm định thấy được sự thật của con người.

PĀLI TẠNG

Chánh văn:

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm) tại tinh xá ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi một số đông Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong hội trường, câu chuyện này được khởi lên giữa chúng tăng: 

Thật vi diệu thay, chư hiền giả! Thật hy hữu thay, chư hiền giả! Thân hành niệm, khi được tu tập và làm cho sung mãn, có được quả lớn, có được công đức lớn, như đã được Thế Tôn tuyên bố, bậc tri giả, kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. 

Và câu chuyện này giữa các vị Tỷ-kheo ấy đã bị gián đoạn. Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến ngồi lên chỗ soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các vị Tỷ-kheo: 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các ông hiện nay đang ngồi bàn vấn đề gì? Câu chuyện gì của các ông bị gián đoạn? 

Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi ăn xong, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi tụ họp tại hội trường và câu chuyện sau này được khởi lên: “Thật vi diệu thay, chư hiền giả! Thật hy hữu thay, chư hiền giả! Thân hành niệm này, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có công đức lớn, đã được Thế Tôn tuyên bố, bậc tri giả, kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác”. Bạch Thế Tôn, câu chuyện này của chúng con chưa bàn xong, thời Thế Tôn đến. 

Và này các Tỷ-kheo, thân hành niệm tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, có quả lớn, có công đức lớn? Ở đây này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Chánh niệm vị ấy thở vô. Chánh niệm vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy biết “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy biết “Tôi thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn vị ấy biết “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. 

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi biết rằng “tôi đi”, hay đứng biết rằng “tôi đứng”, hay ngồi biết rằng “tôi ngồi”, hay nằm biết rằng “tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo khi bước tới, bước lui biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Tăng-già-lê (Sanghāty) mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng biết rõ việc mình đang làm. 

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát thân này, từ dưới bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quan sát “Đây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi.” Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một vị Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. 

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát thân này về các vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. Này các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần ngay tại ngã tư đường. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. 

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo, như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Vị Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy. 

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài đã can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Vị Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy. 

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại… Với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại… Chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương dầu. Vị Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật… (như trên)… Vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ ở trong nghĩa địa chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc… chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm… chỉ còn là xương thối trở thành bột. Vị Tỳ-kheo quán thân ấy như sau: Thân này tính chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật… (như trên)… vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly tham, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly tham sanh, với tâm và tứ. Vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly tham sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly tham sanh ấy thấm nhuần. 

Này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân hình với hỷ lạc do ly tham sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly tham sanh ấy thấm nhuần. Trong khi vị ấy sống không phóng dật… (như trên)… vị Tự-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tu, chung và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh không tầm không tử, nội tình nhất tâm. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. 

Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương đông không có lỗ nước chảy ra, phương tây không có lỗ nước chảy ra, phương bắc không có lỗ nước chảy ra, phương nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Trong khi vị ấy sống không phóng dật… (như trên)… vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ, không có hỷ ấy thấm nhuần. Như vậy, vị Tỷ-kheo an trú không phóng dật… (như trên)… vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Này các Tỷ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng, không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ, không có hỷ ấy thấm nhuần. Như vậy vị Tỷ-kheo an trú không phóng dật… (như trên)… vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị Tỷ-kheo ấy ngồi, thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. 

Này các Tỷ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Trong khi vị ấy sống an trú không phóng dật… (như trên)… vị Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm. 

Này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập, làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm (Antogadhā) đều thuộc về minh phần (Vijjābhāgiyā). Ví như này các Tỷ-kheo, biển lớn của ai được thấm nhuần bởi tâm, thời các con sông của vị ấy đi vào trong biển, đều thuộc về biển lớn. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm, đều thuộc về minh phần. Này các Tỷ-kheo, đối với vị Tỷ-kheo nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, thời Ma (vương) có cơ hội với vị ấy, Ma (vương) có cơ duyên với vị ấy. Ví như này các Tỷ-kheo, có người quăng một hòn đá nặng vào một đống đất sét ướt nhuyễn, này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Có phải hòn đá nặng ấy có cơ hội lún sâu vào đống đất sét ướt nhuyễn ấy? 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma (vương) có cơ hội với vị ấy, Ma (vương) có cơ duyên với vị ấy. Ví như này các Tỷ-kheo, một cây khô không có nhựa, có người đến cầm phần phía trên của đồ quay lửa và nói: “Tôi sẽ làm cho ngọn lửa sanh ra, tôi sẽ làm cho sức nóng hiện lên”. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy mang đến phần phía trên của đồ quay lửa, quay với cành cây khô không có nhựa ấy, người ấy có làm cho ngọn lửa sanh ra, có làm cho sức nóng hiện lên không? 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma (vương) có cơ hội với vị ấy, Ma (vương) có cơ duyên với vị ấy. Ví như này các Tỷ-kheo, một bình nước, trống rỗng, trống không, được đặt trên cái giá, có một người đi đến, mang theo đầy nước. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ nước (vào bình) không? 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma (vương) có cơ hội với vị ấy, Ma (vương) có cơ duyên với vị ấy. 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội với vị ấy, Ma (vương) không có cơ duyên với người ấy. Ví như này các Tỷ-kheo, có người quăng một trái banh dây nhẹ vào một cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Trái banh dây nhẹ ấy có cơ hội đối với cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây không? 

– Thưa không, bạch Thế Tôn. 

– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội đối với vị ấy, Ma (vương) không có cơ duyên đối với vị ấy. Ví như này các Tỷ-kheo, một cây ướt có nhựa, rồi một người đi đến mang theo phần trên đồ quay lửa và nói: “Tôi sẽ làm cho lửa sanh ra, tôi sẽ làm cho hơi nóng hiện lên”. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy mang theo phần trên đồ quay lửa, quay với các cây ướt và có nhựa, có thể làm cho lửa sanh ra, làm cho hơi nóng hiện lên được không? 

– Thưa không, bạch Thế Tôn. 

– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội đối với vị ấy, Ma (vương) không có cơ duyên đối với vị ấy. Ví như này các Tỷ-kheo một bình nước đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá, rồi có ông đi đến, mang theo đầy nước. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ được nước vào (bình ấy) không? 

– Thưa không, bạch Thế Tôn. 

– Cũng vậy này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội đối với người ấy, Ma (vương) không có cơ duyên đối với người ấy. 

Giảng:

Hán tạng và Pāli có sự khác biệt về địa danh. Theo Hán tạng, Phật nói kinh này tại A-hòa-na-kiện-ni, nước Ương kỳ, còn Pāli thì nói tại nước Xá-vệ. Vấn đề bàn luận giữa các Tỳ-kheo thì bên Hán tạng nói gọn hơn, Pāli thuật lại rõ hơn, nội dung giống nhau. Phần dạy tu có các điểm đáng chú ý.

Điểm thứ nhất, mở đầu pháp tu, Pāli dạy tu quán hơi thở trước. Bởi hệ Pāli trọng về hơi thở nên đầu tiên dạy về quán hơi thở rồi mới đến quán thân, quán bất tịnh.

Hán tạng sắp thứ tự khác với Pāli. Đầu tiên dạy quán trên hình thức các oai nghi, đi, đứng, ngồi, nằm; kế là quán tâm, rồi sau mới quán hơi thở. Sau khi quán hơi thở kết quả được định Tứ thiền, được kết quả này rồi mới dạy quán bất tịnh. Sắp thứ tự như thế không hợp lý chút nào.

Bên Pāli đầu tiên quán hơi thở, quán oai nghi, đi, đứng, ngồi, nằm; đến quán giới phân biệt, sau cùng mới quán bất tịnh từ ba mươi sáu vật trong thân, lần lần quán đến thây chết, quán xương… Quán bất tịnh xong rồi đạt kết quả từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Thứ tự như vậy hợp lý. Song Pāli không nói về phép quán quang minh, Hán tạng có nói đến quán quang minh, tức là pháp quán về ánh sáng. Ban đầu quán ánh sáng trùm

hết người, lần lần khắp cả bầu trời. Khi ánh sáng bủa khắp bầu trời là tâm mình đã được định. Nên trong kinh đây nói: Khéo nhớ cảnh niệm như trước sau cũng vậy, như sau trước cũng vậy.

Tức là phía trước sáng thì phía sau cũng sáng, rồi như sau trước cũng như thế. Nếu chỉ thấy sáng phía trước mà không thấy sáng phía sau thì không được.

Tiếp theo là quán tướng, nghĩa là quán tướng màu sắc xanh, vàng, trắng, đỏ. Như quán màu xanh, ban đêm thắp một ngọn đèn rồi đặt tấm kiếng màu xanh phía sau, để ánh ra màu xanh. Quán tưởng màu xanh ban đầu là một vầng nhỏ, sau trùm lan ra khắp, đến khi quán được trùm khắp cả bầu trời toàn màu xanh, đó là thành công. Quán màu đỏ… cũng vậy. Lối quán tướng này thấy chỉ một màu thôi, cũng là phương tiện để tâm dừng trụ.

Tuy hai hệ có khác nhau về phần thứ tự nhưng nội dung mỗi phần dạy tu đều không khác. Trong phần nói về Tứ thiền bên Pāli nói rõ hơn: Lại này các Tỳ-kheo! Vị Tỳ-kheo ly tham, ly pháp ác, chứng và an trú thiền thứ nhất. Hán tạng chỉ nói lìa dục được hỷ lạc. Đây nói ly tham ly ác pháp rồi hướng về thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly tham sanh với tầm tứ. Tầm nghĩa là tìm, tứ nghĩa là suy nghĩ. Tầm tứ là tìm và suy nghĩ. Chỗ khác nói là giác và quán. Do vì còn tìm kiếm suy nghĩ mới hướng về thiền thứ nhất, tâm chưa được định. Đến khi Tỳ-kheo diệt tầm và tử tức là dứt tìm kiếm, lúc đó mới được định. Chính là thiền thứ hai, gọi là Định sanh hỷ lạc.

Như vậy thứ nhất là ly tham ly pháp ác mà được hỷ lạc. Đến thiền thứ hai thì suy nghĩ và quán sát lặng xuống và định sanh, do định nên phát sanh hỷ lạc. Như vậy tầm tứ hay giác quán còn trong giai đoạn của Sơ thiền. Khi ngồi thiền có lúc chúng ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng thảnh thơi, nhưng vẫn còn niệm, cũng tương đương với thiền thứ nhất rồi. Không phải chứng Sơ thiền là hoàn toàn định, chỉ có niệm ly tham ly pháp ác. Ngày xưa đeo đuổi theo dục lạc, bây giờ tỉnh giác nên chán ngán, xem thường không theo, đó là ly.

Do thấy sự tiến bộ không còn theo đuổi dục lạc nên vui mừng. Từ sự vui mừng hân hoan rồi tu tiến lên đến thiền thứ hai là diệt được tầm tứ, đạt được trạng thái hỷ lạc do định sanh không tầm không tứ, an tĩnh nhất tâm. Đến thiền thứ ba là Ly hỷ diệu lạc được niềm vui vi tế nhẹ nhàng, không còn cảm nhận lạc thọ. Chỗ này bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, tức là xả cái hỷ trước còn cái vui sau.

Đến Tứ thiền là không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Bậc thiền thứ tư là xả tất cả cảm giác vui, mừng, cho đến vui nhẹ, không còn một niệm, được an trú Tứ thiền.

Pháp tu của chúng ta không qua các trạng thái này, khi qua rồi phải bỏ hết vì nó không thật. Chỉ ứng dụng pháp xả thôi. Do người tu cột tâm trong từng hành động, oai nghi rất đắc lực nên có các trạng thái trên. Khi phấn khởi tu tập tiến lên được an trú nên tâm có nhuần thấm phát sanh hỷ lạc… Chúng ta không cột tâm mà ứng dụng pháp sau chót thuộc Tứ thiền nên không qua trạng thái một, hai và ba, chỉ đi thẳng vào Xả niệm thanh tịnh.

So sánh hai bên, bên Hán tạng có thêm các chi tiết quán quang minh, quán tướng, bên Pāli không có. Nhưng Hán tạng lại sắp xếp thứ tự không hợp lý là bốn thứ thiền lại nằm giữa chừng trong các pháp quán, bên Pāli thứ tự trước sau hợp lý hơn.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Nếu có người tu tập niệm thân như thế truyền bá rộng như thế, các pháp lành thảy đều ở trong ấy. Nghĩa là pháp đạo phẩm vậy. Nếu người kia có tâm nghĩ là đầy khắp. Ví như biển cả các sông nhỏ thảy đều dồn về trong. Nếu có người, tu tập niệm thân như thế, truyền bá rộng như thế, các pháp lành thảy đều ở trong. Nghĩa là pháp đạo phẩm vậy. 

Giảng:

Pháp đạo phẩm nghĩa là tất cả pháp tu của hệ A-hàm đều nằm trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nên nói người có tu tập niệm thân thì tất cả pháp lành đều nằm trong đạo phẩm, cứ thế truyền bá rộng rãi được nhiều lợi ích lớn.

Chánh văn: 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí không chánh lập niệm thân, thiểu tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình cầu có dịp tốt, ắt dễ được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không có niệm thân. Ví như cái bình trống không nước, để ngay thẳng dưới đất, nếu có người mang nước đến đổ vào bình, Tỳ-kheo nghĩ sao? Bình kia sẽ nhận nước chăng? 

Tỳ-kheo đáp: 

Bạch Thế Tôn, nhận. Vì cớ sao? Vì trong bình không nước, để ngay thẳng dưới đất nên phải nhận nước. 

– Như thế, nếu có Sa-môn, Phạm chí không chánh lập niệm thân, thiểu tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình cầu có dịp tốt, ắt dễ được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không có niệm thân. 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh lập niệm thân, vô lượng tâm tự tại. Kia bị ma Ba-tuần theo rình tìm có dịp tốt, trọn không thể được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia có niệm thân. Ví như cái bình chứa đầy nước ở trong, để ngay thẳng dưới đất, nếu có người mang nước lại đổ vô. Tỳ-kheo nghĩ sao? Bình kia lại nhận nước chăng? 

Tỳ-kheo đáp: 

– Bạch Thế Tôn, không. Vì cớ sao? Vì trong bình kia chứa nước đầy, để ngay thẳng dưới đất nên không nhận nước. 

– Như thế, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh lập niệm thân, vô lượng tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình cầu có dịp tốt, trọn không thể được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia có niệm thân. 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí không chánh lập niệm thân, thiểu tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình tìm dịp tốt, ắt dễ được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không niệm thân. Ví như lực sĩ ôm hòn đá lớn nặng ném xuống vũng bùn, Tỳ-kheo nghĩ sao? Vũng bùn có nhận hòn đá chăng? 

– Bạch Thế Tôn, nhận. Vì cớ sao? Vì bùn mềm đá nặng, nên phải nhận. 

– Như thế, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh lập niệm thân, vô lượng tâm tự tại, kia bị ma Ba tuần theo rình cầu có dịp tốt, trọn không thể được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia có niệm thân. 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh lập niệm thân, vô lượng tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình tìm dịp tốt, trọn không thể được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia có niệm thân. Ví như lực sĩ lấy lông cừu nhẹ ném trên mặt cửa phẳng. Tỳ-kheo nghĩ sao? Mặt cửa có nhận lông cừu chăng? 

– Bạch Thế Tôn, không. Vì cớ sao? Vì lông cừu nhẹ, mặt cửa phẳng đứng nên không thể nhận. 

– Như thế, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh lập niệm thân, vô lượng tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình tìm dịp tốt, trọn không thể được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia có niệm thân. 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí không chánh lập niệm thân, thiểu tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình tìm dịp tốt, ắt dễ được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không có niệm thân. Ví như người lấy lửa dùng miếng gỗ khô làm mẫu lấy cây dùi dùi, Tỳ-kheo nghĩ sao? Người kia làm như thế được lửa chăng? 

– Bạch Thế Tôn, được. Vì cớ sao? Vì người kia dùng dùi dùi cây khô ắt được lửa. 

– Như thế, nếu có Sa-môn, Phạm chí không chánh lập niệm thân, thiểu tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình tìm dịp tốt, ắt dễ được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không có niệm thân. 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh lập niệm thân, vô lượng tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình có dịp tốt, trọn không thể được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia có niệm thân. Ví như người lấy lửa mà dùng cây ướt làm mẫu lấy dùi dùi. Tỳ-kheo nghĩ sao? Người kia làm như thế được lửa chăng? 

– Bạch Thế Tôn, không. Vì cớ sao? Vì người kia dùi cây ướt nên không được lửa. 

– Như thế, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh lập niệm thân, vô lượng tâm tự tại, kia bị ma Ba-tuần theo rình tìm dịp tốt, trọn không thể được. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia có niệm thân. 

Giảng:

Phật dùng thí dụ rất rõ. Thí dụ thứ nhất, một chiếc bình trống không, có người đem nước đổ vô, tự nhiên bình nhận nước. Ngược lại, nếu là bình đầy mà đem nước đổ vô, tự nhiên nước tràn ra. Chúng ta phải lưu tâm chỗ này. Tu theo thiền niệm thân là cột tâm nơi thân, tâm lúc nào cũng lo nhớ thân, không nhớ chuyện khác, nên việc bên ngoài không chen vào được, ma Ba-tuần không cơ hội. Còn chúng ta tu chuyên về buông xả, tuy xả nhưng không phải để tâm trống rỗng, vì buông xả cũng là một lối niệm thân. Chúng ta nhìn thấy tâm sanh, tâm diệt, thấy rõ niệm đang dấy lên hay không dấy lên. Niệm dấy lên liền thấy không theo, niệm không dấy lên thì biết lúc đó không niệm. Luôn luôn thấy như vậy, đó là niệm thân, như bình đầy nước không phải bình trống. Nhiều người hiểu lầm khi tu buông xả hết nên tâm trống rỗng như bình trống, cái gì đổ vô cũng được, như vậy không có lợi ích.

Thí dụ thứ hai, nếu người ôm cục đá nặng ném xuống bùn, đá nặng bùn mềm nên cục đá chìm. Cũng như người không tu tập niệm thân, ma có cơ hội tốt phá hoại người đó.

Thí dụ thứ ba là đem lông cừu nhẹ ném trên mặt cửa phẳng, lông có dính lại không? Vì lông nhẹ nên không dính. Cũng như người có niệm thân, ma không thể phá hoại.

Thí dụ thứ tư là cách lấy lửa. Người không có niệm thân như người lấy miếng ván mỏng khô rồi dùng cây cọ xát trên đó, miếng ván khô sẽ phát ra lửa. Cũng vậy, ma sẽ có cơ hội tốt với người không tu tập niệm thân. Người có niệm thân như người dùng miếng ván ướt lấy lửa, dù cọ xát thế nào cũng không ra lửa. Đó là ma không có cơ hội rình tìm phá phách.

Như người lúc bình tĩnh thì thấy không có gì kỳ lạ, nhưng khi bị ma nhập thì múa tay chân, miệng nói chuyện tầm phào, làm những việc xảo trá, ngụy biện. Chúng ta tu phải nhớ niệm thân, luôn tỉnh giác để không bị ma chen vào chỉ huy. Trong mọi hành động, mọi oai nghi đều nhớ niệm thân, hoặc quán hơi thở, quán bất tịnh, hoặc quán biết từng niệm của mình, tất cả việc nghe thấy qua đều bỏ, không dính mắc, không có gì bên ngoài chen vào. Tu mà để việc ngoài chen vào thì phiền não tràn đầy. Như lúc ngồi thiền nghe bên quán mở nhạc, nếu tâm hơi yếu thì những câu hát vô đầy, tâm chạy theo cảnh sẽ rối loạn lăng xăng. Ngược lại nếu chú tâm vào đề mục quán chiếu, tất cả hình sắc đáng ưa, âm thanh đáng mến dù có chen vào cũng tản mất không dính dáng. Biết niệm thân thì phiền não mỗi ngày một giảm, cạn mỏng dần.

Thế nên, người tu phải biết phương pháp niệm thân. Hệ Nguyên thủy áp dụng pháp niệm thân trong bốn oai nghi. Lúc đi, lúc ngồi… đều tự niệm thầm “Đi à! Ngồi à!” Lúc nào cũng gây ấn tượng nhớ mình đang làm việc gì, lặp đi lặp lại nhắc tới nhắc lui để cột tâm trong hành động. Chúng ta niệm thân không bắt buộc phải cột tâm trong từng hành động, nhưng phải ứng dụng trí tỉnh giác, trong lúc đi thì biết đi, niệm khởi thì không theo, thấy rõ từng niệm. Hai phương pháp này, pháp nào dễ hơn? Ưu khuyết ra sao?

Người tu cột tâm theo từng hành động. Khi quét nhà, quét ra cứ nhớ quét ra; lấy cây chổi nhớ mình lấy cây chổi; hành động nào cũng nhớ cột tâm trong đó.

Chúng ta thì lấy giác làm căn bản, khi niệm vừa khởi, buông không theo. Bên Nguyên thủy có ưu điểm là cột tâm trong hành động rất kỹ, nên ít bị cảnh bên ngoài chen vào. Nhưng do cột quá kỹ nên bị gò bó không được thong dong tự tại. Chúng ta không cột tâm kỹ, chỉ dùng trí thấy rõ niệm khởi không theo, khi không khởi thì biết không khởi. Luôn luôn thấy biết tế nhị như vậy, không cột tâm trong hành động nên không bó buộc. Như khi đi thì biết đi, không cần nhớ chân này bước lên chân kia để xuống, chỉ có niệm khởi không theo. Bên kia do tu tập khít khao nên dễ cho buổi ban đầu, nhưng sau thì thấy lúng túng. Chúng ta ban đầu thấy khó, do dùng pháp nhẹ nhàng, đi thì đi chơi thì chơi, không nhớ niệm thân, khi khởi niệm chạy theo vù vù, không biết mà chặn dừng lại.

Bên Nguyên thủy ưu ở chỗ chặt chẽ, mà khuyết về gò bó. Còn chúng ta ưu ở chỗ là tự tại thong dong, nhưng khuyết là không kềm chặt. Người trí giác lanh lẹ mới thấy và theo dõi được, nhưng phải tế nhị lắm mới thấy, thô tháo thì không thể thấy.

Tổ Lâm Tế nói: Người ngu cười ta, người trí biết ta. Người ngu thấy như chúng ta không có tu, vì không trì chú, không niệm Phật, chỉ đi đứng thong dong tự tại. So với người khi để chân lên để chân xuống đều khéo nhớ, mọi hành động đều được khắc ghi thì thấy có tu rõ ràng. Bởi pháp tri vọng tế nhị nên rất khó, người căn cơ cạn mỏng không thể ứng dụng pháp tu này, người tế nhị ứng dụng thì rất hay, rất đặc biệt. Chúng ta phải xét tường tận chỗ ưu khuyết của mỗi pháp tu, phân biệt rõ ràng không nghi.

Chúng ta tu không phải đợi lúc ngồi thiền hay giờ tụng kinh mới tu. Hằng ngày trong mỗi hành động, mỗi oai nghi đều nhớ niệm thân. Tu hành miên mật, ma không chen vào, không phiền não, hơn thua. Ma ở đây không phải là loài biến hiện, có nanh vuốt dữ dằn, mà chính là vọng tưởng dối gạt khiến tâm chạy theo cảnh. Nghe người chửi sanh phiền não, đó là ma. Nếu tỉnh giác thì giả sử người ta chửi mình cũng không cần nghe, làm gì phiền não? Người tu lơ mơ, không kỹ, không cẩn mật, để tâm trống như cái bình rỗng nên ai bỏ thứ gì cũng chứa.

Người tu chân chánh luôn luôn phải nhớ giữ tâm không chạy theo cảnh, lúc nào cũng chăn giữ, lúc nào cũng coi chừng trâu. Mục đồng chăn trâu khi trâu ở đâu, đang ăn uống hay đứng nằm gì cũng phải biết. Được như vậy thì dù ở chung với nhau cả ngàn người cũng không có việc gì xảy ra, ai cũng lo chăn con trâu của mình, không dòm ngó gì ai hết, ma nào chen vô được. Nếu không thì cả ngày đêm cùng sống với ma, bị ma sai sử.

Đoạn kinh này Phật dạy rất kỹ, rất rõ. Chúng ta so sánh để áp dụng tu theo pháp tri vọng, kết quả chắc chắn không sai.

Chánh văn: 

Người tu niệm thân như thế, truyền bá như thế sẽ có mười tám công đức: 

Tỳ-kheo ấy hay nhẫn đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng thổi ngặt, cũng hay nhẫn mắng chửi đánh đập, thân mắc các bệnh rất đau đớn cho đến mạng sắp chết, kham chịu tất cả thứ không vui. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ nhất. 

Tỳ-kheo kham chịu những điều không vui. Nếu sanh việc không vui trọn không lưu tâm. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ hai. 

Tỳ-kheo kham chịu những việc kinh sợ. Nếu sanh việc sợ trọn không lưu tâm. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ ba. 

Tỳ-kheo sanh ba niệm ác: niệm dục, niệm sân, niệm hại. Nếu sanh ba niệm ác trọn không dính mắc. Tâm tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy. 

Tỳ-kheo lìa dục, lìa pháp ác chẳng lành, đến đệ tứ thiền, thành tựu tự tại. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá rộng như thế, ấy là công đức thứ tám. 

Tỳ-kheo ba kết đã hết, được quả Tu-đà-hoàn không rơi vào pháp ác, quyết định tiến đến chánh giác, tột bảy phen qua lại cõi trời nhân gian rồi vào Niết-bàn. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ chín. 

Tỳ-kheo ba kết đã hết, tham sân si được mỏng, một phen qua lại cõi trời nhân gian rồi vào Niết-bàn. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ mười. 

Tỳ-kheo năm phần kết thấp đã hết, sanh trong khoảng kia vào Niết-bàn, được pháp không thối, không trở lại cõi này. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ mười một. 

Tỳ-kheo nếu có dứt giải thoát, lìa Sắc được Vô sắc, như tượng định kia thân chứng thành tựu tự tại, dùng trí tuệ quán biết lậu, dứt lậu. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy. 

Tỳ-kheo được Như ý túc, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Sanh tử trí, các lậu đã hết được vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong hiện đời tự biết, tự giác, tự chứng thành tựu tự tại, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau, biết như thật. Tu tập niệm thân như thế, truyền bá như thế, ấy là công đức thứ mười tám. 

Phật nói như thế, các thầy Tỳ-kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Người tu tập niệm thân như thế, truyền bá rộng như thế, sẽ được mười tám công đức.

Công đức thứ nhất là nhẫn được nóng bức khó chịu của thân, nhẫn được cảm thọ đau đớn khi thân bệnh sắp chết. Có được công đức này là do tu tập niệm thân, làm chủ tâm, cột tâm một chỗ nên không bị ngoại cảnh chi phối. Khi làm chủ tâm rồi sẽ nhẫn được những điều khó nhẫn.

Công đức thứ hai thứ ba, là kham nhẫn những việc không vui, những việc kinh sợ. Dù những điều ấy có xảy ra cũng không lưu tâm, chỉ một bề lo cột tâm, tu tập niệm thân nên có điều gì khác lạ cũng không quan tâm.

Công đức thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy là được xa lìa ba niệm ác: niệm dục, niệm sân, niệm hại, khi chúng khởi lên một mình hay khởi lên cả ba cũng đều không dính mắc. Các thứ niệm ác này làm ngăn trở chánh niệm, nếu Tỳ-kheo giữ tâm kỹ, luôn luôn niệm thân chuyên cần thì chúng không thể nào xâm chiếm.

Công đức thứ tám là đạt được Tứ thiền. Sau khi nhẫn chịu những bức bách của thân tâm, xa lìa tất cả dục niệm và pháp chẳng lành, Tỳ-kheo được tâm an định nên nhập thiền dễ dàng.

Công đức thứ chín, do niệm thân mà chứng được quả Tu-đà-hoàn, không còn rơi vào pháp ác, quyết định tiến đến chánh giác, tột bảy phen qua lại cõi người, trời. Tu-đà-hoàn là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch nghĩa là Thất lai, tức là bảy phen qua lại nhân gian rồi tiến lên Thánh quả A-la-hán. Cũng gọi là Dự lưu, là được dự vào dòng thánh.

Công đức thứ mười, Tỳ-kheo đoạn ba kết, nhân đó tham, sân được mỏng (mỏng chứ chưa phải hết), một phen qua lại cõi trời nhân gian rồi vào Niết-bàn, được quả Tư-đà-hàm hay gọi Nhất lại. Ba kết là kiến (thân kiến), giới thủ, nghi. Ba kết đoạn dứt tức là không còn chấp ngã, không còn chấp chặt tà giới và bặt hết nghi ngờ.

Công đức thứ mười một, Tỳ-kheo đoạn dứt năm phần kết thấp. Năm phần kết thấp cũng gọi là ngũ hạ phần kết, tức năm thứ trói buộc chúng sanh ở trong cõi Dục, cõi thấp nhất so với cõi Sắc và Vô sắc. Đó là tham, sân, thân kiến, giới thủ, nghi. Tỳ-kheo tu tập niệm thân thành tựu chứng được Sơ quả gọi là vào dòng thánh. Vào dòng thánh rồi tiếp tục tu, dứt được ba kết trong năm phần kết, còn sót lại tham và sân cạn mỏng gọi là chứng quả Tư-đà-hàm. Tu tăng tiến dần chấm dứt cả tham và sân, nên gọi là năm phần kết thấp đã hết.

Do công đức này được chứng Tam quả A-na-hàm, sanh trong khoảng kia vào Niết-bàn tức sanh trong cõi trời A-na-hàm, không trở lại nhân gian nên gọi là được pháp không thối, không trở lại cõi này. Vị chứng quả A-na-hàm tuy không còn trói buộc ở cõi Dục nhưng còn trói buộc ở cõi Sắc, ở tại cõi trời Ngũ Tịnh Cư hay cõi trời Ngũ Na-hàm: Vô Phiền thiên, Vô Nhiệt thiên, Thiện Hiện thiên, Thiện Kiến thiên, Sắc Cứu Cánh thiên. Bậc Thánh A-na-hàm ở Sắc giới do chưa dứt sạch ngũ thượng phần kết, tức là năm thứ trói buộc ở cõi Sắc và Vô sắc: Sắc ái, Vô sắc ái, trạo cử, mạn, vô minh. Các vị này tiếp tục tu tập để tiến lên quả A-la-hán, hoặc chỉ còn một đời sẽ nhập Niết-bàn.

Các công đức thứ mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy là phần tiếp tục khi đã thành tựu các công đức ở trước. Vị thánh đến đây được giải thoát các lậu hoặc, thân tự tại ra khỏi trói buộc của cõi Sắc, cõi Vô sắc.

Công đức thứ mười tám là chứng quả A-la-hán, đầy đủ lục thông, không còn thọ thân sau.

Tóm lại, tu tập niệm thân là pháp căn bản giúp chúng ta tiến lên các bậc thiền, chứng đắc từ Sơ quả đến viên mãn quả A-la-hán.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

– Này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt đạt được sự tinh xảo (của pháp ấy) dầu thuộc giới xứ nào. Ví như này các Tỷ-kheo, một bình nước đầy tràn đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá, có người lực sĩ đến và lắc qua lắc lại cái bình ấy, như vậy, nước có thể trào ra ngoài không? 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

– Cũng vậy này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo (của pháp ấy) dầu thuộc giới xứ nào. Ví như một hồ nước trên miếng đất bằng, bốn phía đều có đê đắp làm cho vững chắc, và tràn đầy nước đến nỗi con quạ có thể uống được. 

Rồi có người lực sĩ đến và phá một khúc đê, nước có thể tràn ra ngoài không? 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

– Cũng vậy này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo (của pháp ấy) dầu với xứ nào. Ví như này các Tỷ-kheo, trên đất bằng tại chỗ ngã tư có một chiếc xe đậu, thắng với những con ngựa thuần thục, có roi ngựa đặt ngang sẵn sàng, có người mã thuật sư thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy. Tay trái nắm dây cương, tay mặt cầm lấy roi ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui, tại chỗ nào và như thế nào, theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo (của pháp ấy) dầu với giới xứ nào. 

Này các Tỷ-kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như thành cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể được mong đợi. Thế nào là mười? 

Lạc bất lạc được nhiếp phục, và bất lạc không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc được khởi lên. 

Khiếp đảm sợ hãi được nhiếp phục, và khiếp đảm sợ hãi không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm sợ hãi được khởi lên. 

Vị ấy kham nhẫn được lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài rắn rết, các cách nói khó chịu, khó chấp nhận. Vị ấy có khả năng chịu đựng được những cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, thô bạo, chói đau, bất khả ý, bất khả ái, đưa đến chết điếng. 

Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, vị ấy chứng được bốn thiền, thuần túy tâm tư, hiện tại lạc trú. 

Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền. Ngồi kiết-già đi trên không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy. Có thể, thân có thần thông bay cho đến Phạm thiên. 

Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư thiên và loài người, ở xa hay ở gần. 

Với tâm của vị ấy, vị ấy biết tâm của các chúng sanh, các loài người: Tâm có tham, biết tâm có tham. Tâm không tham, biết tâm không tham. Tâm có sân, biết tâm có sân. Tâm không sân, biết tâm không sân. Tâm có si, biết tâm có si. Tâm không si, biết tâm không si. Tâm chuyên chú, biết tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết tâm tán loạn. Tâm đại hành, biết tâm đại hành. Tâm không đại hành, biết tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, biết tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, biết tâm vô thượng. Tâm thiền định, biết tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết tâm không thiền định. Tâm giải thoát, biết tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát. 

Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời… (như trên)… Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ với các nét đại cương và chi tiết. Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. 

Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, vị ấy chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc. 

Này các Tỷ-kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể mong đợi. 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. 

Giảng:

Hai bên Pāli và Hán tạng có những điểm khác nhau về thí dụ. Hán tạng dùng thí dụ cái bình trống và bình đầy hoặc dùng miếng ván khô, miếng ván ướt để lấy lửa, cho thấy trong trường hợp tâm đầy đủ tỉnh giác thì không có vật gì bên ngoài chen vào. Pāli dùng hình ảnh bình nước đầy tràn dễ lay đổ hay chiếc xe có con ngựa thuần thục dễ điều khiển, dụ cho người tu tập niệm thân đến giai đoạn tinh xảo đắc lực thì có diệu dụng muốn làm gì đều toại nguyện.

Kết quả của thân hành niệm được tu tập thực hành viên mãn, hai bên khác nhau chút ít về chi tiết, nhưng phần lớn công đức đạt được đều giống nhau. Pāli nói có mười công đức, không phân chia rõ ràng như Hán tạng. Các công đức nhiếp phục kham nhẫn những sự khó chịu bức bách về lạnh, nóng, đói khát, sợ hãi, ruồi muỗi, rắn rết, lời nói không vui… cho đến chịu đựng các cảm thọ khổ đau của thân đến nỗi chết điếng, người tu tập thân hành niệm đều đạt được.

Sau đó là công đức chứng đắc từ Sơ thiền đến Tứ thiền một cách dễ dàng tùy ý. Có được sáu thần thông, biến hiện tự tại, biết được túc mạng của mình và chúng sanh, diệt trừ tất cả lậu hoặc. Cuối cùng là chứng đạt và an trú trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Pāli nói gọn gàng cô đọng hơn Hán tạng, không nói các công đức chứng từ Sơ quả đến Tứ quả nhưng kết luận vẫn đưa đến sự giải thoát viên mãn.

Như vậy ý chính của hai bản kinh Niệm Thân và Thân Hành Niệm (Kāyagatāsati Sutta) là dạy rõ pháp tu, pháp quán chú tâm cẩn mật vào hơi thở, vào những cử động của thân để tâm không rảnh rỗi buông lung chạy ra ngoài. Đây là pháp môn căn bản thiết yếu nhất của người tu thiền. Chúng ta cũng áp dụng pháp tu biết vọng triệt để, nhờ vậy trí tuệ phát sanh, dừng vọng, nhận ra ông chủ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.